© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
27.10.2002
Nguyá»…n Duy
Từ  CHÙA ÐÀN  đến  MÊ THẢO - THỜI VANG BÓNG 
 
Ðạo diễn tre trẻ Việt Linh chính hiệu "Nam kỳ rặt", dám "cả gan" xông ra tận sông Hồng, sông Ðáy để dựng phim theo cốt truyện "Chùa Ðàn" - một tác phẩm văn chương nửa đầu thế kỷ trước vốn nổi tiếng " Bắc kỳ rặt" - của lão tiền bối Nguyễn Tuân, một nhà văn nổi tiếng kỹ càng, kỹ đến từng cái bóng của con chữ.

Từ kịch bản điện ảnh "Chùa Ðàn" (Phạm Thuỳ Nhân - Việt Linh) đến phim nhựa màu "Mê thảo - thời vang bóng" là cả một chặng đường mười năm khá gian truân, lận đận của Việt Linh cùng những người cộng tác. Biên kịch - Duyệt - Sửa chữa- Duyệt - Xin phép làm phim - Duyệt - Vận động tài chính - Duyệt - Chọn cảnh - Duyệt - Tổ chức làm phim - Duyệt - Lại không duyệt - Chờ vài năm- Tiếp tục chờ vài năm - Và... thủ tục lại từ đầu...

Dù sao thì, mọi khó khăn ngày qua đều trở thành chuyện nhỏ trước một niềm vui lớn hôm nay, bộ phim khó làm này đã ra đời, như đã ra đời một đứa con khó chửa, khó đẻ. Chắc chắn còn có những khiếm khuyết không thể tránh khỏi, nhưng theo tôi, Mê Thảo - Thời vang bóng bộ phim "đáng nể" nhất của đạo diễn Việt Linh từ trước tới nay, và là một tác phẩm điện ảnh Việt Nam đạt tới tầm vóc nghệ thuật quốc tế .

***

Là kẻ từng chăm chú dõi theo cuộc "hành trình thai sản" của bộ phim, tôi mê mẩn với Mê Thảo... (Giá chi đặt tên phim là Mê Thảo thôi thì nghe giản dị hơn và đã hơn ).
Trước hết là mê mẩn với những hình ảnh "rặt ngôn ngữ điện ảnh". Cảnh làng quê Bắc bộ đầu thế kỷ 20, ấp Mê Thảo, mái đình, bến nước, con đường đất, cổng làng, đụn rơm, nếp rạ, chum, vại, nơm, giỏ... cứ phất phơ hồn vía ngày xưa. Cảnh đốt bàn ghế, tiếng nổ của đồ đạc và phát súng bắn vào con búp bê khiến người xem lạnh gáy. Cảnh nong tằm ngo ngoe đòi ăn và bàn chân dẫm phọt những con tằm làm ta sởn gai ốc. Cảnh cô Cam nhón bàn chân "giao chỉ" nhìn trộm Nguyễn ân ái với tượng gỗ. Cảnh đánh cây gạo đầy hoa sang sông. Cảnh thả đèn trời tưởng như chỉ có ma thuật mới làm nổi. Cảnh đốt tửu phần thiêu sống người...Cảnh quay nào cũng thấy mồ hôi. Mồ hôi của ý nghĩ. Mồ hôi của sự đi tìm. Mồ hôi giàn dựng. Mồ hôi tập luyện và diễn xuất. Mồ hôi caméra. Mồ hôi màu sắc. Mồ hôi âm thanh. Mồ hôi cả đồ vật và cây cỏ. Hầu như mỗi đoạn phim đều thắm đượm hồn Việt. Trong trí nhớ tôi, chưa có một phim nào của nước Việt ta được thực hiện công phu và đạt chuẩn như vậy.

Lại mê mẩn với những nhân vật có tên và không tên. Trong nhiều nhân vật phụ thành công, ông Bõ già rất sinh động và cảm động, xứng đáng dược bầu là vai phụ xuất sắc nhất. Nhân vật chính nào cũng mỗi người một vẻ, độc đáo, đầy thân phận, được diễn tả tự nhiên và sâu sắc làm sao. Nguyễn ( Dũng Nhi) hào hoa, hào hiệp, lập dị ra mặt, rõ là anh điền chủ bất đắc chí, khật khùng. Tam (Ðơn Dương), cây đàn nguyệt tuyệt vời tới mức tuyệt vọng, u uẩn, bế tắc mà nghĩa khí, cử chỉ thật chính xác với tâm trạng., cô đào hát hồng nhan bạc phận, phiêu dạt mà cao sang, đa tình mà chung tình, vừa quyến rũ vừa nghiêm trang, nhỏ nhoi mà không hèn mọn ... khó có ai nhập vai hơn Thuý Nga (với "giọng ca vàng" Thanh Hoài và lời bài hát văn do nhà thơ Văn Lê viết). Bất ngờ nhất là Cam ( Minh Trang -từ gương mặt, ánh mắt, bàn tay, bàn chân, đến cả thân hình cứ như là tối cổ), cô gái câm không có trong truyện Chùa Ðàn, xuyên suốt phim như quỉ hiện, như ma ám, như cái bóng của kiếp người, cái triết lý vô ngôn mà nói được nhiều điều hơn tất cả. Tôi bị cô Cam ám ảnh mãi, và không hiểu sao cứ hình dung cô đang ngoảnh mặt về phương Bắc mà lẩm nhẩm không thành lời mấy câu thơ của người phương Nam do Huỳnh Văn Nghệ chấp bút:

Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long ...

TP. Hồ Chí Minh ngày 25.9.2002
Nguồn: Tuổi Trẻ chủ nhật, 29.9.2002