© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
10.9.2008
Aleksandr I. Solzhenitsyn
Tầng đầu địa ngục
Hải Triều dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12 
 
31. Cuộc gặp

Tuy trong lúc ngồi chờ, Nadya khóc ròng, nhưng khi đến lượt nàng được vào gặp chồng, lòng nàng vui như mở hội.

Khi nàng hiện ra giữa khung cửa, Nerzhin đứng lên đón nàng và môi chàng mỉm cười. Nụ cười chỉ ở trên môi chàng khoảnh khắc nhưng Nadya cảm thấy tình yêu và hạnh phúc dào dạt trong tim nàng. Chồng nàng vẫn gần nàng như ngày xưa. Với nàng, chàng không thay đổi.

Người đàn ông thứ hai trong phòng có cái cổ bự như cổ trâu, bận bộ quần áo xám, trông như một tay găng-tơ về già giải nghệ, đi tới đứng ở đầu chiếc bàn nhỏ, nơi hai vợ chồng sẽ ngồi nói chuyện. Cái bàn và sự có mặt của gã này trong căn phòng nhỏ ngăn không cho họ chạm tay vào người nhau.

Nerzhin bực dọc nói:

"Thôi mà… Để cho tôi cầm tay vợ tôi chứ…"

"Trái luật…"

Gã an ninh nói. Gã chỉ hé quai hàm nặng của gã đủ để hai tiếng đó lọt ra ngoài miệng.

Nadya nở nụ cười vô hồn và ra hiệu cho chồng đừng cãi cọ. Nàng ngồi xuống chiếc ghế có tay dựa trước bàn. Mặt da bọc nệm ghế đã rách. Nhiều thế hệ thẩm vấn viên đã ngồi trong chiếc ghế này và đã cho nhiều trăm người đi xuống mồ để rồi sau đó không lâu, chúng cũng đi theo những nạn nhân của chúng.

"Chúc mình một ngày sinh nhật thật vui…"

Nadya cố lấy giọng vui và vẻ mặt vui.

"Cám ơn em".

"Thật là tình cờ, vợ chồng mình được gặp nhau đúng vào hôm nay".

"Nhờ tinh tú dàn xếp…"

Hai vợ chồng đã bắt đầu quen nói chuyện với nhau.

Nadya cố gắng không để ý gì đến sự có mặt nặng nề của gã an ninh canh chừng vợ chồng nàng. Nerzhin cố gắng ngồi nghiêng để khỏi nhìn thấy mặt gã.

Chiếc bàn nhỏ từng đứng trước mặt nhiều thế hệ tù nhân bị thẩm vấn giờ đây chia cách đôi vợ chồng.

"Em có đem tới cho anh cái bánh ngọt. Bánh như má em vẫn làm cho anh ăn ngày xưa. Em rất tiếc – em chẳng có gì khác…"

"Em kỳ quá. Em không cần phải mang đến cho anh cái gì hết. Anh đã có đủ".

"Nhưng chắc là không có bánh ngọt loại này. Anh bảo em đừng mang sách đến nên em không mang. Anh vẫn đọc tập thơ Yesenin chứ?"

Nét mặt Nerzhin trầm xuống. Trước đây hơn một tháng có một tên chỉ điểm nào đó trong số tù nhân đã báo cáo với Shikin về việc chàng có tập thơ đó và Shikin đã đến tịch thu tập thơ, viện lẽ việc tù nhân đọc thơ là vi phạm luật cấm.

"Có. Anh vẫn đọc".

Chỉ được gặp nhau trong ba mươi phút, làm sao họ có thể nói với nhau vào chi tiết của từng chuyện?

Mặc dù không khí trong phòng không nóng, trái lại, còn lạnh giá, Nadya cũng mở nút áo cổ ngoài, nàng muốn cho chồng nàng nhìn thấy chiếc áo mới bên trong của nàng. Nàng hy vọng ánh hồng của màu áo sẽ làm hồng khuôn mặt của nàng. Nàng sợ chồng nàng thấy nàng quá gầy.

Với một cái nhìn bao bọc, Nerzhin ghi toàn thể hình ảnh của vợ vào tâm khảm – khuôn mặt nàng, cổ nàng, một chút làn da trắng trên ngực nàng. Dưới cái nhìn ấy, Nadya xúc động cả hồn lẫn xác – đây là sự kiện quan trọng nhất trong cuộc gặp – và toàn thân nàng như dâng lên để ôm ghì lấy chàng.

"Em có cái áo mới. Mở thêm áo ngoài cho anh ngắm".

"Còn áo ngoài của em?" Mặt nàng thoáng hiện nét thất vọng.

"Áo ngoài của em làm sao?"

"Áo ngoài của em cũng mới".

"Ồ, áo ngoài của em cũng mới…"

Gleb nhìn kỹ mặt vải caracul. Chàng nhìn nhưng không thể biết đó là vải tơ thiên nhiên hay nhân tạo, chàng là người đàn ông cuối cùng trên trái đất này có thể phân biệt được một chiếc áo giá năm trăm ruble với chiếc áo giá năm ngàn ruble.

Nadya cởi hẳn chiếc áo ngoài vắt lên thành ghế và Gleb nhìn thấy nàng, cần cổ thanh như cổ của một thiếu nữ – từ ngày chàng gặp nàng, lúc nào cổ nàng cũng thanh, cũng đẹp và trẻ như thế – và bờ vai thon chàng từng muốn làm cho vỡ ra khi chàng hôn nàng, và dưới làn vải áo, đôi gò ngực đã mềm đi vì năm tháng.

Ý nghĩ oán trách về việc nàng có áo mới, nàng quen biết nhiều người mới… chỉ thoáng hiện trong óc Gleb, ngay sau đó chàng nghĩ rằng nàng cũng đau khổ nhiều dù nàng không bị tù, đời nàng cũng bị tan nát, và chàng nói, giọng âu yếm:

"Em gầy quá. Em nên ăn nhiều. Em có điều kiện ăn uống khá hơn không?"

Trông em có còn được không? Ánh mắt nàng hỏi.

Em vẫn tuyệt vời như ngày nào. Ánh mắt chồng nàng đáp.

Mặc dù những lời trên đây không bị ông Trung tá An ninh cấm, họ cũng không thể nói với nhau được trước mặt một người khác.

"Em ăn được. Em vẫn ăn uống đều" – Nadya nói dối – "Chỉ vì em bận nhiều, phiền muộn nhiều".

"Em sống ra sao? Nói cho anh nghe đi…"

"Không. Anh nói trước…"

Gleb mỉm cười:

"Anh có thể nói gì với em? Chẳng có gì hết…"

"Để em nói vậy…"

Nàng bối rối, do dự như người không muốn nói.

Ở đầu bàn, gã an ninh mập lùn đứng gù bờ vai ụ nhìn xuống cặp vợ chồng như con chó săn nhìn xuống hai con mèo.

Bộ mặt gã lạnh như đá.

Họ phải lựa giọng nói đúng để cho nhau có thể hiểu sự thật lẩn trong những câu nói vô vị đó. Họ phải dùng đến lối nói bóng gió. Ngôn ngữ đặc biệt của những sinh viên đại học giúp họ thực hiện việc này.

"Bộ quần áo này phải của anh không?" Nàng hỏi.

Nerzhin nhăn mặt và lắc đầu.

"Trong ba tiếng đồng hồ. Em đừng để ý đến chuyện vặt ấy".

"Em phải để ý chứ".

Nàng nói, làn môi dưới hơi trề ra, làm điệu, như cô gái đang làm dáng trước mặt người yêu, nàng sung sướng vì nàng đã có lý do tin chắc chồng nàng vẫn còn yêu nàng, vẫn thèm muốn nàng.

"Bọn anh quen rồi. Bọn anh chỉ thấy khía cạnh khôi hài của mọi vấn đề".

Nadya nhớ lại những lời bà vợ của tù nhân Gerasimovich nói với nàng và nàng thở dài:

"Nhưng bọn đàn bà không thể…"

Nerzhin phải cố gắng tự chế ngự nhiều lắm để khỏi dùng chân mình khỏi chạm vào chân vợ dưới gầm bàn, nhưng thực ra, nếu chàng có muốn chạm cũng không được. Thanh gỗ đóng ngang dưới gầm bàn được đóng với mục đích không cho họ làm việc ấy. Chàng chống hai cùi chỏ trên mặt bàn và nhô người ra giữa bàn để được gần vợ hơn một chút nữa và giọng chàng đầy những âm thanh thất vọng:

"Chướng ngại ở khắp nơi…"

Em còn là của anh không? Của riêng anh? Ánh mắt chàng hỏi.

Em vẫn là người đàn bà anh yêu và yêu anh. Em không thay đổi. Em không xấu hơn. Tin em. Ánh mắt xám, rực sáng của nàng trả lời.

"Về việc học của em? Em đang phải giải quyết những vấn đề gì? Theo anh tính thì em không còn là sinh viên nữa?"

"Dạ".

"Em trình luận án chưa?"

"Chưa".

"Sao vậy?"

"Tình trạng như vầy…" - Nàng bắt đầu nói vội, nói nhanh, sợ hãi đến cuống quít vì sự nhận thức thời gian đã trôi qua quá nhiều - "Từ ba năm nay không còn ai trình luận án nữa. Họ tạm đình tất cả. Tỉ dụ một sinh viên bỏ ra hai năm để viết luận án về đề tài "Những vấn đề của việc phân phối thực phẩm" và khi viết gần xong, người ta bảo bỏ đi, viết về đề tài khác. (Sao mình lại nói về chuyện này? Có gì đáng để mình nói đâu?). Luận án của em đã viết xong từ lâu nhưng người ta không nhận… (Em viết đề tài "Chống lại thói a dua")… Người ta bảo em sửa lại nhưng em không biết mình phải sửa như thế nào. Nhiều chuyện rắc rối lắm".

"Nhưng em vẫn còn được hưởng học bổng?"

"Hết rồi".

"Thế em sống bằng gì?"

"Tiền lương của em".

"Em đi làm rồi sao? Làm ở đâu?"

"Ở ngay trong Viện Đại học".

"Em làm gì?"

"Việc em làm không thường trực, không hẳn là việc. Em sống tạm bợ, cả trong ký túc xá em cũng chỉ là sống tạm… Thực ra, em…"

Nadya liếc nhìn người gác. Chuyện mà nàng muốn nói là Nha Công an đã gửi giấy báo cho nàng biết là nàng không còn được phép ở lại Mạc Tư Khoa nữa nhưng cùng một lúc, Bộ Giáo dục lại cho phép nàng được học thêm sáu tháng. Sự lầm lộn này có thể được người ta phát giác và sửa lại cho thống nhất bất cứ ngày giờ nào. Chính vì vậy nàng lại càng không thể nói với chồng chuyện đó ở trước mặt nhân viên an ninh này.

Nàng rầu rĩ nói tiếp:

"Em cũng chỉ được phép gặp anh lần này vì… Chuyện xảy ra như thế này…"

Làm sao nàng có thể kể lể được tất cả trong vòng nửa giờ?

"Đừng. Để chuyện đó nói sau. Anh muốn hỏi em: Có phải những rắc rối đó là vì anh không?"

"Em gặp nhiều khó khăn lắm. Họ muốn em làm… việc ấy, nhưng em cố không làm".

"Việc ấy" là việc gì?"

Nadya thở dài khổ sở và một lần nữa, nàng lại liếc nhìn gã nhân viên an ninh. Bộ mặt hung hãn của gã, như sẵn sàng sủa lên những tiếng đe dọa hoặc đớp nàng như một con chó dữ, chỉ ở xa mặt vợ chồng nàng chưa đầy hai thước.

Nàng giơ tay lên trong một dáng điệu bất lực. Nếu nói, nàng phải nói rằng ở trường đại học, nếu muốn xin theo học một khóa mới, nàng phải khai lại lý lich, những tờ khai lý lịch bây giờ nhiều câu hỏi hơn trước, chẳng hạn nàng phải khai về chồng, về họ hàng của chồng nàng, về họ hàng của những người họ hàng này. Nếu nàng khai "Chồng tôi bị tù vì Điều 58" thì không những là họ chỉ từ chối không cho nàng học mà họ càng không cho nàng sống thêm một ngày trong ký túc xá sinh viên của trường. Nếu nàng khai dối "Chồng tôi là sĩ quan bị mất tích" nàng vẫn phải khai tên chồng, số quân nhân của chồng và họ chỉ cần làm một cuộc sưu tra là nàng sẽ bị đưa ngay ra tòa vì tội khai gian. Nàng còn có thể làm được một việc nữa để giải quyết tình trạng của nàng nhưng trước mắt nhìn chăm chú của chồng, nàng không thể nói ra được.

Và nàng hấp tấp nói sang chuyện khác:

"Em chơi nhạc trong ban nhạc của trường. Em đi trình tấu nhiều nơi. Mới tháng trước ban nhạc của em được trình tấu ở Đại Hí Viện cùng một đêm với Yakov Zak…"

Gleb mỉm cười gật đầu, như chàng không hào hứng lắm trong việc tin đó là sự thật.

"Em gặp một chuyện tức cười lắm trong đêm ấy… Em bận bộ y phục đẹp nhất của em nhưng người ta bảo là bận bộ ấy lên sân khấu không được. Họ mượn ở kho y phục của Hí Viện cho em một bộ áo, đẹp lắm, dài đến mắt cá chân".

"Trình tấu xong, họ lại bảo em trả?"

"Dạ. Các bạn em thường trách em mất thì giờ vì âm nhạc, em trả lời họ là thà em mất thì giờ vì âm nhạc còn hơn là mất thì giờ vì người nào…"

Sự cám ơn hiện rõ trong ánh mắt của Gleb, rồi chàng hỏi bằng một giọng thắc mắc, chú ý:

"Em nói cho anh biết về "việc ấy"? Việc mà em nói em cố không làm?"

Mắt Nadya nhìn xuống:

"Em muốn nói… Nhưng anh phải hứa là anh đừng coi đó là chuyện quan trọng em mới nói… Có lần trước đây anh bảo em ly dị đi".

Nàng cố gắng giữ thản nhiên để nói những lời này. Đây là giải pháp cuối cùng có thể giúp cho nàng sống. Trong bản khai lý lịch, nàng vẫn phải khai tên tuổi, chức vụ nghề nghiệp của chồng cũ, địa chỉ cũ và hiện tại, bà con thân quyến và cả ngày sinh, tháng đẻ, địa chỉ của thân quyến. Nàng chỉ có thể khai là "không có chồng" và khai như thế, nàng cũng vẫn có thể bị nguy hiểm nếu bị phát giác.

Đúng như Nadya vừa nói, có lần Gleb đã thúc giục nàng ly dị, ly dị đi để sống, đợi bao giờ chàng ra khỏi tù sẽ tính lại. Nhưng lúc này khi nghe nàng nói đến hai tiếng ấy, Gleb run lên. Và chỉ đến giây phút này chàng mới nhận thấy là chiếc nhẫn cười nàng vẫn đeo không còn trên ngón tay nàng nữa.

Nhưng chàng vẫn quả quyết nói:

"Phải, phải. Anh có bảo em như thế. Em nên làm thế…"

"Anh sẽ không buồn lắm, anh sẽ không chống lại… nếu em… bắt buộc phải làm như thế?"

Nadya cố gượng ngẩng mặt lên nhìn chồng. Đôi mắt nàng mở lớn. Ánh cầu vồng ngũ sắc trong đôi mắt nàng sáng lên với ý van xin chồng tha thứ và thông cảm. Nàng nói tiếp trong hơi thở, tiếng nói gần như thì thầm:

"Chúng ta không làm thật…"

"Em yêu… Lẽ ra em phải làm việc ấy lâu rồi mới phải".

Gleb nói bằng một giọng quả quyết và tin tưởng mặc dù trong lòng chàng không có chút quả quyết hay tin tưởng nào – chàng gác lại sau cuộc gặp gỡ này tất cả những suy tư về hậu quả của những lời chàng nói. Và về những gì đã xảy ra, sẽ xảy ra.

"Em vẫn muốn em không phải làm thế. Em vẫn hy vọng sự việc sẽ không đến nỗi phải như thế…"

Nadya nói như năn nỉ, như van xin, nàng kéo cổ áo che kín ngực và trong lúc đó, nàng có vẻ mệt mỏi, rã rời, già đi, nàng như người sắp phải khóc:

"Em chỉ muốn nói chuyện đó với anh… để anh biết, để anh thuận cho… trong trường hợp em không làm không được. Nhưng em vẫn hy vọng nó sẽ không xảy đến…"

"Dù có cũng đã sao? Không sao hết. Em yêu… Em làm vậy là đúng… Đúng lắm…"

Nerzhin thẫn thờ nói. Trong lúc đó tâm trí chàng đã chuẩn bị nói với nàng những lời ghê gớm: "Đó là việc quan trọng. Bởi vì… em yêu, em đừng hy vọng quá ở việc anh sẽ về với em khi anh mãn hạn tù này…".

Chàng đã chuẩn bị chờ đón hạn tù thứ hai và tiếp đó là án tù chung thân, tù vĩnh viễn không bao giờ được trả lại tự do. Trường hợp đó xảy ra với nhiều người bạn cùng tù với chàng. Những người ngay cả trong tù đày vẫn không chịu khuất phục. Chàng không thể viết chuyện đó trong thư gửi ra cho vợ và ngay cả trong buổi gặp mặt này, chàng cũng không thể nói.

Cảm giác kinh hãi hiện trên khuôn mặt Nadya:

"Hạn tù có thể kéo dài…" Nerzhin nói vội vã, chàng nhấn mạnh những tiếng không cần nhấn mạnh để cho gã an ninh không theo dõi được, không kịp hiểu chàng nói gì nhưng vợ chàng sẽ hiểu khi nàng nhớ lại, nàng hiểu vì nàng chăm chú nghe, vì chuyện đó quan hệ đến đời nàng – "Thời hạn có thể kéo dài mãi mãi. Lịch sử đầy những trường hợp như thế. Mà dù cho có mãn vì một phép lạ nào đó, đừng tưởng tượng hão huyền anh và em sẽ có thể trở lại được đời sống như xưa, trở về thành phố… Em phải hiểu và em phải ghi nhớ: họ không cho ta trở về dĩ vãng. Điều anh ân hận nhất là anh đã không học nghề đóng giày. Một nghề như thế sẽ có ích cho chính mình biết chừng nào khi chính mình sống ở một làng quạnh hiu nào đó miền Bắc Tây Bá Lợi Á, ở Krasnoyark, hay ở miền hạ lưu Angara. Chúng ta nên chuẩn bị để sống một cuộc đời như thế. Ở đó ai cần đến những công thức toán học Euler?"

Chàng thành công: gã găng-tơ về hưu không làm một cử động, gã chỉ nháy mắt khi những tư tưởng của Nerzhin bay qua mặt gã.

Nhưng Nerzhin đã quên – không, thực ra chàng không quên, chàng chỉ không hiểu, như đa số những người ở tù không hiểu – là những người quen đi trên mặt đất bằng không thể nào vượt qua ngay được những ngọn núi lớn. Chàng không biết rằng cho đến bây giờ vợ chàng vẫn còn đếm, như trong những tháng đầu tiên, từng ngày, từng tuần chàng còn phải sống trong tù. Với chàng, hạn tù là một chuỗi dài ngày tháng vô tận nhưng với nàng, thời gian đó là 264 tuần lễ, là 61 tháng, là hơn 5 năm, bởi vì trước khi ở tù chàng đã xa nhà để lên mặt trận, chàng đã xa nàng từ lâu lắm.

Trong lúc Nerzhin nói, vẻ kinh hoàng trên mặt Nadya càng lúc càng nặng.

"Đừng, mình…" - Nàng kêu lên - "Mình đứng nói thế…"

Nàng đã quên người gác, nàng không còn xấu hổ khi để lộ những cảm nghĩ thực của nàng:

"Đừng làm em mất hết hy vọng. Em không muốn tin. Không thể như thế được. Hay là mình nghĩ rằng em có thể bỏ được mình?"

Môi trên nàng run run, nét mặt nàng nhăn nhúm, mắt nàng hiển hiện sự trung thành, chỉ có chung thủy trong mắt nàng.

Nerzhin nói, giọng chàng khác đi:

"Anh tin em, anh tin em, Nadya … Anh hiểu lòng em…"

Nàng ngồi im và rũ rượi trong lòng ghế.

Trong khung cửa mở hiện ra bóng dáng tối và vạm vỡ của người sĩ quan an ninh. Y lặng lẽ nhưng sắc sảo đứng nhìn ba người tụm gần vào nhau trong phòng. Rồi y ra hiệu gọi người gác.

Gã côn đồ giải nghệ, với vẻ bất đắc dĩ như người đang ăn ngon phải rời khỏi bàn, đi về phía Trung tá. Bốn bước sau lưng Nadya chúng chỉ nói với nhau có hai tiếng ngắn nhưng trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy Nerzhin cũng kịp hạ giọng nói với Nadya:

"Em biết vợ Sologdin không?"

Đã quen với những cuộc thay đổi đề tài đột ngột như thế này, Nadya đáp:

"Có".

"Biết chỗ ở?"

"Có".

"Họ không cho anh ấy gặp vợ. Em hãy đi tìm và nói với chị ấy…"

Gã côn đồ trở lại.

Gleb nói rõ và lớn:

"Ảnh yêu, ảnh tin và ảnh hy vọng".

"Yêu, tin và hy vọng…" Nadya nhắc lại trong một tiếng thở dài. Nàng nhìn ngay lên khuôn mặt chồng. Nàng từng quan sát chàng trong nhiều năm nhưng giờ đây, nàng vừa nhìn thấy chồng nàng có một khía cạnh mới.

Nàng cũng dời lại tất cả những suy tư đến sau cuộc gặp, nàng sẽ nhớ lại và phân tích tỉ mỉ tất cả những lời chàng nói và nàng cũng không biết sẽ có những gì xảy đến, nhưng ngay lúc này trái tim nàng khao khát được thấy người đàn ông nàng yêu để lộ sự yếu đuối, sự ao ước được giúp đỡ, sự kêu gọi mà người đàn bà cần thấy để có thể hy sinh cả đời mình, để có đủ sức đợi chờ mười năm nữa và theo người yêu đi đày.

Nhưng nàng chỉ thấy chàng mỉm cười, chàng mỉm cười tự tin như bất cứ lúc nào. Bao giờ chàng cũng tự tin. Chàng không cần cảm tình của bất cứ ai. Chàng thoải mái ngồi trên chiếc ghế đẩu. Chàng có vẻ như hài lòng nhìn quanh gian phòng. Chàng có vẻ khoẻ mạnh và ánh mắt chàng long lanh sáng. Chàng có thực sự cần sự chung thủy của một người đàn bà để sống hay không?

Nhưng Nadya không có đủ thì giờ để trả lời câu hỏi ấy.

Và Nerzhin không biết rằng vợ chàng cần thấy những gì, vợ chàng đang nghi ngờ.

"Hết giờ rồi…"

Klimentiev nói vào từ ngưỡng cửa.

Nadya ngạc nhiên:

"Đã hết rồi sao?"

Nerzhin nhíu đôi lông mày, chàng cố gắng nhớ lại điều quan trọng nhất trong số những điều quan trọng chàng đã dự định sẽ nói với vợ.

"Em đừng ngạc nhiên nếu họ cho anh đi xa, thật xa và anh không gửi được thư cho em…"

Nadya kêu lớn:

"Tại sao? Họ đưa anh đi đâu?"

Chàng nhún vai:

"Đi đâu? Chỉ có Chúa biết…"

"Mình bắt đầu tin ở Chúa ư?"

Chàng mỉm cười:

"Như Pascal, Newton, Einstein…"

Gã an ninh sủa:

"Không được nói tên người. Thôi đi…"

Người chồng và người vợ cùng đứng bật dậy. Giờ đây, khi họ không còn sợ cuộc gặp mặt của họ bị cắt ngang nữa, người chồng nhoài người qua mặt bàn để ôm vợ. Nerzhin hôn Nadya lên má rồi lên môi. Toàn thân chàng như níu chặt lấy môi nàng, đôi môi mà chàng đã quên. Một năm sau nữa chàng không còn hy vọng được ở Mạc Tư Khoa để có thể lại hôn nàng. Giọng chàng run lên vì trìu mến: "Em cứ làm tất cả những gì em thấy tốt cho em. Còn anh…". Chàng không nói được hết câu.

Họ nhìn vào mắt nhau.

"Làm cái gì vậy?"

Gã an ninh nắm lấy vai Nerzhin và kéo chàng ra.

"Tôi hủy cuộc gặp này của anh…"

Nerzhin giằng mạnh:

"Hủy đi, đồ khốn…"

Nhưng chàng chỉ nói lớn câu đó trong cổ họng chàng.

Nadya lảo đảo lùi về phía cửa, với những ngón tay của bàn tay không đeo nhẫn, nàng vẫy chào từ biệt chồng.

Và nàng biến mất giữa khung cửa.


32. Một cuộc gặp mặt khác

Gerasimovich hôn vợ.

Người canh chừng họ là một gã trẻ tuổi, ít nói và có vẻ hơi đần. Gã không coi chuyện vợ chồng tù nhân hôn nhau là quan trọng. Gã còn bối rối vì gã thấy gã xen vào cuộc gặp gỡ của vợ chồng người ta, gã muốn ngồi quay mặt vào tường trong suốt nửa tiếng đồng hồ nhưng không thể được, Trung tá Klimentiev đã ra lệnh là không một giây nào gã rời mắt nhìn tù nhân và cửa vào bảy phòng thẩm vấn phải mở rộng để ông có thể đi lại ngoài hành lang và nhìn được vào phòng để kiểm soát.

Thực ra, Trung tá Klimentiev cũng không coi việc vợ chồng tù nhân hôn nhau hay nắm tay nhau là quan trọng và cần phải cấm đoán. Y biết rằng những bí mật quốc gia không thể nào truyền đạt từ người này qua người khác nhờ những chiếc hôn nhưng mệnh lệnh của thượng cấp, y phải thi hành. Và y còn phải đề phòng cả những thuộc viên dưới quyền y, cả những tên tù, trong bọn này có những tên làm chỉ điểm cho thượng cấp và có thể báo cáo cả về y.

Gerasimovich và vợ hôn nhau nhưng đây không phải là chiếc hôn làm cho người hôn xúc động như thời họ còn trẻ mạnh. Chiếc hôn vụng trộm, ăn cắp từ những người có quyền, từ định mệnh không có màu sắc, không hương vị, không có mùi – đó là chiếc hôn xanh xám mà người ta thường trao đổi với một người thân đã chết ở trong giấc mơ.

Rồi vợ chồng họ ngồi xuống, ngăn cách bởi mặt bàn vẫn dùng để hỏi cung tù nhân.

Cái bàn nhỏ này có thể có một tiểu sử nhiều chi tiết hơn nhiều cuộc đời loài người. Trong nhiều năm, không biết bao nhiêu người đã ngồi cạnh nó, đã khóc, đã rùng mình vì kinh sợ, đã cố gắng chống cự mặc dù tuyệt vọng với cơn buồn ngủ rã rượi, đã nói lên những lời hào hùng, kiêu ngạo hoặc giận dữ, hoặc líu ríu cầm lấy bút ký lên những bản tố cáo những người thân của họ. Những người ấy không có bút chì hay bút mực, họ chỉ được cầm bút những khi họ phải ký hoặc trong vài trường hợp họ phải viết, nhưng họ vẫn để lại được trên mặt bàn này những vết tích của họ.

Gerasimovich nhìn vào mặt vợ.

Ý nghĩ đầu tiên của anh là vợ anh đã trở thành quá xấu xí. Hai mắt nàng nhỏ lại. Có nhiều vết nhăn ở hai đuôi mắt và quanh miệng nàng. Làn da mặt nàng nhão, chảy xuống và Natasha như người lâu rồi không còn biết trang điểm là gì. Chiếc áo ngoài của nàng ra đời từ trước thời chiến tranh và cần được lộn mặt trong ra ngoài từ lâu. Những sợi lông thú trên cổ áo xác xơ và dính bết vào nhau, chiếc khăn choàng trên tóc nàng phải già đến cả mấy chục năm. Gerasimovich nhìn chiếc khăn choàng cũ kỹ ấy và anh lờ mờ nhớ rằng dường như anh đã mua cho vợ chiếc khăn choàng này bằng một phiếu trưng thu và vợ anh từng đội nó trong thời gian thành phố Leningrad bị quân Đức bao vây những khi nàng đi ra sông Neva lấy nước.

Gerasimovich cố ngăn chặn ý nghĩ chính nổi lên từ trong tận cùng sâu thẳm của tâm hồn anh. Đó là ý nghĩ vợ anh trước kia trông hấp dẫn và gợi tình đến chừng nào. Trước mặt anh bây giờ là một người đàn bà, người đàn bà duy nhất trên đời này là một phân nửa của anh. Trước mặt anh bây giờ là người đàn bà chia sẻ những ký ức của anh. Những người thiếu nữ tươi trẻ nhưng hoàn toàn xa lạ với anh, những người có những kỷ niệm riêng, những ghi nhớ riêng, làm sao có thể có giá trị với anh bằng người đàn bà này?

Natasha chỉ mới bắt đầu bước vào tuổi mười tám khi họ gặp nhau lần đầu tiên trong một căn nhà ở Srednaya Podyacheskaya, gần cầu Livniny. Ngày đó là đầu năm 1930. Chỉ còn sáu ngày nữa là đúng hai mươi năm.

Năm Natasha mười chín tuổi, anh bị bắt lần đầu vì tội phá hoại.

Gerasimovich bắt đầu làm việc như là một kỹ sư trong một giai đoạn mà danh từ "kỹ sư" được coi là đồng nghĩa với danh từ "kẻ thù". Và trong giai đoạn ấy người ta sẵn sàng nghi cho những kỹ sư làm công tác phá hoại. Ngày đó Gerasimovich vừa mới tốt nghiệp, anh mang kiếng trắng vì mắt kém và cặp kiếng trắng này làm cho anh giống hệt với hình vẽ những tên trí thức làm gián điệp cho địch in trên những tờ bích chương dán khắp nơi trong những năm 30. Anh gật đầu chào tất cả mọi người, kể cả những người anh không cần phải chào, và anh luôn miệng nói: "Tôi xin lỗi" bằng một giọng dịu dàng, lễ độ. Trong những cuộc mít-tinh, anh hoàn toàn im lặng và ngồi như con chuột. Anh không hiểu cả rằng anh làm cho người ta khó chịu đến là chừng nào.

Nhưng dù họ có chuẩn bị buộc tội anh kỹ càng đến thế nào đi nữa, họ cũng chỉ có thể ghép anh vào tội phá hoại mơ hồ và kết án anh ba năm tù. Khi anh đi đến sông Amur, anh được sống tự do không bị kiểm soát. Vợ chưa cưới của anh theo anh đến đó và họ trở thành vợ chồng.

Trong thời gian họ sống ở bên sông Amur, gần như là không đêm nào hai vợ chồng không mơ thấy thành phố Leningrad. Họ bắt đầu chuẩn bị để trở về Leningrad vào năm 1935, nhưng cũng đúng năm ấy, nhiều làn sóng tù nhân mới đổ dồn về phía họ.

Natasha Pavlona cũng quan sát chồng nàng rất kỹ. Từng có thời gian nàng trông thấy khuôn mặt chồng nàng có đổi khác. Nàng từng thấy đôi môi Gerasimovich trở thành cứng rắn, đôi mắt anh trở thành lạnh lùng, gần như tàn ác, sau làn kiếng trắng. Illarion Pavlovich thôi không còn chào người lạ nữa, thôi không nói: "Tôi xin lỗi" nữa. Anh luôn luôn bị người ta chê bỏ vì quá khứ của anh. Anh bị người ta cho nghỉ việc liên tiếp và sau đó, anh bị người ta trao cho làm những việc không xứng đáng với tài năng và học thức của anh. Vợ chồng họ lang thang, phiêu bạt khắp nơi, sống đói khổ và nghèo nàn, thiếu thốn đủ thứ. Họ chết mất đứa con gái, rồi con trai họ cũng chết. Cuối cùng, họ đánh nước liều: đằng nào cũng chết, họ trở về Leningrad. Họ về tới đó vào tháng sáu năm 1941.

Ở đó họ lại càng khó sống, những bản khai lý lịch làm cho Gerasimovich không sao tìm được việc làm trong những cơ xưởng, những phòng thí nghiệm. Anh phải làm những việc lao động chân tay để sống. Suốt một mùa thu năm ấy anh đào chiến hào, giao thông hào và hầm hố quanh Leningrad. Chiến sự lan đến. Khi những bóng tuyết đầu tiên của mùa đông rơi xuống, anh trở thành phu đào huyệt chôn người chết.

Trong thành phố bị bao vây, nghề phu đào huyệt là nghề cần đến nhiều nhân công nhất và cũng là nghề kiếm ăn dễ nhất. Để đền ơn cho những kẻ chôn những người bạn của mình, những chiến sĩ chưa chết đưa cho những người đào huyệt những phần bánh mì của họ.

Người ta không thể không xúc động đến run rẩy khi ăn những mẩu bánh ấy, xong Gerasimovich tìm được một lý do để tự bào chữa, anh nói: "Người ta thương hại mình nhưng mình không cần ai thương hại hết".

Và vợ chồng họ sống sót. Nhưng trước khi thành phố được giải tỏa hoàn toàn, Gerasimovich đã bị bắt lại vì tội mưu toan phản quốc. Năm đó ở Leningrad, rất nhiều người bị bắt vì tội mưu toan như thế.

Natasha Pavlovna nhìn kỹ lên khuôn mặt chồng nàng, nàng ngạc nhiên khi không tìm thấy trên khuôn mặt ấy những dấu vết của cuộc sống tù tội. Đôi mắt anh vẫn biểu lộ sự thông minh bình thản sau làn kiếng trắng. Hai má anh không nhăn, mặt anh không có một vết nhăn. Bộ y phục anh mang trên người là một bộ đắt tiền. Chiếc cravatte anh thắt trên cổ áo thẳng và gọn.

Người ta có thể nghĩ trong hai vợ chồng, người vợ là người ở tù chứ không phải là người chồng.

Và ý nghĩ không đại lượng đầu tiên hiện lên trong óc Natasha là chồng nàng thực sự sống sung sướng trong cái nhà tù đặc biệt ấy. Anh không bị hành hạ, anh bận rộn với công tác khoa học mà anh thích làm và anh không bận tâm gì đến người vợ sống khổ sở bên ngoài.

Nàng cố đè nén ý nghĩ oán trách đó.

Nàng hỏi bằng một giọng yếu ớt:

"Mình sống trong đó ra sao?"

Như là nàng đã chờ đợi mười hai tháng để được gặp mặt chồng, đã nghĩ đến người chồng trong 360 đêm dài nằm lạnh trên chiếc giường nhỏ kê bên khung cửa sổ bám đầy băng tuyết chỉ để hỏi chồng: "Mình sống trong đó ra sao?".

Và Gerasimovich, người mà cuộc đời chỉ là một chuỗi ngày tù đày dài và liên tiếp, bình thản trả lời:

"Không đến nỗi nào…"

Họ chỉ có ba mươi phút đồng hồ để ngồi trước mặt nhau. Những giây phút đó đang trôi qua. Họ có cả trăm câu hỏi để hỏi nhau, cả ngàn ao ước và than thở để thổ lộ với nhau. Và Natalya Pavlovna hỏi chồng:

"Mình biết cuộc gặp này từ bao giờ?"

"Cách đây hai ngày. Còn em?

"Hôm thứ ba. Ông Trung tá hồi nãy còn hỏi em là có phải em là em gái của mình không".

"Bởi vì chính mình trùng tên thánh?"

Natalya gật đầu.

Khi họ bắt đầu hứa hôn với nhau, và nhất là trong thời gian họ sống với nhau trên sông Amur, mọi người đều tưởng rằng họ là anh em. Họ có cái vẻ bên ngoài sung sướng, hồn nhiên và sự giống nhau trong tâm hồn làm cho họ gần nhau hơn cả vợ chồng.

"Còn em sao? Có khổ sở lắm không?"

"Sao anh lại hỏi em thế?" – Nàng lo âu hỏi lại – "Anh biết ư?"

"Biết gì?"

Anh biết, nhưng anh không biết rõ, không biết hết. Anh biết rằng ở bên ngoài, cuộc đời những người vợ tù khổ sở ghê gớm. Họ bị hành hạ, họ bị tẩy chay vì chồng họ là tù.

Nhưng làm sao anh có thể biết rằng trong ngày thứ tư vừa qua vợ anh đã bị đuổi khỏi sở làm vì nàng là vợ anh? Và từ ba ngày nay, sau khi nhận được giấy gọi đi thăm chồng, nàng đã ngừng không còn đi tìm việc nữa. Nàng chờ đợi cuộc gặp mặt này như nó sẽ gây ra một phép lạ, và nó sẽ đem ánh sáng đến chan hòa đời nàng, chỉ cho nàng biết nàng phải làm gì.

Xong làm sao chồng nàng có thể khuyên được nàng nên làm gì, vì chồng nàng là người đã ở tù quá nhiều năm, chồng nàng hoàn toàn không còn quen thuộc gì với những cách sống của người thường.

Natalya phải chọn một quyết định: ly dị chồng hay không.

Trong căn phòng lạnh, xám và trơ trụi mà ánh sáng chỉ yếu đuối len vào được qua khung cửa sổ có chấn song sắt, cuộc gặp mặt và hy vọng ở một phép lạ của nàng đã trôi đi.

Natalya Pavlovna, trong nửa tiếng đồng hồ ngắn ngủi này, hiểu rằng nàng không thể diễn tả được sự cô đơn và đau khổ của nàng với chồng nàng. Nàng thấy rõ chồng nàng đi theo một dòng đời riêng, sống một cuộc đời riêng. Đằng nào chồng nàng cũng không thể hiểu, làm cho chồng nàng hoảng loạn nào có ích lợi gì?

Người gác đi tới gần tường và đứng chắp hai tay sau lưng nhìn ngắm màu vôi quét trên đó.

"Nói cho anh biết em sống ra sao đi…"

Illarion Pavlovich nắm bàn tay vợ trên mặt bàn. Ánh mắt anh sáng lên niềm trìu mến từng an ủi nàng nhiều trong thời gian đôi vợ chồng sống cực khổ trong thành phố bị bao vây.

"Larik… Mình có thể… Mình có cách nào ra khỏi đó sớm hơn không?"

Nàng muốn hỏi chồng về những biện pháp để có thể sớm ra khỏi tù. Trước đây, hồi sống trong trại tập trung bên sông Amur, anh đã làm việc mỗi ngày nhiều bằng hai người và nhờ vậy, hạn tù của anh đã được giảm đi.

Illarion lắc đầu:

"Không có cách nào thâu ngắn hạn tù cả. Công việc ở đây không giống như việc anh làm trước kia. Ở đây người ta phải phát minh ra được một cái gì lớn, quan trọng mới hy vọng được ra sớm. Nhưng có điều đáng nói là ở đây" – anh liếc nhìn người gác - "…không ai muốn phát minh gì hết".

Anh không còn có thể nói được rõ hơn.

Anh đưa bàn tay vợ lên áp vào má anh.

Ở trong thành phố Leningrad băng giá năm xưa anh có thể nhận những mẩu bánh mì của những người sắp chết trong ngày mai. Nhưng ở đây anh không thể…

"Em có cô đơn lắm không? Em có buồn lắm không?"

"Buồn?"

Trái tim Natalya se thắt lại vì giờ đây cuộc gặp mặt đã gần chấm dứt và nàng sắp phải đi một mình trên những đường phố vắng của khu Lefortovo, tâm hồn không được thêm một điều gì mới, không một khuyến khích, một an ủi, nàng sẽ lại trở về với cô đơn. Về với cuộc sống không mục đích, vô nghĩa, cuộc sống như bông xám.

"Natalochka…! Em nên nghĩ đến chuyện hạn tù của anh đã qua được nhiều rồi. Chỉ còn ba năm nữa. Ba năm nữa thôi…"

"Chỉ còn ba năm…"

Natalya ngắt lời chồng, giọng nàng run lên và nàng biết nàng không sao còn tự chế ngự được nữa:

"Chỉ còn ba năm? Với anh… thì đúng là chỉ còn ba năm. Người ta có cho anh ra ngay bây giờ anh cũng không muốn. Anh sống với những người bạn của anh, sống với công việc anh thích. Anh không bị ai xô đuổi… Còn em… Em đã mất sở làm, em không còn gì bám víu để sống. Em hết sức rồi, em không còn chịu đựng được nữa. Em chết ngay đi còn hơn. Bọn sống cùng một nhà với em hành hạ em đủ cách. Họ liệng rương của em ra sân, họ phá đồ đạc trong phòng em. Họ biết em không dám nói nửa tiếng. Họ biết họ có thể đuổi em ra khỏi Mạc Tư Khoa. Em không còn đi lại với các em của em, với dì Zhenya. Họ bảo em là con ngu. Họ khuyên em ly dị và làm lại cuộc đời. Bao giờ thì em hết khổ? Anh thấy em tàn tạ như thế nào không? Em mới có ba mươi bảy tuổi nhưng ba năm nữa em sẽ là bà già. Em về nhà nhưng em không còn sức nấu ăn cho em, em không còn sức dọn dẹp trong phòng. Em nằm xuống và em không còn dậy nổi. Larik… anh yêu… nếu còn thương em, anh hãy nghĩ cách làm sao mau ra khỏi đó. Anh có thể nghĩ được cách nếu anh muốn. Hãy sáng chế cái gì cho họ đi. Cứu em với. Cứu em!"

Nàng không muốn nói như thế nhưng nàng đã nói. Tim nàng như vỡ trong ngực nàng. Nàng run lên vì những tiếng nấc nghẹn và nàng hôn lên bàn tay chồng. Rồi nàng gục đầu xuống mặt bàn, nơi từng hứng không biết bao nhiêu giọt lệ.

"Xin đừng làm ồn…"

Người gác nói như chính y là người có lỗi, y lấm lét nhìn ra cửa.

Nét mặt Gerasimovich sắt đanh lại. Những tiếng nức nở nghe không êm tai, không đẹp chút nào vang ra tận hành lang. Bóng dáng Klimentiev hiện ra giữa khung cửa. Y trợn mắt nhìn vào lưng người đàn bà đang khóc. Y muốn bước vào nhưng lại do dự. Sau cùng, y đưa tay ra với cánh cửa, đóng lại.

Trong những điều cấm không có điều nào cấm khóc. Tuy nhiên nếu những cuộc gặp gỡ này không có nước mắt vẫn tốt hơn.


33. Chuyện vặt trong tù

Nerzhin đến giúp Potapov chế tạo cái bánh ngọt. Trong những năm dài đói khát vì bị quân Đức bắt làm tù binh rồi ở tù trong những nhà tù Xô Viết, Potapov đã học được sự thật là ăn không phải là một cái gì đáng để cho con người xấu hổ, chê bỏ, chán ghét, ngược lại, ăn là một thống khoái của đời sống, ăn là tinh hoa của đời sống con người.

Tôi muốn biết thì giờ
Qua những bữa ăn…
Ăn sáng, ăn trưa, ăn tối…

Người kỹ sư điện cao thế hát nho nhỏ. Mặc dù anh đã dâng hiến trọn vẹn cuộc đời cho những dòng điện tới cả ngàn kilowatt, Potapov, nhờ khéo tay và thông minh, rất sớm đã trở thành một chuyên viên nấu bếp cừ khôi: anh có thể chế tạo những chiếc bánh cam bằng vỏ khoai tây và trong Viện Mavrino, anh nổi tiếng với tài làm bánh ngọt và những món tráng miệng.

Lúc này, Potapov đang bận rộn trước hai cái bàn nhỏ kê liền lại, đặt giữa giường anh và giường của Pryanchikov. Khi Nerzhin tới Potapov đang long trọng pha sữa đặc, sô-cô-la và hai quả trứng gà (đa số những món này do Rubin cung cấp, Rubin thường được nhận được đồ tiếp tế và bao giờ cũng ăn chung với anh em) thành một thứ dung dịch không có tên trong ngôn ngữ của nhân loại. Potapov đưa ra nhận xét là Nerzhin đến muộn và sau đó, ra lệnh cho Nerzhin đi tìm ngay hai cái ly sắt có thể dùng làm khuôn bánh. Nerzhin đề nghị để anh đi mượn hai cái ca dùng để cạo râu, anh sẽ rửa hai cái ca sắt này bằng nước nóng.

Cảnh nghỉ ngơi thảnh thơi của ngày Chủ nhật ngự trị trên gian phòng đầy những giường ngủ. Nhiều người nằm trên giường nói chuyện với bạn, nhiều người khác đang đọc sách, những mẩu đối thoại bay đi, bay lại quanh họ. Nhiều người khác nằm yên, hai tay đặt dưới đầu, nhìn ngay lên trần phòng.

Tất cả những thứ tiếng ấy hòa hợp thành một âm thanh hỗn độn.

Tù nhân Zemelya, nằm phây phây trên chiếc giường trên, anh bận quần cụt, ở trần, tay mân mê những sợi lông trên ngực, miệng mỉm nụ cười vui và hiền lành thường trực, đang kể một câu chuyện với tù nhân Miska Mordvin nằm cách anh hai giường:

"Nếu chú muốn biết sự thật… Tất cả những bê bối này bắt đầu bằng một nửa đồng kopeck". [1]

"Sao? Liên can gì đến đồng kopeck?"

"Trước đây, trong năm 1926, 1928 gì đó – năm đó chú còn nhỏ xíu – ở trước những ghi-sê phát tiền người ta có treo tấm bảng "Nhớ lấy cả những đồng một nửa kopeck tiền lẻ". Thời đó có đồng nửa kopeck. Bọn phát tiền có bổn phận phải trả đủ cả từng đồng. Đó là thời thanh bình…"

"Thời đó không có chiến tranh sao?"

"Không có chiến tranh – chú có thể tưởng tượng được không? Đó là thời trước chiến tranh. Thanh bình. Phải đó, thanh bình. Trong những công sở người ta làm việc sáu tiếng đồng hồ một ngày, không phải làm quá nhiều giờ như bây giờ. Và mọi việc đều êm đẹp. Mọi người làm việc tốt. Chỉ cần chú phải làm việc thêm mười lăm phút là người ta trả chú tiền phụ trội liền. Chú nghĩ coi cái gì biến mất trước nhất? Những đồng nửa kopeck. Tình trạng bê bối bắt đầu. Rồi đến những đồng tiền biến mất. Tới năm 1930, những đồng bạc biến nốt. Không còn tiền lẻ nữa. Đôi khi, họ không thèm trả chú cả những đồng ruble lẻ. Kể từ đó, những sai lầm theo nhau đến. Ở ngoài phố, bọn hành khất không thèm hỏi xin đồng kopeck nữa, họ nói: "Bạn công dân, cho tôi một đồng ruble…". Khi lãnh tiền lương do nhà nước trả, chú chớ dại mà đòi họ trả cho chú cả những đồng kopeck ghi trên sổ lương – họ sẽ cười vào mũi chú, họ sẽ gọi chú là… đồ bần tiện, bủn xỉn. Nhưng họ đã lầm: đồng nửa kopeck tuy nhỏ nhưng nó tượng trưng cho sự lương thiện của con người, cho sự kính trọng con người. Nói cách khác, họ coi thường con người, họ đái lên đầu con người. Không ai đòi hỏi quyền được hưởng những đồng nửa kopeck. Và con người mất giá trị vì thế".

Trên một chiếc giường khác, một tù nhân đang đọc sách ngừng lại để nói với người nằm ở giường bên:

"Chính phủ của Nga Hoàng thối nát. Một chính phủ yếu xìu như thế không đổ sao được. Anh nghe này: Một thiếu phụ cách mạng tuyệt thực trong tám ngày để bắt một anh quản đốc nhà tù phải xin lỗi… [2] . Và anh quản đốc ngu đần này chịu xin lỗi… Bây giờ làm gì có ai dám nghĩ đến chuyện đòi Quản đốc Nhà tù Krasnaya Presnya xin lỗi…?"

"Bây giờ họ sẽ nhét thức ăn vào ruột bà ta vào ngày tuyệt thực thứ ba. Sau đó, họ cho bà ta thêm một hạn tù nữa vì tội khiêu khích. Anh đọc chuyện đó ở đâu vậy?"

"Trong tiểu thuyết của Gorki".

Tù nhân Dvoyetyosov nằm gần đó ngóc đầu lên:

"Ai đọc Gorki đó?"

"Tôi".

"Đọc làm chi vậy?"

"Đọc để biết chuyện ngày xưa ra sao, cũng có lợi lắm chứ. Như những chi tiết Gorki tả về khám đường Niznhy Novgrod chẳng hạn. Ở khám đường này, anh có thể bắc thang trèo qua tường mà không ai ngăn cản anh hết. Anh có thể tưởng tượng nổi chuyện ấy không? Về bọn giám thị thì Gorki tả cho ta biết rằng họ có súng lục nhưng lâu quá không được dùng đến nên súng rỉ hết, họ chỉ có thể dùng súng vào việc thay búa đóng đinh lên vách. Biết được những chuyện ấy cũng có lợi lắm chứ?"

Ở bên dưới họ, đề tài thảo luận được nói đến luôn trong những nhà tù đang được nhiều người tham dự. Đó là đề tài Người ta nên ở tù lúc nào nhất? Cách đặt câu hỏi này cho người ta thấy quan niệm chung là ở đời này không ai tránh khỏi việc ở tù, chẳng sớm thì muộn ai cũng phải tù. Những người ở tù thường có khuynh hướng phóng đại số người ở tù. Thực ra hiện giờ chỉ có khoảng từ mười hai triệu đến mười lăm triệu người đang ở tù song những tù nhân tin rằng có tới hai mươi triệu đến ba mươi triệu người đang ở tù. Họ cho rằng bên ngoài nhà tù gần như không còn đàn ông nữa. Câu hỏi "Người ta nên ở tù lúc nào nhất?" ngụ ý muốn hỏi người ta nên ở tù khi còn trẻ hay ở tù khi đã già? Nhiều tù nhân thường là những anh trẻ. Ở tù trẻ, người ta có dịp tìm biết nghĩa lý của đời sống, biết những gì có giá trị thực trong đời và những gì tầm thường, để tới năm ba mươi nhăm tuổi, sau khi đã ở tù mười năm, người đàn ông vừa trưởng thành có thể xây dựng đời mình trên những căn bản hiểu biết khôn ngoan và đứng đắn. Những người ở tù khi đã già có thể khổ sở khi thấy rằng đời mình là một chuỗi dài những sai lầm đó. Nhiều tù nhân khác – đa số là những ông tù già – cũng lạc quan không kém khi nói rằng người ta nên ở tù khi về già, về già đi tù là nhất. Vì khi đã già, người ta vào tù như vào Viện Dưỡng Lão vậy. Lúc đó người ta đã tận hưởng được tất cả những lạc thú ở đời. (Trong ngôn ngữ của tù nhân, "tất cả" có nghĩa là việc có một tấm thân đàn bà, quần áo tốt, thức ăn tốt và rượu mạnh). Họ đưa ra nhận xét là đời sống trong tù không làm hại gì được những người già trong khi nó có thể làm hại rất nhiều những người trẻ. Có những người trẻ, sau khi được ra khỏi tù, trở thành "không còn thích đàn bà".

Đó là đề tài đang được bàn cãi sôi nổi nhất trong phòng. Tù nhân thường rất ham nói. Nhiều người nói để trấn an mình, để an ủi mình, nhiều người nói để tự hành hạ mình, tự làm mình thêm khổ sở. Nhưng rốt cuộc, vấn đề vẫn không được sáng tỏ hơn, vẫn không ai nắm được sự thật. Trong những buổi chiều Chủ nhật người ta thấy ở tù là một lạc thú, nhưng khi họ trở dậy vào sáng thứ Hai, ở tù bao giờ cũng là một cực hình.

Nhưng việc thảo luận về đề tài ở tù vào tuổi nào tốt trên đây tuy có nhiều người tham dự nhưng không bao giờ đưa những người tham dự đến chỗ kích động, to tiếng. Trái lại, cuộc trao đổi ý kiến đưa họ đến gần nhau hơn trong nỗi buồn chung. Cuộc thảo luận không dẫn người ta đến đâu hết, nhất là không làm cho người ta cáu giận.

Cuộc thảo luận về đề tài ở tù tàn đi, gian phòng im lặng trong một lúc, sau đó người ta nghe tiếng Khorobrov nói:

"Khi người mình bắt đầu chuyến bay đầu tiên lên mặt trăng, tự nhiên là sẽ có một cuộc họp cuối cùng trước khi hỏa tiễn khai hỏa. Phi hành đoàn sẽ nguyện tiết kiệm đến tối đa nguyên liệu, nguyện phá kỷ lục tốc lực, nguyện không ngừng phi thuyền đang bay lại để sửa chữa… Một trong ba phi hành gia phải là một cán bộ chính trị. Trong chuyến bay, cán bộ này sẽ yêu cầu hai phi hành gia kia học tập chính trị và lấy lời tuyên bố của họ gửi về đăng báo".

Pryanchikov nghe được lời tiên đoán này trong lúc anh đi ngang gian phòng với chiếc khăn tắm và hộp đựng xà bông. Như người biểu diễn một động tác vũ điệu, anh nhảy tới bên giường Khorobrov và nghiêm trọng nói:

"Ilya Terentich… cho phép tôi được cải chính: việc xảy ra sẽ không như anh nói đâu… Bởi vì…"

Pryanchikov đưa ngón tay trỏ lên môi với vẻ bí mật như một diễn viên trong một phim trinh thám:

"… người Hoa Kỳ sẽ lên mặt trăng nước".

Chàng cười, tiếng cười trong như tiếng của một đứa trẻ, rồi nhảy đi.

Anh thợ khắc ngồi cạnh Sologdin trên giường. Anh và Sologdin đang say mê thảo luận về đề tài đàn bà. Anh thợ khắc đã ngoài bốn mươi, tuy nét mặt anh còn trẻ, tóc anh đã có nhiều sợi bạc. Mái tóc ấy hợp với anh.

Hôm nay, anh thợ khắc đang hài lòng. Quả thực là anh đã lầm khi anh vội nuốt bản truyện ngắn của anh trong phòng khám trước khi lên xe đi gặp vợ, nếu anh đừng quá vội, anh có thể đem được truyện ra ngoài và trao cho vợ anh. Nhưng trong cuộc gặp mặt, vợ anh có nói cho anh biết rằng chị đã đưa cho nhiều người tin cẩn và có uy tín đọc những truyện ngắn gửi ra trước đây của anh và tất cả mọi người đều khen là hay, là truyện rất giá trị. Anh cũng biết rằng vợ anh có thể phóng đại những lời khen và những người thân được chị cho coi những đoản thiên ấy thường chỉ khen chứ không chê, nhưng dù sao anh vẫn thấy sung sướng. Anh nghĩ rằng dù anh viết hay hoặc viết dở, anh cũng đã ghi lại được cho hậu thế những sự thật về sự đối xử của Stalin với những chiến sĩ Nga bị Đức bắt làm tù binh trong trận thế chiến thứ Hai, anh nói lên tiếng kêu thương ai oán của cả triệu người không may đó Anh cảm thấy kiêu hãnh và anh tự nguyện sẽ tiếp tục viết truyện. Cuộc gặp gỡ hôm nay còn đem lại cho anh nhiều tin vui: vợ anh vẫn trung thành với anh, vẫn chờ đợi anh, chị đã gửi nhiều đơn xin cho anh được tự do, chị đã nhờ nhiều luật sư uy tín biện hộ cho anh và chắc chắn là trong thời gian tới, họ sẽ có tin vui hơn nữa.

Trước hết, anh thợ khắc nói về hai chị vợ người Nga của anh, sau đó anh nói đến cuộc sống của anh khi anh là tù binh Đức ở trên đất Đức và những chị đàn bà Đức khả ái mà anh được gần ở đó. Anh so sánh đàn bà Nga với đàn bà Đức và đây là lần đầu tiên Sologdin được nghe nói đến sự cách biệt này. Anh thợ khắc nói rằng đàn bà Nga quá tự lập, quá tự tin, không chịu chấp nhận thiệt thòi khi yêu, họ quan sát người đàn ông họ yêu, tìm hiểu những nhược điểm của người yêu, và tấn công vào những lúc người họ yêu ít can đảm nhất. Đàn bà Nga bao giờ cũng ngang hàng với đàn ông trong tình yêu. Trong khi ấy, người đàn bà Đức mềm như một cây lau trong bàn tay người đàn ông họ yêu. Đàn bà Đức coi người đàn ông họ yêu là ông chúa, là người đàn ông duy nhất trên trái đất, người tốt nhất, đáng quý nhất. Họ hoàn toàn lệ thuộc và theo ý muốn người họ yêu. Họ chỉ mơ đến chuyện làm sao làm cho người họ yêu hài lòng. Vì vậy, anh thợ khắc thấy rằng với đàn bà Đức, anh sung sướng hơn, anh là ông chủ, là ông chúa.



[1]Kopeck: Đơn vị tiền tệ nhỏ nhất của Nga, cũng giống như đồng trinh của ta cách đây 30 năm.
[2]Những người tù này đang nói đến cuốn tiểu thuyết Người mẹ của Maxime Gorki.
Nguồn: Tác phẩm viết bằng tiếng Nga của Aleksandr I. Solzhenitsyn, giải Văn chÆ°Æ¡ng Nobel 1970 do Nhà Harper và Row dịch và ấn hành lần thứ nhất năm 1968 ở Hoa Kỳ dÆ°á»›i nhan đề tiếng Anh The First Circle. Bản dịch tiếng Anh của Thomas P. Whitney. Bản Việt văn của Hải Triều dịch theo bản tiếng Anh của Thomas P. Whitney do Nhà xuất bản Đất Má»›i ấn hành lần thứ nhất Sài Gòn, Việt Nam, 1973. Nhà xuất bản Đất Má»›i giữ bản quyền. KD. Số 2137/PTUDV ngày 15-5-1973. Giá 900Ä‘. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.