Tủ sách talawas13.10.2008
Trùng Dương
Láºp đông
Táºp truyện
Giáng sinh bên kia sông
1.
Buổi tối, như mọi hôm, sau bữa cơm tối tại một tiệm ăn quen có thể ký bông mỗi tháng tính tiền luôn thể, hắn đến nhà thủy tạ bên này sông gọi một ly cà-phê. Trong khi ngồi trầm ngâm bên chiếc phin cà-phê đang nhỏ những giọt màu đen sánh như một thứ máu khô đặc quánh xuống lòng chiếc ly bằng thủy tinh, với khuôn mặt nặng nề và đôi mắt nhìn như ẩn giấu cả một trời u uất, hắn hướng về trại lính Mỹ chiếm cứ như một chốn bất khả xâm phạm tuyệt đối bên kia sông mà nghe một đau nhức không nguôi từ một vết thương sâu kín. Hắn muốn vươn mình đến một sự nhức nhối có tính cách trọng đại hơn: như coi cái mảnh đất bên kia sông là một trong những vết lở lói của thân thể đất Mẹ. Hắn tự lừa dối mình mà không xong. Hình ảnh người đàn bà mà hắn đã ấp ủ vẫn cứ lởn vởn đâu đây. Cái gì trong cái vết lở lói bên kia sông đã lôi cuốn nàng rời xa hắn? Hắn không muốn nghĩ đến nữa. Hắn muốn phóng đại niềm đau nhức của mình thành một nỗi thao thức lớn lao mà chẳng riêng gì hắn phải mang, mà cha hắn đã mang, mà rồi em, con hắn sẽ mang và không chừng sẽ đến lượt cháu của hắn nữa (làm sao biết được khi chính tai hắn đã nghe cha, ông hắn, hồi hắn còn nhỏ, đã thốt lên: "Biết đâu thế hệ nó sẽ khá hơn thế hệ mình?" Ý họ ám chỉ thế hệ hắn. Và bây giờ đến lượt hắn, hắn nhìn bầy con, hay lũ nhỏ đồng tuổi với chúng, tuy chưa nói lên một câu tương tự, nhưng đã ngầm nhủ thầm như vậy).
Có tiếng đàn bà cười. Hắn hơi quay đầu để thấy một cặp vừa bước vào quán qua chiếc cầu hẹp, dài độ năm thước. Hắn không cần nhìn rõ mặt họ, nhưng tiếng cười của họ, nhất là của người đàn bà, làm hắn rớt từ niềm thao thức bao la vĩ đại vô vị lợi xuống một nỗi đau thương tầm thường, một cách lố bịch. Hắn nhận rõ nỗi đơn độc của mình. Một con đàn bà bỏ đi, điều đó có nghĩa gì? Nhưng hắn bắt buộc phải nhìn vào thực tại và thấy là điều đó không hẳn là không có nghĩa gì. Quả nó có nghĩa gì thật. Hắn tự thấy mình phải dứt khoát: không nên hoán vị sự việc và mặc cho nó những mũ mão ngoài tầm vóc của nó. Thử không hoán vị, thì đã sao? Và hắn nghiền ngẫm nỗi cô đơn của mình, như nghiền ngẫm vị đắng của chất cà-phê không bỏ đường.
Quán vắng. Ngoài hắn và hai người khác vừa bước vào, kỳ dư chỉ có mấy người bồi đứng ở khung cửa sổ sát mé sông đang tán gẫu với nhau. Trời mưa và mùa đông lạnh, không mấy ai muốn ra khỏi nhà, nhất là từ ngày thành phố tràn ngập những người lính Mỹ và Đại Hàn, và càng tràn ngập hơn nữa món đồ do bọn người này bán ra đủ cho dân chúng lập nên một khu chợ trời ngay trung tâm thành phố, tạo nên một khung cảnh buôn bán sầm uất và ấn tượng về một sự phồn thịnh giả tạo.
"Trời mưa hoài, liệu tụi nó có dám dựng cây giáng sinh không, há?"
Một người bồi vừa ngáp, vừa nói. Người kia đáp lơ đãng:
"Có gì mà không dám".
"Nghe đâu ngày mai tụi nó sẽ trồng cây giáng sinh đó. Nghe nói dường như lớn lắm. Có lẽ cũng bằng cây thông thiệt chứ chẳng chơi".
"Cao bằng cây thông thiệt, hay cao hơn, điều đó có nghĩa gì khi mà tụi nó dám đổ cả triệu đô-la bom vào những chỗ chỉ đáng nghi ngờ là có địch quân đồn cứ thôi!"
Người lên tiếng trước tiên có vẻ bực dọc:
"Cái thằng cha này! Người ta đương nói chuyện đàng goàng, khi không lôi chuyện khác vô chi dzậy? Đụng mở miệng là lên giọng bi goan không hà! Đách thèm nói chuyện với nữa!"
"Không nói đến thì thôi. Đách cần!"
Và họ im lặng sau đó. Hắn mừng là họ không thèm nói chuyện với nhau nữa.
Hắn lần trong túi áo vét lá thư của người bạn từ Sài Gòn vừa gửi ra. Những nét chữ hơi buông lơi, nhỏ nhắn và gọn gàng, nhưng cũng không thiếu phần chịu đựng lì lợm của một thứ tâm tình dịu dàng mà quyết liệt của người bạn mà hắn yêu hơn bất cứ người nào khác hẳn đã từng quen biết, đến độ, hắn, với ba mươi mấy tuổi đầu, đã gần như hờn lẫy khi nghe tin bạn sắp cưới vợ. Nhưng hắn kín đáo che giấu niềm tuyệt vọng – tại sao niềm tuyệt vọng ấy? – một cách khéo léo. Hắn không quen để lộ tâm tình cùng phản ứng, nhất là đối với bạn trai, mặc dù dễ dàng mềm yếu khi gục trên ngực một người đàn bà (song đó là chuyện khác). "Tại sao, tôi hỏi thật, anh lấy vợ?". Dạo đó, bạn hắn chưa làm lễ cưới. Hắn trọng bạn, gần như tôn kính, ở tuổi tác, sự hiểu biết, tính chịu đựng, sự từng trải, mặc dù họ chỉ xê xích nhau một hai tuổi. "Tôi tưởng anh không bao giờ nghĩ đến chuyện lấy vợ, hay nói chuyện, tưởng thường nhìn cuộc đời như không có bọn đàn bà. Dù điểm đó anh khác tôi, thú thật, song chính vì vậy mà tôi trọng anh hơn bất cứ thằng cha nào khác mà tôi quen biết từ trước đến nay". Người bạn chỉ cười, cái nụ cười vừa bộc tuệch vừa bí ẩn. Hắn nghĩ: nếu không phải là người hắn trọng và thương, hắn đã nhảy vào đè ngửa thẳng cho cái cười nửa hiền lành, nửa ngạo mạn, với cái vẻ khoan dung và ôn hòa của một ẩn sĩ đã đạt đến… đạo, nhưng có thể bất chợt, khép lại đầy vẻ đanh thép, cương quyết và sẵn sàng đương đầu. Rồi người đàn bà được giới thiệu với hắn. Một người đàn bà trẻ với nhiều trẻ thơ tính và cũng nhiều tình yêu cho bạn hắn, song dường như (làm sao có thể được ở nàng?) chẳng hiểu bạn hắn chút gì ngoài cái nhãn hiệu mà bạn hắn được một số người trong thiên hạ mặc cho: nhà văn. Dường như nàng hãnh diện về điều đó. Chưa kể cái lý tưởng chính trị – lý tưởng gì? – mà bạn hắn ôm ấp. Một hôm, hắn không ngăn được sự ngu xuẩn khi thốt lên: "Chị không hiểu được anh ấy đâu. Tốt hơn, chị đừng lấy anh ấy. Chị sẽ chỉ làm ngăn trở anh ấy mà thôi". Lẽ cố nhiên, đó là một điều không nên nói thẳng như vậy với một người đàn bà đang yêu và muốn lấy người mình yêu. Người đàn bà đã giận hắn đến thâm tím cả ruột gan. Người bạn biết chuyện, chỉ cười, như bao giờ. Dù sao, việc người bạn lấy vợ lại cũng là một dịp làm hắn phục bạn hơn, dù hận. Hắn tự nghĩ: có lẽ mình ích kỷ. Mình bị ruồng rẫy bởi một con đàn bà. Trong khi bạn mình được một người đàn bà yêu thương và mến phục mà hắn dành cho người bạn… Có thể nói, hắn gần như tôn sùng người bạn, tựa như một tín đồ sùng đạo đến độ không bao giờ có thể thấy rằng Thượng Đế của mình vô lý khi làm một điều trái quấy hết. Hẳn là phải có lý do. Cái lý do khiến cho bạn hắn lấy vợ, hắn có thể thông cảm được, dầu sao đi nữa. Ít ra, hắn khoái chí nghĩ, bạn mình còn là người.
Dường như hắn đã cười thành tiếng trong bụng. Hắn cúi xuống trang giấy tựa như có hơi hướm của người bạn thân yêu và đọc lướt qua:
"Siêu thân,
Lâu lắm không viết thư cho mày (bạn hắn mặc nhiên xưng hô "mày, tao" với hắn như thể từ chối vai trò "làm anh" mà hắn phong tặng cho, để chỉ coi hắn như một người bạn) vì lười. Mày biết đấy, như đã bao lần tao nói với mày, công việc ở đây nó lặt vặt, nó tạp nhạp, nó ù lì, khiến mình ù lì theo – chỉ tiếc sự ù lì không đủ để cho mình trở thành một thứ cây cỏ vô tri thức thôi, điều mà tao thành thật muốn trở thành! Vì vậy, tao không thể kể với mày một cái gì nữa cả. Khi mình ở lưng chừng thì có cái quái gì đâu để mà kể. Có lẽ tao mòn mỏi thật rồi. Thậm chí cũng chẳng đủ thời giờ, dù vẫn dư thời giờ, tìm hiểu tại sao sự mòn mỏi ấy.
"Nhận được thư tao, chắc mày ngạc nhiên lắm? Có việc nhờ mày: lo giùm cho người cầm giấy này một chỗ ở. Chỉ có vậy. Ráng lo cho tốt đẹp, rồi về Sài Gòn ăn Tết, đánh bạc, nghe không! Mong mày.
Thân,
Thiên"
Trưa hôm qua, khi hắn vừa đi ăn cơm về, có thư ký trao lại hắn lá thư và nói là do một người con gái mặc áo dài nâu, người nhỏ nhắn, mang lại. Và cô thư ký nói thêm, sau một phút im lặng: "Cô ta đẹp lắm. Trông hay lắm, thưa ông". Tự nhiên, hắn nghe xôn xao trong lòng. Những hàng chữ gửi gấm của người bạn có vẻ gì khác thường: chưa bao giờ người bạn tỏ vẻ ân cần và săn sóc như vậy về một người nào, nhất là người đó lại là một người đàn bà. Hắn khoái trá khi ý nghĩ chợt dẫn hắn đi xa hơn. Trong một lúc, hắn sực nhớ ra điều gì. Hắn hỏi cô thư ký bao giờ cô ta trở lại. Cô thư ký nói cô ta chỉ nói là mai hay mốt, chẳng dặn giờ nào. "Người cầm giấy này", hẳn là cô gái đó chứ còn ai khác nữa! Cô thư ký nói thêm: "Dường như cô ta bảo cô ta đi Hội An". Hắn lẩm nhẩm: "Hội An à?".
"Phải, Hội An nè. Mình đã tới Hội An rồi, các bạn".
Một người trong bọn trả lời. Chiếc xe rẽ vào một con phố hẹp, hai bên là những ngôi nhà nhỏ, mái lợp ngói âm dương, hay ngói hình vòng cung, với một dáng dấp cổ điển, dường như bị quên lãng. Hè đường hẹp không đầy một thước. Mặt đường còn lát gạch, nửa xanh vì rêu, nửa đỏ vì bị chà xát đi lại nhiều. Có nhiều hòn gạch lõm hẳn xuống như mặt một cái đĩa, nước mưa còn đọng trong đó. Một người nào đó trong bọn nói:
"Đây là phố chính của Hội An".
Nàng nhìn lên một cái bảng hiệu của một cửa tiệm và thấy hàng chữ "Đường Cường Để".
"Nghe nói ở đây có chùa Cầu nổi tiếng? Nằm ở đâu vậy?"
"Trên con đường này".
Nàng nghĩ: Lát nữa phải đến đó xem. Đến hội An mà bỏ lỡ không đi xem chùa Cầu là một cái… tội. Nàng đã thấy chán ở một chỗ. Nàng muốn đi đây đó. Nàng bày tỏ ý định đó với một đôi người bạn thân, lúc rối loạn như thế này, không nên đi làm gì, nhất là lại đi chỉ vì thích, và theo họ, không ở đâu bằng ở thủ đô. Nàng đáp: Chính vì thế mà nàng muốn đi. Có nhiều cái nàng muốn thấy, muốn xem, muốn cảm. Để làm gì, chính nàng cũng không biết. Chỉ biết rằng, nếu phải chôn chân mãi một chỗ thì nàng sẽ cuồng điên lên mất. Mỗi ngày với bấy nhiêu hình ảnh phố xá; với bấy nhiêu những con đường giờ ấy là giờ kẹt xe, bụi bay mờ mắt cả tâm trí làm con người cáu bẳn hay nhẫn nhịn đến vô hồn; với bấy nhiêu khuôn mặt bạn hữu tâm tình quen thuộc (mặc dù biết vậy mà vẫn chẳng thể đóng cửa nằm im trong nhà vùi đầu vào sách vở đôi-khi-bỗng-mất-hết-mọi-vẻ-hào-quang-mầu-nhiệm-của-chúng – sao không có lúc như vậy chứ; dù sách vở vẫn là người bạn thân yêu nhất của nàng? Và dù đó là một người tình duyên dáng đáng yêu, sao không khỏi có lúc thấy chán mứa và mơ tưởng đến những chân trời khác?). Nàng thấy mình phải đi. Có người khuyên ra biển hay lên cao nguyên. Đà Lạt chẳng hạn. Nàng cười: Tiền đâu ra để đi đến những chỗ đó. Vả lại, tôi muốn thấy, muốn nhìn chứ đâu muốn nghỉ ngơi. Nàng nhận một công việc mà bình thường, nếu không vì nhu cầu đi, chắc nàng đã chẳng nhận. Từ đó, nàng quen thêm được bốn người đồng hành: hai thiếu nữ, hai thanh niên. Ngay từ khi biết sẽ đi chung với họ, nàng đã thấy họ không thuộc loại người có thể thông cảm với mình. Ngân thì phóng túng nhưng hời hợt. Hạnh thì khó khăn, khép kín. Kiệm cộc cằn, nhỏ nhen, quá trung thành với cấp trên và là trưởng nhóm. Thuần giản dị, hiểu biết và có thứ tinh thần dễ hòa hợp, thích nghi của một hướng đạo sinh. Biết là khó thích nghi với những người đồng hành này, nhưng nàng cũng muốn thử xem sức chịu đựng của mình đến đâu đối với họ. Dầu sao, nàng cũng chỉ sống với họ trong một khoảng thời gian nào đó. Nàng ghét phải giữ miếng trong vấn đề giao thiệp, nhưng nàng tự nhủ là sẽ cố gắng đến mức tối đa để tránh nói ra những điều không cần thiết.
Cuối cùng, nhóm năm người đi đến quyết định thuê hai phòng của khách sạn. Ba người con gái sẽ ở một phòng. Phòng bên kia dành cho hai người con trai.
Khách sạn gồm một tiệm ăn dưới nhà và nhiều phòng cho thuê trên lầu. Chủ nhân là người có lối phát âm miền Bắc. Và lối phục sức của người vợ thì không lẫn vào đâu được với chiếc quần đen, áo cánh trắng ngắn cũn cỡn xẻ bên sườn để lộ một khoảng da thịt trắng ngần và đặc biệt là vành khăn quấn trên đầu để thò chiếc đuôi gà ngoe nguẩy. Nàng tự hỏi hai vợ chồng này từ Bắc vào đây lập nghiệp từ hồi nào. Nàng thường hay thắc mắc về những điều không cần thiết như vậy, trong khi các bạn mải miết dùng cơm trưa, dường như ngay cả những người mặc quần áo đen máu bê bết vất bên vệ đường cho dân chúng xem và chính họ cũng đã dừng lại để nhìn với cái nhìn gớm ghiếc tởm lợm, cũng đã bị xoá nhòa trong đầu óc họ. Hạnh ăn uống dè dặt, nhỏ nhẹ và dường như thiếu thoải mái khi ngồi chung bàn với bọn đàn ông con trai giữa một khung cảnh xô bồ của lữ quán. Ngân tỏ ra bình thản hơn. Kiệm ngồm ngoàm vội vã và nhai nuốt. Thuần thong thả, tự tin. Nàng tự hỏi, còn mình ra sao? Dường như nàng bắt đầu mong cho công tác sớm chấm dứt. Nàng thấy nhớ cái thành phố đã bỏ đi và những người bạn nơi đó. Và nữa, đã gần hết thời gian công tác, nàng chưa gặp được một cái gì gọi là phiêu lưu cả, ngoài những hình ảnh bắt gặp bên lề một lộ trình đã được hoạch định từ trước. Siêu là một người ra sao? Bỗng nhiên nàng nghĩ về gã đàn ông chưa biết mặt này. Nhưng nàng đã tin tưởng rằng có thể ngồi nói chuyện với Siêu về những điều không cần thiết, hay tâm sự vụn cũng thế, có lẽ là vì, theo lời giới thiệu của Thiên thì Siêu là một trong những người bạn thân của anh. Có lẽ nàng tin tưởng ở tư cách bạn thân của Siêu đối với Thiên. Từ hai tuần lễ nay, không được nói về những điều không-cần-thiết với một người nào, nàng cũng cảm thấy nhơ nhớ và thiêu thiếu. Những điều không-cần-thiết, nàng thì thầm. Quả chúng vẫn có cái gì quyến rũ hơn là những lộ trình đã được hoạch định kỹ lưỡng, những chỉ thị đã được nhu cầu, những phản ứng đã được dự đoán, v.v.
Ăn cơm trưa xong, Thuần bảo:
"Bây giờ mình nghỉ trưa. Buổi chiều hôm nay tạm ngưng công tác, để hoạch định chương trình làm việc tại đây. Sáng mai mình sẽ làm hết nội trong buổi sáng để sau bữa cơm trưa kịp đáp xe trở về Đà Nẵng. Cậu nghĩ sao Kiệm?"
Thuần mặc dù không đóng vai trưởng nhóm, nhưng luôn luôn đưa ra đề nghị. Kiệm gần như chỉ kiểm duyệt qua những đề nghị của Thuần, góp ý kiến sơ sơ và chịu trách nhiệm với Sài Gòn. Bọn con gái thường tin tưởng ở Thuần nhiều hơn và dè dặt đối với Kiệm. Hắn có thể báo cáo về Sài Gòn bất cứ cái gì để tỏ ra một người đắc lực, có tinh thần trách nhiệm. Nàng đã bắt đầu thấy chán nhìn khuôn mặt quắt queo sẵn sàng quạu quọ nhăn nhúm về bất cứ chuyện gì, và quạu quọ nhăm nhúm ngay cả lúc bình thường không có chuyện gì của hắn. Cũng một phần vì hắn quyết định sẽ báo cáo về thái độ chểnh mảng và cẩu thả của nàng. Nàng cười thầm và cảm thấy bất cần. Ngay từ bây giờ, nàng nghĩ, nếu không vì số tiền công tác phí Sài Gòn ứng trước mà nàng khó có thể đền bù lại cho đủ, nàng đã tung hê tất cả để về Đà Nẵng tìm gặp Siêu và nói những chuyện không-cần-thiết với không một sự hoạch định, dự tính hay đoán trước. J’en ai marre, vraiment, j’en ai marre. Nàng nghĩ thầm trong đầu.
Trời mưa xối xả khi nàng đứng nép dưới mái hiên để vẽ phác ngôi chùa Cầu.
Nàng bật cười thầm khi thấy chùa Cầu chỉ nhỏ bằng cái am, với bốn góc là bốn bàn thờ của con khỉ, và ở giữa là lối đi lát gỗ ngang hình vòng cung cho người ta đi lại ngang qua một con lạch nhỏ. Dù vậy, đứng xa nhìn cái mái lợp ngói âm dương với phần trang trí cổ xưa (rồng, mặt trời), trong cái kiến trúc nhỏ bé đó tựa như một cổng thành thu nhỏ lại, nàng thấy thanh thản gần như hạnh phúc. Nàng nhớ mình đã đứng trước chùa Cầu và hỏi thăm một người qua đường xem chùa Cầu nằm ở đâu.
Những trẻ em và người lớn hiếu kỳ bu quanh chỗ nàng đứng xem nàng đưa những nét vẽ phác và bình phẩm một cách hồn nhiên, ngây thơ hoặc im lặng. Nàng tiếc là mình không có một cái giá vẽ, một khung vải hay giấy lớn, với những tuýp màu để có thể cung hiến cho những người hiếu kỳ kia một bức tranh đầy đủ hơn. Nàng mỉm cười xin lỗi họ trước khi đóng cuốn tập lại, sau khi đã phác họa xong cái kiến trúc khiêm tốn kia. Một em bé hỏi nàng:
"Chừng nào cô vẽ nữa?"
Nàng cười, đáp:
"Tôi chỉ ghi qua hình ảnh của chùa Cầu. Tôi hy vọng có dịp trở lại đây với giá vẽ và màu".
Một đứa khác hỏi:
"Bao giờ, cô?"
"Tôi không thể nói trước được".
Nàng cười thay lời chào và tất tả đi về phía chùa Cầu. Vẽ vời quả là một việc không cần thiết, nhưng nàng thấy thích nó hơn là làm những việc đã được chỉ định, tính toán kỹ lưỡng. Nàng nghĩ: Hẳn là những kẻ thấy nàng vẽ lại chùa Cầu sẽ hãnh diện vì nơi họ ở có một cái gì đáng vẽ, và họ hãnh diện vì cái kiến trúc khiêm tốn mà có lẽ vì quen, họ đã không để ý đến. Nàng cảm thấy mình đã có ích được chút đỉnh. Bức vẽ phác, có thể sẽ chẳng để làm gì, nhưng nó làm nàng sung sướng, dù trong khoảnh khắc, về cái ảo tưởng là đã nắm được trong tay một hình ảnh mà nàng đã xúc động khi thấy nó.
Bà cụ già bán hương ngồi trong chùa Cầu, trên một phiến gỗ, nhích lại gần chỗ nàng đang đứng ngó quanh trong khoảng không gian hẹp xây trên lạch nước, nói, âm thanh khó nghe vì hai hàm răng đã rụng cả:
"Con cho già xem cái hình chút được hông?"
Nàng dần hiểu ra và vui vẻ mở tập vở ra đưa cho bà cụ xem. Bà cụ chăm chú nhìn bức vẽ phác một lát với hai mắt kèm nhèm, nhận xét:
"Ngộ quá héng! Con vẽ mần chi rứa?"
Nàng cười ôn tồn:
"Con thấy đẹp thì vẽ vậy thôi, bác".
Bà cụ trao tả tập vở, nói:
"Già bán hương ở chùa Cầu này đã lâu, chẳng bao giờ nhìn thấy nó ra sao hết. Bây giờ thấy nó nhỏ lại, coi cũng ngộ chứ".
Khi nàng trở về phòng, vừa vặn đến giờ đi ăn cơm tối. Trời đã ngớt mưa, Hạnh và Ngân nhìn hai ống quần ướt sũng của nàng, cùng hỏi:
"Bà đi đâu vậy? Làm tụi này tưởng bà đi lạc rồi chớ?"
Nàng quăng cuốn vở lên bàn, đi lại chiếc va-li nhỏ lục tìm một bộ đồ khô, đáp:
"Tôi đi lăng quăng thăm phố quận và vẽ phác vài cảnh".
Ngân hỏi:
"Để làm chi vậy?"
Ba người xuống phòng ăn. Bọn con trai đã đợi sẵn ngoài cửa, báo cho biết tiệm không còn thức ăn gì, vì họ xuống ăn trễ quá. Thuần vẫn có vẻ thong thả. Kiệm thì vẫn cau có như bao giờ. Nàng thích thú vì cái nếp sống ở đây: nhỏ bé và thân thiết như một cái gia đình, sau bảy giờ tối, kể như đi tìm một bữa cơm tiệm thật khó. Người ta nấu nướng cầm chừng vì số thực khách hiếm hoi. Họ phải vào một tiệm mì thưởng thức món mì Quảng thay cơm. Sau đó, họ trở về khách sạn: quận lỵ buổi tối khép mình đi ngủ thật sớm. Bọn người đồng hành với nàng không biết làm gì hơn, rủ nhau đánh xì trong phòng bọn con gái. Nàng mượn chìa khóa phòng bọn con trai mang theo một cuốn sách. Khi nằm một mình trong phòng, nàng bắt gặp mình suy nghĩ về thành phố nơi đó nàng đã sống tuổi nhỏ và rồi dậy thì, về những người bạn của mỗi một giai đoạn sống, về mối băn khoăn một dạo đi tìm cho mình một cá tính – hay đúng hơn, tìm xem thực sự chỗ đứng của mình ở đâu, ra sao, để không còn vấp phải những lúc hụt hơi chạy theo biết bao nhiêu cái quyến rũ của cuộc sống mang mang. Bây giờ, nằm đây, nàng biết được gì về mình? Nàng tưởng rằng nhiều lắm. Nhưng đó vẫn chỉ là một chậu nước đục: phải đợi cho nó lắng xuống để có thể nhìn thấu suốt tất cả. Có một điều rõ rệt nhất, mà nàng có thể thấy được: nàng chán ngắt cái lộ trình được vạch sẵn này; nàng muốn trở về cái thế giới của một kẻ đi dạo không mục đích, nói và nghĩ những điều không-cần-thiết, có thể về một buổi mai chan hòa nắng ấm, có thể về một thảm cỏ hiền hòa, có thể về một đóa hoa sắp nở, về một khu rừng, một thửa ruộng, một tiếng chim kêu, một bãi biển, một đoạn văn hay ho đã đọc được, một bức tranh và nhiều nữa, hay gần hơn, về một đêm Giáng sinh thuở nhỏ đi lễ với người nhà và bị lạc… Đó, tất cả những điều không cần thiết bởi nó chẳng giúp ích gì cho ai và cũng chẳng làm hại ai, ngoài việc nó đem lại cho nàng đôi phút giây khoái lạc mơ hồ, nhẹ nhàng, tựa như chiếc lông chim vu vơ bay trong không gian và nhẹ nhàng rơi xuống thảm cỏ tâm hồn nàng.
2.
Người đàn ông đón nàng bằng cái cười gần như trẻ thơ ẩn giữa hàm râu quai nón gọn gàng chứng tỏ một chăm sóc cẩn thận khiến nàng tò mò nhìn ngắm. Dường như tia nhìn của nàng làm những sợi râu của hắn nhột nhạt và hắn đưa tay xoa xoa chúng như một thói quen nghịch ngợm:
"Để râu trông già quá, hỉ?"
Hắn nói xong cười sực sực làm cả thân hình rung lên, rồi hắn nghiêm ngay nét mặt lại, vẫn xoa xoa bàn tay trên những sợi râu, nói:
"Mấy hôm nay, tôi trông bà quá. Hôm qua có việc đi về Quảng Nam, tôi có tạt qua Hội An đi vơ vẩn hy vọng gặp bà với cái áo dài màu nâu".
"Nếu gặp, làm sao anh nhận ra tôi được?"
Nàng nghịch ngợm hỏi.
"Tự nhiên, tôi nghĩ là tôi sẽ nhận ra được. Chỉ tại không gặp đó thôi".
Hắn nói xong rồi lại bật cười sực sực. Nàng thu hai tay vào áo lên nói một câu không cần thiết:
"Trời lạnh quá. Mưa, lạnh và khung cảnh ở đây làm tôi nhớ đến miền Bắc. Lâu lắm rồi mới lại sống lại một Giáng sinh có tiết trời lạnh như thế này. Thực tình thì tôi nhớ rất ít về nơi tôi đã sinh ra".
Nàng cảm thấy dường như hai người đã quen biết nhau từ lâu.
"Chưa bao giờ anh Thiên gửi cho tôi một lá thư với lời gửi gấm cẩn thận như hôm nay, khiến tôi trông đợi một cách khá hiếu kỳ".
"Anh với Thiên quen thân lắm?"
"Tôi coi anh ấy như anh ruột. Nếu không, việc anh ấy lấy vợ đã không làm tôi thất vọng".
"Thất vọng?"
"Chứ sao!"
Hắn nói xong, lại cười sực sực, đôi mắt chớp nhiều lần. Nàng chợt nhận ra người đàn ông đối diện có cặp mắt buồn và hơi long lanh. Cặp mắt ấy với miệng cười trẻ thơ dường như trái ngược với hàm râu quai nón. Có lẽ vì vậy mà hắn để râu? Cũng có thể để râu như hắn là một cái mốt, hoặc để râu để có dịp có một cái để chăm sóc, như người đàn bà có đôi má, có làn da để chăm sóc vậy thôi. Bỗng dưng nàng nghĩ: hắn chính là một bí ẩn trong những cái bí ẩn mà nàng chưa biết hết được của Thiên. Dầu sao nàng cảm thấy thoải mái khi ngồi với hắn, bỏ lại phía sau những người bạn đồng hành tẻ nhạt, đầy thận trọng và giữ gìn.
"Đêm Giáng sinh vừa qua bà làm gì?"
"Nằm đọc sách trong một phòng khách sạn ở Hội An và nghĩ về thành phố với bạn bè bỏ lại phía sau. Còn anh?"
"Nghe nhạc Giáng sinh và tự hỏi cái người cầm giấy của mình ra sao và liệu có trở lại. Tôi đã lo sẵn cho bà một cái phòng".
Nàng cười mơ hồ. Trông nàng có cái vẻ của một con mèo: lơ mơ và bí ẩn. Nàng không muốn cho hắn biết rằng thực ra nàng đã trở lại Đà Nẵng từ hai hôm trước, bằng một chuyến máy bay dân sự Mỹ do một gã thanh niên làm quen được tại Hội An điều đình xin giùm. Trúc, dường như đó là tên gã, có cái vẻ của một tên ăn chơi lọc lõi và có cái kiêu căng kiểu cách hợm mình của một gã làm sở Mỹ. Dù vậy, gã tỏ ra phóng túng làm nàng thấy dễ thở. Nàng cảm thấy không có gì trở ngại khi nhận lời gã mời đi ăn với một nhóm bạn bè nữa của gã. Nhưng đến lúc mọi người đề nghị đi nhảy thì nàng yêu cầu gã đưa ra bãi biển. Gã nhìn nàng, dường như cái đề nghị của nàng có vẻ kỳ cục. Trời mưa. Đường tối và đầy những ổ gà sũng nước. Có cái gì quyến rũ ở một bãi biển ngập nước và tối mù ấy mà em đòi ra? Gã gọi nàng là "em" ngọt sớt. Nàng không thích như vậy, nhưng nàng không phản đối. Chẳng có gì cả. Tôi muốn nghe tiếng sóng trong đêm. Nàng đáp. Ở đây có hai bãi biển: một, nay đã thuộc về bọn Mỹ; còn một thì không mấy an ninh về buổi tối. Dầu sao, em đã muốn thì tôi đưa đi, dù tôi nói trước là chẳng có gì để nhìn cả với màn đêm và trời mưa như thế này.
Quả là chẳng có gì để nhìn cả. Chỉ có tiếng mưa rơi và tiếng sóng mơ hồ. Và ở ngoài xa khơi có những ngọn đèn điện viền quanh những khung các con tàu đậu im lìm. Em có biết một trong những con tàu kia là tàu chở xác người chết, hắn vừa nói vừa chỉ tay về phía những ngọn điện ngoài khơi, tất cả các người Mỹ chết trận đều được đưa về đó, một bọn người chuyên môn làm cái việc mổ bụng tử thi moi hết ruột gan vất xuống biển và sau đó, tử thi được ướp bằng những chất hóa học, đóng hòm gửi về cho thân nhân ở bên Mỹ. Nàng cảm thấy tội nghiệp cho những thân nhân của người đã chết: đã nhận một cái xác không hồn lại không cả ruột gan. Nếu tôi chết, tôi ưng được vất toàn thân xuống biển…
Gã thanh niên bắt đầu chán sự vắng vẻ và cô tịch nơi bãi biển và câu chuyện về các tử thi do chính gã gợi ra. Gã muốn trở lại thành phố uống rượu và nhảy nhót với các bạn. Gã cảm thấy đứa con gái này bỗng nhiên ngẫm về các tử thi dù với vẻ đùa cợt bình thản hơi cay đắng. Dù sao, gã cũng chợt nhận thấy một con chim đơn độc tìm mồi trên bãi biển dưới trời mưa. Gã chỉ cho nàng xem, để rồi ân hận vì đã chỉ cho nàng xem con vật nhỏ. Bởi sau đó, gã lại thấy nàng bận rộn thương vay cho con chim nhỏ đơn độc giữa đêm mưa. Gã nói thôi đi về. Nàng không phản đối, để mặc gã đưa mình trở lại thành phố gói mình trong cái lạnh của đêm Giáng sinh. Gã bắt đầu chán người đồng hành thường bị lôi cuốn bởi những cái chẳng đáng gì xung quanh, trong lúc ngồi bên cạnh gã. Nàng hiểu điều đó nên buổi sáng hôm sau, khi gã còn đang ngủ, nàng bỏ đi thật sớm, với ý nghĩ về những người chết không-còn-hồn-không-còn-cả-ruột-gan và về con chim nhỏ lóng ngóng trên bãi biển trong đêm mưa tìm mồi – nó tìm gì? Một khúc ruột gan nào đó chăng? Tự nhiên nàng nghĩ con chim là một thứ oan hồn hiện hình, đi tìm lại khúc ruột, miếng gan đã mất tự kiếp nào… Bây giờ nàng ngồi đây, trước mặt hắn, chợt bắt gặp mình chú ý về đôi mắt buồn và nụ cười trẻ thơ ẩn giữa chòm râu quai nón, về âm thanh giọng cười sực sực của hắn, về vẻ bí ẩn của người bạn của hắn. Và nàng bắt gặp một thích thú mơ hồ.
"Anh có tin là có một loài chim vốn là hiện thân của một oan hồn, chuyên luẩn quẩn ở những chỗ có người chết với hy vọng tìm lại một khúc ruột, một miếng gan đã mất tự kiếp nào…"
Hắn bật cười sực sực.
"Không, thật mà. Tôi đã trông thấy nó đêm qua, trên bãi biển trong cơn mưa, giữa trời đêm".
Hắn nhìn người đối diện, đột nhiên thôi cười, tia mắt như có lửa. Nàng chợt cười ngất:
"Nó biết rằng tìm kiếm vô ích, nhưng nó đã được sinh ra với số phận như vậy: bị kết án chung thân tìm kiếm. Giống tôi, giống Thiên, và có thể, giống cả anh nữa…"
Hắn cười, nhưng không còn phát âm sực sực nữa. Hắn cười bằng nụ cười của một tấm ảnh chụp. Và nàng chợt im lặng, miệng méo xệch bất động, vẻ bất động của một tấm ảnh chụp. Nàng thầm nghĩ: cũng như Chúa mỗi năm ra đời một lần, chẳng phải cũng ẩn chứa trong cái sự ra đời đó một thái độ tìm kiếm đó sao? Nếu không, Người đã không ra đời, mỗi năm một lần như vậy. Đứa trẻ sơ sinh ấy chỉ sống một tuổi, rồi vội vàng đầu thai lại, để được sinh ra thêm một lần nữa, để thấy rằng mỗi kiếp của mình, cái điều tìm kiếm dường như xa vời hơn, và rồi xa vời hơn…
Tiếng cười của nàng làm hai người hầu bàn chợt ngưng câu chuyện, quay lại nhìn hai người khách, rồi lại tiếp tục ngóng sang bên kia sông, nói tiếp câu chuyện đứt rời:
"Trông nó như một cột ánh sáng muôn màu khổng lồ thật. Trông cũng đẹp mắt thật. Tiệm mình không có cây giáng sinh, nhìn nhờ cây giáng sinh bên kia sông, cũng đỡ lắm chớ. Này, nghe đâu tụi nó đưa cả một cái si-núc lên Đà Lạt chặt cây thông lớn nhất trên đó chở về đây lận đó".
"Úi dào, tụi nó có chặt tất cả những cây thông ở Đà Lạt chở về đây cũng còn được, nữa là…"
"Dám!"
"Sao không ạ?! Tụi nó dám bỏ cả tỉ đô-la…"
"Thôi thôi, tôi xin ông đừng lỡ dại cái điệp khúc ấy nữa. Chán quá rồi".
"Đách muốn nghe thì đừng gợi chuyện với người ta, có được không?"
Hắn vẫn nhìn người đối diện với cái nhìn bất động của một bức ảnh chụp, ngỡ ngàng, như cái vẻ ngỡ ngàng của nàng khi chợt thấy cây giáng sinh bên kia sông.
Nguồn: Láºp đông, táºp truyện của Trùng DÆ°Æ¡ng, Văn xuất bản năm 1972. G.P. số 4827/BTT/PHNT/QN, Sà i Gòn ngà y 13-12-1972. Giá 100Ä‘. Bản Ä‘iện tá» do talawas thá»±c hiện.