© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Văn học miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63 
29.5.2008
Ðặng Tiến Vinh
Đọc “Khung rêu” của Nguyễn Thị Thụy Vũ
 
Hơn một nửa người Việt trong nước và hơn một triệu người Việt đang sống ở nước ngoài sinh ra khi cuộc chiến tranh cuối cùng của thế kỉ 20 diễn ra trên đất nước Việt Nam đã hoàn toàn kết thúc. Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì về chiến tranh? Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Ðặng Tiến Vinh, một thanh niên Mĩ gốc Việt, sinh viên Đại học U.C. Berkeley, California.
talawas
Tên truyện: Khung rêu
Tác giả: Nguyễn Thị Thụy Vũ
Nhà xuất bản: Việt Nam (Los Alamitos, CA, USA); tái bản
Năm xuất bản: 1977
Số trang: 413
Địa điểm: Chủ yếu lấy bối cảnh chung quanh ngôi nhà thừa tự của ông Phủ ở tỉnh Vĩnh Long.
Thời gian: Truyện xảy ra trong vòng 10 năm, không rõ năm chính xác, nhưng vào thời gian này lực lượng Việt Minh đang giữ thế mạnh trong công cuộc đánh đuổi thực dân Pháp và cải cách ruộng đất cho nông dân tá điền đang bắt đầu; có lẽ là vào những năm 1950.


Các nhân vật chính

Ông Phủ: Chủ gia đình, là một vị quan của triều đình đã về hưu, sau làm chủ nhiều mẫu ruộng thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bà Phủ: Chồng chết, sống một mình ở Cần Thơ, sau gặp ông Phủ làm việc ở Cần Thơ rồi về làm vợ kế của ông Phủ vì bà vợ đầu tiên của ông Phủ đã chết hơn 1 năm. Một người vợ thông minh, tháo vát, đảm đang, biết thu vén và lo lắng cho các con cháu trong nhà.

Chiêu: Đứa con duy nhất của ông Phủ và bà vợ kế (bà Phủ). Anh chàng là bán nam bán nữ, rất khéo tay trong việc bếp núc, hội họa và ca hát.

Canh: Con trai đầu lòng của ông Phủ và bà vợ quá cố. Canh là một đứa con hư đốn, chơi bời trác táng, chỉ mong cha chết để được thừa hưởng tài sản.

Thụ: Con trai thứ hai của ông Phủ và bà vợ quá cố. Thụ là một người tốt bụng, vui tính và hoạt bát.

Tường: Con trai thứ ba của ông Phủ và bà vợ quá cố. Một anh chàng nhu nhược, vô tích sự và tính tình như trẻ con.

Hoàng: Bạn học của Thụ ở trọ tại gia đình của ông bà Phủ. Hoàng mồ côi mẹ từ bé, cha đi làm ăn ở nơi xa. Tính tình điềm đạm và chơi đàn vĩ cầm rất hay.

Lão Tự: Quản gia của gia đình ông Phủ từ lúc ông còn làm quan. Lão Tự rất vui tính, tốt bụng và trung thành với chủ.

Ngự: Cháu gái của bà Phủ do bà Phủ nuôi nấng và cưu mang vì hoàn cảnh gia đình của Ngự quá bi thảm.

Tịnh: Cháu gái của ông Phủ quê ở Hà Tiên, cha mẹ chết nên được ông Phủ đem về nuôi.

Ngà: Do gia đình thiếu nợ, Ngà phải đi ở đợ cho ông Phủ để trả nợ cho cha. Sau này ngủ với ông Phủ và mang bầu, Ngà lên làm vợ thứ.

Lài: Một trong những người đầy tớ trong gia đình ông Phủ, đem lòng yêu thương Hoàng.

Mọt: Người ở cho gia đình ông Phủ. Mọt là gốc người Miên, khỏe mạnh lực lưỡng, thật thà. Mọt đem lòng thương Lài nhưng không được đáp lại.


Các nhân vật phụ

Ông Tam: Cha đẻ của Ngự, em ruột của bà Phủ. Ông là một kẻ lười nhác, suốt ngày say xỉn.

Bà Tam: Mẹ đẻ của Ngự. Do phải làm quần quật suốt ngày ở đồn cao su nuôi mấy miệng ăn trong gia đình trong khi ông chồng không giúp được mấy, bà đâm ra cáu gắt, lúc nào cũng quát tháo to tiếng.

Ông Tám: Cha đẻ của Ngà. Ông là một người nông dân thật thà, thương con, nhưng lâm phải cảnh nghèo khó, vợ chết vì bệnh lao nên phải đợ con cho nhà ông Phủ.

Đực: Anh chàng tá điền cùng quê với Ngà. Ông Tám hứa gả con gái cho Đực sau khi trả hết nợ để chuộc con gái về.


Mở đầu

Truyện bắt đầu bằng những ký ức của Ngự về gia đình cha mẹ ruột của cô ở quê nhà. Lý do bà Phủ mang Ngự lên Vĩnh Long để nuôi nấng dạy dỗ là vì bà cảm thấy thương cho số phận cô cháu gái phải chịu cực trong một gia đình nhiều miệng ăn nhưng ông bố thì lúc nào cũng say xỉn, bà mẹ thì luôn luôn quát tháo. Cư gia của ông bà Phủ có thể nói là rất khá giả trong vùng mặc dù đang trên đường xuống dốc bởi vì nhiều ruộng đất đã bị Việt Minh tịch thu. Nhờ tài thu vén khéo léo của bà Phủ, mọi thứ trong nhà vẫn tiếp tục suôn sẻ và sung túc như không hề có một sự cố nào xảy ra.


Nội dung truyện

Nội gia của ông bà Phủ bắt đầu rối rắm từ ngày Ngự về ở nhà bà được vài tháng. Tường, con trai thứ ba của ông Phủ đeo đuổi Ngự từ những ngày đầu tiên Ngự đến ở nhà ông Phủ. Hai người lén lút hẹn hò nhau ở ngoài vườn vào buổi tối. Mặc cho bà Phủ là một người rất phong kiến và trọng quy cách, Ngự và Tường vẫn đến với nhau nhờ sự giúp đỡ của Tịnh. Để đền đáp, Ngự cũng góp sức giúp Tịnh được toại nguyện trong việc cặp kè với Hoàng, người thanh niên bạn học của Thụ đang ở trọ trong căn nhà gần lẫm lúa của gia đình. Do tiếng đàn vĩ cầm luôn cất lên vào đêm thâu, cộng thêm sự ít nói và điềm đạm của Hoàng, Tịnh đã để ý đến anh từ lâu. Lài cũng bị tiếng đàn và vẻ kỳ bí của chàng thư sinh Hoàng cuốn hút, nhưng Lài luôn mặc cảm về vai vế tôi đòi của ả trong gia đình. Mặc dù được Mọt ra sức quan tâm, nhưng Lài vẫn từ chối, vì Mọt quá ngô nghê và quê mùa. Sự xuất hiện của Canh, người con cả của ông Phủ, làm ông không vui, vì mỗi lần y về nhà, đều để lấy tiền và bán thóc, rồi lên Sài Gòn ăn chơi trác tang. Ông Phủ cảm thấy lo lắng cho số phận gia đình ông sau này khi ông chết đi, vì ông biết người con cả sẽ không lo phần hương hỏa cho ông cũng như cho tổ tiên.

Trong một đêm bà Phủ đi vắng, ông Phủ đã chiếm đoạt thân xác của Ngà khi người tớ gái này đang dọn giường cho ông. Từ đó, ông Phủ và Ngà dan díu tằng tịu với nhau những lúc bà Phủ không có mặt ở nhà. Ngoại trừ Mọt và ông Tự ra, không một ai trong nhà biết việc làm của ông Phủ và Ngà. Từ ngày Chiêu và Thụ về nghỉ Tết sau khóa học ở Cần Thơ, Chiêu đem lòng yêu Hoàng. Chiêu yêu tiếng vĩ cầm thánh thót và tính tình ít nói điềm đạm của Hoàng. Khi biết Tịnh cũng đem lòng yêu thương Hoàng, Chiêu nổi máu ghen và sinh ra ghét Tịnh, chế giễu Tịnh và ghẻ lạnh cô. Tịnh chỉ nghĩ vì cô không phải là con cháu ruột của ông bà Phủ nên bị Chiêu khinh bỉ; cô cảm thấy rất tủi thân. Về phần Chiêu, chàng cũng thấy mặc cảm về cái thân thể nam không ra nam nữ không ra nữ của mình, chàng chỉ muốn trở thành một người con gái bình thường hay là chết quách đi cho rồi. Chiêu sử dụng mọi mánh khóe, phấn son, trang điểm và mùi nước hoa quyến rũ để hòng chiếm đoạt Hoàng. Trong khi đó, Hoàng chỉ coi Chiêu như một người em trai. Vào một buổi trưa Chiêu sang nhà Hoàng để nghe Hoàng chơi vĩ cầm. Chiêu thừa lúc Hoàng ngủ say liền ra tay mò mẫm và hôn lên môi Hoàng. Hoàng chợt bừng tỉnh và có lẽ biết được chuyện gì đã xảy ra, nhưng chàng cố nén lòng tức giận trong lòng và không nói nói gì. Chiêu cảm thấy tuyệt vọng trong công cuộc chinh phục trái tim Hoàng. Trong thời gian ở nhà, Thụ quây quần bên cha mẹ và những người làm, chàng và lão Tự là hai người am hiểu tất cả mọi biến cố xảy ra trong gia đình. Thụ cố gắng giúp đỡ lão Tự thu vén mọi việc về thu thóc lúa, mặc dù lẽ ra người chịu trách nhiệm công việc này phải là Canh. Ông Tám và Đực lên nộp thóc và để thăm Ngà. Nhưng giờ đây Ngà đã thay đổi lòng dạ, không muốn về quê lấy Đực và ở với cha nữa. Cô muốn ở lại Vĩnh Long, hi vọng được làm bà quan bé. Đực tức quá, nên đêm đến lẻn vào phòng của Ngà toan hãm hiếp, nhưng lão Tự và những người làm khác thức dậy, nên Đực phải bỏ chạy.

Hết kỳ nghỉ, Thụ và Chiêu quay trở về Cần Thơ tiếp tục đi học. Lúc này, cái thai trong bụng Ngà đã trở nên quá lớn. Những cơn thai nghén và thai hành ở Ngà không thể qua nổi cặp mắt bà Phủ. Hết cách, ông Phủ đành phải thú thật với bà Phủ. Bà Phủ không chấp nhận có thêm một con ở làm vợ bé của ông Phủ nên bà đã tuyệt cự không thèm nhìn mặt ông Phủ nữa và cắt đứt tình nghĩa vợ chồng. Bà Phủ dùng số tiền tiết kiệm của mình cho xây một căn nhà nổi ở dưới sông, cách ngôi nhà thừa tự của ông Phủ một cái cầu không xa. Một mình bà ở đó xuống tóc tu tại gia. Điều day dứt trong lòng bà là đứa con tật nguyền duy nhất, bà không biết Chiêu sẽ sống ra sao khi thiếu vắng mẹ. Hơn nữa, bà cũng lo cho số phận của Ngự, đứa cháu gái bà đã mang lên đây để nuôi. Tường đã bỏ hẳn học vì không theo được. Ông Phủ cho Tường lên Sài Gòn học nghề sửa vô tuyến nhưng chưa được hai tuần, Tường mò về nhà. Tường đã ăn cắp các đồ cổ quý trong nhà và số nữ trang bà Phủ gửi gắm ông Phủ giữ giùm cho Chiêu sau này. Với số tiền đó, Tường dẫn Ngự đi sinh sống ở vùng khác với cái bụng mang thai mấy tháng của cô. Ông Phủ đau đớn khi các con của ông đều là những đứa bất hiếu, lại mất thêm bà Phủ đảm đang, nên sinh ra lo âu trằn trọc và bỏ bê Ngà. Mặc dù đã được ông Phủ cho lên làm vợ chính thức, nhưng Ngà cảm thấy chán nản khi bị bỏ bê và thèm được quay trở về với gã Đực khỏe mạnh. Mối tình của Tịnh và Hoàng càng ngày càng trở nên đằm thắm hơn. Tịnh là một cô gái rất si tình và đa cảm, lúc nào cô cũng sợ rằng Hoàng sẽ rời bỏ cô. Bởi vậy, khi Hoàng ra đi theo cách mạng và hứa sẽ trở lại sau 2 năm, Tịnh trở nên hụt hẫng và bắt đầu mắc bệnh tâm thần.

Trong một lần đi thăm ruộng, ông Phủ và hai người đầy tớ bị Đực và bọn tá điền đuổi đánh. Quân Pháp đang dần dần suy sụp, một số ruộng đất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được Việt Minh chia cho nông dân và tá điền. Ông Phủ mất hết tài sản của mình. Trở về nhà với bàn tay trắng, ông Phủ thấy Tường và Ngự mò về. Sau khi đi ở nơi khác được mấy tháng, tiền đã cạn sạch mà Tường thì vô tích sự, không biết làm trò trống gì nên hai người dắt nhau về nhà mong bà Phủ thương Ngự mà cho ở lại. Bà Phủ vẫn không chịu nhìn mặt ông Phủ, nhưng thông qua lão Tự và Mọt, bà biết hết mọi việc trong và ngoài gia. Tịnh càng ngày càng trở nên điên dại, lúc khóc lúc cười. Cô bị trường học đình chỉ không cho dạy học nữa. Chiêu và Thụ đột ngột trở về nhà bởi vì trường học đóng cửa bãi khóa, sinh viên bỏ sách vở đi theo phong trào cứu quốc. Chứng kiến cảnh Tịnh trở nên điên dại, Chiêu cảm thấy hối hận. Hai người đã nói chuyện với nhau trong lúc Tịnh vẫn còn tỉnh được chốc lát và Tịnh đã bỏ qua cho Chiêu, nhưng cô vẫn không biết nguyên do thật sự của việc Chiêu trở nên ghen ghét cô. Thụ cho Tịnh biết Hoàng đang tính đi theo Cách mạng, và hứa sẽ tìm tung tích của Hoàng cho Tịnh. Ông Phủ một lần nữa đau đớn khi nhận lá thư của Thụ báo tin chàng tham gia kháng chiến.

Tịnh trở nên điên hẳn, bà Phủ thu vén số tiền còn sót lạ, đưa Tịnh lên nhà thương Chợ Quán để chữa trị. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Tịnh bị chuyển qua nhà thương điên Biên Hòa. Bà Phủ ngỡ ngàng khi nhận tin Chiêu đã bỏ vào chiến khu từ lúc nào. Một thời gian ngắn sau, ông Phủ chết ngay trước bàn thờ tổ tiên. Bà Phủ ra tay làm một cái đám ma thật chu toàn cho ông nhờ vào những đồng tiền bà kiếm được bằng cách bán rau quả, dưa gém, và cá khô do chính tay bà làm. Đây có lẽ là lúc duy nhất bà chấp nhận ông Phủ là chồng của bà một lần nữa khi bà nhận thấy rằng ông Phủ chết không nhắm mắt.


Kết thúc truyện

Ngà bị hư thai nên nhận nuôi con và cho con của Ngự bú. Ngà nung nấu ý định sau khi mãn tang ông Phủ một năm thì cô sẽ quay trở về quê nhà với cha già và hy vọng Đực vẫn còn muốn cô. Ngự ngoại tình và bỏ con bỏ chồng theo một người lính ra Sài Gòn. Quen thói bay nhảy, Ngự tiếp tục cặp kè với nhiều người tới nỗi người đàn ông nào cũng có thể là chồng cô. Gần mười năm sau, bên cạnh ngôi mộ của ông Phủ mọc lên ngôi mộ của bà Phủ và lão Tự. Có lẽ Mọt và Lài đã cùng nhau đi nơi khác sinh sống sau khi chủ mất. Thụ quay trở về coi sóc ngôi nhà một mình và nhận nuôi đứa con của Ngự với đồng lương dạy học ít ỏi của mình. Còn Tường cưới một người vợ quê mùa khác nhưng xinh đẹp; hai người có với nhau cả đàn con nên lúc nào cũng thiếu ăn. Chiêu biệt vô âm tín, có lời đồn rằng Chiêu bị Tây bắt và xử bắn. Về phần Tịnh, sau năm năm ở nhà thương Biên Hòa thì cô qua đời. “Điều kỳ lạ là trong những giờ phút cuối cùng, cô đột nhiên tỉnh trí hoàn toàn [...] và cô chết một cách sung sướng” (tr. 412). Hoàng lấy một cô gái cùng chiến khu và mở một tiệm cầm đồ, hai người có với nhau một đàn con nhưng Hoàng không còn kéo vĩ cầm nữa.

Ngay phần đầu của truyện, khi tác giả tả cảnh Ngự bước tới nhà ông Phủ với “từng mảng rêu xanh mịn như nhung” (tr. 18), Khung rêu đã gợi lên cho ta một cảm giác cũ kỹ và cổ hủ như lối sống phong kiến của ông bà Phủ, như những lời răn đe, khuyên dạy kiểu thành ngữ và tục ngữ xa xưa của bà Phủ. Thêm vào đó, chữ rêu cho độc giả tưởng tượng ra một khung cảnh của một cái gì đó bị bỏ quên, lâu ngày không được chăm sóc tới như ngôi nhà thừa tự của ông Phủ sắp đổ nát mà Thụ chỉ dám ở dưới căn nhà sàn dưới bến nước. Khi tất cả các câu chuyện và biến cố đều xảy ra trong ngôi nhà của ông bà Phủ, chữ “khung” trong tựa đề của truyện cho ta thấy được không gian và thời gian của truyện chỉ xoay quanh những gian nhà vuông vắn. Khung rêu còn là khuôn khổ chật hẹp mà mỗi nhân vật trong truyện đều phải chịu đựng, là nếp sống phong kiến dù đã hết thời, vẫn tiếp tục đè nặng lên mỗi người trong gia đình. Chiêu không thể sống thoải mái và tự do với cái giống nửa nam nửa nữ của mình. Chàng bị người đời chế giễu dèm pha từ lúc sinh ra. Những cặp trai gái trẻ Tịnh, Hoàng, Ngự và Tường đều không được tự do yêu đương trong căn nhà. Tất cả đều bị gò bó trong cái bối cảnh “khung rêu” vừa cũ kỹ, vừa bế tắc này.

Truyện được viết vào thời điểm những năm giao nhau của hai cuộc chiến khốc liệt nhất trên đất nước Việt Nam. Khi quân Pháp bị Việt Minh quét khỏi lãnh thổ Việt Nam, thời cuộc mới bắt đầu vào những năm cuối của thập niên 1950. Cuộc cải cách ruộng đất đã làm thay đổi bao cuộc đời người dân Việt Nam nói chung và miền Nam nói riêng. Ngoại trừ những người có được một cuộc sống tốt hơn nhờ vào cuộc cải cách ruộng đất này, phần lớn những thành phần địa chủ và tư sản đều lâm vào cảnh khốn cùng như gia đình ông Phủ trong truyện. Ảnh hưởng của chiến tranh hiện ra rõ nét qua sự suy sụp gia sản của ông Phủ cũng như sự mất mát to lớn của hai ông bà khi những đứa con lần lượt gia nhập kháng chiến. Khung rêu có lẽ điển hình cho nền văn học nông thôn của miền Nam trong những năm 1950. Truyện cho ta thấy một khía cạnh của đời sống ít ai nhìn tới vì đa phần văn học thời đó có lẽ đã tập trung vào đô thị Sài Gòn hơn là những miền quê hẻo lánh.

© 2008 talawas