© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
29.8.2008
Huỳnh Phan

Trong ý kiến ngắn phản hồi Tâm Đàm cho rằng từ "dội trong trường hợp này đa nghĩa" và từ đó đã hàm ý rằng có thể hiểu dội với nghĩa trút xuống. Theo mạch lí luận của Tâm Đàm và logic của việc hiểu câu hát, đêm đêm tất phải có nghĩa… “một tháng vài ba ” đêm. Dĩ nhiên cũng có thể hiểu như thế trong một số ít tình huống như bông đùa, mai mỉa… nhưng trong trường hợp này xem ra khó chấp nhận được. Hệ quả là lí giải của Tâm Đàm dựa trên tính đa tầng, đa nghĩa của câu chữ để bảo vệ cách hiểu của mình, theo tôi, không còn đủ sức nặng thuyết phục.

Còn Phan Hoàng Sơn thì cho rằng “bài hát của Trịnh Công Sơn mang tính triết lý rất cao” nên phải hiểu “dội hay vọng là tiếng trong tâm chứ không phải do bom nổ đạn rơi”. Tôi hiểu rằng tiếng đàn của Bá Nha nào đòi hỏi phải có đôi tai nghe của Tử Kì ấy, nhưng ở đây tôi không nghĩ rằng Trịnh Công Sơn đã lồng ghép những triết lí thâm sâu, bí hiểm vào câu hát (trong một bài hát có tính chất phản chiến cần nhiều người đồng tình) để nó có một ý nghĩa tách rời câu chữ đến mức những Tử Kì của ông (theo tôi là tầng lớp trí thức bậc trung) không thể với tới như vây. Cách hiểu của Phan Hoàng Sơn như thế có vẻ đã thoát li quá xa câu chữ trên văn bản bài hát, giống như trường hợp Dr Bean (trong loạt phim hài của Rowan Atkinson) bình luận bức tranh đẹp mà chỉ dựa vào các yếu tố ngoại lai nào khác chứ không từ bản thân bức tranh.

Dĩ nhiên, không ai kể cá tác giả có thể buộc Tâm Đàm hay Phan Hoàng Sơn hiểu theo cách khác nhưng để người khác có thể đồng tình với cách hiểu của mình cần kèm theo những biện giải có tính thuyết phục hơn. Về bài viết của tôi cũng thế, tôi chỉ nêu lên một cách hiểu riêng của mình về câu nhạc cụ thể này qua việc phân tích hai từ vọng (đã có ý kiến chỉ ra rằng tác giả đã hát với từ i trong một lần biểu diễn) và từ dừng trong mối liên hệ với các từ ngữ khác trong câu, cũng như trong mối liên hệ với toàn bài dựa trên những hiểu biết, kinh nghiệm của bản thân về tác giả, hoàn cảnh sáng tác, thực tế chiến tranh lúc đó… Ý đồ chính của bài viết đó, như tôi có nêu trong tựa bài và cũng đã xác định rõ trong đoạn cuối, là chỉ nhằm “minh hoạ thêm là vốn thực tế là một thành tố không thể không xem xét tới trong cảm thụ thơ ca như anh (Nguyễn Đức Tùng) có đề cập, ít ra là trong những trường hợp như thế này”. Việc đối chiếu cách hiểu của tôi về câu hát với cách hiểu của Tâm Đàm lúc trẻ, chỉ nhằm làm sáng tỏ hơn ý đồ này. Tôi không hề có ý cho rằng cách hiểu của mình là duy nhất đúng theo ý tác giả nhưng tôi nghĩ rằng cách hiểu của mình là phù hợp với thực tế chiến tranh mà tôi đã bị nếm trải. Tôi không có tham vọng và cũng không đủ khả năng để tìm hiểu các tầng lớp ý nghĩa sâu xa khác, nếu có của câu hát.

Cuối cùng qua đọc các ý kiến phản hồi và nhiều ý kiến khác ở đây, phải nói là tôi hết sức đồng cảm với Đặng Tiến về câu phụ chú trong bài viết về Sơn Nam:“Giữa người Việt với nhau, nói chuyện gì cũng khó. Nói chuyện gì, rồi cũng buồn”.