© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
25.8.2008
Vũ Thất
Thất thủ Ninh Bình: 33 năm nhìn lại...
 
Cuối tuần rảnh rỗi vào talawas tìm bài cũ chưa đọc, tôi gặp một bài mang cái tựa lạ “Thất thủ Ninh Bình” của tác giả có bút danh lạ Đỗ Kh. Đỗ Kh. thì tôi không quen nhưng cũng không lạ vì thỉnh thoảng vẫn đọc thơ, truyện và các thể tài khác của ông. Các bài viết của ông thường mang sự kiện lạ với lối viết cũng lạ. Tài năng của ông đã được một số phê bình gia ngợi khen, gần đây nhất trên talawas là Đặng Tiến.

Thất thủ Ninh Bình vẫn là “đặc sản” của ông. Cùng với văn tài, phải là một người có sáu tháng thâm niên quân vụ mới có thể diễn tả tài tình cuộc hành quân dứt điểm bằng một văn phong vừa cợt đùa vừa mai mỉa như thế. Đó là cuộc hành quân giải phóng miền Bắc, thống nhất đất nước. Theo mô tả của ông Đỗ Kh., nhạc sĩ Anh Bằng miền Nam tham gia đoàn quân chiến thắng trở về Hà Nội là văn nghệ sĩ duy nhất là chứng nhân cho ngày trọng đại “nội chiến tương tàn Nam Bắc vừa mới kết thúc và Việt Nam hoà bình, thống nhất và độc lập sau 20 năm”.

Cái rất... đỗ kh. là từ kết thúc trên, ông đặt ra một giả định: “Nếu đây là chuyện xảy ra hơn 30 năm về trước và cho là như vậy, thì để tiếp tục chuyện này cho đến 2007, cần có một số câu hỏi phải trả lời.”

Ông đã đưa ra nhiều câu hỏi, rồi bảo hỏi tức là đã trả lời, rồi lại bảo “người viết cũng xin phép được có ý kiến”. Câu hỏi và ý kiến mới đọc thì thấy “lăng nhăng”, nhưng ngẫm nghĩ thì hẳn là phải nghiêm túc nên talawas mới đặt bài giả tưởng này vào chủ đề: “Chiến tranh nhìn từ nhiều phía”.

Cho nên, dù bài viết cách nay khá lâu tôi vẫn thấy nhân các câu hỏi của ông Đỗ Kh. cần đưa ra một cái nhìn từ phía cá nhân tôi và hy vọng các câu trả lời sau đây cũng đủ nghiêm túc để talawas xếp nó vào cùng chủ đề.

Các câu hỏi của ông Đỗ Kh. tuy đặt nền tảng vào sự việc chưa xảy ra nhưng lại dựa trên những hiện thực diễn ra từ sau tháng 4/75. Vì vậy khi trả lời, tôi cũng giả định rằng tình hình an ninh, quân sự, chính trị ở miền Bắc sau... giải phóng cũng giống như tình hình miền Nam sau ngày 30/4 và đồng thời tôi cũng căn cứ vào các hiện thực xảy ra ở Việt Nam và trên thế giới. Và do “sự cố” bị đặt đảo ngược nên tôi đã phải đặc biệt xem xét bản chất của hai chế độ và cuộc sống của người dân ở hai miền. Cũng có những câu trả lời là kết quả của sự suy gẫm về số phận của người dân dưới chế độ cộng sản độc tài so với cuộc đời của những công dân trong các nước tư bản tự do...

Trước hết, tôi xin gợi lại cái “ý chính” của ông Đỗ Kh.: Nếu Việt Nam Cộng hòa hoàn toàn giải phóng miền Bắc ngày 30/4/1975 thì cần có một số câu hỏi phải trả lời...

Và để tiện việc theo dõi, tôi xin chép lại nguyên văn từng câu hỏi của ông Đỗ Kh.

Hỏi: Việt Nam Cộng hoà trong những năm sau đó (và đến giờ này) có áp dụng chính sách lý lịch và phân biệt hay không, chẳng những đối với những người trách nhiệm và ít nhiều hệ luỵ với chế độ miền Bắc hay Đảng Cộng sản, mà đối với cả con cả cháu của họ?

Đáp: Việt Nam Cộng hòa hành xử theo bản chất nhân bản của chế độ. Họ không chủ trương bạo lực cách mạng, chuyên chính vô sản, vì vậy không cần chính sách phân biệt lý lịch và đối xử. Chính phủ Việt Nam Cộng hòa mạnh mẽ tiến hành việc hòa hợp hòa giải dân tộc ngay khi hòa bình lập lại trên đất nước. Các nước Nga, Đức và Đông Âu là biểu tượng sinh động của việc hòa hợp hòa giải không hằn thù cộng sản.

Hỏi: Đối với những người trách nhiệm nói trên, chậm chân không sang Trung Quốc, Bắc Triều Tiên kịp (hay tị nạn Cuba), có lùa 300.000 từ cấp chuẩn uý trở lên vào các trại học tập dân chủ tư sản và gắng cải tạo họ thành doanh gia mẫu mực của kinh tế thị trường?

Đáp: Chủ trương hòa hợp hòa giải cũng có nghĩa là cả nước sẽ không có trại nào gọi là trại tập trung học tập cải tạo. Cũng không cần mở các trại học tập dân chủ tư sản. Bản chất của con người là thích chiếm hữu. 300.000 cộng quân cấp úy trở lên sẽ tự động quên họ từng là cộng sản và mừng là không còn vô sản. Vả chăng khoan hồng và bao dung là truyền thống dân Việt. Ngày xưa ông cha ta từng đánh bại quân Tàu rồi tha về Tàu tất cả tù binh. Thì tại sao ngày nay người Việt miền Nam vẫn mang đạo đức thánh hiền, chưa từng học... đạo đức cách mạng lại không thể dung tha cho chính đồng bào của mình?

Hỏi: Ngoài hơn 100.000 người vào những ngày cuối sang lánh nạn ở các nước xã hội chủ nghĩa, có hơn triệu người phải chôn dầu, đóng thuyền từ Bãi Cháy, Quảng Ninh vượt biên tìm đường sống ở Liên Xô, Hung, Ba Lan, Tiệp hay không?

Đáp: Có thể có hơn 1.000.000 đảng viên cộng sản hạng gộc chạy lánh nạn ở các nước xã hội chủ nghĩa. Số đông ùa vào quê hương Mao xếnh xáng và đến nay đều thành... tư sản mại bản. Số còn lại thì dạt qua các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác. Phần lớn những người này đã may mắn trở thành công dân các nước về sau “đổi mới”. Số còn lại tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa, khi phải nhập tịch Cuba, Bắc Hàn. Về dân chúng, có khoảng 10 ngàn dân từ miền Bắc vượt biển đến Hồng Kông nhưng không được tiếp nhận vì không hội đủ tiêu chuẩn “tỵ nạn cộng sản”.

Hỏi: Hà Nội có phải đổi tên hay không? Và đổi tên gì, tên ai?

Đáp: Sài Gòn trở thành thủ đô Việt Nam thống nhất. Hà Nội trở thành thủ đô văn hóa, vẫn mang tên lịch sử Hà Nội nhưng không còn... Lăng Bác (được dời vào Hang Pắc Bó) để bảo tồn tập tục cổ truyền.

Hỏi: Chuyện đổi tiền bắt buộc phải xảy ra, nhưng sẽ xảy ra như thế nào? Có chiến dịch kiểm kê tài sản, tịch thu văn hoá phẩm, đốt sách, “đánh cộng sản” đợt 1, đợt 2 hay không? Lực lượng Xung kích Quân đoàn 3 miền Nam ngày nay có làm chủ toàn thể khu vực Gia Lâm, tịch thu nhà cửa của quân nhân chế độ cũ ở Phố Lính để rầm rộ kinh doanh? Vợ con của thành phần chế độ cũ này có phải đẩy đi kinh tế mới, đào đắp thuỷ lợi để kết quả là cả nước ăn độn?

Đáp: Chuyện đổi tiền đương nhiên phải xảy ra để thống nhất tiền tệ và mọi sự đã diễn ra thật tốt đẹp. Ai có tiền bao nhiêu đều được đổi bấy nhiêu, không xảy ra mánh mung, kiếm chác. Từ việc đổi tiền người ta mới thấy mức độ sang giàu của người miền Nam và hoàn cảnh túng nghèo của dân miền Bắc. Do đó không có chiến dịch kiểm kê tài sản ở cái nôi vô sản. Nhà cửa khắp hai miền đều vẫn thuộc chủ cũ (không bị cướp giật). Không mở vùng kinh tế mới. Mọi người đều có công ăn việc làm ở các hảng xưởng, khu kỹ nghệ, ngân hàng. Dần dần ai ai cũng được cơm no, mặc đẹp. Về ấn loát phẩm thì nhân dân miền Bắc tự động đốt hết các sách có dính líu đến cộng sản. Thậm chí không ai chừa lại để dùng vào việc riêng... Đặc biệt các nghĩa trang quân đội miền Bắc đều được giữ nguyên vẹn, không bị phá phách, không bị ghi... “mồ chôn quân giặc”.

Hỏi: Nói chung và nói rộng, vào ngày hôm nay, 2007, thì về mặt dân chủ chính trị, tự do xã hội, quyền lợi lao động (nghiệp đoàn), về mặt giáo dục, y tế công cộng, về mặt công bằng, về cách biệt giàu nghèo nếu không bị Trung Quốc cho bài học hèo, về mặt tội ác, tiêu cực xã hội... đất nước đang ở vị trí nào?

Đáp: Trước 30/4/75, mặc dù đang bận rộn chiến đấu chống trả miền Bắc thôn tính, miền Nam vẫn phát triển không thua gì các nước láng giềng. Sau ngày hòa bình lập lại, nhờ nước ta không phải làm “nghĩa vụ quốc tế” ở Kampuchia, lại không bị Trung Quốc “dạy cho bài học” ở các tỉnh phía Bắc, lại được “tên đế quốc đầu sỏ” bỏ vốn đầu tư ào ạt, cho nên giờ phút này Việt Nam được vinh danh là một trong những con rồng châu Á, bất kể đảo chánh liên miên như Thái Lan.

Hỏi: Về mặt phát triển văn hoá, nghệ thuật? Chương trình ca nhạc Thúy Nga Bucharest có tồn tại đến số 89 được không?

Đáp: Năm nay 2008, bắt đầu niên học mới, có tin cả hai ông Bộ trưởng và Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo đồng loạt bị bãi nhiệm và vào tù. Một ông bán bằng cấp. Một ông bán đề thi. Cùng lúc, năm ngàn sinh viên Việt Nam ưu tú được các đại học nổi danh khắp thế giới thu nhận.

Chương trình ca nhạc ShotgunsNguyễn Ánh 9 vốn xuất phát từ miền Nam nay được phát hành trên cả nước và số lượng “tiếp thị” tăng gấp 100 lần. Không nghe nói có chương trình ca nhạc Thúy Nga Bucharest. Có thể ông Đỗ Kh. muốn nói tới đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga chăng?

Riêng về ý kiến của ông Đỗ Kh. đối với các câu hỏi của chính ông, thì tôi thấy một nhận định về xã hội của nước Việt Nam Cộng hòa (thống nhất) là rất đáng quan tâm. Ông có lời chê bai nặng nề là “đĩ thì đầy đường”! Vậy là ông không theo dõi thời sự. Trong dịp viếng thăm nước Mỹ gần đây, thủ tướng Hèn Đại Nhân đã hùng dũng trả lời thắc mắc này của một phóng viên quốc tế: “Nước nào mà không có đĩ đầy đường”!

© 2008 talawas