© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
12.5.2003
Nguyễn Hoàng Văn
Tại sao người Hồi giáo thù Mỹ?
 
Tháng Giêng năm 1979 một nhóm tín đồ Hồi giáo quá khích tổ chức đánh chiếm thánh đường chính ở Mecca và bị chính quyền Saudi Arabia đem ra hành quyết. Ðể trả thù, những người anh em của họ ở Pakistan hung hãn xông lên đốt phá... Toà đại sứ Mỹ. Mười năm sau, khi Salman Rushdie, một nhà văn Anh gốc Ấn, cho xuất bản Quỷ thi - tác phẩm có những lời lẽ không mấy tôn kính đối với Ðấng tiên tri Mohammad - những người anh em quá khích này lại, một lần nữa, xông lên trút hết căm hờn vào toà đại sứ này.

Tại sao lại có những chuyện trả thù vô lối như thế? Tại sao những tín đồ Hồi giáo ở Pakistan có thể đổ lỗi cho người Mỹ chuyện của một công dân Anh, đang sống tại Anh, và đang được sự bảo vệ của chính quyền Anh? Lý do không thiếu, chúng tiếp nối nhau bày ra ngày ngày và sờ sờ. Nào là Mỹ ủng hộ Do Thái. Nào là Mỹ ủng hộ những chính quyền thế tục thối nát, bất công ở khối Á Rập. Rồi, Mỹ, ít ra là trong quan điểm của người Hồi giáo quá khích, làm nhơ uế đất thánh của Ðấng tiên tri Mohamed này, Mỹ nhắm đến vắt kiệt những mỏ dầu ở Trung Ðông này. Vân vân và vân vân. Những lý do ấy dù có thực đấy, tuy nhiên, xét ra, vẫn chưa đủ để biện giải mức độ sâu sắc và dữ dội trong tinh thần bài Mỹ của những đầu óc quá khích kia. Sự cuồng nhiệt vô lối ấy, ắt hẳn, phải bắt rễ ở những mức độ sâu xa hơn là những lý do thế tục.

Dĩ nhiên Mỹ cũng chẳng... lành gì. Mỹ, như đã nói, còn đụng chạm đến thế giới Hồi Giáo khá đậm nữa đấy! Tuy nhiên, xét cho cùng thì những đụng chạm ấy - ít ra là cho đến khi những tín đồ ở Pakistan xông vào đốt phá toà đại sứ Mỹ năm 1989 - vẫn không thể nào trầm trọng như những gì mà họ đã từng gây ra ở Việt Nam, ở Cambodia hay ở Cuba. Mà, kể ra, Mỹ còn làm được khối việc cho thế giới Hồi giáo nữa là: trong cuộc chiến 1973, chính Mỹ đã ra tay cứu vãn Ai Cập khi dùng áp lực buộc Do Thái phải chấp nhận ngưng bắn; trong cuộc vây hãm năm 1982 tại Lebanon, chính Mỹ đã làm áp lực để Do Thái dành cho ông Arafat một lối ra v.v... Còn nếu đem ra so sánh với những đụng chạm giữa Liên Xô và thế giới Hồi giáo thì những va chạm ấy cũng chẳng thấm tháp vào đâu.

Cứ nhớ chính sách bài trừ tôn giáo mà Liên Xô đã đem ra áp dụng tại những nước gọi là "Cộng hoà Xô viết" ở vùng Trung Á! Suốt mấy chục năm trời, cả đạo cả người ở đây đều bị bức bách đến là tan tác nhưng có ai nghe ngóng được một lời nhỏ nhẹ nào về cuộc thánh chiến chống lại đế quốc Liên Xô đâu? Có ai chứng kiến được những màn khói lửa trả thù vô lối quàng xiên nhắm vào Toà đại sứ Nga như thể khói lửa trước Toà đại sứ Mỹ ở Pakistan đâu? Thậm chí năm 1979, khi Hồng quân Liên Xô tiến vào Afghanistan, người Hồi giáo cũng chỉ hô hào thánh chiến để giành lại lãnh thổ cho người anh em thế thôi. Liên Xô rút đi là xong, chấm hết. Người Mỹ đâu hề chiếm đóng Iraq hay Saudi Arabia như là Liên Xô chiếm Afghanistan đâu? Và, cho dù người Nga có dồn dập nã pháo xuống đầu những anh em Hồi giáo Chechen, họ cũng chẳng hề bận tâm thù Liên Xô hay Nga như là... thù Mỹ, chẳng bận tâm chống lại Liên Xô như họ đã và đang chống Mỹ, như thể chống lại một Great Satan, tên Quỷ vương khổng lồ, kẻ thù của Thượng Ðế[1].

Như vậy lý do hẳn phải ẩn khuất đâu đó, nằm sâu hơn là những đường biên giới mập mờ trên bản đồ địa lý chính trị, ở Trung Á hay ở Trung Ðông. Sâu hơn những trò chơi quyền lực đang thậm thụt đằng sau những hiệp ước thiên vị hay lấp ló sau những cuộc ngưng bắn mong manh. Sâu hơn những khoản vũ khí viện trợ, những cuộc đổ quân, những quả rocket bắn ra bắn vào hay những chùm bom xé gió và nát bấy xương da thịt mềm. Những game chơi quyền lực như thế, hẳn nhiên, đang ngày ngày đoạ đày đời sống của dân tộc Palestine và khiến những anh em Hồi Giáo của họ khắp nơi trên thế giới phẫn nộ. Nhưng đó chỉ là nguyên nhân bề mặt.

Cũng năm 1979, khi Giáo chủ Khomeini lật đổ chính quyền thân Mỹ ở Ba Tư, ông ta vừa hô hào khẩu hiệu "Ðả đảo đế quốc Mỹ" vừa khởi động làn sóng quá khích Fundametalism. Vấn đề, khởi đi từ những ý tưởng của Khomeini, là: Nếu sự hoàn hảo của Hồi giáo là điều không thể chối cãi, thế thì tại sao người Hồi giáo cứ bị Tây phương đè đầu cưỡi cổ? Tại sao trong quá khứ tổ tiên họ lại xây dựng được một nền văn minh huy hoàng, từng tung vó ngựa khắp các châu lục? Câu trả lời đưa ra là: họ đã chệch hướng, đã xa rời những nền tảng đức tin và những giá trị nguyên thủy của Hồi Giáo.

Cội rễ của vấn đề, như thế, ắt phải thuộc về phạm trù của điều gọi là "giá trị Hồi Giáo". Khi những tín đồ Hồi Giáo kêu gào Mỹ phải cút khỏi Saudia Arabia, họ chẳng bao giờ tố cáo Mỹ là quân xâm lược, chẳng hề tố cáo những âm mưu quân sự - chính trị nào cả. Ngọn nguồn của sự cuồng nộ là sự xúc phạm vùng đất thánh của đoàn quân ngoại đạo! Ðó là trường hợp của Osama bin Laden: từng sát cánh bên cạnh những kháng chiến quân Afghanistan trong nhiều năm trời, tuy nhiên những gì mà Liên Xô gây ra ở miền đất đó đó không gây nên một biến chuyển biến lớn nào quan trọng trong tâm hồn ông ta. Cái thực sự làm thay đổi con người bin Laden, như đã thổ lộ trong nhiều lần phỏng vấn, chính là bóng dáng của những binh sĩ Mỹ tại miền đất thánh Saudi Arabia khi họ đến đây để tham gia cuộc chiến tại Iraq năm 1991.

Tuy nhiên, điều gọi là "giá trị Hồi giáo" này chỉ nên hiểu trong khuôn khổ giới hạn của những giọng điệu cuồng nhiệt và bảo thủ. Chúng ta không bài bác Hồi giáo nhưng rõ ràng, những gì mà giới tăng lữ quá khích này hằng rao truyền chính là hệ quả của những lề lối nhận thức khô cứng và một chiều từ bộ kinh Koran mập mờ. Với họ, đạo Hồi là tôn giáo số một và là giải pháp tối thượng. Với họ, phụ nữ phải là món đồ chơi và bầy tôi tớ của đàn ông. Với họ, giáo quyền phải được đặt lên trên quyền lực thế tục v.v... Cứ thế, giáo quyền phải bao trùm mọi khía cạnh tươi mát và tế nhị của cuộc sống, một cách tuyệt đối, không thể thách thức.

Những "giá trị" như thế, thật rõ ràng, hoàn toàn trái ngược và đố kỵ với những giá trị của văn hoá hiện đại Tây phương; thứ văn hóa ở đó vai trò cá nhân được đề cao, những gì xem là tuyệt đối hay định hình đều bị tương đối hoá, bị chất vấn và bị thách thức. Chúng ta có thể nói bất cứ điều gì về văn hoá Tây phương nhưng, không thể chối cãi, đó là một thứ văn hoá lôi cuốn và hấp dẫn, dễ sống, dễ thở, nhất là đối với thế hệ trẻ. Tiếp xúc với khuôn khổ giá trị như thế, chẳng chóng thì chầy những thế hệ trẻ Hồi giáo, không ít thì nhiều, cũng sẽ chịu những ảnh hưởng nào đó. Dở, họ có thể sa ngã vào con đường sa đoạ. Hay, họ có thể hấp thụ những suy nghĩ về vai trò của con người hay cách chất vấn những giá trị tuyệt đối và định hình. Mà, những gì họ đuợc răn dạy từ tấm bé, những diễn dịch rút tỉa từ bộ kinh Koran phải được xem là định hình, tuyệt đối. Thách thức lại những giá trị ấy ư? Với giới lãnh đạo bảo thủ của Hồi giáo, viễn ảnh ấy thực là nguy hiểm quá.

Ðể chống lại một kẻ thù thì điều cần thiết là phải nuôi dưỡng cừu hận. Tuy nhiên, chẳng lẽ họ hô hào tín đồ xông lên đâm chết "thằng văn hoá Tây phương"?Vô hình vô tướng đã đành, nó lại không gây nên một cừu hận gươm đao nào cả, và do đó, điều cần thiết là phải cụ thể hoá niềm e sợ ấy vào một kẻ thù xác định, rõ ràng, với những mối cừu hận xác định, rõ ràng. Và như thế, nước Mỹ - với bóng dáng của một đế quốc kinh tế và quân sự hàng đầu của phương Tây, có tiềm năng xuất cảng những giá trị phản-Hồi-Giáo nhất, từ nhạc pop cho đến những mẫu người hùng Holywood, những lon nước Coca Cola hay lát bánh mì McDonald v.v...[2] - đã, một cách tiện lợi, trở thành kẻ thù số một, thành tên Quỷ vương khổng lồ, thành kẻ thù của Thượng Ðế. Mà nước Mỹ, với phong thái cao bồi, với chính sách đối ngoại dầu lửa ở Trung Ðông, đã cung cấp cho họ một cội nguồn bất tận của những mồi lửa kích động. Chính Mỹ chứ không ai khác hơn đã cung cấp cho giới lãnh đạo Hồi Giáo quá khích những lý do hợp lý và tiện lợi để thổi bùng niềm e sợ tiềm tàng kia thành một chủ nghĩa bài Mỹ hực lửa.

Văn hoá Tây phương còn là văn hoá Thiên chuá giáo. Và như thế, xét ở khía cạnh lịch sử thì với người Hồi giáo, tâm lý bất an đó còn là một ám ảnh lịch sử. Trong mối ám ảnh ấy, nước Mỹ, như là tên đầu sỏ của thế giới Tây phương, lại trở thành thân tằm gánh chịu trăm dâu, phải è cổ ra gánh chịu những di sản của lịch sử, gánh chịu cái sức nặng ngàn đời, gây ra từ những va chạm tôn giáo của quá khứ.

Ðầu tiên có lẽ là cái tâm trạng chua chát của Giáo chủ Muhammad với Thiên chúa giáo. Khi chính thức tuyên bố thành lập đạo Hồi vào năm 610 - với những căn bản giáo lý xây dựng trên nền tảng của Cựu ước cùng Tân ước, và với tư cách là nhà tiên tri nối tiếp của Moses và Jesus - ông ta đã vô cùng tự tin với sứ mạng thâu tóm hai tôn giáo đi trước của người Do Thái và của Âu châu thành một. Tuy nhiên Muhammad đã thất bại và chính sự thờ ơ nguội lạnh của những tín đồ hai tôn giáo này đã hằn ở ông ta một tâm lý đố kỵ, xem họ là hạng người bất khả tín. Sự đố kỵ đó, thậm chí, còn bộc phát với hành động tàn phá và cướp bóc nhắm vào ốc đảo Khaiba của người Do Thái năm 618.

Nhưng vết hằn đậm nhất phải là Crusade như mọt sự va chạm giữa hai nền văn minh Thiên chúa và Hồi giáo khi những binh đoàn Âu châu tiến về giải phóng mộ Chúa dưới bóng cây thập tự. Cuộc chiến dằng dai gần hai trăm năm, từ 1095 đến 1291, đã để lại trong lòng người Hồi giáo những cảm tình trái ngược. Một mặt, họ cay đắng trước một lịch sử bị dày xéo và cướp bóc tàn bạo của các đội quân Thập tự chinh. Một mặt, họ cảm thấy hãnh diện trước sự hiển hách và mã thượng của anh hùng Saladin (Salah-al-Din), vị anh hùng đã đuổi những đoàn thập tự quân trở về Âu châu, cũng để bảo vệ đất thánh[3].

Sự cay đắng ấy còn được mở ra với những mối ám ảnh dai dẳng khác nữa. Họ xem tôn giáo của mình là vĩ đại, mà thật, trong lịch sử, nó cũng đã từng... vĩ đại: chính từ cuộc Thập tự chinh, Âu Châu của thời Trung cổ đã học hỏi rất nhiều từ nền văn minh huy hoàng của họ, như là một trong những tiền đề chính để mở ra thời kỳ Phục hưng của vài thế kỷ sau đó. Và, từ thế kỷ thứ 7, Hồi Giáo đã gây những ảnh hưởng rộng lớn, từ vùng đất Ả Rập đến Levant, Bắc Phi, rồi vùng cao nguyên Balkan ở Âu châu. Với sự lớn mạnh của Ðế quốc Ottoman, chỉ tàn lụi vào thế kỷ 17, Âu châu cũng đã quằn quại run sợ trước những đứa con của Ðấng tiên tri Muhammed. Nhưng đến thế kỷ 18, thời kỳ khai phá thuộc địa của chủ nghĩa thực dân Âu châu, thì nền văn minh của họ đã bị lép một bề. Họ bị xâm chiếm, bị tàn phá và bị bóc lột. Mà, chủ nghĩa thực dân Âu châu, không thể chối cãi, từ trong bản chất, đã phảng phất bóng dáng của văn minh Thiên chúa giáo. Năm 1920, với Hiệp định Versailles, ký kết tại Pháp sau Ðệ nhất thế chiến, những đại diện của nền văn minh Thiên chúa giáo lại tùy tiện cắt xén thế giới Hồi giáo như thể cắt xẻ thân thể một con thú vừa mới săn được để chia phần và tùy tiện sắp đặt những nhà cai trị tay sai, dễ bảo.

Những hình thái cực đoan của Hồi giáo đã được nuôi dưỡng với những hồi ức đầy cay đắng như thế. Nhìn lại, họ có thể lo âu: nếu trong quá khứ, chính sự va chạm văn minh đã làm lụi tắt thế giới Hồi giáo thì bây giờ, sự va chạm hiện tại có thể dí họ xuống sâu hơn nữa hay không? Trong mối ám ảnh đó, họ lại nhớ về những chiến công rực rỡ như của Saladin ngày nào và mơ hồ nghĩ đến một thế cờ lật ngược. Sự cuồng nhiệt của những đám đông tín đồ - những kẻ đã và đang say sưa hò hét theo lời hiệu triệu thánh chiến của giới lãnh đạo quá khích - có thể nói, chính là sự lồng lộn cấu xé của con thú tưởng mình bị thương, tưởng mình bị dồn vào đường cùng để, may ra, lật ngược thế cờ. Cái làm cho họ "tưởng là" ấy, không gì khác hơn, là chính sách đối ngoại của Mỹ và càng trầm trọng hơn qua sự diễn dịch và kích động của giới tăng lữ Hồi Giáo. Cứ để ý, cái đã nuôi dưỡng quan điểm bài Mỹ của bin Laden là bóng dáng quân đội Mỹ ở Saudi Arabia, tuy nhiên, những bài diễn văn phát động thánh chiến của ông ta, như bài diễn văn mới nhất sau cuộc oanh tạc, bao giờ cũng chen chúc đầy hình ảnh của người anh em Palestine và loang loáng những đường đạn đã bay ra từ họng súng Mỹ, do người Do Thái bóp cò.

Ðưa ra những lý do trực tiếp, vừa nóng hổi, vừa bắt mắt, lại khó chối cãi bao giờ cũng dễ dàng cho cái sự kích động hơn là những băn khoăn siêu hình về bản ngã, về sự tồn vong. Lý do giản tiện nhất, mang giá trị tiếp thị cao nhất, như đã thấy, là sự ủng hộ của Mỹ với Do Thái. Từ năm 618, bọn Do Thái ấy đã bị giáo chủ của họ trừng phạt rồi. Bây giờ, họ còn ngang nhiên cướp đất của người anh em Palestine, ngang nhiên trấn ngự thành phố thiêng liêng Jerusalem. Nhưng Mỹ lại tích cực kề sát cánh cùng người Do Thái. Kề vai sát cánh ở diễn đàn Liên Hiệp Quốc, ở những hội nghị hoà bình đầy thiên vị. Kề vai sở những khoản viện trợ khổng lồ với hằng trăm triệu USD kinh tế và hàng tỷ USD quân sự. Kề vai sát cánh với những thứ vũ khí tối tân nhất để nã vào đầu người anh em Palestine. Và chính thái độ kiêu ngạo và thực dụng của Mỹ trong chính sách đối ngoại đã châm dầu vào ngọn lửa cuồng nộ của người Hồi giáo. Cứ nhớ, hơn mười năm trước, người Mỹ đã sử dụng máu thịt của người Afghan như một cái bọc condom để chơi nhau với Liên Xô; chơi đã, Liên Xô thua thì vứt, phó mặc người Afghan tang tóc trong nội chiến, để rồi khi cần đến mới sực nhớ ra rằng người dân tại đó đang khốn khổ vì đói khát, vì sự bạo ngược của nền chuyên chế Taliban. Hết thảy những điều như thế, cùng với phong thái cao bồi trong chính sách đối ngoại của Mỹ đã là những nguồn dưỡng chất béo bổ cho mối ám ảnh lắm khi mâu thuẫn nhau: vừa cay đắng nhục nhã và thảng thốt lo sợ trước một sự cọ xát văn hoá một mất một còn, vừa hừng hực kiêu hãnh về một thời oanh liệt đã qua và về đức tin của mình như một giải pháp tối hậu.

Hoá giải một ám ảnh nghiệt ngã của lịch sử hay một tâm lý bất an về sự sinh tồn văn hoá không phải là một điều dễ dàng, tuy nhiên, ít ra, để vô hiệu hoá những kích động thế tục như thế thì Mỹ, trong đường lối đối ngoại, cũng phải xét lại cái thái độ cao ngạo và những chính sách thực dụng xưa nay.



Tài liệu tham khảo chính
Bernard Lewis, "The Roots of Muslim Rage",
Arundhati Roy, "The Algebra of Infinite Justice", Guardian 29.9.2001.
Barrt Rubin, The Australian 11.11.2002, "Arab Regimes and the industry of hate".

© 2003 talawas



[1]Khi thành lập tổ chức al-Qaeda, Bin Laden nêu lên các kẻ thù phải diệt như: Mỹ, Do Thái, AÂu Châu (đứng đầu sổ là Nga - chớ không phải Liên Xô - vì đã truy bức người Hồi Giáo ở Chechnya) và Ấn Ðộ ( đàn áp người Hồi Giáo ở Kashmir).
[2]Cả những nước như Pháp cũng thấy không thoải mái với sự bành trướng văn hoá của Mỹ.
[3]Saladin là vị anh hùng đầy huyền thoại, gốc người Kush, từng được đưa lên màn ảnh nhiều lần. Tất cả những tù binh đều được ông ta tha bổng, cả vị chỉ huy, tuyên bố: "Một ông vua không đi giết một ông vua!". Trong trận chiến Jaffa (6.8.1191), ngưïa của Hoàng đế Anh Richard bị giết do đó tình thế của ông ta trở nên nguy hiểm, Saladin ra lệnh ngưng trận và sai thủ hạ mang đến cho Richard hai con ngựa tốt nhất để tự chọn lấy rồi mới tiếp tục trận chiến. Sau trận đánh, Richard sai người mang phẩm vật đến cám ơn và sau đó ký hiệp ước hoà bình với Saladin và mang quân về Anh. Saladin qua đời vì bệnh sốt, lúc 54 tuổi, tại Damascus.