© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ý kiến ngắn
15.7.2008
Nguyễn Minh Kiều
thu 7552
 

Đọc ý kiến ngắn của ông Phong Uyên, tôi thật khâm phục ý chí của ông, bởi học tiếng Việt không hề dễ bao giờ. Sống và lớn lên ngay chính quê hương mình, tôi còn viết sai chính tả, khi viết còn phải tra từ điển rất nhiều từ. Ngay cả những sinh viên ưu tú trong nước cũng khó mà viết được một bài như ông. Ở điểm này, tôi xin làm học trò của ông.

Bài viết đó tôi chỉ nói sơ lược và tóm tắt lại nguyên nhân cốt lõi về sự sụp đổ của tư tưởng Tây phương thôi. Còn về sự sụp đổ của nó như thế nào thì tôi không dám bàn, bởi nó mang tầm mức quá lớn, trong khi trình độ của mình còn rất hạn hẹp. Cho nên, khi dùng tư tưởng đó, người viết cần phải tỉnh thức (hiểu theo nghĩa Nhà Phật) rất nhiều.

Đúng là Platon, Aristote, và Héraclite là những nhà triết học thuần tuý không bao giờ nói về mẫu hệ phụ hệ cả. Ý của tôi là, theo hiệu ứng domino, nếu có một lực tác động lên một vật mà vật đó là một bộ phận trong một hệ thống thì sẽ đưa đến một tác động lên toàn bộ dây chuyền. Vì thế khi xếp quân cờ liền sau lớn gấp đôi quân trước đó với khoảng cách một phần hai chiều cao con đứng trước thì chỉ cần hơn mười mấy con cờ là đã đủ đánh sập một toà nhà 10 tầng. [1] Còn theo Nhà Phật thì không có bất cứ cái gì tồn tại độc lập một cách tuyệt đối, nên Long Thọ khẳng định rằng cái này có là nhờ cái kia, cái kia có nhà nhờ cái này, mặc dù ta chẳng thấy có gì liên quan khi đánh giá, xem xét vấn đề bằng tri thức thường nghiệm. Ví dụ: Khi ta nhìn thấy hòn đá, thì tri thức thường nghiệm cho rằng nó đứng yên bất động. Nhưng khoa vật lý lượng tử nhìn hòn đá ở bình diện vi mô thì lại nói rằng các nguyên tử cấu tạo lên hòn đá đó đang chuyển động với một vận tốc vô cùng lớn. Héraclite cũng nói rằng: “Tất cả đều biến dịch.” Do đó chính vì sự hiểu lầm nguyên ngôn mật ngữ của thời khai nguyên, nên khởi đi từ Platon sự vật không còn được vén mở hiện lên như nó là nữa, mà đã bị chính những danh từ ý niệm làm mất di vẻ uyên nguyên của sự vật khi khảo sát, cắt khúc, chẻ đôi, cân đo, đong đếm.

Trong tác phẩm Thiền và Phân tâm học, thiền sư Suzuki đã đưa ra hai ví dụ tiêu biểu của hai lối tư duy mà tôi đưa ra đây để ông cùng suy ngẫm.

Basho, thi hào Nhật, làm thơ khi thấy một đoá hoa:

   Nhìn kỹ
   Tôi thấy đoá nazuna nở
   Bên hàng dậu!

Còn Tennyson cũng thấy đoá hoa, và cũng làm thơ:

   Đoá hoa trong bức tường nứt nẻ
   Ta ngắt mi khỏi những kẽ nứt;
   Cầm mi đây, rễ và cả cây, trong tay ta,
   Đoá hoa nhỏ - nhưng nếu ta hiểu được
   Mi là gì, rễ và cả cây, và toàn thể,
   Ta hẳn biết được Thượng Đế và con người là gì. [2]

Vài dòng gửi đến ông, hy vọng tôi sẽ học được nơi ông nhiều vấn đề hơn nữa.


[1]http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BA%A3o_lu%E1%BA%ADn:Thuy%E1%BA%BFt_Domino
[2]D.T.Suzuki. Erich Fromm, Richard De Martino, Thiền và Phân tâm học, dg Như Hạnh, nxb Kinh Thi, 1973, tr 15-18.