© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
6.6.2008
Phan Xuân Sinh
Chuyến về quê nhà
 1   2   3   4 
 
III. Đến Huế

Mồng 7 Tết, chúng tôi hẹn với anh Đặng Tiến đi chơi Huế. Trên xe của Uyên Hà còn có anh Đặng Tiến, Phạm Ngọc Lư, Hạ Đình Thao và tôi. Ngày xưa từ Đà Nẵng đi Huế mất 105 km, trong đó phải trèo qua đèo Hải Vân mất 20 km. Bây giờ người ta đào một cái hầm dài 6 km xuyên qua núi, nhờ thế đoạn đường ngắn lại 15 km và không còn nguy hiểm khi phải vượt đèo như thời trước… Xe qua khỏi hầm đến Lăng Cô trời âm u và đang mưa, nhiệt độ lạnh hơn ở Đà Nẵng. Chúng tôi đến Huế khoảng 5 giờ chiều và ghé lại nhà anh Bửu Ý (bạn anh Đặng Tiến) trên đường Hàng Me. Bảy giờ tối, mấy anh chị văn nghệ ở Huế mời chúng tôi ăn cơm chay tại một cái quán kiến trúc và trang hoàng rất Huế, nghe nói quán cơm chay nầy dành tiền thu nhập giúp cho một ngôi chùa. Quán đông khách, sạch sẽ và thật ngon. Lần đầu tiên tôi mới ăn một bữa cơm chay ngon như vậy. Sau đó tất cả quay về lại nhà anh Bửu Ý nói chuyện, uống rượu, đọc thơ và hát. Buổi hội ngộ nho nhỏ nầy có các anh: Bửu Ý (nhà văn, nhà dịch thuật, giáo sư Quốc Học trước 1975), nhà phê bình văn học Đặng Tiến, nhạc sĩ Nguyễn Tư Triệt , nhạc sĩ Nguyễn Đình Niêm, nhà văn kiêm võ sư karate Nguyễn văn Dũng, nhà giáo Nguyễn Văn Thịnh, nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đắc Xuân, nhà thơ Trần Hoàng Phố và phu nhân Anh Nga, nhà văn nữ Trần Thùy Mai và nhà thơ nữ Đặng Ngọc Thanh Nhã. Tất cả các anh chị đến vì mến mộ tài danh của anh Đặng Tiến. Chúng tôi ngồi với nhau tới 11 giờ khuya mới ra về.

Đêm đã khuya, tôi, Phạm Ngọc Lư và Hạ Đình Thao còn rủ nhau qua phố uống café. Chúng tôi ngồi trên lề đường Trần Hưng Đạo để nhìn cảnh sinh hoạt của Huế về khuya. Cầu Trường Tiền được chiếu sáng, thay đổi màu sắc liên hồi, trông rất đẹp và huyền hoặc giữa đêm lạnh. Bờ sông vắng tanh, không còn cảnh nhộn nhịp của những chiếc đò rước khách ngủ đêm của ngày xưa. Huế ít thay đổi hơn những nơi khác nên bộ mặt của Huế vẫn u trầm một nét buồn cố cựu. Thành phố nầy nhận lãnh biết bao nhiêu thảm họa trong chiến tranh. Người ta vừa kỷ niệm 40 năm chiến thắng Tết Mậu Thân. Ai hả hê với chiến thắng, chứ người dân Huế thì không thể nào vui cười được, vẫn chưa quên những thảng thốt kinh hoàng và biết bao nhiêu tang thương ụp lên đầu những người dân vô tội trong cái Tết đó. Nhiều gia đình vừa cúng đầu năm vừa giỗ thân nhân bị giết. Thậm chí cho tới bây giờ, nhiều gia đình dù không có người bị thảm sát, khi đặt bàn ra cúng giao thừa ngoài sân, bao giờ họ cũng khấn vái những oan hồn chết tức tưởi trong những ngày Tết Mậu Thân, giống như hằng năm họ cúng Cô Hồn ngày 23 – 5 âm lịch, ngày kinh đô thất thủ, vua Hàm Nghi bôn tẩu khi Pháp đánh chiếm Huế, người chết như rạ. Huế về khuya rất lạnh. Chúng tôi không ai nói với nhau một lời nào, trở về phòng ngủ.

Trần Hoàng Phố, Nguyễn Tư Triệt, Đặng Tiến, Viêm Tịnh
Ngày hôm sau, thức dậy, Huế đang mưa phùn. Chúng tôi ra ngoài quán gần bờ sông Hương uống café, nhìn mưa trên sông. Cái mưa của Huế ảm đạm buồn không chịu được. Cầu Trường Tiền mờ trong mưa. Chiếc cầu nổi tiếng nầy không những góp phần làm nên một Huế thơ mộng mà còn chứng kiến biết bao thăng trầm dâu bể, bao triều đại chế độ đổi thay và cũng chính nó đã gãy sụp trong dịp Tết Mậu Thân, nó cũng từng là một nạn nhân mang vết thương chiến tranh như người dân Huế vậy. Tôi đã đi qua biết bao nhiêu chiếc cầu, của một vài quốc gia mà tôi có dịp tới, thế mà lần nầy trở lại Huế, đi trên cầu Trường Tiền, tôi rất xúc động. Một chiếc cầu nhỏ nhắn, cũ kỹ, dễ thương mà người dân Huế luôn tự hào.

Anh Viêm Tịnh đội mưa đi tìm chúng tôi. Lần đầu tiên tôi mới gặp Viêm Tịnh, anh là một nhà thơ rất quen thuộc với độc giả trên các tờ báo văn nghệ thuở trước. Thơ anh mang lại một hơi thở tương đối mới mà tôi rất thích. Anh cỡ tuổi với tôi. Anh cho tôi biết là vợ mới mất, anh sống một mình. Tôi nghĩ trong bụng, cái “license không có vợ” giữa tuổi nầy thì thiếu chi các “mụ” để ý. Anh có gọi một số anh em khác, nhưng có lẽ vì trời mưa hay bận việc nên họ không tới được. Sau nầy anh hướng dẫn chúng tôi đi nhiều nơi, anh rất nhiệt tình mặc dù mới gặp nhưng chúng tôi cảm thấy thân nhau tự bao giờ.

Ở Huế cũng như những tỉnh khác, những văn nghệ sĩ cũ của miền Nam đều rút vào bóng tối, họ không có đất để dụng võ. Những năm sau nầy thỉnh thoảng họ được lôi ra cho có mặt, để thêm chút màu mè trình diễn trên các đặc san hay tập sách chung chung của địa phương. Họ được đứng chung với những người mà số đông “mới tập làm văn”*, chẳng hạn như trong tập Một ngàn nhà thơ Huế vậy. Một người bạn của tôi là dân Huế, anh cũng có mặt trong tập nầy. Anh nói với tôi là họ dự trù làm thêm Một ngàn nhà thơ Huế tập II nữa, sợ quá, ngao ngán quá, nên anh xin rút lui. Nhà thơ ở đâu ra mà nhiều thế. Họ quan niệm “nhà thơ” dễ dàng quá, nên tập sách trở thành thượng vàng hạ cám. Không phải là riêng Huế mới có tình trạng nầy, mà theo người bạn văn nghệ cho tôi biết ở tỉnh nào có in sách văn nghệ đều có mặt các “quan chức chính trị” tham gia “nhiệt thành”.

Anh Trần Hoàng Phố đưa anh Đặng Tiến đến thắp hương cho họa sĩ Bửu Chi và đi thăm vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường còn mấy anh em chúng tôi được anh Viêm Tịnh hướng dẫn lên chùa Vạn Phước để tôi tìm thăm người dì ruột tu ở chùa nầy. Chùa Vạn Phước nằm trong một con hẻm bên phải chùa Từ Đàm trên dốc Nam Dao. Thì ra dì tôi đã mất năm 2001 và được an táng ở phía sau chùa. Trong dịp nầy tôi bất ngờ gặp gỡ mấy người anh con của cậu tôi mà hồi nào đến giờ tôi chưa hề hay biết. Ngày hôm đó cũng chính là ngày giỗ của dì nên các anh từ miền Bắc vào, và anh em gặp nhau thật ngỡ ngàng. Trong dip nầy chúng tôi di ngang qua nhà cụ Phan Bội Châu, trông thấy bức tượng thật lớn của cụ đặt ngoài vườn… Đi ngang qua Phủ Cam trông thấy thánh đường đã sửa sang, khi tôi ra Huế trước 1975 nhà thờ nầy đang làm dang dở từ thời tổng thống Ngô Đình Diệm để lại. Khu vực Nam Giao, Bến Ngự, Phủ Cam có thay đổi nhưng không nhiều lắm, trí nhớ của tôi còn nhận ra được.

Buổi trưa, các anh Nguyễn Tư Triệt, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Đình Niêm, Trần Hoàng Phố, Nguyễn Văn Thịnh… lại mời anh Đặng Tiến và bốn chúng tôi dùng cơm trưa tại nhà hàng nổi Hương giang gần cầu Trường Tiền. Trong bàn, tôi được gặp thêm họa sĩ Vinh Phôi, cựu giáo sư trường Cao đẳng Mỹ Thuật Huế và bác sĩ Lương ở Mỹ về. Thật tình trước đây tôi chưa hề quen biết các anh văn nghệ sĩ Huế nhưng khi gặp nhau chúng tôi thân thiện nhau ngay. Cách đón tiếp thân tình, cách đối xử lịch thiệp và “rất Huế” của các anh đã để lại trong tôi sự kính nể và lòng cảm mến sâu xa.

Viêm Tịnh, Đặng Tiến, Phan Xuân Sinh, Hạ Đình Thao, Trần Vàng Sao, Phạm Ngọc Lư, Uyên Hà

Họa sĩ Vinh Phôi hình như cảm thấy khá vui với buổi gặp gỡ nầy nên anh uống nhiều, khi về phải có người dìu anh ra xe. Anh Viêm Tịnh có gọi anh Trần Vàng Sao đến để cho anh em thăm, anh hứa anh tới ngay, nhưng chúng tôi chờ mãi bữa cơm gần xong thì anh mới đạp xe tới. Lần đầu tiên tôi gặp anh, một con người khắc khổ, râu tóc không chải chuốt, trán rộng, trông anh già hơn số tuổi đời 66, nhưng nụ cười của anh lại rạng rỡ hàm chứa một tấm lòng rộng rãi. Anh rất vui khi gặp các anh em từ xa tới. Chúng tôi mời anh xuống Vỹ Dạ (gần nhà anh) uống café. Anh đạp xe về nhà mang biếu cho tôi và anh Đặng Tiến mỗi người một chân dung Bồ Đề Đạt Ma mà anh đã tự vẽ trên giấy “vàng bạc”. Anh cho biết, anh vừa mới có cháu ngoại được mấy ngày. Trong mấy ngày ngắn ngủi ở Huế, chúng tôi chỉ gặp anh có một lần, chưa uống với anh bữa rượu nào, nhưng chúng tôi cảm thấy rất gần gũi với anh, cảm thông nỗi khốn khổ mà anh phải chịu đựng. Trong thời buổi mà mọi người phải tranh nhau để sống, thì anh rất thanh thản đứng bên ngoài mọi sự bon chen. Anh đúng là một thi sĩ đích thực, tác giả "Bài thơ của một người yêu nước mình" mà tôi rất thích. Sau nầy đọc trên talawas hồi ký Tôi bị bắt tôi lại càng thương anh hơn và khâm phục sức chịu đựng của anh, dù trải qua những hoàn cảnh gay go khắc nghiệt mà tinh thần anh vẫn không suy sụp. Những anh em văn nghệ ở Huế cho biết, hiện thời anh vẫn sống trong nghèo khổ, nhìn vóc dáng khắc khổ của anh cũng biết ngay điều đó. Anh cho biết, trong căn nhà nghèo khó của mình, Tết năm nay có ông bạn cũ Nguyễn Khoa Điềm đến thăm. Anh nói vậy, rồi anh cười, cái cười hồn nhiên, không đượm một chút quan trọng gì về điều nầy. Trong lúc đó có nhiều người lấy làm hãnh diện nếu được một quan chức đứng đầu ngành văn hóa trước đây đến thăm. Còn anh thì xem chuyện nầy bình thường, như một người bạn vô danh hay một người hàng xóm đến thăm nhau trong dịp Tết. Thế thôi!

Nguyễn Văn Dũng, Phan Xuân Sinh, Minh Minh, Bội Trân, Nguyễn Đắc Xuân, Đặng Tiến, Bửu Ý, Hạ Đình Thao và Phạm Ngọc Lư (chụp trước nhà nữ họa sĩ Bội Trân trên đồi Thiên An)

Anh Bửu Ý báo cho biết, buổi chiều chị Bội Trân có nhã ý mời chúng tôi lên thăm họa thất của chị và 7 giờ tối chị Thái Kim Lan ở Đức về ăn Tết với gia đình cũng mời chúng tôi ghé nhà chơi. Cả hai bậc nữ lưu nầy tôi không quen, nhưng cả hai tôi đều nghe tiếng, đều nổi tiếng tài sắc một thời của Huế (tôi chỉ đoán mò vậy, nhưng chắc không sai). Chị Bội Trân, tôi có nghe Trần Nghi Hoàng nói qua, vì khi Trần Nghi Hoàng đi Huế có ghé thăm chị ấy. Còn chị Thái Kim Lan, thỉnh thoảng tôi có đọc những bài viết của chị đăng trên talawas và một vài website khác.

Nhà của chị Bôi Trân trên đồi Thiên An, một vị thế rất thơ mộng. Khu vườn của chị gồm có bốn cái nhà rường cổ kính đặt ở bốn vị trí. Nhà cửa vườn tược được chăm sóc kỹ lưỡng, mỹ thuật. Nghe một người cùng đi trong nhóm cho biết, chị có 15 người giúp việc săn sóc nhà cửa và vườn tược hàng ngày. Như vậy đủ hình dung khu vườn rộng biết chừng nào. Chúng tôi rất khâm phục tài năng và óc thẩm mỹ của một phụ nữ, từ một sườn đồi hoang vu, trong hơn 10 năm, đã tạo dựng một cơ ngơi rộng lớn với một quần thể kiến trúc rất cổ kính mà cũng rất “lãng mạn” mà chưa chắc những người đàn ông tài hoa nhất nghĩ ra và thực hiện được. Thật tình, gặp chị, chúng tôi không thể không sững sờ trước dung nhan, sự quý phái và bàn tay tài hoa của chị, khi bước vào gallery thì tôi mới biết chị là một họa sĩ. Chị dẫn chúng tôi đi thăm nơi làm việc, phòng triển lãm tranh, phòng tiếp khách, nơi thờ phượng v.v… Chị có hai người con, một trai và một gái sống ở Mỹ. Bất hạnh thay, người con trai của chị vừa từ trần vì tai nạn. Đó là cái tang làm cho chị rất đau khổ.

Chị mời chúng tôi dùng một loại rượu thuốc mà chị ngâm dành để đãi khách. Rượu đựng trong một cái thố cổ, phải dùng một cái gáo nhỏ múc ra chén. Cung cách mời rượu đượm một chút kiểu cách rất Huế của những gia đình quyền quý xưa kia, bây giờ tôi mới thấy lại. Sau tiệc rượu, chị Bội Trân mời chúng tôi thưởng thức trà đạo Nhật Bổn. Bàn tay nhuần nhuyễn của chị khi bái trà, rửa trà, pha trà, chuyên trà và mời trà thật điệu nghệ sành sỏi theo nghệ thuật trà đạo. Rồi buổi tiệc cũng phải tàn, dù chúng tôi rất quyến luyến cái không khí thân tình ấm áp mà chị đã mang lại cho anh chị em chúng tôi trong buổi chiều đầu xuân trời âm u và gió se se lạnh. Chúng tôi từng người đến bắt tay cám ơn và từ giã chị. Xe xuống khỏi đồi Thiên An, chúng tôi tự hỏi tại sao một phụ nữ đẹp như chị Bội Trân lại chọn một nơi chốn u trầm hiu quạnh như vậy mà chỉ sống có một mình?

Bảy giờ tối, chúng tôi qua nhà chị Thái Kim Lan. Chị Thái Kim Lan là tiến sĩ, giáo sư đại học ở Đức. Nhà chị Thái Kim Lan ở đường Bạch Đằng gần chùa Diệu Đế. Bên Tây, chị và anh Đặng Tiến thường liên lạc với nhau bằng email hay thư từ, nhưng bây giờ hai người mới gặp mặt nhau lần đầu. Khi chúng tôi tới thì trên bàn đã dọn sẵn các món bánh đặc trưng của Huế: bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc, bánh ram, bánh ít v.v… và có một số khách đã ngồi sẵn. Bên ngoài trời lạnh nên trong nhà chị có đặt những lò than hồng để sưởi ấm làm cho khung cảnh thêm nồng ấm. Sau khi ăn uống xong, một buổi văn nghệ bỏ túi bắt đầu. Có các chị một thời nữ sinh Đồng Khánh bạn của Thái Kim Lan hợp ca những bản nhạc tiền chiến hát theo bè rất điêu luyện, có lẽ các chị ngày xưa trong ban văn nghệ của nhà trường. Những nhà thơ thì đọc thơ của mình, lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến anh Đặng Tiến đọc thơ, trí nhớ về lãnh vực thi ca của anh thật tuyệt vời, anh đúng là một con người tài hoa. Chị Thái Kim Lan cũng đọc một bài thơ ngắn và theo yêu cầu của các bạn, chị đọc bài thơ đó đã dịch ra tiếng Đức. Có một ông bạn (nghe nói là giảng viên Đại học Sư phạm hưu trí?) mang theo một xấp thơ của ông cùng bản dịch ra tiếng Anh tiếng Pháp, đã đọc cho anh em nghe bằng cái giọng ngâm nga rất đặc biệt, cũng vui. Thú thật, những ngày ở Huế, đêm ở nhà chị Thái Kim Lan là vui nhất. Buổi sinh hoạt văn nghệ rất tự nhiên, anh chị từng nhóm ngồi quanh bếp lửa hồng, giữa không gian ấm cúng, nói chuyện với nhau, uống chút rượu và hát cho nhau nghe. Khi ra về anh em vẫn còn tiêng tiếc.

Chuyến “du xuân” ở uHuế đã để lại trong lòng chúng tôi một “món nợ” mà chúng tôi cảm thấy không thể nào trả được. Tấm lòng của những người bạn làm văn nghệ không phân biệt Nam Bắc, trước 75 hay sau 75, đã trải ra đón chúng tôi trong tình thân như ruột thịt. Cách chơi, cách thù tiếp của những người bạn Huế vẫn mang nét đặc trưng riêng mà các nơi khác khó tìm thấy được, mang lại cho chúng tôi những cảm xúc khó tả, sự lưu luyến khi rời khỏi Huế và những bâng khuâng mỗi lần nhớ lại. Cám ơn Huế, cám ơn những người bạn đã dành cho chúng tôi những biệt đãi nầy.

(Hết phần III)

© 2008 talawas