© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: 50 năm Chiến Thắng Điện Biên Phủ
 1   2   3   4   5   6   7   8 
11.5.2004
Nguyễn Ước, Anthony Grey
Điện Biên Phủ
 
Ba chương sau đây thuộc phần 5, mang tên "Điện Biên Phủ" trong bộ trường thiên tiểu thuyết Trăng huyết của Anthony Grey và Nguyễn Ước với bối cảnh lịch sử Việt Nam và thế giới từ 1925 đến đêm ngày 29 tháng Tư 1975, gồm 8 phần, hai tập, 1250 trang, vừa được nxb Nhân Văn (Toronto) cho ra mắt những ngày này. Xin giới thiệu cùng độc giả.
talawas
10.

Đúng một tiếng đồng hồ trước nửa đêm mồng 6 tháng Năm 1954, Ngô Văn Đồng kéo sụp xuống mi mắt chiếc mũ trận bằng tre đan, trẹt và mỏng mảnh, rồi thận trọng nhô đầu lên trên mép giao thông hào dẫn thẳng tới mặt trước của cứ điểm A1 trong cụm cứ điểm A+ và C+. Miệng khô rang, anh ôm chặt ngang ngực khẩu các-bin cắm sẵn lưỡi lê, sẵn sàng lao lên khỏi lòng chiến hào đầy bùn sình và lầy lội ngay nghe khi phát ra hiệu lệnh xung phong.

Giống như mọi bộ đội trong Trung đoàn 59 thuộc Đại đoàn 312 của Quân đội Nhân dân Việt Nam, lúc này Đồng mang khẩu trang bịt kín miệng và mũi vì sợ hít phải vi trùng trong các giao thông hào ngập bùn và nhầy nhụa, nơi họ liên tục dẫm lên những xác chết thối rữa của đồng đội và của lính Pháp. Những hầm hố nối liền giao thông hào và những lô cốt mà binh lính hai bên quần thảo suốt năm mươi lăm ngày qua giờ đây nồng nặc mùi xác người, phân người lẫn mùi ói mửa, và trong cái nóng ban ngày, ruồi nhặng giòi bọ từng lớp bu kín những thi thể trương sình.

Dưới ánh sáng hỏa châu lơ lửng do máy bay vận tải của Pháp vẫn từ Hà Nội lên luân phiên thả bằng dù, Đồng có thể thấy rõ các đơn vị Việt Minh khác đang ào lên những chốt phòng thủ bên ngoài một cứ điểm nhỏ hơn trong cụm AC. Ở mấy đỉnh đồi phía trên, các toán lính Pháp cùng lính Lê dương co cụm và tuyệt vọng, đang ào ạt xả súng máy và hàng loạt đạn súng cối xuống hàng hàng lớp lớp bộ đội, nhưng những người lính á đông cảm thấy chiến thắng đang trong tầm tay nên lúc này họ tràn qua thân thể các đồng đội đã chết, xung phong hết đợt này tới đợt khác, và đè bẹp binh lính âu tây bằng sức mạnh quân số áp đảo.

Đồi A1 nằm trước mặt đại đội Đồng là pháo đài chính của cụm cứ điểm. Nó được trấn giữ bởi số lính còn lại của Tiểu đoàn Dù Thuộc địa Số 1 và đối phương lập bộ chỉ huy tiểu đoàn ngay trên đỉnh đồi, đặt trong tư thất của cựu công sứ Pháp tại Điện Biên Phủ. Vì ngọn đồi này là cứ điểm chủ lực sau cùng của thung lũng vẫn còn trong tay quân Pháp nên công binh Việt Minh đã bỏ ra mấy ngày đào một đường hầm ngầm dẫn sâu vào bên trong sườn đồi và sau đó, họ buộc cả ngàn ki-lô thuốc nổ lại với nhau làm thành một quả bộc phá khổng lồ đặt dưới lòng đất, cuối đường hầm. Thời điểm bộc phá phát nổ được ấn định là 11 giờ khuya đêm nay; và trước đó nửa giờ, Đồng đã dẫn đại đội của anh thầm lặng di chuyển theo các giao thông hào đan nhau chằng chịt, tiến vào vị trí.

Chung quanh Đồng, trong số các bộ đội đang chờ hiệu lệnh xung phong, chỉ còn sót lại vài người từng tham dự những cuộc đụng độ ác liệt diễn ra suốt tháng Tư vừa qua. Khi chiếm xong cụm cứ điểm Nà Ngọng, lực lượng bốn đại đoàn tham chiến của tướng Võ Nguyên Giáp từ năm mươi ngàn bộ đội giảm xuống còn ba mươi ngàn. Nhiều lính trong đại đội của Đồng là những thiếu niên mười sáu tuổi, mới được bổ sung tuần trước và nay trong các buổi học tập chính trị nhồi sọ hằng ngày, chính trị viên phải nhắc đi nhắc lại với họ rằng binh đoàn mười ba ngàn quân của Pháp lúc này kết quả chỉ còn chưa tới một phần ba và số người sống sót ấy đều đang kiệt sức. Suốt mấy ngày vừa qua, người ta liên tục nói với bộ đội rằng chiến thắng dứt điểm đang trong tầm tay; và khi bộ đội ngồi thu mình chung quanh Đồng dưới giao thông hào chờ quả bộc phá khổng lồ phát nổ, anh có thể cảm giác được sự sợ hãi và căng thẳng trong từng người lính trẻ.

Đồng cũng thế. Khác với các lần ra trận trước đây, anh đang khích động và căng thẳng. Những cuộc đánh giáp lá cà ác liệt diễn ra gần nửa tháng nay làm cả đôi bên, phía tấn công lẫn phía phòng ngự, đều bị tổn thất kinh hoàng. Giống như những bộ đội còn lại của quân Việt Minh, Đồng tuy không cảm nhận hết nhưng thật ra bản thân sắp vượt quá giới hạn sức chịu đựng.

Kể từ đầu tháng Hai tới nay, Đồng ăn cầm hơi mỗi ngày khoảng vài ba nắm cơm tẻ nhạt và mỗi tuần một lần được nhai hơn chục hạt đậu phộng. Anh cũng đang sống với nỗi sợ hãi triền miên rằng nếu chỉ bị một vết thương nhẹ thôi thì trước sau gì mình cũng chết vì phương tiện y tế tiền tuyến - chỉ năm sáu y sĩ và bác sĩ giải phẫu làm việc tất bật trong những túp lều lợp lá gồi cất lên vội vã sâu trong núi - còn thô sơ hơn cả cái bệnh viện dã chiến của Pháp dưới đáy lòng chảo mà lúc này không còn chỗ chứa những quân nhân Pháp thương vong hoặc đang hấp hối. Hầu hết bộ đội thương vong vì đạn bắn trúng đầu khi vừa nhô lên khỏi chiến hào, riêng Đồng, ngoài vài mảnh đạn pháo mới ghim vào vai trái và đã được băng bó, Đồng chiến đấu suốt mà không bị trúng đạn, và lúc này, vì biết rằng đang tới giờ cực điểm của cuộc bao vây dài ngày nên anh quên hết mệt nhọc.

Trong khi nôn nao chờ tiếng nổ phát ra tự lòng đất làm hiệu lệnh tấn công, vô tình Đồng lại nghĩ tới lần đầu tiên trong đời mình đã ngồi chờ tấn công quân Pháp như thế này, tại Yên Bái. Lúc đó - anh nhớ lại một cách khốc liệt - sát hai bên vai anh còn có cha và cậu em Học. Còn lúc này, Đồng đưa mắt nhìn lên ánh hỏa châu soi sáng sườn đồi và âm thầm thề với gia đình đã khuất của mình rằng đêm nay anh sẽ xả thân chiến đấu vô cùng dũng cảm để góp phần trả thù cho cha mẹ và em, một lần và mãi mãi.

Cuối cùng, trễ vài phút sau mười một giờ, quả bộc phá khổng lồ phát nổ làm khắp cả ngọn đồi rung chuyển như trong cơn động đất. Đồng thấy đất đen vọt thẳng lên trời và khói phun cao, như từ một lòng giếng vĩ đại, kế đó, đêm ngất ngư với tiếng ầm ầm dội lại, bùn và sỏi đá bắt đầu tuôn xuống như thác đổ khắp phòng tuyến Việt Minh. Cơn mưa đất đá ngừng chưa đầy một chớp mắt thì Đồng bật người phóng lên mặt chiến hào, vừa thét lớn: "Xung phong! Xung phong!" vừa lao mình lên sườn đồi.

Đồng vừa chạy vừa hô to hết sức mình và anh nghe tiếng của hàng ngàn đồng đội cũng đang gào lên xung phong với lòng sôi sục căm thù giặc Pháp đến tận xương tủy; tất cả biến mọi sự thành một trạng thái mê cuồng hiếu sát. Trượt chân rồi gượng lại, vọt tiếp qua những chiến hào lở lói, Đồng cảm thấy có một luồng sóng trào lên không ngừng và không cưỡng lại nổi đang đẩy mình tới trước. Đôi dép râu sút quai, tuột một chiếc. Đồng co chân đá mạnh cho văng luôn chiếc còn lại.

Thét lên một tiếng chiến thắng man dại, Đồng thọc lưỡi lê đâm chết tươi hai lính dù Pháp bị chấn thương trầm trọng vì cú bộc phá nổ vừa rồi và kẹt lại trong một lô cốt đổ nát. Súng đại liên và trung liên còn lại của quân phòng ngự, từng khẩu rồi từng khẩu, nóng dần, nóng tới độ tay không sờ vào được không cầm lên nổi hoặc tắt tịt vì hết đạn. Đồng và bộ đội tìm thấy vài lính Pháp sống sót sau tiếng nổ kinh hoàng vừa rồi đang choáng váng hụp đầu đằng sau vách che chắn làm bằng xác đồng đội tử trận trong những cuộc tấn công trước đó.

Thế rồi khi chạy dọc theo một kẽ nứt sâu hoắm và đen sạm do quả bộc phá vừa nổ làm toác hoác một bên sườn đồi, Đồng bỗng sững người lại, thấy năm sáu bộ đội trẻ mới được tăng cường cho đơn vị anh rú lên rồi ngã vật xuống lòng hố vì bị trúng một loạt đạn súng máy từ ngôi nhà viên công sứ cũ bắn xuống. Đồng nhìn về phía toà nhà kiểu châu Âu đang nằm quái đản trên đỉnh ngọn đồi quê hương mình, lòng hận thù lại bốc cao, sôi sùng sục.

Bỗng dưng có vẻ toà nhà ấy là biểu tượng cho tất cả lòng căm thù giặc Pháp của Đồng. Không dừng chân suy xét lợi hại, anh vọt người qua mấy dãy chiến hào còn lại rồi bò thật lẹ qua khoảng đất trống bọc quanh bộ chỉ huy Pháp. Rút lựu đạn cầm tay, Đồng lao mình xuống cầu thang dẫn tới một khung cửa le lói ánh đèn dưới hầm nhà. Ở đó, nghe có tiếng lính truyền tin Pháp đang khẩn trương gọi bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm, anh đứng lại, thu mình nép một bên cửa.

Hiệu thính viên gào lớn, lặp đi lặp lại và nhấn mạnh nhiều lần lời cầu viện khẩn cấp để giọng nói của anh ta át tiếng súng đạn đang vang vào đinh tai nhức óc:

"Trình đại tá Devraux ngay, đồi A1 không giữ được lâu hơn nữa nếu không có tiếp viện. Trình với đại tá Devraux chúng tôi cần tiếp viện gấp, ngay tức khắc!"

Mắt Đồng nheo lại, ghim thật kỹ vào óc mình cái tên đó; rồi anh nhảy bật lên, đá tung cửa, bắn ba phát vào máy truyền tin cho nó tan tành hết sửa chữa nổi. Khi anh lính truyền tin Pháp trẻ tuổi giật mình quay lại, bên tai vẫn đeo ống liên hợp, thì đã thấy mũi lê của Đồng dí sát ngực mình.
Đồng gầm lên bằng tiếng Pháp:

- Ai là "đại tá Devraux" mà mầy liên lạc? Hắn chỉ huy đơn vị nào?

Anh lính truyền tin kinh hãi không trả lời nổi. Đồng chích mạnh mũi lê vào ngực anh ta:

- Nếu mầy không nói, tao giết. Tên đầu của thằng Devraux là gì? Hắn là ai?

Người lính Pháp thì thào:

- Ông ấy là đại tá Paul Devraux... Ông làm tham mưu trưởng cho thiếu tướng De Castries. Tôi nghĩ ông ta biết rõ Việt Nam - ông ta ở xứ này lâu lắm...

Trên bộ mặt bùn đóng thành từng bệt của Đồng hai con mắt sáng rực lên. Với cử động toàn thân xốc tới, anh thọc lưỡi lê vô ngực chàng trai Pháp, lút cán.


11.

Sáng hôm sau, khi ánh bình mình toả rạng bầu trời nặng màu chì bên trên lòng chảo Điện Biên Phủ, Đào văn Lật tháp tùng một nhân vật có thân hình bè bè chắc nịch với bước chân ngắn mà lẹ là tướng Võ Nguyên Giáp, tới đài quan sát tiền phương được bố trí cẩn mật trên một mé núi cao. Như thường lệ, vị tư lệnh khó tính của Việt Minh nhất định phải kiểm tra tới hai lần những sự kiện mình nắm được. Lật nhẫn nại chờ trong khi Võ Nguyên Giáp xoay xoay cặp ống nhòm dã chiến loại cực mạnh để rà soát khắp mọi chỗ và nhìn thật kỹ nhiều lần tập đoàn cứ điểm tan hoang của Pháp.

Thậm chí với đôi mắt trần, Lật cũng có thể thấy rõ rằng những đợt pháo kích phủ đầu rồi xung phong ào ạt bằng bộ binh diễn ra liên tục suốt đêm qua đã dồn binh đoàn Pháp tới thời điểm hoàn toàn sụp đổ. Khắp mọi nơi tràn trề hỗn độn và đầy dẫy những dấu hiệu tàn phá.

Cơn mưa mùa ào ạt trước lúc rạng sáng làm ngập ngụa các chiến hào phòng ngự. Nước tràn vào các lô cốt sâu tới cả thước và ngập một nửa cái hố to tướng gây ra bởi quả bộc phá khổng lồ chôn trong đường hầm chân đồi A1. Trên đỉnh đồi, từ bức tường đổ nát của tư thất công sứ cũ, lá cờ đỏ sao vàng của Việt Minh chĩa thẳng lên trời và bay phần phật trong gió. Rõ ràng quân Pháp không còn khả năng phản công tái chiếm cứ điểm A1, một vị trí trọng yếu nhìn xuống toàn cảnh trung tâm chỉ huy của họ.

Lật cũng có thể thấy khúc nước cạn của sông Nậm Rốm lúc này nghẽn đầy tử thi của cả hai phe và không còn chiếc xe nào chạy dọc hai bên bờ. Dù các máy bay Dakota cất cánh từ Hà Nội lên vẫn thả dù thực phẩm tươi xuống, không một lính Pháp kiệt sức và đói lả nào dám ra khỏi hố phòng ngự sền sệt bùn để lượm đồ tiếp tế. Đằng sau phòng tuyến của Việt Minh, các đám đông đảo tù binh Pháp bị bắt đêm qua, hai tay bị trói quặt bằng dây rừng, đang sẵn sàng chờ giải vô rừng.

Nhìn xuống lòng chảo, Lật không còn giấu nổi vẻ hào hứng đang long lanh trong mắt:

- Rốt cuộc, chúng ta đã có thể đặt vào lòng bàn tay các đồng chí đại biểu của ta tại Hội nghị Genève đúng lá bài mà các đồng chí ấy đang cần để mặc cả, đúng vậy không đồng chí đại tướng? Chắc chắn lúc này nước Pháp chẳng còn lối thoát nào.

Võ Nguyên Giáp hạ ống nhòm dã chiến xuống và gật đầu:

- Đúng. Thời điểm tới lúc chín muồi. Rõ ràng đang có dấu hiệu hoang mang trong hàng ngũ chúng nó.

Vừa nói Võ Nguyên Giáp vừa thêm lần nữa nhìn lên các đám mây bay theo chiều gió mà bên trên chúng thấp thoáng bóng Phi đội Hải quân Pháp đang thả bom xuống giao thông hào của Việt Minh. Lật đoán Giáp đang suy xét không biết vào giờ cuối này, các chiến đấu cơ khổng lồ của Mỹ có tham chiến để cứu vãn binh đoàn Pháp không.

Những tường thuật của báo chí phương tây trong mấy tuần lễ nay cho thấy Pháp đang mưu tìm sự cứu viện khẩn cấp của Hoa Kỳ, nhưng tại Washington, cả tổng thống Eisenhower lẫn các nhà lãnh đạo quốc hội đều không muốn đi trước một bước bằng những cuộc không tập nặng nề xuất phát từ các căn cứ không quân ở Phi luật tân mà thiếu sự ủng hộ hoàn toàn của Anh và các đồng minh hàng đầu trong Liên hiệp Anh.

Tuy nhiên, thủ tướng Anh Winston Churchill đã đích thân tuyên bố cương quyết chống lại sự can thiệp ấy vì một hành động như thế có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột mới trên toàn thế giới; và lúc này, các ngoại trưởng Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga đã bắt đầu hội họp ở Genève để thảo luận về hoà bình tại châu Á. Các phái đoàn dành hai tuần lễ vừa qua cho vấn đề Triều Tiên, nơi các bên tham chiến đã ký kết ngừng bắn vào tháng Sáu năm 1953, nhưng họ không đúc kết được một thoả thuận nào cho xứ sở bị phân chia một cách cay đắng đó; và theo nghị trình, hội nghị sắp sửa xoay qua thảo luận vấn đề Đông Dương vào mồng 8 tháng Năm, đúng ngày mai.

Lật nói giọng trấn an:

- Đồng chí đại tướng ạ, nếu Mỹ có ý định gởi máy bay tới oanh tạc các vị trí của ta thì chắc chắn chúng đã làm ngay lúc này. Để qua tới ngày mai, khi ngồi vào bàn hội nghị với Liên Xô và Trung Quốc rồi mới đem bom đi thả thì thật chẳng có ý nghĩa chút nào.

Trên vẻ mặt khắc khổ của Võ Nguyên Giáp nở một nụ cười xác nhận rằng người chính ủy bộ chỉ huy đã phát biểu chính xác tâm tư của ông. Rồi ông nâng ống nhòm lên mắt, nói nhẹ nhõm, như thể đọc ý nghĩ mình ra thành từng tiếng:

- Không có sự giúp đỡ từ bên ngoài thì hầu như binh đoàn Pháp chỉ còn một chọn lựa độc nhất là đầu hàng.

Ông lại tỉ mỉ rà soát kỹ lưỡng khắp thung lũng, cặp chân mày nhíu lại, hằn nét suy nghĩ. Kế đó, ông cho ống nhòm vào hộp, đột ngột quay lưng lại với chiến trường và sau cùng, quyết định:

- Đây là lệnh của tôi: "Bám sát quân địch!". Đồng chí cho truyền tin lệnh đó tới hết thảy các chính ủy trung đoàn. Nói với các đồng chí ấy rằng phải bao vây thật chặt khi bộ đội ta tiến sát vào nhằm tiêu diệt chúng. Không để bất cứ một tên địch nào chạy thoát.

- Thật sung sướng được truyền đi mệnh lệnh dứt điểm trận đánh như thế.

Lật nói và mặt rạng ngời một nụ cười mãn nguyện khi cả hai quay về bản doanh bộ tư lệnh ẩn sâu trong các hang đá bên cạnh một thác nước.

- Đồng chí đại tướng ạ, từ lúc xảy ra cuộc bỏ bom ở Vinh tới nay đã hai mươi bốn năm, tôi chờ đợi một bình minh như hôm nay. Suốt những năm trời ấy, hễ bao giờ thấy quyết tâm của mình dao động là tôi nhắm mắt mường tượng lại những hình ảnh kinh hoàng khi bom của bọn Tây dội xuống những người tuần hành tay không vũ khí. Chừng nào còn sống thì chừng ấy tôi còn nhớ mãi vẻ mặt kinh hoàng và gào rú hãi hùng của những người tử nạn đó.

Võ Nguyên Giáp dừng chân, vỗ vai Lật:

- Vào thời điểm này, hẳn ai trong quân đội ta cũng đang mường tượng lại những lằn roi trong quá khứ - và những đau xót tiếc nhớ của ngày xưa nay sống động trở lại. Anh có nhớ vợ tôi đã chết trong một nhà giam của bọn Tây không?
Lật nhìn trân trối vị tướng tư lệnh, tự hỏi phải chăng bằng trực giác, ông nắm bắt được những cảm xúc sâu xa và thiết thân hơn mà anh không để lộ ra mặt. Lật nói với giọng cam đành:

- Có lẽ không thể tránh khỏi những hy sinh ghê gớm khi đã quyết định cống hiến bản thân cho một chính nghĩa như chính nghĩa của chúng ta. Chính Hồ Chủ tịch là người đầu tiên làm cho tôi nhận ra điều đó. Nhưng ở đây, tại Điện Biên Phủ này, tất cả những năm dài khổ đau ấy đều thật đáng giá.

Võ Nguyên Giáp gật đầu thừa nhận những tình cảm của Lật nhưng không đưa ra ý kiến nào. Lật mỉm cười buồn bã và đưa bọc giấy anh đang cầm trong tay lên:

- Nhưng cuối cùng, một chọn lựa thậm chí sai lầm cũng có thể hữu ích, nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn bản thân và những người chung quanh; nó còn dạy cho tôi về tầm quan trọng của sự tinh tế. Tôi phải xin lỗi đồng chí về việc trưng dụng một chiếc xe đạp quí báu của chúng ta để mang cái này và một máy hát từ Hà Nội lên đây - nhưng tôi hy vọng đồng chí sẽ đồng ý là việc làm ấy đáng giá.

Võ Nguyên Giáp nhăn mặt, nhíu mày sốt ruột:

- Chính xác nó là cái gì, đồng chí Lật?
- Nó là đĩa hát "Chant des Partisans - Bài Ca Người Du Kích". Tôi nghĩ chúng ta nên phát nó vào tần số điện đài chỉ huy của địch trước giờ bắt đầu cuộc tấn công dứt điểm.

Một nụ cười ngưỡng mộ chầm chậm toả khắp khuôn mặt của Võ Nguyên Giáp. Lật nói tiếp:

- Bài ca nầy nói tới một đạo quân ngoại xâm dã man - những con quạ đen - đang bay trên khắp xứ sở, và kêu gọi nhân dân đứng lên đánh đuổi bọn chúng - đồng chí có nhớ không?

Giáp gật đầu. "Bài Ca Người Du Kích" đã trở thành một bài dân ca của nước Pháp trong những tháng khép lại cuộc Thế Chiến Hai và được đại chúng biết tới như một hành khúc của Kháng chiến Pháp chống bọn Đức Quốc xã. Nhìn mặt đồng hồ đeo nơi cổ tay trái, tổng tư lệnh Việt Minh tính toán tâm lý thật lẹ:

- Nửa giờ nữa bắt đầu cho phát thanh xuống lòng chảo - nó sẽ trùng với thời điểm xung phong tối hậu.

Ba mươi phút sau, Lật ngồi trước máy truyền tin và quan sát hiệu thính viên điều chỉnh cho máy hòa vào tần số điện đài chỉ huy của quân Pháp. Kế đó, anh lên giây thiều để máy hát chuẩn bị quay rồi anh nói thật dịu dàng bằng tiếng Pháp vào ống liên hợp:

- Các cháu thân mến, khoan phá hủy máy truyền tin của mình. Cụ Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn tặng các cháu một bản nhạc: Bài Ca Người Du Kích.

Trong các hầm hố và các lô cốt sũng nước khắp trại quân co cụm, lính dù Pháp và lính Lê dương giật mình khi nghe một giọng nữ dồn dập, đầy âm hưởng, vang lên trong hệ thống truyền tin của họ, với tiếng tây ban cầm đệm theo, khích động dồn dập. Tiếng người nữ ca: "Đồng đội ơi, giờ đây tự do đang lắng nghe chúng ta..."

Khi đĩa hát mòn vẹt và cũ kỹ ấy quay chầm chậm trên hang núi cao, Lật mỉm cười với hiệu thính viên, vỗ vai anh ta:

- Đồng chí, tiếp tục chơi tới chơi lui trên tần số đó, chỉ một bản nhạc này thôi - cho tới khi xong trận!

Anh đứng lên, chuẩn bị ra khỏi hang nhưng dừng lại khi có tiếng gọi anh từ khu đặt dãy máy truyền tin dã chiến. Ép ống nghe sát tai, anh nhận ra giọng của chính ủy Trung đoàn 59, một trong mười hai người mà mới mấy phút trước đây, anh đã truyền đi mệnh lệnh trận đánh sau cùng. Giọng ấy nói:

- Đồng chí Lật, một đồng chí đại đội trưởng trong trung đoàn tôi yêu cầu tôi chuyển tới đồng chí một lời thỉnh cầu. Đồng chí ấy muốn tình nguyện làm công tác cắm cờ của ta lên nóc hầm của thằng tướng Tây chỉ huy trưởng nếu đồng chí có ý định thành lập một toán xung kích đặc biệt.

Lật trả lời ngắn gọn:

- Có. Chúng tôi đang tập hợp một biệt đội tình nguyện. Đồng chí đại đội trưởng ấy tên gì?

Chính ủy Trung đoàn 59 nói:

- Tôi nghĩ đồng chí biết anh ấy. Đồng chí và người của anh ấy từng kéo khẩu pháo chót lên núi. Tên anh ấy là Ngô văn Đồng.

Lật trả lời không chút do dự:

- Dĩ nhiên biết. Đồng chí Đồng là chiến sĩ dũng cảm nổi tiếng. Anh ấy xứng đáng với vinh dự đó.


12.

Trong hầm tham mưu trưởng dưới mặt đất lòng chảo Điện Biên Phủ, đại tá Paul Devraux ngồi đưa mắt nhìn trống rỗng vào vách hầm phủ chiếu trước mặt bàn làm việc của mình. Dù cố không để ý tới nhưng giọng ăm ắp xúc động của người nữ ca sĩ Pháp đang hát "Bài Ca Người Du Kích" qua hệ thống truyền tin chỉ huy vẫn làm anh không tập trung nổi tâm trí để chú ý cách riêng vào bản báo cáo buổi sáng về tình hình mặt trận địch.

Khuôn mặt Paul mướt mồ hôi, hốc hác và hằn sâu nét mệt mỏi. Cứ một hai phút, anh lại đưa tay lên ngang lông mày chà xát vòng băng quấn quanh trán với vẻ khích động.

"Giờ đây, quân thù sẽ biết ngay lập tức giá máu và giá nước mắt của chúng ta!
Vùng lên các bạn ơi, từ những thành thị tan hoang, vùng lên từ những ngọn đồi...
Đêm nay tự do đang lắng nghe chúng ta!"

Qua liên lạc vừa rồi với các chỉ huy trưởng mấy cứ điểm chưa bị đối phương tràn ngập, Paul biết rằng bài ca xúc động này đang có tác dụng như thôi miên các quân nhân của binh đoàn. Dưới chiến hào của mình, lính dù Pháp và lính Lê dương mụ mẩn tâm thần, thậm chí còn quẫn trí hát theo đĩa nhạc. Trên các ngọn đồi thấp thuộc cụm cứ điểm A+ và C+, bài ca ấy rền vang trong tai những lính Pháp đương cự sau cùng trong khi từng đợt xung phong của Việt Minh tràn qua các chiến hào và càn lên các lô-cốt theo với tiếng gió mùa thổi phần phật. Từng chốt rồi từng chốt, luôn cả những pháo đài nhỏ, kế tiếp nhau sụp đổ bất chấp sự kháng cự rất can trường một mất một còn của quân phòng ngự, và tới thời điểm này, vòng đai phòng thủ bị thu hẹp lại, còn nhỏ hơn chu vi một sân vận động bóng đá.

Đang nghe hát, Paul bỗng nhớm chân vì có tiếng kêu lè xè của chiếc máy truyền tin dã chiến đặt sát bên khuỷu tay. Liếc xuống đồng hồ tay, anh thấy gần mười giờ. Không dừng bước để nhắc ống nghe, anh cầm xấp hồ sơ trên bàn lên, lật đật chạy ra giao thông hào dẫn tới hầm chỉ huy trưởng.

Trên trụ cửa hầm mới gắn một tấm bảng nhỏ ghi rõ De Castries lúc này là thiếu tướng. Ông vừa được những thượng cấp bất lực ở Hà Nội thăng quân hàm vài ngày trước đây cùng với hết thảy các chỉ huy trưởng đơn vị ở Điện Biên Phủ; thế nhưng các cầu vai mới và sâm banh thả dù xuống cho họ uống mừng cấp bậc mới, mỉa mai thay, lại rơi xuống khu vực chiến hào của đối phương.

Vô tới trong hầm, Paul mà lúc này là đại tá thực thụ, thấy De Castries ngồi thờ thẫn với điếu thuốc lá ngậm hờ hững trên môi. Mặc quân phục màu nâu, đội mũ nhà binh bằng vải mềm màu nâu đỏ có lưỡi trai và không vành của Trung đoàn Ma-rốc mà ông từng chỉ huy, De Castries chào viên sĩ quan tham mưu trưởng của mình bằng cái gật đầu lơ đãng.

Mắt nhìn xuống bản tình hình mặt trận, Paul báo cáo:

- Lúc này địch tập trung hai Đại đoàn 312 và 316 ở cạnh sườn phía đông của ta, cùng với hai trung đoàn tăng phái của Đại đoàn 308. Chúng chỉ giữ lại một trung đoàn đối diện cạnh sườn phía tây của ta. Tổng cộng dường như địch có khả năng sử dụng khoảng ba mươi lăm ngàn quân. Pháo binh địch hiện vẫn là mục tiêu cho không lực ta; và lúc này chúng tôi có bằng chứng rõ rệt rằng địch đang bố trí và sẽ dùng nhiều hỏa tiễn mới, loại Catiusa của Nga, để phóng vào chúng ta.

Nét mặt và giọng nói của De Castries mang vẻ cam chịu:

- Còn sức mạnh của chúng ta thì sao? Nghĩa là, nếu dùng chữ "sức mạnh" đúng với ý nghĩa của nó.
- Tối đa bốn ngàn người còn khả năng chiến đấu.

Paul ngừng nói, trở mu bàn tay lên chầm chậm quệt ngang khuôn mặt đẫm mồ hôi. Đầu anh nhức như búa bổ, mắt nổ đom đóm và thị giác thỉnh thoảng mờ hẳn:

- Nhưng ngay cả lính dù và lính Lê dương gan góc nhất cũng không thể chiến đấu lâu thêm nữa trong tình trạng thiếu ngủ thiếu ăn. Tóm lại, có lẽ ba đại đội Khinh binh Ma-rốc sẽ không chiến đấu nữa; các tiểu đoàn lính sắc tộc Thái cũng vậy. Chỉ có các đơn vị nhảy dù người Việt của Quân đội Quốc gia vẫn cố cầm cự, ngoài ra, chỉ còn hai đại đội của Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 Dù Lê dương cùng hai đại đội của Tiểu đoàn 8 Dù Xung Kích Pháp...

De Castries vẫy tay ra hiệu Paul ngừng nói và ngụ ý anh nên để lại xấp hồ sơ trên bàn cho ông đọc sau:

- Với tất cả những gì hiện có, chúng ta phải chiến đấu bằng mọi giá để giữ vững bờ sông phía tây, bằng không, chúng ta không còn thức ăn và nước uống. Những đơn vị nào còn khả năng đột kích nên chuẩn bị khởi sự bung ra đêm nay.

Paul cảm thấy người choáng váng lảo đảo. Anh đưa tay chống lên bàn giữ cho mình đứng vững:

- Trình thiếu tướng, tôi e rằng hiện có nhiều người không còn đủ sức khoẻ để chiến đấu phá vòng vây và băng rừng - nếu giả dụ chúng ta còn cầm cự nổi tới lúc trời tối. Thiếu tướng thấy, trong một giờ đồng hồ vừa qua, ta thất thủ thêm ba đồi trong cụm cứ điểm Elaine.

De Castries ngước mắt nhìn thật lẹ tham mưu trưởng:

- Anh cảm thấy trong mình không được khoẻ?

Trước mắt Paul, bộ mặt của thượng cấp hình như rạn ra từng mảnh. Anh lắc lắc đầu để nhìn cho rõ:

- Trình thiếu tướng, cũng như những người khác, tôi nghĩ mình thiếu ngủ quá, chỉ vậy thôi.

De Castries nói trầm giọng:
- Có lẽ còn hơn thế nữa. Trông anh như thể đang sốt. Anh về hầm, rán ngủ một giờ. Tôi sẽ sai người qua đánh thức nếu có việc cần kíp.

Về lại hầm, Paul ngả người xuống giường xếp, kéo mền lên đắp và nằm run lập cập. Anh gần như rơi ngay vào một giấc ngủ lơ mơ nhọc nhằn. Và trong khi bềnh bồng giữa trạng thái chập chờn mê mụ nửa ngủ nửa thức, những ý nghĩ mà anh đã phấn đấu để nén xuống kể từ lúc Joseph ra đi, giờ đây tràn ngập trở lại tâm trí anh.

Suốt tám tuần lễ, lúc này là lần đầu tiên Paul thoát khỏi tình trạng căng thẳng thần kinh quá độ trong việc phụ tá chỉ huy công cuộc phòng ngự đầy tuyệt vọng tại lòng chảo và vì thế, nay anh lại thêm lần nữa nếm trải nỗi đau đớn dữ dội trong cơn thịnh nộ hiếu sát mà thoạt đầu túm chặt lấy anh khi tâm tư anh bắt đầu thấm thía ý nghĩa lời thú tội của Joseph.

Dù từ lâu Paul và Lan đã ngày càng không ăn ở mặn nồng với nhau, sự việc nàng vô hình chung phản bội lời thề hôn nhân với kẻ anh hằng mến cảm sâu xa đã làm anh choáng váng tột độ và cơn cuồng nộ ban đầu ấy về sau hạ xuống thành một tâm trạng u uất mù mịt. Hình ảnh không chịu đựng nổi về những cuộc gặp gỡ vụng trộm của Lan và Joseph ám ảnh tâm trí Paul suốt ngày suốt đêm và lúc này, trong cơn mê hầm hập sốt, anh thấy chập chờn không biết bao nhiêu lần cả hai đang lõa lồ đắm đuối, quằn quại trong vòng tay nhau.

Thân thể hư hao vì thấm thía cảm giác bất lực và mất mát, Paul đâm ra thờ ơ với sự an nguy của bản thân lúc nào không biết. Mấy ngày vừa qua, khi con số thương vong của sĩ quan trong binh đoàn lên cao, anh tình nguyện đích thân chỉ huy cuộc phản công lên cụm đồi cứ điểm Huguette. Sự gan dạ xem thường tính mạng của Paul đã chận lại phần nào cơn thủy triều đang dâng lên trên chiến địa và mang về cho đơn vị một chuỗi chiến công đáng kinh ngạc.

Cuối cùng, tình trạng quay trở về hành động ấy khôi phục trong Paul niềm tin vào khả năng làm lại cuộc đời của mình thêm lần nữa. Rồi dần dà, phát sinh trong anh một quyết tâm mới mẻ và kiên cường rằng dù có xảy ra chuyện gì đi nữa, mình phải sống sót trong cơn nước lũ đang cuốn phăng Điện Biên Phủ và mình phải trở về Sàigòn.

Ở đó, anh sẽ đối mặt với Lan và Joseph; anh sẽ làm cho Lan thấy vẫn còn một tương lai cho cả hai vợ chồng, cho dù tương lai đó ở Pháp. Nếu cứu được cuộc hôn nhân của mình khỏi tình trạng tan vỡ và xiêu lạc của chiến tranh thì anh sẽ có cảm giác ít ra mình cũng chứng minh được rằng những thiên hướng của mình ngay từ đầu không lầm lẫn chút nào và hiện nay cũng chẳng phải hoàn toàn không thể làm lại và không thể đạt kết quả.

Cái làm cho Paul đau nhức không phải vì vết thương trong các cuộc đụng độ dữ dội mấy ngày vừa qua nhưng chính do bởi vết thương cũ trên đầu khiến anh càng ngày càng cảm thấy khó ở. Bác sĩ giải phẫu của binh đoàn rốt cuộc đã phát hiện một miểng lựu đạn nhỏ li ti không đáng để ý mà anh đã bị trước đây vẫn còn nằm trong xương sọ của anh. Dù người ta có gắp được nó ra thì Paul vẫn tiếp tục nhức đầu tới lòa mắt, nhưng quyết tâm sống sót và ý chí thực hiện các dự tính mới giúp anh giấu được những người chung quanh cơn đau nhức đang hành hạ mình.

Vì lúc này bệnh viện dã chiến ngầm dưới đất và các giao thông hào chung quanh nó đầy ứ hàng trăm thương binh với một nhúm y sĩ giải phẫu lả người mổ xẻ giữa hàng đống ghê rợn tay chân bị cắt bỏ, Paul không còn chọn lựa nào khác ngoài việc tiếp tục phần vụ tham mưu của mình. Cơn sốt bắt đầu hoành hành từ hai ba ngày nay và Paul lao mình vào công việc với một hy vọng mới, trông mong rằng mình sẽ tống khứ được cơn đau, nhưng giờ đây, nằm run lẩy bẩy trong chăn, anh biết mình đang thua cuộc đấu ấy.

Khi tiếng hát của người nữ ca sĩ Pháp kể lể và lặp đi lặp lại về "bầy quạ đen đang làm u ám các cánh đồng" và quê hương "đang rên siết trong xiềng xích", Paul bắt đầu có ấn tượng rằng mình đang nghe ra trong hầm tràn ngập tiếng đập cánh báo hiệu điềm xấu và tiếng xích sắt đang xiềng kêu lách cách và khi cảm thấy có bàn tay ai đó thình lình túm vai mình, anh bất giác thét lên, ngồi bật dậy, cảnh giác.

Viên sĩ quan phụ tá thầm thì:

- Trình đại tá, đã hơn ba giờ chiều. Bọn Việt bắt đầu vượt sông. Tướng De Castries triệu tập họp khẩn cấp các chỉ huy trưởng cao cấp của binh đoàn.

Paul cám ơn người sĩ quan thuộc quyền và vội vã dấp nước lên mặt rồi đi loạng choạng men theo giao thông hào tới dự cuộc họp bộ chỉ huy.

Tiếng đạn pháo rít trên đầu và tiếng bộc phá nổ ngay trên hầm chỉ huy trưởng làm mặt đất như gầm rú và rung chuyển liên tục khiến rất khó thảo luận, nhưng cảnh tượng những bộ mặt căng thẳng phờ phạc của các chỉ huy trưởng khác trong binh đoàn cũng đủ nói cho Paul biết ngay từ lúc mới bước vào rằng trong khi anh ngủ, tình hình suy sụp không cách gì cứu vãn.

Đại tá Langlais nói với giọng ảm đạm:

- Chúng ta không còn chọn lựa nào khác. Ở đây, ngay cả vị trí chính này, cũng sẽ không còn giữ nổi cho tới khi đêm xuống. Điều đó có nghĩa là không thể nào tổ chức được cuộc đột phá vòng vây. Thương binh và các đơn vị hết đạn sẽ bị tàn sát nếu chúng ta không báo cho đối phương biết rằng chúng ta có ý định chấm dứt ngay việc chống cự.

Paul đưa tay áo trận lên quệt mặt, mơ hồ lắng nghe lời thảo luận đầy bứt rứt về viễn ảnh cay đắng biết mấy của sự thất trận mình sắp phải đối mặt. Và khi cuộc họp giải tán, tướng De Castries ra hiệu cho anh đứng lại chờ:

- Anh còn đủ sức khoẻ để xử lý tình hình tổng quát giờ chót không?

Ông hỏi với giọng cam chịu và Paul gật đầu.

- Tốt - vậy chuyển ngay quân lệnh này tới các đơn vị: "Thừa lệnh thiếu tướng chỉ huy trưởng, cuộc ngưng bắn sẽ có hiệu lực vào lúc năm giờ chiều nay ngày 7 tháng Năm năm 1954. Phải phá hủy mọi thiết bị và quân dụng để không có gì rơi vào tay quân địch!". Thế thôi.

Paul bắt đầu đưa tay lên theo tư thế chào đúng quân cách và chung cuộc nhưng De Castries mặt trắng bệch đằng sau cặp kính râm mà ông đeo suốt cuộc họp, quay lưng lại, không để ý nữa. Rồi tới khi Paul sắp sửa nghiêng mình lách qua màn cửa, ông nói điềm tĩnh, không ngoái nhìn lui:

- Ông bạn ạ, đừng quên đốt chiếc mũ bê-rê đỏ trước khi chúng nó vô tới đây, nhớ không? Những người khác đều làm như vậy, và việc đó có thể cứu họ thoát chết. Đối phương có lý do chính đáng để chẳng yêu thương gì lính dù.

Trong một thoáng, Paul sững người nhìn chằm chặp vào lưng vị chỉ huy trưởng nhưng De Castries vẫn không quay lại đối mặt anh. Rồi Paul lật đật đi ra, không nói một lời. Kể từ khi thức dậy sau giấc ngủ chập chờn, cơn sốt của anh hình như có giảm, nhưng sau khi về lại hầm và truyền mệnh lệnh ngừng bắn cho mấy đơn vị ít ỏi đang cầm cự bên ngoài, anh bắt đầu run cầm cập và mồ hôi lại tuôn ra dầm dề.

Paul cố tập trung chú ý vào đống giấy tờ bụi bặm trên bàn và thấy mình đang đọc lại lời tuyên dương được Hà Nội gởi tới mười ngày trước đây khi toàn thể binh đoàn được tưởng thưởng Chiến công Thập tự Bội tinh, rằng: "Lòng dũng cảm của họ sẽ mãi mãi là gương mẫu", nhưng khi nhìn hàng chữ ấy, Paul lại thấy chúng nhảy múa trước mắt. Anh chụp tờ tuyên dương, vừa lẩm bẩm chửi thề trong cổ họng vừa vo tròn thành một trái banh.
Bản "Bài Ca Người Du Kích" đang êm ái và miên man cất tiếng trong ống liên hợp máy truyền tin lúc này thường bị gián đoạn bởi giọng thảng thốt của lính dù và lính Lê dương báo cáo họ đang phá hủy vũ khí và máy truyền tin vì quân địch áp rất sát. Vũ khí bộ binh bị dí mũi súng xuống đất rồi bóp cò cho toác nòng. Lựu đạn được ném vào các pháo khẩu trên xe tăng và vào các cơ phận pháo binh để làm chúng không sử dụng được nữa. Công điện từ các vị trí còn giữ được ưu thế báo cáo bộ đội Việt Minh bắt đầu tràn qua chỗ cạn nước trên sông Nậm Rốm và rằng lính An-giê-ri, lính Ma-rốc trước đây đào ngũ núp trong hang hốc dọc bờ sông giờ đây phất lá cờ trắng đầu hàng làm bằng những mảnh vải dù rơi rải rác.

Paul vừa nghe báo cáo vừa bóp chặt hai nắm tay lại rồi chầm chậm thả ra, buông dọc hai bên thân mình. Kế đó, anh vội vàng lục lọi trong đống giấy tờ và biểu đồ cho tới khi mò ra tấm bản đồ nhỏ bằng lụa vùng tây bắc Bắc kỳ, vẽ chi tiết những hẽm núi hẹp dẫn sang Lào. Tháo chiếc giày trận bên trái ra, anh cẩn thận quấn bản đồ vào bắp chân, kéo bít tất phủ lên trên, rồi nhét vào ống giày bên phải một chiếc la bàn nhỏ.

Cử động rán sức đó làm Paul lại cảm thấy hoa mắt, và thả người ngồi xuống cho qua cơn chóng mặt. Vẫn run lẩy bẩy, anh đốt các sổ tay cá nhân trong một cái soong thiếc rồi cho thêm vào ngọn lửa ấy một bó thư của Lan, từng tờ, từng tờ một. Trong khi lửa liếm những trang thư, vẻ mặt Paul đanh lại quả quyết, thậm chí khi cầm lên tấm ảnh của vợ đang tươi cười, ánh mắt sốt bừng bừng của anh chỉ đậu lại trên hình ảnh bộ mặt xinh đẹp ấy trong vài giây rồi anh cho luôn vào lửa.

Khi ngọn lửa sắp tàn, ánh mắt Paul rơi đúng chiếc mũ bê-rê đỏ nằm trên bàn, bên cạnh soong thiếc. Nhớ lại lời thúc giục sau cùng của chỉ huy trưởng, Paul đưa tay chạm vào mũ, rồi anh dằn mình lại. Đứng lên, anh cẩn trọng đặt chiếc mũ bê-rê lên đầu và bất giác kéo lệch nó nghiêng một bên mắt theo kiểu cách ngang tàng anh thường đội.

Paul nghe bên ngoài có tiếng người nói lớn, rì rào và hoang mang. Rồi vài câu nói rời rạc bằng tiếng Pháp: "Chúng nó tới rồi!". Một loạt đạn vang lên lạc lõng, tiếp theo là tiếng chân dép chạy rầm rập trên nóc hầm. Paul rút súng lục, bước tới máy truyền tin, xả hết kẹp đạn vào dải nút trắng, rồi trở ngược nòng, anh dùng báng súng đập tan máy.

Vào khoảnh khắc đó, ngay bên trên hầm của Paul, Ngô văn Đồng kẹp dưới nách trái lá cờ Việt Minh cuộn lại, đang chạy giữa một biệt đội mặc quân phục màu xanh lá cây và vui mừng tở mở. Quanh cổ Đồng quàng sợi dây đeo khẩu tiểu liên xung phong của Nga gắn sẵn băng đạn cong, bàn tay phải anh nâng súng lên chĩa ra phía trước trong tư thế sẵn sàng nhả đạn. Vọt lên mái thép cong queo và các bao cát lỗ chỗ vết đạn, Đồng cắm ngọn cờ Việt Minh xuống mặt cát, dựng lên và giữ chặt trong khi đồng đội chất đá và đồ dằn dưới gốc cây cọc để giữ cho lá cờ đứng thẳng.

Lúc lá cờ đứng vững vị trí, ba bộ đội Việt Minh ở lại bảo vệ cờ trong khi chỉ huy trưởng biệt đội dẫn Đồng và các bộ đội còn lại nhảy xuống giao thông hào dẫn vào hầm chỉ huy trưởng bên dưới. Lúc bộ đội ào vào, thiếu tướng Christian Marie Ferdinand de la Croix de Castries đang đứng chờ sẵn trong bộ quân phục thẳng nếp với đầy đủ mấy hàng tua huân chương. Khi thấy đối phương chĩa mũi súng tiểu liên vào ngay ngực mình, ông nói thật lẹ:

- Đừng bắn!

Vài giây sau, De Castires bị lôi lên giao thông hào, ra dưới ánh sáng ban ngày, bởi một đám quân thù chen lấn nhau, còn Ngô văn Đồng thì tách riêng ra. Túm vai viên trung úy Pháp trẻ tuổi, anh chĩa súng bắt anh ta đứng lại chờ cho tới khi các bộ đội khác trong biệt đội xung kích đi khỏi tầm nghe.

Rồi Đồng gằn giọng:

- Thằng tham mưu trưởng Devraux ở đâu? Vị trí của hắn ở đâu?

Viên trung úy kinh hoảng, không nói lời nào, đưa tay chỉ dọc giao thông hào. Lập tức Đồng lôi trong túi dết bên thắt lưng ra một quả lựu đạn và lao mình tới.

Bên trong hầm, Paul đang đứng lom khom bên máy truyền tin vỡ nát, cố gượng người trong một cơn choáng váng mới ập đến, và lúc ấy, anh nghe có tiếng động nơi cửa hầm sau lưng mình. Chầm chậm Paul quay người lại và lờ mờ nhận ra một bộ mặt á đông, đầu đội mũ trận bằng tre đan có gắn phù hiệu đỏ với ngôi sao vàng.

Về phần mình, trong một thoáng, Đồng ngờ ngợ nhìn chằm chặp viên sĩ quan Pháp kiệt sức và bệnh thấy rõ đang quấn quanh đầu một vòng băng bẩn thỉu. Rồi Đồng bước tới gần hơn, tay trái vẫn nắm chặt quả lựu đạn, và nhận ra Paul. Dù râu ria lởm chởm hai ngày chưa cạo, Paul càng lớn tuổi ngoại hình càng mang những nét giống cha và Đồng hít vào một hơi thật lẹ rồi thở hắt ra:

- Devraux, mầy là tù binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Lúc này mầy phải tuân lệnh tao.

Paul nheo mắt, cố tập trung tia nhìn vào bộ mặt người bộ đội Việt Minh. Khi nhận ra rõ ràng, anh chầm chậm lắc đầu và hoang mang:

- Đồng, ai sai anh tới đây?

Nét mặt người Việt Nam đanh lại, đầy uất hận:

- Người mẹ đã chết của tao, người cha đã chết của tao - và Học, thằng em đã chết của tao. Quì xuống! Tao sắp giết mầy!

Bên ngoài hầm, sự yên lặng đột nhiên phủ khắp Điện Biên Phủ lần đầu tiên kể từ hai tháng nay. Trong trạng thái loa lóa vì cơn đau Paul tự hỏi phải chăng cái mình đang thấy chỉ là ảo giác. Anh cảm thấy thân thể lại bắt đầu lảo đảo và phải níu vào xà gỗ trần hầm để giữ cho khỏi té.

- Đồng, anh đã thắng trận. Các anh xứng đáng với chiến thắng của mình. Cái đó chưa đủ cho anh sao?
- Nó không đủ cho cả nhà đã chết của tao. Quì xuống!

Paul buông tay khỏi xà gỗ và bắt đầu di chuyển loạng choạng về phía người Việt Nam, hai bàn tay vẫn thả xuôi hai bên người.

- Đồng ạ, cuộc chém giết xong rồi. Lúc này hết thảy chúng ta phải bắt đầu thu dọn chiến trường. Tôi là tù binh của anh - nhưng tôi sắp nhập bọn với các tù binh khác.

Dù vẻ mặt bắt đầu bồn chồn và căng thẳng, tới khoảnh khắc sau cùng Đồng bước sang một bên. Paul tiếp tục đi chầm chậm ngang qua Đồng, tới cửa hầm. Khi Paul đưa bàn tay lên sắp lùa tấm bạt qua một bên, người Việt Nam lại gầm lên thét anh đứng lại.

Paul lại càng không thèm để ý tới lệnh đó, và Đồng khai hoả. Với vẻ mặt méo mó quằn quại, người Việt Nam ngoéo chặt ngón tay vào cò súng tiểu liên trong vài giây và viên sĩ quan Pháp té chúi nhủi vào vách hầm rồi úp mặt xuống mặt đất đầy bùn, không một tiếng kêu và không bao giờ còn cử động.
Nguồn: Trích Trăng huyết, tiểu thuyết của Anthony Grey và Nguyá»…n Ước, nxb Nhân Văn, Toronto, 5. 2004