© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
7.6.2008
Trần Hùng Nghĩa

Tác giả Đỗ Kh. đã có một bài viết (phần chính là trích dịch) chứa nhiều thông tin về những cuộc tàn sát phi lý trong cuộc chiến tranh tại Hàn Quốc, mà cũng có thể xảy ra trong nhiều cuộc chiến tranh khác trên thế giới. Đó là những tội ác không thể không lên án. Một thiện chí đáng khen.

Tuy nhiên, bài viết của ông, tiếc thay, lại không nhắc đến một vài chi tiết quan trọng, có ghi rõ ràng trong bài báo ông trích dẫn. Thí dụ:

“… và những kẻ xâm lăng (tức quân đội Bắc Hàn, THN), về phần họ, đã tiến hành những cuộc xử tử các phần tử hữu khuynh.” Hay, “Những cuộc tàn sát trả thù của Bắc Hàn tiếp theo đó tại Daejeon.

Và nhất là bài viết của ông đã không nhắc đến một đoạn quan trọng trong bài báo trích dẫn. Chi tiết này, theo tôi, đã thể hiện tính công khai, chính thức thừa nhận lỗi lầm của người cầm đầu một chính phủ, dù chỉ là kế thừa. Đó là vào tháng Giêng rồi, cựu Tổng thống Roh Moo-hyun của Nam Hàn “đã chính thức xin lỗi dân chúng về hơn 870 cái chết được xác nhận tại Ulsan, gọi đó là ‘những hành động bất hợp pháp mà chính quyền thời đó đã phạm phải.’” Không có phần này, nhưng bài viết của ông lại có đề cập (không thiện ý) đến ngân quỹ sắp thiếu hụt của Ủy ban Sự thật và Hoà giải (cũng do chính Chính phủ Nam Hàn cung cấp).

Thiết nghĩ, một bài viết mang tính cân bằng, không định kiến, cần phải có đầy đủ những thông tin trung thực cho cả hai mặt của vấn đề. Nhất là khi bài viết lại trích dẫn từ một hay vài nguồn, hay bài báo, khác. Một khi bài viết chỉ có những chi tiết được lọc lựa theo quan điểm chính trị, nó chỉ có giá trị rất giới hạn của một quan điểm cá nhân, dĩ nhiên thiên kiến, của tác giả. Thậm chí thiên kiến có thể làm mất hết giá trị của một bài viết mang tính thông tin.

Hy vọng sẽ được đọc thêm những bài viết “khai quật” lịch sử hữu ích của tác giả Đỗ Kh. Mong ông sẽ tiếp tục có những tường trình, đầy đủ và cân bằng, về những cuộc thảm sát chưa được điều tra kỹ càng, không chỉ vào thời chiến tranh, mà còn vào thời bình; không chỉ với vài trăm ngàn nhân mạng mà con số có thể lên tới vài chục triệu, đã xảy ra tại Liên Xô và Trung Quốc.