© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
11.9.2003
Nguyễn Hoàng Văn
Lên thiên đường
 
Uday đã "tử đạo" cùng Qusay, bố Saddam - trong một cuộn băng thu lén - đã nói thế, cả tộc Hussein cũng nói thế, thậm chí họ còn lặn lội xin xác về để mai táng như hai bậc tử đạo.

Là "thánh tử đạo", hương hồn hai anh em có lên được thiên đường hay không?
Muốn trả lời câu này thì phải giải đáp một số câu hỏi khác trước đã. Câu đầu tiên là: thiên đường hay Không? Phải có thiên đường thì mới có chỗ để mà "lên" chứ? Cũng giống như đứa bé chết rồi mà vẫn băn khoăn về nơi sẽ đến trong một ca khúc của Trịnh Công Sơn:

Một buổi sáng mùa Ðông
Một đứa bé ra đồng
Một trái mìn nổ chậm
Xác không còn đôi chân
...
Một buổi sớm mùa Ðông
Một đứa bé im nằm
Ðôi môi dường thầm hỏi
Có thiên đường hay không?

hay Không? Cũng chẳng khác gì cảnh điền form khai thuế, form xin vay tiền HECS hay xin trợ cấp cho lần mua nhà thứ nhất là mấy. Form hỏi: gia đình hay Không? lợi tức nào khác hay Không? vân vân và vân vân hay Không? Nếu tick vào ô "Yes", form yêu cầu trả lời nốt mấy câu hỏi phụ, chi tiết hơn, đánh số 1, 2, 3, 4, 5 v.v... hay đánh dấu a, b, c, d, e, f v.v... thật quá phiền hà. Nếu tick vào ô "No", tức thì, khoẻ thay, form sẽ bảo ta nhảy sang câu khác, bỏ ngay mấy tiểu tiết lắt nhắt kia, coi như bớt đi một chút rắc rối và thấm thêm một chút... Lão Tử: càng nhẹ gánh đời, càng nhẹ gánh ưu phiền.

Trong trường hợp nói "No" với thiên đường, đích thị kẻ đáp là giống vô thần: không có thiên đường hay địa ngục chi hết, cho đi chỗ khác chơi, tìm thiên đường hay địa ngục ngay trên mặt đất.

Còn như đáp "Yes" thì phải trả lời thêm nhiều câu khác, cụ thể hơn, rắc rối hơn và có nguy cơ bị chê là tà đạo, giáo gian v.v...

Vì chưng, có nhiều loại thiên đường khác nhau và nếu theo bên này thì chúng ta sẽ làm mích lòng bên kia, thừa nhận bên kia ắt gây bất mãn bên này. Dưới thế, dù có lòng tham hận sân si , ít ra con người trần tục cũng lập được Liên hiệp quốc, cũng xướng lên được mấy chữ "toàn cầu hoá" hay "thế giới đại đồng"; còn trên "thượng thế" thì, hầu như, mỗi thiên đường mỗi... cõi, không có thiên đường nào công nhận thiên đường nào đừng nói gì là đại đồng hay... "toàn đường hoá". Thiên đường Hồi Giáo khác với thiên đường Thiên Chúa Giáo, rồi cả hai lại khác với thiên đường của Do Thái Giáo, cho dù, cả ba cũng đều từ một mối, từ bộ Cựu ước mà ra. Ðó là chưa kể tới thiên đường của đạo Bà La Môn, của "Bahai tôn giáo hoàn cầu" hay những "cõi vĩnh hằng", những "miền cực lạc" hay "nước bình yên" của vô số giáo phái nhăng nhít khác.
Nhưng giả như tạm giải quyết được thắc mắc "Có thiên đường rồi", tạm thời chấp nhận một thiên đường riêng rồi, chúng ta còn phải giải đáp câu hỏi: Làm thế nào để lên thiên đường?

Ðây mới đích là chuyện lớn vì lên thiên đường, nói chung là được cứu rỗi hay siêu thoát, chính là cứu cánh của tôn giáo. Chính câu hỏi này đã làm phát sinh các tôn giáo và những câu hỏi... chi tiết hơn đã làm các tôn giáo này chia năm xẻ bảy.
Vì chưng, mỗi loại thiên đường lại có một thể lệ... nhập cảnh riêng, mỗi "miền cực lạc" hay "cõi vĩnh hằng" đều có cách "tiêu diêu/siêu thoát", có cách "khai ngộ một đời giải thoát" riêng. Thậm chí, cùng một đạo thôi nhưng nhóm này bảo "Làm thế mới được lên thiên đường" và nhóm khác gân cổ lên cãi: "Không, không, làm như vầy mới được lên cơ!", nhất định sẽ có ngày đạo này bị tách làm hai. Chẳng hạn như cái tôn giáo lớn có hơn hai thiên niên kỷ tuổi đã đang nằm trong thế... ba chân vạc, cái sự phân chia mà, thói thường, chỉ được người đời phân biệt bằng cách so sánh nghi thức thờ phượng hay quy chế tu sĩ , kiểu "thờ ai là chính" hay "có được lập gia đình hay không" v.v.... Kỳ thực, khác biệt sâu xa nhất khiến nó chia ba lại là con đường cứu rỗi, nếu bên này nhấn mạnh: cứu rỗi đó là nhờ công quả thì bên kia lại quả quyết: cứu rỗi đó là do ân sủng bề trên. Trong khi đó thì một bên khác nữa, mới hơn, lại khăng khăng: cứu rỗi đó là do đức tin!

Tạm xong thủ tục nhập cảnh, dĩ nhiên là tùy chọn lựa và... đức tin, thì lại đến khâu... hội nhập. Nói chung là lên "trển" chúng ta sẽ "sống" như thế nào?

Mô hình đã khác nhau, thủ tục nhập cảnh cũng khác nhau thì... cách sống cũng phải khác nhau chứ? Ðồng ý rằng thiên đường là nơi sung sướng và thoải mái, nhưng vấn đề còn là sung sướng và thoái mái như thế nào, bởi, mỗi người có một quan niệm hưởng thụ riêng. Nếu đa số người Việt nào cũng ao ước được làm công dân Mỹ thì ít ra cũng có dăm ba đa triệu phú Mỹ vui lòng bỏ hết sản nghiệp để tìm về những nước nghèo sống đời dân dã chứ?

Thế nhưng ít bộ thánh thư nào mô tả rõ ràng và cụ thể chuyện đời sống-xã hội của nước thiên đường, đôi khi chỉ thấy phác hoạ một cách chung chung và mơ hồ rằng đó là nơi thanh bình, là nơi mà sư tử có thể nô giỡn giữa bầy cừu con còn con người thì chẳng phải làm gì, cả ngày chỉ có mỗi việc tụ tập lại để hát thánh ca. Cụ thể hơn chút nữa thì lúc đó hai vai của chúng ta sẽ mọc thêm hai cánh, và như thế, nếu chán, không muốn hát thánh ca chúng ta sẽ vỗ cánh bay qua bay lại, tóm lại là: chán bay thì hát, chán hát thì bay.

Ðiều chắc chắn là lên "trển", lên cái thiên đường đặc biệt đó, thì chúng ta không phải lo gì cả, có lo thì hoạ chăng là lo hát... sai nhịp hay bay sai luật... thế thôi. Cái chính là chúng ta không phải lo chuyện cơm gạo, không phải nắn nót tìm lời lựa chữ để viết đơn xin việc hay cắn răng "Yes, Sir" hay "Yes, Madam" mỗi khi phỏng vấn xin việc, có cánh biết bay rồi thì chúng ta không phải lo chuyện đậu xe trễ bị các ngài parking officer dán vào kiếng chắn gió vài vé để rồi xúyt xoa vì mất đứt trăm đô, không phải lo chuyện khai thuế, không lo là mình ký ẩu nên nên bị mấy tay luật sư mưu mô vẽ chuyện moi tiền vô lý vân vân và vân vân...

Nói chung, lên "trển" thì cũng như lên một xứ khác, cực kỳ văn minh, cực kỳ cách biệt; so ra thì còn cách biệt hơn cả trường hợp của một anh chàng Tày, Nùng, Mường hay Mèo ở vùng thượng du Bắc Việt tự dưng được nhân viên Toà đại sứ Mỹ lái trực thăng đổ xoạch trước sân bản và gọi tên tặng không tấm visa và cái vé máy bay, mời sang sống cho biết thế nào là văn minh xứ cờ hoa!

Thế nhưng trước khi bay qua xứ cờ hoa, anh chàng thượng du này còn phải uốn đến mỏi lưỡi để luyện dăm ba câu tiếng Anh làm vốn, không bài bản ngữ pháp cỡ Streamline thì cũng mì ăn liền giọng Mỹ với bộ đàm thoại English 900. Còn nhập cảnh thiên đường thì khác: cho dù nắm chắc rằng mình sẽ được phát không cái visa của "nước thiên đàng" trên cao, chẳng có ai trong chúng ta bận tâm với hàng rào ngôn ngữ kia vì có mấy ai biết được ở "trển" người ta nói thứ tiếng gì? Ở "trển" người ta sử dụng cổ ngữ Hebrew của người Do Thái ư? Hay là tiếng Latin, vốn đã trở thành tử ngữ của địa cầu? Là tiếng Ả Rập lòng vòng như con giun? Hay câu đầu tiên mà ta nghe khi bước qua cổng thiên đường là "Welcome to Heaven" đúng giọng Oxford? Cứ nghĩ: khi thuyết phục các con chiên mới trên khắp các lục địa hãy đi theo con đường mình đã vạch để được thiên đường đón nhận, có nhà truyền giáo nào chịu khó lưu tâm con chiên của mình về chuyện bất đồng ngôn ngữ ở nơi họ đang mơ tưởng tới đâu?
Thật là chẳng có cuộc di dân xuyên quốc gia nào mà "khâu" chuẩn bị và khâu hội nhập lại thoải mái như cuộc di dân tới nước vĩnh hằng.

Nhưng nếu "khâu" này mà chông gai nguy hiểm thì phần thưởng lại càng lớn hơn, "enjoyable" hơn. Chẳng hạn như 19 tay tử đạo của Osama bin Laden, nghe đâu đã được cấp 19 tấm visa lên thiên đường sau ngày 11.9.

Ðể được lên tới "trển" theo lời hứa hẹn của ông trùm bin Laden, 19 tên thiên lôi phải né này đã phải lừa dối cha mẹ để giữ kín bí mật; phải trầy vi tróc vẩy với những bài học thực hành khủng bố, nào là đánh dấm, đâm chém, súng đạn và thuốc nổ. Rồi khi lái máy bay đâm vào... ngưỡng cửa thiên đường, họ còn phải chịu xiết bao đau đớn của cái sự "điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung" - nói nhại lời Tố Hữu khi ngợi ca "em" Trần Thị Lý-người con gái anh hùng - lúc máy bay chạm và khối bê-tông cốt thép cao từng được xem là nhất thế giới.

Hết cơn bĩ cực tới hồi thái lai: cứ theo tài liệu huấn luyện của bin Laden thì sau khi "chết rồi anh, người tử đạo anh hùng", mỗi chiến sĩ tử đạo lại bay thẳng tới thiên đường trong vòng tay ôm ấp của 72 cô trinh nữ trẻ tuổi xinh như trong mộng, thật là quá bằng... vua Minh Mạng ngày xưa! Và như thế, từ mặt đất tới thiên đường, 19 tên mặt lạnh kia đã thoắt chuyển mình, từ những "serial killer" biến thành những "serial deflower", tức từ kẻ giết người hàng loạt trở thành những tên phá trinh hàng loạt!
Nhân 19 cho 72, thì, chỉ tính có mỗi một ngày đó thôi, ban quản lý thiên đường này - nếu có một "ban" như thế - đã chi ra hết... 1368 trinh nữ. Chỉ trong một ngày mà có tới ngàn mấy trinh nữ... mất trinh, và như thế, cái ngày 11 tháng 9 năm ấy không chỉ là ngày "sang trang" của sử Mỹ, cái ngày khiến nước Mỹ đau đớn và nhục nhã tới tận bây giờ, thậm chí đau đớn nhục nhã tận 5, 10 hay 20, 25 năm sau nữa. Ðó còn là ngày "sang trang" và đổi đời của 1368 thiếu nữ: trước ngày đó, họ e thẹn, xinh đẹp như những đoá hoa hàm tiếu, sau ngày đó, sau khi qua tay những tên khủng bố thô bạo, từng lái nguyên những chiếc máy bay dân sự lao vào chỗ chết, họ chắc cũng hoang toàn như chính cái "Ground Zero" của toà nhà từng mang danh cao nhất thế giới!
Ðó là có chuyện trục trặc: giá như trước đó, ngày 15.8.2001, Phân bộ FBI ở Minneapolis không bắt giữ Zarias Moussaoui, toán khủng bố đó đã lên tới 20 người và con số trinh nữ bị đổi đời đã chẵn một nghìn tư bốn chục!

Thế mới biết thiên đường là nơi cầu toàn, không thứ gì không có, hơn cả nước văn minh và mạnh nhất thế giới. Thử hỏi, nếu một ngày nào đó, bất thình lình James Bond 007 đến gõ cửa Toà bạch ốc và chỉ đòi hỏi George William Bush một phần hai thôi: "Kiếm cho tôi 720 trinh nữ trẻ đẹp, tôi sẽ bay qua Bắc Hàn ôm gọn mấy thanh nhiên liệu hạt nhân về!", dám cá là Bush chỉ biết ậm ừ rồi đánh trống lảng cho qua chuyện. Thử hỏi, Bush chỉ có hai cô gái rượu còn ở tuổi vị thành niên mà đã quậy cỡ đó, khiến cách thầy cớm địa phương khổ tâm tới, khổ tâm lui tra và tháo còng số 8, làm sao Bush ta dám tin "ở chỗ nhân gian không thể hiểu", nói nhại lời ông Du Tử Lê? "Trinh nữ trẻ đẹp", coi như cầu toàn ba tiêu chuẩn, và, cho dù nước Mỹ dù giàu có và đông đúc đấy, nhưng thói đời nếu đã được cái này thì mất cái kia, trong khi đó thì James Bond 007 lại là tay lọc lõi, sành đời, khó mà qua mặt. Ðừng nói gì Bush con, cả Bush bố cũng không dám lập lờ đưa một mớ "em" kiểu Madonna đến để đánh lận con đen rằng đó toàn là... "trinh-trẻ-đẹp", bởi, lường gạt và chọc giận ai thì lường, chớ dại đụng đến cái "ego" của James Bond. Làm cho 007 nhà ta bất mãn thì phiền phức lắm đa!

Nhưng có lẽ thiên đường mà Saddam hứa hẹn cho hai đứa con tử đạo Uday và Qusay không phải là thứ thiên đường "72 trinh nữ trẻ đẹp" mà bin Laden đã hứa hẹn với đội quân tử đạo dưới trướng. May ra thì nó giông giống thứ thiên đường mà lúc sinh thời Ðấng tiên tri Mohammed từng đến viếng thăm rồi về kể lại.

Thời xửa thời xưa, trong một đêm tối trời, Ðấng tiên tri Mohammed từng ngồi trên lưng con Al-Buraq - con vật bốn chân đầu giống đầu người, mình có cánh, hình vóc nhỏ hơn con la nhưng lớn hơn con lừa con, có lông trắng rất đẹp, bay hay chạy rất nhanh, rất mạnh, rất dẻo dai - tìm đường đến thiên đường để sáng danh Hồi Giáo và sáng danh sứ mạng tiên tri của mình. Khởi hành từ Thánh đường al-Haram ở Mecca, Mohammed đi đến Thánh đường al-Aqsa ở Jerusalem, và tại đây, sau một hồi cầu nguyện, lại được đưa đến một hòn đá thiêng để từ đó bay thẳng tới... thiên đường. Kinh Qur'an, chương 17, mang tựa đề "The Night Journey, Children Of Israel", đoạn 1, có giới thiệu khái quát chuyến đi này: "Glory to (Allah) Who did take His servant for a Journey by night from the Sacred Mosque to the farthest Mosque, whose precincts We did bless,- in order that We might show him some of Our Signs: for He is the One Who heareth and seeth (all things).

Kinh thì chỉ nói đại khái thế thôi nhưng lại được nối dài bằng một truyền thuyết lớp lang chi tiết khác, ở đó thiên đường trên trời được chia thành 7 tầng, thiên thần có đẳng cấp càng cao thì cư ngụ ở tầng càng cao.

Từ đời này sang đời các, các giáo sĩ và tín đồ Hồi Giáo truyền dạy cho nhau câu chuyện mà họ bảo là Ðấng tiên tri "đi về kể lại": Tới cổng thiên đường, đấng tiên tri được Thiên thần Gabriel mở cổng thành ra đón, được thiên thần mời giải khát bằng một trong ba thứ: nước, rượu vang hay sữa; và đấng tiên tri đã chọn ngay món sữa, điều mà Thiên thần Gabriel ca ngợi là... khôn quá. Họ còn kể: ngay tại tầng thứ nhất đấng tiên tri đã gặp Adam, kẻ được xem là thủy tổ của nhân loại, vốn được Thượng Ðế nặn ra từ một cục đất sét trước khi hà hơi vào để biến thành con người biết đi và biết suy nghĩ.

Thiên thần Gabriel lại đưa Mohamed đến tầng hai, nơi mà ông gặp gỡ thánh John, con của Zachriya và Chúa Jesus, con của thánh nữ đồng trinh Maria. Rồi Thiên thần Gabriel lần lượt đưa Mohammed đi qua tầng 3, 4, 5 và ở bất cứ nơi đâu ông cũng được vị thánh từng lưu tên trong Cựu ước và Tân ước "Welcome to heaven" cũng như ngợi ca sứ mạng tiên tri mà mình đang gánh vác.

Ðặc biệt nhất, cảm động nhất, phải là cái cảnh gặp gỡ ở tầng thứ sáu!
Tại đây, Ðấng tiên tri Mohammed đã gặp được Thánh Moses, người từng được Thượng Ðế phái xuống thế như một đấng tiên tri để đưa dân Do Thái đi tìm vùng đất hứa. Ðấng tiên tri mới kể lại: sau một hồi tay bắt mặt mừng và hàn huyên thì chia tay và Thánh Moses đã oà lên... khóc. Thánh cảm động lắm. Thánh cảm động vì thánh là đấng tiên tri đầu tiên còn Mohammed là đấng tiên tri cuối cùng, coi như cái sự xúc động và thông cảm thường thấy giữa thế hệ đầu tiên và thế hệ cuối cùng.

Ðến tầng cao nhất, tầng trời thứ bảy, Mohammed lại gặp Hoàng đế Abraham, tổ phụ của dân Do Thái, và cựu hoàng đế đã đưa tân giáo chủ vào yết kiến Thượng Ðế, đấng tối cao mà người Hồi Giáo gọi là Allah. Tại đây, Thượng Ðế đã lấy làn hài lòng với những gì Mohammed đã làm và truyền dạy cho các tín đồ dưới thế hãy cầu nguyện mình mỗi ngày... 50 lần.

Các môn đồ của Mohmmed kể: tuy nhiên, khi trở lại tầng trời thứ 6 thì Thánh Moses cảm thấy không ổn, làm sao con người dưới có thể cầu nguyện những 50 lần một ngày? Moses khuyên Mohammed nên quay lại thương nghị với Thượng Ðế, xin châm chước bớt. Cũng may, Thượng Ðế là một... đấng tối cao dễ tính. Sau khi được Gabriel đưa Mohammed ngược trở lại tầng bảy, Thượng Ðế đã vui vẻ giảm 50 xuống chỉ còn 10: mỗi ngày tín đồ Hồi giáo chỉ cần cầu nguyện 10 lần.

Thế nhưng Thánh Moses, vị thánh đã từng lăn lộn dưới thế với đám dân Do Thái trong thời khổ nạn, vẫn cho là hơi nhiều. Và lần này ông đích thân đưa Mohammed quay trở lại tầng bảy để giải bày cùng Thượng Ðế, và, từng bước, từng bước một, Thánh Moses nói lên những khó khăn của cái việc phải cầu nguyện 10 lần trong ngày và thuyết phục Thượng Ðế giảm dần cho đến khi con số chỉ còn lại năm.

Ði về, Ðấng tiên tri Mohamed luận: Thực tâm, Thánh Moses cũng cho rằng 5 lần cũng hơi nhiều nhưng cảm thấy mình nên chấp nhận lấy ý của đấng tối cao, không nên lạm dụng sự rộng lượng của người để cò kè bớt một thêm hai. Và thế là, nhờ sự chỉ vẽ tận tâm của Thánh Moses, thay vì cầu nguyện mỗi ngày 50 lần, tín đồ Hồi Giáo chỉ cầu nguyện mỗi ngày có 5 lần.

Hành động của Thánh Moses, ngày nay ta gọi là hành động của một "spin doctor", tức, nói một cách bình dân, là làm "thầy dùi". Giá như lúc đó Thánh Moses đừng "dùi" Giáo chủ Mohammed, có lẽ ngày nay đạo Hồi đã tránh khỏi cảnh lời ong tiếng ve và, biết đâu, rất có thể là hai anh em Uday-Qusay không bị thảm tử còn ông bố Saddam không phải trốn chui trốn nhủi như những ngày này.

Cứ tính trung bình một ngày từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn là 12 tiếng đồng hồ, chia cho 50 thì ta được hơn hơn 14 phút, tính thêm thời gian cầu nguyện thì ít ra là sau mỗi 12 hay 13 phút họ phải quỳ xuống cầu nguyện một lần: càng tin, càng cuồng tín thì càng cầu nguyện đều đặn và nghiêm nhặt hơn, mà đã cầu nguyện liên miên như thế thì lấy đâu ra thì giờ để tính toán hay bắt tay và chuyện khủng bố? Cùng lắm là những trò khủng bố lặt vặt chứ làm sao có thể vươn tới tầm cỡ của ngày 11.9? Mà đã không có ngày 11.9 thì Mỹ làm gì có cớ để cất quân tiến vào Iraq? Mà Mỹ đã không đánh Iraq thì ba cha con Saddam đâu có ra nông nỗi này?
Rủi thay, ngày xưa Thánh Moses lại sốt sắng làm "spin doctor" cho ông giáo chủ, không những khuyên ông giáo chủ thương lượng lại mà còn trực tiếp đứng ra mặc cả với Thượng Ðế để hôm nay những môn đệ cuồng tín nhất của đạo kia có thể rảnh rang đi làm những điều gây chết chóc, không những chết chóc với người Mỹ mà còn đều đều chết chóc đám con cháu Do Thái của chính ngài.

Mà trước đó Thánh Moses đã được Thượng Ðế giao cho sứ mạng dẫn dắt người Do Thái lưu vong tìm vùng đất hứa, và suốt mấy ngàn năm có bao giờ đám con cháu Do Thái được ở yên trên mảnh đất ngài chọn lựa ấy đâu? [1] Sau mấy ngàn năm bị đuổi chạy tứ tán giang hồ, họ mới quay trở về lập quốc nhưng cũng không yên thân, hơn nửa thế kỷ lập quốc là hơn nửa thế kỷ chiến tranh và khủng bố.

Chọn đâu không chọn, trớ trêu thay, Tổ phụ Abraham rồi Thánh Moses lại vùng đất ngay sát túi dầu làm vùng đất hứa để ngày nay con cháu lãnh đủû: trong khi người Do Thái chẳng hưởng được chút xíu hương hoa nào từ mấy túi dầu khổng lồ này thì những láng giềng Ả Rập lại ê hề và mới sinh chuyện. Và thế là, ngày nay chúng ta mới có chuyện "Mỹ ủng hộ Do Thái" cho người Ả Rập tố cáo, có chuyện "Do Thái chiếm đất người Palestine" [2] không bao giờ dứt, mới có rocket trên trực thăng hay xe tăng bắn ra và bom giấu trong người nổ lại cùng những nhóm thánh chiến bâu quanh tung hê, reo hò.

Và, trong bức tranh lớn đó lại có thêm bức tranh nhỏ với những loạt đạn ầm ầm suốt 4 tiếng đồng hồ và kết thúc bằng 4 thây ma, trong đó có hai bậc "tử đạo" rậm râu Uday và Qusay. Không biết hai anh em đó có được lên thiên đường hay không, và nếu lên được thì họ sẽ ở tầng thứ mấy?

Mà, kể ra, Giáo chủ Mohammed được xếp ở tầng nào chúng ta cũng còn không biết nói gì là "cỡ" như Uday hay Qusay. Còn chuyện Thánh Moses được xếp ở tầng thứ sáu, Chuá Jesus ở tầng thứ hai, Adam ở tầng thứ nhất ấy là do các tín đồ Hồi giáo nói ra, bảo là Giáo chủ Mohammed đi lên thấy về kể lại, tin hay không tin là tùy...

© 2003 talawas



[1]Theo Cựu ước thì Abraham đã vâng lệnh Thượng Ðế đưa bộ lạc mình đến vùng đất đất Canaan để lập quốc gia vĩ đại. Sau khi Abrahm qua đời thì dân Do Thái bị một nạn đói khủng khiếp, phải trôi giạt sang nơi khác, chủ yếu là Ai Cập. Sau khoảng 400 năm lưu vong như những người nô lệ trên đất Ai Cập, Moses đã đưa con cháu quay lại vùng đất hưá mà ngày xưa Thượng Ðế đã ban cho tổ phụ Abraham (khoảng 1,200 B.C).
Sau nhiều thế kỷ, vùng đất này đã bị xâm chiếm nhiều lần, đầu tiên là đội quân người Syria (Assyrian), rồi Babylon (đã hủy diệt đền thờ Solomon), người Ba Tư (đã cho phép người Do Thái xây dựng đền thờ thứ hai), người Hy Lạp, người La Mã (chiếm Jerusalem vào năm 63 B.C).
[2]Năm 70 A.D., người La Mã đối cháy đền thờ thứ hai và năm 135A.D., bắt đầu trục xuất người Do Thái ra khỏi Jerusalem và bắt đầu gọi vùng đất này là Palaestina, xuất phát từ chữ Philistia, tức đất của người Philistine.