© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Nobel Hoà bình
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11 
23.10.2003
Scott Macleod
Shirin Ebadi: Nobel Hoà bình 2003
Nguyễn Ước dịch và chú thích
 
Vài năm trước, khi Shirin Erabi bị giam giữ tại Teheran vì cáo buộc các viên chức chính quyền âm mưu tấn công những người chủ trương cải cách, chồng bà xin tòa án cho phép vào thăm vợ trong tù. Một quan toà Hồi giáo có máu sô-vanh đàn ông đã chọc quê ông: "Lúc này ngươi độc thân tại chỗ; tại sao không khai thác lợi thế tự do đó?"


Shirin Ebadi - Nobel Hoa binh 2003

Hôm nay, hẳn bất cứ viên chức chính quyền nào cũng sẽ suy nghĩ tới hai lần nếu muốn chế giễu Ebadi, người tranh đấu cho nhân quyền tại Iran và vừa đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2003. Tuần qua, khi xướng danh Ebadi, Ủy ban Nobel tại Na uy đã trao diễn đàn cho tiếng nói lương tâm mãnh liệt của người Iran, tiếp sinh khí cho phong trào cải tổ đang hấp hối [1] và làm thế giới chú ý hơn tới chế độ Hồi giáo của Iran. Ebadi không bao giờ tin rằng Hồi giáo và cải cách bị định phận phải xung khắc nhau cho tới cùng. Tại Paris, khi được tin mình đoạt giải Nobel, bà nói với tạp chí TIME: "Giữa Hồi giáo, dân chủ và tự do, tuyệt đối không có xung khắc. Ðang có nhiều điều chứng tỏ rằng có thể chiến đấu và đạt tới tự do cùng dân chủ tại một quốc gia của những người Hồi giáo thuần thành."

Dù được trao những nhành nguyệt quế như thế, cuộc đấu tranh không chút nao núng của Ebadi khiến bà phải chịu cơn thịnh nộ của những kẻ cực đoan, kể cả lời hăm dọa giết chóc của vệ binh cách mạng. Ebadi, 56 tuổi, người lâu nay bảo vệ cho quyền của trẻ em và phụ nữ, những thành phần trong những năm gần trở thành nguyên cớ đấu tranh của những người chống áp bức. Bà là một trong 134 người ký tên vào Bản Tuyên Ngôn Của Các Nhà Văn Iran năm 1994 [2] , một điểm ngoặt sớm sủa của cuộc đấu tranh thân dân chủ. Shala Lahiji, người làm xuất bản nổi tiếng ở Iran và là bạn thân 20 năm nay của Ebadi, nói về bà: "Ebadi có cá tính của một chiến sĩ." Mino, 79 tuổi, mẹ của Ebadi, từ lâu tự hào về con gái của mình. Bà nói với TIME khi mời trà và bánh ngọt cho cả nhà tại căn hộ của Ebadi: "Tôi khóc suốt hôm nay. Tôi luôn luôn khích lệ các con sống tích cực trong xã hội. Tôi luôn luôn muốn mình trở thành giống y như Shirin."

Ebadi là phụ nữ Iran và Hồi giáo đầu tiên được trao giải Nobel Hòa bình. Tại Iran, tin ấy được chào đón với lời chế giễu, tiếng hoan hô hoặc sự im lặng đáng để ý. Sau khi lơ chuyện đó suốt ngày, đài truyền hình nhà nước Iran loan tin giải thưởng ấy ở mục chót trong chương trình tin buổi tối, theo sau bản tường thuật thể thao và tin khẩn cấp về một chiếc máy bay phải đáp xuống Tân Tây lan. Mohsen Kadivar, một tăng lữ đối lập nổi tiếng, từng bị giam vì những phát biểu thân dân chủ, đã nói với TIME rằng giải thưởng ấy là "một vinh danh cho Iran, cho phụ nữ Iran và những người theo cải tổ." Nhưng những kẻ bảo thủ lại khích bác rằng giải thưởng ấy là một cách áp lực khác của phương Tây lên chế độ Hồi giáo Iran, dù Ebadi cẩn thận giữ khoảng cách đối với một số lời tuyên bố ác ý của chính quyền Bush về xứ sở bà. Bà nói với TIME: "Chính phủ Mỹ liệt Iran vào "trục ma quỉ" [3] và nó tất tuởi đòi hỏi Iran phải đi theo dân chủ, tới độ tiếng gào thét của nó vượt lên trên đầu hàng triệu người Iran đang đòi hỏi dân chủ và tự do - và như thế, thường gây nguy hiểm cực kỳ. Mỗi quốc gia cần phải chọn cái tốt nhất cho nó dựa trên những gì của chính nó - dù đó là Iran, Iraq hoặc tại châu Âu." Ebali nói rằng sự kính trọng của bà đối với Ðức Giáo hoàng - người đã có rất nhiều khả năng đạt giải Nobel Hòa bình năm nay - "chỉ gia tăng khi ngài công khai chống cuộc chiến tranh tại Iraq."

Sau khi theo học khoa luật tại Ðại học Tehran, Ebadi bắt đầu nghề luật sư và trở thành một trong những nữ thẩm phán đầu tiên của Iran. Bà ủng hộ cuộc cách mạng 1979 [4] tại Iran, nhưng rồi bị chính quyền cất chức thẩm phán. Sau đó bà lập một tổ chức phi chính phủ và là tác giả một cuốn sách có tính hạt nhân về quyền của trẻ em. Ebadi đích thân phụ trách những hồ sơ chính trị nổi bật mà các luật sư rụt rè khác không dám nhận. Vào năm 2000, bà tiếp tay lập hồ sơ cáo buộc giới tăng lữ và chính khách bảo thủ đứng đằng sau cuộc tấn công của các vệ binh cách mạng vào những người theo cải tổ. Những phát hiện ấy làm bối rối các công tố viên và Ebadi ở tù 23 ngày vì bị buộc tội vu khống. Javad Tavassolian, 60 tuổi, chồng của bà, nói với TIME: "Bà lo lắng, nhưng không để cho sự việc đó chặn đứng mình. Bà ấy rất can đảm."

Dù các bạn hữu xem bà là vẫn lâm nguy vì các đội hành quyết của vệ binh cách mạng, Ebadi tiếp tục biện hộ cho những người đang đối mặt với nhà tù do hoạt động thân dân chủ. Mấy năm qua, những người Iran theo cải tổ bị đàn áp tàn bạo và người ta không tin rằng chế độ Iran sẽ sớm thay đổi đường lối. Nhưng nếu vẫn như thế thì người ta sẽ nghe thêm nữa những lời phát biểu của Ebadi mà tiếng tăm giờ đây được nâng cao thêm ở thế giới bên ngoài Iran, nhờ tin giải thưởng Nobel Hoà bình trao cho bà được loan đi trong tuần lễ vừa qua.


© 2003 talawas



[1]Từ tháng 4-2003 tới nay, sau Bản Tuyên ngôn Dân Chủ của một số trí thức Iran, những người theo cải tổ và sinh viên phát động cuộc đấu tranh dân chủ mới; yêu cầu giải tán Thượng Hội Ðồng.
[2]Từ năm 1979 tới nay, các tổ chức như Hội Ân Xá Quốc Tế, Hội Quan Sát Nhân Quyền, và đặc biệt Quốc hội Hoa Kỳ, nghiêm khắc tố cáo chế độ thần quyền của Iran vi phạm trầm trọng hầu hết các quyền của con người, như: -khủng bố đối lập -giam giữ những phần tử chống đối và tra tấn cho tới chết mà không xét xử -kỳ thị nam nữ, tôn giáo, sắc tộc -đốt phá toà soạn, bắt giam ký giả -hạn chế cực độ các quyền tư do đi lại, báo chí, lập hội, tín ngưỡng -không để cho nhân viên của Cao ủy Nhân quyền LHQ vào quan sát,v.v. Không những nghiêm khắc với dân chúng trong nước, Ayatollah Khomeini còn quyết liệt đối với người nước ngoài nào dám đụng chạm tới Hồi giáo. Năm 1989, Khomeini ra thánh lệnh với giải thưởng 2.8 triệu MK cho kẻ nào hạ sát Salman Rushdie, một văn hào Anh gốc Ấn, vì đã dám viết cuốn The Satanic Verses - Những Vần Thơ Quỉ Tính trong đó có những đoạn xúc phạm tới Hồi giáo. Mười bốn năm sau, 2003, Rusdhie không những đã không được xóa án mà còn bị Vệ Binh Cách Mạng của Iran, qua Ayatollah Hassan Saneii, tăng giá cái đầu của ông lên 3 triệu MK.
[3]Từ tháng 10-2001, chính quyền Bush liệt kê Iran vào "Trục Ma Quỷ" cùng với Iraq và Bắc Hàn. Bush cáo buộc Iran vi phạm nhân quyền, ủng hộ khủng bố và tìm cách sở đắc vũ khí nguyên tử.
[4]Cuộc cách mạng 1979 tại Iran lật đổ chế độ quân chủ, tuyên bố thành lập Nước Cộng hoà Hồi giáo Iran và thực hiện cuộc Cánh mạng Hồi giáo. Lãnh đạo đất nước là Thượng Hội Ðồng gồm các tăng lữ do vị Ayatollah (Dấu hiệu của Thượng đế), làm nguyên thủ quốc gia suốt đời; từ năm 1979 là Ðạo trưởng Khomeini. Khi ông qua đời năm 1989, THÐ bầu người kế tục là con của ông, đạo trưởng Khomenei. Nguyên thủ quốc gia có uy quyền tối thượng, kể cả việc xem xét chính quyền có vi hiến hoặc vi phạm sách thánh Koran và kinh điển Hồi giáo (Sharia) hay không, cũng như có quyền bất tín nhiệm các nhân vật tham chính. THÐ trực tiếp nắm guồng máy cảnh sát và toà án. Quốc hội do dân bầu nhưng có một số ghế do THÐ chỉ định. Ðứng đầu hành pháp là tổng thống, cũng do dân bầu. Từ năm 1997, tổng thống là Ðạo trưởng Mohammad Khatami, chủ trương cải tổ; tới năm 2001, ông được bầu thêm nhiệm kỳ thứ hai, với 77% tổng số phiếu.
Nguồn: Bài này nguyên văn "She Is Very Brave" - Nobel Peace Prize winner Shirin Ebadi stands up to Iran's rulers but insists that Islam is capable of reforming it self - "Bà Rất Can Ðảm" - Shirin Ebadi, người Ä‘oạt giải Nobel Hoà bình, Ä‘Æ°Æ¡ng đầu vá»›i nhà cầm quyền Iran nhÆ°ng cả quyết rằng Hồi giáo có khả năng tá»± cải tổ", đăng ở Tuần báo Time, số ngày 29.10.2003, ấn bản Canada, trang 26.