© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộitalaFemina
8.3.2004
Nguyễn Văn Lục
Khi thân xác bị đem thuê
 
Phóng sự "Đẻ thuê" [1] bắt đầu như thế này: Theo lời kể lại của Tài, chạy xe ôm ở ngã tư Bình Phước, cách đây hai năm, bạn Tài có quan hệ với một công nhân ở khu công nghiệp Sóng Thần. Kết quả cô có bầu, sinh một bé trai. Vì bạn Tài đã có gia đình nên Tài giúp bạn là tìm mối bán đứa bé trai cho một cặp vợ chồng hiếm muộn mua với giá 40 triệu (khoảng gần 3000 đô la). Thế là Tài bỗng nhiên trở thành "anh cò" chuyên nghiệp cho dịch vụ đẻ thuê này. Tiền trả cho cô gái khoảng từ 30 đến 40 chục triệu. Nga, cô gái trong phóng sự được đưa trước 15 triệu, còn lại bao nhiêu sẽ được trả sau khi "giao hàng". Các chi phí cho khách sạn, nhà trọ, khám thai, dưỡng thai, sinh đẻ và hậu sản, bên "A" phải lo toàn bộ. Theo Tài cho biết, trong hai năm qua, Tài đã giới thiệu được 30 cặp vợ chồng hiếm muộn ở Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh. Các dịch vụ xảy ra ở khu công nghiệp Sóng Thần 1 và 2, khu chế xuất Linh Trung. Công việc của anh ta là chạy xe ôm, nhưng thu nhập chính lại từ hoa hồng đẻ mướn. Cứ một "sô" thành công, khách cho anh 2 triệu đồng và cô gái thưởng 1 triệu đồng. Các cô gái nhận dịch vụ này hầu hết là dân nhập cư từ các tỉnh vào thành phố. Cuộc sống hết sức chật vật nên họ chấp nhận cái nghề "mới không ra mới, cũ không ra cũ này", với mong muốn sẽ được đổi đời, cuộc sống sẽ khấm khá.

Toàn bộ câu chuyện tóm tắt chỉ có chừng đó. Nhưng chuyện của cô Nga là chuyện muôn đời, muôn thuở. Người ta thương cho hoàn cảnh của cô. Nhưng có biết đâu rằng thân xác con người, từ chân đến đầu, bất kể bộ phận nào, nhất là các bộ phận kín đều là món hàng rao bán được cả. Rao bán từ đời ông Bành tổ đến giờ.

Ngày nay trong các hang động, vẫn còn những hình họa đàn bà khỏa thân mang bầu thời nguyên thủy. Hình vẽ đó là biểu tượng ước muốn nhằm mục đích khích chế người phụ nữ sinh sản nhiều đem lại lợi nhuận kinh tế. Như vậy, sinh sản một mặt để bảo vệ nòi giống và mặt khác nhằm lợi nhuận kinh tế.

Thời chế độ nông nô, người ta bán nô lệ ở chợ. Người ta có thể dùng nô lệ để hầu hạ, sản xuất. Đàn ông có sức lực được cho làm thêm nghề "giác đấu" để mua vui. Đàn ông bị khai thác tối đa cái sức lực của cơ bắp, còn đàn bà bị khai thác chỗ kín. Muốn cho sống thì được sống, muốn bảo chết là phải chết.

Đến chế độ phong kiến lại hình thành một tương quan mới: chế độ ông chủ-thằng ở. Người cao nhất trong chế độ là vua, có vô số người hầu, trong đó có nhiều hoạn quan. Mới đầu, thiến là sự trừng phạt của kẻ mạnh đối với kẻ yếu. Người Trung Hoa gọi là cung hình (Theo Tạ Chí Đại Trường, trong Giống giữa, tôi đòi và quyền lực) mà người bị thiến nổi danh nhất trong vụ này là nhà viết sử Tư Mã Thiên, trước công nguyên bị gán tội vì bênh Li Lăng ra hàng Hung nô.

Nhưng đừng tưởng lầm chỉ ở Trung Hoa và Việt Nam mới có hoạn quan. Cổ Hy lạp, cổ La Mã trước công nguyên đều nói đến chuyện này rồi. Cũng theo Tạ Chí Đại Trường, trước công nguyên, người xứ Assyrie đã có luật cho phép người chồng bắt quả tang vợ ngoại tình có quyền hoặc giết cả hai, hoặc ít ra là thiến tình địch. Nhưng phạt thiến như thế cho thấy "cái vật thừa ra ấy" của đàn ông quả chiếm ưu thế, có một quyền lực. Từ ảnh hưởng truyền thừa đó mà trong đạo công giáo sau này cũng coi những người bị thiến là bất xứng: "Họ không xứng đáng đứng vào hàng ngũ dân Chúa". Cũng vì vậy mà sau này, trong bậc tu trì, người ta cũng không muốn có mặt những người khuyết tật đó trong hàng giáo sĩ.

Chẳng hiểu các chuyện chưởng trong Kim Dung có bị ảnh hưởng truyền thừa hay không mà các nhân vật võ lâm cái thế đều tự thiến, đều hy sinh cái chức năng thiên bẩm cho sự nghiệp võ công của họ như Lâm Bình Chi, Nhạc Bất Quần v.v... Câu hỏi được đặt ra ở đây là có cái tương quan nhân quả gì hay không giữa việc thiến và võ công vô địch hơn người. Hay phải chăng cũng vẫn là trò ảo, trò phịa vô cùng tinh xảo của cây bút Kim Dung đã làm ra như thế để đùa cợt chúng anh hùng và một tỷ người đọc chuyện ông.

Nói lan man như vậy để thấy thời nào thân xác con người, bất kể đàn ông đàn bà đều bị lợi dụng. Lợi dụng mà không biết đấy thôi. Lợi dụng bất cứ bộ phận nào. Nhưng nhất là bộ phận sinh dục. Những hình các cô gái khỏa thân, những lực sĩ khoả thân thời La Mã, những người mẫu bây giờ, có cái gì khác nhau nơi họ? Nếu nói tới một truyền thống lan rộng trong cả nhân loại, lấn liếm ở mọi thời đại, trải dài mọi thế kỷ, kéo dài tới muôn thuở thì đó là một nền văn minh dựa trên phái tính, nói chính xác là cái sinh thực khí dương vật (linga) và âm vật (yoni). Sự hình thành của lịch sử, sự sáng tạo văn học, sự lớn mạnh của các nền văn minh bất kể loại nào, những cuộc chiến tranh bất kể dung mạo, bất kể tai họa về sinh mạng hay vật chất đều bắt đầu từ chỗ ấy mà ra. Cái chỗ ấy là nguồn gốc của sinh ra, hủy diệt và tái sinh.

Bằng cớ thì nhiều lắm. Sự lợi dụng nơi những người lính đánh thuê đã là một nhẽ. Lịch sử các cuộc chinh chiến, chinh phục thế giới, mộng bá chủ của những đại đế, anh hùng hào kiệt còn rành rành ra đấy. Lại có những người bị ép làm lính đánh thuê vì họ bại trận như lính Lê Dương, các Tây đen rạch mặt trong đội quân viễn chinh Pháp thời 1945 ở Việt Nam. Không phải chỉ mượn một cái "phòng trống" trong bụng cô Nga với tròm trèm 9 tháng đâu, họ mượn sinh mạng người khác, chết thay cho họ, chết cho những điều xác tín đôi khi ngông cuồng của họ, nhân danh cái này cái nọ mà chỉ có họ vẽ ra như vẽ bùa, bỏ thêm thuốc lú vào. Đưa trăm họ vào chỗ tử biệt. Đã có bao nhiêu người đã chết như thế. Nói ra, nghĩ tới đủ rùng mình hãi sợ.

Ngày nay, đời sống càng văn minh, càng kỹ thuật, sự lợi dụng thân xác, sự thuê mướn càng tinh vi và càng nhiều. Nhiều vô kể, đếm không hết, chỗ nào cũng có. Thuê sức lao động, mượn chất xám đều cùng một nhẽ. Những Saddam giả là một chuyện nữa. Những người làm nghề Stand-in ở Hollywood là chuyện thứ hai. Họ phải nhận những vai trò nguy hiểm có thể mất mạng để đóng thay cho tài tử chính. Nghe nói, còn có nghề Stand-in là ở tù hộ cho những người bị ở tù, trong những vụ dân sự nhẹ. Thân xác trở thành món hàng không vốn, một "kỹ nghệ không khói".

Cũng chẳng lạ gì từ hơn 10 năm nay ở các nước tân tiến như Mỹ, Canada có surrogate mother bằng cách mang thai giùm người khác, đẻ hộ người khác. Như ở Canada, có trường hợp mẹ cho con gái mượn cái "phòng trống" để có bầu giùm cô con gái. Mà có ai nói gì đâu... Mọi chuyện có vẻ như bình thường. Nhưng rồi những vấn đề đạo đức, phong tục từ những cớ sự trên không thể không đặt ra. Tình phụ tử, mẫu tử nghĩ thế nào đây. Đứa con ra đời không cha, không mẹ theo nghĩa bình thường. Chữ hiếu, chữ tình, trách nhiệm vợ chồng gói trọn một gói, chưa tìm ra đầu mối cớ sự đa đoan không lời giải đáp.

Xã hội cao ở trên thì thế. Xã hội bên lề thì không thiếu bọn người được thuê để đâm thuê, chém mướn.

*


David Lamb trong bài viết có tựa đề Việt Nam, nữ cán binh thời chiến, nỗi đau thời bình cho thấy có hàng triệu cán binh nữ Việt Nam đi chiến đấu. Trên thế giới, đã có bao giờ có một cuộc chiến nào nặn vắt đến hàng triệu nữ binh lao vào cuộc chiến đấu chưa? Họ làm đủ thứ nghề, có cả nghề hộ lý nữa. Tôi đã đọc đâu đó câu chuyện một bé gái, chừng 14 tuổi bị đưa đi làm hộ lý cho những lão tuổi gấp ba lần tuổi em.

Sau chiến tranh, những người phụ nữ bất hạnh trở về thân tàn ma dại. Không còn nghề ngỗng gì, tuổi lớn mà người như phế vật, cộng với những năm tháng đói khổ, bệnh tật trong rừng sâu. Mặt mũi tóc tai như loài cỏ đại, nắng cháy, da khô nứt nẻ. Gan bàn chân sỏi đá, bàn tay u lên những đốt xương. Chừng đó thứ, chừng đó vết tích. Nay có thể rơi vào cảnh ế chồng. Theo lời một nữ cán binh trong đoàn 559 đã tâm sự "Chúng tôi đã sống và ngủ chung không đụng chạm". Người phụ nữ đó đã cho rằng có được sự kiềm chế là nhờ tinh thần bảo thủ về văn hóa. "Tôi không thấy một vụ mang thai nào trong đơn vị của chúng tôi. Chúng tôi khao khát tình yêu trong âm thầm." Cô đã giữ được chữ trinh, cái ngàn vàng không để mất đi. Nhưng cả quãng đời tuổi trẻ của cô đã mất đi không bao giờ lấy lại được nữa.

Cô Nga sau khi cho thuê đẻ, hết kỳ hạn, ít ra cô vẫn là cô, cô vẫn tìm lại được mình. Nhưng những người nữ chiến binh, họ còn lại được gì?

@ 2004 talawas


[1]Người Lao Động, số ra ngày 14.11.2003