Tủ sách talawas17.10.2008
Mai Thảo
Gần mÆ°á»i bảy tuổi
Chương 2
Tôi ở tạm khách sạn Caravelle chừng một tháng thì đòi lại được ngôi nhà trước khi xuất ngoại, tôi cho một người bạn sử dụng trong thời gian đi xa. Lúc cho mượn nhà, thật dễ. Lúc đòi lại nhà, thật khó. Marlène tức giận, bảo bạn hữu tôi toàn là một đồ lưu manh mất dậy. Người bạn là Lưu. Trước kia, Lưu không đến nỗi nào. Tử tế, dễ chịu là đằng khác. Tôi với Lưu chơi bời với nhau khá thân. Những lần tôi đi ăn, đi khiêu vũ cùng với Thu Hà, bao giờ nàng cũng đòi rủ Lưu đi cùng. Thu Hà nói Lưu vui tính, biết làm trò hề cho đàn bà cười, nói chuyện có duyên hơn tôi nhiều lắm. Hôm tôi gọi điện thoại báo tin cho Lưu là tôi mới về, Lưu kêu lớn mừng rỡ trong ống nói, khẩn khoản mời tôi đến nhà dùng cơm tối, còn dặn thế nào cũng phải đưa Marlène tới cho Lưu được biết mặt. Tôi ngạc nhiên:
"Anh nói chúng tôi?"
Tiếng cười của Lưu trong ống nói:
"Anh chưa biết tôi đã lấy vợ?"
"Chưa. Kể cả chuyện lấy vợ của anh cùng tất cả những chuyện lớn nhỏ ở Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng".
"Thật không?"
Tôi xác nhận bằng một giọng văn hoa, trịnh trọng:
"Trong suốt năm năm ở nước ngoài, tôi sống đứt rời hoàn toàn với tổ quốc. Tin anh lấy vợ là một bất ngờ vui thú. Có con chưa?"
Lưu trả lời:
"Đã ba mống. Nghịch như quỷ sứ".
Tin Lưu lấy vợ, lập gia đình, khiến cho tôi băn khoăn về chuyện đòi Lưu trả lại ngôi nhà Lưu mượn. Nhưng tôi phải đòi. Bắt buộc. Lý do thứ nhất vì tôi không có chỗ ở nào khác. Lý do thứ hai, ở khách sạn Caravelle, tuy chỉ ở một căn trung bình có một phòng khách và một phòng ngủ, quá tốn. Mà tôi thì đã ở cái thế không thể tiêu xài hoang phí được nữa. Lý do thứ ba cũng là lý do bất khả kháng nhất. Marlène không chịu ở khách sạn. Chỉ sang đến tuần lễ thứ nhì, nàng đã gây chuyện với tôi sáng chiều. Nói căn buồng khách sạn nào cũng như một nhà ngục. Nói giam thân hoài trong một căn buồng bưng bít, nàng đã đau thần kinh muốn phát điên lên.
Marlène còn doạ:
"Anh không kiếm được nhà mau mau, em đưa con trở về Thuỵ Điển".
Tính Marlène lại không biết nói đùa. Nàng nói là làm. Và đã làm thì đất trời cũng không ngăn cản được. Tôi trình bày cho Lưu biết sự cần cấp phải lấy lại ngôi nhà trong nửa giờ nói chuyện với Lưu bằng điện thoại. Ở đầu dây đằng kia, một phút im lặng. Rồi giọng Lưu, cố làm ra vui vẻ như thường:
"Đương nhiên là phải trả lại nhà cho anh chứ".
Tôi nói cho rõ hơn:
"Mà anh phải trả ngay cho tôi mới được".
"Rồi. Nhưng phải lại ăn cơm đấy nhé".
Một buổi tối, hai ngày sau khi gọi điện thoại, tôi đưa Marlène đến ngôi nhà cũ. Nhớ hôm đó, tôi đòi Marlène trang điểm thật đẹp, phục sức thật lộng lẫy. Ngồi vào bàn phấn, Marlène hỏi:
"Để làm gì vậy?"
Tôi cười, cúi xuống, hôn nhẹ lên mái tóc vàng ánh của nàng, mái tóc mà nhiều lần tôi đã ngợi khen là đẹp nhất thế giới.
"Cho những người bạn Việt Nam biết anh đã lấy được một người vợ ngoại quốc tuyệt đẹp".
Marlène nhún vai:
"Bạn anh có biết thưởng thức vẻ đẹp dữ dội, nóng cháy, chan hoà sự sống của một người đàn bà Tây phương không?"
Tôi gật:
"Biết chứ".
Marlène bĩu môi:
"Chắc gì. Mấy lần đưa em đi dạo phố, anh không thấy sao, đồng bào anh quay lại nhìn em như một con quái vật. Đàn ông của cái thành phố thổ tả này nhìn đàn bà ngoại quốc bằng cái nhìn hết chỗ nói".
Lời nhận xét của Marlène hàm hồ. Hỗn xược, mất dạy là đằng khác. Nhưng tôi nhịn cho qua. Marlène theo tôi về Việt Nam, tôi coi đó là một hy sinh lớn lao của nàng, và tôi không muốn làm Marlène buồn lòng vì những cuộc cãi vã, bất hoà chừng như lúc nào cũng muốn nổ bùng giữa thời tiết Sài Gòn nóng bỏng. Thời tiết và khí hậu có những ảnh hưởng rất sâu đậm vào tâm tính Marlène. Động nóng nực một chút là Marlène bực bội, gắt gỏng, mất hẳn bình tĩnh. Ở Thuỵ Điển, ở Pháp, đâu có thế. Marlène không thích mùa hè không thích mặt trời. Bao nhiêu lần tôi đưa nàng đi nghỉ mát chỉ có lần sang Thuỵ Sĩ là Marlène hài lòng nhất. Chẳng phải vì phong cảnh Thuỵ Sĩ huyền ảo hay chuyến du lịch trữ tình, thơ mộng. Chỉ là lần đó, mùa đông thật buốt lạnh dưới vòm trời Thuỵ Sĩ và thời tiết dưới không độ thích hợp với nàng. Tôi lại trái ngược hẳn. Tôi không chịu được lạnh. Trở về Việt Nam, tôi gặp lại mùa hè như gặp lại người tình và đắm mình vào cái nắng chói lọi như cái nắng là tình yêu, là bằng hữu. Marlène thì không thế. Và để đối phó với cái nóng làm cho mặt mũi nàng lúc nào cũng đỏ gay, nhễ nhại mồ hôi, Marlène đã tạo cho nàng những thói quen mới. Chẳng hạn như ban đêm, nàng ngủ hoàn toàn khoả thân, và ban ngày, nàng vào buồng tắm dội nước ào ào ít nhất cũng ba bốn bận. Tôi chưa nói là Marlène có một thân hình tuyệt mỹ. Nở nang. Cân đối. Khêu gợi. Nồng cháy. Người ta nói nhiều đến những thân thể đàn bà gợi nghĩ đến một trái núi lửa nóng bỏng dục tình. Là trái núi lửa đó, cái khối da thịt bừng bừng dào dạt của Marlène. Biết mình có một thân hình tuyệt đẹp, Marlène có cái ý nghĩ táo bạo là thân hình đó phải được phô bầy. Nguyên cái sự ngủ khoả thân của nàng đã là một phô bầy mà tôi không ngăn cản được. Buổi tối, trong căn phòng khách sạn còn sáng trưng ánh đèn Marlène đã thản nhiên trút thoát hết quần áo. Nàng trần truồng đi đi lại lại, xem sách, nghe nhạc. Nàng loã thể trước khung cửa sổ mở rộng.
Tôi bảo nàng nhiều lần:
"Em có thể khoả thân trên giường. Khi đèn đã tắt".
Nàng ngạc nhiên.
"Đèn sáng thì sao?"
"Trông nó… lộ liễu quá".
Nàng nhún vai. Tôi chỉ tay về mấy khung cửa sổ mở thật rộng mà ở những ngôi nhà chung quanh, những cặp mắt tò mò có thể nhận thấy bằng hết, những cảnh tượng trong phòng kể cả cái cảnh tượng Marlène thoát y, phơi bầy tự nhiên những vùng bí mật mê mẩn nhất của nàng dưới ánh sáng soi chiếu:
"Người ta nhìn thấy".
Marlène lại nhún vai:
"Mặc. Nếu đóng hết mọi cánh cửa, căn phòng này là một lò lửa. Muốn em khỏi khoả thân, mọi người khỏi nhìn thấy, anh hãy làm cho cái thành phố này dịu mát đi. Hoặc đưa mẹ con em trở về Thuỵ Điển".
Gai chướng như thế đó. Tôi đành thua. Và để mặc cho Marlène muốn làm gì thì làm. Ra đường, sở dĩ nàng bị những cái nhìn làm cho nàng tức giận, chỉ bởi vì Marlène phục sức thật hở hang. Nàng chỉ mặc một chiếc áo ngoài, bên trong không có gì hết. Nghĩa là không có nịt vú cũng không có quần lót nữa. Đã thế cái áo lại thường hở cả tay cả ngực, ngắn cũn cỡn thật cao trên đùi gối. Mặc thế làm sao thiên hạ không nhìn cho được. Nhớ một buổi chiều, tôi đi dạo với Marlène trên hè đường Tự Do thì gặp một người bạn cũ. Tôi đứng lại bắt tay anh bạn, giới thiệu với Marlène. Anh bạn miệng trả lời những câu tôi hỏi, mắt thì nhìn Marlène không chớp. Lúc Marlène tới mua thuốc lá ở một quầy thuốc gần đó, anh bạn thì thầm vào tai tôi:
"Vợ anh ăn mặc quá khích hết sức".
Tôi trả lời:
"Bên Âu Châu, đàn bà như thế hết".
"Đã đành, tôi biết. Nhưng ở đây không nên. Anh đã nghe thấy dân ăn chơi ở đây đồn đại gì chưa?"
"Chưa, gì vậy?"
"Vợ anh nổi tiếng như cồn. Anh không hay biết gì hết?"
"Thành thực là không. Nổi tiếng ở điểm nào?"
"Lần đầu tiên, mãi đến hôm nay, tôi mới được giới thiệu với vợ anh. Nhưng nghe thiên hạ kháo nhau từ lâu rồi. Rằng người đàn bà phục sức hở hang, khêu gợi nhất thành phố này là vợ ông Viễn".
Tôi thuật lại câu chuyện đó cho Marlène nghe. Khi chúng tôi trở về phòng khách sạn. Nàng chỉ nhún vai không trả lời. Và lại tiếp tục ngủ khoả thân, tiếp tục đi dạo phố với những cái áo hở hang cùng mình như cũ. Quả thật là Marlène đã được chú ý đến. Đã nổi tiếng. Đã là đầu đề bàn tán của dư luận. Những phiền phức cho tôi, cũng từ đó và vì thế mà bắt đầu.
Bữa cơm tối vợ chồng Lưu đãi chúng tôi tại ngôi nhà của tôi ở đường Phan Thanh Giản khá thịnh soạn. Một vài món ăn cầu kỳ được mua về từ một tiệm Tầu danh tiếng trong Chợ Lớn. Thêm món ăn thuần tuý Việt Nam là món chả giò mà Marlène rất ưa thích, vì đã được nghe ca tụng nhiều lần. Nhưng, ngoài món chả giò và những lời thăm hỏi khách sáo, kiểu cách của Lựu khi chúng tôi đến, buổi gặp mặt xem như hư hỏng. Bầu không khí mất tự nhiên, trở thành ngột ngạt. Đôi khi gay gắt nữa. Điều thứ nhất làm cho tôi bực mình là ngôi nhà giao cho Lưu mượn, gần như không còn là ngôi nhà của tôi ngày trước nữa. Nó tiều tuỵ, nó thảm hại quá chừng. Những cánh cửa long gẫy. Những vì tường loang lổ. Nhà chứa xe đổ nát. Cả một bức tường phía sau đổ gục vì một trái hoả tiễn rớt xuống gần đó, Lưu cũng để mặc không cho xây lại. Tôi đi xem xét qua một lượt, giận đến tím mặt. Nhưng cũng đành nín thinh không dám phiền trách gì Lưu. Chỉ thầm mong Lưu trả ngay nhà lại cho tôi. Để trang hoàng và sửa sang lại.
Đã thế Lưu còn pha trò, rất vô duyên:
"Anh cho tôi mượn nhà là hên cho anh lắm đó".
Tôi ngẩn người:
"Còn hên nữa?"
Lưu thản nhiên:
"Chứ sao, âm đức nhà tôi lớn lắm. Nên nhà của anh mới còn được nguyên vẹn như thế này. Anh thử tưởng tượng xem. Trái hoả tiễn chỉ cần rớt gần hai mươi thước nữa…"
Tôi gật, nói mỉa:
"Âm đức nhà anh lớn thật. Tôi phải nhớ ơn anh suốt đời. Hôm nào anh giao nhà lại?"
Lưu nói lảng:
"Để lát nữa nói chuyện. Nhà tôi sẽ nói chuyện rõ ràng với anh chị".
Tôi vừa nghe Lưu thuật lại những đêm kinh hoàng của Sài Gòn trước trận bão lửa của những trái hoả tiễn từ những vùng ngoại ô tối tăm bắn cầu vồng vào thành phố vừa cùng Lưu trở lại phòng khách. Vợ Lưu tiếp chuyện Marlène. Ngôn ngữ bất đồng. Câu chuyện giữa hai người đàn bà xem ra chẳng đậm đà gì lắm. Marlène ngồi giữa đi-văng, chiếc mini-jupe Marlène mặc trên người, gấu váy kéo cao khỏi đầu gối. Ngực Marlène thật hở, căng phình, nhễ nhại, dưới ánh đèn. Và hai vợ chồng Lưu nhìn vợ tôi. Cái nhìn của Lưu khả ố bẩn thỉu. Cái nhìn của vợ Lưu tò mò, soi mói. Như Marlène không phải là một người mà là một con vật lạ mắt.
Chúng tôi vào bàn ăn. Marlène ghé vào tai tôi nói thầm, nàng muốn về khách sạn càng sớm chừng nào càng hay chừng nấy. Tôi cũng đồng ý với Marlène như vậy. Bữa ăn kéo dài. Điều làm tôi lạ lùng là vợ Lưu cứ đánh trống lảng sang chuyện khác mỗi khi căn nhà được đề cập tới. Cuối cùng tôi mới vỡ nhẽ ra rằng vợ chồng Lưu không có ý định trả lại ngôi nhà cho tôi một chút nào, mà muốn ở lỳ, muốn chiếm đoạt.
Cố gắng giữ bình tĩnh, tôi nói:
"Anh chị đã thấy chúng tôi đang ở tạm khách sạn Caravelle".
Vợ Lưu:
"Anh đuổi gia đình chúng tôi đi thì chúng tôi lại không có chỗ nào ở tạm hết".
Tôi kinh ngạc:
"Thế là thế nào?"
Vợ Lưu thản nhiên:
"Chừng nào tìm được nhà khác chúng tôi sẽ dọn đi ngay, xin hứa với anh như vậy".
Vợ Lưu nói tiếp, rành rọt từng tiếng:
"Và chỉ dám hứa với anh như vậy".
Mặt tôi đã nóng bừng. Tôi hối hận vô tả đã cho Lưu mượn nhà. Ngu dại thật. Biết thế cứ đóng cửa để đó. Tôi gượng cười:
"Thời gian anh chị tìm nhà là bao nhiêu lâu?"
"Thưa anh, không chừng. Cũng không nói trước được. Năm, ba tháng. Cả năm cũng nên. Anh đi xa mới về không rõ. Ở Sài Gòn lúc này tìm một căn phòng thôi, cũng đã là một chuyện khó khăn. Dù sao vợ chồng tôi cũng xin hết sức cố gắng".
Câu chuyện muốn biến thành một vụ cãi lộn đến nỗi cặp mắt của Marlène đã sáng quắc. Nàng mím môi lại, khuôn mặt bừng bừng sắc giận. Bữa ăn chấm dứt đột ngột. Cả bốn chúng tôi đều không ai muốn nó kéo dài thêm nữa. Tôi nghiêm mặt bảo vợ Lưu:
"Có lẽ chị không hiểu lúc tôi cho anh mượn nhà như thế nào. Tôi đã nhấn mạnh cho anh rõ là chỉ cho mượn trong thời gian tôi đi xa. Đúng không?"
Lưu đành gật đầu công nhận.
"Đúng".
"Tôi còn nói rõ là khi tôi về, anh phải trao lại ngôi nhà này cho tôi tức khắc, đúng thế không?"
Lưu nín thinh. Tôi nói tiếp:
"Nhà cửa của tôi, anh để hư hại, tiều tuỵ, không thèm tu bổ, không thèm sửa chữa. Tôi sẽ mất mấy trăm ngàn để sửa chữa lại. Nhưng thôi, không sao. Bây giờ tôi hỏi anh một lần cuối cùng. Bao giờ trả nhà tôi, xin cho tôi biết".
Vợ Lưu vừa toan lên tiếng, tôi đã giơ tay cản lại:
"Tôi không nói chuyện với chị. Chị không biết điều chút nào hết".
Vợ Lưu xám mặt, bỏ vào nhà trong. Cảnh tượng buổi tối hôm đó ở nhà Lưu nhớ lại thật hết sức lố bịch. Nó hệt như một màn hài kịch vậy. Lúc chúng tôi đến thì đôi bạn thân làm ra vẻ mừng rỡ được gặp lại nhau sau một thời gian xa cách. Chỉ hơn một tiếng đồng hồ sau, không khí thay đổi, trái ngược hẳn lại. Thành một cuộc đấu khẩu quyết liệt. Thấy Lưu nín thinh tôi nạt lớn:
"Anh trả lời tôi đi".
"Tôi sẽ trả lời anh sau".
Cơn điên giận của tôi thình lình bùng cháy. Tôi không còn nhìn thấy Lưu là một người bạn nữa. Mà chỉ còn thấy Lưu như một thằng đê tiện nhất, tráo trở nhất mà tôi thấy ở trên đời. Trước kia y đâu đến nỗi này. Từ ngày lấy vợ, mới đâm ra khốn nạn, mặt dầy mày dạn như thế. Tôi đã tin ở sự ngay thẳng và tôn trọng chữ tín của bạn. Chợt thấy mình ngây thơ, khờ dài, đến một mức độ không thể tha thứ. Tôi quát:
"Anh định chiếm đoạt ngôi nhà của tôi?"
Lưu nhăn nhó:
"Đâu phải thế".
Tôi chỉ tay vào mặt Lưu:
"Không nể anh là bạn cũ, tôi đã đấm vỡ mặt anh ngay lúc này. Từ nay, tôi không thèm bè bạn với anh nữa. Còn về ngôi nhà, tôi cho anh một hạn cuối cùng là mười lăm ngày. Quá hạn, đừng trách tôi không nói trước".
"Anh sẽ làm gì?"
"Khi đó sẽ biết. Thôi, chúng mình đi về".
Tôi nắm lấy tay Marlène, kéo nàng xuống thềm, đi mau ra đường. Vụ ngôi nhà, Lưu, thằng bạn đê tiện, con vợ khốn nạn của nó làm cho đầu óc tôi u uất, bực bội mấy ngày liền. Trên đường trở về khách sạn Caravelle, tôi ngồi im, không nói một lời nào. Đã thế, Marlène còn không để cho tôi yên. Nàng giễu tôi ngu xuẩn, mù quáng, để cho kẻ khác đánh lừa dễ dàng như một đứa con nít. Marlène nói có lý. Tôi không biết cãi lại như thế nào. Về gần tới khách sạn, Marlène hỏi:
"Nếu chúng nhất định không trả nhà, anh đối phó ra sao?"
"Nhờ luật sư".
"Nếu nhờ luật sư cũng không ăn thua?"
Tôi cáu:
"Sao chưa gì em đã biết là không ăn thua?"
Marlène nhún vai:
"Anh đã nói là ở Sài Gòn này có hàng trăm hàng ngàn vụ đuổi nhà, mà kẻ thua là người có nhà. Anh khác gì những chủ nhà, chủ đất khác".
Tôi nói bừa:
"Khác".
Marlène cười nhạt:
"Để xem. Em chỉ muốn hỏi anh một câu là bạn hữu anh thằng nào cũng đê tiện như thằng cha vừa rồi sao? Thú thật, em đã chán ngấy cái không khí của những người chung quanh mà anh đang sống với họ. Em muốn trở về Thuỵ Điển".
Tôi gắt:
"Đừng lúc nào cũng nói đến chuyện doạ anh đưa con trở về Thuỵ Điển, được không?"
Marlène thản nhiên:
"Không được. Cũng không phải doạ. Chừng nào chịu đựng không được nữa em về Thuỵ Điển. Anh giữ cũng không được".
Lần đầu tiên từ ngày về nước, buổi tối hôm đó tôi đi uống rượu một mình, tới hơn một giờ mới trở về khách sạn. Rủ Marlène, nàng kêu mệt không đi. Tôi chỉ mong có thế. Tôi muốn được đi một mình, trọn một buổi tối, dìm chết nỗi buồn riêng tây vào men rượu. Lấy Marlène, con người đãng tử trong tôi một phần nào đã chết. Tôi đã quen ngủ sớm, hoà nhập vào nếp sống khá điều độ. Chỉ cần một tâm trạng u uất, một giây phút chán chường, mệt nhọc, và con người đãng tử xưa cũ trong tôi đã thức dậy. Tôi gọi xe, bảo đưa đến một quán rượu có âm nhạc. Uống vài ba ly, thấy chuếnh choáng rồi, tôi cao hứng đi ra, tìm đến một quán rượu có âm nhạc thứ hai.
Chính là ở quán hàng thứ hai này mà tôi gặp Nguyệt.
Nhớ bấy giờ đã khuya lắm. Đã gần nửa đêm. Người tài xế taxi thả tôi xuống một ngôi nhà một tầng ở đường Trần Quý Cáp. Cửa vào đóng kín. Nhưng tiếng nhạc trầm bổng ở bên trong vọng ra, thoảng tan đi trên hè đường đã lồng lộng gió đêm. Hơi rượu trong người tôi bừng bừng. Những bước chân lảo đảo. Đẩy cánh cửa dày, nặng, bước vào, tôi đứng ngỡ ngàng trong khoảnh khắc giữa một căn phòng đông đặc.
Khách ngồi kín khắp, không còn một bàn nào bỏ trống. Căn phòng mờ mờ tối. Ánh đèn từ dàn nhạc cuối phòng ném xuống một thứ ánh sáng chập chờn, xanh biếc, ma quái. Suốt hai dãy bàn kê sát tường, những cặp trai gái chụm đầu vào nhau, hôn nhau đắm đuối hay thì thầm trò chuyện. Thì ra quán hàng ca nhạc thứ hai này sở dĩ đông khách vì trước hết nó là một nơi chốn tình tự lý tưởng. Nhạc êm dịu trầm bổng, ướt đẫm tình cảm lướt thướt. Những xó góc tối hù. Người ta đến đây, tự do. Và người ta hôn nhau, ôm nhau, tự do trước mặt tôi.
Tôi vừa toan quay trở ra thì một người bồi bàn tiến lại. Y hỏi:
"Ông chưa tìm được chỗ ngồi?"
Đang say, tôi sừng sộ:
"Còn chỗ nào đâu mà tìm?"
"Vâng, đông quá. Đã hết chỗ từ mười giờ. Ông đi một mình?"
Tôi sừng sộ dữ hơn:
"Một mình hay mấy mình thì sao? Tao không có chỗ. Vẫn là tao không có chỗ".
Người bồi bàn tươi cười:
"Nếu ông đi một mình, mời ông lại quầy rượu ngồi tạm. Chừng nào có khách về, bàn trống, tôi sẽ mời ông đến".
Đêm đã khuya. Tôi đang say. Lúc đó tôi không muốn trở về khách sạn chút nào. Đã nói là con người đãng tử xưa cũ trong tôi lúc đó đã sống lại. Tôi có thể thức, tới sáng. Đi lang thang, tới sáng. Uống rượu liên miên, say ngất, tới sáng. Tôi gật:
"Được quầy rượu đâu, đưa tao tới".
Tôi đi theo người bồi bàn tới cái ghế duy nhất bỏ trống trước quầy rượu. Cái ghế cao ngất ngưởng. Tôi ngồi quay lưng lại dàn nhạc, trong cơn say chiếm đoạt. Tôi buồn rũ rượi. Chợt cảm thấy mình lạc lõng, cô đơn hơn bao giờ. Phía bên kia quầy rượu, một người đàn bà đứng im nhìn tôi chăm chú. Cô ta nhỏ nhắn, nhưng duyên dáng, với đôi mắt sắc sảo và một nụ cười thật tươi tắn để lộ hàm răng óng ánh. Bộ complet đen cô ta mặc trên người có một vẻ gì khốc liệt, rất khuya, rất đêm. Đang buồn, tôi bắt chuyện, sau khi đã gọi một ly rượu:
"Tôi là Viễn".
Người đàn bà ngồi sau quầy nghiêng đầu, kiểu cách:
"Rất hân hạnh".
Tôi hỏi:
"Cô làm gì ở đây?"
"Ông coi tôi là quản lý cũng được. Tôi thay mặt ông chủ những lúc ông ta không có mặt. Như đêm nay".
Đang buồn, có một người đàn bà để nói chuyện, chuyện trên trời dưới biển, những chuyện không đầu không đuôi của một cơn say, tôi bám chặt lấy Nguyệt suốt buổi tối hôm đó. Phòng trà đông đặc. Nhưng tôi không còn nhìn thấy ai nữa, ngoài tôi và Nguyệt và những ly rượu bầy thành một hàng dài trên mặt quầy. Tôi hỏi Nguyệt bằng cái giọng chớt nhả nhất của một người say.
"Cô uống được rượu?"
Nguyệt nghiêng đầu, cười:
"Tất nhiên là được. Từ lâu rồi".
Tôi vỗ tay, mừng rỡ:
"Hay lắm. Tôi đang cần có một người bạn. Để uống rượu. Tới lúc không uống được nữa".
Cách nhau một quầy hàng, trong ánh sáng huyền ảo, ma quái, lúc đỏ chói lúc xanh biếc như sương, với tiếng nhạc trầm bổng từ sau lưng ném tới, tôi ngồi đối diện với người đàn bà mới quen, trong một cuộc rượu tuy tình cờ nhưng buông thả và sảng khoái đến cùng. Đâu như tôi đã kể cho Nguyệt nghe gần hết đời tôi. Mộng giang hồ ngày nhỏ. Chuyến xuất dương đầu đời. Những ngày lang thang qua những thủ đô Âu châu. Những đêm la cà trên những bến tầu, trong những quán rượu. Kể cả chuyện tôi gặp Marlène, đã có với Marlène một con gái nhỏ. Cuối cùng tôi cho Nguyệt biết đã trở về Sài Gòn được mấy tuần, và nhiều chuyện phiền phức nhiều mặt đã xảy ra. Như chuyện đòi lại ngôi nhà không được. Như chuyện Marlène không yêu thích đời sống mới của nàng ở Sài Gòn, luôn luôn hăm doạ mang con Elga trở về Thuỵ Điển.
Nguyệt cười:
"Cho nên anh buồn và tìm khuây trong men rượu?"
Tôi gật, cái nhìn đã lung linh, đầu óc đã quay đảo:
"Chính thế".
"Say là phải say tới sáng. Anh có dám ngồi đây tới sáng không?"
Tôi lắc đầu:
"Ngồi một mình buồn lắm".
Nguyệt gõ gõ tay xuống mặt quầy:
"Tôi ngồi lại đây với anh".
"Tới sáng?"
"Chớ sao. Rồi anh mời tôi đi ăn điểm tâm luôn. Tôi kinh ngạc nhìn Nguyệt. Nàng đã uống sang tới ly rượu thứ ba thứ tư gì đó mà không say chút nào. Nguyệt uống rượu thật giỏi. Như uống nước lã. Càng uống càng tươi thắm. Càng uống càng có duyên.
"Cô không phải về?"
Nguyệt nhìn tôi, tủm tỉm:
"Về đâu?"
"Về nhà. Nơi chồng con đang chờ đợi".
"Mấy đứa con tôi hiện đang ở với bà ngoại chúng. Chồng tôi đã ly dị với tôi từ lâu. Tôi ở một mình. Và không bắt buộc đêm nào cũng phải trở về nhà. Anh cũng vậy chứ?"
Tôi nghĩ đến Marlène. Đi một mình đã là quá đáng. Đi suốt đêm chắc là không được. Marlène sẽ la lối, sẽ gây chuyện. Đành thua:
"Không".
"Nghĩa là anh phải về".
"Vâng. Vì vợ tôi dữ lắm".
Nguyệt cau mày:
"Đàn ông phải trị vợ, không thể để cho vợ bắt nạt. Địa vị tôi là vợ, tôi để cho chồng tôi sống hoàn toàn tự do, như một người độc thân".
"Đàn bà nào cũng nói thế".
"Đến khi là vợ rồi, thì không chịu như thế nữa. Ý anh muốn nói vậy?"
"Phải".
"Tôi khác. Chồng tôi ly dị với tôi. Chính vì tôi đã để cho y được quá tự do".
Những điều Nguyệt vừa tiết lộ về đời tư của nàng làm cho tôi ngạc nhiên và thích thú. Không ngờ ở Việt Nam bây giờ cũng có loại đàn bà văn minh như thế, phóng khoáng như thế. Đúng là loại đàn bà mà tôi phải quen biết, để làm bạn trong những lúc có chuyện buồn, một đêm có Nguyệt ở bên cạnh sẽ là một đêm ngắn lắm. Đêm ngắn lại bởi ánh mắt Nguyệt tươi sáng, tinh nghịch. Bởi nụ cười lúc nào cũng nở tươi trên cặp môi hồng của Nguyệt như một đài hoa. Bởi lối nói chuyện của Nguyệt, vừa nhẹ nhõm, vừa duyên dáng. Tôi lại mời Nguyệt uống thêm với tôi một ly rượu nữa.
Lần này, nàng từ chối:
"Thôi, cám ơn anh".
Tôi cau mặt:
"Sao bảo uống đến sáng?"
"Em thì không sao? Sợ anh say".
"Đang muốn say. Đang cần say đây. Say cho quên hết những chuyện ưu phiền".
Nguyệt dịu dàng:
"Anh đang có nhiều chuyện buồn?"
Tôi gật:
"Hàng trăm. Hàng nghìn. Kể ra không hết".
"Những ai làm cho anh buồn".
Tôi nhún vai, giơ tay:
"Đủ hết. Mọi người, nhân loại này. Vợ gây chuyện. Bạn hữu thù nghịch, phản trắc".
Nguyệt ném cho tôi một cái nhìn tình tứ:
"Không phải ai cũng phản trắc, anh đừng vơ đũa cả nắm".
Tôi hỏi:
"Người nào không phản trắc. Nguyệt nói cho tôi hay".
Nguyệt chỉ tay vào ngực nàng:
"Em".
Tiếng nhạc thật lớn ở sau lưng tôi, rồi nhỏ dần. Mải nói chuyện, tôi không biết là dàn nhạc vừa dạo bài tạm biệt, phòng trà đang sửa soạn đóng cửa, những người khách cuối cùng đã lục tục đứng lên. Tôi hỏi Nguyệt:
"Đóng cửa rồi sao?"
"Tới giờ rồi, anh".
Tôi đập mạnh tay xuống mặt quầy:
"Cho một ly nữa".
Nguyệt lắc đầu với người bồi bàn, rồi dịu dàng khuyên tôi:
"Anh đừng uống nữa".
Tôi nói lớn:
"Ai dám bảo tôi như vậy".
"Em. Nghe em đi. Lần sau anh lại đây em sẽ ngồi với anh đến sáng".
Tôi chán nản:
"Lần sau nào? Không có lần sau nào biết".
Nguyệt đặt bàn tay nàng lên cánh tay tôi:
"Có. Muốn có thì nhất định có. Em tin chúng mình còn gặp lại nhau nhiều lần".
"Sáng mai Nguyệt không còn nhớ đến thằng đàn ông say rượu đêm nay là ai nữa".
Nguyệt dịu dàng:
"Em nhớ. Chỉ sợ anh quên thôi".
Nguyệt chờ tôi trả tiền xong rồi đưa tôi ra cửa. Tôi đòi đưa nàng về. Nhưng Nguyệt cười không chịu, nàng nói tôi đã say lắm, tôi cần ngủ để lần sau. Rồi bằng một dáng đi nhanh nhẹn uyển chuyển, Nguyệt bước lên một chiếc taxi đã chờ sẵn. Nguyệt vẫy tay, cười với tôi một lần nữa. Chiếc xe lăn bánh, nhỏ dần về phía cuối phố.
Tôi lững thững bỏ đi một mình trên hè đường khuya. Hơi lạnh ban đêm phà vào mặt. Chất men trong cơ thể loãng dần. Cơn say không thành. Cái vô ích của những cơn say là thế. Say đến mấy, đến nghiêng trời lệch đất, rồi đến lúc cũng phải tỉnh lại. Rượu chỉ là một lãng quên chốc lát. Không bao giờ được là một vĩnh viễn lãng quên.
Đêm hôm đó tôi đi bộ thật lâu, trước khi bước lên một chiếc taxi để trở về khách sạn. Hình ảnh những người đàn bà hiện lên. Marlène. Thu Hà. Nguyệt. Giữa những người đàn bà này, đời tôi là một khoảng trống trải lớn lao. Như cái bóng tôi cô độc trên hè đường thấp thoáng bóng lá. Đêm mênh mông chung quanh. Những con đường mở rộng trước tầm mắt, thẳng và sâu hút. Trên cao, lưng chừng những chùm lá lay động dịu dàng trong gió đêm, là những bóng đèn bất động toả xuống mặt đường thứ ánh sáng lạnh tanh và xanh biếc.
Lần đầu tiên từ ngày trở về Việt Nam mãi tới đêm nay, cái cảm giác hoang mang mới đến với tôi. Đó là cái cảm giác phân vân của một người đứng giữa một ngã ba đường. Không biết đi về đâu. Không biết chọn phương hướng nào. Ngày mai thốt mang một hình ảnh thật mịt mùng. Tưởng như quá khứ và sau lưng đã không nhìn thấy nữa, thì cái phía trước mặt cũng mù sương. Tôi về tới khách sạn khi đồng hồ đã chỉ đúng hai giờ sáng. Đèn trong phòng còn sáng, Marlène chưa ngủ. Ở trong phòng ngủ vọng ra tiếng của Elga. Từ ngày về Việt Nam con nhỏ đau luôn. Thời tiết và khí hậu ở đây chưa thích hợp cho đứa nhỏ ra đời ở xứ lạnh.
Thấy tôi bước vào Marlène hỏi ngay, bằng một giọng thật gay gắt:
"Anh đi đâu giờ này mới về?"
Tôi giơ tay mỏi mệt:
"Đã nói là đi uống một ly rượu".
Marlène chống hai tay vào cạnh sườn. Nàng nhìn tôi bằng cái nhìn của một người vợ muốn gây chuyện.
"Một ly thôi?"
Tôi ném mình xuống mặt ghế bành. Đầu óc u uất, thân thể rời ra. Hơi rượu đắng chát ở đầu lưỡi, bừng bừng trong cổ họng:
"Không nhớ. Vài ba ly gì đó".
Marlène bĩu môi:
"Vài ba ly thôi à! Trông cái bộ dạng say sưa bê bết của anh tôi thừa biết anh đã nốc hàng chai. Anh biết bây giờ là mấy giờ rồi không?"
"Biết. Khuya lắm rồi. Sao em chưa đi ngủ?" Marlène la lớn:
"Chờ anh về đây".
Tôi dịu dàng:
"Chờ anh về để làm gì? Con Elga đau hả? Sáng mai anh đưa nó đến bác sĩ".
Marlène sừng sộ:
"Anh trả lời tôi đã".
Tôi gật, chán nản và mỏi mệt đến cùng cực:
"Hỏi gì thì hỏi ngay đi".
"Anh vừa đi đâu?"
"Đến một quán rượu".
"Quán rượu nào?"
Câu hỏi ngây ngô khiến tôi bật cười:
"Quán nào em cũng không biết được. Chính anh cũng không biết, không nhớ. Anh đến một nơi có một quầy rượu, ở đó có một người bán rượu cho anh uống và trả tiền. Thế thôi".
Marlène bĩu môi:
"Chứ không phải là anh đến nhà con đó?"
Tôi giật mình, ngơ ngác:
"Con đó là con nào?"
"Cái con đàn bà Việt Nam dám ra đón anh tại phi trường. Anh đã đứng lại, nói chuyện thật lâu với nó. Hẹn hò với nó. Và tối nay đã nói dối tôi, anh đã đến nhà nó. Anh đừng tưởng tôi không biết gì hết".
Thì ra Marlène lầm tưởng tôi bỏ mẹ con nàng ở khách sạn một mình để đến với Thu Hà. Thật oan cho Thu Hà hết sức. Tôi đã quên bẵng mất Thu Hà. Marlène làm cho tôi nhớ lại người tình cũ. Mỗi lần Marlène ghen là một lần ghen tuông ghê gớm. Tôi đã có kinh nghiệm về chuyện này. Trong đầu óc tôi lại hiện lên cái cảnh tượng đêm đó, ở một sàn nhảy Paris. Tôi chỉ khiêu vũ một cách tự nhiên thân mật với một người bạn gái mà Marlène đã ghen lồng ghen lộn. Tôi dịu dàng:
"Anh đến một quán rượu. Không đến nhà một con đàn bà nào hết".
Marlène gầm lên:
"Nói dối".
Tôi gục đầu xuống, thần trí chập chờn dưới cơn say nặng trĩu:
"Đừng gây chuyện".
Lúc bình thường, tươi tỉnh, Marlène là một trong những người đàn bà khả ái nhất. Nàng có tất cả cái bề ngoài lịch sự óng chuốt của một người đàn bà văn minh. Nhưng lúc tức giận, đặc biệt là tức giận vì ghen tuông, nàng để lộ ra cái khía cạnh thô bạo, tục tằn rất đáng ghét. Trong Marlène có hai con người. Con người thứ hai hiện hình khi cái vỏ che đậy con người thứ nhất tan vỡ. Khi đó Marlène không còn là Marlène tôi đã yêu, đã lấy và muốn chung sống nữa. Tôi bỏ sang buồng ngủ. Căn buồng bừa bãi. Những đồ đạc, quần áo ném ngổn ngang cùng khắp. Marlène chưa chịu cho cuộc đấu khẩu chấm dứt. Nàng hùng hổ chạy sang, khi tôi thả buông thân thể mỏi mệt xuống mặt đệm.
"Con đàn bà ấy với anh là thế nào?"
"Một người quen cũ. Năm bảy năm về trước".
"Nó vẫn theo đuổi anh? Anh vẫn yêu thương nó?"
Tôi vùi đầu vào gối:
"Đã bảo là không. Không có chuyện gì hết". Marlène gật gù, đi đi lại lại trước mặt tôi, dáng điệu thật mất dạy:
"Anh đừng tưởng tôi ghen. Tôi không thèm ghen đâu. Nhưng nói trước cho anh biết là từ nay anh cũng không được ghen tuông lại với tôi".
Tôi vùng ngồi lên:
"Thế là thế nào?"
"Tôi sẽ bắt chước anh, đi với đàn ông cho anh coi".
Tôi quắc mắt:
"Anh làm gì mà em bắt chước?"
"Anh ngoại tình. Tôi cũng ngoại tình. Cho đồng đều cả hai vợ chồng".
Từ ngày lấy nhau, chưa từng bao giờ Marlène dám ăn nói với tôi hỗn xược như vậy. Chỉ sang Việt Nam mấy tuần, nàng đã đổi khác, một cách thật đáng lo lắng. Con người thứ hai, con người thấp kém, thô tục ở Marlène đã thức dậy. Nhưng sự hỗn xược cũng chỉ được phép tới giới hạn nào. Tôi ra khỏi giường, đến đứng trước mặt Marlène. Tôi dằn mạnh từng tiếng:
"Em vừa nói gì?"
Marlène nhún vai:
"Chuyện ngoại tình. Đàn bà bây giờ ngoại tình là chuyện thường lắm mà?"
Một cái tát như trời giáng làm cho Marlène ngã bật ngửa về phía sau. Sự kinh ngạc làm cho nàng há hốc mồm, không kêu lên được một tiếng. Đánh xong, tôi cảm thấy hối hận liền tức khắc. Tôi chưa từng có một cử chỉ vũ phu với Marlène như thế bao giờ. Đây là lần đầu. Tôi nhớ ngay được rằng, chịu đi theo tôi sang Việt Nam, Marlène đã phải hy sinh lớn lao. Nàng đã phải vất bỏ lại bên kia biển rộng những gì thương yêu và gắn bó nhất. Marlène nhịn đau, nín thinh. Tôi chạy đến, ôm lấy nàng, xin lỗi. Một lát sau, chúng tôi nằm bên nhau. Marlène nói:
"Những chuyện không hay sẽ xảy đến cho chúng ta".
Tôi bàng hoàng:
"Sao vậy được?"
"Đáng lẽ không bao giờ em nên thuận theo anh về Việt Nam".
Tôi hỏi:
"Hay là chúng mình trở về Âu châu".
Marlène lắc đầu:
"Cũng không được nữa. Em chỉ biết là tình của chúng ta đang tan vỡ".
Marlène ngừng lại một giây. Rồi nói tiếp.
"Tan vỡ mà chúng ta không làm gì được hết".
Suốt đêm hôm đó, mặc dầu say rượu và muốn ngủ, tôi cố gắng giải thích cho Marlène là tình yêu chỉ có thể tan vỡ bởi lòng người khi đã hết thương yêu. Chứ nó không thể tan vỡ vì thay đổi một vòm trời, một nếp sống, một không khí.
"Em hãy nhớ lại thời kỳ chúng mình mới gặp nhau. Chúng mình đã yêu thương, đã thể nguyền với nhau như thế nào?"
Marlène mơ màng, ánh mắt nàng xanh biếc hơn bao giờ:
"Đó là những ngày tháng thần tiên, tuyệt vời đã hết".
"Hãy giữ cho nhau lời thề nguyền đã có".
Marlène lắc đầu:
"Chính anh đã làm khác".
Tôi kinh ngạc:
"Làm khác thế nào?"
"Bấy giờ anh đâu có bảo em là một ngày em phải theo anh về Việt Nam".
"Người đàn ông lang bạt nhất thế giới cũng một ngày phải trở về quê hương, đất nước của mình. Anh cũng vậy. Anh phải trở về với gia đình".
Marlène nhấn mạnh từng tiếng:
"Gia đình anh".
Tôi kêu lên, bực bội:
"Gia đình anh cũng là gia đình em".
Marlène xua tay:
"Em đã muốn như thế. Nhưng bố mẹ, anh em anh đâu có muốn như thế".
Điều này, tôi phải công nhận là Marlène nói đúng. Tới phi trường Tân Sơn Nhất, về khách sạn Caravelle được hai ngày, tôi đã đưa Marlène về gia đình tôi. Cha mẹ và các em tôi ở một căn nhà kiểu cổ trong vùng Chợ Quán. Lần họ mới được giới thiệu với Marlène ở phi trường tôi chưa thấy gì hết. Nhưng tới lần đưa Marlène và con Elga về gia đình, tôi mới biết cuộc hôn nhân của tôi với một người đàn bà Tây phương đã không được gia đình tôi chấp nhận. Chỉ riêng Giao, con em gái tôi có vẻ quý mến Marlène thành thực. Còn hết thảy đều nhìn ngó Marlène bằng những cái nhìn thật lạnh nhạt, thiếu vắng hết mọi cảm tình. Cuộc tiếp đón hôm đó thật gượng gạo, miễn cưỡng. Quả thật là người đàn bà tây phương tóc vàng, mắt xanh là Marlène không tìm được chỗ đứng trong gia đình chúng tôi. Mẹ tôi giận tôi ra mặt. Người cáo bệnh nằm ở trong nhà. Lúc gần về, nói chuyện riêng với Giao mười lăm phút, tôi mới biết rõ nguyên nhân sự thù ghét rõ rệt mà mẹ tôi đã dành cho Marlène.
Chả là Người vẫn nuôi hy vọng lấy cho tôi một người vợ khác. Một người đàn bà Việt Nam hoàn toàn. Giao cho biết người đàn bà đó tên là Bích. Giàu có. Tuy hơi nhiều tuổi một chút. Bích có một tiệm vàng ở sau chợ Bến Thành, gia đình Bích giao du thân thiết với gia đình tôi từ rất lâu. Mẹ tôi vẫn đinh ninh là chừng nào tôi từ ngoại quốc trở về, tôi phải lấy vợ và người đó phải là Bích.
Không ngờ lại là Marlène. Bà ghét Marlène vì lẽ đó.
Mẹ tôi ghét, cha tôi cũng ghét theo. Sự lạnh nhạt này, Marlène nhận thấy ngay. Tự ái của nàng bị thương tổn nặng nề. Lúc ra về, lời đầu tiên mà Marlène nói ngay với tôi ngoài hè đường là không bao giờ nàng đặt chân trở lại nhà cha mẹ tôi nữa.
Nàng nói, có việc gì tôi về nhà tôi một mình.
"Em phải kiên nhẫn một chút".
Marlène lắc đầu:
"Tính em nóng, thẳng. Không biết kiên nhẫn đối với những người không tốt với em".
Tôi nói:
"Giao rất có cảm tình với mẹ con em".
"Thì bảo cô ấy lại chơi. Chứ anh không bằng lòng cũng mặc anh, em không gặp lại thầy mẹ anh nữa".
Lần thứ nhất đưa vợ về gia đình, với tôi, xem ra cũng là lần cuối cùng. Tôi không trách Marlène vào đâu được. Không phải là về Việt Nam, với gia đình nhà chồng, mà ở Thuỵ Điển với chính gia đình nàng cũng vậy, Marlène có một thái độ xa cách rất rõ rệt. Mái gia đình nào với Marlène cũng là tù ngục. Nàng sống tự do, một mình, từ rất sớm. Nàng chỉ biết có nàng, đứa con và tôi. Thế thôi. Trách cứ tôi về chuyện Thu Hà xong, Marlène quay sang chuyện ngôi nhà chưa đòi lại được.
"Vợ chồng thằng cha ấy không chịu trả?"
Tôi đáp:
"Mình cũng nên để cho họ một thời gian".
"Bao nhiêu lâu?"
"Hai tuần, một tháng gì đó. Như anh đã nói".
"Nếu quá hạn đó họ vẫn không chịu đi".
"Khi đó mình sẽ nhờ pháp luật can thiệp giùm".
Marlène tỏ ra nghi ngờ:
"Can thiệp là một chuyện. Điều em muốn anh cho biết là can thiệp có được không?"
Tôi đáp cho xong:
"Phải được chứ".
Marlène hậm hực:
"Cái gì anh cũng nói được. Từ ngày về đây em chưa thấy anh làm được cái gì hết".
Nàng lại bắt sang chuyện khác, toàn những chuyện tôi không muốn nghĩ đến làm gì cho mệt óc:
"Anh nhớ mỗi tháng chúng mình phải trả tiền phòng bao nhiêu không".
"Nhớ. Nhiều quá".
"Tiền gần hết rồi đó. Anh biết không?"
"Biết".
"Anh chưa tìm được công việc làm?"
Tôi gượng cười:
"Lúc nào có công việc thì biết là lúc đó có, mình có quyết định được chuyện ấy đâu".
Marlène vặn hỏi:
"Sao ở bên ấy anh nói chắc với em là về nước anh có công việc ngay".
Tôi thở dài:
"Thì anh tưởng thế".
"Lúc nào anh cũng như ở trên cung trăng. Anh không thực tế chút nào hết".
Tôi buồn rầu:
"Điều anh không ngờ là về đây, mới thấy là đời sống khó khăn hơn trước nhiều".
"Trước kia, không vậy?"
Tôi lắc đầu:
"Mấy năm trước, Sài Gòn còn được tiếng là một trong những thành phố ở đó người ta sống dễ dàng và thoải mái nhất".
"Thế nghĩa là anh đã lầm?"
Tôi nói cho Marlène yêu lòng:
"Không sao. Chỉ là vấn đề sớm hay muộn thôi. Anh giao thiệp nhiều, bạn hữu nhiều".
Marlène giễu:
"Bạn tốt như anh chàng Lưu?"
"Thằng đó là một thằng khốn nạn. Bạn anh đâu toàn là những thằng khốn nạn như vậy".
Marlène bĩu môi:
"Em cũng muốn tin như thế".
Nhớ đêm đó những lời trách móc dồn dập của Marlène đã có hiệu lực làm cho tôi tỉnh hẳn cơn say. Đèn trong phòng đã tắt. Bốn bề vắng lặng. Tôi còn nằm thao thức một mình trong bóng tối. Đầu óc tôi ngổn ngang trăm mối. Bạn hữu. Gia đình. Vợ con. Công việc. Tất cả đều không xuôi chảy tốt đẹp như tôi tưởng. Marlène nói có đúng một phần nào khi nàng chê tôi không thực tế, thơ ngây và khờ dại như một đứa con nít.
Khoản tiền tôi đưa theo được về để chi dùng cho thời kỳ đầu tiên ở Việt Nam, khoản tiền đó chẳng còn được là bao nhiêu. Mọi thứ đều đắt đỏ một cách không ngờ. Giá sinh hoạt vùn vụt leo thang. Tiêu pha dè xẻn lắm, cũng chỉ được hai tháng nữa. Đã đến lúc tôi phải tính đến chuyện đi làm. Kiếm tiền, thật nhiều, mà phải kiếm được ngay không chậm trễ. Tôi đã hứa với Marlène là trở về Việt Nam, tôi sẽ tạo cho nàng một đời sống vật chất thật đầy đủ, nếu không muốn nói là huy hoàng, lộng lẫy. Marlène là loại đàn bà không thể sống trong nghèo khổ. Với nàng, sống là phải dư thừa tiện nghi, trên tiền trên bạc. Một nếp sống khác chắc chắn sẽ bị nàng từ chối quyết liệt.
Bao nhiêu nỗi lo âu chồng chất làm tôi không tài nào nhắm mắt được. Đêm dài vô tận. Đêm sâu. Đêm sâu thăm thẳm. Thời gian lết từng bước chậm chạp. Chưa bao giờ tôi thấy tôi nhiều bổn phận, nhiều trách nhiệm với kẻ khác như vậy. Đời sống không còn cái bộ mặt rực rỡ, phơi phới của ngày trước nữa. Từ lớn lên, tôi chỉ quen ăn chơi. Sống buông thả, không bao giờ bận tâm đến những tháng ngày chưa tới. Bây giờ, không thể còn như thế nữa. Ý nghĩ này làm cho tôi buồn bã lo âu vô cùng. Đêm tàn dần. Tôi nằm nghe đêm đi. Có cảm tưởng như, cùng với sự phai tàn của đêm, những ngày tháng hồng tươi của mình cũng chết cùng tuổi trẻ.
Buổi sáng hôm sau, chúng tôi ngồi ăn sáng ở gần cửa sổ. Cũng may, cơn sốt của Elga đã dịu xuống. Nó ngủ, bằn bặt. Tôi bàn với Marlène, không thấy cần phải đưa nó đi bác sĩ nữa. Sau một đêm say rượu lại mất ngủ, thân thể tôi đau nhừ từng chỗ. Tôi nhăn nhó, muốn ngủ lại không được. Đời sống gai lửa buộc tôi phải xuống đường. Marlène hỏi:
"Anh đi đâu vậy?"
Tôi nhún vai, chán nản:
"Tìm việc".
"Ở đâu?"
"Anh còn một người bạn nữa. Đêm qua nằm nghĩ mãi mới nhớ ra y. Nếu anh không lầm, y đang làm giám đốc một công ty lớn. Công ty này mới thành lập. Đang khuyếch trương mạnh và muốn mở rộng phạm vi hoạt động sang Âu châu".
Đôi mắt xanh biếc của Marlène sáng lên khi tôi nói đến Âu châu. Nàng đã nhìn thấy một cơ hội ngàn vàng để có thể theo tôi trở về vùng trời Thuỵ Điển. Marlène săn đón:
"Bây giờ anh định đến gặp ông giám đốc công ty ấy?"
"Phải".
"Tên ông bạn anh là gì?"
"Có hy vọng gì không anh?"
"Tất nhiên là có. Ngày trước Doanh nghèo túng. Anh đã giúp đỡ tiền bạc cho y nhiều lần mà không bao giờ đòi lại. Đây là một cơ hội để y giúp lại mình".
Marlène khuyên tôi:
"Anh cũng cần khéo léo một chút".
Tôi cười buồn:
"Anh không khéo léo với ai bao giờ sao?"
"Anh hay nổi nóng lắm".
Tôi càng buồn hơn:
"Anh không biết quỵ luỵ, nịnh nọt".
Marlène cãi:
"Đâu em có bắt anh thế. Nhưng khéo léo, mềm mỏng với người ta một chút thì được việc cho mình".
Tôi hỏi đùa Marlène:
"Nếu khéo léo mà cũng không được việc?"
Marlène nghiêm trang, không hưởng ứng sự đùa cợt:
"Thì anh chỉ còn là một loại người bỏ đi".
Tôi cãi:
"Xã hội hư hỏng làm cho cá nhân hư hỏng".
Cá nhân và xã hội sống với nhau bằng những ước lệ cứng nhắc. Bằng quyền lợi thấp kém, bằng bề ngoài hời hợt giả tạo. Cõi sống này đã khô cạn mọi tình nghĩa và tình bằng hữu là một danh từ vô nghĩa khác. Đó là sự thật đáng buồn mà tôi lại có thêm một bằng chứng hùng hồn buổi sáng hôm đó, khi đến kiếm Doanh người bạn cũ của tôi.
Công ty Doanh lớn thật. Trụ sở công ty là một toà nhà bốn từng tráng lệ ở đường Hàm Nghi. Phong cách và tư thế của nó không thua gì một công ty lớn của ngoại quốc. Điều thứ nhất làm tôi bực mình là Doanh bắt tôi chờ ở phòng khách hơi lâu. Đến gần nửa tiếng. Trên tấm danh thiếp đưa cho người tùy phái đưa vào tôi đã ghi rõ muốn gặp Doanh có việc cần và tôi mới ở ngoại quốc về. Vậy mà Doanh vẫn để tôi đợi. Riêng tôi, tôi ghét nhất sự chờ đợi, bất cứ là thể loại chờ nào. Chờ một chuyến tàu chưa tới, một chuyến máy bay sắp cất cánh, một tiệm hàng sắp mở cửa, đều là những điều tối kỵ với tôi. Thời kỳ Marlène và tôi còn hẹn nhau tôi luôn luôn phiền trách nàng về những lần nàng đến muộn. Tôi cau mặt, hỏi người tùy phái:
"Ông đưa danh thiếp tôi cho ông giám đốc chưa?"
Y thản nhiên:
"Rồi".
"Sao bắt tôi chờ lâu quá vậy".
Thằng tùy phái hỗn xược:
"Nhiều người còn phải chờ lâu hơn ông".
Thấy tôi tỏ vẻ nóng nẩy, y nhún vai:
"Ông chờ hoặc lúc khác đến cũng được".
Cũng may, lúc tôi sắp nổi nóng với thằng tùy phái thì Doanh mở cửa đi ra. Đi bên cạnh y là một mệnh phụ phục sức thật lộng lẫy. Người đàn bà trang điểm như sắp đến một dạ hội, đeo kim cương đầy người. Thảo nào Doanh bắt tôi chờ lâu đến thế. Doanh đưa người đàn bà đến tận thang máy. Trở vào, y niềm nở:
"Chà, anh Viễn. Lâu ngày quá. Mạnh khoẻ không?"
Tôi tạo cho tôi nụ cười tươi tắn nhất:
"Thường vậy. Nói chuyện với ông một lúc, được không?"
"Được chứ. Vào đây".
Phòng giấy của Doanh có tất cả vẻ sang trọng uy nghi, bề thế, của phòng giấy giám đốc một công ty lớn. Đồ đạc đắt tiền, bóng loáng. Doanh chỉ cho tôi một cái ghế rồi y trở về ngồi sau bàn giấy. Y hất hàm:
"Thế nào, mới ở ngoại quốc về?"
"Được vài tuần rồi".
Doanh cau may:
"Sao ông không ở luôn bên ấy. Về đây lúc này làm quái gì?"
Tôi ngạc nhiên:
"Sao vậy?"
"Nhiều lý do lắm. Trong những lý do này, có cái lý do là ở đây đời sống hồi này đã cực kỳ khó khăn".
Tôi gật đầu:
"Tôi đã nhận thấy. Cho nên phải tìm đến ông đây".
Doanh không trả lời vào câu nói của tôi. Mà hỏi:
"Nghe đâu ông đem về đây một bà đầm mắt xanh?"
Cái lối Doanh hỏi về Marlène đã làm cho tôi bực mình. Nhưng nhớ rằng Marlène đã dặn tôi phải mềm mỏng khéo léo, nhớ rằng mình đang đi tìm việc, tôi đành cười xoà:
"Ông biết tôi lấy vợ ngoại quốc?"
"Sao không biết. Dư luận đã kháo ầm lên. Đâu đâu cũng chỉ nói đến bà vợ đầm của ông Viễn".
Điều làm tôi thất vọng nhất về Doanh, là người bạn thân ngày nào ở Doanh đã biến mất. Mất hẳn, không còn một dấu vết. Người ta nói sự thành công làm thay đổi người. Với Doanh, thật đúng như vậy. Nhớ ngày trước, y nhã nhặn, dễ chịu bao nhiêu thì bây giờ y khả ố đáng ghét bấy nhiêu. Với điếu xì-gà lớn ngậm trong miệng, cái mặt phinh phính, cặp mắt ti hí mắt lươn, Doanh là điển hình cho bọn trọc phú làm giàu bằng những phương pháp mờ ám bất chính. Ở một trường hợp khác, tôi đã đứng lên, bỏ đi ngay. Nhưng tôi không quên rằng tôi đã đến gõ cửa rất nhiều nơi quen biết. Và Doanh là hy vọng, là may mắn cuối cùng. Để khỏi mất thì giờ, tôi vào thẳng vấn đề:
"Đến xem công ty anh có việc gì làm cho tôi làm với. Đang tìm việc làm. Thú thật ngay với anh như vậy".
Doanh làm bộ không tin:
"Anh mà cũng cần việc làm?"
Tôi gượng cười:
"Sao không? Cần hơn bao giờ, hơn lúc nào là đằng khác".
"Tôi lại cứ tưởng một người tốt số như anh thì cứ việc ngồi đó mà ăn chơi cho sướng đến suốt đời. Làm làm gì cho mệt!"
Tôi ngẩn người:
"Sao anh lại nói thế?"
Doanh nháy mắt:
"Vậy chứ không phải anh mới vừa đào được một mỏ vàng rất lớn ở ngoại quốc?"
Sự ngạc nhiên của tôi càng lớn hơn:
"Một mỏ vàng, mỏ vàng nào?"
Doanh cười ha hả:
"Lấy được vợ giàu mà! Cũng như đào được một mỏ vàng".
Tôi vỡ nhẽ và tôi nghiêm nét mặt lại:
"Ai nói anh như thế?"
"Mọi người. Dư luận".
Tôi nổi nóng:
"Thế là dư luận bịa đặt. Thế là mọi người ác ý".
Chỉ tay vào ngực mình, tôi hỏi lớn, rành rọt từng tiếng.
"Anh nhìn lại thằng bạn anh xem. Nhìn lại thằng Viễn này có phải là loại đàn ông đào mỏ không?"
Thấy tôi nổi nóng, Doanh giơ tay, cười xoà:
"Đừng giận! Đừng giận. Cũng là nghe thấy thiên hạ đồn thế. Không phải thì thôi, có sao đâu?"
Câu nói của Marlène trước khi tôi ra khỏi nhà lại trở lại trong đầu óc. Tự nhiên, tôi cảm thấy buồn rầu và chán nản lạ thường. Tôi hối hận đã đến tìm Doanh. Tôi hối hận đã lấy Marlène, đã lập gia đình. Tôi hối hận đã trở về Việt Nam. Để phải gặp, phải nhờ vả những thằng đê tiện như thằng bạn cũ đang ngồi trước mặt. Thế mà tôi vẫn không có quyền tức giận. Và vẫn phải tươi cười ngay:
"Tôi cũng biết anh nói đùa. Chứ đời nào anh nỡ liệt tôi vào loại đàn ông khốn nạn như thế. Thôi, bây giờ trở lại chuyện tôi muốn nói. Anh giúp được tôi không?"
"Được chứ?"
Tôi vui mừng:
"Như thế nào?"
Doanh ngã người vào thành ghế:
"Anh thích làm thế nào?"
"Tùy anh. Tôi đang cần. Thế nào cũng được, miễn tạm đủ sống là tốt".
"Tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng anh chờ cho vài tháng nữa".
Vài tháng nữa? Tôi đang cần. Vài tháng nữa là bao giờ, hay là không bao giờ? Cuối cùng, sau mươi phút trò chuyện, tôi vỡ nhẽ ra là Doanh chỉ hứa mơ hồ cho qua, lời hứa không có gì chắc chắn hết. Thế là cả một buổi sáng mất công vô ích. Lúc Doanh đưa tiễn tôi ra cửa, có mấy người đàn bà khác đợi y. Cái bắt tay hời hợt nhạt nhẽo. Doanh dặn tôi trở lại. Nhưng tôi biết tôi không bao giờ trở lại nữa. Để làm gì? Vô ích lắm. Rõ ràng Doanh không muốn giúp đỡ gì tôi hết.
Tôi trở về khách sạn, mỏi mệt, chán nản hơn bao giờ. Đầu óc đầy những ý nghĩ tối đen và tương lai thì mù mịt không nhìn thấy một tia sáng hy vọng. Cho dù là một hy vọng rất mong manh. Marlène mở cửa. Cái nhìn của nàng là một dấu hỏi lớn. Tôi chán nản lắc đầu. Sự tuyệt vọng của Marlène hiện trên khuôn mặt.
"Người ta lại từ chối?"
Tôi tháo cà vạt, ném cái áo ngoài xuống mặt ghế bành:
"Cũng không hẳn là từ chối".
"Thế nghĩa là?"
"Thằng bạn bảo anh chờ vài tháng".
Marlène giậm chân la lớn:
"Chờ là chờ thế nào?"
Tôi nhún vai, buông mình ngồi xuống. Nhắm mắt lại. Đầu óc tối đen. Tâm thức u uất. Marlène đứng trước mặt. Im lặng một lát. Rồi nàng hỏi:
"Anh còn chỗ nào khác nữa không?"
"Có thể".
Marlène lại giậm chân, lại la lớn:
"Có thể là cái quái quỷ gì. Anh hãy trả lời em rằng có hay không?"
Tôi xua tay:
"Đừng làm cho anh rối óc lên. Để anh nghĩ. Hiện giờ thì những chỗ anh định đến hết rồi. Những chỗ khác, anh chưa nghĩ ra".
"Thế là không còn chỗ nào khác nữa. Cứ nói phắt như thế cho xong. Thôi, anh cũng khỏi thèm đi đâu nữa. Đã nói bạn anh toàn là một loại như thế cả. Họ chẳng giúp đỡ được anh gì hết. Để em tìm việc cho anh".
Tôi mở choàng mắt:
"Tìm việc cho anh?"
Marlène gật đầu, giọng đầy tin tưởng:
"Phải, em. Và chắc chắn là được".
Cảnh tượng lúc đó có một vẻ gì thật khôi hài khiến tôi muốn bật cười thành tiếng. Marlène vừa nói nàng sẽ tìm việc cho tôi. Nàng mới đến Sài Gòn lần đầu. Nàng chưa quen biết một ai ở thành phố này. Nàng là một người đàn bà Thuỵ Điển chưa nói được một chữ một tiếng Việt Nam nào, dù là mấy chữ "cám ơn". Vậy mà nàng nói sẽ tìm việc cho tôi. Tôi xua tay:
"Anh đang mệt. Không phải là lúc nghe em nói chuyện khôi hài. Em khôi hài cũng không có duyên lắm đâu".
Marlène quắc mắt:
"Ai bảo với anh em nói chuyện khôi hài? Ngồi đó, em cho anh xem cái này".
Marlène vào phòng ngủ, trở ra với một lá thư cầm trên tay. Nàng giơ cao lá thư trước mặt tôi:
"Em vừa nhận được sáng nay. Lúc anh vừa ra khỏi nhà".
"Thư ở đâu tới?"
"Bên nhà em gửi sáng. Anh sẽ có công ăn việc làm đàng hoàng. Đừng thèm đến nhờ vả mấy thằng bạn khốn nạn của anh nữa".
Tôi kinh ngạc đón lấy lá thư trên tay Marlène. Trong khi tôi xem thư, Marlène ngồi bên cạnh nhìn chăm chú. Người viết thư là mẹ Marlène. Sau những lời thăm hỏi thông thường bà mẹ vợ của tôi cho con gái bà biết là một người quen với Marlène sẽ đến Sài Gòn vào tuần lễ cuối tháng. Người đó sang Việt Nam để lập chi nhánh cho một hãng sản xuất lớn ở Thuỵ Điển. Cuối thư, mẹ vợ tôi cho Marlène biết là chừng nào Karl, tên người bạn của Marlène, khởi hành, Karl sẽ đánh điện cho Marlène ra đón ở phi trường.
Tôi gập thư lại, hỏi:
"Karl nào thế?"
Marlène cười, vui thú:
"Một người bạn từ hồi nhỏ. Thân lắm".
"Sao anh không biết?"
"Thời kỳ đó, Karl đi xa. Sang Hoa Kỳ. Mới trở về Âu Châu vài tháng nay. Anh biết không, ngày trước Karl mê em lắm đó. Nhưng em đã chọn anh. Và không đáp lại tình yêu của Karl".
Tôi gượng cười:
"Thế à?"
"Karl sang đây, em sẽ giới thiệu ngay với anh".
"Hay lắm".
"Anh sẽ làm việc với Karl".
Nói đến người bạn tuổi nhỏ, sau này yêu mê và theo đuổi nàng, Marlène đã nói bằng một giọng nhiệt thành sôi nổi và vui thú sung sướng. Tưởng như nàng vừa tìm lại được nguồn vui, thấy lại được lẽ sống. Marlène khen Karl đủ điều, vẽ lên chân dung Karl, như một người hoàn toàn, một loại đàn ông lý tưởng. Nàng kể lại những kỷ niệm đã có với Karl. Những lần đi chơi với Karl, những câu chuyện, những mẫu giai thoại ngộ nghĩnh, duyên dáng mà hình như chỉ có Karl là có biệt tài thuật lại. Marlène còn nói Karl tới Việt Nam nàng sẽ làm thế nào cho Karl trở thành người bạn thân thiết nhất của cả chúng tôi.
Marlène hớn hở:
"Rồi anh sẽ thích Karl".
Tôi gật, miễn cưỡng.
"Tất nhiên là như thế".
Tôi mỉm cười, hỏi Marlène:
"Karl còn mê em không?"
Marlène nghiêng đầu:
"Em cũng không rõ. Có thể. Sao?"
"Hỏi vậy cho biết. Anh sợ Karl sẽ là tình địch của anh".
Marlène cười:
"Lý do nào khiến anh nghĩ vậy?"
"Thấy em nói đến Karl một cách quá tốt đẹp. Bằng một giọng đầy cảm tình. Anh hơi ngại rồi đấy".
Marlène lăn vào tôi, ôm lấy tôi:
"Đừng nói nhảm. Anh thừa biết em chỉ yêu một mình anh, trước sau, chỉ có anh".
"Người ta khó quên được những kỷ niệm quá khứ. Nhất là những kỷ niệm đẹp".
"Karl chỉ là bạn".
Marlène hỏi tôi, buộc tôi phải trả lời:
"Anh ra đón Karl chứ?"
Tôi cười:
"Nhất định phải ra đón. Bạn thân của em mà".
Marlène lại hỏi:
"Anh bằng lòng em nói với Karl để cho anh cùng hợp tác với Karl?"
"Chờ y sang đây hãy hay".
Marlène không chịu:
"Trả lời em. Ngay bây giờ".
Tôi ngẫm nghĩ rồi nghiêm trang trả lời:
"Không".
Marlène nhíu mày:
"Tại sao?"
Tôi đáp giản dị:
"Vì anh không muốn".
Marlène vặn:
"Sao không muốn? Anh đừng quên rằng anh đang thất nghiệp, đang cần việc làm".
Tôi gật đầu, điềm đạm:
"Anh nhớ. Do đó, sáng mai anh lại phải đi tìm việc ở những chỗ khác".
"Vẫn không được thì sao?"
"Kiếm mãi, tìm mãi, cuối cùng phải được".
Marlène mím môi lại. Sự bực bội ở nàng đã rõ rệt lắm. Nàng không ngồi cạnh tôi nữa mà đứng lên đi đi lại lại. Tôi đợi chờ cơn thịnh nộ của Marlène. Lần này thì không phải chờ đợi. Phải đương đầu. Không thể né tránh không thể lùi bước. Tôi có những nguyên tắc của tôi. Những nguyên tắc tối thiểu không thể huỷ bỏ.
Nhưng Marlène không lớn tiếng. Chỉ hỏi:
"Anh không cho em giúp đỡ anh những lúc một người chồng cần một người vợ giúp đỡ?"
Tôi gật:
"Có chứ".
Rồi lắc:
"Nhưng giúp đỡ như em vừa nói thì không được. Anh bằng lòng cũng được. Nhưng thế anh không còn nhân cách, không biết tự trọng. Anh không muốn khinh anh như thế, em cũng sẽ khinh anh".
Marlène hậm hực:
"Thì thôi. Đừng nói đến chuyện đó nữa".
Tôi dỗ dành Marlène:
"Đừng giận anh. Cho tới giờ phút này anh còn nhiều hy vọng kiếm được việc làm xứng đáng. Hãy cứ để mặc anh tự mình lo lấy. Chừng nào anh không làm gì được nữa, khi đó sự tiếp tay của em là một cần thiết mà anh không từ chối. Cốt nhất là em chịu khó trong một thời gian. Em nóng ruột là anh mất hết bình tĩnh".
Những ngày sau đó, Marlène không trở lại chuyện Karl nữa. Nàng cũng bớt gây gổ với tôi hơn trước. Tôi thì ngày hai buổi đến chỗ này chỗ nọ kiếm việc làm. Mỗi lần ra đi, một lần về không. Cũng có một vài chỗ làm người ta dành cho tôi. Nhưng tôi từ chối. Công việc vất vả. Đồng lương lại ít ỏi. Tôi có khá nhiều kinh nghiệm về kinh doanh, về tổ chức các công ty. Sáng kiến cũng nhiều lắm. Chỉ tiếc không có vốn lớn. Nếu có vốn riêng, tôi thành lập một hãng buôn ngay. Tôi còn có một vốn ngoại ngữ khá đầy đủ. Thừa để giao thiệp. Cho nên, kiểm điểm lại khả năng con người mình, tôi vẫn chứa chan hy vọng. Rằng một ngày nào đó, thiên hạ sẽ biết đến tài năng của thằng Viễn. Khi đó thằng Viễn sẽ được trọng dụng.
Một buổi chiều trở về khách sạn, tôi không thấy Marlène đâu mà thấy một ả sẩm trong phòng. Tôi ngạc nhiên hỏi ả sẩm:
"Chị ở đây làm gì vậy?"
Người đàn bà trả lời:
"Bà mướn tôi".
"Để làm gì?"
"Trong coi con nhỏ".
Marlène chưa hề bàn với tôi về chuyện mướn một ả sẩm để trông coi con Elga. Nàng thừa biết chúng tôi đang phải hà tiện từng đồng, từng chữ. Đây là lần đầu tiên, nàng làm một việc mà không thèm hỏi ý kiến chồng nàng.
Năm phút sau, Marlène từ dưới phố trở về. Nàng phục sức vừa diêm dúa, vừa hở hang khêu gợi, lại trang điểm nữa.
Tôi hỏi:
"Em đi đâu vậy?"
"Ra phố. Bây giờ mới thấy thành phố này cũng có những chỗ nên lui tới lắm".
"Chẳng hạn?"
"Như ở đây cũng có một hội quán rất lớn. Với đầy đủ các môn thể thao, giải trí cho phụ nữ. Em đã tạt vào xem. Nói chuyện với quản lý hội quán. Điều kiện gia nhập hội quán không ngờ dễ dàng đến thế".
Marlène lấy ở trong sắc tay ra một tờ biên lai.
"Em đã đóng tiền nhập hội. Từ nay có lẽ ngày nào em cũng đến hội quán đó. Ở đó có rất nhiều người như em. Những người đàn bà tây phương".
Tôi bực mình:
"Tốt lắm. Nhưng làm việc gì em cũng hỏi ý kiến anh trước, nếu anh nhớ không lầm".
Tôi chỉ người ả sẩm:
"Kể cả việc này nữa, em cũng không thèm hỏi ý kiến gì anh hết".
Marlène ném cái sắc tay xuống mặt bàn:
"Em không thể giam thân suốt ngày trong một căn buồng đóng kín".
"Nhưng chúng ta đang phải hà tiện từng đồng".
"Mặc anh. Hết tiền đã có anh lo mà. Anh thừa biết là sự chịu đựng nào, cũng có giới hạn. Mướn người làm trông con, em còn tính đến chuyện đi làm nữa".
Tôi hỏi:
"Làm ở đâu? Làm việc gì?"
Marlène nhún vai:
"Thiếu gì việc. Em vừa nói chuyện với mấy người ở hội quán. Họ nói nếu em muốn kiếm việc làm họ sẽ giới thiệu ngay cho. Em thấy công việc ở đây thật nhiều, thật dễ kiếm. Chẳng hiểu với anh sao lại khó quá vậy".
Tôi thở dài. Một người đàn bà có một thân hình nẩy lửa như Marlène đi tìm việc làm, dễ dàng hơn thôi là chuyện đương nhiên. Đám đàn ông thấy Marlène là tối mắt lại. Nàng muốn gì mà không có kẻ làm vừa lòng nàng ngay tức khắc.
Nghĩ đến trường hợp Marlène giao thiệp với mọi người, Marlène đi làm để kiếm thêm tiền, tôi buồn thấm thía. Tôi không muốn Marlène làm gì hết. Chỉ thích nàng ở nhà, trông coi những công việc lặt vặt trong nhà. Nuôi con. Làm một người đàn bà nội trợ theo cái ý nghĩa tốt đẹp nhất của danh từ. Marlène đi đến đâu, gợi khêu lên ở đó những ham muốn vẩn đục của đám đàn ông chắc chắn chỉ nhìn thấy Marlène như hiện thân của dục tình và dục thể. Chúng nó sẽ xúm đến. Như bướm thấy hoa. Như ruồi thấy mật. Không đề phòng cẩn thận, tôi có thể mất Marlène như chơi.
Nhìn lại Marlène, nàng vẫn phục sức hở hang như bao giờ. Hai cánh tay nhễ nhại phơi trần tới vai. Cái váy ngắn cũn cỡn thật cao trên đầu gối, để lộ hai bắp đùi tròn lẳn. Áo cũng hở ngực, vải lại mỏng tanh làm nổi hình hai đỉnh ngực nhọn hoắt.
Tôi cau mày:
"Em không có những bộ đồ kín đáo hơn?"
Marlène nhìn thứ quần áo nàng đang mặc trên người:
"Quần áo này thì làm sao?"
Tôi ấp úng:
"Người ta… nhìn".
Marlène nhìn tôi như một thứ đàn ông quê mùa. Và cổ hủ nhất thế giới.
"Đàn bà đẹp để cho mọi người nhìn ngắm. Bộ anh muốn em ăn mặc như một bà lão bảy mươi?"
Tôi tắc họng, nín thinh. Đêm ngủ, Marlène còn khoả thân mà ngủ. Ở nhà, những lúc nóng nực quá, Marlène cũng cứ khoả thân đi đi lại lại trong nhà. Nàng đã như thế từ lâu. Từ hồi chưa lấy tôi. Từ hồi còn con gái. Tôi biết không làm sao bắt Marlène thay đổi được. Thế nào, Marlène như thế mãi. Nàng là loại đàn bà không chịu thay đổi.
Trở lại vấn đề Marlène vừa đặt ra là nàng sẽ tìm lấy việc làm. Tôi nói:
"Anh không phản đối. Nhưng hãy chờ anh một tháng xem sao đã".
"Để làm gì?"
"Nếu anh có việc làm em khỏi phải tìm việc".
Marlène đồng ý:
"Nhưng một tháng mà thôi đấy nhé!"
Nàng nhún vai:
"Sau đó, em phải lo lấy cho thân em".
Marlène cho tôi một tháng. Một tháng như một điều kiện. Một tháng như thoả hiệp cuối cùng. Hạnh phúc của gia đình tôi lung lay hơn lúc nào hết. Tôi bắt đầu cảm thấy hối hận thành thực đã đưa Marlène trở về Việt Nam. Có lẽ tôi đã tính lầm chăng? Và có lẽ sự trở về của tôi là một trong những lỗi lầm lớn nhất. Điều đáng buồn là khi người ta nhận thức được lỗi lầm của mình thì bao giờ cũng đã là quá muộn.
Nguồn: Mai Thảo, Gần mÆ°á»i bảy tuổi, Nxb Nguyá»…n Äình Vượng, 38 Phạm NgÅ© Lão, Sà i Gòn, ÄT: 23.595, Giấy phép số 2942/BTT/PHNT, 31-8-1972. Giá 40Ä‘. Bản Ä‘iện tá» do talawas thá»±c hiện.