© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
7.7.2008
Tôn Văn

Tinh thần dân tộc và ý thức quốc gia

Có thể nói “tinh thần dân tộc” và “ý thức quốc gia” là những khái niệm mang tính trường cửu. Ông Phong Uyên đã bỏ nhiều công khảo cứu và viết về đề tài này, nhất là bài mới đây đã được nhiều ý kiến ngắn bàn thảo. Đối với cuộc bàn thảo này, tôi cũng có những suy nghĩ riêng; tuy nhiên để dễ trao đổi, tôi không đi vào cụ thể các bài viết khác mà chỉ xin đưa ra thiển kiến của mình về nội dung vấn đề.

Phần trình bày sau đây là theo tinh thần “học thày không tày học bạn” và trong hình thức “viết vo”. Chúng tôi sẽ không đi vào những định nghĩa chính xác về dân tộc, quốc gia, tinh thần hay ý thức như trong wikipedia. Các dẫn chứng có thể tìm ra trong các sách phổ cập như Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim hoặc trong các chuyên mục của talawas.

Hy vọng được sự chỉ giáo của quý bạn đọc.

1. Từ dân tộc đến quốc gia

Chúng tôi đặt việc hiểu khái niệm dân tộc và quốc gia trong việc xem xét tiến trình phát triển của cộng đồng người. Từ đó thấy rằng cả hai khái niệm mang nội dung sống động: có khởi nguồn và phát triển.

Con người thuộc giới động vật có bộ não khoảng một-ký-tư; lịch sử loài người phụ thuộc nhiều vào trọng lượng nhỏ bé này. Ngoài việc có dáng đứng thẳng, đi bằng hai chân và chế tác công cụ, phát hiện của con người và cũng là cái củng cố sức mạnh vượt trội trong cạnh tranh sinh tồn là tính cộng đồng của nó. Đã và hiện có nhiều cộng đồng người. Lịch sử mỗi cộng đồng đặt ra nhiều câu hỏi cho ta tìm hiểu: Hình thành thế nào? Phát triển ra sao? Bị diệt vong do đâu? v.v… Câu trả lời tất nhiên gắn với việc xem xét vùng miền tồn sinh của từng dân tộc và quốc gia. Vùng miền tồn sinh quyết định sắc thái văn hoá và trình độ văn minh của họ. Mấy trăm năm trước, Nguyễn Trãi viết: “Núi sông bờ cõi đã chia / Phong tục bắc-nam cũng khác” là đã rõ cái ý này lắm vậy! Trong xu thế tất yếu của toàn cầu hoá, việc tìm hiểu càng quan trọng để ta giữ những cái tốt của mình và hiểu những cái hay của người. Kết quả là hiểu nhau hơn và tồn tại tốt hơn. Công việc này bắt cái “một-ký-tư” làm việc thật là vất vả!

Xuất phát từ sinh tồn, tức là từ hoạt động săn bắt và hái lượm, con người liên tục tiến hành giao tranh đánh chiếm và giao thương buôn bán. Tình yêu, hạnh phúc, thù hận, khổ đau... đều từ đó mà ra. Từ định canh vùng miền, các dân tộc trở thành quốc gia. Tại sao người Ả-rập ở Trung Ðông, người Franken ở châu Âu, người Nga ở Xi-bê-ri, người da đỏ ở Trung Mỹ? Ông Diamond bỏ ra mấy chục năm trời phát hiện thấy con người thích di chuyển theo vĩ tuyến để có thời gian trong ngày giống nhau và khí hậu tương đổi ít đổi thay. Danh tướng Mã Viện sau khi tận lực thư hùng đánh bại hai người phụ nữ, làm xong nghĩa vụ vua trao, sợ xác bị bọc trong da ngựa gửi lại đất Nam như lời mình trót nói, đã thâu lượm thật nhiều ý dĩ (kèm vàng ngọc dấu cất ở trong?) để ăn phòng sương gió trong lúc hồi binh về Bắc. Nước Nam không chỉ có Quỷ môn quan; nước Nam còn có rừng nóng ẩm, có đầm lầy Dạ Trạch, có sóng dữ Bạch Đằng... Người Nam hiền hoà học kinh Bút-đa qua chữ nho, nhưng cũng viết bằng thứ chữ đó lên cánh tay mình lời thề “sát thát” chỉ có thể tiêu huỷ đi khi thân nát, đầu rơi!

Người viết từng xác quyết: quốc gia là hình thái cơ bản của sinh hoạt cộng đồng; trong cái đó - con người sống; vì cái đó - con người chết. Chính bởi tinh thần dân tộc, chính bởi ý thức được quyền sống và tồn tại của mình mà các cộng đồng tộc người liên kết thành quốc gia. Quốc gia là quê hương mà “... nếu ai không hiểu, sẽ không lớn nổi thành người” – Bất luận là ai, ở nơi đâu và làm gì.

2. Ý thức quốc gia Việt Nam

Trước khi xem xét việc hình thành và phát triển ý thức quốc gia của người Việt, xin thử xác định “người Việt” (Vietnamesse) là những ai và nước Việt Nam hình thành thế nào? Người Việt có tiêu diệt dân tộc Chàm để chịu “quả báo”? Người Việt có nhờ công người Tàu Minh Hương để chiếm “Thuỷ Chân Lạp”?

Nước Việt Nam ngày nay có 54 dân tộc cùng chung sống. Du khách nước ngoài thường lấy làm thích thú khi thấy trên diện tích đất đai không lớn, mật độ chung sống giữa các tộc người như thế là rất cao. (Nước Tàu có 56 dân tộc khác nhau, nước Đức chỉ có 1 dân tộc thiểu số).

Nguyên ban đầu, nước Đại Việt chỉ có ở vùng châu thổ Bắc bộ. Qua các triều Lý, Trần, Lê và đặc biệt là triều Nguyễn, nước Việt Nam phát triển dần vào nam cho tới mũi đất Cà Mau. Cho tới thời nhà Lý, nước Chiêm Thành đã rất mạnh và nhiều lần ra đánh phá Thăng Long. Ta biết rằng trong thời nhà Trần, khi quân Nguyên ngang dọc đất nước thì cánh quân Toa Đô không thể chiếm Chiêm Thành để làm bàn đạp cho gọng kìm thứ hai bóp nát Đại Việt. Đông Dương là một chiến trường – Đó là tính toán của ta hay cũng chính là ý đồ của các thế lực xâm lăng? Các triều đại quân chủ Việt Nam kế tiếp nhau đã theo thời lựa thế, có lúc dùng quân sự nhưng chủ yếu là sách lược bang giao và chiến thuật “tàm thực” để mở đất. Thời gian gần đây, nghe coi những trận bão mùa, những cơn lũ quét miền trung, tôi hốt nhiên tỉnh ra một điều là không phải chỉ Đại Việt “mang gươm đi mở cõi”; sự quy tụ Đại Việt, Chiêm... cho tới Mũi Đất để làm nên một quốc gia Việt Nam là tất yếu cho sống còn của những cư dân đất nước này. Còn ông Mạc Cửu ở Hà Tiên và thi nhân Mạc Thiên Tích con ông cùng mang dòng máu Trung Hoa? Nhưng chính họ Trần họ Mạc (Đăng Dung) cũng phát tích từ miền nam nước Tàu (cứ tạm gồm chung thành Bách Việt)! Vậy thì cái lý thuyết chủng tộc dựa trên ADN ta cũng chẳng nên mê tín lắm. Ai dám quyết rằng mình yêu thương dân tộc Việt hơn nhà thơ Hồ Dzếnh? Có một dòng máu truyền lại từ đời các vua Hùng cho tới chúng ta; nhưng cho tới máu tôi và máu anh thì chắc đã qua nhiều lần sáp huyết. Và nguồn khí huyết đó đã liên tục được đất nước này un đúc từ khởi nguyên cho tới ngày nay và mãi mãi sau này. Dân tộc gắn với đất nước quê hương chính là như thế!

Xem xét ý thức quốc gia không gì bằng xem xét 3 bản tuyên ngôn ở 3 thời kỳ tiếp nối:

Bài Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt đời nhà Lý;
Bài Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi đời nhà Lê; và
Tuyên ngôn Độc lập năm 1945.

Chúng tôi không đi vào nội dung cụ thể cũng như giá trị văn học và lịch sử; xin chỉ trình bày kiến giải về tính nối tiếp và thời sự của các bản văn nêu trên.

Bài Nam quốc sơn hà do Lý Thường Kiệt viết và cho đọc trong hoàn cảnh kháng chiến bảo vệ độc lập. Chính từ truyền thuyết, ta biết rằng nội dung bài này là lời Trương Hống thần sông từ thuở Ngô vương. Ngay từ thời Lê Đại Hành, nhà trí thức tu hành Ngô Chân Lưu từng đã bàn luận cùng vua: “vận nước như dây quấn”. Các bậc đế vương và trí thức coi việc bàn bạc lo toan chuyện quốc gia là công việc tận tuỵ mê say. Cho nên có thể thấy ý bản tuyên ngôn này là một lẽ tự nhiên, lời văn là quả trái của dòng lịch sử: Nam quốc sơn hà nam đế cư! Nhưng văn và tinh thần thời này mới chỉ trên ý nghĩa “định tính” chăng, nên Lý Thường Kiệt dùng binh đánh tận Ung, Liêm mà vẫn coi là việc “nhân nghĩa”? Đến Nguyễn Trãi thì đã rõ ràng và cụ thể hơn:

Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục bắc-nam cũng khác.

Giá trị to lớn của Bình Ngô đại cáo là xác định tầm văn hiến / văn hoá của nước Đại Việt: Vốn xưng nền văn hiến từ lâu! Từ nền văn hiến đó, từ tầm văn hoá đó, đất nước và con người Đại Việt đã có đủ khí lực để tồn tại và phát triển. Khi nhìn lại lịch sử, Trương Hán Siêu thời Trần cũng đã viết: Phải đâu đất hiểm, do mình chí cao. Đất và người - người và đất, không thể nào tách biệt khỏi nhau!

Như vậy, bản tuyên ngôn thứ nhất nói về chủ quyền đất nước, bản tuyên ngôn thứ hai nói về sự bình đẳng giữa các quốc gia trên các mặt văn hoá và đạo lý. Thế còn bản Tuyên ngôn độc lập 1945 nói gì? Nói rằng: “Con người sinh ra đều có quyền bình đẳng”! Tôi nghĩ rằng tinh thần của bản tuyên ngôn độc lập 1945, phù hợp tình cảnh đau thương và khát vọng của con người thế kỷ 20, là nói về nhân phẩm, nhân quyền. Không có nhân phẩm, sự tồn tại của con người còn có nghĩa gì? Không có nhân quyền, quốc gia còn giá trị bao nhiêu?

Lịch sử chứng minh tinh thần dân tộc, ý thức quốc gia là sống động, luôn được bồi bổ và phát triển.

3. Văn hiến Việt Nam

Văn hoá Việt Nam có gì? Văn hiến Việt Nam tới đâu? – Tí Nho tí Phật? Tí Tàu tí Tây, tí Nga tí Mỹ? Mảnh Nôm, mảnh Hán, mảnh Latin?

Tôi nghĩ ta không đến nỗi quá bi quan. Một thời ông Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu viết: “Dân hai-nhăm triệu không người lớn / Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con.” Đấy là thời ta mất nước và đang học cách giành lại quyền độc lập từ tay người Pháp. Nhưng chúng ta từng đã có những con người rất lớn: Đinh-Lê thống nhất giang sơn, Lý-Trần diệt thù dựng nước. Chính là bởi những vị này tiếp thu được tinh thần dân tộc và có ý thức về quốc gia cũng như thấu triệt trọng trách đối với thời đại. Dân không người lớn là không có những con người có đủ tâm trí lớn để bao dung cõi đất lòng người; Nước vẫn trẻ con là khi trong đất nước ấy tinh thần dân tộc bị phôi phai và ý thức quốc gia bị sao nhãng. Không có ý thức quốc gia thì nguyên khí lấy đâu mà tụ lại? Còn khi nguyên khí tụ về thì việc gì mà không đương nổi? Nào phải công cán của một ai hay cho riêng một nhóm người nào?

Chỉ cần nhớ rằng Trần Quốc Tuấn và Nguyễn Trãi chuyên dùng chữ Nho và điển tích Tàu mà vạch ra đạo và lý cho nước Việt, ta có thể thấy rằng chữ Hán hay chữ Latin cũng chỉ là ký tự – giống như basic hay Pascal của những chuyên gia lập trình – chẳng nên quá so đo. Vấn đề là từ đó ta tạo nên cái gì của quốc gia và vì dân tộc. Tương tự như thế, các lý thuyết Âu, kinh nghiệm Nga hay giải pháp Mỹ ta cũng chẳng nên quá si mê hay hẹp lượng mà không ngó mắt coi xấu đẹp ra sao. Không học để hiểu người thì hội với ai và nhập vào đâu. Và khi ta chẳng giống ai thì có lẽ ta cũng không là ta nữa! Các thế hệ ông cha đã làm những điều rất lớn; ấy thế mà đạo lý Việt Nam vẫn di huấn lại: Con hơn cha là nhà có phúc. Điều đó có đáng để ta suy nghĩ thêm chăng?