© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Con đường xã há»™i - dân chủ
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
12.5.2008
Phong Uyên
Từ bỏ chủ nghĩa Marx-Lenin Stalinist để trở về với Dân chủ Xã hội có phản bội Marx không?
 
Từ hơn nửa thế kỷ nay chủ nghĩa Marx-Lenin đã trở thành quốc giáo, được khẳng định trong Hiến pháp và hiện đang chiếm mười lăm phần trăm thời trình bắt buộc của mỗi sinh viên đại học. Thời trung cổ, môn Thần học Công giáo bị bắt buộc phải được giảng dậy ở Đại học Sorbonne cho sinh viên toàn cõi châu Âu cũng không chiếm một thời lượng lớn như vậy.

Trừ các vị tiến sĩ trong Ban Tuyên giáo Trung ương, ai cũng biết rằng vào năm 1924, Stalin đã tự bầy đặt ra chủ nghĩa Marx-Lenin này để củng cố quyền thế của mình. Thật ra, ngay cả cái mà hiện nay đang được gọi là “chủ nghĩa Marx” (Marxisme) cũng không phải do chính Marx đề xướng từ nguyên thuỷ; về điều này Marx đã từng nói “tôi không phải là người Marxist.” Chỉ có một học thuyết được Marx và Engels trình bầy trong bản Tuyên ngôn Cộng sản và trong cuốn Tư bản luận. (Trong bài viết này, những tư tưởng của Marx và Engels trong hai trước tác đó sẽ được tạm gọi là ‘học thuyết Marx-Engels’.) Học thuyết này được Engels hoàn chỉnh thành một chủ nghĩa gọi là Dân chủ Xã hội vào năm 1889, sáu năm sau khi Marx mất.

La Thành, trong bài viết mới đây “Cuộc hẹn mới của dân chủ?”, có đề nghị đối lập dân chủ nên chọn Dân chủ Xã hội làm mô hình để thúc đẩy phong trào dân chủ tiến triển và đi đến sự đồng thuận. Tôi xin bổ sung thêm là mô hình này cũng có khả năng thuyết phục các nhà lãnh đạo có tư tưởng tiến bộ trong Đảng Cộng sản Việt Nam, bởi hoàn toàn có thể chứng minh được rằng nó không phản bội Marx. Đây không phải là việc khó: chỉ cần ôn lại những diễn tiến trong việc triển khai học thuyết Marx-Engels từ khi có bản Tuyên ngôn Cộng sản năm 1848 cho tới khi Engels mất (1895).

Trước hết tôi thấy cần phải nhắc lại là trong thân thế và sự nghiệp của Marx và Engels có nhiều mối liên quan mật thiết giải thích sự thành hình sau này của chủ nghĩa Dân chủ Xã hội:
Có thể nói Marx là một nhà triết học đã “dấn thân” thành một lý thuyết gia kinh tế chính trị. Vì vậy cần phải phân biệt rõ ràng hai phần trong hệ tư tưởng của Marx là Triết học và Kinh tế học Chính trị (political economics).

Triết học Marx:

Từ thời cổ Hi Lạp cho tới ngày nay, trong triết học vẫn có hai xu hướng: xu hướng “duy vật” (matérialisme) với Democrite, Epicure, và xu hướng “duy tâm” (idéalisme) theo Platon. Trung thành với những ý tưởng đã được bảo vệ trong luận án của mình, Marx tiếp tục truyền thống triết học duy vật, nhưng cái độc đáo của Marx là đã gắn triết học duy vật với biện chứng pháp của Hegel. Có điều là phép biện chứng Hegel chỉ là biến thể của phép biện chứng “duy tâm” Platon. Để khắc phục mâu thuẫn “duy vật” / “duy tâm”, Marx đưa ra khái niệm “duy vật lịch sử”, hàm nghĩa là những hiện tượng lịch sử tuy không phải là vật chất nhưng phát sinh từ vật chất. Tóm lại, triết lý của Marx về lịch sử là lý thuyết duy vật [về một đối tượng] phi vật chất.

Cũng như mọi triết gia từ thượng cổ tới nay như Aristote, Platon, Descartes, Spinoza, Kant, Hegel, Sartre v.v... Marx sẽ có chỗ đứng đời đời trong triết học. Comte-Sponville, một nhà triết học duy vật Pháp, khi tranh luận với nhà khoa học Jean Staune đã nói: “Một lí thuyết khoa học có thể chỉ mấy chục năm là đã lỗi thời và bị quên lãng; một lí thuyết triết học vẫn luôn luôn có giá trị vì không ai có thể phản bác được.”

Kinh tế học Chính trị của Marx:

Căn bản tư tưởng kinh tế chính trị của Marx nằm trong hai tác phẩm nổi tiếng là Tuyên ngôn của Đảng Cộng sảnTư bản luận. Những khám phá mới đây cho thấy trong hai tác phẩm này khó mà phân biệt được phần nào là của Marx, phần nào là của Engels.

Năm 1847, Marx thảo một bản pamphlet (một thể văn đả kích), trong đó Marx lặp lại gần như toàn diện những nguyên lý cộng sản chủ nghĩa của Engels. Engels góp ý với Marx là phải trình bầy làm sao cho dễ hiểu và phải tìm một nhan đề thật kêu để lôi cuốn. Bài “đả kích” (pamphlet) được biến thành một “tuyên ngôn” (manifeste): Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (tiếng Anh The Manifesto of the Communist Party, tiếng Đức Manifest der Kommunistischen Partei). Thật ra thời đó chưa có đảng cộng sản nào mà chỉ có “Liên đoàn Những người Cộng sản” (Ligue des Communistes), mà tên đầu tiên là “Liên đoàn Những người Công chính” (Ligue des Justes). Ngay cả câu “Vô sản mọi xứ trên toàn cầu hãy hợp nhất lại!” cũng là theo ý của Engels, chứ mới đầu Marx chỉ muốn đưa ra châm ngôn “Mọi người đều là anh em!” Có lẽ Marx đã chịu ảnh hưởng của phương châm “Tự do, Bình đẳng, Huynh đệ” từ hồi Cách mạng Pháp.

Bắt đầu từ 1865, Marx đã bỏ rất nhiều công sức viết cuốn Tư bản luận. Nhưng chỉ có tập đầu xuất bản năm 1875 (và được dịch từ đây ra tiếng Pháp) là có sự kiểm tra của Marx. Tập II và tập III được biên soạn bởi Engels: tập II xuất bản năm 1885, tập III năm 1894. Tập IV do Karl Kautsky biên tập và xuất bản năm 1905–1910. Tuy nhiên, mới đây người ta đã công bố các tập sau của bộ Tư bản luận mà David Ryazanov (một học giả Mác-xít theo Bôn-sê-vích đã bị Stalin xử bắn năm 1938) dịch từ bản thảo viết tay của Marx: có rất nhiều khác biệt khi so sánh với các tập Tư bản luận mà Engels biên soạn, thậm chí nhiều đoạn đã bị thay đổi. Điều này khiến ta có thể đặt câu hỏi trong bộ Tư bản luận mà ta biết hiện giờ phần nào thật sự do Marx viết, phần nào do Engels tu bổ, đổi nghĩa? Cũng cần nói thêm là bộ Tư bản luận xuất bản ở Liên Xô từ thời Stalin, và có lẽ bây giờ vẫn còn được diễn giảng ở Việt Nam qua bản dịch của Nhà xuất bản “Tiến bộ” Moskva, sau này được Nhà xuất bản “Sự Thật” (nay là Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia trực thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) nối bản, chỉ là một version đã bị chỉnh lý lại theo ý Stalin.

Qua những phát hiện trên, ta có thể kết luận rằng phần triết học trong tư tưởng Marx là hoàn toàn của Marx. Nhưng những khái niệm về kinh tế chính trị là tài sản chung của hai người – Marx và Engels.

Sau khi Marx mất, lí thuyết Kinh tế Chính trị đã được Engels sử dụng như một công cụ đấu tranh, và khi chủ xướng Quốc tế Xã hội chủ nghĩa (l’Internationale Socialiste), hay còn gọi là Đệ nhị Quốc tế, Engels đã biến nó thành Chủ nghĩa Dân chủ Xã hội (Social-Démocratie, Social Democracy) để đấu tranh với chủ nghĩa tư bản. Đệ nhị Quốc tế có mục đích hợp nhất mọi tổ chức như các công đoàn, các Đảng Xã hội mỗi nước để kiến tạo một lực lượng quốc tế mỗi ngày một lớn mạnh có đủ sức mạnh đương đầu, đấu tranh trực diện với giới chủ tư bản siêu quốc gia. Các công đoàn có nhiệm vụ đấu tranh kinh tế, chống áp bức bóc lột, giành quyền lợi kinh tế cho giới cần lao. Các Đảng Xã hội (les parties socialistes, socialist parties) có nhiệm vụ đấu tranh chính trị, đòi công bằng xã hội và các quyền tự do dân chủ. Đến một lúc nào đó, cuộc đấu tranh trên hai mặt trận (kinh tế và chính trị) này đòi hỏi các Đảng Xã hội phải thay đổi tôn chỉ, trở thành các đảng Dân chủ Xã hội, có tư cách các phân bộ của một tổ chức duy nhất là Đệ nhị Quốc tế, tỷ như Đảng Xã hội Pháp còn mang tên là SFIO (‘Phân bộ Pháp của Công nhân Quốc tế’), hay như – cho tới năm 1919 – Đảng Công nhân Dân chủ - Xã hội Nga (PSDOR, cánh Bôn-sê-vích) do Lenin thủ lãnh vẫn là một phân bộ của Đệ nhị Quốc tế. Năm 1919, Lenin đổi tên Đảng Công nhân Dân chủ - Xã hội Nga (cánh Bôn-sê-vích) thành Đảng Cộng sản (Bôn-sê-vích) Toàn Nga, đồng thời thành lập Quốc tế Cộng sản (hay Đệ tam Quốc tế) gồm những người thuộc phái Bôn-sê-vích và những người đã li khai các đảng Dân chủ - Xã Hội các nước. Tuy nhiên, đến năm 1921, sau một cuộc nội chiến kéo dài ba năm và nền kinh tế kiệt quệ, Lenin đã quay trở lại một hình thức kinh tế tư bản giới hạn bằng “Chính sách Kinh tế Mới” (NEP) mà nếu phân tích kỹ, có thể coi nó như một biểu hiện của Chủ nghĩa Dân chủ - Xã hội.

Cũng cần nhắc lại là trước khi mất, Lenin đã để lại di chúc nói rõ Stalin là con người tàn bạo, cần phải kiếm người khác thay thế. Năm 1924, sau khi thâu tóm được quyền bính, Stalin đã mượn danh Marx ghép với tên Lenin để đặt tên cho chủ nghĩa của mình. Cái gọi là “chủ nghĩa Marx-Lenin” chính là và chỉ là chủ nghĩa Stalin. Chính những người Mác-xít theo Lenin khi trước đã chống lại cái chủ nghĩa giả hiệu này vì thấy rõ đó chỉ là một hình thức của chủ nghĩa tư bản nhà nước tập trung mọi quyền hành trong tay một nhóm người. Tất nhiên là những người chống đối kia đều bị thanh trừng. Tất cả những gì Lenin đã làm đều lần lần bị Stalin dẹp bỏ: Stalin gọi ‘Komintern’ (cách gọi tắt của Quốc tế Cộng sản) là một “cửa tiệm”, biến Komintern thành một thiết chế chỉ có nhiệm vụ kiểm soát và thanh trừng các lãnh tụ cộng sản nước ngoài bị nghi ngờ là không phục tùng mình. Cái “cửa tiệm” này cũng bị dẹp luôn năm 1943. Chính sách NEP của Lenin bị chính thức bãi bỏ từ năm 1928. Chế độ bao cấp phát phiếu được tái lập.

Các chế độ cộng sản ở Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba, Việt Nam đều chỉ là những biến thái của chế độ Stalin; cho tới ngày nay những chế độ này vẫn luôn luôn hãnh diện là đang ngoan cường kiên trì theo chủ nghĩa Marx-Lenin tức chủ nghĩa Stalin.


Các nền Dân chủ - Xã hội ở các nước Tây Âu là thừa kế chính thống Marx-Engels

Nói là “thừa kế chính thống”, vì chính Engels đã sáng lập ra các đảng Dân chủ - Xã hội.

Có thể coi cương lĩnh của Chủ nghĩa Dân chủ - Xã hội là bản Tuyên ngôn Nhân quyền của Cách mạng Pháp năm 1879. “Nhân quyền” này phải được hiểu theo nghĩa rộng là nhu cầu căn bản về vật chất và tinh thần của mỗi con người phải được bảo đảm.

Chính Engels, trước khi mất năm 1895, trong “Lời tựa” lần tái bản cuốn Đấu tranh giai cấp ở Pháp của Marx, sau khi phân tích những hình thức đấu tranh chính trị của giai cấp công nhân từ 1848 đến 1871 đã nhấn mạnh là cần phải thay đổi cách đấu tranh vì thời đại đã thay đổi: các tập đoàn tư bản, các công đoàn và các đảng công nhân đều phát triển ngang tầm nhau, không thể tiếp tục đấu tranh một mất một còn được. Từ đó các đảng Dân chủ Xã hội đã lần lần từ bỏ chủ trương đấu tranh bạo động để đi theo con đường tranh đấu ôn hoà từng bước một:

Về mặt xã hội, tập hợp công nhân trong những tổ chức, những công đoàn có đủ sức mạnh bắt buộc giới chủ nhân phải chấp thuận những yêu cầu lương bổng, điều kiện làm việc của mỗi người công nhân và những cải thiện đó phải được bảo đảm bởi những công ước tập thể.

Về mặt chính trị, các đảng Dân chủ - Xã hội chấp nhận thể chế đại nghị, cử đại diện của mình thông qua bầu cử, kể cả ở những cấp bậc thấp nhất. Và nếu giành được đa số trong quốc hội thì sẽ trực tiếp nắm quyền chính trị. Còn nếu không thì cũng sẽ làm áp lực để cải tổ các cơ chế xã hội, chính sách đóng góp chi thu, chính sách thu thuế theo lũy tiến để phân phối lại lợi tức một cách công bằng hơn, thông qua các hình thức trợ cấp, giảm thuế, miễn chi phí cho những tầng lớp cần lao. Nhờ vậy mà chênh lệch giầu nghèo trong các chế độ Dân chủ - Xã hội không quá lớn, mặc dầu thể chế không hề bãi bỏ tự do kinh doanh. Trong những chế độ này, vai trò của Nhà nước – làm trọng tài xã hội, giám sát thị trường kinh tế, truy thu và phân phối lợi tức qua thuế má – cũng rất quan trọng.

Sau Hội nghị Bad Godesberg năm 1959, Đảng Dân chủ - Xã hội Đức (SPD) đã thông qua Cương lĩnh Godesberg nổi tiếng, chính thức từ bỏ tư tưởng kinh tế chính trị Mác-xít đã quá lỗi thời. [3] Đa số các đảng Dân chủ - Xã hội Âu Tây cũng đã theo gương, cắt đứt lần lần mọi ràng buộc với tư tưởng kinh tế thuần Marx. Vả lại xã hội cũng trở thành phức tạp với nhiều thành phần, nhiều lobbies chống đối nhau chứ không phải chỉ có hai giai cấp như hồi tiền tư bản và chủ nghĩa tư bản giai đoạn đầu. Vì vậy các đảng Dân chủ - Xã hội lần lần trở thành đảng trọng tài của mọi tầng lớp nhân dân chứ không phải chỉ là đảng của giai cấp thợ thuyền. Có thể nói bắt đầu từ nửa sau thế kỷ XX, ý tưởng Dân chủ - Xã hội là động cơ của những cải cách ở các nước Tây Âu và Bắc Mỹ, cũng như ở Nhật Bản và Úc... Các thể chế Dân chủ - Xã hội này cũng chịu nhiều ảnh hưởng của học thuyết Keynes, dành cho nhà nước quyền can thiệp tạm thời về kinh tế để điều chỉnh những cực đoan thái quá trong kinh tế thị trường tự do.

Nếu các vị tiến sĩ trong Ban Tuyên giáo Trung ương chịu khó đọc lại Marx, Engels, Keynes..., vứt bỏ được những gì các vị đã học thuộc lòng về “chủ nghĩa Marx-Lenin” của Stalin qua những “kinh điển” của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, thì các vị có thể trở về với học thuyết Marx-Engels chính thống để, không những không phản bội Marx, mà còn mang lại phúc đức cho đất nước Việt Nam. Đi theo con đường Dân chủ - Xã hội, tên Đảng sẽ là Đảng Dân chủ - Xã hội Việt Nam, làm thoả vong linh Đảng Xã hội và Đảng Dân chủ đã bị Lê Duẩn bức tử khi trước. Đảng Dân chủ - Xã hội Việt Nam sẽ hoàn toàn có cơ hội gia nhập Quốc tế Xã hội chủ nghĩa (l’Internationale Socialiste) – liên minh toàn thế giới của các đảng Dân chủ Xã hội – để có thêm sự hậu thuẫn vô giá của phong trào Dân chủ Xã hội quốc tế, thoát khỏi nỗi tủi nhục từ bao lâu nay bị coi là một phân bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. [4]

Đây cũng là một cơ hội để có thể lấy lại tên nước: chỉ cần thay từ “Chủ nghĩa” trong quốc hiệu hiện nay bằng từ “Dân chủ”, tên nước sẽ là Cộng hoà Dân chủ Xã hội Việt Nam, đồng thời là sự “hoà giải” tên nước hợp pháp trước đây của miền Nam (Việt Nam Cộng hoà) với tên nước ban đầu của Hồ Chí Minh (Việt Nam Dân chủ Cộng hoà).


© 2008 talawas


[1]Rhénanie (tiếng Pháp), Rhineland (tiếng Anh) hay Rheinland (tiếng Đức) là tên gọi chung của phần lãnh thổ phía Tây nước Đức ngày nay nằm ở hai bên bờ sông Rhine (t. Đức Rhein). Đây là vùng đất có lịch sử địa hành chính và địa chính trị khá phức tạp. Trước thế kỷ XIX, các lãnh địa nằm trong vùng này chịu ít nhiều ảnh hưởng của Pháp. Sau khi đế chế của Napoléon tan rã (1815), các lãnh địa nói tiếng Đức trong vùng này được sáp nhập vào Vương quốc Phổ. Các thành phố Trier (quê hương của K. Marx) và Barmen (quê hương của F. Engels) đều nằm trong vùng này. (Các chú thích đều của talawas.)
[2]Có vẻ như Engels chưa bao giờ kết hôn. Ông lần lượt yêu và chung sống với hai chị em nhà Burns, người Ireland, là Mary (chết năm 1863) và Lydia (hay Lizzy, 1827–1878). Sau khi chuyển từ Manchester (nơi có công xưởng của cha mình) đến sống ở London (từ 1870 cho đến lúc chết, 1895), Engels thường nói về Lizzy Burns như là vợ ông.
[3]Hội nghị Bad Godesberg (Bad Godesberg Convention): Một hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng Dân chủ - Xã hội Đức (tiếng Đức Sozialdemokratische Partei Deutschlands – SPD) nhóm họp vào tháng Mười Một năm 1959 tại Bad Godesberg, một quận của thành phố Bonn, khi đó đang là thủ đô của Cộng hoà Liên bang Đức trong điều kiện nước Đức đang bị chia cắt. Trong hội nghị lịch sử này, các đại biểu của SPD đã thông qua Cương lĩnh Godesberg (tiếng Đức Godesberger Programm), vào ngày 15.11.1959, thẳng thừng từ bỏ toàn bộ các nguyên lý Marxist đã từng là ý thức hệ của đảng này. Trong quá trình tái thống nhất nước Đức, SPD đã sáp nhập với Đảng Dân chủ - Xã hội tái lập của Đông Đức, đồng thời thay thế Cương lĩnh Godesberg bằng Cương lĩnh Berlin, thông qua ngày 20.12.1989 tại một đại hội của đảng.
[4]Có thể lưu ý thêm tác giả Phong Uyên và độc giả talawas rằng ngay cả Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay cũng đang “thám hiểm” con đường Dân chủ - Xã hội như một lộ trình tới tương lai của Trung Quốc. Hãy tham khảo bài báo “Lộ trình Hồ Cẩm Đào tới tương lai của Trung Quốc”, đã đăng trên talawas, của Giáo sư Khoa học Chính trị Đại học Nottingham Trịnh Vĩnh Niên.