Aleksandr I. Solzhenitsyn
23. Giáo đường Thánh Jonh
Yakanov gọi lớn tên nàng – Angiya – và, như một làn gió, những cảm giác xưa cũ đã bị lãng quên trở lại như mới hoàn toàn làm cho tấm thân đàn ông trung niên, no đủ của y xúc động.
Ngày đó y hai mươi sáu tuổi và nàng hai mươi mốt.
Người thiếu nữ ấy không phải được sinh ra từ trái đất này. Nàng bất hạnh vì nàng có một linh hồn cao thượng và nàng đòi hỏi đến một mức độ nhiều không sao chấp nhận được. Đôi khi, trong lúc nàng nói, đôi mày và hai cánh mũi nàng rung động như những cánh chim bồ câu. Chưa ai từng nói những lời nghiêm khắc đến như nàng với Yakanov, nàng xét nét với một vẻ cực kỳ nghiêm trọng những hành động của Yakanov, những hành động mà y cho là rất thường. Mà rất lạ lùng, khó hiểu làm sao, nàng coi những hành động ấy là ti tiện, hèn hạ. Và nàng càng tìm thấy nhiều tội lỗi ở Yakanov chừng nào, y lại càng bị nàng hấp dẫn, càng muốn được gần nàng chừng ấy. Mối tình của họ thật là lạ kỳ.
Người ta chỉ có thể nói chuyện với nàng một cách rất thận trọng. Nàng yếu đuối đến nỗi chỉ cần đi lên một ngọn đồi cũng đủ làm nàng kiệt sức, hoặc chỉ chạy vài bước. Ngay cả một cuộc nói chuyện hơi gay gắt cũng đủ làm nàng thở mệt. Người ta dễ dàng làm cho nàng phật lòng, buồn rầu.
Tuy vậy, nàng vẫn có đủ sức đi trong rừng hết ngày này sang ngày khác và, đây cũng là sự lạ kỳ, không bao giờ nàng đem theo quyển sách nào vào rừng. Sách ngăn cản sự thông cảm giữa nàng và rừng cây, sách làm cho nàng xao lãng sự chú ý vào rừng cây. Nàng chỉ đi lang thang trong rừng cây và ngồi nhìn ngắm những huyền bí của rừng. Những khi Yakanov cùng vào rừng chơi với nàng, y ngạc nhiên vì những nhận xét của nàng: Tại sao thân cây lau chùng xuống mặt đất? Bằng cách nào màu sắc trên những lá cỏ trong rừng đổi màu khi chiều tối? Y chưa từng bao giờ để ý đến những điều ấy. Với y, rừng cây là rừng cây, không khí trong rừng mát dịu và tất cả mọi thứ trong rừng đều có màu xanh. Nhưng nàng, nàng phê bình cả những đoạn tả cảnh thiên nhiên trong tác phẩm của Turgenev, sự nông cạn của những đoạn ấy làm nàng bất mãn.
"Suối Rừng" – đó là cái tên Yakanov gọi nàng trong mùa hè năm 1927, năm ấy họ ở gần nhà nhau. Họ đi với nhau, họ về với nhau và trước mắt tất cả mọi người, họ là hai người trẻ tuổi đã hứa hôn với nhau.
Nhưng sự thực, khác hẳn như thế.
Angiya không đẹp nhưng cũng không xấu, khuôn mặt nàng thay đổi luôn luôn: nàng có thể cười vui và đầy thiện cảm, nhưng nàng cũng có thể trình bày một bộ mặt dài thượt, mệt mỏi, thiếu hấp dẫn. Nàng cao hơn đa số đàn bà một chút, thân hình nàng mảnh mai và yếu đuối, bước đi của nàng nhẹ đến nỗi người ta tưởng như hai bàn chân nàng không hề chấm đất. Trong thời gian đó tuy rằng Yakanov đã có khá nhiều kinh nghiệm về đàn bà, tuy y đặt cao giá trị về da thịt trên thân thể đàn bà, một cái gì khác hơn nhan sắc và thân thể của Angiya vẫn hấp dẫn y tới nàng. Và bởi vì y bị nàng hấp dẫn, y tự nhủ rằng y yêu nàng vì nàng là đàn bà và rồi thân thể nàng sẽ nảy nở.
Nhưng trong khi nàng vẫn vui vẻ đi chơi những ngày mùa hạ dài với Yakanov, đi với nhiều dặm sâu vào trong rừng, nằm với y trên cỏ, nàng vẫn tỏ ra không thích để cho y nắm tay. Mỗi khi y nắm tay nàng, nàng hỏi: "Tại sao lại cứ phải nắm tay nhau mới được?", và nàng gỡ tay nàng ra. Thái độ này của nàng không phải có nguyên nhân là nàng mắc cỡ hay sợ người khác nhìn thấy, vì sau khi Yakanov đòi hỏi nàng phải để y nắm tay cho tự ái của y khỏi bị tổn thương, nàng vui vẻ để cho y nắm tay.
Tự nghĩ rằng mình yêu nàng, Yakanov nói với nàng về tình yêu của y trong lúc y quỳ dưới chân nàng trên cỏ trong rừng. "Buồn biết chừng nào…" – nàng nói – "Em có cảm tưởng như em đang làm cho anh thất vọng. Em không thể trả lời được anh em có yêu anh hay không. Em không cảm thấy gì cả. Vì vậy em không muốn cả sống nữa. Anh thông minh, anh thật tốt, lẽ ra được anh yêu em phải thấy sung sướng mới phải chứ? Nhưng thật là em không muốn sống".
Nàng nói như thế nhưng mỗi buổi sáng nàng vẫn hồi hộp tìm xem có sự thay đổi nào hiện lên trên nét mặt y hay trên thái độ của y hay không.
Nàng nói như thế nhưng nàng cũng nói: "Ở Mạc Tư Khoa có biết bao nhiêu là thiếu nữ đẹp. Đến mùa thu này anh sẽ gặp một cô thật đẹp và anh sẽ không còn yêu em".
Nàng để cho y ôm nàng và hôn nàng, nhưng những khi ấy, môi nàng và tay nàng bất động, vô hồn. "Khó quá đi", nàng than thở. "Em tưởng rằng tình yêu đến phải sôi nổi ghê gớm lắm, nhưng anh yêu em và em sẽ không bao giờ còn gặp được ai tốt hơn anh, vậy mà sao em vẫn không thấy sung sướng, em chỉ thấy em không muốn sống".
Có một cái gì đó như rất lạc hậu ở nàng, một cái gì rất trẻ con. Nàng sợ hãi những sợi dây vô hình, bí mật buộc liền như một người đàn ông với một người đàn bà qua hôn nhân, với giọng nói tê tái, nàng thều thào hỏi: "Chúng mình có thể cưới nhau mà không làm việc ấy không?" Trong cơn khích động, Yakanov trả lời: "Vợ chồng đâu có phải chỉ lấy nhau để làm việc ấy? Đó chỉ là một cái gì phụ thuộc đi sau sự hòa hợp, cảm thông của hai tâm hồn". Khi nghe y nói câu đó, lần thứ nhất môi nàng yếu đuối hôn y, và nàng nói: "Cám ơn anh. Nếu không có tình yêu, tại sao con người ai cũng muốn sống? Em nghĩ em đã bắt đầu yêu anh. Em sẽ cố gắng yêu anh".
Mùa thu năm ấy, một buổi chiều gần tối họ đi bên nhau trong một con phố vắng cạnh công trường Taganka, Angiya bỗng nói bằng giọng nói trong rừng của nàng, giọng nói khó nghe trong tiếng động của thành phố:
"Anh có muốn em đưa anh tới coi một nơi đẹp nhất của Mạc Tư Khoa không?"
Nàng đưa Yakanov lên một ngọn đồi, tới một hàng rào gỗ bao quanh một giáo đường nhỏ, sơn trắng và đỏ, tòa giáo đường có hậu đường và bàn thờ chính nằm dựa vào một con phố khúc khuỷu không tên. Bên trong hàng rào chỉ có một lối đi nhỏ vòng quanh giáo đường để rước Thánh giá, lối đi vừa đủ rộng cho ông cha sở và ông trợ tế cùng đi cạnh nhau. Qua khung kiếng mờ của những ô cửa sổ người ta có thể nhìn thấy, sâu trong lòng tòa giáo đường, những ngọn lửa nên lung linh bình yên và những ánh lửa đèn màu thắp dưới những pho tượng. Ở một góc nằm trong hàng rào có một cây sồi cổ thụ, cây sồi lớn và cao hơn mái giáo đường. Cành lá nó đã ngả vàng phủ lên trên cả nóc tròn trên mái giáo đường và con phố bên cạnh, làm cho tòa giáo đường đã nhỏ còn có vẻ nhỏ hơn.
"Đây là giáo đường Jonh". Angiya nói.
"Nhưng đây đâu có phải là nơi đẹp nhất Mạc Tư Khoa?"
"Chờ xem".
Nàng dẫn Yakanov đi qua cổng và trong sân giáo đường. Nền sân đá có những chiếc lá sồi màu vàng và màu cam bao phủ. Trong vùng bóng tối dưới vòm cành lá sồi có một lầu chuông cổ, hình cái lều. Lầu chuông và căn nhà nhỏ dính liền vào giáo đường ngăn chặn những tia nắng của mặt trời đang lặn. Cánh cửa sắt của hành lang phía bắc mở rộng và một người đàn bà nghèo đứng ở đó cúi đầu lễ và làm dấu thánh giá một mình trong tiếng ca cầu rực rỡ từ bên trong vọng ra.
"Giáo đường này nổi tiếng vì đẹp và lộng lẫy, huy hoàng".
Angiya nói thì thầm, nàng để cho vai nàng sát vào vai Yakanov.
"Giáo đường này được làm vào thế kỷ nào?"
"Sao anh lại cần phải biết thế kỷ nào? Anh có thấy đẹp không?"
"Đẹp lắm, nhưng mà…"
"Anh coi này…"
Angiya gỡ tay nàng ra và kéo y tới khung cổng chính của tòa giáo đường. Họ từ trong vùng bóng tối đi ra làn ánh sáng chan hòa của mặt trời hoàng hôn, và nàng ngồi xuống trên bậc đá thềm cửa.
Yakanov hít vào một hơi thở dài. Họ như những người vừa từ một khu phố đông của thị trấn bước lên một đỉnh cao và phóng tầm mắt nhìn vào một khoảng xa, rộng. Những bậc thang đá trắng chạy dài từ chân thềm của giáo đường qua lưng ngọn đồi, xuống dòng sông Mạc Tư Khoa dưới kia. Mặt sông cháy rực dưới ánh nắng chiều. Bên trái là tòa nhà Zamoskvorechye với những khung cửa kiếng phản chiếu ánh nắng vàng đến chói mắt người nhìn và bên dưới, gần như ở ngay dưới chân họ, những ống khói đen của nhà máy điện Mạc Tư Khoa tỏa khói lên nền trời chiều. Dòng sông Yauza nhỏ hơn chảy vào dòng sông Mạc Tư Khoa. Gần chỗ hai dòng sông giao nhau là Bệnh viện Foundling. Sau bệnh viện này, những ngọn tường sắc của điện Kremlin nổi lên. Xa hơn nữa, năm tòa tháp tròn mạ vàng của Giáo đường Chúa Cứu Thế sáng rực trong nắng.
Và trong ánh vàng rực rỡ ấy, Angiya, với chiếc khăn mỏng choàng trên đôi vai, toàn thân như được dát vàng, ngồi nhìn về phía mặt trời.
"Người Nga này ngày xưa chọn chỗ để xây giáo đường và tu viện thật là khéo" – Nàng nói, giọng nàng như vỡ vụn – "Em đã đi xuôi dòng Volga, em cũng từng đi xuôi dòng Oka nữa, bất cứ chỗ nào giáo đường cũng được họ xây ở những chỗ đẹp nhất, trang nghiêm nhất…"
Yakanov đáp lời nàng như một tiếng vang:
"Đúng đấy. Mạc Tư Khoa là nhất…"
"Nhưng những cảnh đẹp ấy đang mất đi" – Angiya nói – "Mạc Tư Khoa đang bị tiêu diệt".
"Em nói bị tiêu diệt nghĩa là sao? Em nói vậy vô nghĩa".
"Họ sắp phá giáo đường này".
"Sao em biết là sắp phá?"
Yakanov hỏi lại. Y bắt đầu cảm thấy bực bội vì giọng nói có vẻ như kết tội của Angiya.
"Đây là một kiến trúc cổ. Họ sẽ giữ nguyên nơi đây…"
Y nhìn lên lầu chuông nhỏ xíu, nơi những cành lá sồi xuyên vào gần chạm cả tới chuông.
"Họ sắp phá đi mà…"
Angiya tiên đoán với vẻ biết chắc, nàng vẫn ngồi bất động với chiếc khăn choàng vàng trên vai, trong ánh vàng.
Không những là gia đình Angiya không dạy dỗ Angiya để nàng tin ở Chúa mà trong dĩ vãng, khi tất cả mọi người đều phải đi lễ nhà thờ, bà mẹ nàng và bà ngoại nàng đều không đi lễ, không giữ những luật cấm, không rước lễ, họ luôn luôn làm cho tôn giáo trở thành lố bịch bởi vì tôn giáo đã chấp nhận nông nô một cách quá ư dễ dãi. Bà ngoại nàng, mẹ nàng và các dì, các cô nàng đều có một tật chung: họ luôn luôn đứng về phía những người bị đàn áp, bắt bớ, săn đuổi, hành hạ bởi chính quyền. Bà ngoại nàng được những người cách mạng trong Phong trào "Dân ý" biết mặt, biết tên vì bà cho họ trốn nấp trong nhà bà và giúp đỡ họ tất cả những gì bà có thể. Những cô con gái bà nối tiếp bà giúp đỡ, che giấu những người cách mạng Xã hội và Dân chủ Xã hội. Và cô bé Angiya bao giờ cũng đứng về phía những con thỏ bị người ta đuổi bắn, những con ngựa bị người ta đánh đập. Khi nàng lớn lên, mọi người trong gia đình nàng đều ngạc nhiên khi thấy nàng bênh vực Giáo Hội Gia Tô vì nàng cho rằng Giáo Hội này đang bị đàn áp, khủng bố.
Không biết là vì nàng tự nhiên tin ở Chúa hay nàng cố làm cho nàng phải tin, Angiya nói rằng kẻ nào trốn tránh đi nhà thờ là hèn, và trước sự khó chịu của bà ngoại và mẹ nàng, Angiya đến nhà thờ rước lễ. Dần dần nàng cho chuyện đi lễ là quan trọng.
Yakanov hỏi nàng với vẻ ngạc nhiên thực sự:
"Tại sao em lại nghĩ rằng Giáo Hội Gia Tô đang bị đàn áp? Có những chuyện gì xảy ra làm cho em nghĩ thế? Các giáo dân vẫn được tự do đến nhà thờ. Không ai cấm linh mục làm lễ, kéo chuông, rước Thánh giá – họ chỉ không được quyền can thiệp vào những vấn đề công dân và giáo dục mà thôi".
"Rõ ràng là Giáo Hội đang bị đàn áp" – Angiya cãi lại bằng giọng nói ôn hòa, nhỏ nhẹ như mọi khi của nàng – "Khi người ta nói ra những lời kết tội Giáo Hội phản động, khi người ta in ra tất cả những gì người ta muốn để bôi xấu Giáo Hội họ không cho Giáo Hội được quyền trả lời, quyền tự biện hộ, khi người ta kiểm tra tài sản của Giáo Hội và lưu đày những linh mục – những việc đó chẳng phải là đàn áp thì còn là gì nữa?"
"Em thấy những linh mục bị lưu đày ở đâu, hồi nào?"
"Tất nhiên là không thấy ở trong những thành phố đó rồi".
"Dù cho họ có đàn áp thật đi nữa" – Yakanov nói – "họ cũng mới chỉ đàn áp có mười năm thôi. Em có biết Giáo Hội đàn áp con người đã bao lâu không? Từ 10 thế kỷ nay".
Angiya nhún vai gầy:
"Thời đó chưa có em. Em đang sống ở thời này, em chỉ thấy những gì xảy ra trong đời em".
"Nhưng em phải biết lịch sử chứ! Em không thể viện lý do gì để bào chữa cho sự ngu dốt. Có bao giờ em nghĩ đến chuyện Giáo Hội đã làm cách nào để sống trong suốt 250 năm tổ quốc ta bị bọn Tatar đô hộ không?"
"Giáo Hội Gia Tô sống được có thể là vì lòng tin của giáo đồ mạnh. Cũng có thể là vì tinh thần Gia Tô mạnh hơn tinh thần những tôn giáo khác".
Nàng nói câu trên như một câu hỏi chứ không phải là một lời quả quyết.
Yakanov nở nụ cười tha thứ:
"Em tưởng tượng nhiều quá. Tổ quốc ta có bao giờ thực sự thấm nhuần tinh thần Thiên Chúa giáo trong linh hồn không? Em có thực nghĩ rằng suốt trong cả ngàn năm Thiên Chúa giáo có mặt ở đây người ta có thực sự tha thứ cho những kẻ đàn áp, bóc lột người ta không? Người ta có yêu thương được những kẻ thù của người ta không? Giáo Hội chỉ sống được là vì sau cuộc xâm lăng, trước hơn bất cứ một người dân Nga nào, Giáo chủ Cyril đã tới cúi đầu trước tên Khan của bọn Tatar xâm lăng và yêu cầu tên này bảo vệ cho hàng ngũ giáo sĩ. Với những lưỡi kiếm của bọn Tatar, giới giáo sĩ Nga đã bảo vệ được đất đai, những nông nô và những giáo đường của họ. Tuy vậy, ta cũng phải công nhận là Giáo chủ Cyril đã hành động đúng khi làm như thế, ông ta là một nhà chính trị thực tế. Lẽ ra ai khôn ngoan cũng phải làm như ổng. Chỉ có cách đó mới có thể thắng".
Khi Angiya bị dồn vào đường cùng, nàng không cãi nữa. Nàng chỉ mở rộng đôi mắt ngạc nhiên nhìn người thanh niên vị hôn phu của nàng:
"Nhờ cách đó những giáo đường đẹp đẽ này mới được xây dựng trên những cảnh trang nghiêm, hùng vĩ này" – Yakanov nói lớn. "Trong khi những tín đồ ly khai bị đốt lửa đến chết, những giáo đồ của những tôn giáo khác bị đánh bằng roi gậy đến chết. Em thương hại những kẻ làm những việc đó ư? – Giáo Hội bị đàn áp? Giáo Hội nào bị đàn áp?"
Y ngồi xuống cạnh nàng trên thềm đá ấm vì nắng:
"Em bất công với những người Bôn-xê-vích về tất cả mọi mặt. Em không thèm cả đọc những quyển sách chính của họ. Họ rất kính trọng nền văn minh thế giới. Họ tin rằng không một ai có quyền độc đoán quyết định thay cho người khác hay bắt người khác phải nghĩ, phải làm theo mình, họ tin ở sự hợp lý, ở lẽ phải. Điều duy nhất mà họ muốn là: công bằng. Em thử tưởng tượng coi: công bằng hoàn toàn, công bằng tuyệt đối. Không ai được hưởng những đặc quyền mà người khác không được hưởng. Không ai được lợi thế hơn người khác về những điều kiện để sống. Còn có gì có thể tốt đẹp hơn một xã hội như thế? Xã hội ấy có đáng để chúng ta hy sinh hay không?
Em phải biết những phản đối vô lý của em chỉ là những trở ngại chặng đường em vào đại học. Những phản đối của em sẽ có ảnh hưởng gì? Em có thể làm được gì?"
"Một người đàn bà như em có thể làm gì được?"
Nàng vừa nói vừa đưa tay hắt những lọn tóc của nàng về sau lưng – trong lúc không một thiếu nữ nào kết tóc cả, nàng kết tóc thành lọn, khi mọi người cắt tóc ngắn, nàng để tóc dài, nàng chỉ làm thế để phản đối mặc dù kiểu tóc dài không hợp với mặt nàng. Một lọn tóc rơi trên lưng nàng, lọn kia nằm trên ngực nàng – và nàng nói tiếp:
"Một người đàn bà không làm được việc gì hết ngoài việc ngăn cản cho người đàn ông yêu mình làm những việc trọng đại, anh hùng. Ngay cả đến người đàn bà khác thường như Natasha Rostov cũng vậy. Đó là lý do vì sao em không chịu nổi được nàng".
Một lần nữa Yakanov ngạc nhiên:
"Sao vậy?"
"Bởi vì nàng không chịu để cho Pierre gia nhập vào nhóm "Tháng Chạp".
Giọng nói của nàng lại tan vỡ khi nàng nói câu trên.
Nàng vẫn có những ý nghĩ dị kỳ như vậy.
Chiếc khăn choàng mỏng rời khỏi đôi vai nàng rơi xuống mắc ở hai cánh tay nàng như đôi cánh vàng.
Yakanov bọc nhẹ hai bàn tay y quanh bàn tay nàng như sợ bàn tay nàng có thể vỡ:
"Nếu em là Natasha, em sẽ để cho Pierre đi?"
"Vâng".
Angiya trả lời bình thản như đó là chuyện tất nhiên.
Yakanov không thể tưởng tượng ra một hành động quan trọng nào đó y có thể làm để cần phải có sự đồng ý của Angiya. Đời sống của y hoạt động, nhưng bình thường như mọi người. Y ham thích công việc đang làm và việc này càng ngày càng đưa y lên địa vị cao hơn.
Trước mặt họ có những tín đồ đi dâng lễ muộn đi từ dưới chân đồi lên, họ làm dấu thánh giá trước cửa vào giáo đường. Vào tới trong sân, những người đàn ông bỏ mũ xuống. Dường như trong số những người đi lễ đàn ông ít hơn đàn bà, họ toàn là người già, không thấy một người trẻ tuổi nào.
"Anh có sợ người ta thấy anh ở gần giáo đường không?"
Angiya hỏi. Nàng không có ý chế nhạo Yakanov nhưng câu hỏi tự nó đã có sự chế nhạo.
Trong những năm đó việc bị một người làm cùng sở nhìn thấy ở gần nhà thờ là một chuyện nguy hiểm. Tuy vậy ngài Yakanov tự cho là y không có sự nguy hiểm ấy.
Không trả lời câu hỏi của Angiya, Yakanov nói, y bắt đầu thấy bực bội vì thái độ của nàng:
"Cẩn thận đấy, Angiya. Ta phải biết có những gì mới xảy ra trong đời ta, biết kịp thời, biết trước khi quá muộn. Vì bất cứ ai không biết như thế nhất định sẽ lạc lõng sau lưng mọi người. Em bị Giáo Hội Gia Tô quyến rũ vì tinh thần của giáo lý này khuyến khích khuynh hướng lạnh nhạt với cuộc sống này ở trong em. Đây là lần cuối cùng khuyến cáo em: em phải tỉnh lại, em phải sống, em phải chú ý đến việc nào đó trong đời, chỉ có như thế em mới sống được".
Angiya cúi đầu xuống, bàn tay có ngón tay đeo chiếc nhẫn hứa hôn của Yakanov buông rơi, bất động. Tấm thân giống như thân trẻ con của nàng lúc này như chỉ có toàn xương là xương và rất mỏng:
"Anh nói đúng. Đúng… Em cũng nhận thấy có nhiều lúc em không muốn sống. Cuộc đời không cần có những người như em".
Yakanov cảm thấy tình yêu tan tành trong tim y. Nàng làm tất cả những gì giết chết tình yêu ấy. Sự can đảm thực hiện lời hứa hôn và cưới Angiya làm vợ, sống với nàng suốt đời, yếu đi trong tim Yakanov.
Nàng ngước mắt lên nhìn y, đôi mắt nàng lộ ánh tò mò, nàng không cười.
Yakanov nghĩ: "Cô ả này tinh thần nông cạn quá chừng".
Nàng nói, vẻ mặt buồn và giọng nói buồn:
"Danh vọng và thành công đang chờ đợi anh. Chắc chắn anh sẽ thành công, anh sẽ có danh vọng. Nhưng Anton, liệu anh có được
sung sướng hay không? Rồi đời anh sẽ có hạnh phúc hay không? Anh cũng nên cẩn thận. Những người chú ý đến cuộc đời như anh… sẽ… sẽ mất… Em không thể nào nói rõ với anh được…"
Những ngón tay gầy của nàng tìm lời cho môi nàng nói, sự khó khăn, khổ sở của cuộc tìm kiếm ấy hiện rõ trên nụ cười gượng trên môi nàng:
"Đó, có tiếng chuông. Tiếng kinh cầu đã ngừng, tiếng ca đã mất. Những tiếng ấy sẽ không còn trở lại nữa. Tuy vậy, âm thanh vẫn còn văng vẳng quanh đây. Anh hiểu gì không?"
Rồi nàng cố rủ y vào giáo đường. Dưới những vòm tường tròn một dãy cửa sổ nhỏ gắn kiếng mờ chạy quanh tòa giáo đường. Qua khung cửa sổ trên nóc tròn trên cao, ánh nắng chiều làm bên trong tòa giáo đường sáng lên, ánh vàng trải lên những pho tượng và những bức hình vẽ cổ.
Tín đồ thưa thớt. Angiya đốt một cây nến gầy cắm lên cây cột đồng và nàng làm thoáng dấu thánh giá, rồi nàng đứng trang nghiêm, hai tay chắp lại trước ngực, mắt nhìn thẳng, xuất thần. Ánh vàng của trời chiều, ánh đỏ cam của những ngọn nến mang lại đời sống và hơi ấm cho hai má nàng.
Chỉ còn hai ngày nữa là đến ngày đản sinh Đức Mẹ. Trong nhà thờ, một bài kinh dài được cầu để ca tụng Đức Mẹ. Lời kinh thật hay, những danh từ ca ngợi Thánh Nữ Đồng Trinh nối tiếp nhau trôi đi như nước trong một dòng suối, và đây là lần đầu tiên Yakanov hiểu tính chất huyền diệu và thơ mộng của những lời cầu nguyện. Không phải là một nhà thần học vô hồn nào đó đã viết ra được lời kinh cầu này, người sáng tác phải là một thi sĩ lớn nhưng vô danh, một tù nhân trong một tu viện, và trong giây phút đó Yakanov xúc động. Y không xúc động vì sự hấp dẫn thoáng qua của những thân thể đàn bà mà là vì một cái gì đó cao thượng hơn, trong sạch hơn mà một người đàn bà có thể gợi cho đàn ông cảm thấy.
Yakanov tỉnh lại từ cơn mơ mộng. Y đang ngồi trên thềm của Giáo đường Thánh Jonh, đống đất đá vụn trên thềm làm dơ vạt áo da của y.
Đúng thật, không biết vì lý do nào, có khi không có lý do gì hết, người ta đã phá lầu chuông kia, người ta đã phá cả những bậc thang đá trắng từ đây đi xuống bờ sông. Không thể tưởng tượng được rằng ánh bình minh hôm nay cũng chiếu cùng trên khoảng đất ở Mạc Tư Khoa từng sáng ánh nắng vàng buổi chiều xa xưa, buổi chiều y và người thiếu nữ đó ngồi bên nhau. Nhưng ngọn đồi vẫn là ngọn đồi này, cảnh vật dưới chân đồi vẫn là cảnh cũ, và khúc sông quẹo được soi sáng bởi dãy đèn điện dưới kia vẫn là dòng sông ngày xưa.
Ít ngày sau buổi chiều đó Yakanov lãnh công tác xuất ngoại khi y trở về, người ta bảo y viết một bài đăng báo – thực ra bài đó đã được viết sẵn y chỉ có việc ký tên vào đấy – bài báo viết về cảnh sa đọa, trụy lạc tan rã của xã hội các nước Tây phương đều tồi tàn: dân chúng đói khổ, nghèo nàn, văn hóa đồi trụy, luân lý xuống thấp, khoa học không có điều kiện tiến bộ. Những chuyện đó không đúng hẳn sự thật nhưng cũng không hẳn là bịa đặt hoàn toàn. Những sự kiện đó có thật nhưng cũng không được bài báo nói đến. Nếu Yakanov tỏ ra do dự, y có thể bị nghi ngờ. Và một bài báo như bài này làm hại được ai?
Bài báo đó được đăng lên mặt báo.
Angiya gửi trả lại chiếc nhẫn đính hôn buộc vào một tờ giấy nhỏ trên đó nàng viết: "Gửi cho Cyril".
Và Yakanov không buồn, y còn cảm thấy nhẹ người, dễ chịu.
Y đứng lên và nhón gót cho thật cao, nhìn qua một khung cửa sổ gắn kiếng mờ nhìn vào bên trong giáo đường. Không khí có mùi gạch vụn, lạnh và ẩm. Y không thể nhìn rõ những vật bên trong, y chỉ lờ mờ thấy đó là những đống đá nhỏ và rác rưởi.
Yakanov rời xa khung cửa sổ, nhịp đập của trái tim y chậm xuống và y dựa vai vào thành đá của khung cửa sắt han rỉ nhiều năm nay không được mở.
Một lần nữa sức nặng của khối đe dọa lạnh như đá băng do Abakumov ném ra lại đập trúng ngực y.
Lúc này Yakanov đang ở vị trí quyền hành cao nhất đời y. Y đang giữ một chức vụ quan trọng với một cấp bậc cao trong một Tổng Bộ mạnh nhất. Y thông minh, tài ba – và nổi tiếng là người thông minh, tài ba. Người vợ trẻ đẹp, khả ái của y chờ đợi y về ở nhà riêng của y. Những đứa con kháu khỉnh má đỏ hồng của y ngủ bình yên trên những chiếc giường của chúng. Y có một nơi ở đẹp trong một tòa chung cư ở Mạc Tư Khoa gồm nhiều căn phòng trần cao và một ban-công nhìn xuống đường. Lương tháng của y được tính bằng nhiều ngàn đồng. Một chiếc xe Popeda được dành riêng cho y bất cứ lúc nào y cần đi. Vậy mà trong buổi sáng lạnh này y vẫn đứng dựa vai vào thành đá chết và y không còn muốn sống lâu hơn nữa. Trong tâm hồn y chỉ còn có tuyệt vọng, tất cả đều vô vọng ở trong y đến nỗi y không còn cả sức để bước đi.
Trời đã sáng.
Không khí của buổi sáng tinh sương trong vắt. Sương đọng lại thành băng ở quanh gốc cây sồi bị chặt đổ, bám trắng những đầu mái giáo đường gần sụp đổ hoàn toàn, băng đá cũng bám trên những khung sắt cửa sổ, trên những sợi dây điện chạy ngang và trên hàng rào bao quanh khu sắp xây cất tòa nhà chọc trời dưới chân đồi.
24. Việc làm của ông trung tá
Trung tá Klimentiev có những sợi tóc đen nhánh như than đá, như nước sơn đen được sơn lên sắt, những sợi tóc ấy nằm phẳng trên đầu y, chia ra làm hai phần, bộ ria tròn dưới mũi y trông như được bôi mỡ. Bụng y chưa to và tuy đã bốn mươi nhăm tuổi, Klimentiev vẫn đi đứng như một quân nhân trẻ tuổi, thân thể cuộc đời, quắc thước. Trong giờ làm việc không bao giờ y cười hoặc mỉm cười, bộ mặt rầu rầu, u ám của y vì thế lại càng thêm nặng nề.
Tuy hôm nay là ngày Chủ nhật, y đến Viện còn sớm hơn ngày thường. Y đi ngang sang sân vận động trong lúc đám tù nhân đang giờ đi lại trong sân. Chỉ cần liếc mắt nhìn qua một cái, y đã ghi nhận hết tất cả những vi phạm. Nhưng việc can thiệp ngay vào những vi phạm của bọn tù nhân không phải là việc xứng đáng với cấp bậc của y, Klimentiev đi thẳng vào tòa nhà chính và vừa đi y vừa ra lệnh cho Trung úy Nadelashin đi gọi tù nhân Nerzhin đến trình diện y, cả Nadelashin cũng phải đến văn phòng gặp y nữa. Trong lúc đi qua sân, y nhận thấy rằng có nhiều tù nhân đi trước y bước vội hơn và nhiều tù nhân khác ở ngang đường y đi bước chậm lại hơn hoặc là đổi hướng đi. Y biết họ làm thế để khỏi phải chào y, y biết nhưng vẫn lạnh lùng, vẫn không cho đó là một chuyện đáng để y bực bội. Y biết sở dĩ những tù nhân có thái độ đó là vì càng thèm thuồng địa vị của y, phần lớn là vì chúng bối rối, ngượng nghịu trước những người bạn tù của chúng, chúng không muốn tỏ ra hèn hạ, nịnh bợ. Gần như bất cứ tù nhân nào cũng tỏ ra hòa nhã, thân thiện với y khi được gọi riêng tới văn phòng y, nhiều tên còn năn nỉ, xin xỏ đặc ân nữa. Có nhiều hạng người ở trong tù và giá trị của họ khác nhau xa. Klimentiev đã hiểu như thế từ lâu rồi, y tôn trọng quyền tự kiêu của những tù nhân, y giữ vững quyền của y là bắt tất cả phải giữ đúng luật lệ. Là một quân nhân thuần túy, y tin rằng y đem đến cho nhà tù Mavrino một kỷ luật – không phải thứ kỷ luật làm cho con người mất phẩm giá mà là thứ kỷ luật chính đáng của quân đội.
Y mở cửa văn phòng. Trong phòng đầy hơi nóng và máy sưởi điện tỏa ra một thứ mùi sơn cháy khó ngửi. Người Trung tá mở khung thông hơi trên cánh cửa sổ, cởi áo khoác ngoài xuống ghế, thân hình vạm vỡ của y làm chật căng bộ quân phục, và y cúi nhìn mặt bàn bừa bộn giấy tờ. Tờ lịch ngày thứ Bảy trên tập lịch để bàn vẫn chưa được lật qua. Trên trang lịch đó có ghi hàng chữ:
"Cây Mùa Xuân?"
Trong văn phòng trơ trụi này, nơi vật duy nhất có công dụng là cái tủ sắt đựng hồ sơ lý lịch của tù nhân, nửa tá ghế, một máy điện thoại và một ổ máy nhấn chuông gọi. Đó là nơi mà Trung tá Klimentiev – không cần có dụng cụ gì khác – kiểm soát, điều động cuộc sống của 281 người và việc làm của 50 giám thị đề lao.
Mặc dù sự kiện y đến làm việc ngày Chủ nhật – y sẽ được nghỉ trọn một ngày trong tuần – và y đến sớm hơn giờ hành chánh nửa tiếng, Klimentiev vẫn không để lạc tác phong làm việc đúng đắn thường ngày của y.
Trung úy Nadelashin đứng trước mặt y với vẻ bối rối, sợ hãi thấy rõ. Trên hai gò má phính phính của Nadelashin hiện ra hai vết tròn đỏ. Gã sợ bị Trung tá này tuy rằng chưa bao giờ Klimentiev ghi những sơ suất, lỗi lầm quá nhiều của gã vào hồ sơ riêng. Nadelashin mặt tròn lố bịch, quê kệch, không có qua một vẻ quân nhân nào, cố gắng tỏ ra thoải mái mà không được.
Nadelashin báo cáo rằng đêm trực của gã đêm qua đã trôi qua trong trật tự hoàn toàn, không có qua một vi phạm nào nhưng có hai sự kiện lạ đã xảy ra. Một sự kiện đã được gã viết thành báo cáo. Đã đặt tờ báo cáo lên góc bàn và lập tức tờ giấy bay xuống đất, lượn vòng và chui vào gầm ghế. Nadelashin vội vã đuổi theo, chổng mông lên lượm tờ giấy đem trở lại bàn. Sự kiện đáng kể thứ hai là hai tù nhân Bobynin và Pryanchikov được gọi về Tổng Bộ An ninh trong đêm qua.
Ông Trung tá An ninh nhếch lông mày khi hỏi viên Trung úy những chi tiết về việc hai tù nhân được gọi đi và trả về. Tin này là một tin không những là không vui mà lại còn chứa đựng đe dọa nguy hiểm nữa. Người phụ trách vấn đề an ninh trong nhà tù đặc biệt này như lúc nào cũng ngồi trên miệng núi lửa – lúc nào cũng ở ngay dưới lỗ mũi của ông Tổng trưởng. Nơi đây không phải là một nhà tù ở một khu rừng xa xôi nào đó, nơi người sĩ quan chỉ huy có thể có cả một tiểu đội vợ bé và muốn làm gì thì làm như một lãnh chúa. Ở đây người ta phải theo đúng luật lệ và không bao giờ được hành động theo sự giận dữ hay theo lòng thương hại. Nhưng chính Klimentiev lại là loại người không bao giờ để cho việc làm của y bị ảnh hưởng bởi giận dữ hay thương hại, y không sợ rằng hai tù nhân Bobynin và Pryanchikov có thể than phiền với cấp trên về những hành động trái luật của y. Sau một thời gian hành nghề lâu năm kinh nghiệm sống cho Klimentiev thấy rằng y không có gì phải sợ những tù nhân, những người làm hại y đều là những bọn đồng nghiệp của y.
Sau đó Klimentiev nhìn xuống bản báo cáo của Nadelashin và thấy ngay cả bản viết này chỉ là một cái gì ngớ ngẩn, ngu ngốc. Y bắt đầu khiển trách Nadelashin. Y nhớ lại tất cả những lỗi lầm mà Nadelashin đã phạm trong thời gian vừa qua, như chuyện buổi sáng để cho bọn tù đi chậm mất hai phút để cho rất nhiều chiếc giường của bọn tù trong tình trạng bê bối không ngăn nắp, Nadelashin không bao giờ tỏ ra đủ cứng rắn cần thiết để có thể gọi những tên tù làm giường không cẩn thận trở lại, bắt chúng làm lại giường của chúng cho thật ngay ngắn. Y từng nhiều lần nói với Nadelashin về vấn đề này nhưng y chỉ mất công vô ích. Và có những chuyện gì đã xảy ra trong buổi tập thể dục sáng nay? Gã Doronin đứng ngay trên ranh cấm của sân tập, nhìn vào khu đất cấm, nơi gã nhìn là một vùng đất hoang rất tiện cho một cuộc vượt ngục. Và án tù của Doronin là hai mươi lăm năm, hồ sơ của hắn có ghi tội giả mạo giấy tờ và từng bị tầm nã trên khắp Liên bang trong hai năm trời. Vậy mà không một ai bắt hắn phải đi vào hàng. Lại còn tên Rerasimovich nữa. Tên này không đi trong hàng như mọi người mà lại một mình đi lững thững về phía nhà máy điện sau hàng cây sồi. Và Gerasimovich phạm tội gì? Hắn đang sống hạn tù thứ hai – hắn bị bắt vì vi phạm điều 58, khoản IA, liên can đến điều 19. Nói cách khác, hắn bị tù vì tội phản nghịch của hắn cũng không sao chứng minh được rằng hắn tới Leningrad trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh không phải là để chờ đợi bọn Đức Quốc Xã. Phải chăng Nadelashin đã quên rằng bổn phận của một sĩ quan an ninh là phải luôn luôn xem hồ sơ của tù nhân và luôn luôn kiểm soát những hành động của tù nhân? Và sau cùng, đồng chí bận quân phục bê bối như vầy mà đồng chí được coi ư? Áo đồng chí sộc sệch – Nadelashin vội kéo lại vạt áo. Ngôi sao trên mũ đồng chí lệch – Nadelashin vội sửa lại. Đồng chí chào yếu xìu như một bà già. Vì đồng chí bê bối như vậy nên bọn tù coi thường đồng chí, chúng không chịu làm giường mền ngay ngắn khi chúng thấy đồng chí trực nhật. Để giường mền không ngay ngắn là một đe dọa nguy hiểm cho kỷ luật chung của nhà tù. Hôm nay chúng không chịu làm giường, ngày mai chúng sẽ từ chối làm việc.
Sau đó Trung tá Klimentiev cho lệnh tập hợp những viên giám thị sắp đưa tù nhân đi gặp thân nhân vào phòng họp để nhận chỉ thị. Nerzhin được để đứng chờ ngoài hành lang. Nadelashin được phép ra khỏi phòng.
Trung úy Nadelashin cảm thấy tinh thần gã xuống thấp. Gã rầu rĩ và hối hận nhiều mỗi lần hắn bị khiển trách, gã nhận rằng những gì cấp trên nhận xét về gã đều đúng và gã tự hứa nhất định sẽ không vi phạm những lỗi lầm ấy nữa. Nhưng rồi công việc bắt buộc gã phải tiếp xúc với những tù nhân kéo gã đi theo ý muốn của họ, tù nhân nào cũng thèm khát được hưởng một chút tự do, và Nadelashin không sao từ chối được. Gã chỉ còn hy vọng rằng những nhượng bộ của gã cho tù nhân không bị cấp trên phát giác.
Klimentiev rút cây bút ra gạch bỏ hàng chữ "Cây Mùa Xuân" trên tờ lịch đi. Hôm qua y đã quyết định về vấn đề này.
Trong những nhà tù đặc biệt này chưa từng bao giờ có Cây Mùa Xuân. Klimentiev nhớ rằng chưa từng bao giờ có một phép lạ như thế xảy ra. Nhưng năm nay, ở đây, một số đông tù nhân – những tù nhân có giá, được trọng nể – nhất định đòi họ phải có Cây Mùa Xuân. Và thoạt đầu, Klimentiev nghĩ: tại sao lại không cho phép họ có một Cây Mùa Xuân? Tù nhân có Cây Mùa Xuân thì đã sao? Hại gì? Không thể có chuyện xảy ra hỏa hoạn vì chạm điện rồi, ở đây toàn là những kỹ sư điện và giáo sư điện khí. Trong đêm cuối năm, một Cây Mùa Xuân sẽ quan trọng và cần thiết cho các tù nhân, nhất là khi tất cả những nhân viên tự do đều về vui chơi ở Mạc Tư Khoa, cuộc kiểm soát ở đây sẽ lỏng lẻo vì thiếu nhân viên. Klimentiev biết rằng đêm cuối năm là đêm khổ sở nhất cho những kẻ bị tù, trong đêm ấy rất có thể có những tù nhân làm những hành động cuồng dại và vô vọng. Vì vậy đêm qua y đã gọi điện thoại về Bộ để hỏi ý kiến thượng cấp của y về việc cho những nhà tù có điều cấm tù nhân không được dùng nhạc khí, nhưng họ tìm mãi không thấy điều luật nào nói về Cây Mùa Xuân. Vì vậy mặc dù họ không chính thức chấp nhận cho tù nhân làm Cây Mùa Xuân, họ cũng không ra mặt cấm. Kinh nghiệm và sự khôn ngoan sáng suốt cho Trung tá Klimentiev biết y phải làm sao trong trường hợp này. Đêm qua, trong khi ngồi xe điện ngầm để về nhà, y đã quyết định: được rồi, cho họ làm Cây Mùa Xuân.
Trên đường đi vào trạm xe điện ngầm, Klimentiev đã nghĩ ngợi về y với sự hài lòng. Y thấy y là một người thông minh, một người có khả năng quyết định công việc không cần cấp trên phải bảo. Y không phải là một viên chức ngu ngốc không có sáng kiến, y còn là một người tốt nữa, nhưng bọn tù sẽ không bao giờ biết y là một người tốt, chúng sẽ không bao giờ biết rằng vì ai chúng có Cây Mùa Xuân, ai muốn cho chúng có Cây Mùa Xuân, ai không muốn.
Chính vì cảm nghĩ mình là một người tốt nên Klimentiev không len lỏi chen vào toa xe điện như những thị dân Mạc Tư Khoa vội vã về nhà và muốn chiếm chỗ ngồi trong xe, y để cho mọi người vào trước và y là người cuối cùng bước vào toa xe trước khi cánh cửa đóng lại. Không tìm ghế ngồi, y đứng vịn cánh tay vào cột và nhìn khuôn mặt cương nghị, can đảm của y phản chiếu trên làn kiếng cửa sổ toa xe, sau làn kiếng ấy là hầm tối và những ống hơi, những dây điện chạy dài vô tận. Rồi y rời mắt nhìn về một thiếu phụ ngồi gần chỗ y đứng. Thiếu phụ này ăn bận gọn ghẽ, đàng hoàng nhưng không đắt tiền, chiếc áo đen nàng bận thuộc loại hàng nhân tạo, vai nàng choàng chiếc khăn cũng bằng thứ hàng này. Một chiếc cặp da đặt ngay ngắn trên hai đùi nàng, Klimentiev nghĩ rằng khuôn mặt nàng khá xinh, dễ thương nhưng mệt mỏi, và vẻ mặt nàng có một cái gì khác với những thiếu phụ hãy còn trẻ khác, nàng có vẻ như không hề chú ý gì đến những chuyện xảy ra quanh nàng.
Đúng lúc Klimentiev đang nhìn nàng, người thiếu phu ngước mắt lên và mắt nàng bắt gặp mắt y. Hai người nhìn nhau với những đôi mắt vô hồn, vô tình cảm như những kẻ đi tàu, đi xe tình cờ nhìn nhau trong khoảnh khắc thời gian nào đó. Rồi khi đôi mắt người thiếu phụ chớp chớp như để dò hỏi, Klimentiev, nhờ thói quen nghề nghiệp, đã nhớ lại được mặt nàng. Y biết nàng là ai và y không sao dấu nổi vẻ y biết nàng là ai. Về phần người thiếu phụ, nàng nhìn thấy vẻ do dự của Klimentiev và nàng biết rằng nàng đã đoán đúng.
Người thiếu phụ này là vợ của tù nhân Nerzhin. Klimentiev từng nhìn thấy nàng khi nàng đến thăm chồng ở nhà tù Taganka.
Nàng nhíu đôi lông mày, đưa mắt nhìn đi, rồi lại nhìn trở lại mặt Klimentiev. Bây giờ Klimentiev nhìn qua cửa toa ra đường hầm nhưng ở góc mắt y, y cảm biết là người thiếu phụ đang nhìn y. Rồi nàng đứng dậy và với một vẻ quả quyết thấy rõ, nàng đi tới chỗ Klimentiev. Y bắt buộc phải quay lại nhìn nàng.
Nàng đứng lên với sự quả quyết nhưng vừa rời khỏi chỗ ngồi, vẻ quả quyết của nàng tan rã ngay và nàng trở thành bối rối, ngần ngại, do dự, mặc dù có cái cặp da nặng trên tay, nàng có vẻ như người đứng dậy để nhường chỗ ngồi cho ông Trung tá đứng trước mặt nàng. Trên đầu nàng treo nặng cái số phận không may của những người vợ những tù nhân chính trị – vợ của những kẻ bị coi là
kẻ thù nhân dân, dù rằng những người đàn bà này làm gì, đi đâu, ở đâu, một khi người ta biết họ là vợ những chính trị phạm đang bị tù họ cũng như kéo theo cái xấu xa ghê gớm của chồng họ. Trước mắt mọi người, họ cùng chịu chung tình trạng khốn nạn của những kẻ bất lương mà họ đã dại dột lỡ trao thân, gửi phận. Và những người đàn bà khốn khổ này cảm thấy họ có tội thực sự, họ đáng bị khinh bỉ thực sự trong khi người chồng họ, những
kẻ thù đích thực của nhân dân, vì chỉ sống ở trong tù, không cảm thấy.
Đứng ngay trước mặt Klimentiev để cho y có thể nghe được tiếng mình nói trên tiếng động của con tàu, người thiếu phụ cất tiếng:
"Đồng chí Trung tá… Xin tha lỗi cho tôi… Ông là vị chỉ huy chồng tôi, phải không ạ?"
Trong nhiều năm sống với chức vụ sĩ quan an ninh nhà tù, Klimentiev từng thấy đủ các hạng đàn bà đứng trước mặt y, và y không thấy có gì lạ trong vẻ sợ hãi, do dự, bối rối của họ. Nhưng trong lòng con tàu này, giữa mọi người và trước mắt mọi người, mặc dù người thiếu phụ này tỏ ra thận trọng, vẻ sợ hãi van xin của nàng cũng là một cái gì lạc chỗ.
"Ngồi xuống chứ… Sao lại đứng lên? Ngồi đi".
Klimentiev bối rối nói. Y muốn nắm tay áo người thiếu phụ, đưa nàng trở lại chỗ ngồi, nhưng nàng nói:
"Thưa… không sao…"
Người thiếu phụ lùi xa hơn một chút để Klimentiev khỏi nắm được tay áo nàng, nàng nhìn vào mặt y, đôi mắt nàng biểu lộ một ý van xin mạnh mẽ gần như là cuồng dại:
"Trung tá làm ơn cho tôi biết… tại sao gần một năm nay tôi không được thăm chồng tôi? Tại sao vợ chồng tôi không được gặp nhau? Bao giờ tôi được gặp? Xin cho biết…"
Có một sự ngẫu nhiên vừa xảy ra, lạ lùng như là một hạt cát tình cờ bay trúng một hạt cát khác nằm cách xa cả trăm thước: vừa mới tuần trước đây Cơ quan MGB phụ trách an ninh nhà tù vừa mới cho phép một số tù nhân được quyền gặp vợ con, cha mẹ, trong số tù nhân này có Gleb Nerzhin, chồng của người thiếu phụ này. Gleb Nerzhin sẽ được gặp mặt trong ngày Chủ nhật 25 tháng Chạp ở nhà tù Lefortovo. Nhưng cùng với giấy phép này, những thượng cấp của Klimentiev còn ghi lệnh cuộc thăm viếng không được "niêm yết" và tù nhân không được tự mình báo tin về cho vợ, tù nhân phải cho ban quản đốc biết địa chỉ của vợ và ban quản đốc sẽ gửi thư đến địa chỉ đó báo cho người đàn bà biết.
Nerzhin đã được Klimentiev gọi vào văn phòng để hỏi địa chỉ của vợ hắn, nhưng Nerzhin nói là hắn không biết. Kinh nghiệm cho Klimentiev biết rằng Nerzhin không muốn tiết lộ địa chỉ của vợ vì hắn không muốn làm hại vợ hắn. Bởi vì một khi thư gọi của nhà tù gửi đến, tất cả những người sống quanh vợ tù nhân sẽ biết và tự nhiên, họ sẽ tẩy chay người vợ tù nhân. Không một tù nhân nào muốn cho vợ con còn sống ở ngoài rơi vào cảnh bị tẩy chay, bị nghi ngờ, khinh bỉ ấy.
Khi Nerzhin nói rằng hắn không biết địa chỉ của vợ, Klimentiev nói rằng nếu không biết, hắn sẽ không được gặp vợ hắn. Và Klimentiev đã quyết định gạch tên Gleb Nerzhin khỏi bản danh sách những tù nhân được gặp vợ trong ngày Chủ nhật này.
Và giờ đây, sự tình cờ dàn xếp cho Klimentiev gặp người vợ của Nerzhin trong toa xe điện ngầm đang chạy. Nàng đang đứng bối rối trước mặt y và những kẻ khác đang chú ý nhìn họ.
"Chị được phép thăm nhưng chị phải cho chúng tôi biết địa chỉ" – Klimentiev nói lớn để người thiếu phụ có thể nghe rõ được tiếng y trên tiếng động của con tàu đang di chuyển – "Lệnh thăm không được niêm yết".
"Nhưng tôi sắp phải đi xa" – nét mặt người thiếu phụ trở nên linh động, tràn đầy hy vọng bất ngờ, nàng nói lớn – "Tôi sắp phải đi xa. Tôi không có địa chỉ nhất định".
Klimentiev nghĩ rằng nàng nói dối. Y tính đến trạm tới y sẽ tới toa tàu và nếu người thiếu phụ này theo y, trong khung cảnh tương đối vắng vẻ của trạm xe buổi tối y sẽ giải thích cho nàng hiểu rằng y không thể tiếp chuyện nàng ở ngoài đường như thế này, muốn hỏi gì về chồng nàng, nàng phải làm đơn gửi về Bộ An ninh.
Trong khi đó người vợ của tù nhân Gleb Nerzhin, kẻ thù của nhân dân, như quên tư cách đáng khinh của mình, nàng nhìn thẳng vào mặt viên Trung tá và đôi mắt nàng lúc đó là đôi mắt sôi nổi nồng nàn, đòi hỏi, đó là đôi mắt của một người bất mãn khi thấy quyền lợi của mình không được tôn trọng. Klimentiev ngạc nhiên vì ánh mắt ấy. Y tự hỏi không biết có một sức mạnh gì đã buộc chặt người đàn bà này vào gã đàn ông tù nhân kia, có sức mạnh nào đã làm cho nàng mù quáng hy vọng chờ đợi được đoàn tụ với người chồng mà nàng đã phải sống xa không biết bao nhiêu năm, với những chồng chỉ đem đến cho đời nàng những bi thảm, những chồng có thể tàn phá cả đời nàng.
"Tôi cần được gặp chồng tôi. Tôi cần lắm…"
Nàng nói, đôi mắt mở lớn, như nàng cần làm cho Klimentiev tin rằng nàng cần gặp chồng nàng.
Klimentiev nhớ lại tờ chỉ thị về luật mới quy định việc tù nhân được thăm viếng nằm trên bàn giấy y, theo chỉ thị này, những người vợ nào không chịu khai địa chỉ sẽ không bao giờ được phép thăm chồng. Nhưng nếu sáng mai đây người thiếu phụ này đến nhà tù Lefortovo, nàng có thể tình cờ được gặp chồng nàng ở đấy, sẽ không ai biết rằng Trung tá An ninh Klimentiev là người báo tin ấy cho nàng.
Con tàu điện bắt đầu chạy chậm lại.
Nhiều ý nghĩ mâu thuẫn theo đuổi nhau đến trong óc Trung tá Klimentiev. Y nhớ lại lỗi lầm y đã mắc phải trong thời gian chỉ vì sự tốt bụng, chỉ vì lòng thương người, y biết rõ hơn bất cứ ai và y thường khuyên những thuộc viên của y không bao giờ được hành động theo tình cảm, một sĩ quan an ninh chỉ biết có luật lệ, sĩ quan an ninh không có tình cảm. Nhưng khi con tàu dừng lại trước trạm xe bằng đá trắng, Klimentiev nói với người thiếu phụ:
"Chị được phép gặp vào ngày mai. 10 giờ sáng mai".
Y không nói ra những tiếng "nhà tù Lefortovo" vì đám hành khách đã đứng vây quanh y chờ đi ra cửa xe, y chỉ hỏi mơ hồ nhưng y tin rằng người thiếu phụ hiểu:
"Chị biết Lefortovo chứ?"
Người thiếu phụ cuống quít gật đầu:
"Tôi biết… Tôi biết…"
Và đôi mắt nàng đang ráo hoảnh bỗng tự nhiên tràn đầy nước mắt.
Tránh nhìn nước mắt, tránh sự cám ơn làm y trở thành khả nghi trước mắt mọi người, Klimentiev bước vội ra khỏi toa xe. Y đứng trên sân ga lạnh chờ chuyến xe tới. Y ngạc nhiên không hiểu tại sao y lại hành động trái luật đến như thế và y bực dọc với chính y.
*
Trung tá An ninh Klimentiev cố tình để cho tù nhân Nerzhin đứng chờ thật lâu ngoài hành lang vì Nerzhin là một tên tù hỗn hào, một tên tù luôn luôn đòi áp dụng đúng luật.
Klimentiev tính đúng tâm trạng của Nerzhin: bị đứng chờ lâu như thế, Nerzhin sẽ tiêu tan hy vọng được gặp mặt vợ trong chuyến viếng thăm hôm nay, và càng chờ lâu chừng nào, hắn càng nghĩ rằng sắp có sự không may xảy đến cho hắn. Khi được biết rằng trong vòng một tiếng đồng hồ nữa hắn sẽ được gặp vợ, Nerzhin sẽ mừng đến không còn tự chủ được. Và đúng như Klimentiev nghĩ, Nerzhin tươi hẳn nét mặt, hắn còn nồng nhiệt cám ơn, một việc mà Klimentiev chưa từng thấy hắn làm bao giờ.
Trước sự vui mừng của tên tù, Trung tá Klimentiev lập tức ra chỉ thị cho tiểu đội giám thị có nhiệm vụ đưa bọn tù đến nhà tù Lefortovo hôm nay.
Y nhắc lại với tiểu đội giám thị nhiều điều quan trọng, trong đó điều đáng kể nhất là nhấn mạnh cho họ nhớ lại tinh thần ngoan cố của bọn tội phạm: chúng sẽ lợi dụng cuộc thăm viếng này để truyền những tin tức mật ra ngoài, vợ chúng sẽ đem những tin tức có hại cho quốc gia đó đi bán cho bọn Hoa Kỳ – đa số giám thị không biết có những công tác gì đang được thực hiện trong Viện Mavrino và dễ dàng làm cho họ tin rằng chỉ một mảnh giấy nhỏ cũng đủ làm tan nát cả Liên bang Xô Viết - rồi y đọc lại cho bọn họ nhớ bản danh sách liệt kê những nơi mà bọn tù có thể giấu giếm tài liệu và họ phải khám kỹ - thực ra, những tù nhân được đi thăm đều được phát một bộ quần áo riêng, chúng chỉ được bận quần áo lành lặn này trước khi lên xe đi và khi về tới phải cởi trả lại ngay, nhưng giám thị cũng vẫn phải đề phòng. Sau đó Klimentiev chất vấn các giám thị để kiểm soát xem họ hiểu nhiệm vụ của họ đến chừng nào. Cuối cùng, y nói với họ một số tỷ dụ về các lời trao đổi giữa các tù nhân với vợ chúng để các giám thị có thể can thiệp kịp thời, cắt đứt những lời có hại. Tù nhân và vợ chỉ được phép nói toàn chuyện riêng và chuyện gia đình chúng.
Trung tá An ninh Klimentiev là một sĩ quan biết rành luật lệ và thích trật tự.
25. Lên cao tuyệt đỉnh
Giáo sư Toán học Chelnov, một ông già, là nhân vật quen thuộc của nhiều nhà tù đặc biệt như Viện Mavrino. Giáo sư Chelnov là người đã nhiều lần viết danh từ "tù nhân" để trả lời câu hỏi "quốc tịch" trong những bản khai lý lịch. Vào năm 1950, Giáo sư Chelnov hoàn thành năm tù thứ mười tám trong cuộc đời tù tội của ông, ông cũng là người từng đặt cây viết chì trong tay ông lên rất nhiều phát minh khoa học, từ việc phát minh ra máy hơi nước đến những động cơ phản lực, trong nhiều phát minh có nằm rải rác và thấp thoáng những mảnh linh hồn của ông.
Ở trong Viện Khoa học Mavrino, Giáo sư Chelnov là người tù duy nhất không bị bắt buộc phải bận bộ đồng phục giống kiểu quân phục của binh chủng Nhảy dù. (Vấn đề này đã được đưa lên tới tận Tổng trưởng Abakumov để xin giải quyết). Nguyên nhân chính làm cho Giáo sư Chelnov không bị bắt buộc phải ăn bận như mọi người khác ở đây là vì ông không phải là một tù nhân thường trực của Mavrino, ông chỉ là một tù nhân tạm, ông chỉ được đưa đến đây khi có việc cần đến ông, khi hết việc hoặc khi nơi khác cần đến ông hơn, ông sẽ được đưa đi nơi khác. Trong dĩ vãng, Giáo sư Chelnov từng là hội viên của Hội Khoa học gia Nhà nước và từng giữ chức Viện trưởng Viện Toán học. Hiện nay tuy bị tù, ông vẫn được đặt dưới quyền sử dụng của riêng Beria.
Nhưng Giáo sư Chelnov không lợi dụng đặc quyền của ông để lựa chọn y phục như những kẻ tầm thường sẽ làm khi được cái quyền ấy. Ông chỉ bận những bộ y phục rẻ tiền, màu áo với màu quần không hợp nhau, ông đi đôi giày nỉ dưới chân, đội một cái mũ len đan như mũ của những người trượt tuyết trên mái tóc bạc thưa, y phục của ông nổi bật lên với chiếc khăn lên choàng trên vai, chiếc khăn choàng vai này quá rộng, khăn phủ kín cả lưng ông như kiểu khăn choàng của những bà già nhà quê.
Nhưng trong cái mũ len ấy, dưới chiếc khăn choàng quê kệch ấy, Giáo sư Chelnov có một vẻ uy nghi riêng, sự hiện diện của ông bao giờ cũng làm cho người khác kính nể, không một ai dám cười ông vì chiếc khăn choàng đàn bà ấy. Khuôn mặt dài và thon của ông, những nét sắc của mắt mũi ông, thái độ đường bệ và ngôn ngữ nghiêm chỉnh của ông khi ông giao thiệp với những kẻ có quyền trong Viện, màu mắt xanh nhạt của ông – màu mắt mơ hồ mà người ta chỉ có thể nhìn thấy ở mắt những người suy nghĩ nhiều làm cho Giáo sư Chelnov giống một cách kỳ lạ với triết gia Descartes hoặc những nhà toán học thời Phục hưng ở Âu Châu
[1] .
Giáo sư Chelnov được đặc biệt gửi tới Viện Mavrino để giúp việc thực hiện giàn máy điện thoại bí mật cho Stalin. Nhưng ông không phải phụ trách riêng một việc gì cả, ông là một thứ cố vấn hướng dẫn tất cả những nhà khoa học khác. Tất cả mọi người trong Viện Mavrino đều có thể đem những thắc mắc về toán học của mình đến trình bày với Giáo sư Chelnov, ông sẽ giải thích, sẽ cho họ biết họ đúng hay sai, phát minh của họ sẽ có giá trị hay không.
Có thể nói là tất cả những nhà khoa học sống trong Viện Mavrino đều bận rộn với việc chế tạo giàn máy điện thọai bí mật, trừ một người. Người đó là Sologdin.
Kỹ sư Sologdin được tuyển từ một trại tập trung ở miền Bắc Inta đưa về Viện Mavrino. Nhưng vừa về tới Viện, Sologdin đã khai với tất cả mọi người rằng tinh thần của mình bị yếu đuối vì thời gian đau ốm, thiếu thốn vật chất dài ở trại tập trung, ký ức của mình bị quên lãng và khả năng của mình nhụt kém. Nói tóm lại, Sologdin yêu cầu được có một thời gian để phục hồi trước khi nhận công tác. Sologdin yên tâm đòi hỏi như vậy vì ở trại tập trung, anh cũng là một kỹ sư, được dùng vào xưởng máy, nếu có phải trở về trại, anh cũng không đến nỗi khổ sở, vất vả lắm.
Sologdin được ở lại Viện trong tình trạng chờ xem, thử thách. Tuy ngày ngày anh vẫn vào phòng nghiên cứu làm việc như mọi người nhưng anh không có trách vụ rõ rệt, việc anh làm không bị kiểm soát, thúc giục, anh ở ngoài dòng nước cuồn cuộn chảy về hướng giàn máy điện thoại bí mật cần hoàn thành gấp để dâng cho Lãnh tụ Tối cao. Và Sologdin đã thảnh thơi nhàn nhã và bí mật hoàn thành được một hệ thống phân thanh đặc biệt cần thiết cho việc chế tạo giàn máy điện thoại bí mật. Anh làm việc ban đêm cho đến nay, chưa ai trong Viện biết là anh đã thành công, anh đã nắm trong tay vật báu mà Yakanov đang mơ ước.
Trong thời gian nửa năm, Sologdin đã tìm được một giải pháp mà 10 kỹ sư chuyên môn khác được giao cho trách nhiệm tìm đã không ra. những kỹ sư kia không phải là bất tài hoặc tài năng kém Sologdin, họ tìm không ra chỉ vì họ bị kiểm soát vô lý và thúc giục không đúng cách. Hai ngày trước đây Sologdin đã trao phát minh của anh cho Giáo sư Chelnov để ông này kiểm soát giùm. Đây là một việc riêng giữa Sologdin và Chelnov và buổi sáng Chủ nhận này, Sologdin kính cẩn đi bên Chelnov lên cầu thang, anh thận trọng đỡ nhẹ cánh tay ông già đề phòng ông trượt chân hoặc bị đám tù nhân xô đẩy, anh đi theo ông già vào phòng nghiên cứu để nghe ông phán quyết về phát minh của anh.
Trên con đường đi qua những hành lang và, Giáo sư Chelnov không đả động gì đến vấn đề đang làm cho Sologdin bồi hồi, khích động, ông không nói là "được" hay "hỏng" để cho Sologdin an tâm. Ông cũng vui vẻ nói chuyện buổi sáng sớm hôm nay ông gặp Lev Rubin và Rubin đã đọc cho ông nghe bài thơ hắn mới sáng tác được về một đề tài trong Kinh Thánh. Ông công nhận vần điệu của bài thơ không đến nỗi dở lắm xong tinh thần của đề tài, theo ông, không được chỉnh mấy. Bài thơ diễn tả lại việc Moses đưa đám dân Do Thái đi qua sa mạc trong bốn mươi năm, chịu đói khát, khổ ải, thiếu thốn đủ thứ, vì vậy đám dân nổi điên vì tuyệt vọng và chống lại Moses, nhưng họ sai và Moses đúng, vì cuối cùng Moses vẫn dẫn họ được tới vùng đất hứa ở đó tất cả mọi người đều sung sướng. Rubin có vẻ đã đặt hết tâm hồn của hắn vào bài thơ này.
Nhưng Giáo sư Chelnov không đồng ý với Rubin về sự quả quyết là Moses đã hành động đúng. Ông nhắc cho Rubin nhớ về điều kiện
địa dư của chuyến đi ấy. Từ sông Nil tới Jerusalem đoàn người Do Thái chỉ phải đi có 250 dặm đường, điều này có nghĩa là dù cho họ có nghỉ đi trong những ngày Sabbath, họ cũng chỉ phải đi nhiều lắm là ba tuần lễ. Vậy mà Mosses đã dẫn họ đi mất hết 40 năm. Đó là một sự quá đáng. Nếu Moses không lầm lẫn đưa họ đi quanh quẩn trong sa mạc thì đó là vì Moses cố ý không muốn cho họ đến ngay nơi họ muốn đến. Và thời gian quá đáng này là một nghi vấn về thiện chí của Moses
[2] .
Giáo sư Chelnov lấy chìa khóa mở cửa phòng làm việc của ông ở bàn giấy của người sĩ quan trực ngồi trước cửa văn phòng Yakanov. Trong số những tù nhân ở đây chỉ có ông và Mặt Nạ Sắt, tức Mamurin, được đặc quyền này. (Không một tù nhân nào được quyền có mặt nửa phút trong phòng nghiên cứu khi không có sự kiểm soát của một nhân viên tự do, người ta phải thận trọng như thế bởi vì tù nhân có thể lợi dụng phút không bị kiểm soát này để mở tủ sắt bằng chìa khóa giả, chụp hình những tài liệu mật bằng một cái nút quần, cho nổ một trái bom nguyên tử rồi bay thẳng lên mặt trăng).
Chelnov làm việc trong một căn phòng được gọi là "Bộ Óc", nơi đồ đạc chỉ vỏn vẹn có một cái tủ áo bằng gỗ và hai cái ghế trơ trọi. Người ta phải xin lệnh của Tổng Bộ An ninh để có thể phát cho Giáo sư Chelnov một chìa khóa riêng để ra vô phòng này. Kể từ ngày đó căn phòng này là một vấn đề làm cho sĩ quan An ninh Shikin mất ăn, mất ngủ. Đêm khuya, khi bọn tù đều bị nhốt chặt trong phòng giam sau nhiều lớp cửa sắt, Shikin từng nhiều lần vào căn phòng này mò mẫm, lục lọi, y gõ lên vách, sờ soạng trên những khe ván sàn phòng nhìn vào gầm tủ, vặn từng chân ghế và âu lo lắc đầu với những ý nghĩ nhất định rằng việc thượng cấp cho tù nhân được tự do đến thế này chỉ có hại chứ không có lợi.
Nhưng Giáo sư Chelnov không phải chỉ lấy được chìa khóa là có thể vào được căn phòng nhỏ này. Ông còn phải đi qua một trạm kiểm soát trên hành lang. Đi qua trạm này là vào khu gọi là Tối Mật. Trạm kiểm soát gồm một cái chòi gỗ như chòi canh của lính gác cửa, trong đặt một cái bàn, trên bàn là một máy điện thoại và sau bàn có một nữ kiểm soát viên ngồi hỏi giấy phép. Giấy phép ra vô khu Tối Mật này do Tổng Bộ An ninh cấp phát, gồm ba loại: giấy phép thường trực, giấy phép tuần và giấy phép một kỳ. Việc phân loại giấy phép này là do sáng kiến đề nghị của Thiếu tá An ninh Shikin.
Mặc dù Giáo sư Chelnov biết rõ người kiểm soát ngồi đó là Marya Ivanovna và chị này xem giấy phép của ông mỗi buổi sáng, khi ông đi tới, chị này vẫn nghiêm trọng hỏi:
"Giấy phép?"
Chelnov xuất trình giấy phép thường trực in trên miếng giấy dày và Sologdin xuất trình giấy phép tuần in trên tờ giấy mỏng.
Hai người đi qua trạm kiểm soát, qua hai khung cửa nữa, và Chelnov mở khóa cửa văn phòng làm việc riêng của ông.
Phòng này ấm cúng, gọn ghẽ, sạch sẽ với một khung cửa sổ nhìn xuống sân tập thể dục của tù nhân, nhìn xa ra hàng cây sồi cổ thụ vòm lá đọng sương đêm kết lại thành băng trắng xóa.
Một bầu trời trắng xám phủ trên trái đất.
Ở bên trái hàng cây sồi, ngoài vùng cấm, có một căn nhà gỗ rất xưa, những vách gỗ của căn nhà này đã chuyển thành xám vì thời gian và giờ đây trắng như vôi. Căn nhà có hai từng lầu và mái nhà lợp tôn trông giống như một chiếc thuyền. Trước đây nhiều năm người chủ khu đất này từng sống trong căn nhà gỗ đó. Xa kia là những mái nhà thấp của làng Mavrino, rồi đến một cánh đồng, rồi xa nữa là đường xe hỏa chạy về Mạc Tư Khoa. Vào lúc này ở trên đường xe hỏa đó có một làn khói trắng từ một đầu tàu bốc lên – đứng trong khung cửa sổ này người ta không thể nhìn thấy con tàu và đường tàu.
Nhưng Sologdin không để ý gì đến cảnh vật dàn trải trước mắt anh. Mặc dù được mời, anh cũng vẫn không ngồi xuống ghế. Khoẻ khoắn với cảm giác biết chắc là hai chân mình còn trẻ, còn mạnh, anh đứng dựa vai lên thành cửa sổ và nhìn lên tập giấy của anh đặt trên mặt bàn của Chelnov.
Chelnov ngồi xuống cái ghế có thành dựa cao, sửa lại chiếc khăn choàng lên vai, mở quyển sổ ghi đến trang chết, cầm cây bút chì lên và nghiêm trọng nhìn Sologdin. Giọng nói thân mật, nhẹ nhàng vừa qua đã hoàn toàn biến mất.
Sologdin có cảm tưởng như anh nghe thấy tiếng gió lộng trong phòng, như có những chiếc cánh lớn của một loài chim khổng lồ nào đó đang bay quanh anh. Giáo sư Chelnov chỉ nói trong có hai phút, nhưng những gì ông nói ra quan trọng và chính xác đến nỗi Sologdin phải nín thở để nghe. Chelnov đã làm cho Sologdin nhiều hơn điều mà Sologdin yêu cầu ông làm giùm. Không những ông chỉ kiểm soát phát minh của Sologdin mà thôi, ông còn dùng toán học giải quyết cho Sologdin những rắc rối mà anh mắc phải mất cả tháng trời mò mẫm cũng chưa chắc đã giải quyết được.
Nói xong, như quan tòa tuyên án, Chelnov gập quyển sổ lại và ngồi im lặng.
Sologdin nhắm mắt như ánh sáng vừa lóa lên làm anh bị mù, anh cũng đứng ngây ra đó, không sao nói được nên lời.
Từ những tiếng nói đầu tiên của ông già, Sologdin đã cảm thấy một làn sóng nước nóng chảy mạnh trong cơ thể anh. Giờ đây anh phải đưa hết sức nặng của thân thể anh lên thành cửa sổ để khỏi bay lên trần nhà vì sung sướng. Sologdin thành thật nghĩ rằng anh có thể bay vọt lên trần nhà nếu anh muốn.
Những ý nghĩ quay cuồng như bão tố trong óc Sologdin. Điều đáng kể là anh không nghĩ đến những gì chờ đợi anh với thành công khoa học này, anh nhớ lại cá nhân anh trước ngày anh bị tù. Trước kia anh là một con người như thế nào? Chắc chắn là trước kia anh không phải là một kỹ sư. Trước kia anh chỉ là một gã trẻ tuổi thích ăn diện, lo ăn diện hơn là làm việc, cho đàn bà là quan trọng hơn tất cả trên đời. Chính là vì đàn bà mà một kẻ ghen tuông với anh cho anh đi tù.
Rồi anh sống ở những nhà tù Butyrskaya, Presnya, Sevurallag, Ivdellag, Kargopollag…
Ngay cả vào tù, anh cũng vẫn chưa hết rắc rối với đàn bà. Sologdin nhớ đến cái tên cai tù Kamyshan chuyên đánh tù nhân bằng gậy vào mồm cho gãy răng – hôm nào gã đi ngựa đến trại giam, gã đánh tù bằng roi ngựa – một nữ y tá phốp pháp thương hại Sologdin và không chịu Kamyshan. Vì chuyện này Sologdin lãnh thêm án mười năm tù vì báo cáo của tình địch Kamyshan. Anh gần chết vì chuyện này nhưng anh vẫn không oán hận gì người nữ y tá đó hết.
Đó là lần Sologdin bị khiêng từ tòa án xuống thẳng nhà thương. Anh hấp hối. Thân thể anh từ chối ăn uống. Anh nằm như xác chết cho đến ngày người ta khiêng anh xuống nhà xác, ở đây người ta dùng búa bổ vỡ sọ anh trước khi đem đi chôn, nhưng trên đường đi, không biết vì sao anh lại cựa quậy và ú ớ nói được lên tiếng.
Và bây giờ anh ở đây, bây giờ anh sắp được ra khỏi đây. Nhờ phát minh này, anh sắp được trở lại với cuộc sống tự do. Đó là một giấc mơ không thể có thật. Ông già thông thái này vừa nói những lời ca tụng ai đó chứ không phải là nói với anh.
Chelnov gập tờ giấy của Sologdin lại làm bốn, rồi làm tám cho đến khi nó có thể nằm gọn trong lòng bàn tay:
"Chú vẫn còn nhiều việc phải làm lắm" – ông nói – "Nhưng tôi có thể nói chắc rằng kiểu mẫu này là kiểu mẫu tiện lợi nhất, tối tân nhất. Nó sẽ đem tự do lại cho chú. Án tù của chú có thể được xóa bỏ".
Vì một nguyên nhân nào đó mà người trẻ tuổi kia không thể hiểu, khi nói đến câu này, ông già mỉm cười. Nụ cười của ông cũng sắc và thông minh như nét mặt của ông.
Chelnov cười vì mình chứ không cười vì Sologdin. Tuy ông từng thực hiện được nhiều việc quan trọng hơn việc của Sologdin, ông vẫn không bị đe dọa bởi chuyện được trả tự do hay không, được thủ tiêu án tù hay không. Bởi vì ông không có án tù. Lâu rồi ông đã công khai nói lên ý nghĩa của ông về Lãnh tụ Anh minh, vị Cha Hiền của Dân tộc, ông coi hắn là một con rắn độc và vì vậy, ông bị bắt đưa đi tù, không ra tòa, không có án, không hy vọng.
Sologdin mở cặp mắt xanh sáng rực, đừng thẳng người lên và nói một câu cứng ngắc như một kịch sĩ tập sự nói trên sân khấu:
"Vladimir Erastovich… ông giúp tôi rất nhiều. Ông đem lại cho tôi niềm tin và hy vọng. Tôi không biết dùng lời nào để cám ơn ông. Tôi chỉ có thể là tôi chịu ơn ông rất nặng".
Đưa tờ giấy gấp nhỏ trả lại cho Sologdin, như chợt nhớ ra, ông già nói:
"Tôi phải xin lỗi chú. Chú có yêu cầu tôi là đừng cho Yakanov nhìn thấy đồ hình kiểu mẫu này, nhưng hôm qua hắn đến phòng tôi và hắn tình cờ mở xem đúng tờ giấy này. Chú hiểu cho … tôi chỉ có thể không tự ý đưa cho hắn xem nhưng tôi không thể ngăn được hắn xem giấy tờ trên bàn tôi. Hắn nhìn và hắn hiểu ngay đây là kiểu mẫu gì. Hắn hỏi và tôi phải nói đến chú".
Nụ cười biến mất trên môi Sologdin. Ông già thấy người trẻ tuổi cau mặt lại. Ông ngạc nhiên:
"Chuyện hắn biết có gì quan trọng đâu? Trước sau gì chú cũng phải cho hắn biết…"
Sologdin cũng không biết rõ tại sao anh khó chịu. Anh nhìn xuống để tránh tia mắt soi mói của ông già:
"Tôi không biết phải nói sao… nhưng tôi chắc ông hiểu. Đây là một phát minh không có lợi cho tất cả mọi người. Tôi do dự nghĩ đến
người đó dùng phát minh của tôi. Tôi không sáng tạo ra vật này với mục đích cho y dùng. Tôi chỉ làm để thử sức tôi, để chứng minh với tôi rằng tôi có thể làm được. Tôi làm cho tôi".
Sologdin ngẩng mặt lên.
Chelnov hiểu hơn ai hết câu nói của người trẻ tuổi. Làm cho mình là biểu dương cao nhất của việc nghiên cứu, tìm kiếm.
Nhưng ông cũng thản nhiên nói:
"Tôi hiểu… Xong trong trường hợp của chú, tôi sợ chú không thể nào làm theo ý chú được".
"Dạ…" Nụ cười sung sướng nở lại trên môi Sologdin – "Tôi xúc động nên tôi nói bậy. Xin ông đừng nghĩ ngợi gì. Tôi cám ơn, cám ơn…"
Anh kính cẩn nắm lấy bàn tay nhăn nheo, yếu xìu của ông già rồi cẩn thận bỏ tờ giấy vào túi, anh đi ra khỏi phòng.
Khi đi tới căn phòng này, anh là một người tương đối tự do, lòng anh đầy hy vọng, anh ra khỏi đây như một kẻ chiến thắng nhưng lệ thuộc quá nhiều điều kiện. Anh không còn làm chủ được ý muốn của anh, phát minh của anh.
Còn lại một mình trong phòng, ông già không dựa lưng lên ghế, ông ngồi thẳng người, hai mắt nhắm lại trong một lúc lâu.
26. Dấu phạt
Vẫn hân hoan sung sướng, Sologdin đẩy mạnh cánh cửa phòng Đồ Hình và bước vào. Nhưng thay vì cảnh đông đảo hoạt động mà anh chờ đợi trông thấy, trong căn phòng rộng sáng nay chỉ có mỗi một người đàn bà đứng bên cửa sổ.
"Larisa Nikolayevna… Chỉ có mình cô ở đây thôi sao?"
Sologdin ngạc nhiên hỏi. Anh vừa hỏi vừa rảo bước đi tới bàn làm việc của anh.
Larisa Nikolayevna Emina, một thiếu phụ ba mươi tuổi, nhân viên tự do và là nữ họa viên, quay lại từ cửa sổ, nàng cười với Sologdin.
"Dmitri Aleksandrovich…? Tôi tưởng cả sáng hôm nay tôi sẽ ngồi buồn một mình ở đây chứ…"
Giọng nói của nàng như chứa đựng một ý nào đó. Sologdin nhìn nàng và ánh mắt ghi nhận nhanh của anh bao bọc tấm thân nảy nở của nàng nằm trong bộ y phục bằng sợi len đan màu trắng sáng. Không trả lời nàng, anh đi thẳng tới bàn và trước khi ngồi xuống ghế, anh cầm bút vạch một nét lên tờ giấy hồng để sẵn trên bàn. Xong, đứng quay lưng về phía Emina, anh đặt một tờ giấy vẽ lên bàn vẽ của anh.
Phòng Đồ hình là một căn phòng rộng ở tầng lầu ba. Phòng có ba khung cửa sổ rộng mở về phía nam. Giữa những bàn viết và kệ sách thường phòng có chừng mười bàn vẽ giống như bàn vẽ của Sologdin và Emina. Bàn vẽ của Sologdin đặt hướng về cửa ra vào và ánh nắng tràn vào từ cửa sổ chan hòa trên tờ giấy gắn trên đó.
Sau cùng Sologdin hỏi:
"Sáng nay họ đi đâu hết? Sao không thấy ai đến cả?"
Tiếng nói trong và nhịp nhàng của người thiếu phụ vút cao:
"Tôi đang định hỏi anh câu ấy".
Sologdin quay phắt lại nhìn nàng và nói:
"Tôi chỉ có thể trả lời cô về bốn tên tù khốn nạn làm việc ở đây hiện đang ở đâu mà thôi. Một tên được đưa đi gặp vợ. Tên Hugo Leonardovich đang dự lễ Giáng sinh Latvia. Tôi đang trả lời có tên thứ tư Ivan Ivanovich xin được phép ngồi vá lại đôi vớ. Kể từ ngày hắn vào tù đến giờ, đôi vớ rách này là đôi vớ thứ hai mươi của hắn. Những người tôi muốn hỏi sáng nay đi đâu không đến làm việc là mười sáu nhân viên tự do, những đồng chí có tinh thần trách nhiệm và yêu công tác hơn chúng tôi kìa".
Emina nhìn rõ nụ cười kiêu hãnh, khinh mạn trên đôi môi mỏng của Sologdin, nụ cười nở giữa hàng ria mịn và bộ râu đen gọn ghẽ để treo kiểu người Pháp ấy làm cho nàng thích thú.
"Sao? Bộ anh không biết là đồng chí Trưởng toán của chúng tôi đã thỏa thuận với đồng chí Viện trưởng là chúng tôi được nghỉ trọn ngày hôm nay sao? Chỉ có tôi là không may phải đi trực thôi".
"Ngày nghỉ? Vì lý do gì mà nghỉ?"
"Lý do gì nữa? Hôm nay là Chủ nhật".
"Từ bao giờ Chủ nhật được coi là ngày nghỉ nhỉ?"
"Đồng chí Trưởng toán chúng tôi nói rằng chúng tôi có quyền nghỉ một ngày vì lúc này không có công tác gì phải làm cấp bách cả".
"Các người không có công tác gì phải làm?" – Sologdin kêu lên giận dữ – "Các người nghĩ sao nếu tôi dàn xếp cho các người, tất cả mười sáu người, có việc ngồi vẽ cả ngày lẫn đêm. Cô có muốn thế không?"
Việc phải ngồi vẽ lại những đồ hình phức tạp là một đe dọa hãi hùng cho Emina cũng như cho những cô bạn của nàng, xong nàng vẫn thản nhiên. Vẻ thản nhiên, trầm tĩnh hợp với sắc đẹp nảy nở toàn diện như một bông hoa của nàng. Nàng đứng dựa bụng vào cạnh bàn vẽ và chiếc áo len đan ôm vừa vặn da thịt nàng làm nổi bật bầu ngực dày của nàng. Nàng đu đưa hai chân và nhìn Sologdin bằng cặp mắt thiện cảm:
"Chúa cứu chúng tôi! Mà anh có nhẫn tâm làm nổi cái việc đó không chứ?"
Sologdin lạnh lùng nhìn nàng:
"Tại sao cô lại kêu Chúa? Cô là vợ một nhân viên Mật vụ mà?"
Emina ngạc nhiên:
"Là vợ nhân viên Mật vụ thì sao? Có gì khác?" – Nàng hỏi lại – "Đến lễ Giáng sinh chúng tôi cũng làm bánh Giáng sinh. Chúng tôi có gì khác mọi người đâu?"
"Bánh Giáng sinh?"
"Chứ sao?"
Emina ngồi xuống và Sologdin đứng cao nhìn xuống nàng. Màu len trắng hợp với nước da hồng hào của nàng. Cả chiếc áo và chiếc xiêm nàng bận đều bó sát lấy thân thể nàng, để cho người nhìn thấy được da thịt đầy đặn của nàng. Nút áo cổ mở để hở chút ngực và vai nàng.
Sologdin vạch một nét nữa trên tờ giấy hồng và nói, giọng anh thản nhiên nhưng không có ác cảm:
"Cô nói chồng cô là Trung tá Mật vụ? Phải không nhỉ?"
"Phải. Nhưng đó là chồng tôi. Còn mẹ tôi với tôi đều là đàn bà".
Emina nói câu đó với nụ cười ngây thơ có sức quyến rũ thật lạ. Mái tóc đen dày của nàng quấn lại thành từng vòng quanh đầu nàng làm cho nàng, có cái vẻ trang trọng của những nữ hoàng ngày xưa. Nàng mỉm cười và đột nhiên nàng giống như một thiếu phụ nông thôn, nhưng là một thiếu phụ nông thôn do nữ kịch sĩ nổi tiếng Emma Tsesarskaya đóng.
Sologdin không nói gì nữa, anh ngồi xuống ghế để khỏi phải nhìn Emina và anh bắt đầu nghiên cứu đồ hình trên bàn vẽ.
Anh vẫn còn xúc động vì những lời phán quyết của Giáo sư Chelnov và anh muốn dành hết thì giờ và tâm trí vào việc hoàn thành sáng chế của anh. Giáo sư Chelnov có nói anh còn nhiều việc phải làm. Anh muốn anh hoàn toàn thảnh thơi tâm trí và tin tưởng khi anh phải đối phó với Yakanov để tính chuyện đi ra khỏi đây.
Vì vậy Sologdin muốn cắt đứt mọi liên lạc với Emina để trở về với công việc. Emina từng ngồi cạnh anh cả nửa năm trời nay nhưng chưa bao giờ anh có dịp nói chuyện nhiều với nàng như hôm nay, chưa bao giờ chỉ có anh và nàng ngồi riêng với nhau trong căn phòng rộng này. Đôi khi Sologdin cũng nói đùa vài câu với nàng theo đúng chương trình làm việc hai tiếng đồng hồ lại có năm phút nghỉ của anh. Emina là chuyên viên họa đồ làm việc dưới quyền anh, nàng là một bà ở một giai cấp khá cao trong xã hội trong khi anh chỉ là một tên nô lệ có học và anh khó chịu nhiều hơn là thoải mái khi anh nhìn thấy tấm thân đàn bà nảy nở của nàng ở cạnh anh suốt ngày dài.
Emina vẫn chống hai cùi chỏ tay lên bàn, nàng vẫn đong đưa nửa người trên của nàng và nàng hỏi:
"Còn anh, Dmitri Aleksandrovich… Ai vá những chiếc vớ rách cho anh?"
"Tôi hả?" – Đôi lông mày của Sologdin nhướng lên nhưng anh vẫn nhìn vào đồ hình – "Tôi không vá vớ. Tôi đi rách là thay đôi khác".
"Độ bao lâu thì anh phải thay vớ mới?"
"Tôi đi liền một đôi vớ trong một năm, một năm thay một đôi…"
Emina kêu lên như hoảng sợ:
"Một năm mới thay một đôi vớ, anh nói thật hay giỡn chơi?"
Sologdin cười lớn, tiếng cười của anh còn trong và vô tư:
"Một năm chứ sao. Cô tưởng bọn tôi có thừa tiền để mua vớ sao? Lương tháng của cô bao nhiêu?"
"1.500 đồng ruble".
"Cô… cô là người vẽ lại những gì do tôi vẽ ra, cô lãnh mỗi tháng 1.500 đồng ruble trong khi tôi, tôi là "nhà sáng chế", tôi được lãnh mỗi tháng 30 đồng ruble. Nếu cô ở vào địa vị tôi, cô cũng không phí tiền mua vớ. Đúng không?"
Đôi mắt Sologdin sáng lên niềm vui. Lời anh nói chẳng có nghĩa gì với Emina hết nhưng vậy mà đôi má nàng cũng đỏ hồng lên.
Anh chồng của Emina, nói rõ ra, là một gã vô tích sự. Từ lâu rồi gã coi gia đình gã như một nơi để gã nương tựa, với Emina, vợ gã, từ lâu rồi gã đã trở thành một vật vô hồn như bàn ghế trong nhà. Khi ở sở về nhà, gã dành hết thì giờ và tâm trí vào việc ăn uống, gã ăn tham lam và tục tĩu, ăn no gã lăn ra ngủ. Trở dậy gã đọc báo và nghe radio. Gã mê radio. Tháng nào gã cũng bận bán cái máy radio cũ đi để mua cái mới. Đề tài duy nhất làm gã chú ý ăn ngủ và kích thích được gã là những trận đá banh. Vì là nhân viên Mật vụ, đội banh được gã ủng hộ nhiệt liệt là đội Dynamo (đa số cầu thủ trong đội này là nhân viên Mật vụ). Tâm hồn gã phẳng lặng; nông cạn và con người gã tầm thường đến nỗi Emina nản không còn muốn gần gã nữa. Nàng gần Sologdin nhiều hơn là gần chồng nàng. Và Sologdin với những cử chỉ nhanh nhẹn, với lối nói sắc sảo, với khả năng biến đổi thật nhanh từ vẻ nghiêm trọng sang đùa giỡn hấp dẫn nàng ghê gớm mặc dù không cố ý. Điều đáng nói nhất là Sologdin không hề hay biết là anh hấp dẫn Emina mạnh đến như thế.
Sologdin lại nhìn xuống đồ hình trên bàn vẽ và Emina có dịp nhìn ngắm lâu khuôn mặt anh, hàm râu đen và đôi môi dày của anh. Nàng tưởng tượng đến cảm giác những sợi râu ấy di động trên da thịt nàng.
Một lần nữa, Emina lại phá cái yên lặng của Sologdin:
"Dmitri Aleksandrovich … tôi có làm phiền anh không?"
"Chút ít".
Sologdin đang cần tập trung tư tưởng nhưng anh không thể suy nghĩ đến công việc khi người đàn bà này ở gần anh. Anh quay vào bàn giấy và quay lưng hẳn về phía Emina, anh soạn lại những giấy tờ trên bàn.
Anh có thể nghe rõ tiếng tích tắc phát ra từ chiếc đồng hồ đeo tay của Emina.
Emina chắp hai bàn tay lại và đặt má nàng lên đấy. Đôi mắt nàng mệt mỏi và trìu mến nhìn người đàn ông ngồi đó.
"Ngày nào cũng vậy, giờ nào cũng vậy" – Giọng nàng thì thầm với những âm thanh thán phục – "Anh ở trong tù mà anh vẫn học thêm, vẫn nghiên cứu thêm. Anh là một người thật lạ…"
Sologdin đang đọc nhưng rõ ràng là anh không đọc được gì hết, vì anh ngẩng đầu lên ngay:
"Tôi học trong khi ở tù thì đã sao? Tôi ở tù từ năm tôi hai mươi nhăm tuổi, tôi sẽ ra khỏi tù vào năm tôi bốn mươi hai. Có điều là tôi không tin là tôi có thể ra được nhà tù, người ta sẽ cho tôi một hạn tù nữa. Tôi sống những năm tháng đẹp nhất của tôi ở trong tù. Trong trường hợp tôi, nếu tôi không học ở tù, tôi học ở đâu? Ở bất cứ đâu ta cũng phải sống. Dựa vào hoàn cảnh để buông xuôi là thái độ hèn nhát".
Emina đưa ngón tay trỏ có móng tay dũa tròn và tô sơn hồng ra di di trên góc một tờ giấy trên bàn Sologdin:
"Tôi có chuyện này phải xin lỗi anh.."
"Chuyện chi vậy?"
"Có lần tôi đứng cạnh bàn anh và tình cờ tôi nhìn thấy anh viết thư. Tôi tình cờ nhìn thấy thật mà… Ít ngày sau tôi lại thấy…"
"Ít ngày sau cô lại tình cờ thấy nữa…?"
"Tôi lại thấy anh viết thư. Mà cái thư thứ hai này anh viết dường như giống hệt cái thư trước…"
"Như vậy có nghĩa là cô đã đọc hơi kỹ thư của tôi. Rồi, còn lần thứ ba, thứ tư cô tình cờ đọc thư của tôi nữa? Đúng không?"
Nàng mở rộng đôi mắt nhìn anh. Miệng nàng không nhận nhưng mắt nàng nhận.
"Nếu cô còn tiếp tục như thế nữa tôi rất tiếc sẽ phải miễn sự cộng tác của cô. Tôi sẽ tiếc cô... vì cô vẽ không đến nỗi quá dở".
"Nhưng chuyện đó lâu rồi. Từ ngày ấy đến nay tôi không còn thấy anh viết gì nữa".
"Cô lập tức báo cáo với Thiếu tá Shikinidi…?"
"Sao lại… Shikinidi?"
"Thì Shikin. Cô viết báo cáo dài mấy trang?"
"Sao anh lại nghi tôi như thế?"
"Tôi không cần phải nghi. Tôi biết chắc. Bộ cô định nói với tôi là Thiếu tá Shikin không hề chỉ thị cho cô là phải do thám tôi? Phải biết hết cả những việc tôi làm, ngay cả ý nghĩ của tôi nữa?"
Sologdin vạch một nét bút chì lớn lên tờ giấy trắng.
"Hắn có chỉ thị cho cô làm thế không? Nói đi. Nói thật đi".
"Có".
"Và cô đã tố cáo tôi bao nhiêu lần, bao nhiêu tội rồi?"
"Dmitri Aleksandrovich …! Anh nghĩ rằng tôi làm được cái việc ấy sao? Tôi có báo cáo nhưng tôi không tố cáo gì anh hết. Trái lại. Tôi chỉ viết toàn chuyện tốt về anh".
"Hừm. Được rồi, tôi tạm tin cô. Về chuyện cô muốn biết tôi viết gì thì… nếu cô chỉ hỏi vì tò mò, tôi sẵn sàng làm thỏa mãn sự tò mò đàn bà của cô. Chuyện đó xảy vào tháng Chín. Năm ngày liền tôi viết thư cho vợ tôi".
"Tôi chỉ muốn hỏi anh về chuyện đó. Anh có vợ ư? Vợ anh chờ anh ư? Anh viết gì cho vợ anh mà dài thế?"
Trước những câu hỏi dồn dập ấy, Sologdin trả lời nghiêm trang và chậm rãi:
"Tôi, có vợ, nhưng cũng như tôi chưa có vợ vậy. Tôi không còn có thể viết thư cho nàng được nữa. Khi tôi viết cho nàng – không, tôi không viết hết bức thư dài đó mặc dù tôi suy nghĩ về nó trong năm tháng trời. Nghệ thuật viết thư là một nghệ thuật thật cao, thật khó. Chúng ta thường viết thư quá cẩu thả, để rồi chúng ngạc nhiên khi chúng ta thấy mất những người mà chúng ta mến thương. Vợ tôi không được gần tôi từ nhiều năm nay nhưng nàng vẫn cảm thấy vòng tay tôi ôm xiết nàng. Thư từ là những sợi dây liên lạc duy nhất tôi có với nàng trong mười hai năm nay".
Emina đột nhiên nhô người về đằng trước. Ngực nàng gần cánh tay Sologdin hơn và nàng áp hai bàn tay lên đôi má ửng hồng của nàng:
"Anh tin rằng anh có thể giữ được nàng ư? Mà anh giữ nàng để làm gì?
Tại sao anh lại giữ nàng? Đã mười hai năm qua, anh còn xa nàng năm năm nữa. Mười bảy năm xa nhau tất cả. Anh làm nàng mất tuổi trẻ.
Tại sao? Hãy để cho nàng sống".
"Ở đời này có một loại đàn bà đặc biệt. Đó là những người đàn bà ra đời để làm chinh phụ, làm vợ những chiến sĩ Vikgin vượt biển đi chinh phục thế giới, những nàng Isolde linh hồn bằng kim cương. Cô sống trong một xã hội thấp kém nên cô không sao biết được họ".
Emina nhắc lại:
"Để cho nàng sống. Và nếu có thể được, anh cũng nên sống".
Hơi thở nàng dồn dập và Sologdin nhìn đi. Tay anh gạch một nét lên tờ giấy hồng.
"Dmitri Aleksandrovich … tôi muốn hỏi anh chuyện này từ lâu… Sao anh lại cứ vạch luôn tay những nét này? Ý nghĩa gì? Tôi để ý thấy anh hết vạch lên tờ giấy trắng lại vạch lên tờ giấy hồng".
"Lần này tôi sợ cô tò mò quá rồi đấy…"
Sologdin giơ tờ giấy trắng có những nét vạch lên:
"Mỗi lần tôi nghĩ được điều hay, làm được việc gì đúng, tôi vạch một nét lên đây…"
"Còn tờ giấy hồng?"
"Còn tờ giấy hồng… Chắc cô cũng nhận thấy tôi hay gạch lên tờ giấy hồng này những lúc nào chứ?"
Trong phòng không có qua một tiếng động nào, câu trả lời của Emina gần như tiếng thì thầm:
"Có. Tôi có nhận thấy".
Khuôn mặt Sologdin cũng đỏ lên, anh giận dữ thú tội:
"Tôi vạch lên đây những dấu để phạt tôi…"
"Sao anh… lại… phạt anh?"
"Phạt tôi… vì tội tôi… thèm muốn cô. Đây tôi đánh liền ba dấu. Dấu này là vì đôi mắt ướt đa tình của cô… tôi phạt tôi vì tội rung động vì đôi mắt ấy. Dấu này là vì… vì… cổ áo cô hở và tôi nhìn thấy ngực cô. Dấu này là vì tôi muốn… muốn hôn lên đấy".
Emnina nói như người mất hồn:
"Anh muốn… sao anh không hôn đi?"
"Cô điên ư? Cô ra khỏi đây ngay… Đi ra…"
Sologdin quay phắt lại cùng một lúc với Emina đứng bật lên. Cái ghế nàng ngồi đổ sau nàng. Sologdin nhìn ngay lên bàn vẽ nhưng anh không thấy cái gì trên đó hết. Đột nhiên anh cảm thấy bộ ngực đầy của người đàn bà dựa vào lưng anh.
"Lasira…" Anh nói, và anh quay lại ôm nàng.
"Dmitri…" Nàng như người nghẹn thở.
"Cho tôi… Để tôi khóa cửa lại…"
Emina không lùi lại, nàng nói trong hơi thở:
"Phải đấy. Khóa cửa lại".
[1]Decartes, triết gia kiêm toán học gia người Pháp, sinh năm 1596, mất năm 1650, nổi tiếng nhất thời Phục hưng (Renaissance, thế kỷ XIV-XV) – thời kỳ chuyển tiếp từ Trung cổ sang Cận đại và cũng là thời khoa học, nghệ thuật phát triển rực rỡ nhất ở Âu châu.
[2]Nội dung bài thơ này có một ý nghĩa thời sự. Lev Rubin, tuy bị tù, nhưng vẫn là một người Cộng sản. Y muốn bào chữa cho Stalin, muốn chứng minh việc làm của Stalin là đúng. Y ngầm ví Stalin với Moses: cũng như Moses hướng dẫn dân Do Thái qua sa mạc khổ sở đến đất lành, Stalin hướng dẫn dân Nga đến hạnh phúc. Chỉ với một điểm thắc mắc rất khoa học về địa dư, Giáo sư Chelnov đánh đổ luận điệu này (người dịch).