© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộitalaFemina
5.8.2008
Trịnh Thanh Thủy
Vấn đề bình đẳng nam nữ trong đạo Phật có cần đặt ra không?
 
Ngày nay vấn đề nam nữ bình quyền được đặt ra không còn là một điểm nóng hay mới lạ làm giật mình người đọc hay người nghe nữa, ngược lại nó có thể làm người ta ngán ngẩm hay bực mình mà hét lên rằng “xưa rồi Diễm ơi” hoặc “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Tuy nhiên vấn đề bất bình đẳng nam nữ vẫn là một vấn nạn chưa được giải quyết thoả đáng và dĩ nhiên sự tồn tại của nó còn quá lớn giữa những sự bất bình đẳng khác khi đặt nó lên cán cân công bằng của xã hội.

Việc quan trọng bậc nhất chúng ta cần làm là tạo một nhịp cầu thông cảm giữa con người và con người nói chung và giữa nam và nữ nói riêng. Thật vậy, sống trong thời đại thông tin và điện toán toàn cầu hôm nay, làm thế nào để cân bằng giữa giá trị truyền thống và sự tiến hoá trong sự đổi mới quá nhanh của văn hoá thông tin toàn cầu là một cơn sốc nan giải mà con người cần vượt qua. Một trong các điểm quan yếu chúng ta cần nhìn rõ là nhìn thẳng vào trung tâm của vấn đề, để hiểu thấu sự việc và soi sáng con đường chúng ta đi hay con đường tâm linh của những người đang đi mưu cầu sự an lạc.

Sự tranh đấu cho nữ quyền đã và còn đang xảy ra trên thế giới không những trong các lãnh vực xã hội mà còn cả trong tôn giáo nữa. Trên talawas gần đây có một bài viết nêu ra các vấn đề then chốt có liên quan tới nữ quyền và việc bình đẳng giới tính, “Quan điểm của phật giáo về phụ nữ” của Như Hạnh. Tác giả đã trình bày một cách tổng quan về những quan điểm, thái độ của Phật giáo đối với nữ giới. Việc bình đẳng nam nữ trong Phật giáo đã được đặt ra ở vài nơi trên thế giới như ở Đài Loan và Hàn Quốc đã làm xôn xao dư luận, gây rúng động cho các vị tu sĩ nam cũng như nữ.

Để độc giả có cái nhìn sâu hơn trong việc xác nhận lại vai trò của người phụ nữ trong con đường tìm về nẻo đạo, tôi xin thuật lại sự việc trên như một ghi nhận (không nhận định) những gì đã và đang xảy ra ngỏ hầu tạo sự cảm thông nam, nữ trong một vấn đề liên quan tới tôn giáo và giới tính cực kỳ nhạy cảm.

Để tránh phải nhắc lại những gì mà Như Hạnh đã trình bày về sự bất bình đẳng của người nữ trong đạo Phật, tôi xin đề cập tới một vấn đề nóng bỏng đang được tranh cãi trong giới phụ nữ xuất gia.

Khi người nữ có ý định xuống tóc xuất gia để trở thành một tỳ kheo ni hay một nữ tu, đó là lúc người này thực sự bước hẳn vào Phật đạo. Họ phải trì giới tức là tuân giữ các giới luật dành riêng cho ni giới.

Có 10 giới, dành cho người mới xuất gia (Sa Di và Sa Di Ni). 250 giới dành cho các bậc tỳ kheo nam đã xuất gia lâu năm, tối thiểu trên 10 năm và có trình độ thọ giới đầy đủ, 348 giới dành cho các bậc tỳ kheo ni, tức nữ tu sĩ, xuất gia lâu năm. Ngoài ra còn có 48 giới Khinh và 10 giới Trọng dành cho các bậc thọ Bồ tát giới, xuất gia hay tại gia. Ngoài ra các vị tỳ kheo ni còn phải tuân thủ 8 điều kiện để được chấp nhận vào tăng đoàn.

Đức Phật là một nhà tâm lý học thông suốt, ngài nhìn ra được thể chất mềm yếu, dễ xúc động, vọng động, hay thay đổi, bất thường, hệ thần kinh yếu, dễ phát điên của phụ nữ nên ngay từ ban đầu ngài không cho phép người nữ có mặt trong tăng đoàn. Thậm chí ngài còn cho rằng họ là trở ngại đáng kể đối với các vị tỳ kheo. Ngài bảo phụ nữ thường có tính tâm, tật đố, tham lẫn, tham dục nên dễ sa vào cõi dữ hơn người nam. Họ nhạy cảm, dễ khởi lòng thương, dễ phát tính tâm, thường hay tiếc của, dễ khởi lòng tham, ganh ghét, ác tuệ, hệ thần kinh mong manh nên khó chống đỡ khi gặp hoàn cảnh kịch liệt. Phật còn dạy các tỳ kheo rằng, đối với phụ nữ không nên giao tiếp, đừng nhìn, đừng nói chuyện, đừng nhìn quá mắt cá chân của họ. Phụ nữ đối với nhà Phật quả là đáng ngại lắm lắm. Tuy nhiên vì sự van nài, cầu khẩn, (6 lần thỉnh cầu; 3 lần của di mẫu, 3 lần của ngài Anan) Đức Phật mới đồng ý cho người nữ được vào giáo hội và thành lập tăng đoàn cho phụ nữ tu học. Ngài còn đặt điều kiện cho người nữ muốn vào tăng đoàn đều phải chấp nhận 8 điều kiện. Tám điều kiện này còn gọi là “Bát kỉnh giới”.
  1. Vị tỳ kheo ni dù tu trăm năm vẫn phải cung kính vị tỳ kheo tăng mới tu dù 1 ngày.

  2. Không vì duyên cớ gì một vị tỳ kheo ni có thể mắng nhiếc một vị tỳ kheo tăng.

  3. Không được phê bình tỳ kheo tăng trong khi tỳ kheo tăng có quyền phê bình tỳ kheo ni.

  4. Trước ngày thọ đại giới vị ni phải qua bên tăng để tăng xét lại coi có đủ tư cách hay chưa.

  5. Tỳ kheo Ni phạm trọng tội, nửa tháng phải hành pháp sám Ma-na-đoạ.

  6. Mỗi nửa tháng phải qua bên tăng để cầu các ngài chỉ dạy.

  7. Ni không được ở nơi không có chư vị tỳ kheo ở.

  8. Sau mỗi mùa an cư phải qua bên tăng để xin chỉ dạy cho những điều nghi nan thắc mắc.
Duyệt qua “Bát kỉnh giới” và 348 giới luật Phật giáo đặt ra cho một vị tỳ kheo ni, ai cũng thấy rõ điểm chênh lệch và sự việc dường như Đức Phật quá bất công đối với phụ nữ. Vấn đề bình đẳng nam nữ trong đạo Phật không được đặt ra ở sự chênh lệch 98 giới luật giữa tăng và ni mà lại nằm ở “Bát kỉnh giới”.

Có rất nhiều sách viết về đề tài phụ nữ và đạo Phật từ cái nhìn của nữ giới trong các bối cảnh lịch sử, văn hóa, tôn giáo hay tâm lý xã hội. Phần đông những tác giả đều cảm thấy người phụ nữ được bình đẳng trong đạo Phật ngay cả các vị tỳ kheo ni. Đức Phật bảo rằng “Mọi chúng sinh đều bình đẳng”. Vì vậy mới có ý niệm tránh sát sinh, ấy là do ở lòng từ và tôn trọng mạng sống của muôn loài. Do đó trong Phật giáo, nam cũng như nữ, loài vật cũng như loài người đều ngang nhau, nhất là trong việc giác ngộ. Mỗi một con người đều mang chủng tử Phật tính nên có thể là vị Phật sẽ thành. Khi các vị ni trải qua giai đoạn tu tập với các giới luật và điều kiện khắt khe mà đạt được chứng quả như các vị tăng đạt được trong cùng một hoàn cảnh, vị Phật đã thành ở người phụ nữ mới càng đáng kính ngưỡng và bội phục hơn.

Trong lời giới thiệu cuốn sách Walking On Lotus Flowers: Buddhist Women Living, Loving and Meditating, Martine Batchelor có ghi lại một vài con số thống kê. Tôi không biết con số này xuất xứ từ đâu và có chính xác không nhưng tôi chép lại trong bài này hầu giúp độc giả có một khái niệm chung chung về vấn đề bình quyền. Bà Batchelor nói Ni giới ở Hàn Quốc bình đẳng khoảng 90% với tăng, ở Nhật 60 phần trăm, Đài Loan 85 phần trăm, Thái 15 phần trăm, Tây Tạng 45 phần trăm. Thí dụ, ni giới ở Hàn quốc thọ đại giới với 338 giới luật, trong khi ở Thái, các ni hầu như không thọ đại giới, với chỉ tám hay mười giới cấm. Không ngạc nhiên gì khi ni giới ở Hàn quốc được ủng hộ hơn, có nhiều cơ hội được học hành, huấn luyện. Nhưng điều gây ấn tượng và tạo lòng tin trong tôi, là dầu các điều kiện có khó khăn, tệ hại đến thế nào, các vị nữ tu và cư sĩ Phật giáo mà tôi đã gặp đều có thể chuyển hoá hoàn cảnh, sống một cuộc đời tràn đầy ý nghĩa, trở thành các vị thầy bằng chính sức lực của mình, như Maechee Pathomwan ở Thái Lan hay Pang Kwihi, một tiểu thuyết gia bị bại liệt ở Hàn quốc”.

Qua con số thống kê mà Batchelor đưa ra ta có thể thấy được vai trò và địa vị của phụ nữ trong Phật giáo ngày nay đã thay đổi theo điều kiện lịch sử, xã hội ở mỗi quốc gia.

Gần đây, có nhiều thay đổi trong cách nhìn của ni giới Đài Loan. Họ đang vận động hủy bỏ “Bát kỉnh pháp”. Trong cuộc họp SAKYADHITA về nữ ni, lần thứ 7 ở Đài Loan, nhiều vị tỳ kheo ni, tỳ kheo nam và các bác sĩ từ khắp nơi trên thế giới đã đưa ra những phát biểu tiết lộ cho chúng ta thấy vai trò và địa vị của người nữ trong Phật giáo thế giới đang thay đổi theo ảnh hưởng biến chuyển của xã hội toàn cầu.

Trong buổi họp này, Hành giả Minh Hue của Đại học Delhi nhận định:

“Những năm gần đây, sự đóng góp nổi bật của phụ nữ trong mọi lãnh vực xã hội đã đánh thức sự quan tâm (trên lý thuyết) đến phụ nữ mà bấy lâu đã bị lãng quên - đặc biệt trong lãnh vực tôn giáo. Nhu cầu xét lại những vấn đề của phụ nữ đã gia tăng ở cả Á châu lẫn Tây Âu. Sự tìm kiếm người ủng hộ sự kiện này cũng tăng theo trong hầu hết các khu vực xã hội. Những nhu cầu xét lại đã nảy sinh nhiều lý luận liên quan tới triết học và tôn giáo. Những học giả trác tuyệt, triết gia, nhà xã hội học và những nhà lãnh đạo tôn giáo đã thực hiện những công việc giá trị trong việc đánh giá lại tình trạng thay đổi của người phụ nữ trong phạm vi tôn giáo toàn thế giới.”

Bác sĩ Karma Lekshe Tsomo của Đại học San Diego nói đến sự quan trọng của giáo dục đối với các vị nữ tu:

“Tầm quan trọng của giáo dục đối với phụ nữ trở nên chiếc chìa khóa rõ rệt để phát triển điều kiện sống cho phụ nữ toàn cầu. Buổi họp SAKYADHITA đầu tiên ở Bodhgaya năm 1987, các nữ tu đã bắt đầu nhận thức được rằng nhờ giáo dục phụ nữ sẽ mở đường cho việc giảng dạy và trở thành người lãnh đạo tinh thần. Giáo dục vô cùng quan trọng cho các nữ tu. Không có giáo dục việc giảng dạy Phật pháp sẽ thuộc về các tăng là người có đủ trình độ và năng lực đảm nhiệm. Các tăng sẽ tự nhiên được xem trọng và được ủng hộ. Dưới mắt đại chúng, chúng ta sẽ thấy hình ảnh khác biệt của một vị tăng có học uyên thâm và một vị ni ít học bị xem thường. Sự kiện này sẽ xoi mòn lòng tự tin của phụ nữ nói chung và các vị ni nói riêng. Vòng luân hồi này khi thu hẹp sẽ trở nên một vòng luân hồi lâu đời và tồn tại mãi mãi trong một xã hội nơi người phụ nữ bị xem nhẹ hơn người nam vì thiếu cơ hội được giáo dục, không có phương tiện, thiếu sự nâng đỡ và niềm tự tin cũng như lòng quả quyết chiến đấu mọi cam go trong công cuộc đi tìm học Phật pháp. Cũng cùng trên vòng luân hồi thu hẹp này, chúng ta có thể thấy rõ vòng cầu cản trở tiến trình phát triển tâm linh của người phụ nữ.”

Tomomi Ito của Viện nghiên cứu quốc tế Đại học Kanda nói đến tình trạng các nữ tu ở Thái:

“Qua nhiều thế kỷ phụ nữ dòng tu Theravada ở Thái đã thiếu cơ hội được thụ giới như một tỳ kheo (bhikkhus) là một trong bốn chức phẩm gồm có bhikkhu, bhikkhuni, upasaka và upasika. Chính vì việc này mà phụ nữ Thái bị giới hạn cơ hội thực tập Phật pháp so với nam giới, người có cơ hội trở thành tỳ kheo. Những Phật tử sùng đạo không ngần ngại tỏ bày sự kính ngưỡng đối với các tỳ kheo được thụ giới và tin rằng nếu hết lòng ủng hộ họ sẽ gia tăng công đức. Sự ủng hộ thành kính này tạo cho các tỳ kheo cơ hội để chú tâm hơn trong việc thực tập đạo pháp. Nói cách khác, người ta không tôn trọng các phụ nữ tu khổ hạnh này vì họ không chính thức được thụ giới và họ bị xem như không đủ phẩm hạnh để nhận sự đối xử tương tự như các vị tăng. Vì thế người ta chỉ trông đợi ở họ làm việc công cho chùa để đổi lấy nơi ăn chốn ở. Do đó các phụ nữ khổ hạnh này thường thường phải để hết thì giờ nấu nướng cho các vị tăng và thì giờ để thực tập đạo pháp chỉ là phụ thuộc khi rảnh.”

Hành giả Ven. Zhaohui Shi của Viện Phật học Hongshi đã phát biểu trong buổi đại hội này:

“Dưới chế độ phụ quyền, nam giới là người có quyền viết và xuất bản kinh sách, nữ giới bị hạ phẩm giá để trở thành ma quỷ với 48 đức tính và hành vi xấu xa, đê tiện. Hơn nữa Bát kỉnh pháp là một hệ thống giới luật không công bằng, hạ thấp người nữ xuống và làm người nam trở nên kiêu ngạo. Những năm gần đây Phật giáo Đài Loan và Phật giáo Trung Quốc lục địa có khuynh hướng đòi hỏi phụ nữ phải tuân phục Bát kỉnh pháp. Giữ hay bỏ đi 8 điều luật này đã trở thành đề tài tranh luận với một cường độ sôi cao nhất của bình trà nóng Phật giáo. Tôi hy vọng những vị nam Phật tử có thể hủy bỏ thành kiến hẹp hòi để bước qua sự chín mùi của tri thức và trí dục. Vì chiến thuật và sự chỉ trích quá ồn ào, tiến trình của việc bãi bỏ Bát kỉnh pháp bị cháy phừng lên do việc thêm dầu vào lửa. Trước đó các Hành giả Ven. Xingyun, Liozhong, Jinglang và Chuandao đã nói đến việc ủng hộ sự chuyển hóa giành công lý cho các nữ ni. Một kế hoạch khác tôi muốn đề ra ở đây là việc cần đánh thức những giác quan bị thiu ngủ quá lâu của các ni. Đó chính là giác quan “chỉ trích, phê bình, tâm thức tự do” ở các ni đã bị ngủ quên dưới tâm thức nô lệ vì họ được giáo dục như vậy từ ngàn xưa.

Sự tranh đấu cho việc bãi bỏ Bát kỉnh pháp đòi hỏi sự chịu đựng và gian khổ còn hơn sự tuân thủ 8 giới luật này. Tôi tin rằng bỏ nó đi là một lý do chính đáng và tôi hy vọng các vị tỳ kheo với tài năng và đức độ thấy được điểm sáng của nó và ủng hộ cho sự chuyển hóa này.”

Ở Hoa Kỳ, đến viếng một tu viện ở San Diego, California, trong mỗi buổi đại lễ, tụng giới hay pháp thoại, người ta luôn thấy các vị tì kheo ni ngồi bên cánh trái và tì kheo tăng ngồi bên cánh phải của thiền viện. Sự phân chia, sắp xếp, điều hành các công việc phật sự trong tu viện được chia đều giữa nam và nữ rất nhịp nhàng, khéo léo tùy theo từng chức năng, tài cán và đức độ của mỗi vị. Tôi cũng có viếng hậu viện của vài tu viện khác. Các ni vừa tu tập, vừa lo phật sự, bận rộn, tíu tít cả ngày mà lúc nào cũng hoà ái, lịch thiệp, dịu dàng, trên môi luôn nở nụ cười. Không ai than phiền, so đo hay than thở mình bị đối xử bất công dù tôi thấy các ni hầu như chỉ lo việc bếp núc, quét dọn, chay đàn hoặc trồng rau, tưới kiểng. Tất cả mọi việc trong chùa đều được gọi là phật sự nên mọi việc đều có một giá trị đồng đều. Các vị ni ngày nay cũng tham gia vào việc giảng dạy Phật pháp như các vị tăng thường làm như ni sư Thích Trí Hải, Thích Nữ Như Thủy, Thích Nữ Giác Hương v.v…

Đối với việc bãi bỏ Bát kỉnh pháp, giới tăng, ni Việt Nam cũng có ít xôn xao, người ủng hộ, người phản đối tạo nên dư luận một thời.

Thích Giải Hiền một du học tăng ở Đài Loan đã gióng lên tiếng trống cảnh giác:

“Một hiện tượng không bình thường đang dần phát triển trong giới Phật giáo Đài Loan, đó là việc ni giới Đài Loan mấy năm gần đây vận động huỷ bỏ Bát kỉnh pháp. Mặt khác, trong quá trình phát triển các tông phái ở Đài Loan, có tông phái do ni giới sáng lập và lãnh đạo đã đạt được nhiều thành công nhất định trong xã hội. Điều này đã ảnh hưởng đến ni giới và là nguyên nhân thúc đẩy họ đòi quyền bình đẳng với chư tăng về mọi mặt, dần dần họ dùng mọi biện pháp phương cách để vận động xã hội lẫn nội bộ giới Phật giáo chính thức tuyên bố hủy bỏ Bát kỉnh pháp.

Việc vận động hủy bỏ Bát kỉnh pháp của ni giới Phật giáo Đài Loan phần nào đó đã phản ảnh một thực tế trong nội bộ Phật giáo Đài Loan, đó là: thế lực của ni giới Đài Loan đang dần lớn mạnh và nắm thế chủ đạo trong mọi mặt của Phật giáo Đài Loan; Phật giáo Đài Loan phần nào đang bị thế tục hóa bằng những tư tưởng thế học của tăng đoàn (ni giới lẫn chư tăng).

Phong trào này sẽ ảnh hưởng thế nào đến ni giới Việt Nam khi mà hiện tượng ni giới Việt Nam đang du học ở Đài Loan với số lượng không ít, các vị này tương lai có thể là hạt nhân vận động hủy bỏ Bát kỉnh pháp ở Việt Nam hay không? Cũng là điều mà Giáo hội và ni bộ cần suy tư ngay từ bây giờ.”

Trong khi đó tỳ kheo Thích Nhựt Chấn phát biểu cảm nghĩ của mình trong bài viết “Ai đủ trí tuệ để bỏ Bát kỉnh pháp”:

“Như con được biết, do sức ảnh hưởng bởi cao trào kêu gọi bình đẳng toàn cầu, mà điểm xuất phát từ cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật phương Tây, nên sự phân công lao động xã hội cần phải được sắp xếp lại và một số tu sĩ Phật giáo không hiểu thế nào là đích thật của sự bình đẳng nam nữ nên cũng đòi xóa bỏ Bát kỉnh pháp. Vì họ nghĩ rằng, Bát kỉnh pháp là điều khoản bất công với ni giới, nếu chấp nhận sự có mặt của Bát kỉnh pháp trong hệ thống kinh luật, tức là chấp nhận đức Phật không có từ bi, thiếu tuệ giác và chúng ta tự đào thải mình. Rồi qua một số lý luận không có cơ sở khoa học vững chắc, họ suy đoán rằng các điều khoản trong Bát kỉnh pháp được hình thành là do sự mâu thuẫn giữa tăng ni trong một giai đoạn lịch sử nào đó, nên các bậc tiền nhân đã áp đặt ra để đè đầu cỡi cổ mấy cô ni, chứ điều đó không phải do Phật nói. Cho nên, để thích hợp với xã hội toàn cầu hóa ngày nay, chúng ta phải mạnh dạn xóa bỏ điều này.

Ở đây, con thiết nghĩ, chúng ta đừng đem giá trị thời đại để kêu gọi xóa bỏ những giá trị đã từng tồn tại mấy ngàn năm lịch sử. Làm như thế chúng ta vô tình ném vào lịch đại tôn sư trong quá khứ, những người đã từng chấp nhận và giữ gìn nó một mớ ngôn từ bất kính, phạm thượng. Còn nếu ai đủ sức thay thì cứ thay, không làm được thì để đó; chứ chúng ta không thể dựa vào thời đại mà nói Bát kỉnh pháp là sai lầm, không phải do Phật nói. Bởi vì Bát kỉnh pháp chính là các điều khoản cơ bản để giữ gìn trật tự của tăng, nếu mất nó thì trật tự tăng sẽ rối loạn...

Nhìn nhận từ thực tế, chúng ta thấy ngày nay cách áp dụng bát kỉnh pháp không có tính tuyệt đối và có một số vị tỳ kheo tăng đã lạm dụng Bát kỉnh pháp để áp đặt. Như trường hợp trong lễ tang của cô Trí Hải vừa rồi, không được dùng từ ‘giác linh’ mà phải dùng ‘chơn linh’ vì lý do cô Trí Hải là ni. Nếu thật sự quý cô đã chứng thánh quả, chúng ta cũng nên lễ bái cầu phước như dân gian lễ đức mẹ Quán Thế Âm vậy. Và sự thật khi vãng sanh vào cõi Tịnh Độ, tùy vào phước đức tu tập mà hóa sinh trong hoa sen có phẩm vị khác nhau, chứ làm gì có chuyện ni không thể sinh vào phẩm vị cao hơn tăng. Đây là một ví dụ về chuyện lạm dụng Bát kỉnh pháp do sự sai lầm của một số vị hiểu biết mà thôi.”

Trong một bài giảng về đề tài Giáo đoàn Tỳ kheo ni và Bát kỉnh pháp ngày 11/11/2005 tại Học viện Phật giáo Việt Nam, khi bàn đến sự bảo vệ của các vị tỳ kheo đối với các vị ni, tiến sĩ Đại đức Thích Nhật Từ có nhấn mạnh:

“Liệu là cái nhu cầu bảo vệ đó có cần thiết trong thời đại ngày hôm nay hay không? Khi mà chư ni đã có những cái chùa riêng và chùa của họ lớn hơn chùa của tăng và họ cũng đâu hề có lời thỉnh cầu bảo hộ nào đâu, mà mình cũng chưa hề bảo hộ họ lần nào, ngày nào cả. Họ muốn bảo hộ, họ điện thoại lên công an, công an xuống lo hết trơn. Hoặc là an ninh văn phòng, họ xuống sẽ làm hết. Vệ sĩ, bây giờ có công ty vệ sĩ nhiều lắm.”

Sự việc các nữ ni lập chùa lập tu viện riêng không những đang xảy ra ở Việt Nam mà hải ngoại cũng có. Theo mục lục địa chỉ các tu viện ở hải ngoại có trên ba trăm tu viện, tu viện của các ni chiếm hết 68. Khi lập tu viện riêng, mặc nhiên Bát kỉnh pháp không bị ảnh hưởng nhưng khi có đại hội hay sự giao tiếp, Bát kỉnh pháp vẫn được tuân thủ. Tôi có phỏng vấn một vài ni sư Việt Nam về vấn đề này. Có ni sư bảo Bát kỉnh pháp là những điều luật đầu tiên cô phải chấp thủ, vì ấy là những điều luật Phật đặt ra tự ngàn xưa làm sao dám trái, ai muốn bỏ là chuyện của họ, cô chấp thủ cô vẫn một lòng chấp thủ.

Một vị ni khác có tham khảo vấn đề Nam nữ bình quyền một cách sâu xa và phát biểu:

“Theo tôi Bát kỉnh pháp là những cổ luật do Đức Phật đặt ra để giữ trật tự cho tăng đ oàn thuở ấy không bị rối loạn vì sự lấn lướt do địa vị và chức quyền của các vị nữ hoàng tộc. Bát kỉnh pháp thật ra có lợi cho người nữ hơn là có hại vì Đức Phật đặt trách nhiệm cho các tăng phải bảo vệ và chăm sóc đến các ni. Ngày nay, ở Ấn Độ, có nơi người phụ nữ vẫn chỉ quanh quẩn trong nhà, ra đường phải có người nam đi theo, nếu không có người nam bảo vệ sẽ bị cô thế và bị ăn hiếp cũng như bị hiếp dâm, bị bạo hành.

Đối với việc một vài nơi đang vận động bãi bỏ Bát kỉnh pháp, tôi nghĩ rằng nơi nào sự bất bình đẳng quá rõ rệt và có sự hiện diện của bất công thì nơi đó nên tranh đấu cho các ni được quyền bình đẳng như ở Thái với phái tu Theravada. Còn ở Hoa Kỳ, tôi thấy sự chênh lệch nam nữ không có hay nếu có thì rất ít. Vả lại sự áp dụng Bát kỉnh pháp cũng rất thoáng tức là không nhất thiết phải theo quy luật triệt để, có nhiều điều khoản được bỏ đi hoặc không áp dụng nữa vì không hợp thời. Các tăng đối xử với các vị ni cao tuổi, đức trọng vẫn giữ lòng tôn kính. Tăng, ni ai cũng tôn trọng lẫn nhau, cùng tu đạo để đạt giác ngộ nên vấn đề bình đẳng nam nữ không ai đặt ra cả. Các ni ai có tài giảng dạy, các thầy vẫn để các ni có cơ hội giảng dạy, việc nào đi với tài năng ấy.”

Cuộc tranh luận về Bát kỉnh pháp trên thế giới còn dài và tốn nhiều bút mực cũng như năng lực. Những ý kiến và trích dẫn tôi đưa ra trong bài này chỉ để bạn đọc có ít khái niệm về vấn đề nam nữ bình quyền đang xảy ra trong Phật giáo Việt Nam và thế giới.

Tuy nhiên dù giữ hay bỏ Bát kỉnh pháp sự tồn tại của Phật giáo vẫn là sự tồn tại của hai giới tăng và ni cũng như Myongson Sunim đã từng nói: “Tăng và ni là hai cánh của một con chim - chim cần cả hai cánh mới có thể bay được.”

Để kết thúc bài viết này tôi xin dẫn lại một tiểu đoạn của bà Martine Batchelor trong tác phẩm Bước Sen như một ý kiến phụ nữ:

“Không cần phải bàn cãi về sự bất bình đẳng của hai giới tính, vì điểm trọng yếu trong việc tu hành của chúng ta là để đạt được giác ngộ. Ta phải tự thích ứng với những gì mình có. Các vị nữ tu sĩ có khoảng từ tám đến mười giới và các luật của Sa di, thế là đủ. Nếu ta kiên định trong việc tu tập để được giải thoát, ta không cần phải đòi hỏi gì hơn. Điều ta cần làm là kiên trì tu tập. Ta không thể thăng tiến trên đường tu tập nếu cứ đi so sánh với người nọ, người kia mãi. Ta tu tập thực hành để quay vào nội tâm quan sát ba độc tham, sân và si.

Khi chúng ta xuất gia với mục đích có thể với tới và thấu đạt chân lý tuyệt đối, thì thực tại tầm thường này không phải là cái ta muốn bám víu vào. Với cái nhìn thấu đáo, ta sẽ thấy một người không phải nữ cũng chẳng là nam. Trong thế giới ước lệ, chúng ta chỉ chấp nhận sự việc như thế, mà không bám víu vào đó. Công phu tu tập luôn giải thoát ta ra khỏi mọi ràng buộc.

Nếu chúng ta gánh lấy một vai trò nào dó, ta sẽ bị dính mắc vào thế giới ước lệ này và cuối cùng có thể chỉ phí hết thời gian của ta để bàn về sự bất bình đẳng và ngôi thứ. Chúng ta phải thực sự nhìn lại chính mình, quan sát xem tại sao ta lại đảm nhận vai trò đó. Chúng ta phải kiên định trong bất cứ hoàn cảnh nào để nhận chân sự vật thực sự là thế nào đối với chân lý tuyệt đối. Chúng ta cần phải xem mọi trở ngại như một thử thách để tu tập. Nếu nhận thấy có một vấn đề gì, rồi ta bị dính vào vấn đề đó, thì ta không thể tiến bước hoặc giải thoát mình ra khỏi đó để trưởng thành. Điều đó sẽ ngăn chặn sự tiến triển trên con đường đạo.

Có một con đường đạo trước mắt - hãy nắm tay nhau, cùng bước tới trên con đường này trong tinh thần hoà hợp, thân thiện! Mục đích của chúng ta là để được chuyển hoá. Cuối cùng rồi thì thân chúng ta cũng sẽ bị hoả táng, và ngọn lửa cháy trên thân người nam hay người nữ cũng không khác màu nhau. Tất cả chúng ta đều đi theo một con đường.”

Con đường đó cũng là nẻo về Phật pháp của người phụ nữ Việt Nam.


Tài liệu tham khảo

© 2008 talawas