© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
22.5.2008
Đặng Thân
Hậu hiện đại: Cần nó thì nó đến
Lê Anh Hoài thực hiện
 
Lê Anh Hoài: Anh có những sáng tác không theo bất cứ một thể loại nào quen thuộc, như loạt “Từ điển thi x/x loại [chúng sinh]” chẳng hạn. Truyện ngắn của anh thì khá là tùy hứng, hầu như không lệ thuộc vào cốt truyện, cũng như nhân vật. Điều này khiến nhiều bạn đọc bối rối. Anh có thể giải thích đôi lời về quan niệm sáng tác của mình?

Đặng Thân: Về thể loại tôi cũng có quan tâm từ lâu, vì đã nhiều năm giảng dạy văn học ở đại học. Nhưng trong khi viết, ý thức về thể loại trong tôi cũng lạ, có nhiều lúc nó xa rời mọi lý thuyết tôi đã biết.

Từ điển thi x/x loại [chúng sinh]” ra đời với một cảm thức hội nhập. Một số nhà nghiên cứu/phê bình cho rằng đây là một tập thơ có những yếu tố hậu hiện đại và cả hậu-hậu hiện đại.

Năm 2004 tại Sydney, các văn nghệ sĩ Việt Nam và Úc đã biểu diễn “Eleven Parts of Feeling” do đạo diễn Tạ Duy Bình dàn dựng, triển khai trên chùm thơ “11 khúc cảm” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Họ sử dụng cả tiếng Việt và Anh, trộn tất cả các thể loại và hình thức nghệ thuật: thơ, nhạc, lời nói, động tác hình thể, đường nét võ thuật Đông phương, hình thức nghi lễ Phật giáo, hiệu quả video. Trong khi diễn, các nghệ sĩ di chuyển qua nhiều sân khấu, đi đến đâu khán giả theo đến đó; đến phần cuối người ta thấy khán giả ở trên sân khấu như diễn viên, còn các diễn viên (thật) lại đang ở dưới xem như khán giả. Tôi rất thích và đánh giá cao ý tưởng sáng tạo cũng như cách trình bày một tác phẩm như vậy. Đời sống hiện đại cần phải có những tác phẩm như thế: mọi hình thức đều được triển khai, mọi người tham gia đều có thể đổi vai trò, tất cả đều được đắm mình và chủ động trong THĂNG HOA SÁNG TẠO.

Ý tưởng viết “Từ điển thi x/…” đã có từ lâu, nhưng sau sự kiện trình diễn “Eleven Parts of Feeling” và cả sự xuất bản Từ điển Khazar (của tác giả người Nam Tư Milorad Pavic – Trần Tiễn Cao Đăng dịch) ở Việt Nam thì tinh thần sáng tác của tôi càng được củng cố (Vậy là mình không hề cô độc khi viết cuốn sách này). Trong dự định sẽ có đủ thơ, ca, hò, vè, tiểu phẩm, kịch ngắn, truyện cực ngắn, tiểu luận ngắn, phê bình ngắn, bình luận ảnh, chân dung (cả hai chiều)… Vì là “từ điển” nên có nhiều thuật ngữ và chân dung; có điều họ xuất hiện như những nhân vật và ý tưởng văn học chứ không chỉ là con người thật. Mượn tên họ là để đưa ra ý tưởng văn học, còn ai muốn biết rõ về họ thì nên đi tìm những cuốn sách tiểu sử. Một nhân vật có thể xuất hiện hai lần ở hai trạng thái hoàn toàn trái ngược, vì thực chất chúng ta khó đưa ra nhận định “nhất quán” về bất kỳ ai. Tôi muốn phản ánh sự thật là chính trong lòng chúng ta cũng luôn có những cuộc đấu tranh khốc liệt giữa các “thế lực”: thiện - ác, bao dung - hẹp hòi, cao thượng - đê tiện, vị kỷ - vị tha, dũng cảm - hèn nhát, vị nghĩa - bất nghĩa…

Cũng có nhiều phản hồi tích cực về tập “Từ điển…”, có những nhà phê bình và học giả đánh giá rất cao. Nhà văn Phạm Lưu Vũ có viết một bài độc đáo về nó (đã đăng trên talawas): “Toạ đàm văn nghệ ở… gốc cây Ưu Bà”.

Trên thế giới và cả Việt Nam đã có nhiều tác phẩm không cốt truyện hay phi cấu trúc. Câu chuyện có khi chỉ cần cái như có lần anh nói là “câu kéo câu”. Câu chuyện tiếp diễn từ đầu đến cuối tức là vẫn có cái “cốt” nào đấy, có điều nó khác. Cái phi cấu trúc cũng mang một thông điệp nào đó với những ẩn ý nhất định. Cái đó mang tinh thần hậu hiện đại. Thêm nữa, tôi thấy làm nghệ thuật không thể thiếu cái “hứng”.

Nhân nói về cấu trúc hay cốt truyện tôi lại nhớ về một ngôi nhà tôi đã ghé qua cách đây 30 năm. Đó là một ngôi nhà hai tầng rộng rãi nhưng chỉ xây bằng gạch mười, không phải loại tường 20-30 (cm) như những ngôi nhà tầng khác. Đặc biệt trước nhà có một cái ô-văng to, rộng, hoành tráng, thế nhưng cái trụ chống duy nhất của nó lại chỉ là một thanh ống nước phi 20 đặt ở giữa. Ai đi qua cũng thấy hoảng vì quá kinh sợ với cấu trúc của ngôi nhà. Mọi người đều tỏ thái độ bất bình, thậm chí có người nguyền rủa, ai cũng thấy đó là sản phẩm của một kẻ tâm thần hoặc ngông cuồng, dốt nát. Thưa không, đó là ngôi nhà của một kiến trúc sư đầy năng lực, người đã đạt đến đỉnh cao nghề nghiệp của mình về nghệ thuật kiến trúc và kết cấu. Những quan điểm chống đối rõ ràng xuất phát từ sự thiếu hiểu biết và do sống trong những thói quen cũng như sức ì quá lớn. Nhiều người vốn quen với quan niệm “chắc chắn” và những “giai điệu” quen thuộc nào đó về nhà cửa (mà nhiều khi dẫn đến sự lãng phí quá mức và phản thẩm mỹ trong xây dựng) nên chưa đủ hiểu biết để tiếp nhận những ngôi nhà kiểu mới lạ. Vả lại, người ta cũng không biết một bí mật: cái ô-văng to rộng và nặng nề ấy còn được nâng đỡ bởi hai thanh bê-tông cốt thép chụm lại giấu rất khéo ở phía trên kéo ngược nó lên. Tôi nghĩ đó cũng là một ngôi nhà “tùy hứng”, hầu như không lệ thuộc vào “kết cấu thông thường”. Để làm ra nó đòi hỏi người ta cũng phải có một trình độ sâu sắc. Và điều quan trọng là chủ của nó rất thích, những người có trình độ đánh giá cao. Tôi nghĩ những ngôi nhà cùng kiểu như vậy cũng nên được phổ biến cho mọi người vì nó rất tiết kiệm, có điều phải nâng cao nhận thức của mọi người thì “chân lý” mới được sáng tỏ. Mà tôi thấy nhà cửa bên phương Tây họ cũng xây rất mỏng manh (có thể do an ninh của họ tốt và họ có hiểu biết về xây dựng).

Và điều quan trọng là trong sáng tác văn chương chưa hề có một bộ luật nào như Bộ luật Hình sự để áp đặt cho các nhà văn, mà nếu có chăng nữa thì chưa chắc những người “lách luật” là những kẻ sai trái (vì luật lệ cũng thường không theo sát được thực tiễn sinh động của đời sống). Trong âm nhạc “bác học”, các bản giao hưởng luôn có kết cấu rất chặt chẽ và thường có 4 chương, nhưng khi Gustav Mahler đảo lộn mọi thứ và viết bản Giao hưởng số 3 có tới 6 chương thì cũng không ai bảo nó không phải là giao hưởng.

Lê Anh Hoài: Thơ của anh đọc lên có vẻ phản cảm với nhiều người, nếu không nói là gây sốc. Nói chung, các sáng tác của anh dường như ít những ý tưởng “cao siêu” mà bạn đọc thường mong muốn tìm thấy trong một tác phẩm văn chương…

Đặng Thân: Khi tôi viết truyện tự các ý tưởng và nhân vật lôi cuốn câu chuyện. “Những ý tưởng cao siêu” có xuất hiện trong trí não bạn đọc hay không còn phụ thuộc vào “bộ lọc” hay cách đọc.

Đi tìm những ý tưởng “cao siêu” trong một tác phẩm văn chương là một mục đích cao cả. Một trong những lý tưởng và hiện thực cao siêu nhất của loài người chính là Phật và đạo Phật. Những người gắng sức đi tìm Phật sau bao mệt mỏi đã phải thốt lên “Vậy Phật là gì?” Những bậc đắc đạo đã có những câu trả lời khiến nhiều người chắc chắn phải kinh hãi: “Cám bã dưới cối”, “Que cứt khô”! Khổng Tử nói: “Đạo bất viễn nhân” – Đạo không hề xa con người. Phật hay cuộc sống tươi đẹp cũng đang ở ngay dưới chân mình, vì Phật và cuộc sống có mặt ở bất cứ đâu. Nếu thực sự yêu cuộc sống thì sẽ thấy vạn vật đều đẹp. Người ta thường nghĩ trong cơ thể con người thì chỉ có tim óc là cao quý nhất, chẳng mấy ai trân trọng những tế bào ruột đang lao động miệt mài để con người có được một cơ thể lành mạnh. Không ai có thể vì quá yêu cái “đại tự sự” mà sinh ra căn bệnh giữ cái này bỏ cái kia trong cơ thể của mình được. Biết trân quý cả những gì nhỏ nhoi, khác lạ, thì có lẽ mới thấy những “ý tưởng cao siêu” trong “tiểu tự sự”. Đó cũng là những tâm tưởng của tôi khi sáng tác. Con người chí thành luôn cần những cảm xúc tổng thể, mỗi góc thiếu hụt đều làm người ta méo mó về nhân tính.

Truyện của tôi cũng được nhiều người ủng hộ. Nữ nhà báo Lê An hiện ở San Diego (Hoa Kỳ) có nhận xét: “Tiếc là những truyện như ‘Hiếp’, ‘Yêu’ và ‘ma net’ hay như thế mà nhiều người chưa được đọc… Người ta cứ lo ngại về thế hệ nhà văn trẻ? Nhưng tác giả làm tôi rất tự hào về thế hệ sĩ phu Bắc Hà mới! Đáng lẽ ra những truyện này phải được quảng bá rộng rãi để nâng trình độ dân trí lên… Cảm ơn nhiều về những ý tưởng và cách viết thông minh. Có thể nói, giờ tôi đã tìm được những tác giả Việt Nam mà tôi thích đọc.”

Thực sự, tôi không muốn áp đặt ý mình, nhưng tôi nghĩ “những ý tưởng cao siêu” không dễ mà đến được với tất cả mọi người, và nếu chúng có mặt thì cũng không dễ mà hái lượm được. Nhà lí luận phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến có ý kiến sau: “Tôi đặc biệt chú ý đến truyện ‘ma nhòa’ của Đặng Thân, cách kể ở đây gần với cách kể thông thường, có thể gọi là cách kể ‘tuyến tính’. Đặc sắc của truyện này là ở giọng kể, một u-mặc (humour) hóm hỉnh hòa lẫn xót xa. Ở hầu hết những truyện còn lại, tác giả ‘phá cách’, Đặng Thân kể theo cách ‘phi tuyến tính’ (non-linear). Đặng Thân đọc tốt văn học tiếng Anh, tác giả có điều kiện lĩnh hội tự sự phi tuyến tính và trong sự thể nghiệm vào sáng tác của mình không bị sống sượng, có lẽ một phần ở anh có sự quan tâm đến văn hóa phương Đông. Về tính hài hước, Đặng Thân còn vượt cả Nguyễn Huy Thiệp.” Rõ ràng các chiều kích văn hóa không phải lúc nào cũng được thông suốt bởi những lộ trình còn nhiều ách tắc của thực tế và cả trong tâm trí con người (trong đó có cả tôi, anh và những người khác). Vì thế các bậc khai sáng vẫn nói cuộc đời là một cuộc tu luyện đúng nghĩa. Với tôi văn chương cũng là một con đường để tu tập tinh tiến bản thân mình.

Thơ có thể là thể loại tự do nhất và cũng nghiêm nhặt nhất. Sự “phản cảm với nhiều người” như anh nói tôi thấy là dễ hiểu. Cái “phản cảm” xuất phát từ cái “thuận cảm” tồn tại đã lâu: nhiều người chỉ quen với lối thơ có vần vè, du dương, tốt đẹp, dễ hiểu, dễ cảm, sáng sủa, gây xao xuyến… Tôi cũng ủng hộ họ. Vì thơ tôi hình như cũng có những cái đó nhưng, với tư cách một người sáng tạo, tôi đã biểu đạt bằng những cách khác. Có những ý kiến chia sẻ. Cây bút phê bình Nhã Thuyên viết: “Chơi-với-Chữ (chứ không chỉ là chơi chữ – tất nhiên chơi chữ không mới), nhưng chơi chữ kiểu Đặng Thân có nhiều cái đáng nghĩ. Dương Tường cách tân trên âm. Nhưng Đặng Thân phá chữ. Chữ nghĩa không phải là cái gì nên được tôn sùng quá, vui với nó chẳng làm cho đầu óc được tự do hơn ư?” Nhà thơ Mai Văn Phấn giới thiệu thơ tôi trên website của anh (maivanphan.com): “…Các biểu hiện được xem là khuynh hướng hậu hiện đại… được ông vận dụng nhuần nhuyễn tới mức ma ảo để làm thành sự xô lệch cố ý về câu chữ, tạo những trường nghĩa nhòe mờ, đa hướng. Thơ Đặng Thân là lời bông đùa đa nghĩa, tiếng va đập dây chuyền của đời sống này… Ông càng đi càng xa với ‘lâu đài thi ca’ mà các vị làm thơ ‘đạo mạo’ vẫn tôn thờ từ xưa đến giờ. Nó giống như sự phản biện đến từ dòng cảm thức trái chiều, đối trọng với lối tư duy và biểu hiện phổ biến, một ‘kẻ phá đám’ để nhìn nhận lại những giá trị nguyên bản trong một chiều kích mới…”

Lê Anh Hoài: Sáng tác của anh đa số lưu truyền trên mạng, chỉ một số ít được in, vì sao vậy? Anh không thích? Hay có vấn đề gì chăng?

Đặng Thân: Về in ấn tôi thấy mình chưa có “duyên” lắm. Ví dụ mới đây tôi gửi bài cho một tờ báo văn học thì được ban biên tập phản hồi: “Chúng tôi đã đọc bài anh gửi. Vấn đề đặt ra rất thú vị nhưng e là không thể đăng được vì cách triển khai vấn đề có vẻ thông tấn quá, tin tức quá. Nếu anh triển khai được nó dưới góc độ văn học thì rất tốt. Chúc anh vạn sự tốt lành!” Đó là một tản văn bàn về ngôn ngữ, tôi nghĩ nó hoàn toàn phù hợp với tờ báo đó (vốn dành nhiều “đất” cho tản văn, ký và các bài “linh tinh” khác). Họ thấy không hợp tức là có sự vênh nhau về khái niệm thể loại hay cách hiểu. Vượt qua sự vênh ấy thì phải tranh luận. Như thế thì lại làm mất thời giờ quý báu của họ (và của tôi). Vì e ngại thế nên tôi thấy mình nên rút lui và đã gửi một lời chào như sau: “Xin cảm ơn Ban biên tập nhiều, tôi sẽ suy nghĩ lại. Cũng xin cảm ơn thái độ ‘rất chuyên nghiệp’ trong cách từ chối. Trân trọng.” Việc bị từ chối in ở ta còn nhiều, trong đó có nhiều tác phẩm hay, nên tôi không áy náy. Nhưng rõ ràng hiểu biết chung về văn học ở ta đang rất không đồng bộ và bất cập khủng khiếp. Chỗ này rất có vai trò của ngành giáo dục – đào tạo và các cơ quan hoạt động văn học.

Tuy nhiên, phần lớn các truyện ngắn tôi viết đã in trên báo chí trong nước. Thơ, truyện và tiểu luận cũng đã được in trong các tuyển tập ở nước ngoài. Với tôi, quan trọng là hãy viết đi đã.

Lê Anh Hoài: Trong các tác phẩm của anh có ngôn ngữ đường phố, quán xá với những từ lóng; đang Việt ngữ lại chêm Anh, Pháp, Hoa, thật có bồi có. Có người cho rằng đó là một kiểu phá phách làm hỏng tiếng Việt đẹp đẽ của chúng ta. Anh có nghĩ thế không?

Đặng Thân: Tôi nhiều lúc viết theo hiện thực, vì vậy lối ăn nói của mọi tầng lớp đều được đặt đúng chỗ. Những nhân vật sành điệu/tân thời, tuổi teen, “Việt kiều”, thậm chí cả các học giả khó mà phát ngôn đầy đủ khi thiếu ngoại ngữ. Giới nào có giọng của giới ấy, có kiểu “lai căng” riêng. Thực tế ấy đã và đang diễn ra ngoài đời sống, và không chỉ bây giờ mới có. Dấu tích là chúng ta có rất nhiều từ nước ngoài: Hán, Pháp, Anh… Và không vì thế mà tiếng Việt của chúng ta không đẹp. Cần phải thấu đáo về sự khác biệt giữa KHẨU NGỮ và BÚT NGỮ. Những ý kiến dè bỉu có lẽ đều do thiếu hiểu biết về sự khác biệt ấy. Ngôn ngữ trên văn bản chính trị hay văn hóa không thể giống ngôn ngữ nói.

Hơn nữa, các nước tiên tiến có ngôn ngữ phát triển cao đều có tính mở trong xây dựng từ vựng, và mượn rất nhiều từ nước ngoài. Vì tiếng nước nào cũng khó mà diễn tả đúng nhất nghĩa của từ xuất hiện ở nước khác. Vậy nên xin đừng ngạc nhiên nếu ta biết trong tiếng Anh và một số tiếng khác hiện nay cũng có nhiều từ tiếng Việt. Ví dụ nhé: Tet, ao dai, pho, banh chung, Doi Moi… Tiếng Anh còn vay mượn hàng trăm ngàn từ của Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Ý, Latin, Hy Lạp, Ả Rập, Nhật, Hoa, Ấn, Bangladesh… nhưng không có người Anh nào bảo tiếng của họ không trong sáng. Cần phải có thái độ cởi mở về từ vựng, nếu không sẽ rất khó hội nhập với thế giới (Xin cảnh báo: số lượng từ tiếng Việt chưa bằng 1/10 của tiếng Anh, những nước có ngôn ngữ khó phát triển đã phải dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức). Không biết chúng ta sẽ xoay xở ra sao trong đời sống và công việc hiện đại nếu không có những marketing, volt, watt, e-mail, website, blog, fax, photocopy, outsourcing, logistics, memo, PR, MC, @, Φ, Σ, Δ, α, β, π... Nhu cầu thực tế của đời sống sẽ tự nó quyết định thôi, nếu chúng ta không vay mượn tiếng nước ngoài nữa thì e rằng mọi hoạt động trong xã hội sẽ phải quay về với thời kỳ tiền thực dân.

Lê Anh Hoài: Việt Nam đã xuất hiện những tác phẩm mang phong cách/cảm thức hậu hiện đại, anh tiên liệu về “dòng” văn học này như thế nào? Có người nhận xét: hậu hiện đại chỉ là học đòi, lai căng, rồi ở nước ta loại văn học này sẽ chết yểu… Anh thấy sao?

Đặng Thân: Nước ta trước đây là thuộc địa của Pháp, vì thế văn học Việt Nam hiện đại có ảnh hưởng của Pháp rất nhiều; cả Trung Quốc nữa (tất nhiên). Văn học của ta đã gắn chặt với các chủ nghĩa lãng mạn, hiện thực và hiện thực phê phán. Rồi các nền văn học từ Đông Âu cũng mang đến một dòng hiện thực mang tên hiện thực xã hội chủ nghĩa. Dường như ở trong nước chúng ta quá xa lạ với văn học tiếng Anh và Tây Ban Nha ưu trội của thế giới hiện đại, cho nên cũng xa lạ với nhiều thứ phổ biến trên thế giới như các chủ nghĩa duy mỹ, hiện đại, hiện thực kỳ ảo, siêu thực, hậu hiện đại hay kịch phi lý…

Hiện nay văn học ở ta khá cũ kỹ, nặng về tính trung đại. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện một số yếu tố mang tính hậu hiện đại (sau vài cố gắng yếu ớt mang dáng vẻ chủ nghĩa hiện đại). Trong và ngoài nước đều có nhiều tác giả có khuynh hướng này. Đó là những nhân tố thuận lợi ban đầu để phát triển.

Hậu hiện đại phát triển tự nhiên khắp thế giới. Chúng ta có nhu cầu đến nó thì nó đến, tôi không thấy sự học đòi, lai căng ở đây. Vì theo tôi có lẽ người đầu tiên viết theo xu hướng hậu hiện đại ở Việt Nam là Hồ Xuân Hương, cách đây đã hai thế kỷ. Bà đề cao tiểu tự sự, giễu nhại, ngoại biên… Gần hơn là Bùi Giáng và Bút Tre nữa. Tôi nghĩ các nhà văn của ta sẽ thu nạp được tinh hoa của hậu hiện đại để viết nên một nền văn học mới.

Lê Anh Hoài: Anh thích hậu hiện đại ở điểm nào? Không thích điểm nào?

Đặng Thân: Những vấn đề và đặc điểm của chủ nghĩa hậu hiện đại tôi thấy đã có khá nhiều bài viết của các tác giả Việt Nam trong và ngoài nước (như Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn, Nguyễn Minh Quân, Phương Lựu, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn, Inrasara…), và họ đã đề cập với những mức độ xác đáng khác nhau.

Cái tôi thích là nó nói lên được những gì mấy lâu ít người động đến. Nó giúp người sáng tác có thể viết về bất cứ cái gì vào bất cứ lúc nào theo bất cứ một thể loại nào. Nó nâng cao đời sống dân chủ. Nó tạo điều kiện cho nhiều người tham gia vào công việc sáng tác. Nó làm cho đời sống và văn chương sinh động, linh hoạt, đa dạng hơn rất nhiều. Nó giải bỏ các trung tâm, giải khu biệt hóa, giải hoặc, giải cấu trúc. Nó thay thế cái “nhất thống” cho sự đề cao những mảnh vụn và các yếu tố ngoại biên. Nó là bừng phát của những dị biệt và thăng hoa của tính phồn tạp. Nó “hội nhập toàn cầu”.

Cái chưa thích là một sự lo lắng về tương lai. Sự phát triển của nó nếu mang xu hướng độc tôn có thể sẽ lấn lướt những gì không mang đặc điểm hậu hiện đại rõ nét, vì vậy khi đó nó có thể là nguyên nhân của việc loại bỏ những cái hay mà không cùng dòng sáng tác. Không cẩn thận nó sẽ tạo ra một thứ mốt làm nhiều người a dua, mặc nhiên là họ dễ đánh mất sở trường của mình. Không cẩn thận nó dễ xóa nhòa những gì kinh điển. Tuy nhiên, tôi thấy những tác phẩm kinh điển có giá trị đều có ít nhiều yếu tố hậu hiện đại.

Lê Anh Hoài: Xin cảm ơn những ý kiến thẳng thắn của anh.

3-5-2008
Nguồn: Bài đăng trên Văn nghệ Trẻ số 20 (602) ra ngày 18-5-2008. Bản gá»­i đăng talawas là bản đầy đủ.