© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ý kiến ngắn
24.9.2008
Inrasara
thu 7716
 

Đóng dấu xác nhận và cải chính

“Khi nhà công bố cũng nhiễm virus thì lấy ai điểm danh giùm”? Quý ngài Bùi đã hỏi thế và ra sức chỉ giùm. Sự chỉ giùm ấy nhìn ở bề mặt không phải không có chỗ trúng, nên cứ phép lịch sự mà cám ơn. Cạnh đó phần trật thì to và nhiều lắm. Riêng ở đoạn kết, khi hô lên “đó chỉ là cách nói làm đẹp lòng bệnh nhân” thì quý ngài tỏ rõ sự đoán mò.

Có 2 điều cần minh giải:

1. Liên quan đến Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc-Tuấn, tôi viết rất rõ ở Tienve.org, 8-6-2008: “Tôi nợ Nguyễn Hưng Quốc nhiều. Như tôi từng nợ Bùi Giáng, Phạm Công Thiện trước kia. Xa hơn, J. Krishnamurti, R. Chandra hay M. Heidegger, J. Derrida,... Nhiều ‘mệnh đề’ tôi mượn lại của anh, nhất là nhận định mà anh rút ra được từ nghiên cứu văn hoá văn chương Việt Nam thời gian qua. Nợ Hoàng Ngọc-Tuấn nữa, dù ít hơn – từ các nghiên cứu và dịch thuật là chính”.

Khoản này, tôi cứ lạm nhận “tư cách học trò”, chả có gì là lép cả.

Bài báo “Điểm danh căn bệnh của phê bình hôm nay” chỉ là một thuật nhi bất tác. Bởi cho nó là bài báo mang tính tổng hợp nên tôi bỏ mục ghi nguồn, làm thế nó kéo dài dằng dặc ra. Ngược lại, nếu là bài nghiên cứu (nhất là in thành sách) tôi đã rất cụ thể, dù là một đặc ngữ vay mượn.

Chuyện vui: In cuốn Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, tôi có câu: “Thứ văn chương-trò chơi ấy chính là con đẻ của nền văn học bị Nguyễn Hưng Quốc gọi đích danh là văn học nghiệp dư, không hơn”. BBT “làm việc” với tôi: “văn học nghiệp dư” Inrasara nói cũng được, cần gì phải ông Quốc. Nói sao cũng không đặng, tôi đành nhượng bộ, thành: “Thứ văn chương-trò chơi ấy chính là con đẻ của nền văn học nghiệp dư, không hơn” (Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, tr. 36). Phần nguồn dẫn tôi đưa xuống chú thích. Hai năm sau, in lại bài “Bế tắc trong sáng tạo” trong Song thoại với cái mới (tr. 34), tôi đã phục hồi nguyên văn.

Đó là nhìn ở bề nổi, tôi nói ngài Bùi có vẻ trúng là thế.

Riêng chi tiết, ngài viết đâu sai đó. Ví dụ ngài Bùi kêu: “Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn viết: phê bình phản lí thuyết, úy kị lí thuyết, phản hàn lâm thì Inrasara bảo là phê bình “không trên nền tảng mĩ học nào”. “Phê bình phản lí thuyết, úy kị lí thuyết, phản hàn lâm” làm gì đồng nhất với “phê bình không trên nền tảng mĩ học nào”? Mèng ôi, ăn nói thế có ma nào nghe thủng lổ nhĩ chớ!

Ngoài Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc-Tuấn ra, rất nhiều mệnh đề tôi nêu lên làm minh chứng cho bài viết là những câu cận nguyên văn được lặp đi lặp lại trên khắp mặt báo trong nước từ vài chục năm qua, khó biết được đâu là điểm xuất phát. Trong đó “đến hôm nay vẫn chưa có nhà phê bình nào vượt được Hoài Thanh”, là ví dụ.

Tóm lại, trong 8 căn bệnh, 5 cái đầu [hoặc cụ thể hoặc bàng bạc] đã được Nguyễn Hưng Quốc hay Hoàng Ngọc-Tuấn chỉ ra, tôi thu gom và “gọi tên” kèm theo dẫn giải; còn mấy thứ phê bình hàng hai, phê bình bè phái và phê bình quan phương nội cộm trong sinh hoạt văn chương ai cũng thấy, tôi xếp thêm ghế ngồi và phân tích sơ bộ. Như vậy, từ nhiều nguồn khác nhau, bài báo “Điểm danh căn bệnh của phê bình hôm nay” chỉ nhằm hệ thống và cô đúc theo lối điểm danh và tán [kiểu mình], để nhắc nhở nhau và tự nhắc nhở. Cho căn bệnh phê bình hôm nay nguôi ngoai đi. Lâu nay, tôi chưa thấy bài báo nào đã “hệ thống và cô đúc” vấn đề này như thế cả. Tôi không xem nó là một sáng tạo hay phát kiến mới của riêng mình. Nó chỉ ở tầm phổ biến khoa học chứ không phải làm khoa học. Theo thiển ý, một bài báo mà làm nên thao tác như vậy cũng đáng xoa đầu được rồi!

2. Riêng trích đoạn bài tiểu luận-nghiên cứu “Bế tắc trong sáng tạo” trong Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, rồi phán: “tiếp biến tư tưởng và các giá trị khoa học của tiền nhân, của tha nhân phải đặt trên hệ số cơ bản là bản thân phải tạo ra một thành quả tư tưởng, khoa học tương đối khác đi, mới mẻ hơn và ít nhất là để người khác thấy được sự nỗ lực vượt ra khỏi vùng ảnh hưởng”, tôi thấy ngài Bùi đã lạc đề: Phê tác phẩm khác của tôi chứ không bó gọn nơi bài báo đang bàn. Dẫu sao, có mấy điểm cần nói lại:

- Quan niệm văn chương trò chơi là phát biểu của rất nhiều nhà văn Việt Nam, mới nhất là ở Hội nghị viết văn trẻ; phê bình bình và tán vân vân cũng bị gặp rất nhiều chê trách trên báo chí. Đó là sự thể xảy ra thường xuyên trong sinh hoạt văn chương nước nhà, tôi va quẹt nó hàng ngày, và lôi nó ra làm chứng.

- Khi liên hệ sự việc cụ thể ai cũng biết ấy với luận cứ trước đó của Nguyễn Hưng Quốc, tôi đã ghi nguồn quá ư rõ ràng (Xem Chú thích 5, tr. 49). Nên ngài Bùi dùng từ “biển thủ ý tưởng” ở đây là rất bậy. Bậy mà không biết mình bậy lại hô to cái bậy của mình cho làng trên xóm dưới biết, mới lạ chớ!

- Cuối rốt, ý tưởng trên chỉ là manh mối nhỏ trong nhiều manh mối giúp tôi truy nguyên nhân và [thử] tìm hướng giải quyết cho bế tắc sáng tạo của nhà văn trong đó có tôi. Nghĩa là tôi chẳng những đã “nỗ lực vượt ra khỏi vùng ảnh hưởng” mà còn mở hướng đi khác. Hoàn toàn khác.

Tóm lại, tôi đã công khai nhận “mắc nợ”, công khai nhận ảnh hưởng, rất sòng phẳng và rõ ràng. Biếtthêm: Trả lời phỏng vấn VietNamNet, 23-9-2007: “Nhà văn trẻ nghĩ gì, hiểu gì về văn chương”, “Nhà văn và tác phẩm trong/ ngoài nước nào ảnh hưởng đến cách viết của bạn? Tại sao? Tôi rất rạch ròi:

“Có thể kể tên Ariya Glơng Anak (tác phẩm cổ điển của Chăm), Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Nguyễn Hưng Quốc, Đức Phật, Long Thọ, M. Heidegger, F. Nietzsche, J. Krishnamurti, R. Maria Rilke, W. Faulkner, Y. Bonnefoy, và vài tác giả khác nữa. Ảnh hưởng nhập nhằng giữa tư tưởng và cách viết, khó phân biệt. Tư tưởng thâm trầm được thể hiện qua bút pháp phiêu lãng; họ xây dựng được thế giới ngôn ngữ riêng và nhất là viết văn rất đẹp – một cái đẹp đa chiều! Có tác giả chưa đạt được cả ba nhưng không thể dưới hai trong ba tố chất đó”.

Sau khi ảnh hưởng và tiếp nhận, chỉ tính riêng tiết mục tiểu luận - phê bình, tôi đã đóng góp công điểm cho hợp tác xã văn chương Việt Nam kha khá. Kha khá này không do tôi tự cho mà được hơn chục “nhà” uy tín đánh dấu croix chấm công. Là chuyện ai cũng biết.

Còn ví dầu ngài Bùi không chịu thấy thì đó không là vấn đề của tôi rồi.

Sài Gòn, 23-9-2008