© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
17.5.2008
Tạp chí Văn
Số đặc biệt tưởng niệm Nguyễn Du
 1   2   3   4 
 
Quách Tấn
Thơ chữ Hán của Nguyễn Du

Những ai đã biết đến Đoạn trường tân thanh, đã biết đến Nguyễn Du, thì không mấy ai không thuộc câu:

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.

Nghĩa là:

Ba trăm năm nữa trên trần thế
Ai biết là ai khóc Tố Như.

Hai câu này, phần nhiều các nhà viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều đều bảo rằng là lời khẩu chiếm của Tố Như tiên sinh lúc sắp mất. Mãi đến năm 1943, học giả Đào Duy Anh mới cải chính.

Đó là câu kết của bài “Độc Tiểu Thanh ký” của Tố Như. Và toàn thiên rằng:

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lạy phần dư!
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.

Bài thơ tuyệt diệu. Nhưng có rõ sự tích mới nhận thức trọn cái hay.

Tiểu Thanh là ai? Là một giai nhân có tài, có sắc, sống vào khoảng đầu nhà Minh. Nàng họ Phùng, lấy lẽ một người tên Phùng. Kiên tên chồng. Nàng tự hiệu là Tiểu Thanh. Vợ cả ghen bắt nàng lên ở trên núi Cô Sơn, cạnh Tây Hồ. Không bao lâu, nàng buồn mà chết. Mồ chôn dưới chân núi Cô Sơn, trên bờ Tây Hồ. Khi chết nàng mới mười tám tuổi.

Bình sinh nàng có tập thơ ký thác tâm sự. Nàng chết rồi, người vợ cả lấy đem đốt cho tuyệt tích. Nhưng may còn sót lại được một ít, người đương thời sưu tập thành sách gọi là Phần dư cảo (Cảo thơ đốt còn sót lại).

Nhân đọc bài ký về Tiểu Thanh, Nguyễn Du xúc cảm làm thơ ai điếu. Đại ý nói rằng:

“Vườn hoa bên Tây Hồ đã hoá thành gò cả rồi.
Điếu nàng chỉ hướng vào trang sách đọc trước cửa sổ.
Son phấn có thần chắc phải thương xót vì những việc xảy ra sau lúc chết.
Văn chương không mệnh nên bị lụy về nạn đốt dở.
Những mối hận xưa nay khó hỏi trời được,
Ta tự coi như người đồng hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong lưu.
Nhưng không biết sau ba trăm năm lẻ nữa,
Trên trần thế ai là người sẽ khóc Tố Như”.

Nguyễn Du điếu Tiểu Thanh, cũng như Thuý Kiều khóc Đạm Tiên: Thương người nhưng thật ra là tự thương mình vậy.

Bài thơ hàm súc, diễn ra thơ quốc âm không thể lột hết ý nghĩa. Xin tạm phỏng dịch:

Hồ Tây hoa kiểng: giải gò hoang,
Cửa hé trang thơ chạnh điếu nàng.
Hận luống vương thêm hồn phấn dại,
Tro chưa tàn hết lụy văn chương.
Thanh thương khó hỏi oan chồng chất,
Phong nhã đành chung nợ vấn vương.
Rồi Tố Như, sau ba kỷ nửa,
Trần gian ai kẻ sụt sùi thương?

Đọc bài nguyên tác, có người thấy chuyển kết không niêm với những câu trên nên ngờ rằng có sự chắp nối của người đời sau. Không nên ngờ. Bởi người xưa, nhất là các đại gia văn chương, không câu chấp niêm luật. Huống nữa với câu “bất tri…”, bài thơ được kết thúc một cách chặt chẽ, mà tứ thơ lại lai láng vô cùng.

Có người lại hỏi: Tại sao tác giả nói “tam bách dư niên” mà không nói “nhất bách hoặc nhị bách”? Theo các nhà khảo cổ thì từ ngày Tiểu Thanh mất đến ngày Nguyễn Du làm thơ điếu nàng, tính trên ba trăm năm. Nguyễn Du và Tiểu Thanh là người đồng hội. Tiểu Thanh mất rồi, ba trăm năm sau, có Nguyễn Du khóc. Sau ba trăm năm Nguyễn Du chết, biết ai là người khóc Nguyễn Du?

Thơ chữ Hán của Nguyễn Du còn truyền lại được nhiều. Nhưng từ khi cựu học cáo chung, thì bị chôn vùi trong tàng cổ viện như muôn ngàn giai phẩm khác bằng Hán văn. Thỉnh thoảng sách báo trích đăng năm ba bài không đủ làm cho nhiều người chú ý. Có lắm bài được truyền tụng trong dân chúng. Nhưng vì truyền miệng nên không tránh khỏi sai lạc hoặc ít hoặc nhiều. Có khi lầm lẫn cả tên tác giả. Như bài “Điệp tử thư trung” sau đây là một.

Điệp tử thư trung

Vân song tằng kỷ nhiễm thư hương,
Tạ khước phong lưu vị thị cuồng.
Bạc mệnh hữu duyên lưu giản tịch [1]
Tân hồn vô lệ khốc văn chương.
Đố ngư di tỉnh phiền ba mộng,
Huỳnh hỏa nan khói cẩm tú trường.
Văn đạo đã ưng cam nhất tử,
Dâm thư do thắng vị hoa vương [2] .

Phỏng dịch:

Song vân từng thấm vị thư hương.
Bỏ thú phong lưu há phải cuồng.
Mệnh bạc còn duyên vương sách sử,
Hồn tàn không lệ khóc văn chương.
Khó mong lửa đóm thiêu lòng gấm,
Dễ khiến thân sâu tỉnh mộng vàng.
Đạo lý sớm nghe chiều chết hả,
Hoa đâu bằng chữ dám cưu mang.

Thời tiền chiến, cụ Nguyễn Dật, một túc nho thôn Phú Phong, quận Bình Khê, tỉnh Bình Định, đọc bài “Điệp tử thư trung” cho tôi nghe, và bảo rằng đó là của một người Tàu ở Quy Nhơn. Cụ nói rằng: “Người Tàu ấy có nhiều sách quý. Cụ Nghè Vân Sơn Nguyễn Trọng Trí [3] cùng các bạn thường đến tiệm mượn xem. Một hôm chủ nhân phơi sách nơi sân. Tình cờ gió lật một quyển, để lộ một con bươm bướm đã chết khô. Cụ nghè liền thách làm thơ. Người Tàu làm xong trước. Đọc lên, cử toạ đều thất kinh gác bút. Bài thơ quá hay, nên không mấy chốc mà truyền xa”.

Thời kháng chiến chống Pháp, nhân ra Huế, tôi đọc bài thơ và kể câu chuyện lại cho cụ Vân Bình Tôn Thất Lương nghe. Cụ bảo: “Tôi nhớ chừng đã có đọc trong một tập sách nào đây một câu chuyện nói về bài “Thư trung tử hồ điệp”. Đại khái rằng có một thi nhân cho in một tập thơ, trang đầu chép bài “Thư trung tử hồ điệp”. Một vị quan lớn xem thấy quở rằng: “Không có sĩ hạnh nên đề cao giá trị của giống tiểu nhân. Văn chương phải dùng tải đạo thì văn chương mới khỏi giảm giá, người làm văn mới nêu cao được phẩm cách”. Lời của vị quan kia là lời của một người hủ nho. Thi nhân không thèm đáp, chỉ mỉm cười cáo lui. Tập sách ấy không trích lục bài thơ. Tôi nghi là bài này. Người Tàu Quy Nhơn đã lấy lầm của mình cũng không biết chừng”.

Còn một bài nữa cũng rất được truyền tụng. Đó là bài:

Vọng phu thạch

Thạch da? Nhân da? Bỉ hà nhân?
Độc lập sơn đầu thiên bách xuân.
Vạn kiếp điểu vô vân vũ mộng,
Nhất trình lưu đác cổ kim thân.
Lệ ngân bất tuyệt tam thu vũ,
Đài triện trường minh nhất đoạn văn.
Tứ vọng liên sơn diếu vô tế,
Độc giao nhi nữ thiện di luân.

Tạm dịch:

Đá hay người? Ấy ai người ấy?
Đầu non cao trải mấy nghìn xuân.
Giấc không bén, mộng Vu Thần,
Tấm thân kim cổ trong ngần gương trinh.
Mưa ba thu lệ tình lai láng,
Ngàn rêu in một áng sầu văn.
Non xanh vướng mắt, xa gần,
Gánh luân thường để riêng phần thuyền quyên!

Ở Bình Định, trên hòn núi Bà thuộc quận Phù Cát có Đá Vọng Phu. Khách phong tao thường đến tưởng vịnh. Bài thượng dẫn tương truyền là của một “ông Đồ Nghệ”.

Gần đây ông bạn Thi Vũ ở Pháp gởi về tặng tôi ba tập thi Hán văn của Tố Như mà bạn chép được: Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục.

Những bài “Độc Tiểu Thanh ký”, “Hồ điệp tử thư trung”, “Vọng phu thạch” thấy chép trong Thanh Hiên thi tập.

Tôi tự nghĩ: Nếu không có Đào Duy Anh, thì chắc ít người biết rõ câu “Tam bách dư niên hậu…” ở trong bài “Độc Tiểu Thanh ký”. Và đến như cụ Nguyễn Trọng Trí, cụ Nguyễn Dật và cụ Tôn Thất Lương là những bậc túc nho tiền bối đọc nhiều sách, thuộc nhiều thơ xưa Việt Nam cũng như Trung Quốc, mà còn đọc không hết được thơ Tố Như, huống hồ phần đông kẻ hậu sinh chỉ có sách Việt văn và sách Âu Mỹ để đọc.

Tôi mong gặp được thiện duyên để công bố cả ba tập thơ Tố Như hầu giúp người háo cổ. Nay để mua vui cùng bạn đọc chưa được biết mà lòng muốn biết, tôi xin nói qua ba tập ấy, và trích dịch một ít bài làm duyên.

Thanh Hiên thi tập gồm những bài làm từ lúc tác giả còn lận đận phong trần cho đến lúc ra làm quan cùng nhà Nguyễn, ở Bắc Hà (…? – 1804).

Nam Trung tạp ngâm gồm những bài làm trong khoảng tác giả được triệu vào làm quan ở Kinh đô Huế rồi ra làm quan ở Quảng Bình (1805 - 1812).

Bắc hành tạp lục gồm những bài làm trong lúc tác giả đi sứ sang Trung Quốc (1813).

Toàn bộ gồm bao nhiêu bài không biết. Những tập thơ của bạn Thi Vũ gởi cho tôi gồm tất cả 249 bài, toàn thơ thất ngôn và ngũ ngôn, bát cú có, tứ tuyệt có, trường thiên có. Trong số này có 78 bài ở Thanh Hiên, 40 bài ở Nam Trung và 131 bài ở Bắc hành.

Thơ gồm đủ các loại: tả tình, tả cảnh, vịnh cổ, ký sự… Bài nào cũng mang tâm sự của tác giả, cũng biểu lộ thái độ của tác giả đối với hoàn cảnh xã hội đương thời.

Xưa nay nói về Nguyễn Du, phần đông chỉ dựa vào tập Đoạn trường tân thanh và bài văn Chiêu hồn. Hai bản Việt văn tuyệt tác này phản ảnh phần nào tâm hồn của tác giả mà thôi. Đọc ba tập thơ chữ Hán chúng ta mới thấy được chân tướng của Tiên Điền.

Các tác phẩm chữ Hán cho chúng ta thấy cuộc đời của Nguyễn Du rất khổ. Chẳng những khổ về mặt tinh thần, mà về phần vật chất cũng không chút sướng. Mặc dù cả nhà, từ ông cha cho đến anh em đều làm quan to, gia đình tiên sinh rất nghèo. Nghèo vì Nguyễn Du mồ côi sớm, lại con vợ lẽ, không hưởng được gì nhiều. Kế đến khi lớn lên gặp cảnh loạn lạc, tiên sinh phải chạy, nay đây mai đó, nghèo túng, đau ốm ngót mười năm trời. Sau ra làm quan cùng nhà Nguyễn, lương ít con đông. Tình cảnh thật là chua xót. Hoàn cảnh khổ, tâm sự khổ, nên thơ của tiên sinh bài nào cũng chứa chan nỗi buồn, “nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!”.

Đây xin trích đôi bài làm chứng:

U cư

I.
Đào hoa đào diệp lạc phân phân
Môn yểm tà phi nhất viện bần
Trú cửu đốn vong thân thị khách,
Niên thâm cách giác lão tùy thân.
Dị hương dưỡng chuyết sơ phòng tục,
Loạn thế toàn sinh cửa ủy nhân.
Lưu lạc bạch đầu thành để sự
Tây phong xuy đảo tiểu ô cân.

II.
Thập tải phong trần khứ quốc xa
Tiêu tiêu bạch phát ký nhân gia.
Trường đồ nhật mộ tân du thiểu,
Nhất thất xuân hàn cựu bệnh đa.
Hoại bích nguyệt minh bàn tích dịch,
Hoang trì thủy hạc xuất hà ma.
Hành nhân mạc tụng “đăng lâu phú”
Cường bán xuân quang tại hải nha.

Phỏng dịch:

I.
Đào rụng đầy sân lá tiếp hoa,
Một gian lều nát khép lơ là.
Trọ lâu quên bẵng thân là khách,
Tới mãi thành quen tuổi cũng già.
Thời loạn, nể người mong sống trọn,
Thói đời, giả vụng chút phòng xa.
Nổi chìm bạc tóc chưa nên việc
Thổi bật khăn đầu trận gió qua.

II.
Mười năm gió bụi biệt gia hương,
Nương cửa người trơ mái tóc sương.
Bạn ít ngày chiều được diệu vợi,
Bệnh nhiều xuân vắng quán thê lương.
Trăng soi vách nát đoanh lằn mối,
Nước cạn đầm hoang rộn ễnh ương.
Già nửa xuân quang thân góc bể,
Qua đường chớ đọc phú chàng Vương [4] .

Đó là hoàn cảnh lúc chạy loạn, tấm thân lưu lạc quê người. Chúng ta không lấy gì làm lạ cho lắm. Chúng ta có ngờ đâu, nỗi đau buồn thương tủi vẫn đeo nặng tác giả lúc không còn phải “ăn gởi nằm nhờ nhà người”, tức là lúc đã đi làm quan. Chúng ta hãy đọc hai bài tác giả đề trên vách công đường lúc làm quan ở Huế:

Xương hạp môn tiền xuân sắc lan,
Cách giang diêu đối Ngự Bình san.
Xuân tòng giang thượng lai hà xứ?
Nhân ỷ thiên nhai trệ nhất quan.
Mãn địa phồn thanh văn dạ vũ,
Nhất sàng cô muộn dịch xuân hàn!
Đào hoa mạc trượng đồng quân ý
Bằng hữu phong di tính tối toan.

Tạm dịch:

Hồ nhạt màu xuân trước cửa rồng,
Xanh xanh núi Ngự phía kia sông.
Xuân theo ngọn nước về đâu tá?
Quan lụn chân trời nghĩ chán không!
Rả rích đêm dồn mưa nhẫy đất
Im lìm muộn chống lạnh qua song.
Hoa đào chớ cậy Đông quân luyến,
Dì gió cay chua chất chứa lòng.

Thật là buồn! Nhưng chưa thảm bằng tình cảnh tả trong bài thứ hai:

Đông vọng giang đầu vọng cố giao
Phú vân vô định thủy thao thao
Phong xuy cổ trủng phù vinh tận,
Nhật lạc bình sa chiến cốt cao!
Sơn nguyệt giang phong như hữu dãi,
Nham thê cốc ẩm bất từ lao.
Bình sinh dĩ tuyệt vân tiêu mộng,
Phạ kiến bàng nhân vấn vũ mao.

Tạm dịch:

Trông vời quê cũ nước mông mênh,
Cuộn cuộn mây theo sóng bập bềnh,
Cát phẳng ngày tà vun chiến cốt,
Mồ xưa gió lạnh lấp phù vinh
Gió sông trăng núi như chờ khách,
Uống hố nằm hang cũng thoả tình.
Lông cánh những e người hỏi đến,
Tung mây đã dứt mộng bình sinh.

Ở trong cảnh “ơn vua lộc nước” mà đưa những cảnh thương tâm về chết chóc, về tàn tạ ra mà nói, đem cảnh uống hố nằm hang ra mà suy, thì đủ biết lòng tác giả đã đau buồn chán ngán đến đâu! Tuy thế nỗi lòng vẫn còn “nửa mở nửa khép”. Bài “Ngẫu đề” sau đây mới cho chúng ta thấy rõ tình cảnh tác giả lúc bấy giờ:

Bạch địa đình trì dạ sắc không,
Thâm đường tiễu tiễu hạ liêm lung.
Đinh đông châm chử thiên gia nguyệt,
Tiêu ác ba tiêu nhất viện phong.
Thập khẩu đề cơ Hoàng Lĩnh bắc,
Nhất thân ngọa bệnh Đế Thành đông.
Tri giao quái ngã sầu đa mộng,
Thiên hạ hà nhân bất mộng trung.

Tạm dịch:

Trống trải thầm sân đêm nhạt suông,
Nhà sâu im ỉm bức rèm buông.
Tiếng chày lay động trăng nghìn nóc,
Tàn chuối đìu hiu gió một phòng.
Mười miệng đòi cơm ngoài cõi Bắc,
Một thân nằm bệnh góc thành Đông.
Người quen trách tớ hay sầu mộng,
Thiên hạ còn ai tỉnh táo không?

Cảnh tịch liêu đến thế là cùng, tình thảm đạm đến thế là cực! Một người ra làm quan, dù quan nhỏ đến đâu cũng không đến nỗi bơ vơ trơ trọi đến thế, cũng không đến nỗi con cái ở nhà phải chịu cảnh cơ hàn như thế, huống hồ tác giả lúc vào Huế đã được thăng đến hàm đông các họa sĩ! Đọc đến câu:

Mười miệng đói cơm ngoài cửa Bắc
Một thân nằm bệnh góc thành Đông

Nếu không nghiên cứu kỹ thân thế và gia cảnh của Nguyễn Du, thì chúng ta có thể ngờ rằng tình cảnh đã bị tác giả “bi thảm hoá” vậy. Nhưng sự thiệt quả là thế. Nguyễn Du vào Huế có một mình. Bà vợ lớn họ Đoàn sinh được một trai, bà thứ họ Võ sinh được một trai, và người thiếp sinh được mười trai và sáu gái [5] . Bà nào nuôi con nấy. Lương bổng của tác giả chỉ đủ uống thuốc để sống cho qua ngày!

Tình cảnh của Nguyễn Du thật không khác tình cảnh Đỗ Phủ đời Đường. Và tuy tấm thân không bị đày đọa như Khuất Nguyên đời Đông Châu, nhưng nỗi lòng vẫn tương tự. Cho nên khi đi sứ sang Trung Quốc, Nguyễn Du có đến Lỗi Dương viếng mộ Đỗ Phủ và khi qua Tương Đàm có làm thơ điếu Khuất Nguyên. Văn chương thống thiết.

Điếu Khuất Nguyên đến hai bài, nhan là:

Tương đàm điếu Tam lư Đại phu

I.
Hiến tu nhân khứ nhi thiên tải
Thử địa do văn lan chỉ hương
Tông quốc tam niên bi phòng trục,
Sở từ vạn cổ thiện văn chương.
Ngư long giang thượng vô tàn cốt
Đỗ nhược châu biên hưu chúng phương.
Cực mục thương tâm hà xứ thị,
Thu phong lạc mộc quá Nguyên Tương.

II.
Sở quốc oan hồn táng thử trung,
Yên ba nhất vọng điều hà cùng!
Trực giao hiến lệnh hành thiên hạ,
Hà hữu Ly Tao kế quốc phong.
Thiên cổ thuỳ nhân liên độc tỉnh?
Tứ phương hà xứ thác cô trung!
Cận thời mỗi hiếu vi kỳ phục,
Sở hội tiêu lan cánh bất đồng.

Để các bạn ít đọc sách Tàu, dễ nhận thức ý nghĩa trong bài thơ, xin nói qua về thân thế Khuất Nguyên và về xuất xứ của đôi chữ không được phổ biến.

Khuất Nguyên là người nước Sở, đời Chiến quốc (thế kỷ IV trước Công nguyên). Ông làm chức Tam lư Đại phu. Ban đầu được Sở Hoài Vương tín nhiệm, bằng lòng thực hành chủ trương chính sách của ông. Nhưng rồi nghe lời gian thần gièm xiểm, nhà vua đày ông đi Trường Sa (Giang Nam). Ông qua hồ Động Đình, theo dòng sông Nguyên, đến vùng Thần Dương, Tự Phố, rồi lại theo sông Tương đến Mịch La. Ở Mịch La được ít lâu ông buồn chán quá, trầm mình mà chết. Ông chết nhằm ngày mồng năm tháng năm.

Ở nơi đất trích ông có soạn bộ Ly Tao, văn chương tuyệt diệu. Đó là một kiệt tác trong văn học cổ điển Trung Hoa. Tiếp theo Kinh Thi đời Xuân Thu, Ly Tao là nguồn của bao nhiêu dòng thơ Trung Quốc.

Những chữ như “hiếu tu” (chăm sửa sang đức tốt), “chỉ lan” (cỏ chỉ hoa lan), “đỗ nhược” (hoa màu trắng có sáu cánh, giống như hoa sen), “độc tỉnh” (một mình tỉnh), “cô trung” (lòng trung không ai biết đến), “tiêu lan” (hoa tiêu hoa lan)… đều là những chữ mượn trong Ly Tao, và Ly Tao cũng thường gọi là “Sở từ” (những bài từ của nước Sở. Ngoài Ly Tao ra, sở từ còn gồm nhiều tác phẩm của các thi gia khác, nhưng phần nhiều đều bắt nguồn ở Ly Tao).

Nguyễn Du đến Tương Đàm (Trường Sa) mùa thua năm Quý Dậu (1813) và từ phía Nam lên Bắc Kinh có đi trên dòng sông Tương. Cho nên cảnh Nguyên Tương trong thơ vừa nói đến Khuất Nguyên vừa nói đến mình vậy.

Xin tạm dịch hai bài điếu Khuất Nguyên như sau:

I.
Hai nghìn năm vắng người sửa đức,
Nơi đây còn thơm nức chỉ lan.
Ba năm đất trích phũ phàng,
Sở từ muôn thuở rỡ ràng văn chương.
Sông cá rồng nắm xương không giữ,
Bãi hoa lồng trăm thứ cỏ thơm.
Nơi nào gởi mối thương tâm!
Lá thu gió rụng nẻo tầm Nguyên Tương.

II.
Nơi đây chốn hồn oan Sở quốc,
Mắt muôn trùng khói nước chơi vơi.
Vì ban hiến lệnh xuống đời,
Ly Tao đâu để nối lời Quốc Phong.
Hồn độc tỉnh ai lòng tưởng tới?
Niềm cô trung biết gởi phương nao?
Đời nay chuộng lạ xiết bao,
Đeo lan dắt ngọc nhưng nào giống xưa!

Trong buồn thương đau xót có oán hận mỉa mai! Và ngoài hai bài “Tương đàm điếu Tam lư Đại phu” trên, trong Bắc hành tạp lục còn ba bài nữa cũng nói về Khuất Nguyên: “Phản chiêu hồn”, “Biện giả”, “Trường sa Giả thái phó”. Văn chương đều ngầm chứa bi phẫn. Đó là Nguyễn Du mượn Khuất Nguyên, chẳng những để gởi gắm tâm sự, mà còn để làm điển hình cho kẻ trung lương bị bọn gian nịnh làm hại, ở khắp mọi nơi, mọi thời đại.

Tương đàm ở phía Bắc Lỗi Dương, sang Bắc Kinh, Nguyễn Du phải qua Lỗi Dương trước. Nhưng không biết tiên sinh ghé thăm mộ Đỗ Phủ lúc đi hay lúc về. Lúc đến thăm có cảm tác một luật, nhan là:

Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ

Thiên cổ văn chương thiên cổ sư
Bình sinh bội phục vị thường ly.
Lỗi Dương tùng bách bất tri xứ!
Thu phố ngư long hữu sở ti.
Dị đại tương liên không sái lệ,
Nhất cùng chí thử khởi công thi?!
Trạo đầu cựu chứng y thuyên vị!
Địa hạ vô linh quỷ bối xy.

Phỏng dịch:

Thơ thiên cổ cũng thầy thiên cổ,
Vốn một lòng ngưỡng mộ bấy nay.
Lỗi Dương tùng bá đâu đây
Cá rồng thu lạnh sông đầy nhớ thương.
Há văn chương luỵ người đến thế?!
Chạnh nghìn xưa dòng lệ khôn ngăn
Lắc đầu bệnh cũ còn chăng?
Suối vàng chớ để mấy thằng quỷ trêu.

Văn tiêu dao, tình thâm thiết. Thật là lời của “nòi tình thương người đồng điệu”.

Nhưng Đỗ Phủ vốn người huyện Trường An, tỉnh Thiểm Tây sau dời đến Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, mà sao mộ lại ở Lỗi Dương, tỉnh Hồ Nam?

Nguyên năm Đại lịch thứ 5 (770), Đỗ Thiếu Lăng chạy loạn đến Hồ Nam, nương nhờ nhà Thôi Vĩ ở Lỗi Dương. Một hôm lên núi Hành Sơn yết miếu Nhạc Phi, gặp lụt. Nước dâng to ngót mười hôm không về được. Quan huyện lệnh Lỗi Dương do họ Nhiếp hay tin đưa thuyền đến rước về. Đêm ấy rượu say rồi mất ở huyện đường, hưởng dương 59 tuổi. Vì nhà nghèo không đưa hài cốt về quê được, phải táng ở Lỗi Dương. Bốn mươi ba năm sau (813), cháu là Đỗ Tư Nghiệp mới đưa di cốt về chôn gần mộ ở núi Thú Dương.

Nguyễn Du đến thăm mộ ở Lỗi Dương vào khoảng 1813-1814, nghĩa là ngót một ngàn năm sau khi mộ Đỗ đã cải táng. Cho nên mới có câu:

Lỗi dương tùng bà bất tri xứ.

Tuy tìm không biết đích xác nền mả cũ nơi nào, nhưng lòng nhớ thương vẫn có chỗ đình đậu: Những áng văn chương tuyệt tác mà trong đó có câu:

Ngư long tịch mịch thu giang lãnh
Cố quốc bình cư hữu sở ti.

Nghĩa là:

Cá rồng vắng vẻ sông thu lạnh,
Thong thả lòng thêm nhớ cố hương.

Câu thơ của Nguyễn Du:

Thu phố ngư long hữu sở ti

là đúc hai câu thơ của Đỗ Phủ lại làm một. Câu này vừa tả cảnh trước mắt, vừa nói lên nỗi lòng của Đỗ Phủ ngày xưa, vừa tỏ tấm tình của Nguyễn Du đối với Đỗ Phủ trong khi đến thăm mộ. Thật tài tình mà cũng thật cảm động!

Cập luận, Nguyễn Du vừa khóc Đỗ Thiếu Lăng vừa khóc mình. Vì cảnh nghèo khó cảnh nổi cảnh chìm thật không khác nhau. Không khác nhau cho đến cảnh “con đói”. Đỗ Phủ có câu:

Hậu ộc cố nhân thư đoạn tuyệt,
Hằng cơ trĩ tử sắc thê lương!

Nghĩa là:

Bạn xưa nhiều bỗng tình lơ láo,
Con trẻ không cơm mặt võ vàng.

Tình cảnh có khác gì tình cảnh trong câu Nguyễn Du:

Thập khẩu đề cơ Hoành Tĩnh Bắc,
Nhất thân ngoạ bệnh Đế Thành Đông.

Đồng bệnh tương liên, nên không cầm được giọt lệ! Nhưng có phải vì thơ hay mà đời phải chịu đến thế? Chưa chắc đã đúng. Nhưng trên đời đã không ra sao rồi, thì xuống âm phủ đừng để lũ quỷ nhạo báng nữa! Đó là ngụ ý nghi ngờ người hậu thế. “Bất tri tam bách dư niên hậu!”.

Con bệnh “lắc đầu” Nguyễn Du nói trong thơ, có lẽ là một tật do tuổi già sinh ra. Nguyên Đỗ Phủ bình sinh mắc nhiều bệnh, lúc về già tai bị điếc, cánh tay phải bị tê liệt. Nói chuyện phải bút đàm một cách khó khăn. Cho nên khi nói chuyện với người, thường chỉ gật đầu, lắc đầu, ra dấu. Lâu ngày thành tật. Có lẽ trong một bài thơ nào Đỗ có nói đến tật ấy, nên Nguyễn Du mới nhắc đến.

Xem qua một ít thơ chữ Hán của ba tập Thanh Hiên, Nam Trung, Bắc hành, chúng ta nhận thấy thi tài của Nguyễn Du thật lỗi lạc. Và ba tập thơ kia, ngoài giá trị về mặt văn chương, còn giúp cho nhà khảo cổ biết rõ tâm sự tác giả Đoạn trường tân thanh. Không biết trong Thư viện Quốc Gia Saigon có đủ ba tập thơ ấy và các nhà hữu trách hiện đại ở trong chính quyền có nghĩ đến việc bảo tồn nền văn hoá cũ của Việt Nam?



Huỳnh Phan Anh
Đoạn trường tân thanh trên đường tìm kiếm người đọc

Liệu người ta có thể giải thích Đoạn trường tân thanh? Tại sao câu hỏi này, câu hỏi không phải về một tác phẩm mà về một sự giải thích có thể được về một tác phẩm, câu hỏi về khả năng và quyền hạn của người đọc trên một tác phẩm. Liệu người ta có thể giải thích một tác phẩm văn chương? Câu hỏi đương nhiên đặt người đọc, người phê bình đứng trước một giới hạn: giới hạn tri thức của mình. Nếu không có lẽ câu hỏi không hề đặt ra. Hỏi là mời gọi trả lời. Điều này đã hẳn. Nhưng hỏi còn có nghĩa là cấm đoán mọi câu trả lời. Hỏi đặt con người trước khả hữu và vô hữu của sự trả lời. Liệu người ta có thể giải thích Đoạn trường tân thanh, giải thích một tác phẩm? Câu hỏi chạm thẳng vào phần số văn chương, vào ý nghĩa nền tảng của văn chương và những tương quan nó dựng nên với người đọc (sự thưởng ngoạn). Gọi là nền tảng vì nó đương nhiên khử trừ mọi tính cách, tư cách, yếu tố, thành phần chỉ có thể liên hệ va chạm những lớp mặt ngoài giả tạo của văn chương. Gọi là nền tảng vì nó chỉ nhằm giữ lại những gì có thể giữ lại, nghĩa là bản chất, nghĩa là yếu tính, những gì thật sự làm nên văn chương, làm nên sự sống hay làm nên sự chết của nó chỉ là một. Văn chương rồi sẽ đi về đâu. Về đâu có thể không ai biết nhưng điều chắc chắn là văn chương không hề là một thực tại ù lì đứng sững. Tác phẩm ngay trong sự hoàn thành của nó đã bắt đầu một đời sống, một chuyến đi. Tác phẩm có thể là một món đồ, một sự vật nhưng đồng thời nó không ngớt phủ nhận thân phận đồ vật đó. Về đâu, tác phẩm? Về đâu, mọi hành trình con người? Phải chăng khi nói về đâu lảng vảng sự chết, dưới tận cùng, đích tuyệt đỉnh. Lảng vảng là đến gần trong ước muốn dung xa hay dang xa trong ước muốn đến gần, đời sống đã không còn giữ lại sự sống, khi cái chết đúng ra chỉ góp phần làm nên đời sống (đời sống chỉ có chỉ còn trong điều kiện của cái chết. Không có cái chết thử hỏi làm gì có đời sống. Không có cái chết, còn gì phi lý hơn nữa). Khi cái chết may thay còn là bản chất đời sống này. Giữa sự sống và sự chết, tác phẩm chọn lựa gì? Tác phẩm không chọn lựa gì. Tác phẩm còn là tác phẩm nhất thiết trong hoàn cảnh đó: không phủ nhận, không chối từ, không chọn lựa. Tác phẩm không hề là dấu hiệu của con người chiến thắng hay thất bại trên một cái gì. Tác phẩm chính là con người đã thoát ly khỏi những ý niệm hữu hạn, trần tục đó.

Liệu người ta có thể giải thích Đoạn trường tân thanh? Câu hỏi đặt ra một thế kỷ rưỡi sau khi tác phẩm ra đời, nghĩa là sau nhiều nỗ lực giải thích của học giả bao nhiêu thời đại (bao nhiêu thời đại học giả), nghĩa là sau khi tác phẩm đã được giải thích nhiều lần, nhiều cách: những sự việc đủ biến câu hỏi thành thừa thãi vô vị. Người ta đã nói nhiều về Đoạn trường tân thanh, đó cũng chính là lý do khiến ta lên tiếng lần này không phải để tiếp tục phê phán ít ra như mọi người đã phê phán lần này để đặt những phê phán thành vấn đề, câu hỏi. Câu hỏi đặt con người đứng trước chính sự phê phán của mình, nghĩa là trước khoảng cách với tác phẩm, có thể là một khoảng cách đời đời, có thể vì đó là đòi hỏi của tác phẩm. Tác phẩm cấm đoán mọi nỗ lực tới gần, mọi mưu toan chú giải cùng một lúc với sự mời gọi tới gần hay chú giải. Một tác phẩm đã được chú giải nhiều lần nhiều cách, điều này cũng có nghĩa là tác phẩm chưa được bao giờ, tác phẩm còn phải chú giải (đến bao giờ?). Câu hỏi “Liệu có thể giải thích Đoạn trường tân thanh?” không nhằm biến tác phẩm thành một đối tượng tương đối hay tuyệt đối: nó hiến một cơ hội cho tác phẩm, cơ hội để tác phẩm còn là tác phẩm trong ý nghĩa đầy đủ nhất của nó, tác phẩm không như một cái gì đã xong một lần, tác phẩm không như một hồ sơ đã xếp lại đã giải quyết xong. Chú giải không có nghĩa là soi sáng hay tháo rời tác phẩm như một món đồ, cho nó một câu kết luận. Chú giải có thể là làm tối tác phẩm, nói một cách nào đó, tác phẩm trở thành bất-khả-tri, niềm bí ẩn đang tìm cách bộc lộ hay chính sự bộc lộ đang tìm cách lẩn tránh, tác phẩm chỉ còn là một cơ hội, cơ hội cho chính tác phẩm, tác phẩm đồng nghĩa với cái gì đang trở thành tác phẩm. Phải chăng Đoạn trường tân thanh đang trên đường tìm kiếm một chân dung cho chính nó. Và câu hỏi của chúng ta thay vì ngăn cản – như hầu hết những cách thế chú giải về nó, cho tới bây giờ – đã chỉ nhằm tạo cơ hội, cho tác phẩm được thong dong trên hành trình đi tới của nó. Đây cũng chính là khởi điểm chân thật nhất của tác động phê bình, khởi điểm đồng thời là tận cùng. Nhà phê bình đứng trước giới hạn của mình, vô hạn của tác phẩm. Phê bình? Không. Chỉ có tác phẩm, chỉ còn tác phẩm đang tìm được cơ hội để khẳng định cho chính nó.

Đoạn trường tân thanh, những tiếng mới về một nỗi đau lòng dàn trải trên 3.254 câu lục bát. Tác phẩm Nguyễn Du có thể chỉ là những tiếng kêu ai oán, những lời lẽ thống thiết, tiếng và lời, máu và nước mắt. Tôi biết vì sao tôi chọn bốn chữ Đoạn trường tân thanh để gọi tác phẩm Nguyễn Du thay vì một cái tên nào khác, Truyện Thuý Kiều, chẳng hạn. Đoạn trường tân thanh không là Truyện Thuý Kiều, không một câu chuyện được kể ra với những cơ cấu, những kích thước, những ý hướng của nó như bất luận một nhà phê bình nào cũng có thể phát biểu diễn đạt như vậy. Không ai chỗi cãi trong Đoạn trường tân thanh có một câu chuyện (nhiều hơn cũng nên), một (nhiều) thảm kịch, ngoài ra những nhân vật, những cá tính, những tình tự v.v… tất cả được thắt chặt hay tháo gỡ tài tình, tất cả được “vẽ” nên, viết ra, dựng thành đời sống, nghĩa là cảnh nào ra cảnh ấy, ai ra nấy, đâu ra đó, không thể khác hơn, không thể thêm vào). Đọc bất cứ một bài phê bình nào về Đoạn trường tân thanh người ta cũng có thể bắt gặp những nhận xét những phán đoán tương tự trên đây, chúng chứng tỏ phê bình đã chọn con đường dễ dãi nhất, tất cả những gì chúng phát biểu không vượt ngoài những điều kiện tối thiểu và bắt buộc để một cuốn sách trở thành một tác phẩm, một người làm thơ trở thành một thi sĩ, một người viết văn trở thành một nhà văn. Tôi cho là thừa khi nói Nguyễn Du tả hình thù Từ Hải hay tâm lý Thuý Kiều quá đúng, quá tài tình cũng như khi nói Đoạn trường tân thanh là một tác phẩm vĩ đại và Nguyễn Du là một thiên tài. Tất cả đều thừa trừ phi người ta không còn cách nào khác để nhìn tác phẩm, nói về tác phẩm). – Nhưng Đoạn trường tân thanh không một câu chuyện, không một thảm kịch, không nỗi gian truân của Thuý Kiều, không sự “dọc ngang” của Từ Hải, không tất cả những gì bao gồm trong nó. Nói một cách nào đó, Đoạn trường tân thanh bao gồm những gì mà nó phủ nhận hay phủ nhận chính những gì làm nên nó (bởi những yếu tố làm nên Đoạn trường tân thanh có thể đã không làm nên nó từ bản chất). Đoạn trường tân thanh, trong tư cách một tác phẩm, tự nó phải rũ bỏ, chối từ tất cả những dáng vẻ bề ngoài giả tạo, những gì có thể nhìn ngắm được, những gì đứng trơ trên mặt chữ, tất cả chỉ có thể đem lại thỏa mãn cho một tri thức hạn hẹp thường tình. Phải chăng đó là điều kiện nền tảng để tác phẩm có thể tìm gặp bản chất của nó, cái gì đang không ngừng lẩn trốn ở đàng sau những dáng vẻ bề ngoài, những hình thù chữ nghĩa. Đâu là bản chất, đâu là chân dung trung thực nhất, sâu thẳm nhất của tác phẩm? Câu hỏi không nhất thiết được trả lời tức thì. Nhưng câu hỏi nhất thiết phải được đặt ra. Bởi câu hỏi đương nhiên đặt con người đứng quay lưng trước những sự thật giả dối. Bởi với câu hỏi đó, nhà phê bình bắt đầu thấu rõ công việc của mình.

Với những ghi nhận ở trên, ta thử hỏi Đoạn trường tân thanh cho tới bây giờ đã đón chịu bao nhiêu ngộ nhận, đã tìm được thật sự bao nhiêu độc giả cho nó, đã được nhìn ngắm từ trong bản thể thẹn thùng của nó bao nhiêu lần. Hay thật ra nó vẫn đang trên đường tìm kiếm độc giả. Khi Đoạn trường tân thanh được “đọc” thật sự cũng là lúc người ta bắt đầu khôi phục Nguyễn Du, cũng là lúc tác phẩm Nguyễn Du đạt tới sự hoàn thành (một hoàn thành nào đó). Trong trường hợp người ta tiếp tục (với tất cả niềm tin hồn nhiên của mình), nhìn ở Đoạn trường tân thanh một câu chuyện hay một tấn kịch với những kích thước rắn chắc cố định của nó (mặc dù vấn nạn có thể đặt ra: “Truyện Thuý Kiều” đã hẳn là thảm kịch chưa? Người ta có thể đau lòng với “mười lăm năm ấy” của nàng Kiều. Nhưng đời người chỉ có thể bi thảm hay không, và thảm kịch thật sự chỉ có thể là thảm kịch của đời người của kiếp người của định mệnh toàn vẹn. Khi Nguyễn Du nói “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”, ông không nói trong thảm kịch mà nói trên hay nói ngoài thảm kịch), tiếp tục nhìn ở đó tâm sự, nỗi lòng không phải của tác giả Nguyễn Du mà của đại thần Nguyễn Du luôn ray rứt tâm trạng hoài Lê, sự việc này: hậu quả tất nhiên của nhà phê bình chỉ căn cứ trên nội dung sơ đẳng của tác phẩm (mặc dù với lối loại suy nông cạn đó, người ta không còn cách nào tàn nhẫn hơn để “giết” một tác giả, một tác phẩm: Đoạn trường tân thanh chỉ còn là một phương tiện để tác giả biện minh thái độ chính trị của mình), tiếp tục lải nhải tranh luận về một Đoạn trường tân thanh có hay không một giá trị đạo đức (có hay không để làm gì? Những phạm trù đạo đức liệu có thể đem lại gì cho một tác phẩm?) v.v… thiết tưởng chừng đó Đoạn trường tân thanh hãy còn là một tác phẩm chưa thật sự đọc tới bao giờ. Và Đoạn trường tân thanh, những tiếng mới về một nỗi đau lòng cũ đó hãy còn là lời lẽ chưa xác định, không ngớt đòi hỏi sự xác định cho nó. Và Nguyễn Du vẫn tiếp tục gần gũi đồng thời xa cách muôn trùng.



Nguyễn Quốc Trụ
Nguyễn Du giữa chúng ta

Bây giờ đọc Truyện Kiều, chúng ta hy vọng sẽ khám phá thêm được những gì ở trong hơn ba ngàn câu thơ đó? Liệu những độc giả bây giờ và sau này sẽ hài lòng với những giải thích đã có về Kiều? Tại sao cái cửa sổ mở sang khu vườn tình ái thơ mộng (mở sang khu vườn Thuý), lại bị đóng chặt mãi mãi chỉ vì “một tên xưng xuất, tại thằng bán tơ”. Liệu chúng ta, ngoài mớ giải thích về nguyên nhân nhân quả lấy từ Phật, có thể chấp nhận có một thảm kịch ở trong Truyện Kiều, một thứ thảm kịch kiểu Hy Lạp, theo đó, thảm kịch là cái không thể giải thích được, là con mắt của Định mệnh mở trừng trừng, là gã Oedipe tuy biết nhưng không thể tránh khỏi phải giết cha, lấy mẹ, theo đó, thảm kịch là cái không chấp nhận bất cứ một giải thích nào.

Và có thật một tâm sự hoài Lê của một cựu thần, và có thật người cựu thần đó đã cặm cụi thức thâu đêm suốt sáng, cố gắng moi óc, vắt tim sáng tạo nên 3.254 câu thơ, chỉ để bày tỏ một thái độ Khổng học, thứ triết lý giáo dục đẳng cấp mà chúng ta không thể nào tìm thấy, dù một mảy may, trong suốt cuốn truyện, trong suốt cuộc đời “thanh y hai lượt thanh lâu hai lần” của nàng Kiều?

Và tại sao cùng một tâm sự hoài Lê, hoài quân vương đó cho những tác phẩm khác nữa như Mai Đình mộng ký, Cung oán ngâm khúc?

Chúng ta sẽ phải hiểu chữ “nghiệp” như thế nào? Theo ý nghĩa Phật học hay theo một ý hướng văn chương, theo tinh thần của sự sáng tạo?

Chúng ta có thể vay mượn lý thuyết phân tâm học để coi Đạm Tiên như là tiềm thức của Kiều, coi Kiều như một nhân vật bị bệnh mộng tưởng (một visionnaire giống như những nhân vật của Julien Green chẳng hạn). Chúng ta có thể vay mượn triết lý hiện sinh, triết lý Mác-xít, và tất cả những triết lý hiện chúng ta đang có để chú giải Kiều? Chúng ta có thể quả quyết tất cả những chú giải trước đây về Kiểu đều sai, cho nên chúng ta phải bắt đầu lại từ đầu?

Và tại sao chúng ta vẫn còn tiếp tục đọc Kiều, tiếp tục tìm cách chú giải Kiều?

*


Trước hết, mọi chú giải trước đây, bây giờ, và sau này về một tác phẩm lớn cỡ Đoạn trường tân thanh, Cung oán ngâm khúc… đều là những khiếm khuyết, những défauis bên cạnh tác phẩm. Chú giải bao giờ cũng chỉ là cái thiếu bên cạnh cái đủ là tác phẩm. Heidegger cũng đã phát tự biện minh khi làm công việc chú giải thơ Holderlin, đại khái ông nói: “Kẻ chú giải phải xử sự như một thừa thãi, vô ích trước tác phẩm. Và bước chân cuối cùng của kẻ chú giải (phát giác quan trọng nhất của gã về tác phẩm) đẩy gã vào bóng tối, làm gã biến mất trước sự khẳng định đơn thuần của chính tác phẩm. Thơ, theo Heidegger, là một cái chuông treo lơ lửng giữa trời, và một chút tuyết nhỏ nào đó rơi trên nó, làm nó kêu rộn ràng, từ một hoà điệu cho đến khi trở thành hỗn độn. Một chút xíu tuyết, đó là hình ảnh của một lời chú giải vậy. Một lời chú giải (một tiếng nói phê bình) mang trong nó một chút kỳ dị là càng tự bày tỏ, khẳng định, nó càng dễ tự xoá, tự biến mất. Tiếng nói phê bình biến mất trong khi tự bày tỏ. Nó là sự có mặt luôn luôn sẵn sàng vắng mặt. Phê bình, chú giải chỉ là lùi bước trước tác phẩm, tạo một khoảng cách càng rộng càng tốt giữa tiếng nói phê bình và tiếng nói sáng tạo. Phê bình gia là một độc giả trong những độc giả nhưng hắn hiểu rõ hơn những độc giả khác tại sao hắn để mất cái mà hắn khám phá ra được về tác phẩm. Hắn phá hoại nhiều hơn là xây dựng.

Tiếng nói phê bình do đó là tiếng nói của sự im lặng. Nó từ chối tham dự vào lịch sử con người cũng như lịch sử văn chương. Nó không lý luận, không là trùng phúc và cũng không là biện chứng. Tại sao thế? Trước hết nó tự hiểu nó không là gì trước lịch sử loài người, nó không nói được một điều gì quan trọng, trường cửu… trước cái vô cùng quan trọng là lịch sử, lịch sử với những định luật tàn khốc, vững chắc nhất của nó (những định luật về chiến tranh, về đấu tranh giai cấp, về vong thân… chẳng hạn). Đối với lịch sử văn chương nói riêng, tiếng nói phê bình từ chối những tiếng nói phê bình cất lên trước nó. Nó không có anh em họ hàng. Nó không liên hệ gì với triết học, với những khoa học nhân văn (xã hội học, nhân chủng học…). Tiếng nói phê bình là cô đơn, là nói lảm nhảm một mình. Nhưng chính vì cô đơn, vì là cái có mặt nhưng luôn luôn sửa soạn biến mất, cho nên tiếng nói phê bình đã tham dự vào chính thực-tại-tác-phẩm, là tác phẩm. Tiếng nói phê bình là tác phẩm đi từ ngoài vào, là ánh sáng của bóng tối, là tiếng nói của im lặng. Phê bình tức là mở tác phẩm ra phần ánh sáng không phải của trí tuệ, trí thông minh, hoặc học vấn.

Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều, là độc giả đầu tiên và cũng là người chú giải thứ nhất về chính tác phẩm của mình. Bởi vì hai câu: “Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” là một chú giải thứ nhất Truyện Kiều. Bởi vì một tác giả bao giờ cũng là một chú giải, một phê bình gia “en puissance”, khi người đó đọc lại tác phẩm của mình. Đó là câu nói cuối cùng của tác giả (của tác phẩm) và cũng là câu nói đầu tiên của tác giả (người chú giải) về tác phẩm.

Trong câu nói đầy giọng cảm khái đó của Nguyễn Du, có cái đam mê của sự đọc, có cái sáng suốt của sự viết, có cái vẻ bất động tiêu cực của chiếm hữu sáng tạo và có cái tự do vô cùng của sáng tạo.

Một nhà văn xuất hiện và mở ra ngay trong gã cái được gọi là vụ án văn chương (Chaque écrivain qui nait ouvre en lui le procès de la littérature. - R. Barthes. Le degré zéro de l’écriture). Nguyễn Du, cùng với tác phẩm Kiều và hai câu khẩm chiếm khi sắp chết, đã mở ra tất cả những tại sao của văn chương và của phê bình văn chương vậy.

Và nếu có thể có một tâm sự Nguyễn Du thì đó là một tâm sự “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Đó là tâm sự của một tác giả đi tìm độc giả. Đó là tâm sự của Orphée khi đi tìm Eurydice.

Là một lời viết kêu gọi một lời đọc.

Đi tìm tâm sự Nguyễn Du cũng chính là đi tìm ý nghĩa đầu tiên (sau cùng) của sáng tạo. Đó cũng là một công cuộc tìm kiếm cái hữu (l’être) của thơ, của Đoạn trường tân thanh vậy.

Đi tìm tâm sự Nguyễn Du tức là tìm cách trả lời câu hỏi của tác giả Truyện Kiều gửi lại hậu thế, tìm cách trả lời những câu hỏi đến từ một câu hỏi:

Một câu hỏi, đó là: “Bất tri tam bách…”.

Những câu hỏi, đó là: Thơ là gì? Văn chương là gì? Viết là gì? Tại sao viết? Viết cho ai? Đọc là gì? Tại sao đọc?

Những câu hỏi đưa đến một bản thể học của văn chương vậy.

*


Bởi vì, gạt bỏ những chú giải xã hội, chính trị, “có một tâm sự hoài Lê” ở trong Kiều, gạt bỏ những ý hướng phê bình nhằm đưa Nguyễn Du đến giường bệnh, những ý hướng, toan tính phê bình mà chắc chắn chúng ta không thể chấp nhận được, hoặc chỉ chấp nhận tới một giới hạn nào đó, chúng ta chỉ có thể tiếp tục đọc Kiều và chú giải Kiều bằng chính tác phẩm Kiều và bằng lời chú giải thứ nhất của chính tác giả, trên đường đi tìm kiếm cái nghiệp của sự viết, cái tâm sự của tác giả muốn gửi gấm lại người đọc. Một công cuộc tìm kiếm cái nghiệp của sự viết (cái hữu của sự sáng tạo) như vậy sẽ giúp chúng ta hiểu được những “khéo dư nước mắt khóc người đời xưa”, những “Rằng hay thì thực là hay, Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!”, những “Đã mang lấy nghiệp vào thân”, những “Xưa nay sầu thảm, nay sao vui vầy?”…

Kafka, trong một bức thư gửi cho bạn, viết: “Nhà văn là một bouc-émissaire của nhân loại. Nhờ hắn mà nhân loại có thể vui hưởng tội lỗi một cách ngây thơ vô tội”. Chính niềm hoan lạc ngây thơ vô tội này là sự đọc. Sự viết mang trong nó mầm bất hạnh, nhưng sự đọc lại là hân hoan, lại là ân sủng. Một nhân xấu cho một quả tốt. Viết là một sự vật ai oán (chose nocturne), là cái ngậm đắng, nuốt cay, là cái nghiệp, là cái sầu thảm. Nhưng đọc lại là ân huệ, là an hưởng tội lỗi một cách không tội lỗi, (một cách thơ ngây vô tội). Viết là một tác động xấu (activité mauvaise) nhưng đọc lại là cái bất động, cái tiêu cực sung sướng. Cái hữu của sự viết là bất hạnh trong khi bản tính của sự đọc lại là hạnh phúc, mặc khải…

Chúng ta phải hiểu cái tâm sự của Nguyễn Du (nếu có thể gọi đó là một tâm sự) như một niềm ao ước, một hy vọng cảm thông ở nơi người đọc. Bởi vì viết là chỉ mong được đọc, như Sartre nói, viết mà không mong được đọc, được biết tới chỉ là một thất bại. Được đọc, được thông cảm và được tha thứ. Bởi vì nhà văn là một kẻ phạm tội; một kẻ bị kết án phải viết. Nhà văn là gã Oedipe bị lời nguyền rủa độc ác phải lấy mẹ giết cha. Nhà văn là gã Sisyphe bị kết án suốt đời vác đá. (Chúng ta không có ý định, ở đây, nhằm đưa tới kết luận nhà văn phải có một đời sống vật chất hoặc tinh thần khốn nạn, khổ sở, để nhờ đó mà văn chương trở nên vinh quang, người đọc trở thành sung sướng). Hắn là một kẻ trầm luân, hắn sự khổ, bất hạnh. Hắn mang cái nghiệp viết bất hạnh đó vào thân. Hắn là một thứ bouc-émissaire. Một gã tội phạm.

Và kẻ tội phạm đó mong được đọc, được hiểu, được thông cảm, tha thứ, mong được hưởng những giọt nước mắt khóc thương. Tâm sự của Nguyễn Du mong gửi gấm nơi người đọc cũng chính là tâm sự, là nỗi lòng của chàng nhạc sĩ Orphée lặn lội nơi địa ngục để tìm kiếm nàng Eurydice thân yêu vậy.

*


Tôi đã định theo gót Tiên phong Mộng liên đường chủ nhân, trong khi đề tựa Kiều, đi tìm một cuộc biến chuyển ngôn ngữ, từ lục Phong tình sang Đoạn trường tân thanh (thành ra cái lục Phong tình thì vẫn là cái lục cũ, mà cái tiếng đoạn trường thì lại là cái tiếng mới vậy) rồi từ Đoạn trường tân thanh sang Truyện Thuý Kiều. Bằng hai tiếng “tân thanh”, chúng ta có thể đi đến những định nghĩa về thơ: Thơ là lời nói, thơ là biến động, thơ là cái ngôn ngữ trẻ nhất, mới nhất. Bằng chữ truyện chúng ta có thể coi Kiều như một cuốn tiểu thuyết và nếu đã coi đó là một cuốn tiểu thuyết, chúng ta sẽ phải tìm kiếm một nội dung và một hình thức của nó. Chúng ta sẽ giải thích cái hậu của Truyện Kiều như của bất cứ một cuốn tiểu thuyết nào (như thế chúng ta có thể tránh được những giải thích vay mượn từ Phật học, như trường hợp Trần Trọng Kim chú giải Kiều).

Nhưng công việc đó đòi hỏi một thời gian nghiên cứu quá dài.



[1]Có chỗ chép là “khô cốt hữu duyên mai giản tịch”
[2]Chữ “vong” đọc “vương” vì theo vận toàn bài. Có chỗ chép là “vị hoa mang”. Nghĩa là “mải miết vì hoa”. “Vị hoa vương” là bỏ mình vì hoa. Câu kết ý nói: “Thà mang tiếng đam mê sách vở còn hơn say đắm theo hoa (Chết vì sách còn hơn chết vì hoa).
[3]Nguyễn Trọng Trí là một danh nhân tỉnh Bình Định. Hay chữ nổi tiếng. Đỗ cử nhân triều Tự Đức và có dự phong trào Cần Vương chống Pháp (1985-1987).
[4]Vương Xán đời Tam quốc có bài “Đăng lâu phú” tả cảnh tha hương và niềm cố quận rất thống thiết.
[5]Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền có chép rõ tình cảnh các người con.
Nguồn: Tạp chí Văn, Nghiên cứu và Phê bình văn học, năm thứ nhất, đệ tứ tam cá nguyệt 1967, tập 3. Chi phiếu, bÆ°u phiếu đề tên ông Nguyá»…n Đình Vượng. ThÆ° từ, bản thảo, ấn phẩm đề tên ông Trần Phong Giao. Giao thiệp trá»±c tiếp về mọi việc xin hỏi ông Gia Tuấn. Số 38, Phạm NgÅ© Lão, Sài Gòn. Điện thoại: 23.595. Giá 30 đồng. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.