© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
5.9.2008
Aleksandr I. Solzhenitsyn
Tầng đầu địa ngục
Hải Triều dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12 
 
16. Không có nước sôi pha trà

Đêm đó theo lệnh của Abakumov và do Sevastyanov truyền lại, Yakanov được gọi đến Bộ An ninh từ Viện Mavrino. Sau đó, có hai lệnh mật được gọi bằng điện thoại tới Viện Mavrino, mỗi lệnh tới cách nhau mười lăm phút, lệnh trước là lệnh đưa tù nhân Bobynin, lệnh sau là lệnh đưa tù nhân Pryanchikov về Bộ. Bobynin và Pryanchikov được đưa về trên hai chiếc xe khác nhau và được để ngồi chờ ở hai phòng đợi khác nhau, đề phòng họ đụng mặt nhau.

Nhưng dù hai tù nhân này có gặp mặt nhau, họ cũng không thể nói gì được với nhau, không thể hiểu ngầm nhau. Nói rõ hơn, Pryanchikov sẽ không sao có thể hiểu được Bobynin muốn gì ở chàng.

Linh hồn Pryanchikov đang rung động vì ánh đèn đêm ở Mạc Tư Khoa, những ánh đèn sáng lòa, lấp lánh, rực rỡ ở hai bên cửa chiếc xe Podeba. Đi từ vùng ngoại thành tối tăm quanh Mavrino vào trung tâm thành phố, Pryanchikov ngây ngất khi nhìn thấy hiện ra những đại lộ sáng choang, những cửa nhà ga xe điện ngầm đầy người, những cửa hàng rực ánh đèn néon. Pryanchikov quên mất người lái xe và hai nhân viên mật vụ bận thường phục ngồi hai bên chàng, dường như không phải là không khí mà là lửa được hít vào và thở ra từ lồng ngực chàng. Không lúc nào chàng rời mắt nhìn qua cửa xe. Chưa bao giờ họ đưa chàng vào Mạc Tư Khoa ngay cả ban ngày, và trong lịch sử Nhà Tù Đặc Biệt Mavrino, chưa từng có một tù nhân nào được nhìn thấy Mạc Tư Khoa ban đêm.

Tới cửa Sretenka, chiếc xe chở Pryanchikov phải dừng lại chờ đám người vừa từ nhà hát bóng cuồn cuộn đi ra và sau đó, dừng lại ở ngã tư đường chờ đèn hiệu.

Tất cả những người tù trên cõi đời này đều chẳng ít thì nhiều nghĩ rằng con cái bên ngoài, vì không có họ, đã dừng lại, bên ngoài đã hết nhẵn đàn ông và những người đàn bà cô đơn vì thiếu họ, hệ thống còn vui vẻ, đàn bà đau khổ, âu sầu hết còn trưng diện vì tình yêu họ và lòng trung thành với họ. Và đây, trước mắt Pryanchikov hiện ra đám đông no đủ, rộn rịp gồm những người đang sống ở thành phố – mũ, mạng che mặt, nữ trang, áo lạnh lông thú – và mùi hương của những người đàn bà qua đường tràn đầy cảm xúc run rẩy của người thanh niên ba mươi mốt tuổi, mùi đàn bà ấy đi qua sương đêm, qua thanh sắt của chiếc xe, đến đập vào chàng như những nhát búa. Chàng có thể nghe được tiếng họ nói, nhưng vang vang không rõ, chàng muốn lao đầu qua làn kiếng cửa xe ra ngoài để nói lớn với họ, với những người đàn bà đang đi trước mặt chàng, rằng chàng còn trẻ, chàng đang cần yên, chàng bị người ta nhốt vào tù không chút xót thương, chàng bị tù nhưng không có tội gì cả. Sau cuộc sống cô đơn khổ tù trong tòa nhà đá ở Mavrino, cảnh sắc này là một giấc mơ thần tiên. Ngay cả thời còn tự do Pryanchikov cũng chưa bao giờ được sống cuộc sống thanh lịch mà chàng thấy trước mắt kia, khi còn là sinh viên, chàng quá nghèo, rồi chiến tranh đến chàng nhập ngũ và bị bắt làm tù binh, rồi hết chiến tranh và chàng bị tù ở chính trên quê hương chàng.

Sau đó, trong khi ngồi trong phòng đợi, Pryanchikovvẫn còn mê mẩn, chàng không nhìn rõ những cái bàn, cái ghế quanh chàng, những cảm giác ngây ngất vẫn chưa chịu từ bỏ chàng.

Một Trung tá gọn ghẽ, sáng sủa bảo chàng đi theo. Pryanchikov, với cần cổ ngẳng và đôi cổ tay khẳng khiu, đôi vai hẹp, đôi chân gầy chưa bao giờ trông tang thương bằng khi chàng bước vào căn phòng rộng do người sĩ quan đưa chàng tới. Người sĩ quan này dừng lại ở cửa và chỉ một mình Pryanchikov bước vào phòng.

Căn phòng rộng đến nỗi Pryanchikov không nhận ra đó là một văn phòng, chàng cũng không nghĩ rằng người đàn ông với đôi cầu vai dát vàng ngồi tít ở tận xa kia là chủ nhân căn phòng này. Chàng cũng chẳng nhìn thấy bức hình Stalin cao tới mười thước choán hết một bức tường. Mạc Tư Khoa ban đêm và những người đàn bà đi trong đêm Mạc Tư Khoa vẫn còn chập chờn ẩn hiện trước chàng. Chàng như người say rượu. Chàng như người hoang mang không biết tại sao mình lại đi vào căn phòng rộng thênh thang này và phòng này là phòng gì? Chuyện lạ và khó hiểu hơn nữa là trong một căn phòng hình cánh quạt chật ních những chiếc giường hai tầng và giường nào cũng có người nằm ở một nơi nào đó được chiếu sáng bằng một bóng đèn xanh – dù chiến tranh đã chấm dứt từ năm năm trước – có một ly nước trà nguội còn chờ đón chàng trở lại.

Chân chàng đi trên tấm thảm rộng. Thảm dầy và êm và chàng muốn nằm lăn xuống đó. Ở bên tường bên phải gian phòng có nhiều khung cửa sổ, bên tường trái gian phòng có một tấm gương lớn cao từ mặt sàn tới tận trần.

Những người ở bên ngoài không biết được giá trị của vật dụng. Với một người tù quanh năm chỉ được dùng cái gương soi mặt lớn không quá lòng bàn tay, có khi cả năm sáu tháng không được nhìn thấy mặt trong gương, việc được nhìn ngắm toàn thân mình trong một tấm gương lớn là cả một việc quan trọng.

Pryanchikov như bị nam châm hút lại, đứng sững trước tấm gương. Chàng nhìn chàng hiện ra trong đó rồi chàng đến sát gương, ngắm nghía với vẻ hài lòng hiện rõ trên khuôn mặt tươi trẻ, sạch sẽ của chàng. Chàng sửa lại cổ áo và xốc lại hai tay áo. Rồi vẫn nhìn vào gương, chàng từ từ đưa chân lùi lại rồi chàng nghiêng người sang bên và cố liếc mắt nhìn xem mặt nghiêng của chàng hình dáng ra sao. Chàng quay sang trái rồi quay sang phải. Hai chân chàng di chuyển như đi vài bước khiêu vũ và chàng lại đến sát gương, nhìn ngắm mặt chàng kỹ hơn trong đó. Sau cùng, thấy rằng mặc dù bộ y phục màu xanh bạc màu quá cũ này, mình vẫn thanh nhã và cân đối lắm, với sự hài lòng, phấn khởi trong tâm hồn, Pryanchikov đi tới – chàng đi tới không phải vì chàng biết rằng trong gian phòng này có người chờ đợi chàng mà chỉ là vì chàng cần đi để xem xét hết phòng.

Người đàn ông có thể nhốt vào tù bất cứ ai trong một phần nửa thế giới, nhà Tổng trưởng độc tài từng làm những vị tướng lãnh, thống chế sợ đến xanh mặt, ngồi nhìn gã tù nhân gầy gò với một vẻ chú ý tò mò. Lâu rồi y không có dịp nhìn kỹ một người trong số nhiều triệu người đã bắt, đã kết án, đã cho vào nhà tù, vào những trại tập trung.

Với dáng điệu của một chàng công tử đi dạo phố, Pryanchikov đi đến trước bàn và nhìn như dò hỏi vào mặt Abakumov như chàng không ngờ có người ngồi ở đó.

"Anh là kỹ sư Pryanchikov?"

Abakumov lên tiếng hỏi, tay y xếp lại những giấy tờ trên bàn.

"Phải," Pryanchikov lơ đãng đáp "Phải, tôi."

"Anh là những cầm đầu toán chuyên viên ở Mavrino làm việc về… về…"

Abakumov xem lại tờ giấy:

"Về máy Phân-Hóa Âm Thanh Nhân Tạo?"

"Cái gì là máy phân hóa âm thanh nhân tạo?" Không trả lời vào câu hỏi, Pryanchikov nói sang chuyện khác, "Ai bày đặt ra cái tên gọi ngớ ngẩn vậy? Chúng tôi không dùng cái tên đó. Chúng tôi gọi nó là giàn máy Ám-Hiệu Âm-Thanh nhân. Tắt là Âm Thanh cho tiện."

"Nhưng anh là kỹ sư trưởng toán?"

"Trên nguyên tắc thì là tôi, nhưng có chuyện gì vậy?"

Đột nhiên Pryanchikov trở thành đề phòng.

"Ngồi xuống."

Không chờ mời đến câu thứ hai, Pryanchikov ngồi ngay xuống ghế, chàng cẩn thận kéo cho ống quần thẳng nếp.

"Tôi muốn anh nói thật, nói thật hoàn toàn, anh không sợ rắc rối vì những người có quyền ở đó. bao giờ cái máy Âm Thanh được chế tạo xong? Tôi muốn nói là bao giờ dùng được? Cứ nói thật. Một tháng nữa hay hai tháng? Cứ nói, đừng sợ gì hết."

"Máy Âm Thanh? Sắp dùng được? Ha ha ha."

Tiếng cười tươi trẻ và trong như tiếng chuông của Pryanchikov vang lên. Chưa bao giờ giữa những bức tường này lại rộn ràng tiếng cười như thế. Chàng ngồi dựa lưng lên thành ghế và giơ hai bàn tay ra trước mặt:

"Ông nói cái gì? Ông nghĩ gì mà lại hỏi như thế? Rõ ràng là ông không hiểu máy Âm Thanh là cái gì. Để tôi giảng cho ông nghe…"

Chàng nhẹ nhàng đứng bổng lên từ lòng ghế và nhô người trên mặt bàn của Abakumov:

"Ông có tờ giấy trắng không? Đây rồi."

Pryanchikov xé một tờ giấy trắng, vớ lấy cây viết màu thật tươi của Abakumov và bắt đầu vẽ vội và vụng những đường cong queo tượng trưng cho những làn sóng âm thanh.

Abakumov không chút sợ hãi – trong thái độ, cử chỉ và giọng nói của người kỹ sư trẻ tuổi lạ kỳ có một cái gì thành thật, hồn nhiên và như ngây thơ làm cho y chịu đựng cuộc tấn công này. Y nhìn ngây Pryanchikov nhưng không ghi nhận những lời chàng nói.

"Ông phải biết rằng tiếng nói của con người có rất nhiều hòa âm," Pryanchikov gần như nghẹn lời vì muốn nói ra tất cả những gì chàng cần nói trong một thế gian ngắn nhất, "và sáng kiến căn bản của máy Âm Thính là biến tiếng nói ra những âm thanh khác hẳn rồi lại kết hợp trở thành tiếng nói. Biến hóa cách nào tùy người sử dụng máy. Trời đất, sao ông có thể viết được với cây bút tồi như vầy? Ông biết rõ về tọa độ Cartesie chứ hả? Cái này chú học sinh nào cũng biết mà – và phương pháp Fourier?"

"Chờ chút," Abakumov cố tự trấn tĩnh để nói. "Chú chỉ cần nói cho tôi biết: Bao giờ thì xong? Bao giờ thì máy dùng được? Bao giờ?"

"Bao giờ xong? Hừm, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ấy."

Giờ đây Pryanchikov không còn ngây ngất vì những hình ảnh chàng vừa nhìn thấy ngoài đường phố nữa, chàng bị tràn ngập bởi niềm yêu dấu công việc chàng đang làm và một lần nữa, chàng không sao có thể ngừng nói – Không trả lời câu hỏi của ba, chàng tiếp:

"Vấn đề quan trọng bây giờ là nếu mình chịu biến cả giọng nói đi. Trong trường hợp ấy, số đơn vị…"

"Nhưng ngày nào? Ngày nào, tháng nào? Ngày một tháng ba? Ngày một tháng tư?"

"Trời đất… ông nói chi vậy? Tháng tư? Không kể đến những việc về Ám Số chưa làm xong, chúng tôi chỉ có thể hoàn thành dàn máy này vào… Coi nào, không thể sớm hơn được," Pryanchikov nắm tay áo Abakumov, kéo mạnh. "Ông để tôi giải thích tất cả cho ông nghe. Ông sẽ hiểu và sẽ đồng ý với chúng tôi rằng việc đó không thể vội mà được…"

Nhưng Abakumov, mắt nhìn ngay xuống những hình vẽ vằn vèo vô nghĩa với y trên tờ giấy, đã đưa ngón tay ra tìm thấy nút chuông điện cạnh bàn.

Người sĩ quan mang cấp bậc Trung tá gọn ghẽ hồi nãy lại xuất hiện và mời Pryanchikov đi ra.

Pryanchikov đi xa bàn với vẻ bối rối hiện rõ trên mặt, miệng chàng hé mở. Chàng thất vọng vì chàng chưa giải thích được gì hết. Và khi đã đi ra được nửa phòng, bỗng dưng chàng nhận biết người đàn ông to lớn ngồi kia là ai. Chàng nhớ lại rằng những người bạn tù của chàng đã dặn chàng phải khiếu nại, phải cố gắng đòi hỏi. Chàng quay phắt lại và nói lớn:

"Ê, tôi quên chưa nói cho ông biết."

Nhưng người sĩ quan chặn không cho chàng đi trở lại, đồng thời y đẩy chàng ra cửa. Và Pryanchikov thấy rõ là người đàn ông ngồi ở bàn kia không nghe chàng nói. Trong một khoảnh khắc, tất cả những hành động phạm pháp, tàn ác của bọn cai ngục trở lại với chàng nhưng chàng chỉ có thể còn kêu lớn một câu:

"Nước sôi, chúng tôi làm việc khuya nhưng không có nước sôi pha trà. Chúng tôi không có trà nóng uống ban đêm."

"Không có nước sôi?"

Một người nào đó đứng ở ngoài cửa phòng, dường như là một vị tướng lãnh, nói với Pryanchikov:

"Được rồi. Để chúng tôi lo."


17. Đũa thần hóa phép đi

Bobynin đi vào phòng. Anh cũng bận bộ quần áo màu xanh đậm y hệt bộ quần áo của Pryanchikov, người vừa đi ra. Bobynin là một người đàn ông to và cao, quắc thước, mái tóc hung hung cắt ngắn theo kiểu tóc tù nhân.

Anh tỏ ra ít chú ý đến cảnh gian phòng và những đồ bày biện, bài trí ở đây như anh đã từng ra vào nơi đây cả trăm lần mỗi ngày. Anh đi thẳng tới trước bàn và đĩnh đạc ngồi xuống ghế không thốt ra nửa lời chào hỏi. Rồi anh rút chiếc khăn tay không được sạch lắm vì ít có dịp được giặt trong túi ra hỉ mũi.

Abakumov, sau khi thất vọng vì sự nói nhiều nhưng không đi đến đâu của Pryanchikov, tỏ ra yên tâm hơn khi thấy Bobynin điềm tĩnh và có vẻ nghiêm trọng. Y không quát lên với Bobynin “Đứng lên” như y vẫn thường quát với những đám ngồi khi chưa được y cho phép. Nghĩ rằng người tù này không biết y là ai, và gã cũng không đoán ra gã đang ở đâu, y cất giọng gần hiền lành hỏi:

"Tại sao anh lại ngồi khi chưa được phép?"

Bobynin nghiêng mặt nhìn vị Tổng trưởng quyền uy, anh vẫn dùng khăn chùi mũi và trả lời bằng một giọng thản nhiên:

"Có một câu cách ngôn Trung Hoa nói rằng: “Đứng tốt hơn đi, ngồi tốt hơn đứng và tốt hơn cả là nằm”.

"Anh có biết tôi là ai không?"

Ngồi thoải mái với hai cánh tay đặt trên thành ghế, bây giờ Bobynin mới nhìn thẳng vào mặt Abakumov, anh chậm chạp đưa ra lời đoán:

"Ông là ai? Hừ… Tôi thấy ông giống như Thống chế Goering."

"Giống ai?"

"Thống chế Goering. Có lần ông ấy đến thăm xưởng chế tạo phi cơ ở gần Halle, nơi tôi làm việc. Bọn tướng lãnh ở đó đều sợ xanh mặt, không tên nào dám đi mạnh, nhưng tôi không thèm cả nhìn xem ông ta ra sao. Ổng đến, đứng nhìn một hồi rồi đi." [1]

Có một vẻ gì gần giống như nụ cười thấp thoáng trên vành môi Abakumov, nhưng y vội nghiêm mặt lại vì ngụ ý hỗn hào trong câu nói của tên tù. Y chớp mắt và hỏi, giọng bực dọc:

"Anh không thấy có sự khác biệt ư?"

"Khác biệt giữa ông và hắn? Hay khác biệt giữa ông và tôi?"

Giọng nói của Bobynin có những âm thanh lạnh, cứng như thép.

"Giữa tôi và ông, tôi thấy sự khác biệt rõ lắm: Ông cần tôi, còn tôi không cần ông."

Abakumov cũng có giọng nói có thể gầm lên như sấm sét, và y biết cách lợi dụng nó để đàn áp người khác. Nhưng lúc này y thấy y có gầm lên cũng vô ích. Y hiểu rằng người tù này là một gã khó chế ngự được.

Vì vậy, y chỉ cảnh cáo:

"Anh tù, nghe đây. Đừng thấy rằng tôi dễ dãi mà anh có thể…"

Bobynin vẫn thản nhiên:

"Công dân Tổng trưởng, nếu ông làm dữ với tôi, tôi sẽ không nói gì với ông nữa. Ông chỉ có thể quát tháo, chửi mắng, đe dọa bọn đại tá với tướng lãnh quân hầu của ông. Họ có nhiều thứ mà họ sợ mất trong đời."

"Tôi có thể bắt anh phải nói."

"Ông lầm đấy, Công dân Tổng trưởng."

Đôi mắt cương cường của Bobynin sáng lên ánh lửa thù hận:

"Ông không làm gì được tôi hết vì tôi chẳng còn gì hết, ông hiểu không? Ông không thể làm hại được vợ con tôi vì một trái bom đã làm vợ con tôi tiêu tan lâu rồi. Ông cũng không thể hành hạ được cha mẹ tôi vì cha mẹ tôi đã chết. Tất cả những gì tôi có bây giờ chỉ là cái khăn tay dơ này, bộ quần áo cũng này và cái quần cụt rách."

Như để chứng minh lời nói, Bobynin vạch áo để trần ngực:

"Tất cả những thứ này đều do chính phủ phát. Ông đã tước đoạt tự do của tôi lâu rồi, và ông không có khả năng trả lại tự do cho tôi vì chính ông, ông cũng không có tự do. Tôi đã bốn mươi hai tuổi và ông đã giáng cho tôi cái án tù hai mươi lăm năm. Tôi đã từng là tù khổ sai, từng sống với những con số thay tên trên ngực áo, từng bị còng tay, từng sống giữa bầy chó dữ, từng chết dở sống dở trong những trại giam tàn ác nhất của bọn ông. Ông còn gì nữa để mà dọa tôi? Ông chẳng còn tước đoạt ở tôi thêm cái gì nữa. Ông có thể cấm tôi hành nghề kỹ sư? Cũng được. Nhưng cấm tôi thì ông có hại nhiều hơn là tôi. Tôi hút thuốc."

Abakumov mở nắp hộp đựng những điếu thuốc đặc biệt mang nhãn hiệu Troika ra mời:

"Đây, hút thuốc này."

"Cám ơn. Tôi không thích đổi thuốc. Thuốc của ông làm tôi ho."

Bobynin lấy ra một điếu thuốc Belommor tự hộp đựng thuốc do anh làm lấy. Anh nói tiếp:

"Ông nên hiểu điều này, và ông nên nói lại điều này với những người trong bọn ông rằng các ông chỉ mạnh khi nào các ông không tước đoạt của người khác hết tất cả mọi thứ. Bởi vì khi một người đã bị các ông lấy mất hết tất cả, người đó sẽ không còn ngán sợ các ông nữa. Người đó lại trở thành tự do."

Bobynin lặng im, anh chú tâm vào điếu thuốc. Anh cảm thấy thú vị đã làm được cho Tổng trưởng Abakumov hoang mang, anh khoan khoái ngồi trong chiếc ghế da quá êm này. Anh chỉ hơi hối có một điều là với mục đích tỏ ra bất cần, anh đã từ chối điếu thuốc thơm hiếm có kia.

Tổng trưởng Abakumov kiểm soát trên giấy:

"Kỹ sư Bobynin, anh là kỹ sư Trưởng toán làm việc ở Phòng Số Bảy?"

"Phải."

"Tôi yêu cầu anh trả lời thật rõ rệt: Bao giờ giàn máy điện thoại đặc biệt được hoàn thành? Bao giờ thì máy dùng được?"

Bobynin ngước đôi lông mày đen rậm lên:

"Chuyện này hơi lạ đó. Sao ông không hỏi Đại tá Yakanov mà lại hỏi tôi?"

"Tôi muốn hỏi chính các anh. Đến tháng hai này máy có thể dùng được chưa?"

"Tháng hai? Ông có giỡn chơi không đó? Ông muốn chúng tôi chế tạo ra một thứ có thể dùng được hay là làm bậy cho xong rồi muốn ra sao thì ra? Coi nào – sớm nhất cũng phải là nửa năm nữa. Còn muốn cho máy thật hoàn hảo thì phải một năm."

Abakumov như người bị búa tạ nện xuống đầu. Y điếng hồn nhớ lại bộ ria mép rung động, giận dữ của Lãnh tụ mỗi khi gặp điều gì trái ý hoặc phải chờ đợi, và y nhớ lại những lời y đã long trọng hứa với Lãnh tụ, những lời hứa căn cứ trên lời hứa của bọn Oskolupov, Yakanov. Y có cải cảm giác rụng rời chân tay của kẻ đi đến bệnh viện xin thuốc cảm cúm để hốt nhiên được biết mình bị ung thư cuống họng.

Và y cố gắng gằn giọng:

"Bobynin, tôi muốn anh suy nghĩ kỹ trước khi nói: anh có thể hoàn thành cái máy đó nhanh hơn được không? Nếu được, anh cho tôi biết: Cần phải làm những gì, cần phải có những gì?"

"Nhanh hơn? Không thể được."

"Nhưng tại sao? Vì nguyên nhân nào? Kẻ nào có lỗi? Nói cho tôi biết, đừng có sợ gì cả. Cho tôi biết kẻ nào có lỗi, bất cứ kẻ đó ở cấp bậc nào, tôi cũng tống nó xuống làm lính trơn."

Bobynin ngồi vắt chân, dựa lưng và ngửa mặt nhìn lên trần nhà. Abakumov nói như rít lên qua hàm răng nghiến lại:

"Dự án này đã kéo dài hơn hai năm mấy tháng rồi còn gì? Hai năm rưỡi trong lúc các anh chỉ được quyền làm trong thời hạn một năm."

Cơn giận trong Bobynin nổ ra:

"Ông nói cái gì? Thời hạn là cái gì? Ai lại ngu si ra hạn cho một dự án khoa học bao giờ? Ông quan niệm khoa học như thế nào? Khoa học đâu có phải là cây đũa thần của bà tiên để ông có thể ra lệnh: 'Xây cho ta tòa lâu đài trước sáng mai' và sáng mai ngủ dậy, ông thấy tòa lâu đài mới tinh hiện ra trước mắt? Ông phải biết là vấn đề đã được đặt ra sai ngay từ đầu. Ai có thể biết trước được có bao nhiêu hiện tượng bất ngờ xảy đến trong một dự án khoa học. Thời hạn! Ông tưởng chỉ cần ra thời hạn phải làm xong đã giải quyết được tất cả hay sao? Ông có biết rằng ngoài việc ra lệnh ông còn cần phải có những người được ăn uống đầy đủ, những người thoải mái về tinh thần, những người tự do để làm công việc ấy? Không ai có thể làm việc được trong không khí nghi ngờ vô lý ở đấy. Ông đâu có biết chúng tôi chỉ có một cái máy tiện cổ lỗ sĩ để dùng và chúng tôi phải khiêng cái máy hạng bét đó hết chỗ này sang chỗ khác. Vì máy quá cũ nên nó bị hư, cần trục gãy phải hàn lại mất ba mươi ruble. Cái máy tiện đó sống đã một trăm hai mươi năm trời rồi. Nó nhão hết mọi bộ phận. Vậy mà vì nó hư, anh Thiếu tá Shikin ngu đần, sĩ quan an ninh ở đó, bắt tất cả chúng tôi tới để thẩm vấn liền trong hai tuần lễ. Hắn muốn tìm cho ra kẻ phá hoại để gán thêm án tù vì tội phá hoại. Tên đó là sĩ quan an ninh trong Viện, một gã ăn hại. Lại còn một tên nữa cũng là sĩ quan an ninh. Tên Shikin phụ trách an ninh trong các phòng thí nghiệm, tên kia giữ an ninh trong nhà giam. Gã làm cho bọn tôi điên đầu vì những báo cáo ti tiện của gã. Mà các ông làm cái gì phải có tới hai tên sĩ quan giữ an ninh ở đấy chứ? Ai cũng biết là chúng tôi chế tạo máy điện thoại cho Stalin, và chính Stalin đích thân ra lệnh làm máy này. Vậy mà với một công tác như thế các ông cũng không cung cấp cho chúng tôi đủ vật liệu cần thiết. Khi chúng tôi cần bóng đèn thì không có hoặc là có nhưng không đúng thứ chúng tôi cần dùng, cả đến những bàn dao-động-đồ cũng không đủ. Thật là xấu hổ. Vậy mà ông còn hỏi rằng ai có lỗi. Ngoài ra, các ông đâu có nghĩ gì tới những người làm việc cho các ông ở đó. Họ đều làm việc mỗi ngày mười hai tiếng có ngày tới mười sáu tiếng, nhưng các ông chỉ cho những kỹ sư trưởng toán ăn thịt còn những người khác ăn xương. Tại sao các ông không cho họ được gặp thân nhân họ? Đáng lẽ mỗi tháng họ được gặp vợ con họ một lần thì các ông chỉ cho họ mỗi năm được gặp một lần. Việc đó giúp tinh thần họ lên cao để họ có thể làm việc cho các ông hữu hiệu hơn hay sao? Hay là các ông không có đủ xe Maria đen để đưa tù đi gặp vợ con. Hay là thiếu tiền trả cho bọn lính canh để đi làm những ngày nghỉ? Trước kia trong ngày chủ nhật chúng tôi được đi lại suốt ngày ở ngoài sân vườn, bây giờ cấm. Tại sao lại cấm? Để chúng tôi làm việc nhiều hơn ư? Các ông phải biết chúng tôi làm cho các ông những công việc gì và chúng tôi cần có những gì để làm công việc ấy chứ? Nhốt người ta suốt đêm trong phòng kín đâu có phải là công việc sẽ làm nhanh hơn. Mà tôi có nói với ông cũng vô ích. Như ông chẳng hạn – tại sao ông lại gọi tôi tới đây vào lúc nửa đêm như thế này. Bộ ban ngày không có đủ thì giờ hay sao? Tôi còn có việc phải đi làm ngày mai. Tôi cần ngủ."

Bobynin đứng thẳng người, giận dữ, to lớn.

Abakumov thở phì phò, nhấn mạnh nút chuông điện.

Lúc đó đã mười một giờ hai phút. Trong một tiếng đồng hồ nữa, vào lúc hai giờ ba mươi sáng, Abakumov phải tới báo cáo với Stalin trong biệt xá ở Kuntsevo.

Nếu tên kỹ sư này nói đúng, bằng cách nào y có thể thoát được tai họa này?

Stalin không bao giờ tha thứ.

Sau khi Bobynin đi khỏi, Abakumov nhớ lại bọ tam-đầu-chế dối trá Sevastyanov, Oskolupov và Yakanov, cơn giận như một tấm màn đen phủ xuống mắt y.

Abakumov cho gọi ba tên dối trá đó trở lại.




18. Sinh nhật của người hùng

Căn phòng nhỏ hẹp và trần phong thấp. Phòng có hai cửa ra vào nhưng không có cửa sổ, tuy vậy không khí trong phòng vẫn mát và dễ chịu. Một kỹ sư đặc biệt thường trực chịu trách nhiệm giữ cho không khí trong phòng này lưu thông và trong sạch. Một phần lớn của căn phòng bị choán vì chiếc ghế dài có thành tựa bọc da nâu trên có những chiếc gối dựa bọc vải hoa. Trên tường, hai bóng đèn điện hồng nằm trong lồng kiến mờ soi sáng căn phòng.

Trên chiếc ghế dài có một người đàn ông nửa nằm nửa ngồi. Người đàn ông này là người mà khuôn mặt, dáng người đã được điêu khắc trên đá, vẽ bằng dầu, bằng màu nước, bằng phấn, bằng sơn, bằng bột, bằng chì, bằng than với đủ thứ màu sắc, được đắp bằng những viên đá, viên sỏi, bằng vỏ sò vỏ ốc, bằng gạo, bằng những hạt đậu nành, bằng ngói, được chạm trổ trên ngà, trên gỗ quý, trên sừng, được đan bằng sợi, trồng bằng cỏ, được hợp lại bằng những đoàn phi cơ bay trên trời, được chụp hình, được quay phim. Trong khoảng ba tỷ năm dài của trái đất này chưa có người nao được người đời tạo hình nhiều đến như người đàn ông này.

Y nằm đó hai chân để trên cao, hai chân y đi đôi giày da cao cổ, kiểu giày của người Caucase, làn da mềm như giày chỉ là đôi vớ dày. Y bận chiếc áo làm việc có bốn túi lớn, hai túi ở ngực, hai túi bên dưới – chiếc áo đã cũ, đã được mặc nhiều lần, một trong những chiếc áo bốn túi được y mặc kể từ thời nội chiến và từng được y thay bằng bộ quân phục Thống chế kể từ sau trận Stalingrad.

Tên người đàn ông này được đăng trên báo chí, được cả ngàn xướng-ngôn-viên của cả ngàn đài phát thanh trên thế giới nhắc đến bằng hàng trăm thứ tiếng, được hô lớn bởi những diễn giả ở đầu và cuối những bài diễn văn, được hát bởi những giọng ca trong trẻo của những em nhi đồng, được thốt lên từ miệng những vị Giám mục. Tên người đàn ông này thấp thoáng trên môi những tù binh hấp hối, giữa những hàm răng tê cóng của những người tù rạc trong những trại tập trung. Tên người đàn ông này cũng được đặt cho vô số những thị trấn, những công viên, đường phố và đại lộ, những lâu đài, những đại học đường, trường học, bệnh viện, núi, sông, xưởng máy, hầm mỏ, nông trường, công xã, chiến hạm, tàu phá băng sơn, tàu đánh cá, ấu trĩ viện và được một nhóm ký giả báo chí Mạc Tư Khoa đề nghị đặt cho sông Volga và dùng để gọi mặt trăng.

Y chỉ là một người đàn ông hơi già với một cái cằm chẻ đôi hơi xệ – trong những bức hình chụp y người ta không bao giờ thấy cái cằm xệ này – với cái miệng đượm mùi thuốc lá Thổ Nhĩ Kỳ, những ngón tay y mập và có dầu thường để lại những vết như vết mỡ trên những trang giấy mỏng. Hôm qua và hôm nay y không được dễ chịu và khoẻ lắm: Ngay cả trong bầu không khí ấm áp của căn phòng y vẫn cảm thấy lành lạnh ở lưng và hai vai, trên vai y choàng chiếc khăn lông lạc đà màu nâu.

Y không bận rộn vì bất cứ chuyện gì. Y ngồi đó lật giở từng tờ một quyển sách nhỏ bìa da nâu với vẻ hài lòng hiện trên nét mặt. Y nhìn với một vẻ chú ý lên những tấm hình in trong quyển sách và thỉnh thoảng, y đọc vài đoạn trong sách mặc dù y đã dần thuộc lòng trọn quyển sách này. Và y lần giở từng trang. Quyển sách này càng thêm tiện lợi vì khuôn khổ của nó nhỏ bỏ vừa vào túi áo ngoài của mọi người, nó có thể đi theo người ta bất cứ đâu trong suốt cả một đời. Nó gồm hai trăm năm mươi trang và được in bằng chữ khá lớn và rõ để cho những người đã già mắt kém hoặc những người ít học cũng có thể đọc được dễ dàng. Nhan đề của nó được in trên bìa bằng chữ vàng: Tiểu sử Iosif Vissarionovich Stalin.

Những dòng chữ rất thường, dễ hiểu và lương thiện trong quyển sách này tất nhiên là phải có tác động đến trái tim người đọc. Tài ba về chiến thuật – chiến lược thần kỳ của Stalin, sự nhìn xa thấy rộng của Stalin…tất cả đều được ghi lại trong quyển sách này. Kể từ năm 1918, y đã trở thành một phụ tá đắc lực của Lênin. (Đúng, đúng, chuyện này đúng). Người lãnh đạo cuộc cách mạng bị bối rối vì tình trạng lộn xộn tưởng như không sao giải quyết nổi, chính là nhờ Stalin mà cách mạng đã toàn thắng. (Đúng, thật đúng.) Chúng ta may mắn vô cùng nên mới có được một vị lãnh tụ tài ba và giàu kinh nghiệm – Đại Lãnh Tụ Stalin – dẫn dắt trong những ngày khó khăn, bi thảm đó. (Đúng vậy, dân tộc này quả là may mắn.) Tất cả chúng ta đều có dịp thấy rõ sự sáng suốt vô biên của người, tinh thần quang minh tuyệt vời của người. (Đúng vậy, không nên khiêm tốn giả dối, ta phải nhận đó là sự thực.) Tình yêu thương đồng bào của người. Lòng nhân ái của người. Khả năng thông cảm sâu xa của người. Bản tính khiêm tốn kỳ diệu của người. (Khiêm tốn –phải đấy, mình khiêm tốn thật.)

Tốt. Và họ nói sách này bán chạy lắm. Ấn bản thứ hai này in năm triệu cuốn. Nhưng với một nước rộng như thế này thì con số đó vẫn còn là quá nhỏ. Ấn bản thứ ba phải in ít nhất là mười triệu cuốn, hoặc hai mươi triệu cuốn. Sách phải bán thẳng cho các xưởng may, trường học, nông xã.

Y cảm thấy hơi lợm giọng. Đặt quyển sách xuống, y bóc vỏ một trái cam tươi trên mặt bàn tròn và cắn vào trái cam. Nếu y mút chất nước của trái cam, y sẽ hết lợm giọng và miệng y sẽ dễ chịu vì chất nước chua chua ngọt ngọt của trái cam để lại.

Y nhận thấy, nhưng y sợ không dám nhìn nhận, là sức khoẻ của y mỗi tháng một kém đi. Y có những phút quên lãng. Y khổ sở vì chứng lợm giọng buồn nôn. Y không đau đớn gì rõ ràng cả nhưng một sự mệt mỏi khó chịu thường giữ y ngồi dính xuống ghế nhiều giờ đồng hồ trong một ngày. Ngay cả việc ngủ cũng không làm cho y dễ chịu. Sau giấc ngủ, y tỉnh dậy và vẫn bải hoải, rã rượi, bần thần như trước khi ngủ, đầu y vẫn nặng và y không còn muốn đi lại, làm việc.

Ở miền Caucase, một người đàn ông bảy mươi tuổi vẫn còn là trẻ, vẫn còn leo núi, cưỡi trên lưng ngựa, trên bụng đàn bà. Và xưa kia, y mạnh khoẻ biết chừng nào. Y vẫn tin chắc là y sẽ sống đến chín mươi tuổi. Có chuyện gì đã xảy ra? Vì sao y lại thay đổi, lại yếu đi đến thế này? Trong khoảng những năm gần đây Stalin không còn có thể hưởng thụ cái khoái lạc lớn nhất trong đời y nữa - cái khoái lạc đó là việc ăn uống. Nước cam tươi làm cho lưỡi y rát, caviar dính vào kẻ răng y, và y ăn với một vẻ lãnh đạm không thấy gì là ngon cả những món ăn nhiều ớt, nhiều tiêu của miền Georgia. Y cũng không còn khoái uống rượu như xưa nữa – mỗi lần uống rượu y lại nhức đầu. Và chỉ cần nghĩ đến đàn bà thôi cũng đã đủ làm cho y kinh tởm.

Vì đã quyết định sẽ sống đến năm chín mươi tuổi, Stalin buồn rầu nghĩ rằng những năm sắp tới sẽ không đem lại cho y được một nỗi vui riêng nào, y sẽ phải chịu đựng hai mươi năm trời nữa vì hạnh phúc của nhân loại.

Một ông bác sĩ đã cảnh cáo y như thế – (và ông này đã bị bắn chết chính vì thế) – Những ông nghe run rẩy trong bàn tay của những nhân vật nổi tiếng nhất trong giới y khoa ở Mạc Tư Khoa. Những ông này không bao giờ tiêm thuốc cho Stalin. (Chính Stalin đã ra lệnh không được dùng thuốc chích). Họ chỉ dùng khoa chạy điện và khuyến cáo y dùng nhiều trái cây hơn.

Ba ngày trước đây là ngày kỷ niệm sinh nhật thứ bảy mươi rực rỡ của y. Họ đã thực hiện lễ kỷ niệm nay từng giai đoạn: Trong đêm hai mươi Traicho Kostov đã bi đánh đến chết, chỉ sau khi ánh mắt của tên hèn hạ ấy đã mờ đi, lạc thần những cuộc liên hoan mới thực sự bắt đầu. Trong ngày hai mươi mốt có một cuộc lễ lớn được tổ chức ở Đại Hí viện Bolshoi, Mao Tse-Tung và Ibarruri cùng nhiều đồng chí khác đọc diễn văn mừng thọ ở đây. Và sau đó là một bữa tiệc lớn, rồi tiếp ngay sau đó là một bữa tiệc nhỏ. Họ uống những chai rượu quý được cất trong hầm rượu Y Pha Nho để dành vào những dịp đặc biệt này. Y uống rượu với sự thận trọng, vừa uống vừa để ý quan sát ngầm những khuôn mặt đỏ khê quanh y. Sau nữa, y và Lavrenty uống rượu Kathetinskoye và hát những bài ca miền Goergia. Trong ngày hai mươi hai có một cuộc tiếp tân ngoại giao đoàn vĩ đại. Trong ngày hai mươi ba, y ngồi coi hai cuốn phim Trận chiến Stalingrad của Đạo diễn Virta (phần hai) và phim Năm 1919 khó quên của Đạo diễn Visnhevsky. Cả hai phim này đều có hình ảnh y do hai diễn viên điện ảnh đóng.

Mặc dù việc ngồi coi phim làm cho y mệt mỏi y vẫn thích hai cuốn phim này. (Cả hai đạo diễn đều được lãnh giải Stalin.) Hiện giờ vai trò của y trong cuộc nội chiến cũng như trong trận đại chiến Thế giới thứ hai, trận chiến tranh thần thánh bảo vệ quy hoạch, đã được diễn tả đúng và đầy đủ. Người ta đã thấy rõ ngay từ xưa y đã là một nhân vật vĩ đại đến là chừng nào. Y nhớ rằng y từng nhiều lần cảnh cáo và sửa lỗi cho Lênin. Lênin quá cả tin và đôi khi khờ khạo. Và đạo diễn Visnhevsky đã làm đúng khi để cho y nói trong phim: “Bất cứ người công nhân nào cũng có quyền nói lên ý kiến của mình. Có ngày chúng ta sẽ ghi điều ấy vào hiến pháp”. Việc đó có ý nghĩa gì? Ý nghĩa của việc đó là trong khi ở Yudenich để chỉ huy cuộc bảo vệ Petrograd, Stalin đã nghĩ đến việc soạn thảo một hiến pháp dân chủ trong tương lai. Thời đó tình trạng xã hội được gọi là “vô sản chuyên chế” – nhưng đâu có quan hệ gì, chỉ biết là chế độ đó đúng, chế độ đó mạnh.

Và trong cuốn phim Trận chiến Stalingrad của Virta, đoạn phim ban đêm Stalin tâm sự với một người bạn là đoạn phim tốt, thành công. Thực ra, suốt đời Stalin, y chưa từng bao giờ có một người bạn nào lý tưởng như vậy cả, bởi vì loài người xảo trá và không bao giờ thành thực, nhưng khi ngồi coi đoạn phim cảm động đó chiếu trên màn ảnh, Stalin vẫn cảm thấy nghẹn ngào trong cổ họng và nước mắt ứa ra trên mi – (tâm hồn y còn là tâm hồn nghệ sĩ nữa) – và y thèm khát được có một người bạn thẳng thắn, không ích kỷ, một người bạn mà y có thể nói hết tất cả những gì y nghĩ ngợi trong những đêm dài.

Nhưng dù không có cũng không sao. Quần chúng bình dân yêu mến Lãnh tụ, hiểu y và yêu y, vậy là đủ rồi – và đó là tình trạng có thật. Y nhìn thấy sự yêu mến và thông cảm ấy hiển hiện trên những trang báo, trên phim ảnh, qua những tặng phẩm sinh nhật. Ngày sinh nhật của y đã trở thành một ngày quốc khánh, và đó là một điều làm cho y ấm lòng. Không biết bao nhiêu là điện văn chúc thọ được gửi đến. Từ những viện, những cơ sở, những tổ chức, những xưởng máy và những tư nhân. Nhật báo Pravda đã xin phép được đăng tải mỗi ngày hai cột báo những điện văn này. Họ có thể đăng hết năm này qua năm khác mà vẫn không bao giờ hết được điện văn. Được lắm, đó cũng là một ý kiến hay.

Và những tặng phẩm chất đầy mười gian phòng trong Viện Bảo tồn Cách mạng. Để khỏi ngăn cản những công dân Mạc Tư Khoa đến đó chiêm ngưỡng những tặng phẩm ban ngày, Stalin đã tới đó coi vào ban đêm. Đó là tác phẩm, chế tạo phẩm của cả ngàn tay thợ khéo, đó là những tặng phẩm đẹp nhất thế giới, những tặng phẩm hằng hà sa số được đặt, bày, treo, dựng trước mắt y. Nhưng ở đó y cũng cảm thấy lãnh đạm, chán chường. Những tặng phẩm này có ích gì cho y? Y coi thường tất cả và chán nản tất cả. Khung cảnh Viện Bảo tồn này gợi trong ký ức y một kỷ niệm khó chịu nào đó, một khó chịu mơ hồ thường ám ảnh y ít lâu nay. Y không sao biết rõ được nguyên nhân nó, y không nắm được nó, y chỉ thấy nó mơ hồ ẩn hiện và làm cho y khó chịu. Y đi qua ba gian phòng đầy tặng phẩm nhưng không chọn qua một món nào hết. Rồi y đứng lại trước một giàn máy Tivi lớn hơn hàng chữ khắc “Nhân viên Cheka kính tặng Đồng chí Stalin vĩ đại”. [2]

(Giàn Tivi này được chế tạo ở Viện Mavrino – đây là giàn Tivi duy nhất, lớn nhất được chế tạo ở Liên bang Xô Viết.)

Rồi y quay gót và đi ra.

Những ngày liên hoan trôi qua như thế. Y chẳng cảm thấy có gì là vui, là phấn khích hết.

Có một cảm giác gì đó nặng nề trong lồng ngực làm cho Stalin lo âu và thắc mắc, cảm giác đó có từ lúc y đứng trong Bảo tồn viện, có một cái gì trong đó đã gây cho y cái cảm giác khó chịu ấy nhưng y vẫn không biết rõ vì cái gì.

Quần chúng muốn y, điều đó đúng, đúng lắm nhưng quần chúng không biết nhìn xa. Làm cách nào sửa được khuyết điểm ấy? Chế độ cộng sản sẽ được thực hiện nhanh chóng và hoàn hảo biết chừng nào nếu không có những tên công chức vô hồn, nếu không có những tên cán bộ cao cấp ngu dốt, nếu không có những sơ hở, yếu kém trong công tác giáo dục và hướng dẫn quần chúng. Ngay cả bọn đảng viên cũng lầm lạc và xao lãng nhiệm vụ lịch sử của chúng. Lại còn những chậm trễ trong những kế hoạch xây dựng, những chậm trễ trong kế hoạch sản xuất, sự thiếu thốn những hóa phẩm tốt, những chương trình sai lầm, sự lãnh đạm của tất cả trước những cố gắng áp dụng kỹ thuật mới và dụng cụ mới, sự từ chối của bọn trẻ lười biếng không chịu xung phong đi công tác ở những miền xa để mở rộng biên cương, năng suất nông phẩm tụt dốc, tình trạng hoang phí của bọn cán bộ thuế, tình trạng trộm cắp trong những kho chứa, tình trạng tham nhũng, biển thủ, chiếm công vi tư của bọn ủy viên, bọn tù nhân phá hoại ngầm, rồi lại còn bọn công an chủ trương tự do, bọn hành nghề chợ đen hỗn xược, bọn đàn bà nội trợ tham lam, đòi hỏi, bọn trẻ con hư vì được quá nuông chiều, bọn chuyên bàn tán nhảm trên xe buýt, bọn văn nghệ sĩ đòi tự do sáng tác, bọn “phê bình, chỉ trích” láo lếu, bọn làm điện ảnh phá phách không còn biết đến kỷ luật là gì.

Thật vậy, quần chúng có quá nhiều lỗi lầm cần phải sửa đổi.

Như trong năm 1941 chẳng hạn, cái gì đã làm cho họ rút lui? Họ đã được lệnh ở lại đó cho tới chết. Tại sao họ không chịu làm thế? Năm đó, ai đã rút lui, ai đã bỏ chạy, nếu không phải là quần chúng?

Nhưng nhớ lại năm 1941, Stalin cũng không sao tránh thoát được việc nhớ lại những yếu đuối và lầm lẫn của chính y – y đã vội vã đi khỏi Mạc Tư Khoa trong tháng mười năm ấy, sự bỏ đi của y không cần thiết. Tất nhiên đó không phải là y bỏ trốn, bởi vì trước khi đi, Stalin đã để lại nhiều người có trách vụ. Y đã ra lệnh cho những người phải ở lại chiến đấu bảo vệ thủ đô đến giọt máu cuối cùng, nhưng hỡi ơi, chính những đồng chí được tin cẩn này lại yếu tinh thần, trước sức tấn công của quân Đức Quốc Xã, họ bỏ chạy và sau cùng Stalin lại phải trở về và tự lực bảo vệ thủ đô.

Y đã cho đi tù tất cả những kẻ nào không may được chứng kiến và nhớ lại cơn hoảng loạn trong ngày 16 tháng mười năm đó. Nhưng y cũng tự trừng phạt chính y –y đã đứng duyệt cuộc diễn binh trong tháng mười ấy. Khoảnh khắc thời gian đó cũng giống như y bị ngã xuống một hố băng đá ở Turukhansk, nơi y bị lưu đày. Ở Turukhansk thời đó chỉ có băng giá và tuyệt vọng, nhưng từ băng giá tuyệt vọng đã trồi lên sức mạnh. Đó không phải là một sự kiện đáng cười – một cuộc diễn binh trong khi quân địch đã đến sát chân thành.

Nhưng muốn trở thành nhà Lãnh tụ vĩ đại nhất của muôn đời, nhà Lãnh tụ vĩ đại nhất của những nhà Lãnh tụ vĩ đại, người ta phải hy sinh, chịu đựng nhiều. Lẽ tự nhiên rồi.

Mệt mỏi vì bất động, vô tình Stalin để cho tâm trí y bị tràn ngập bởi những tư tưởng hắc ám nặng nề. Y không chú tâm đến bất cứ vấn đề gì rõ rệt trong lúc này. Y nhắm mắt lại và nằm đó trong khi những mẩu ký ức rời rạc theo nhau trở về trong óc y. Không biết vì sao mỗi khi y hồi tưởng, y không nhớ được những kỷ niệm tốt đẹp, êm đềm, chỉ có những kỷ niệm xấu, khó chịu hiện ra. Nếu y nhớ lại những cảnh vật miền Gori, nơi y ra đời, những ngọn đồi cỏ xanh ở đó không hiện ra, những dòng sông Medzhuda, Liakhva nước trong cũng không thấy hiện ra. Y chỉ nhớ lại toàn những gì đáng thù ghét ở đó, những gì đã ngăn cản không cho y trở lại thăm nơi đó, dù chỉ là thăm trong một tiếng đồng hồ ngắn ngủi, nơi y đã ra đời, đã sống những ngày thơ ấu. Không một lần nào y trở về đó để thăm lại mái nhà xưa. Nếu y nhớ lại năm 1917, y chỉ nhớ có sự kiện Lênin từ ngoại quốc trở về với mớ chủ nghĩa chủ quan và sự kiện Lênin đảo lộn tất cả những thành quả gặt hái được từ trước, và nhớ sự kiện thiên hạ đã cười ồ chế nhạo, khinh khi ra sao khi Stalin đề nghị thành lập một đảng hợp pháp và chung sống hòa bình với chính phủ lâm thời. Họ đã cười nhạo y hơn một lần – nhưng tại sao họ lại cứ trút những việc khó khăn, nguy hiểm, tối tăm cho y làm? Họ cười y nhưng cũng chính y chứ không phải người nào khác, trong ngày mùng 6 tháng bảy năm ấy được họ sai đi từ Lâu đài Kshesinskaya đến đồn Petropavlovsk để thuyết phục đám thủy thủ ở đây trao đồn này lại cho Kerensky và rút lui về Kronstadt đám thủy thủ ném đá đuổi về. Người ta phải biết cách nói chuyện với những người dân Nga. Y nhớ lại năm 1920 và lập tức hình ảnh Tukhachevsky hiện ra khi gã, với đôi mắt long lên, với vành môi nhăn nhúm, tố cáo lớn tiếng rằng chính là lỗi ở Stalin nên mới không chiếm được Warsaw. Gã ngu dại ấy chết vì lời tố cáo bậy bạ ấy.

Trong suốt đời y dường như không có qua một chuyện gì êm đẹp. Đời y không được êm đẹp bởi vì luôn luôn bị người khác can thiệp. Và khi kẻ này bị thanh toán đi, lại có những kẻ khác hiện ra. Cứ thế và cứ thế người ta quấy rầy y mãi không thôi.

Y nghe tiếng gõ cửa. Những tiếng này không hẳn là tiếng gõ cửa, chúng như tiếng cào nhẹ của một con chó bên ngoài cánh cửa gỗ dày.

Stalin xoay một nút điện bên tay ghế, đó là nút điện mở khóa cửa từ xa. Khóa cửa bật ra với một tiếng “cách” khẽ và cánh cửa mở hé. Cửa này không có màn che vì Stalin không thích quanh y có màn cửa, rèm che giường, bất cứ món gì người khác có thể ẩn nấp được. Cánh cửa hé mở đủ để cho một con chó len vào nhưng thay vì con chó, cái đầu hói nhẵn bóng của Poskrebychev rồi bộ mặt lúc nào cũng có vẻ trung thành lương thiện của gã hiện ra.

Chú ý đến tình trạng sức khoẻ đêm nay của Lãnh tụ, Poskrebychev thấy Stalin nằm dài trên ghế với chiếc khăn lông lạc đà đắp trên vai, nhưng gã không hỏi thăm đêm nay Lãnh tụ có mạnh khoẻ hay không – sức khoẻ Stalin bao giờ cũng được coi là hoàn hảo – gã chỉ nói nhỏ đủ nghe:

"Yos Sarionich Abakumov sẽ có mặt vào lúc hai giờ rưỡi. Ông có tiếp hắn không? Có thể cho hắn về?"

Iosif Vissarionovich mở nút túi áo ngực rút ra chiếc đồng hồ – (cũng giống như những người sống theo kiểu cách cũ, y không chịu nổi loại đồng hồ đeo cổ tay).

Chưa đến hai giờ sáng.

Y không muốn thay y phục và rời căn phòng này để vào văn phòng. Nhưng y cũng không thể để cho kỷ luật bị lỏng lẻo. Nếu y lỏng tay cương một chút, chỉ cần một chút thôi, bọn họ sẽ biết ngay tức khắc.

Stalin trả lời với vẻ mệt mỏi và đôi mắt chớp luôn mấy cái:

"Để coi. Ta chưa biết."

"Dạ. Vậy thì cứ để cho hắn tới, cho hắn chờ."

Poskrebychev nói và gật đầu liền ba cái. (Gã biết rằng càng tỏ ra con nít và khờ khạo chừng nào địa vị của gã càng vững chắc chừng ấy). Rồi nét mặt gã nghiêm lại, gã chú ý nhìn Lãnh tụ:

"Xin ông cho lệnh về đêm nay?"

Stalin nói dưới chòm ria mép:

"Sasha, đi đi. Để ta yên."

Poskrebychev gật đầu thêm một lần nữa và lùi ra, khép chặt cánh cửa lại.

Iosif Vissarionovich nhấn nút điện khóa cửa lại và kéo chặt chiếc khăn đắp lên vai, xoay mình nằm nghiêng qua phía bên kia.

Y nhìn thấy trên mặt chiếc bàn nhỏ ở đầu ghế có một quyển sách nhỏ, in trên giấy báo thường, bìa màu đen và đỏ.

Đột nhiên y nhận ra cái gì đã làm cho y khó chịu, cái gì đã đè nặng tim y, đã cháy âm ỉ trong ngực y và làm cho lễ sinh nhật của y mất hứng thú: Cái đó là một người, một người đã can thiệp bậy vào đời y mà y vẫn chưa thanh toán được, người đó là Tito. Tito!

Tại sao chuyện này lại có thể xảy ra được? Sao y lại có thể lầm lẫn đến như thế về con bọ cạp đó? Những năm 1936, 1937 là những năm vinh quang rực rỡ nhất trong đời y. Trong hai năm đó y đã trừ khử được những kẻ khó trừ khử nhất, không biết bao nhiêu đầu người đã rơi trong hai năm ấy nhưng vậy mà y đã để cho Tito lọt qua kẽ tay y.

Với một tiếng gừ, Stalin buông hai chân xuống sàn. Y ngồi thẳng lên và giơ tay lên vuốt nhẹ mái tóc hung hung, xám xám, mái tóc đã có một miếng hói thấy rõ. Những sự bất-như-ý, những bất mãn chất chứa trong dĩ vãng ào ào trở lại làm cho y choáng váng. Như một người hùng trong huyền thoại, suốt đời Stalin đã bận rộn với việc chặt đầu con quái long, nhưng vừa chặt xong đầu này con vật lại mọc ngay đầu khác. Trong những năm qua y đã chặt đầu kẻ thù chất lên thành núi, nhưng y đã vấp phải một cái rễ cây.

Isoif đã ngã vì Isoif. [3]

Kerensky, tuy trước đây cũng là kẻ thù của Stalin, vẫn còn sống ở đâu đó nhưng Kerensky không đáng cho y để ý đến nữa. Với Stalin, dù bây giờ Nicholas Đệ nhị hay Kolchak có sống lại cũng vậy thôi, y không thấy thù hận gì với hai người này, họ là những kẻ thù công khai của y, họ không lẩn tránh để rồi bày đặt thực hiện một chế độ xã hội tốt đẹp hơn chế độ xã hội của Đại Lãnh tụ Stalin.

Một chế độ xã hội tốt đẹp hơn? Một chế độ xã hội khác với chế độ xã hội của Stalin? Mẹ kiếp. Ai có thể thành lập được chế độ xã hội mà không có Stalin? Vô lý.

Đó không phải là vấn đề Tito có thành công hay không. Làm sao tên ngu đần đó có thể thành công cho được. Nhất định là thế rồi. Stalin nhìn Tito như một ông bác sĩ già ở đồng quê, đầy kinh nghiệm, từng mổ không biết bao nhiêu là bộ phận trong cơ thể những người bệnh, trong những túp lều không có lò sưởi, trên những tấm ván đặt ngay bên cạnh đường đi, nhìn một chú y sĩ tập sự bận áo trắng loay hoay giải phẫu.

Những công trình do Lênin để lại đã được đổi mới ba lần, những lý thuyết của Marx và Hegel đã được sửa lại hai lần. Tất cả những kẻ không đồng ý với Stalin, những kẻ được nhắc đến từ thời Lênin còn sống, những kẻ đòi thực hiện xã hội chủ nghĩa theo những đường lối khác với chủ trương của Stalin đều ngủ yên dưới đáy mồ, đều đã bị quên lãng, khi từ cả những cánh rừng xa xôi nhất ở miền Bắc không còn vang lại qua một hoài nghi, một chỉ trích nào, đột nhiên Tito từ trong bóng tối chui ra với lão lý thuyết gia – tín điều Kardel và tuyên bố chủ nghĩa xã hội cần được thực hiện theo một lối khác.

Nghĩ tới đây Stalin nhận thấy con tim y đập mạnh hơn, mắt y mờ đi và toàn thân y có những cái co giật bắp thịt khó chịu.

Y cố gắng điều hòa nhịp thở. Y đưa tay vuốt mặt và sờ nhẹ bộ ria mép. Y không thể bỏ qua được. Nếu y chịu bỏ qua, Tito sẽ làm cho y mất hoan lạc trong những năm cuối cùng của đời y, sẽ làm cho y ăn mất ngon ngủ mất yên.

Khi mắt y đã nhìn rõ lại, một lần nữa Stalin lai nhận thấy cuốn sách hai bìa màu đen đỏ nằm trên bàn. Cuốn sách này không có tội gì cả. Stalin với tay cầm cuốn sách mở ra xem và y tỏ vẻ hài lòng, y đặt lại cái gối dựa để thoải mái hơn, và y lại nửa nằm, nửa ngồi với cuốn sách mở trên tay trong nhiều phút.

Đây là cuốn sách được ấn hành nhiều chục triệu cuốn, được dịch ra 10 tiếng Âu Châu, nhan đề của nó là: “Tito, tên phản bội” và tác giả của nó là Renaud de Jouvenel – (Nội dung cuốn này giá trị ở chỗ tác giả, một người Pháp, một người có cái tên quý phái, đã đứng ngoài cuộc tranh chấp, đã tỏ ra hoàn toàn vô tư và khách quan) - Stalin đã đọc kỹ cuốn sách này trước đó ít ngày và cũng như đối với những cuốn sách làm y khoan khoái, y vẫn để nó quanh quẩn bên mình y. Cuốn sách này sẽ làm cho tên độc tài tàn ác, hèn nhát, gian trá đó phải mở mắt. Tên phản bội dơ dáy. Tên ngu đần đệ nhất thiên hạ. Điều đáng giận nữa là cả những đảng viên Cộng sản ở Tây Âu cũng có nhiều người bị tên phản bội này làm hoang mang. Lão André Marty – già đầu rồi mà còn ngu si, lão đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Pháp – đã lên tiếng bênh vực Tito.

Y lật dần những trang sách. Những sự thực được ghi rõ ở đây. Sau khi đọc cuốn này, không ai còn có thể ca tụng được tên phản bội Tito nữa: Sự thực là đã hai lần vì hèn nhát, Tito đã muốn đầu hàng quân đội Đức Quốc Xã, nhưng Arso Jovanovich, Tổng trưởng Bộ Nhân viên, đã ép buộc Tito phải ở lại chức vụ Tổng Tư lệnh. Arso đã bị giết, Petrichevich cũng bị giết: “Bị giết vì yêu mến Stalin.” Sách ghi như thế. Ở khắp nơi người ta giết lẫn nhau, những người tốt nhất bị giết chết trước nhất, bọn người xấu xa nhất được để dành cho Stalin giết.

Tất cả sự thật đều nằm trong sách này, tất cả – Tito rõ ràng là một tên gián điệp của bọn Ăng-lê, bằng chứng là hắn tỏ ra kiêu hãnh với những chiếc quần soọc trắng đi vớ cao tới đầu gối bắt chước bọn Ăng-lê của hắn, hắn tỏ vẻ vênh vang với những huy hiệu hoàng gia thêu trên ngực áo, trên mũ hắn, người ngợm, mặt mũi hắn trông ghê tởm, y như là tên Goering, hắn còn khoái phô trương lòe loẹt, nào là cả trăm huy chương trên ngực, nào là nhẫn kim cương đeo ở ngón tay (với một gã dốt nát về binh pháp như hắn còn có cái gì để mà kiêu căng nữa?)

Một cuốn sách vô tư đứng đắn. Không rõ Tito có tật xấu nào về tình dục chăng? Chuyện đó cũng cần viết vào đây chứ!

“Đảng Cộng sản Yugoslav nằm trong tay bọn sát nhân và bọn gián điệp. Tito chỉ có thể nắm được quyền lãnh đạo nhờ có Béla Kun và Traicho Kostov ủng hộ.”

Kostov! Cái tên này làm cho Stalin khó chịu đến là chừng nào. Cơn giận cuồn cuộn chảy trong máu y. Y đá mạnh chân y ra như y đá vào mặt tên khốn kiếp Kostov. Và đôi mi mắt xám của Stalin rung động vì cảm giác công lý đã được thi hành.

Tên Kostov đốn mạt, tên chó đẻ dơ dáy.

Và giờ đây khi hồi tưởng, Stalin thấy rõ những thủ đoạn của bọn khốn kiếp đó. Y đã tự hóa trang một cách tài tình, khéo léo. Y đã thắng được Bela Kun vào năm 1937 nhưng mới trước đây có mười ngày, Kostov đã làm ô danh tòa án Xô Viết, bằng thủ đoạn tráo trở thâm độc của hắn. Stalin từng thành công rực rỡ trong nhiều vụ kết án ly kỳ, không biết bao nhiêu kẻ thù của y đã bị y làm cho thành hèn hạ, tự hạ và thú nhận những tội lỗi đểu giả nhất – vậy mà y đã thất bại trong vụ kết án Kostov. Đó là một xấu xa nhục nhã cho chế độ xã hội vì vụ này bị cả thế giới biết. Kostov trong lúc bị thẩm vấn đã lừa được cả những chuyên viên thẩm vấn kinh nghiệm nhất, hắn khóc lóc, van xin, hắn lê gối lạy lục – để rồi khi ra trước phiên tòa xử công khai, trước mắt những thông tín viên ngoại quốc được mời đến nghe hắn thú tội, Kostov đã chối tất cả, chối hết. Hắn không còn biết gì đến liêm sỉ. Lương tâm đảng viên cộng sản của hắn để đâu? Còn đâu là tình đoàn kết vô sản thiêng liêng? Hắn chết nhưng hắn phải biết chết có lợi gì cho đảng mới phải chứ?

Stalin ném cuốn sách xuống bàn. Không, y không thể nằm yên ở đây được. Y phải tiếp tục chiến đấu.

Một quốc gia không lo âu có thể ngủ yên nhưng vị cha hiền của dân tộc không thể ngủ được, Stalin đứng dậy nhưng không đứng thẳng hẳn người. Y mở cánh cửa thứ hai trong phòng – cánh cửa này không phải là cánh cửa hồi nãy Poskrebychev thò đầu vào – bước qua và khóa cửa lại. Y lê chân đi qua một hành lang hẹp, quanh co, không có cửa sổ, hành lang được soi sáng bởi những miếng kiến lợp bên trên, y đi ngang những tấm gương soi chỉ thông suốt có một chiều: Y có thể nhìn qua gương ra bên ngoài nhưng người bên ngoài không thể nhìn được vào trong, để vào phòng ngủ. Phòng ngủ này cũng hẹp, trần thấp, không cửa sổ, cũng có máy điều hòa không khí. Phòng này có những tấm thép dày gắn trong vách gỗ dát kín bốn bức tường và bên ngoài là đá đảng.

Dùng chiếc chìa khóa nhỏ xíu đeo ở dây lưng Stalin mở nắp kim khí của một bình đựng rượu và rót chất rượu kích thích mà y thích uống nhất và một chiếc ly nhỏ, y uống cạn ly rượu ấy rồi lại khóa nắp bình rượu lại.

Đi tới đứng trước gương, y soi mặt y trong gương. Đôi mắt y trong, sắc và nghiêm kinh khủng. Ngay cả những vị Chủ tịch Hội đồng Nội các cũng không sao giữ được trầm tĩnh trước đổi mới này. Bên ngoài của y nghiêm trang, đơn giản, đúng là bên ngoài của một lãnh tụ.

Y nhấn chuông gọi tên hầu cận người miền Georgia của y vào sửa soạn y phục cho y thay.

Ngay cả trước mắt những kẻ hầu hạ luôn luôn ở sát bên y, Stalin cũng tỏ ra trang nghiêm y hệt hình ảnh của y trong lịch sử.

Lúc nào y cũng là con người thép. Tinh thần, ý chí lúc nào cũng như thép.


19. Ngôn ngữ là dụng cụ của sản xuất

Đêm là thời gian làm việc tốt nhất của Stalin.

Bản tính đa nghi của y như một cuộn dây mở dần vào buổi sáng. Trong những buổi sáng âu sầu, y nghi ngờ tất cả mọi người. Y cách chức những tên cần bị cách chức, y cắt giảm những ngân khoản dự chi, y ra lệnh cho hai hoặc ba Bộ tổ hợp làm một. Ban đêm, tinh thần y sáng suốt và mềm dẻo, y quyết định việc gia tăng một số Bộ trong chính phủ lên bằng cách đem một Bộ chia ra thành hai, thành ba Bộ mới, y tìm tên đặt cho những Bộ mới lập, y ký chấp thuận những ngân khoản dự chi mới và y ký sắc lệnh công nhận những nhân viên mới được đặt vào những chức vụ mới.

Những tư tưởng giá trị nhất thường đến với Stalin vào khoảng từ nửa đêm đến bốn giờ sáng. Vào thời gian này, y nghĩ ra cách phát hành quốc-trái-phiếu mới thay thế những quốc-trái-phiếu cũ để tránh phải trả tiền lời cho những kẻ có quốc-trái-phiếu, y quyết định đạo luật trừng phạt những kẻ trốn lao động, y nghĩ ra những biện pháp kéo dài số giờ làm việc trong ngày và số ngày làm việc trong tuần, biện pháp buộc chặt bọn nông dân và công nhân vĩnh viễn vào những công việc họ đang làm, những đạo luật về tù khổ sai và cấm cố, cũng trong khoảng thời gian đêm khuya này, y quyết định giải tán Đệ Tam Quốc Tế và đặt kế hoạch lâu dài lưu đày bọn phản bội đến Tây Bá Lợi Á. [4]

Kế hoạch lưu đày một số người gồm đủ mọi quốc tịch lên vùng băng tuyết ấy để cho họ tạo thành một chủng tộc riêng là một thí nghiệm trong những thí nghiệm táo bạo nhất của Stalin, một đóng góp trong những đóng góp lớn nhất của Stalin cho nhân loại, nhưng giờ đây y chẳng còn gì để làm cho kế hoạch đó nữa. Suốt đời y, Stalin là người nhìn xa, thấy rộng nhất trong lịch sử Xô Viết.

Y còn là cha đẻ ra nhiều đạo luật giá trị đáng kể khác nữa. Tuy vậy, y thấy còn những nhược điểm trong toàn thể hệ thống cơ cấu tổ chức xã hội và những đạo luật mới vẫn tiếp tục thành công trong việc đóng chặt, khóa kỹ tất cả, mọi chống đối đều bị tận diệt, mọi dị biệt đều bị san bằng, mị kẽ hở đều bị bịt kín, tất cả 200 triệu người đều biết họ phải làm gì, nghĩ gì – chỉ còn có bọn trẻ tuổi trong những nông xã sản xuất là thoát ra khỏi vùng kiểm soát mà thôi.

Tất nhiên là mọi chuyện đều tốt đẹp trong những nông xã. Rất tốt đẹp nữa là khác. Stalin biết chắc như thế sau khi xem phim Nông dân miền Kuban và đọc tiểu thuyết Người kỵ mã sao vàng. Tác giả của cuốn phim và cuốn sách trên đều tới sống ở những nông xã. Họ đã nhìn, đã thấy và ghi lại những gì họ nhìn, họ thấy trong tác phẩm của họ, và rõ ràng là tất cả những gì được ghi lại đó chứng tỏ sự tốt đẹp trong những nông xã. Chính Stalin cũng từng nói chuyện với những nông xã viên khi y đến chủ tọa những đại hội của họ.

Nhưng vì là một nhà cai trị sâu sắc và có đức tính tự chỉ trích, tự kiểm thảo, Stalin đã đào sâu vào vấn đề hơn những nghệ sĩ kia. Một viên bí thư đảng ủy cấp Tỉnh có lần đã lỡ miệng tiết lộ với Stalin rằng (viên bí thư mau mồm mau miệng này chắc đã bị bắn sau đó) – không phải tất cả đều tốt đẹp ở những nông xã: Những người đàn ông, đàn bà từng ghi tên làm việc trong những nông xã từ năm 1930 đều hăng hái làm việc, nhưng bọn trẻ – tất nhiên không phải là tất cả bọn trẻ, chỉ có một thiểu số vô trách nhiệm mà thôi – sau khi học hết cấp trung học, đua nhau xin sổ thông hành bằng đủ mọi cách bất lương để bỏ nông xã thành phố, Stalin nghe chuyện này và lập tức trong óc y sắp đặt kế hoạch sửa chữa.

Giáo dục! Chương trình học bảy năm rồi mười năm chung cho tất cả, con cái bọn bồi bếp cũng vào được trường đại học này đã tạo ra một tình trạng lộn xộn, bê bối. Lênin lầm lẫn lớn về điểm này nhưng bây giờ hãy còn quá sớm, chưa phải là lúc nên nói cho quần chúng biết như thế. Lênin chủ trương bất cứ anh bếp nào, chị đàn bà nội trợ nào cũng có thể điều khiển tốt guồng máy nhà nước! Lênin tưởng tượng ra sao mà lại có thể chủ trương kỳ cục như thế? Lại còn cho bọn bồi bếp cái quyền nghỉ làm bồi bếp trong ngày thứ sáu mỗi tuần để đi dự hội thảo trong Ủy ban hành chánh tỉnh! Một chị bếp chỉ là một chị bếp, công việc của chị ta chỉ là việc nấu ăn. Còn việc cai trị cần phải có những người có biệt tài, việc cai trị chỉ có thể trao cho một số người đặc biệt nào đó đã được chọn lọc kỹ và được thử thách trong nhiều năm. Và việc điều khiển số người đặc biệt này chỉ có thể nằm trong tay một người. Người đó là Lãnh tụ.

Quy chế tổ chức nông xã phải có ghi điều đó, cũng như điều đất đai vĩnh viễn thuộc về những xã viên, bất cứ ai ra đời trong một làng quê, ngay từ lúc vừa lọt lòng mẹ, đã là một xã viên. Và chỉ có ủy ban hành chánh của nông xã mới có quyền cho phép một người đi khỏi nông xã.

Dường như có một kẻ nàng đó trong số những kẻ gọi là khuynh tả đã có nói đến vấn đề như thế sẽ xảy ra ở các nông xã. (Thực ra, nhóm gọi là “khuynh tả” không hề có thực, chính Stalin bày ra chuyện gọi một số người bằng cái tên đó để khi cần đến thanh toán họ cho dễ).
Không biết vì sao người ta thường thấy bọn kẻ thù của Stalin, bọn chủ trương khác với Stalin, hay nói đúng về nhiều chuyện. Những kẻ ấy đều đã chết. Nhưng Stalin như vẫn nghe thấy tiếng họ nói từ dưới đáy mồ vắng về.

Mặc dù việc ban hành những sắc luật mới về nông xã là cần thiết, cũng như rất nhiều sắc luật mới cần ban hành trong mọi địa hạt, đêm nay khi bước vào văn phòng, Stalin cảm thấy tâm trí y bị lôi cuốn vì một vấn đề mơ hồ hơn.

Trên ngưỡng cửa những năm sắp tám mươi tuổi, Stalin thấy rằng y không có quyền hoãn lại những việc cần làm này lâu hơn nữa.

Người khác có thể nghĩ rằng tất cả mọi việc có thể làm được để giữ cho Stalin bất tử đều đã được làm, nhưng với Stalin – mặc dù đã được những người đồng thời suy tôn là Lãnh tụ vĩ đại nhất, người anh minh nhất, tài ba nhất – những suy tôn đó, những lời ca ngợi đó vẫn chưa đủ, y còn xứng đáng được suy tôn hơn thế nhiều. Y thấy sự thán phục của mọi người đều nông cạn, họ vẫn chưa thấy rõ thiên tài bao la của y.

Trong những ngày gần đây, một ý nghĩ thường ám ảnh Stalin: Thực hiện một thành công vĩ đại nào đó trong địa hạt khoa học để có thể nổi tiếng ngoài địa hạt triết học và lịch sử. Tất nhiên là y có thể thành công rực rỡ trong địa hạt sinh vật học nhưng y đã trao việc này cho Lysenko, một người lương thiện và cương nghị. Ngoài ra, toán pháp và vật lý hấp dẫn Stalin nhiều hơn. Mỗi lần đọc những bài thảo luận về Số Không và Kém-Số-Không đăng trong tập Biện chứng luận về thiên nhiên, y lại cảm thấy ước ao cũng viết được như thế.

Cũng trong thời gian gần đây, sự tìm tòi làm cho Stalin chú ý đến trường hợp của giáo sư Chikobava, trường hợp này làm cho y chú ý đến ngôn ngữ học. Giáo sư Chikhobava vừa viết một cuốn khảo luận về ngôn ngữ với nội dung chống chủ thuyết Mác-xít, ông chứng minh rằng ngôn ngữ chỉ là tiếng nói của một quốc gia, một dân tộc, ngôn ngữ tự nó không có đặc tính, rõ hơn, ngôn ngữ không thể là “ngôn ngữ vô sản” hoặc “ngôn ngữ tư sản”. Nhiều học giả đã lên tiếng chỉ trích nặng nề Chikhobava và vào giờ này, nhà ngôn ngữ học hỗn xược đó chỉ còn có nước ngồi chờ nhân viên Mật vụ KGB đến nhà gõ cửa đưa đi.

Không còn gì có thể cứu được Chikhobava nếu Stalin không đích thân nhấc điện thoại lên và ra lệnh để cho ông ta sống. Stalin để cho Chikhobava sống không phải là không có mục đích: Chính y sẽ lấy ý kiến của nhà ngôn ngữ học này, y sẽ khai triển ý kiến tầm thường đó thành một chủ thuyết rực rỡ với hy vọng chủ thuyết đó sẽ giúp y trở thành bất tử.

Nếu y có thể đập tan được những lý thuyết phản động của bọn phản cách mạng, như lý thuyết về luật tương đối chẳng hạn, y sẽ làm cho dư luận thế giới rung động hơn, nhưng y đã làm quá nhiều việc, trách nhiệm của y đối với nhân dân thế giới đã quá nặng nề, y không sao còn thì giờ để làm việc đó.

Thay y phục xong Stalin ngồi vào bàn viết. Y dự định viết một thiên khảo luận về tính chất của ngôn ngữ. Viết chưa được nửa trang y đã thấy mệt. Y ngáp dài và vươn vai. Rồi y đứng dậy đi tới nhìn ô kiếng nhỏ ra vườn. Tấm kiếng này đạn bắn không thủng. Bên ngoài là một khu vườn chỉ có người làm vườn được phép đặt chân vào với một binh sĩ gác. Vào giờ này y chỉ nhìn thấy có sương mù. Y không nhìn thấy những vì sao trên nền trời, cũng không thấy qua một vật gì.

Ở một mình trong căn phòng kín này Stalin không chút lo âu, y cũng không chút băn khoăn, lo ngại mỗi khi nghĩ tới nửa trái đất kia – nửa trái đất mà y vẫn chưa đặt tay lên được – y cảm thấy y có đủ sức để nắm lấy nửa trái đất đó, bẻ cong nó theo như ý muốn. Y chỉ cảm thấy e ngại mỗi khi y phải đến dự những đại tiệc, khi y phải đi trên khoảng cách từ cửa xe hơi tới cửa tòa nhà, đi một mình lên cầu thang và đi qua hai dãy người – những người đứng kính cẩn đến nhiều khi trở thành khúm núm – quá đông, quá xa lạ. Những lúc ấy Stalin cảm thấy y yếu đuối, không được bảo vệ, y không biết phải dùng hai tay y như thế nào, hai bàn tay đã quá lâu không còn được dùng đến nên đã trở thành vô dụng. Y đặt hai tay lên bụng và mỉm cười. Người ta tưởng nhà độc tài cười vì nhân từ, vì mến họ, nhưng sự thật y cười vì sợ.

Chính Stalin từng nói rằng không gian là điều kiện căn bản cho đời sống của vật chất, nhưng sau khi đã làm chủ được một phần sáu đất đai toàn trái đất, y bắt đầu kinh sợ không gian. Vì vậy mà y thoải mái sống trong văn phòng chật hẹp này: Ở đây không có không gian.

Stalin đóng cánh cửa thép sau tấm kiếng và chầm chậm đi trở lại bàn ngồi. Đêm đã khuya quá rồi, ngay cả một thiên tài cũng không còn làm việc được nữa.

Những sự kiện xảy ra trong cuộc đời không giúp y, không làm y hài lòng, nhưng y vẫn cứ phải làm việc. Những thế hệ sắp tới rồi sẽ biết công trạng của Stalin vĩ đại.

Tất cả mọi người đều trông cậy vào Stalin. Quần chúng lạ kỳ và nhát sợ quá đáng. Mất bao nhiêu công lao dạy cho họ biết thế nào là dân chủ, nhưng họ vẫn ỷ lại. Nhai sẵn thức ăn mớm cho họ, việc của họ chỉ là việc nuốt vậy mà họ cũng không nuốt nổi.

Khuôn mặt nâu xám, làn da gợn những vết sẹo đậu mùa cúi xuống những tờ giấy trắng trên bàn, Stalin muốn viết nhưng cảm hứng không đến, y không biết nên viết gì.

Có tiếng gõ nhẹ ở cửa, Stalin nhấn nút điện mở khóa.

Bộ mặt anh hề của Sasha hiện ra giữa hai cánh cửa, gã hỏi nhỏ như tiếng thì thào:

"Yos Sarionich, ông cho phép tôi gọi Abakumov vào hay cho hắn về?"

"À, Abakumov."

Mải mê sáng tác Stalin đã quên mất Abakumov

"Được rồi. Cho hắn vào."

Y rút chìa khóa ở dây lưng ra mở nắp kim khí một bình rượu khác để sẵn trong ngăn bàn viết và uống một ly rượu nhỏ.

Lúc nào y cũng phải tỉnh táo, sáng suốt và mạnh như một con chim ưng.



[1]Thống chế Goering : Tư lệnh Không lực Đức Quốc Xã.
[2]Cheka: Tên tắt để gọi Cơ quan Chrezvychainaya Kommissia, cơ quan mật vụ chuyên dò xét, bắt bớ và khủng bố những người bị coi là phản cách mạng ở Liên bang Xô Viết. Về sau, cơ quan này còn có những cái tên khác là GuePeou hoặc MVD. Nhân viên Cheka bị dân Nga sợ và thù nhất.
[3]Tito, Thống chế và hiện nay là Thủ tướng chính phủ nước Nam Tư, cũng tên là Iosif (Joseph) như Stalin. Ra đời năm 1891, Tito cũng theo chủ nghĩa xã hội nhưng chống lại chính sách của Stalin, ly khai với Nga Xô. Stalin rất thù vì Tito chống lại bọn lãnh tụ Cộng sản Nga. Có thể nói Tito là mối hận sâu cay nhất của Stalin. Stalin chết không nhắm mắt nổi là vì không hạ được Tito.
[4]Đệ Tam Quốc Tế là tên gọi tổ chức kết hợp tất cả những đảng cộng sản trên khắp thế giới để hành động hợp nhất. Tổ chức này được thành lập năm 1919 ở Đại hội Mạc Tư Khoa và giải tán năm 1943. Tổ chức này được gọi bằng tiếng Anh là Third International, hoặc Communist International, hoặc Comintern, Komintern.
Nguồn: Tác phẩm viết bằng tiếng Nga của Aleksandr I. Solzhenitsyn, giải Văn chÆ°Æ¡ng Nobel 1970 do Nhà Harper và Row dịch và ấn hành lần thứ nhất năm 1968 ở Hoa Kỳ dÆ°á»›i nhan đề tiếng Anh The First Circle. Bản dịch tiếng Anh của Thomas P. Whitney. Bản Việt văn của Hải Triều dịch theo bản tiếng Anh của Thomas P. Whitney do Nhà xuất bản Đất Má»›i ấn hành lần thứ nhất Sài Gòn, Việt Nam, 1973. Nhà xuất bản Đất Má»›i giữ bản quyền. KD. Số 2137/PTUDV ngày 15-5-1973. Giá 900Ä‘. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.