© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Văn học miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63 
4.6.2008
Nguyễn Hoàng Ngọc Trinh
Ðọc tập truyện “Ðêm dậy thì” của Nhã Ca
 
Hơn một nửa người Việt trong nước và hơn một triệu người Việt đang sống ở nước ngoài sinh ra khi cuộc chiến tranh cuối cùng của thế kỉ 20 diễn ra trên đất nước Việt Nam đã hoàn toàn kết thúc. Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì về chiến tranh? Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Nguyễn Hoàng Ngọc Trinh, một thanh niên Mĩ gốc Việt, sinh viên Đại học U.C. Berkeley, California.
talawas
Tên tập truyện: Đêm dậy thì
Tác giả: Nhã Ca
Nhà xuất bản: An Tiêm
Năm xuất bản: 1966
Số trang: 221

Tập Ðêm dậy thì gồm 7 truyện ngắn: “Ðêm dậy thì”, “Dấu tích tình nhân”, “Ðường trường xa”, “Ðêm bi thương”, “Lạnh tuổi vàng”, “Bước chân xuân” và “Bàn tay mưa”.


1. Truyện “Đêm dậy thì”

Câu truyện xoay quanh tình yêu tay ba giữa Miên, Hạnh - chị gái của Miên, và Hiên - bạn của ba Miên. Miên, 16 tuổi, là một cô bé ngây thơ, trong sáng, nhưng rất cứng đầu. Có lẽ cũng tại Miên đang dậy thì, bước vào cái tuổi nhiều mơ mộng về tình yêu trai gái, và cũng rất dễ bị cám dỗ bởi những lầm tưởng của tình yêu. Trong lòng Miên, Hiên là chàng trai cô yêu và tự nguyện chung thủy với tình yêu đó suốt đời mặc dù trên thực tế, Hiên chỉ coi Miên như người em gái cần sự quan tâm từ tất cả những người lớn hơn. Hiên yêu Hạnh và tự cho trách nhiệm chăm sóc Hạnh và Miên là trách nhiệm của anh. Cuộc đời thật éo le. Hạnh mang thai với Hiên nhưng lại bị gia đình gán ghép đòi gả cô cho một người khác giàu có hơn Hiên. Ngay đêm trước ngày Hạnh lên xe hoa, Hiên gặp Miên và năn nỉ cô bé giúp anh đưa lá thư anh hẹn Hạnh đi trốn. Miên đau xót phát hiện ra tình yêu của mình dành cho Hiên lâu nay chỉ là tình đơn phương và trở nên căm thù người chị mình đã từng rất yêu quý. Miên làm lơ tất cả những gì đang diễn ra xung quanh, cô xé nát lá thơ và dự định sẽ không bao giờ cho ai biết về nó. Rồi ngày đám cưới Hạnh đến, Miên thức dậy với một nỗi bàng hoàng khi biết rằng chị Hạnh yêu quý của cô vì quá buồn mà đã tự tử. Miên sợ hãi nhận ra sự độc ác trong tâm hồn vốn rất non nớt của một cô bé mới lớn. Câu truyện kết thúc qua cái nhìn nảy lửa đầy căm phẫn của Hiên ném về phía Miên, và hình ảnh cô bé Miên nhìn lại đôi bàn tay đầy tội lỗi của mình, đau đớn hối hận về hành động giết người của mình… nhưng đã quá muộn.


2. Truyện “Dấu tích tình nhân”

Câu truyện kể về tình yêu dang dở giữa Đoan, cô gái tràn trề nhựa sống ở cái tuổi 18 và Hiền, anh lính trẻ hào hoa. Hai người gặp nhau trong một lần rất tình cờ khi Đoan bị cướp trên một chuyến xe buýt và Hiền là người đã chủ động an ủi cũng như giúp cô tường trình sự việc với cảnh sát. Tình yêu đến với Đoan và Hiền một cách rất tự nhiên, không phiêu lưu bấp bênh như tình cảnh của Hạnh, chị gái Đoan. Hạnh lấy chồng chưa được bao lâu thì chồng cô qua đời. Từ đấy Hạnh sống buông thả cặp kè với hết người này người kia. Ba mẹ Đoan rất bất bình với lối sống của Hạnh nhưng họ đành buông xuôi, dồn hết lo lắng về chuyện tương lai của Đoan. Mặc dù rất thương ba mẹ, nhưng Đoan không thể chấp nhận những cuộc mai mối ép uổng duyên phận từ phía gia đình cô. Đoan cố gắng né tránh, mong chờ có ngày giới thiệu Hiền với ba mẹ, và hi vọng được sự ủng hộ chúc phúc từ họ. Thế nhưng ngày đó không bao giờ đến vì Hiền tử trận trong một cuộc hành quân. Đoan nhận được tin sét đánh đó ngay trong ngày cô háo hức ra phi trường đón Hiền nghỉ phép. Tay chân bủn rủn, tâm trạng rối bời, Đoan đau đớn nhớ lại những lúc trò chuyện với Hiền, cô đã một mực khẳng định rằng cô sẽ chỉ sống cho Hiền, rằng cô sẽ “đi tu” nếu không có Hiền trong cuộc đời. Rồi Hiền cười châm chọc bảo rằng Đoan quá “ngây thơ.” Giờ thì tất cả đều trở thành kỉ niệm. Ðiều ám ảnh khủng khiếp nhất trong Đoan bây giờ, nó rất gần, rất thực, là tiếng đại bác. Trong tiếng gió hú, Đoan nghe đâu đó tiếng đại bác vọng lại, chợt thấy tim mình nhói đau.


3. Truyện “Đường trường xa”

Nội dung câu truyện xoay quanh cuộc sống của gia đình Hạ, cô bé ở tuổi mới lớn, bước vào đời với những mặc cảm về hoàn cảnh sống thiếu thốn của gia đình. Tiên, chị gái Hạ, phải đi ngủ với những người đáng tuổi cha chú mình nhưng giàu có và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về vật chất của gia đình cô: mẹ cô bệnh tật cần rất nhiều tiền để chi trả cho thuốc men và bác sĩ, ba cô già cả thất nghiệp, em gái cô mới lớn cần được chăm lo đầy đủ để yên tâm cắp sách tới trường. Người yêu của Tiên là Kỳ, anh chàng điển trai đa tình nhưng không kém phần đểu cáng. Kỳ giàu có nhưng tính tình trăng hoa, sống buông thả không chút chung thủy trong tình yêu, mang tiếng là người yêu cô chị nhưng lại thích cuỗm luôn cô em. Kỳ ăn nằm với Tiên nhưng luôn tìm cách dụ dỗ Hạ. Cô bé Hạ ngây thơ vẫn luôn tin là Kỳ yêu cô, yêu thật lòng và nhất định sẽ cưới cô làm vợ. Qua đôi mắt non nớt nhìn đời, Hạ khinh bỉ hành động của người chị hết mực yêu thương lo lắng cho cô, đâu biết rằng chị mình đã khốn khổ như thế nào khi phải vật lộn với thực tế nghèo đói của gia đình. Hạ tự cho mình đẹp đẽ và cao thượng hơn Tiên, nhưng cuối cùng nhận ra mình đã rơi vào vòng tay của Kỳ, rằng mình cũng chẳng khác gì Tiên và những người con gái khác trong cuộc đời Kỳ. Sau cuộc cãi vã với Tiên về tiền bạc, ba Hạ bỏ nhà đi. Hạ tìm lại ba mình trong một tình huống rất trớ trêu: đang ngồi ăn trong quán cùng Kỳ, Hạ nghe tiếng hát, “Đường trường xa…,” bài hát mà ba cô rất hay hát, bất chợt Hạ nhận ra người cha già nua ôm đàn hát rong đang xin tiền bố thí từ những người trong quán. Rồi ông từ từ tiến về phía Hạ… Hạ bàng hoàng chạy trốn, cô chạy ra khỏi cái quán nhỏ, năn nỉ Kỳ kéo mình đi xa, đi đâu cũng được, miễn là không phải đối diện trực tiếp với người cha, với hoàn cảnh sống hiện tại của cô…


4. Truyện “Đêm bi thương”

Tình tiết trong truyện xen kẽ nhau qua hai mảnh đời của hai nhân vật chính trong truyện: Thoa, cô gái 17 tuổi đang trên đường tìm kiếm người cha đã bỏ rơi cô và mẹ cô suốt hơn chục năm qua; Thạch, người đàn ông từng trải đang cặp kè với một cô gái đáng tuổi con gái, và cũng chính là người cha mà Thoa đang cất công tìm kiếm. Xuyên suốt câu truyện là cuộc rượt đuổi giữa hai ý tưởng: lòng thù hận đã biến Thoa từ một cô gái ngây thơ hiền lành trở thành một người chỉ biết đến hai chữ trả thù; Thạch mặc dù đang vui hưởng lạc thú bên người đàn bà trẻ con của anh, nhưng trong lòng luôn canh cánh nỗi niềm của một người cha với những mặc cảm tội lỗi vì sự vô trách nhiệm của mình. Cuộc rượt đuổi đó kết thúc với cái chết của Thạch. Thoa tìm ra Thạch đang say rượu bên người tình trong một vũ trường. Cô chạy theo Thạch khi anh bước ra khỏi vũ trường say mèm, không một chút tỉnh táo nhận ra ai đang bước theo sau. Trong một thoáng bàng hoàng, Thoa nhận ra con dao trong tay cô đang ghim sâu vào tim Thạch, người cha bội bạc vô trách nhiệm nay đã phải trả giá bằng cái chết. Qua câu truyện này, có lẽ tác giả muốn lên án điều gì đó rất hỗn loạn trong xã hội thời ấy khi con không thương cha, khi tình cha con bị sử tử không thương tiếc, khi lớp trẻ sống quá vội vã đến mất hết niềm tin vào tình yêu nơi chính những người đã sinh ra mình.


5. Truyện “Lạnh tuổi vàng”

Như ngụ ý trong tựa đề của câu truyện, số phận của Nhiên, nhân vật chính trong truyện, kết thúc một cách rất buồn thảm trong cô đơn lạnh lẽo đang khi cô gái ở vào cái tuổi đẹp nhất đời người. Hoàn cảnh sống túng thiếu đưa đẩy Nhiên đến vũ trường làm việc như một cô gái bia ôm, tự nguyện bán nụ cười và lòng tự trọng để kiếm lấy chút tiền nuôi sống bản thân và người mẹ già yếu. Người yêu Nhiên là Du, vì không chịu được suy nghĩ thực dụng của cô, đã bỏ Nhiên ra đi, mặc dù hai người còn rất thương nhau. Nhiên yêu Du mãnh liệt và dường như không thể sống thiếu sự quan tâm chăm sóc Du dành cho cô. Nhưng đồng thời cô không thể chấp nhận cuộc sống quá thiếu thốn về vật chất khi Du chỉ là chàng thư sinh mơ mộng. Thế là hai người chia tay. Nhiên gặp Hanh, một người từng trải đã có vợ nhưng một mực đòi yêu Nhiên ngay lần đầu tiên gặp cô trong vũ trường. Trong một lần tình cờ, Nhiên gặp Du đang ôm ấp một cô gái ngay trong vũ trường nơi cô đang làm việc. Lòng ghen tuông nổi lên, Nhiên mượn Hanh để trêu tức Du, cô giả vờ quan tâm đặc biệt đến Hanh bằng những cử chỉ rất hớ hênh. Du chịu không nổi đã bỏ ra ngoài. Tối hôm đó trên đường đi làm về, Nhiên chạm mặt Du, đau đớn nhìn nhận những lời xỉ vả ê chề từ Du, rằng cô chỉ là “một con đĩ.” Tâm trạng Nhiên vốn không được bình an, nay mọi thứ như vỡ òa trong cô sau cuộc trò chuyện với Du. Nhiên uống thuốc ngủ, một viên, hai viên, rồi cả hộp thuốc… Cô ước mong được ngủ mãi mãi không bao giờ phải thức dậy để đối diện với thực tế phũ phàng.


6. Truyện “Bước chân xuân”

Qua lời kể của nhân vật tôi, tên Thuận, cuộc sống tù túng đã biến những người trẻ thành những con thiêu thân trong tình yêu. Họ sống vội, yêu cũng vội. Nhưng họ đâu biết rằng chỉ cần leo qua bức tường của cuộc sống nội trú, con người sẽ bị cuộc sống bên ngoài chộp lấy một cách không thương tiếc. Bướm, cô bạn cùng phòng với Thuận, là người vốn hiền lành nhút nhát, đã không thoát khỏi nanh vuốt của cuộc sống bon chen bên ngoài. Khi Bướm tìm mọi cách để thoát ra khỏi cuộc sống giam hãm nơi nội trú, cô đâu ngờ cuộc sống bên ngoài còn khủng khiếp hơn. Thuận tình cờ gặp Bướm trên chuyến xe về quê ăn Tết, phát hiện ra cô Bướm ngây thơ đã bị một chàng nào đó bắt mất hồn và nay bị lừa. Anh ta hứa nếu Bướm trốn ra ngoài được thì anh ta sẽ dẫn Bướm về quê ăn Tết cùng anh ta. Nhưng khi ra đến bến xe, anh ta đổi ý không đi nữa, bỏ mặc Bướm bơ vơ giữa đám người xa lạ. Bướm mừng rỡ gặp được Thuận ở bến xe, khóc lóc kể lại mọi thứ cho Thuận hay. Thương cảm cho tình huống trớ trêu của bạn, Thuận quyết định đưa Bướm về quê ăn Tết cùng mình.


7. Truyện “Bàn tay mưa”

Trong tập Đêm dậy thì, có lẽ đây là truyện ngắn khó hiểu nhất. Câu chuyện mô tả hai mảnh đời hoàn toàn khác nhau, không liên quan đến nhau, nhưng nhân vật trong từng mảnh đời có cùng kết cục giống nhau: bị ném cả một ly nước lạnh vào mặt. Mảnh đời thứ nhất là câu chuyện về Phương, cô gái mới lớn sống với người mẹ góa chồng tính đi thêm bước nữa với một ông già Tàu giàu có. Người yêu cũ của Phương là Bạch, người đã bỏ cô sau khi chửi mắng rằng cô là “đồ điên.” Dù biết rằng Bạch hết yêu mình và sắp kết hôn cùng người con gái khác, Phương vẫn luôn nhung nhớ, không chịu quên Bạch và tìm mọi cách để được gặp anh. Phương cũng rất thương mẹ mặc dù mẹ cô ít có thời gian bên cạnh chăm sóc cho cô. Cho nên, khi mẹ Phương quyết định lấy ông già Tàu, người mà Phương rất ghét, và muốn Phương ra Nha Trang sống với người cậu, Phương căm phẫn hất tung ly nước bằng thủy tinh vào mặt ông già Tàu đang đứng ngay trước mặt mẹ cô. Mảnh đời thứ hai là câu chuyện của Lệ, cô gái cũng đang ở tuổi dậy thì, sống chung với chị ruột, tên Nguyễn, và anh rể, tên Ngân. Nhìn cuộc sống hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ, Lệ ganh tị và mong ước được sở hữu cuộc sống đó. Dù biết là không nên, nhưng Lệ lại yêu Ngân. Trong một lần tình cờ say rượu, Ngân dìu Lệ lên phòng theo mong muốn của Nguyễn, Lệ đã ôm hôn Ngân và giả lơ gọi tên một người con trai khác để đánh lạc hướng Ngân. Một thoáng ngạc nhiên nhưng Ngân không trách, nghĩ rằng do Lệ quá say nên nhầm lẫn anh với người con trai khác. Thế nhưng khi Nguyễn mang nước đến cho Lệ, Lệ tức giận không uống mà ném cả ly nước vào mặt chị mình. Hành động hồ đồ thiếu suy nghĩ của cả Phương và Lệ trong truyện ngắn này đều phản ánh một thực tế hoảng loạn của lớp trẻ thanh thiếu niên thời bấy giờ. Họ muốn sống vượt ra ngoài rào cản của luân lí cũng như của dư luận xã hội. Họ muốn nổi loạn, muốn đập phá tan tành những gì của hiện tại nhưng không thể; cuộc sống với những biến loạn ảnh hưởng cả về thể xác lẫn bên trong tâm hồn con người, nhất là những người trẻ đang ở tuổi mới lớn, bước vào đời một cách vô phương hướng.

Thoạt nghe tựa đề của tập truyện Ðêm dậy thì, người đọc có lẽ cũng đoán được phần nào đối tượng mà Nhã Ca nhắm tới khi viết truyện này là lớp trẻ thanh thiếu niên mới lớn, những người đang bước qua ngưỡng cửa của cuộc đời với tràn trề nhựa sống và niềm đam mê mãnh liệt trong tình yêu, nhưng xã hội không tạo điều kiện cho họ sở hữu đủ nghị lực và niềm tin vào tương lai để sống tích cực. Đọc và hiểu từng câu truyện ngắn trong tập truyện này, chữ “đêm” mà Nhã Ca ngụ ý trong tựa đề dần dần hiện rõ ý nghĩa và sự tàn phá của nó. Bóng đêm bao trùm nội dung toàn tập truyện. Phải, tất cả chỉ là bóng đêm, số phận của những nhân vật trẻ trong mỗi câu truyện đều là những tấn bi kịch; họ sống cho qua ngày tháng, không có mục đích cho tương lai, và không cả niềm tin vào chính bản thân mình. Tại sao? Câu trả lời không nằm trong cá tính của từng nhân vật mà tồn tại nơi xã hội, nơi cuộc sống chiến tranh loạn lạc mà ở đó, con người chỉ là một cá thể nhỏ bé không tiếng nói, không đủ sức mạnh để đương đầu với thực tại; cuối cùng tất cả mọi người đều bị cuốn vào vòng xoáy nghiệt ngã của chiến tranh rồi mất hút, tan biến như bọt biển. Truyện ngắn xúc động nhất trong tập truyện này, theo riêng cá nhân tôi cảm nhận, là truyện “Đường trường xa,” trang 57-93.

Câu truyện là một bức tranh thu nhỏ đời sống của người dân trong thời chiến loạn lạc: cha mẹ con cái dù sống chung dưới một mái nhà, dù thương yêu nhau đến mấy, vẫn bị cuộc sống khắc nghiệt về vật chất chia rẽ một cách tàn nhẫn; trai gái mượn tình yêu làm công cụ để giải sầu và làm kế sinh nhai. Tình cảm gia đình không vẹn toàn: con cái khinh thường sự bất lực của cha mẹ, trở nên sống thác loạn, tự ti, và vô phương hướng; cha mẹ tủi thân nhìn nhận sự bất lực của mình, khốn khổ gìn giữ lòng tự trọng của bậc sinh thành, và đau đớn chứng kiến con mình lớn lên bị cuộc sống vùi dập. Tình tiết xúc động nhất trong truyện là hình ảnh người cha già hát rong tình cờ ngửa tay xin bố thí từ chính cô con gái của mình mặc dù nó cũng đâu có tiền mà cho ông… Ở cương vị một người cha, ba của Hạ không thể sống ăn bám vào đồng tiền Tiên, chị của Hạ, kiếm được do bán thân, cho nên ông quyết định bỏ nhà ra đi. Gặp lại con gái trong một tình huống trớ trêu như thế, một người cha lúc nào cũng ra oai trước mặt con cái đã đau lòng và tủi hổ biết bao nhiêu. Rồi số phận Hạ sẽ đi về đâu khi câu truyện kết thúc là Hạ vì muốn thoát khỏi mặc cảm nghèo đói của gia đình đã chạy theo Kỳ… Liệu Kỳ với cái tính sở khanh kia sẽ thay đổi, sẽ chăm sóc cho Hạ thật lòng? Tình yêu trai gái mà truyện đề cập đến là tình yêu mang đậm tính cá nhân: yêu để quên đi những gì đang diễn ra trong cuộc sống, tìm đến những lạc thú trong tình yêu để thỏa mãn những khát vọng sống tự do cho riêng mình, nhưng cuối cùng vẫn không tìm ra lối thoát để đi đến một tương lai sáng sủa hơn. Tiên mượn tình yêu với những ông già giàu có để kiếm tiền. Kỳ yêu Tiên để lợi dụng thân xác cô. Kỳ yêu Hạ cũng chỉ để thỏa mãn sự hiếu kỳ của một người đàn ông. Hạ yêu Kỳ vì mong muốn vượt trội hơn chị mình và để tự cảm thấy mình thánh thiện hơn khi chỉ đi với một người đàn ông. Cuối cùng thì tình yêu chỉ là tình yêu cá nhân, yêu chính mình hơn ai hết. Dường như cuộc sống loạn lạc không tạo một chút cơ hội để con người ta muốn sống cho người khác; ngược lại, mỗi người phải tự vươn lên, sống ích kỉ không phải là sự chọn lựa của họ mà là một sự ép buộc; hoàn cảnh sống đen tối đã thôi thúc họ, những người còn rất trẻ, trải qua tuổi thanh xuân một cách lãng phí.

© 2008 talawas