© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
19.5.2004
Trần Anh Hùng
Nghệ thuật là sự thật được đeo mặt nạ
Lâm Phố thực hiện
 
Trần Anh Hùng, đạo diễn Pháp gốc Việt, tác giả của ba bộ phim về đề tài Việt Nam với phong cách dàn dựng đương đại dù mang ba màu sắc khác nhau: sự hồn nhiên, thuần khiết của Mùi đu đủ xanh (1993), bạo lực trần trụi của Xích lô (1995), những đam mê đầy ẩn dụ trong Mùa hè chiều thẳng đứng (2000). Trước đó nữa là hai bộ phim ngắn mang màu sắc hoài cổ Thiếu phụ Nam Xương (1988) và Hòn vọng phu (1990). 40 tuổi, Trần Anh Hùng được đánh giá như một trong số ít các đạo diễn có ngôn ngữ điện ảnh mang màu sắc đương đại nhất hiện nay của điện ảnh thế giới với thành tích đáng tự hào: giải Camera vàng cho phim đầu tay tại LHP Cannes năm 1993, giải Cesar (Pháp) cho phim đầu tay; đề cử Oscar cho phim nước ngoài hay nhất năm 1994 đều với phim Mùi đu đủ xanh và giải Sư tử vàng tại LHP Venise năm 1995 với phim Xích lô.

Rời Việt Nam đến Pháp năm 12 tuổi nhưng dường như với Trần Anh Hùng, những ám ảnh về nơi chôn nhau cắt rốn vẫn còn rất mạnh mẽ trong anh, và cứ mỗi lần như thế, anh lại tìm về để khám phá những chiều kích tiềm ẩn của văn hóa truyền thống bằng những cảm quan rất hiện đại của mình.

Chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với đạo diễn Trần Anh Hùng ngay sau khi anh vừa trở về Hà Nội để tham gia một lớp giảng dạy làm phim ngắn cho các học viên Việt Nam.
Lâm Phố (LP): Cả ba bộ phim của anh, đặc biệt là Mùi đu đủ xanh và Mùa hè chiều thẳng đứng đem lại cho người xem những cảm giác rất khác lạ. Nó không còn là một câu chuyện truyền thống được kể có đầu có cuối nữa mà đánh mạnh vào cảm giác của người xem khiến họ thưởng thức chúng không phải bằng cái đầu duy lý nữa mà bằng cảm giác của ngôn ngữ cơ thể. Anh có thể nói gì về phong cách dàn dựng này?

Trần Anh Hùng (TAH): Tôi chỉ có thể nói đơn giản rằng: khi đã chán với cách làm phim thông thường, một số đạo diễn, trong đó có tôi muốn thể hiện một thủ pháp điện ảnh mới - đó là tìm cách thoát ra khỏi câu chuyện phim hoặc không kể chúng như phong cách truyền thống nữa. Chọn thủ pháp làm phim mới với tôi không gì khác ngoài mục đích tự thân khi làm điện ảnh: tìm kiếm những cảm giác mới và sung sướng được khám phá chúng. Tất nhiên, nó cũng phải đạt đến một hiệu quả thực sự về mặt nghệ thuật và tạo ra những cảm nhận mới cho người xem. Tôi luôn quan niệm nghệ thuật là sự thật được đeo mặt nạ, để cảm nhận được chúng đòi hỏi phải có một sự tìm kiếm những bí ẩn đằng sau những chiếc mặt nạ đó.

LP: Phong cách này trong các bộ phim của anh khá tương đồng với một số đạo diễn đương đại (contemporary director) khác, như Vương Gia Vệ (Hồng Kông) với phim In the Mood for Love (Tâm trạng khi yêu) hay Hầu Hiếu Hiền (Ðài Loan) với phim The Flowers of Shanghai (Những đoá hoa Thượng Hải) hay Millennium Mambo (Vũ điệu thiên niên kỷ)...?

TAH: Ðó là hai trong số những đạo diễn khước từ lối làm phim kể chuyện có kết cấu theo kiểu truyền thống, tuy nhiên mỗi người có một cách làm phim khác nhau. Nếu nói người đi xa nhất về cách làm phim không kể chuyện nữa thì đó là Hầu Hiếu Hiền. Tôi không giống họ và cũng không ảnh hưởng của họ. Phong cách làm phim này giúp đạo diễn được sống thật với cảm giác của họ và làm phim đúng như cách họ suy nghĩ và cảm nhận, nhưng đó cũng là một con đường cực kỳ mạo hiểm vì điện ảnh còn là kinh tế, trong khi phim dạng này thường không chiều theo số đông.

LP: Trong ba bộ phim của anh, phim nào khiến anh hài lòng nhất về ngôn ngữ điện ảnh theo phong cách mới này?

TAH: Nếu nói bộ phim khiến tôi hài lòng nhất về mặt ngôn ngữ điện ảnh thì đó là Xích lô. Bộ phim này đã giúp tôi khai thác được một cái gì đó rất riêng biệt của điện ảnh. Sau khi dựng phim này, nó tạo ra cho tôi một cảm xúc mạnh đến nỗi làm xáo trộn cả cảm giác và sự nhạy cảm của bản thân.

LP: Bộ phim này có rất nhiều chi tiết mang tính ẩn dụ với những thông điệp xã hội khá táo bạo và gai góc. Anh có thể lý giải chúng không?

TAH: Với tôi, làm nghệ thuật là phải có khả năng quên và khi làm xong phim nào tôi muốn quên luôn phim ấy cũng như không muốn học lại những bài học từ các bộ phim cũ. Và với tôi, làm điện ảnh quan trọng nhất là hiệu quả ngôn ngữ điện ảnh, tôi không quan tâm lắm đến yếu tố xã hội của bộ phim.

LP: Nhiều người cho rằng thực ra ở ba bộ phim nói trên, anh đều áp dụng một phương pháp tiếp cận thực dân về đề tài Việt Nam - tức làm theo cách cảm nhận và phục vụ cho thị hiếu của phương Tây? Và nhiều người Việt Nam khá xa lạ khi xem các bộ phim của anh?

TAH: Thực ra, mục đích trước tiên khi làm phim là phục vụ cho chính tôi và trách nhiệm lớn nhất đối với tôi là tìm ra ngôn ngữ điện ảnh mới của bộ phim đó nên tôi không quan tâm nhiều đến việc phục vụ ai hay phục vụ cái gì. Còn nếu nói sự xa lạ khi xem ba bộ phim này thì tôi có thể chắc chắn người nước ngoài họ sẽ có cảm giác xa lạ hơn người Việt Nam nhiều. Tuy nhiên, với điện ảnh, sự xa lạ cũng là một cảm giác rất kích thích người xem.

LP: Xem ba phim của anh, có khá nhiều chi tiết được lặp lại, tuy nhiên đó dường như là một sự lặp lại cố ý của anh, đặc biệt là hình ảnh của nhân vật nữ gội đầu theo truyền thống và được dàn dựng rất cầu kỳ ở cả ba phim?

TAH: Ðúng vậy, hình ảnh người phụ nữ gội đầu trong cả ba phim này tạo cho tôi một cảm giác về sự kích thích tính dục trong cảm nhận, dù nó rất ẩn ý và hơi tế nhị. Nếu hình ảnh này ở phương Tây thì không có hiệu quả gì về mặt thẩm mỹ nhưng ở Việt Nam thì lại hoàn toàn khác.

LP: Anh cũng rất chú trọng đến phương pháp đặc tả và cận cảnh trong một số khuôn hình với sự sắp đặt rất điêu luyện như hình ảnh của giọt mủ, hạt đu đủ hay đàn kiến, chú dế, ếch... trong Mùi đu đủ xanh? Hình như anh rất chú trọng đến hội họa và nghệ thuật sắp đặt trong các bộ phim của mình?

TAH: Ðấy là điều không thể thiếu trong việc tạo hình, tuy nhiên việc sử dụng chúng trong phim phải tạo ra một tiếng vang và tiếng vọng về mặt hình ảnh. Nói cách khác việc sử dụng chúng phải tạo ra hiệu ứng tổng hợp và bổ sung hài hoà cho nhau để nâng cao hiệu quả về mặt ngôn ngữ điện ảnh. Hình ảnh đặc tả và cận cảnh trong Mùi đu đủ xanh thực ra đơn giản hơn - tôi muốn người xem được sống trong cảm giác bỡ ngỡ của đứa bé - cô bé người ở tên Mùi năm cô 10 tuổi khi cảm nhận về sự vật và cuộc sống xung quanh cô.

LP: Âm nhạc cũng là một thế mạnh và có một style riêng trong phim của anh. Việc sử dụng nhạc nền của nhạc sỹ Tôn Thất Thiết trong Xích lô, những ca khúc của Trịnh Công Sơn được hát như đồng dao hay âm nhạc hiện đại của nhạc sỹ Lou Reed trong Mùa hè chiều thẳng đứng cũng đem đến những cảm giác rất khác thường? Âm nhạc trong phim với anh có ý nghĩa như thế nào?

TAH: Thực ra tôi không dùng nhạc như một thứ minh hoạ mà như một công cụ để trao đổi với người xem. Nhạc đến khi cảm xúc của người xem đã chín rồi. Và quan trọng, nhạc phải hợp với nhịp và không khí của bộ phim, chúng phối hợp với nhau để tạo ra một không gian rất đặc biệt khi thưởng thức.

LP: Anh nói gì về Trần Nữ Yên Khê, vợ và là diễn viên nữ chính trong các bộ phim của anh? Ðó có phải là người không thể thay thế như Củng Lợi một thời trong các bộ phim của Trương Nghệ Mưu?

TAH: Tôi không bình luận về điều này.

LP: Anh nhận xét gì về phim của các đồng nghiệp trong nước? Ở một góc nhìn từ bên ngoài, anh thấy điện ảnh Việt Nam đang gặp phải những khó khăn gì và đâu là biện pháp tháo gỡ?

TAH: Tôi cho rằng đạo diễn Việt Nam không hề kém và một số người có thể ra được nước ngoài và được thừa nhận như Ðặng Nhật Minh, Hồ Quang Minh... Tuy nhiên, đáng tiếc là họ không có đủ điều kiện, đặc biệt là về kỹ thuật và tiền bạc để làm đúng như ý muốn của mình.

LP: Vậy còn điện ảnh thế giới? Ðang có một sự phân hoá khá mạnh giữa điện ảnh châu Âu và Mỹ hay sự lên ngôi gần đây của nhiều nền điện ảnh châu Á... Ðạo diễn nào hiện nay gây ấn tượng mạnh nhất đối với anh?

TAH: Nhiều năm gần đây, ít đạo diễn thế giới nào tạo cho tôi ấn tượng mạnh về ngôn ngữ điện ảnh. Tôi vẫn quan tâm và yêu thích nhiều hơn đến những đạo diễn và dòng phim cổ điển. Và nếu được chọn 5 hay 10 bộ phim hay nhất của điện ảnh thế giới thì tôi sẽ chọn một số phim của các tên tuổi cũ như Francis Ford Coppola (Ngày tận thế, Bố già 1), Martin Scorsese, Stanley Kubrick hay Akira Kurosawa (Nhật)...

LP: Dự án điện ảnh dựa theo cuốn tiểu thuyết Night Dogs (Những chú chó đêm) của nhà văn cựu binh Mỹ Kent Anderson về chiến tranh Việt Nam của anh hiện nay đến đâu rồi?

TAH: Năm 2000, sau khi làm xong Mùa hè chiều thẳng đứng, tôi có bắt tay vào dự án này và mất gần hai năm để chuẩn bị, tuy nhiên do nhiều lý do khách quan, trong đó có lý do một diễn viên nổi tiếng rút lại vai chính khiến dự án này bị đổ bể. Quả thực tôi rất tiếc.

LP: Vậy còn bộ phim hình sự mới mà anh định làm với nam diễn viên nổi tiếng Hồng Kông Lương Triều Vỹ theo như tiết lộ mới đây của diễn viên này với báo chí phương Tây?

TAH: Vâng, đây là một dự án lớn nhất từ trước đến nay của tôi, tuy nhiên do một vài lý do hơi duy tâm tôi chưa thể nói gì hơn. Chỉ biết đó là một câu chuyện không xảy ra ở Việt Nam mà bối cảnh chính là ở châu Á và Mỹ, có thể sẽ khởi quay cuối năm nay. Nam diễn viên chính do Lương Triều Vỹ đóng và vai nữ chính duy nhất thuộc về Trần Nữ Yên Khê.

LP: Cám ơn và chúc dự án mới của anh thành công!

Nguồn: Sinh Viên Việt Nam, số 17, 2004