© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
28.5.2008
Nguyễn Đổng Chi
Quan điểm phản động, phản khoa học của Phan Khôi phải chăng là học mót của Hồ Thích?
 1   2 
 
D. Quan điểm phản cách mạng, chống Đảng

Thực nghiệm chủ nghĩa mà hồi đó Hồ Thích nhập cảng của đế quốc Mỹ vào để làm gì? Không có gì khác là để truyền bá tư tưởng quan điểm chống đối với chủ nghĩa Mác ở Trung Quốc, chống đối với làn sóng cách mạng ngày càng bành trướng, càng sôi nổi của nhân dân Trung Quốc để hòng cứu vãn nền thống trị phản động của đế quốc phong kiến và tư bản quan liêu đang rẫy chết. Hồ Thích cho đế quốc chủ nghĩa đối với Trung Quốc không phải là kẻ xâm lược mà là “hương hạ nhân đích hải ngoại kỳ đàm”, [1] cho căn bệnh lớn của Trung Quốc không phải là tại bọn thống trị phản động, bọn phong kiến quân phiệt và bọn quan liêu tàn ác mà là tại nhân dân “ngu muội vô tri”; cho Đài Loan không phải là lãnh thổ của Trung Quốc, v.v… [2] Thực nghiệm chủ nghĩa của Hồ Thích, chân lý của Hồ Thích nói chung là thứ “đồ dùng” để hoạt động “có lợi” cho đế quốc chủ nghĩa và giai cấp tư sản Trung Quốc.

Còn Phan Khôi thì thế nào?

Phan Khôi chủ trương “nước ta không có chế độ phong kiến” để làm gì? “Vì theo lịch sử nước ta, từ xưa đến nay chưa hề có chế độ phong kiến thì người mình bởi đâu chịu nó áp bức, chúng ta ngày nay việc gì phải thoát ly.” [3] Nghĩa là chúng ta cần gì phải xoá bỏ chế độ phong kiến vì có chế độ ấy trên lịch sử đâu. Nói như thế không những Phan Khôi không tán thành việc xoá bỏ chế độ phong kiến địa chủ mà hơn nữa, còn cho chế độ tư hữu theo kiểu tư bản chủ nghĩa hiện hành là một chế độ vĩnh viễn tồn tại, một cái gì tốt đẹp cần phải duy trì, không cần phải làm cách mạng.

Tại sao vào khoảng năm 1936, Phan Khôi đăng luôn mấy bài mạt sát Tôn Thất Thuyết trên báo Tràng an giữa lúc các báo chí quốc văn hồi ấy hô hào lấy ngày thất thủ kinh đô 23 tháng 5 năm Ất Dậu làm một ngày quốc sỉ, có ý khơi lòng căm thù với thực dân Pháp. Cố nhiên Tôn Thất Thuyết không phải là một vị anh hùng, một người hết lòng hy sinh vì nước vì dân gì, nhưng kể về tinh thần của bọn triều đình phong kiến thì Tôn Thất Thuyết cũng như Hàm Nghi là đứng về hàng ngũ kháng Pháp, là linh hồn của quân Cần Vương, trái lại bọn Nguyễn Văn Tường, Đồng Khánh là đại biểu cho bọn đầu hàng, bọn bán nước. Mạt sát Tôn Thất Thuyết hồi đó, dụng ý của Phan Khôi rất dễ hiểu, Phan Khôi muốn vì chế độ thực dân, giập tắt lòng yêu nước thù giặc của mọi người.

Phan Khôi từng nói: “Làm cho kinh tế bị khủng hoảng và cả thế giới mấy năm nay, cái tội ở những nước nào chưa có khoa học như nước Việt Nam này là một.” [4] Nói như thế để làm gì? Tất nhiên không phải Phan Khôi muốn khuyến khích cho người Việt Nam cũng như những nước ươn hèn chưa có khoa học khác xây dựng nhà máy sản xuất hàng hoá để cạnh tranh với hàng đế quốc và do đó để tiêu trừ nạn kinh tế khủng hoảng, vì trong hoàn cảnh bị áp bức về kinh tế, giai cấp tư sản Việt Nam cũng như giai cấp tư sản ở các nước ươn hèn khác làm gì mà cất đầu lên được. Đây là một bài cãi hộ vừa trắng trợn vừa liều lĩnh cho mấy tên tư bản cạnh tranh nhau, sản xuất hàng hoá một cách vô tổ chức. “Đồ dùng” của Phan Khôi “có lợi” cho thực dân đế quốc là như vậy.

Nói đến cộng sản, nói đến Đảng thì thái độ của Phan Khôi không úp mở gì nữa. Thái độ đó là thái độ chống đối hoàn toàn.

Sau khi thất trận trên chiến trường duy tâm duy vật, “viên tướng” ấy dùng lối “chiến tranh lạnh” nghĩa là đem những cái tủn mủn vụn vặt để mỉa mai đồng chí Hải Triều và nhân thể đả kích vào chủ nghĩa cộng sản. Ở đây ta không nhắc đến ác ý đó.

Trong một bài đăng ở báo Sông Hương, chủ bút Phan Khôi viết: “Có điều ở xứ ta đây thật quả có phe phú hào với phe bình dân mà cái tình trạng sinh hoạt huyền cách nhau và cái quyền lợi phản đối nhau như ở các nước tư bản chủ nghĩa bên Tây không? Ở xứ ta đây trong những cuộc vận động chính trị hiện thời quả có phe phú hào nào âm mưu cùng nhau xui chính phủ Pháp những cái quyền lợi riêng cho mình mà làm hại bình dân không?” [5]

Trước vấn đề tỷ lệ huyền cách nhau về sinh hoạt và phản đối nhau về quyền lợi, Phan Khôi chỉ biết cãi hộ cho phe phú hào, cho rằng phe phú hào ở ta không bằng phe phú hào ở các nước tư bản, nhưng Phan Khôi lại không biết phe bình dân ở ta lại càng kém xa phe bình dân ở các nước tư bản, Phan Khôi cũng lại không biết phe bình dân ở ta chịu biết bao tầng áp bức bóc lột như thế nào. Còn như phe phú hào có âm mưu gì với chính phủ Pháp không, thì một vài tài liệu vặt như “Bức thư ngỏ cùng quan Tổng trưởng thuộc địa” của tên bợ đít thực dân Dương Bá Trạc, [6] một vài hành động phản động của đảng bán nước bán dân là đảng Lập hiến của bọn Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long, v.v… cũng đủ để trả lời cho Phan Khôi rồi. Chưa nói đến những âm mưu của bọn chúng từ Nam chí Bắc tuy lẻ tẻ mà thống nhất trong những việc bắt bớ chém giết nhân dân, tranh đoạt ruộng đất làm đồn điền, ăn bám công quỹ mà nhiều sách báo đương thời có nhắc đến.

Thâm độc và xảo quyệt nhất là Phan Khôi vu cáo lãnh tụ của vô sản thế giới nói riêng và vu cáo chủ nghĩa cộng sản nói chung. Phan Khôi so sánh: “Tôi thấy ông Lénine hay ông Staline thì cũng chẳng khác nào ông Mussolini hay ông Hitler. Cái tướng tinh ho ra khói, khạc ra lửa ấy dễ dàng gì bảo họ cầm cái liềm hay cái búa để mà diễu cợt: “Người như thế mà Hứa Hành bảo họ tịnh canh tôi cho là khờ rồi. Đến bảo theo cái tín điều “các tận sở năng” tôi cũng còn lấy làm ngại nữa.” [7]

Đem một vài câu nói sơ lược của thuyết Hứa Hành ở thời đại cổ Trung Quốc để mà gán ghép vào cho chủ nghĩa xã hội khoa học ngày nay thì thật là không đâu vào đâu cả. Bởi vì theo kiểu “cùng cày” của Hứa Hành tức là chủ nghĩa bình quân lao động chỉ có thể áp dụng ở thời kỳ cộng sản nguyên thuỷ, chứ ở thời kỳ xã hội xã hội chủ nghĩa hay cộng sản chủ nghĩa không thể không phân công trong lao động sản xuất. Ở đây ta thấy Phan Khôi vứt cả luận lý học để cốt nói cho sướng miệng, để vu khống, chứ không phải để bình luận sử. Con người đó quả là con người nhan hiểm.

Bất tất phải nói nhiều nữa, Phan Khôi ngày trước quả là coi cách mạng, coi Đảng của giai cấp vô sản như thù nghịch. Cố nhiên người như thế đi theo cách mạng, đi theo kháng chiến mười mấy năm nếu không tự mình hết sức cải tạo thì dù có đi theo cho đến mãn đời cũng không thể nào tìm được chân lý, biết được sự thực. Cho nên chúng ta không lấy làm lạ cho lắm khi thấy Phan Khôi gần đây chủ trương tờ Nhân văn để nói xấu cách mạng, vu cáo Đảng. Cái “tôi” của Phan Khôi quả vẫn là cái “tôi” của những phần tử trong hàng ngũ đối lập với cách mạng, với Đảng, không thể nào hoà nhịp được với cái “tôi” mới của nhân dân quần chúng đang tiến bước trên con đường xã hội chủ nghĩa, thì làm gì mà Phan Khôi chả than rằng “tôi đâu còn là tôi được nữa”. Cặp kính của Phan Khôi đeo ngày nay quả vẫn là cặp kính quá đen tối của bọn thống trị, bọn phản động nhìn lịch sử, nhìn nhân dân ngày xưa thì làm gì thấy được cái đẹp, cái tốt, cái đang lên của xã hội mới, thì làm gì mà Phan Khôi chả trách “triều đại là triều đại gì đó, cái thói kỵ huý của quan trường thì không khác”. Cái mà người ta gọi là “lập dị, khí khái” của Phan Khôi ngày trước cũng như ngày nay quả đúng là quan điểm chống nhân dân, chống cách mạng, và chống Đảng.

Ở đây chúng tôi không nói đến một đời hoạt động về chính trị và tư cách cá nhân của Phan Khôi vì các báo chí đã kể ra nhiều lắm đi rồi. Qua giấy trắng mực đen, qua một số bài báo mà chúng tôi phân tích về từng quan điểm một ở trên, hẳn độc giả cũng thấy rõ tư tưởng lập trường của Phan Khôi như thế nào. Chân tướng con người đó đã khá rạch ròi.

Tại sao Phan Khôi lại học mót của Hồ Thích? Tại sao lại học mót một cách vụng về?

Không nghi ngờ gì nữa, Phan Khôi học mót của Hồ Thích vì tư tưởng căn bản của Phan Khôi ngày trước là tư tưởng nô dịch, y như tư tưởng “dương nô” mà đại biểu có tên tuổi ở Trung Quốc chính là Hồ Thích. Chúng ta cũng nên biết trong thời đại bọn thực dân đế quốc làm mưa làm gió ở thuộc địa thì ở thuộc địa nói chung thường có một số người trong đó có cả phần tử trí thức, hay bị loá mắt về cái văn minh vật chất của Tây phương. Trong đó có hai hạng: một hạng tuy phục văn minh Tây phương là mạnh là giỏi nhưng họ vốn giàu lòng yêu nước nên mong muốn mọi người cố gắng học lấy cái văn minh đó để hòng giành lại chủ quyền của tổ quốc và kiến thiết đất nước. Cần phải thấy rõ: họ tuy phục văn minh Tây phương nhưng phục với tinh thần tự cường, với tinh thần tự hào dân tộc, tin tưởng giang sơn tổ quốc rồi sẽ có ngày tiến bước được như các nước Tây phương. Đó là một hạng.

Một hạng khác nhắm mắt sùng bái văn minh Tây phương qua những ông chủ mới, đến nỗi thấy cái gì của người cũng cho là đẹp là khôn, thấy cái gì của mình cũng cho là xấu là ngu đi cả. Từ chỗ tâng bốc sùng bái người, tiến đến nô dịch cho người cách nhau không đầy một bước. Và khi họ ra mặt mạt sát nhân dân, mạt sát tổ quốc là lúc họ đã vững chân trên con đường phản động. Hạng này so với hạng trên thực chất khác nhau như trời với vực. Phan Khôi cũng như Hồ Thích đều là điển hình cho hạng này. Nhưng Phan Khôi chỉ có thể sánh được với Hồ Thích một phần nào về hình thức nô dịch, còn như nội dung nô dịch thì lại khác xa. Nói như thế không phải bảo là bên này ít tính chất phản động, phản khoa học hơn bên kia. Việc đó nói lên sự cách biệt về bản lĩnh học vấn, chính trị và về môi trường hoạt động giữa hai bên. Ta thấy rõ:

a. Do tư tưởng nô dịch nên lúc bước vào nghề cầm bút, tự nhiên Phan Khôi đã thấy con đường mà Hồ Thích đang đi rất phù hợp với con đường mà mình đang chọn. Tự nhiên đang khát gặp nước, quan điểm và phương pháp mà Hồ Thích đang truyền bá ở Trung Quốc được Phan Khôi mượn lấy tự võ trang cho mình. Nhưng Hồ Thích tốn bao nhiêu công phu đi đây đi đó; đế quốc tốn cho hắn bao nhiêu cơm áo bơ sữa để cho hắn đầu độc có kết quả hơn 600 triệu nhân dân, để cho hắn vẽ vời đẹp mặt hơn giai cấp tư sản mại bản bấy giờ đang cầm quyền thống trị Trung Quốc. Còn ở đây, đế quốc thực dân có tốn kém gì cho Phan Khôi không thì không biết; chỉ biết rằng Phan Khôi chả cần phải đi đâu xa cả, chỉ nằm khểnh bên “bàn tĩnh” lặp lại ý kiến của Hồ Thích, cường điệu vào hoàn cảnh của Việt Nam để ký tên của mình ở dưới là được rồi. Cái học của Phan Khôi không có một hệ thống độc lập, không đủ để làm to chuyện như Hồ Thích. Còn như giai cấp tư sản Việt Nam tuy đã thành hình nhưng rất yếu ớt, lại bị chèn ép dữ dội, còn ai nghĩ tới chuyện vẽ mày vẽ mặt cho nữa. Vậy thì chỉ còn có một giải đáp là Phan Khôi làm như thế vì mục đích làm lợi cho thực dân đế quốc là chủ yếu.

b. Do tư tưởng nô dịch cho nên Phan Khôi thấy rất phù hợp khi bắt chước Hồ Thích phủ định giá trị lịch sử, phủ định truyền thống ưu tú của dân tộc. Từ đây lại tiến lên một bước là phủ định lực lượng quần chúng, phủ định tính chất tất yếu của cách mạng. Ngược lại, Phan Khôi đề cao thực dân đế quốc thống trị rồi từ chỗ đó, công nhận Tây phương nô dịch Đông phương là hợp lý; công nhận “tội ở về phía mấy nước nhỏ yếu” là dĩ nhiên. Từ đây, Phan Khôi đã đứng bên kia hàng ngũ của chúng ta rồi. Từ đây chính Hồ Thích cũng không ngờ hắn đã có một đồ đệ khá trung thành ở Việt Nam rồi. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà gần đây Phan Khôi mới giở trò ở Nhân văn – Giai phẩm.

Tất nhiên kẻ đã mang nặng đầu óc nô dịch chỉ thấy cái lợi nhãn tiền chứ không có lý tưởng gì cao xa, không có kiến thức gì sâu rộng, Phan Khôi, qua những bài báo vừa vạch trên kia, quả là một người dốt nát. Cho nên cái danh từ “học giả” quá to tát mà một số người hay gán cho Phan Khôi, không đúng.

Một tờ báo phát ngôn cho bọn Mỹ-Diệm miền Nam còn nói: “Phan Khôi đáng làm thầy cho cộng sản.” [8] Câu nói đó thực là một câu khôi hài đến chua chát. Phan Khôi chỉ làm đầy tớ cho đế quốc phong kiến suy tàn rẫy chết, làm thầy cho giai cấp tư sản đầu cơ trục lợi trong nước thì được, chứ nếu Phan Khôi muốn học theo chủ nghĩa Mác-Lênin thì với quan điểm phản nhân dân, phản cách mạng nặng nề trong đầu óc như thế không biết bao giờ mới thành công mà bảo làm thầy cho cộng sản sao được! Chủ nghĩa cộng sản có triết học duy nhất khoa học làm cơ sở cho lý luận, đó là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử chứ có phải xa rời chân lý khách quan như mớ học thuyết học lỏm được của Phan Khôi đâu! Chủ nghĩa cộng sản trọng tổ quốc, tin tưởng ở truyền thống anh dũng tốt đẹp của dân tộc chứ có phải vong bản, phản dân tộc như Phan Khôi đâu! Chủ nghĩa cộng sản là đưa nhân loại tiến lên hạnh phúc, chinh phục tự nhiên, không có cảnh tượng người bóc lột người chứ có phải muốn cho dân tộc ở trong vòng gông trói của thực dân phong kiến, ca ngợi tự do cá nhân tư sản như lời của Phan Khôi đâu?

Ở nước ta trong giai đoạn miền Bắc tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa, chúng ta cần phải quét cho kỳ sạch những cái gì là phi lịch sử, là phản khoa học, là phản nhân dân, là chống Đảng, nói tóm lại là bóc trần những ý thức tư tưởng và chính trị nô dịch và phản bội, cũ cũng như mới, để đẩy mạnh việc học tập và xây dựng nền văn hoá mới của chúng ta. Chúng tôi viết bài này là cũng một mục đích đó.

4/1958



[1]Tạm dịch là “câu chuyện ly kỳ của dân chúng đối với người ngoại quốc” (nguyên chú)
[2]Theo bài “Thực chất tư tưởng phản động của Hồ Thích” trong sách Phê phán tư tưởng Hồ Thích tập II (nguyên chú)
[3]Phụ nữ tân văn 1934 (nguyên chú)
[4]Trong bài “Khoa học không có tội” (nguyên chú)
[5]Sông Hương 1936 trong bài “Vạn bạn đồng nghiệp Nhành lúa” (nguyên chú)
[6]Đã có in thành sách do nhà Đông Tây xuất bản (nguyên chú)
[7]Trong bài “Thuyết tịnh canh của Hứa Hành và chủ nghĩa cộng sản” (nguyên chú)
[8]Theo một tờ báo ở Sài Gòn. Phan Khôi đã chụp đăng đoạn này lên tờ Nhân văn số 2 với mục đích gì chắc độc giả cũng thừa hiểu.
Nguồn: Tập san Nghiên cứu văn sá»­ địa, Hà Ná»™i, số 41 (tháng 6/1958), tr. 7-24. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.