© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
23.9.2008
Bùi Bụi

Lấy ai điểm danh giùm

1. Đọc “Điểm danh căn bệnh của phê bình hôm nay” (đăng lại toàn văn trên website http://inrasara.com, trước đó, đăng ở Văn nghệ, 30/8/2008), thấy Inrasara quả là một bác sĩ giỏi, ít nhất ở sự bao quát. Tám căn bệnh của phê bình mà Inrasara liệt kê ra đều chính xác và trở nên phổ biến ở mức trầm trọng trong sinh hoạt văn chương hiện nay. Nhưng cầm tờ khám bệnh mà Inrasara trao, đọc đi đọc lại, thấy cứ thiêu thiếu gì đó, hệt như, còn vì một căn bệnh hiểm nghèo nào có thể dẫn đến tử vong mà vị bác sĩ nhân đạo không muốn nói ra, nói hết. Liền đó, lại thấy, kết quả khám nghiệm này đã gặp lâu rồi, ai đó đã nói ra rồi, bây giờ chỉ thêm bớt vài câu, thêm một chữ kí mới nữa. Hóa ra, có thể, chính vị bác sĩ này cũng mang bệnh, một căn bệnh lây lan từ những vị bác sĩ khác, trong ngành trong nghề mà nếu người bệnh không tỉnh táo, cứ tưởng vị bác sĩ kia khỏe mạnh, sức đề kháng tốt lắm. Đành, lần lượt nhìn lại các căn bệnh mà Inrasara ghi để chuẩn đoán bệnh của chính Inrasara xem.

2. Căn bệnh thứ nhất: Phê bình độn giai thoại. Tên bệnh do Irasara đặt nhưng chữ “giai thoại” thì Inrasara copy lại, ít nhất là của hai nhà phê bình khác: Hoàng Ngọc-Tuấn và Nguyễn Hưng Quốc. Hai nhà phê bình này, trong nhiều bài viết, đã dùng “giai thoại” như một kết luận quan trọng nhằm chỉ căn bệnh phê bình không lí luận, không phương pháp. Theo Nguyễn Hưng Quốc, phê bình văn học Việt Nam “gần đây, chuyển sang việc tán nhảm về những giai thoại ngồ ngộ và vui vui trong sinh hoạt văn học” ("Chủ nghĩa phản tri thức trong văn học Việt Nam"). Bởi vậy “bài nào cũng ngăn ngắn, tuyệt đối không có chút tài liệu tham khảo, được viết bằng một cách nhìn đầy chủ quan với giọng văn đầy cảm tính, thường thường pha chút bông lơn theo lối nói chuyện phiếm”. ("Văn học Việt Nam: một nền văn học nghiệp dư"). Vậy đây không phải là kiểu “phê bình và tán”, “phê bình chung chung” mà Inrasara nói đó ru? Dĩ nhiên, trong học thuật, việc chịu ảnh hưởng tư tưởng của người này, người khác là việc bình thường. Nhưng sự ảnh hưởng, hay chính xác hơn, là tiếp biến tư tưởng và các giá trị khoa học của tiền nhân, của tha nhân phải đặt trên hệ số cơ bản là bản thân phải tạo ra một thành quả tư tưởng, khoa học tương đối khác đi, mới mẻ hơn và ít nhất là để người khác thấy được sự nỗ lực vượt ra khỏi vùng ảnh hưởng. Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn viết: phê bình phản lí thuyết, úy kị lí thuyết, phản hàn lâm thì Inrasara bảo là phê bình “không trên nền tảng mĩ học nào”. Nguyễn Hưng Quốc dùng chữ “nhí nha nhí nhách” một cách sáng tạo, Inrasara thuật là “kể lể lê thê” (như muốn chứng tỏ mình cũng biết cách tìm tòi ngôn từ). Nhưng dầu mức độ thuật lại có biến dạng đi chút xíu thì cũng không thể che giấu được việc biển thủ ý tưởng. Mà cái sự biển thủ ý tưởng người khác, đến mức sơ khai và hồn nhiên thì gọi là bệnh gì? Trong tiểu luận gây hấn “Văn học Việt Nam: một nền văn học nghiệp dư”, để chứng minh cho tính nghiệp dư trong sinh hoạt văn chương Việt Nam từ xưa đến nay, nhất là ở tính chất trò chơi, cùng với sự mênh mông tư liệu và dẫn chứng khác nhau, Nguyễn Hưng Quốc có lấy câu thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Văn chương nghề cũ xác như vờ”, câu thơ Nguyễn Du: “Mua vui cũng được một vài trống canh”, thì lập tức Inrasara chua lại (có thêm câu của Xuân Diệu: “Tôi là con chim đến từ núi lạ/ Ngứa cổ hót chơi”) để kết luận: “Viết là nghề tay trái, một trò chơi, hứng thì làm, làm chơi…” ("Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo", tr. 35). Đấy chẳng phải là kiểu phê bình núp bóng trá hình? Núp bóng ý tưởng, quan điểm người khác để rồi phán xét, một cách trịch thượng như thể mọi diễn biến văn chương, mĩ học, lí luận đã nắm trong lòng bàn tay, chỉ cần cơ hội thuận lợi là tỉ thí với đám đông luẩn quẩn quanh cái khoảnh kiến thức cũ kĩ sáo mòn. Đồng quan điểm, tán thành ý kiến rất khác với ăn bám quan điểm, ý kiến. Bởi vì sự ăn bám là thói quen chờ đợi, ỷ lại, chờ ai đó dúi vào tay dăm ba chữ nghĩa là nhảy lên văn đàn tôi có ý kiến, tôi thấy rằng, theo tôi…

3. Trong tám căn bệnh phê bình, căn bệnh thứ tư “phê bình hũ nút”, theo Inrasara “phê bình này không cần biết đến ai, lấy mình làm thước đo văn chương người thiên hạ”. Đáng lí, từ đây, tác giả nên bắt mạch kê đơn theo kinh nghiệm và tư duy của mình thì không hiểu sao, lại cầm ngay cuốn sách có trước mặt để rồi vừa liếc nhìn bệnh nhân, vừa liếc nhìn tài liệu một cách thụ động. Cái tài liệu trước mặt là quá trình giải điển phạm - Hoài Thanh của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, trong đó có hai kết luận mấu chốt: “quan điểm thẩm mĩ của Hoài Thanh chỉ theo kịp phong trào Thơ Mới ở giai đoạn đầu” ("Khi Mã Giám Sinh yêu Thúy Kiều") và hai, không thể có một Hoài Thanh trong văn học đương đại vì các khuynh hướng thẩm mĩ ngày nay là phong phú và phức tạp hơn thời kì Thơ Mới nhiều. Inrasara hiểu được kết luận này, và dù phải bỏ ra ít công sức để chế tác lại nó thì hình dạng cuối cùng của nó vẫn chỉ là: “Ngồi lại căn chòi hệ mĩ học cũ kĩ, chưa thoát khỏi phê bình ấn tượng thời Thơ Mới, cho nên câu châm ngôn muôn thuở ưa thích là: đến hôm nay vẫn chưa có nhà phê bình nào vượt được Hoài Thanh”. Nguyễn Hưng Quốc muốn nhắc nhở rằng nhà phê bình cần phải hiểu và vượt thoát ra khỏi giới hạn thẩm mĩ đương thời để có thể vừa nhìn thấy hoa, vừa nhìn thấy mầm thì Inrasara cũng phê phán những kiểu phê bình hũ nút “ngồi lại căn chòi hệ mĩ học cũ kĩ”. Cái căn chòi này hẳn là được dựng bằng mái lá “nghiệp dư”, xây bằng “mặc cảm dị ứng với cái mới”? Nếu quả đây là lối nói hàng hai thì kết quả chẩn đoán, phương pháp chẩn đoán, mĩ học chẩn đoán căn bệnh phê bình của Inrasara có gì mới thực sự? Hay rút cuộc, kết quả chẩn đoán ấy là thuật nhi bất tác mà tư cách học trò rất ưa sử dụng để tìm lấy sự an tâm, an toàn cho mình?

4.
Cuối tờ khám bệnh, Inrasara thành thật: “Vài năm qua khi dấn vào cõi miền phê bình, tôi cũng không tránh khỏi lây nhiễm mấy thứ vi rút trên. Một/ một vài hoặc tất cả chúng nữa không chừng!” Có thể, đó chỉ là cách nói làm đẹp lòng bệnh nhân, một sự chia sẻ rất “tán”. Nhưng đúng là, thỉnh thoảng trên văn đàn lại rộ lên một loại virus phê bình: hàng xén, du kích, truyền miệng, chỉ điểm… và bây giờ là tám loại nữa mà Inrasara công bố. Chỉ có điều, khi nhà công bố cũng nhiễm virus thì lấy ai điểm danh giùm?