© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
29.12.2003
Trịnh Thanh Thủy
Cái hĩm có răng
 
Trong bài Con cặc, Nguyễn Hưng Quốc đã trình bày bộ phận sinh dục của con người là một biểu tượng văn hoá. Để minh chứng sự khác biệt của hai biểu tượng văn hoá nam và nữ, ông đã đưa thí dụ về các câu chửi tục hay văng tục của người Việt Nam. Ông có nhận xét về cách nhìn bộ phận sinh dục của hai phái nam và nữ.Trong phần chú thích ở cuối bài ông ghi chú, chỉ ghi nhận sự kiện chứ không có mục đích đào sâu sự khác biệt nam nữ.

Tuy nhiên, khi đọc xong bài này, tôi cảm thấy sự khác biệt nam nữ mà ông Quốc cố tránh càng lộ rõ.

Từ đầu đến cuối bài viết, ý chính của "con cặc" vẫn là biểu tượng của văn hoá, biểu tượng của quyền lực. Quyền lực lúc nào cũng tượng trưng cho sức mạnh. Nó là tiếng nói của kẻ thống trị, tượng trưng cho chức quyền, tiếng quát của bạo lực và uy võ. Nó áp bức kẻ yếu, sai khiến người dưới tay, đặt để luật lệ và điều khiển mọi guồng máy hoạt động.
Khi so sánh sự khác nhau trong cách nhìn nam nữ về bộ phận sinh dục của mình, nam biểu tượng cho quyền lực, nữ dấu hiệu của mặc cảm xấu xa, nhơ nhuốc, ông Quốc vô tình đã đào sâu và vạch rõ cách biệt của hai phái. Nam vị thế của kẻ trên cao, nữ thân phận của người dưới thấp. Dù tác giả không cố ý nhưng trong toàn bài viết tiếng nói quyền lực của "con cặc", tức người đàn ông, toát ra hung mãnh và đậm đặc. Khi quyền lực gầm lên tiếng rống của con sư tử đực, nó muốn mọi vật khiếp sợ dưới oai phong của nó. Nó muốn con cái thuần phục và nghe lời. Sự dương oai diễu võ của quyền lực thường là mầm mống của nổi loạn và cách mạng.

Xưa nay người phụ nữ VN vẫn luôn luôn bị áp chế dưới quyền lực. Trong gia đình cũng như ngoài xã hội, thân phận người phụ nữ bé nhỏ, hèn kém và bị xem thường. Ở các xã hội tân tiến Tây phương, người phụ nữ dần dà có được một phần nào quyền tự do, sự bình đẳng và tiếng nói riêng của mình. Nhưng phần lớn các nước Á châu và nhiều nơi trên thế giới phụ nữ vẫn còn bị đối xử tàn tệ, hà hiếp, áp chế và phi nhân bản. Ngay ở Việt Nam bây giờ, vai trò người phụ nữ ngày một rõ rệt, thiết yếu và quan trọng hơn ngày xưa nhưng tiếng nói của họ vẫn là tiếng nói yếu kém trong gia đình và xã hội. Nhân phẩm của họ nếu được đánh giá xem ra còn rất thấp so với xã hội các nước Âu Tây.

Trên phương diện văn hoá, ngôn ngữ và cách ăn nói cũng vậy. Tôi tự hỏi tại sao phái nam có thể văng tục, chửi thề, nói năng tục tĩu, ngay cả việc đem các bộ phận sinh dục vào văn, thơ, hội hoạ, âm nhạc mà người phụ nữ không thể. Ông Nguyễn Hưng Quốc có thể phân tích, bênh vực và lý luận cho một hành động văng tục như một nhu cầu tâm lý của phái nam nhưng thử hỏi phái nữ chúng tôi văng tục như thế sẽ có bao nhiêu người phản đối (kể cả nam lẫn nữ) chửi bới, lên án và phỉ nhổ cho rằng đó là thứ đàn bà vô giáo dục. Chửi thề và văng tục gần như một đặc quyền của phái nam. Phụ nữ cũng có người chửi tục nhưng rất ít người chửi thề.

Chửi thề và chửi tục là hai hành động khác nhau.

Chửi thề là hành động dùng từ ngữ tục theo thói quen, chửi mà không có đối phương. Chửi thề đôi khi không để biểu lộ sự giận dữ, nó có thể chỉ sự vui vẻ quá mức (sướng quá ta chửi một phát), hay diễn tả sự gần gũi thân mật giữa một số người hay thậm chí một thói quen, tùy người, tùy hoàn cảnh. Nói chung tùy theo nội dung của sự việc mà mình hiểu cái chửi thề như thế nào. Có người bạn gái còn nói với tôi rằng có những người đàn ông chửi thề do mặc cảm bị các bà ở nhà hà hiếp, không có cơ hội dương oai. Họ ra đường chửi thề văng tục để hả tức, để giải tỏa uẩn ức bị áp chế do việc bị phục vụ các bà ở nhà. Cho nên họ có cảm giác rất "đã" khi chửi thề, văng tục vì cái mặc cảm này.

Còn chửi tục là hành động dùng từ ngữ tục ra để hạ nhục, phỉ báng đối phương. Người phụ nữ có giáo dục theo truyền thống là người phụ nữ không được chửi thề, văng tục, đó như điều cấm kỵ.

Ý của tôi trong bài này không có nghĩa đòi quyền nói tục cho phụ nữ mà chỉ thắc mắc một điều, sao có những việc phái nam làm được mà phái nữ thì không.

Trên phương diện tâm lý học, chúng ta có thể xem chửi thề, văng tục như một nhu cầu huyễn ngã. Theo nhà tâm lý học Albraham Maslow, con người có những nhu cầu cần thoả mãn khác nhau được xếp hạng theo thang bậc từ thấp đến cao như:


Phần lớn các hành động của một con người đều do nhu cầu thúc đẩy. Tuy nhiên một hành động có thể làm thoả mãn nhiều nhu cầu khác nhau như làm tình có thể vừa cho nhu cầu sinh lý, vừa cho nhu cầu xã hội. Thể thao vừa cho sức khoẻ, vừa là giải trí và giao tiếp. Tôn giáo vừa thoả mãn nhu cầu vĩnh cửu, vừa thoả mãn nhu cầu chân thiện mỹ và thỏa mãn nhu cầu xã hội qua giáo đoàn. Nếu người ta công nhận hạnh phúc là cứu cánh của con người và nhu cầu là động lực cuả họ thì là hạnh phúc chắc hẳn phải là kết quả cuả việc thoả mãn nhu cầu. Cái cảm giác gọi nôm na là "đã", chính là hạnh phúc khi người ta được thoả mãn nhu cầu.

Như vậy theo tôi phái nam có một nhu cầu gọi là huyễn ngã. Họ chửi thề và chửi tục vì muốn chiến thắng đối phương, muốn dương oai và phô trương quyền lực của mình. Họ sợ bị hạ kể cả bằng tâm lý hay sinh lý. Cái hiên ngang và khí thế của "con cặc" mà ông Quốc nhắc đến không ngoài động lực cần phải biểu dương sự cường mạnh của mình. Đây cũng là nguyên nhân đưa đến chiến tranh của nhân loại vì tranh chấp quyền lực, quyền lợi cùng nhiều lý do khác nhau.

Khi đưa thí dụ của cái nhìn của nam và nữ về bộ phận sinh dục của mình, ông Quốc nhận xét:

Với phụ nữ, chửi chủ yếu là một cách hạ nhục đối phương, chà đạp lên nhân phẩm của đối phương, bắt đối phương phải làm những chuyện bị xem là thật đáng xấu hổ; với nam giới, chửi chủ yếu là một hành động thách thức và khiêu khích, tự nâng mình lên cao hơn đối phương. Khác, còn ở điểm nữa: trong cách nhìn của nữ giới, bộ phận sinh dục của chính họ là một cái gì xấu xa và dơ dáy, nơi dùng để trừng phạt, để đày đoạ và để sỉ nhục người khác; trong cách nhìn của nam giới, bộ phận sinh dục của họ là cái gì rất đáng... tự hào, với nó, người ta xác định một thế đứng đầy ngạo nghễ

Chửi tục là một hành động phát tiết sự giận dữ. Khi cơn giận lên cao độ người ta chửi cho hả giận. Tôi có chứng kiến, lúc chửi tục, phái nam hay nữ đều đem bộ phận sinh dục của họ ra bắt kẻ khác ăn, bú, uống như một lối nhục mạ đối phương. Trong quan niệm của người Việt Nam hai bộ phận nam và nữ đều xấu xa và dơ dáy như nhau. Tôi từng nghe nhiều tiếng chửi tục của nam giới hay bắt người cùng phái bú cái của mình hay bắt đối phương bú cái của người khác. Khi cơn giận lên cao làm mờ lý trí, họ chỉ muốn ăn tươi nuốt sống đối phương. Họ muốn đối phương ăn uống bộ phận sinh dục là cái dơ dáy, xấu xa nhất như một trừng phạt tinh thần. Phần lớn đàn ông chửi ngắn và gọn.Vì bản tính chuộng võ lực nên sau vài câu chửi nhau là họ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay liền. Nữ giới ít đánh nhau. Họ dùng phương pháp chửi để giải toả cơn giận nên họ chửi dai dẳng hơn. Có người chửi văn chương, có ca, có kệ, có bài bản đàng hoàng. Có người chửi nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Nói chung mức tục tằn của nữ giới nhẹ hơn nhiều. Đối tượng của nữ giới thường là nữ giới nên họ bắt đối phương ăn uống cái của nhau hoặc đào mồ cuốc mả, bắt gia tộc họ hàng đối phương cùng chịu đựng chung. Mục đích của người chửi là bắt người nghe phải nghe, phải chịu đựng những hành động họ cho là thấp kém và dơ dáy. Tôi đoan chắc rằng lúc chửi, người chửi chẳng hiểu câu mình đang chửi là gì, vì họ chửi theo thói quen, theo những gì họ học được bởi môi trường chung quanh. Họ đâu biết hành động họ cho là xấu xa, Tây phương lại cho đó là một phương pháp gắn bó trong những liên hệ tình dục.

Vì vậy, Nam và Nữ, cùng một hành động chửi, cùng xem bộ phận sinh dục mình là cái dơ dáy nhất, cùng bắt đối phương ăn uống bộ phận sinh dục của mình, ông Quốc lại lý luận rằng phái nam thì phô trương quyền lực, phái nữ lại có mặc cảm. Tôi biết một điều, phụ nữ Việt Nam có mặc cảm về bộ phận sinh dục của mình dơ dáy là do thành kiến xã hội. Nhưng khi họ chửi tục tôi không nghĩ họ mang mặc cảm nàỵ

Xã hội Việt Nam tự ngàn xưa đã bị ảnh hưởng tam giáo: Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Những lý thuyết đạo giáo này đều được phái nam nghĩ ra, đặt để, thống trị, truyền bá, tạo nền tảng căn bản trong cấu trúc gia đình và xã hội. Trong Nho giáo, chế độ đa thê xử ép người phụ nữ (trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng). Ở Phật giáo thì sắc dục là một trong các điều cấm kỵ gây nên khổ ải nghiệp căn mà các phật tử phải tránh. Lão Trang với luật âm dương tương khắc, định rõ sự khác biệt giữa nam và nữ: Nam cho Dương (Yang), nữ cho Âm (Yin). Sự kỳ thị nam nữ chúng ta có thể thấy rõ trong phần định nghĩa. Dương: năng động, trong sáng, thuần khiết, mùa xuân, nóng bỏng, mặt trời, trí tuệ. Âm: thụ động, u tối, nặng nề, mùa thu, lạnh lẽo, mặt trăng, tầm thường.

Nhắc đến bộ phận sinh dục phái nữ thì theo truyền thống tam giáo trên, người phụ nữ Việt Nam hầu như không được phép nói thẳng hay nhắc đến những từ ngữ diễn tả bộ phận sinh lý thiết yếu của mình. Từ khi còn bé, mẹ tôi đã cảm thấy ngại ngùng khi dạy tôi về nơi chốn bà đã đau đớn sinh ra tôi. Mẹ kêu đó là "con chim". Có người tránh né gọi "cái ấy, cái đó". Người Bắc kêu "cái hĩm", "đồ", "thuyền", "cửa mình". Còn nhiều từ bóng gió nữa đã được nhắc tới trong các bài viết trước nên tôi không cần lập lại. Mẹ tôi giáo dục tôi rất kỹ trong việc ăn nói của người con gái như phải có ý tứ, "ăn trông nồi, ngồi trông hướng". Đi đứng phải khép nép, dịu dàng, khoan thai. Ngồi phải khép đùi, không thể giạng chân chàng hảng như nam giới. Nằm ngủ cũng vậy, lựa tư thế nằm cho kín đáo, khép chân lại tránh việc gợi dục nếu có người vô tình đi qua trông thấy mình đang ngủ. Ăn chuối phải biết bẻ đôi trái chuối mà ăn. Việc giáo dục con cái như vậy của bậc cha mẹ Việt Nam tạo nên một mặc cảm xấu xa, phạm tội nếu vô tình người con gái Việt để lộ bộ phận sinh dục của mình ra.

Điều cấm kỵ khi nói đến bộ phận sinh dục của mình không riêng ở Việt Nam mà ở ngoại quốc cũng vậy. Nếu không tại sao những người phụ nữ ngoại quốc đang cổ động, hô hào nữ giới đứng lên biểu dương, nâng cao giá trị tiếng nói "cái hĩm" của mình.

Trên một website có ghi khẩu hiệu này: "Hãy đứng lên tháo gỡ dây nhợ ma quỷ vô hình trói chặt cái hĩm của chúng ta bấy lâu mà ăn tươi nuốt sống lấy con cu của họ". Họ giáo dục người phụ nữ hiểu rõ cấu trúc, tiềm năng hoạt động cùng thiên chức bộ phận sinh lý của mình. Thay đổi cách nhìn, lột bỏ những mặc cảm xấu xa, nhơ nhuốc được áp đặt cho "cái hĩm" đã ăn sâu vào đầu óc người phụ nữ tự ngàn xưa. Chỉ bảo những ưu điểm tâm, sinh lý cũng như thiên chức chính yếu của vai trò "cái hĩm" trong xã hội. Tạo dựng sự tự tin và vạch rõ quyền lực tối thượng của "cái hĩm".

Theo một truyền thuyết cổ thì cái hĩm có răng. Từ "Vagina Dentata" đã được phổ biến khắp thế giới và người ta tin nó có thật. Nó gợi lên một niềm tin có sẵn trong tiềm thức rằng người đàn bà có thể nuốt chửng hoặc làm hao mòn năng lực kẻ ăn nằm với mình. Chính Sigmund Freud cũng phải thốt lên: "Có lẽ không người đàn ông nào không có sẵn một ý tưởng khủng khiếp đe doạ trong đầu là họ bị thiến mất tiêu trong bộ phận sinh dục người đàn bà". Hãy tưởng tượng, có một khe hở, một cái hĩm háu đói được trang bị với một hàm răng bén nhọn giờ có quyền năng thống trị, sai khiến cả những xã hội trước kia thường được cai trị bởi những người đàn ông. Hình ảnh này hạ phẩm giá người nam và làm nam giới hãi sợ. Camille Paglia viết: "Nói một cách ẩn dụ, mỗi cái hĩm đều có một hàm răng bí mật và vô hình dành cho đàn ông ở lối họ vào nhiều hơn ở lối họ ra." Phái nam tự hào hất mặt lên khi họ đàn áp được phái nữ. Nhưng ngay sau khi họ làm tình và xuất tinh, sự yếu đuối và tiêu tan năng lực sẽ đánh thức sự hãi sợ bị ăn tươi nuốt sống vẫn nằm đâu đó trong tiềm thức họ. Lúc người nam tống hết khí huyết của mình vào việc xuất tinh, người nữ sẽ hút tinh khí đó vào người và năng lực của họ được cộng hưởng sẽ gia tăng mạnh mẽ. Văn hoá của nhiều xã hội tin tưởng điều này. (Điều này làm tôi nhớ trong chuyện "Liêu trai chí dị" của Bồ Tùng Linh, có những con chồn tinh tu lâu năm hóa thiếu nữ hiện ra ăn nằm, hút hết tinh khí của các thư sinh mỗi đêm làm chàng nào chàng nấy xanh xao, vàng vọt và kết quả là mộ chàng xanh cỏ.)

Trong xã hội thượng cổ, người đàn bà không cho đi mà họ lấy vào. Những vị nữ thần "Bóng tối" được miêu tả có những cái hĩm ấm áp với khả năng nuôi con và nuốt chửng con người ở một kiếp khác. Vị thần The Norse Goddes Hel đã cai trị Helheim và đặt cái hĩm ở cửa ra vào. Sau này đạo Tin Lành đã lấy tên"Hel" của bà đặt vào từ ngữ "Hell" có nghĩa là địa ngục. Cửa vào địa ngục thường được trang bị đầy răng và trông giống hệt cái hĩm. Biểu tượng của người đàn bà Indus là cái lược cũng tượng trưng cho một cái hĩm có răng.

Sự sợ hãi một cái hĩm có răng vẫn còn lưu truyền đến ngày nay. Nó được biến thái dưới hình thức nghệ thuật và giải trí thương mại pop art. Picasso và những hoạ sĩ khác đã vẽ cái hĩm có răng trong các tác phẩm hội hoạ của họ. Trong những phim như Indiana Jones, Temple Doom, Candyman, và kể cả Batman đã chiếu cảnh những cây trường xuân vệ nữ có độc khổng lồ (Poison Ivy) dương bẫy cái hĩm có răng ra nhận chìm, nuốt chửng nạn nhân. "Cái hĩm có răng" là một đề tài rất phổ biến mà các nhà thần học, huyền thoại học, lịch sử học và các nhà tranh đấu cho nữ quyền tìm hiểu và nghiên cứu ngày nay. Nó cũng là hình ảnh gây thái độ xông xáo đầy năng lực của người phụ nữ tranh đấu để lấy lại quyền lực của mình khi họ có cơ nguy bị áp chế và chèn ép bởi những người đàn ông có tính độc tài và thống trị. Nữ giới đang đòi lại cái hĩm có răng cho chính họ và sửa soạn để cắn trả.

Người phụ nữ Việt Nam xưa nay vẫn chịu nhiều thiệt thòi vì ảnh hưởng cấu trúc xã hội truyền thống. Họ bị kỳ thị, đối xử bất công và sống trong bốn bức tường thành kiến xã hội. Họ lại thiếu thốn giáo dục nhất là giáo dục về sinh lý. Nếu họ biết được năng lực tiềm ẩn và thiên chức thiêng liêng của bộ phận sinh dục của họ và nhận ra "cái hĩm họ có răng", thì tôi nghĩ họ sẽ không có cái mặc cảm xấu xa nào về bộ phận sinh dục đẹp đẽ và dễ yêu của mình đâu.

Vì thế, nếu có bạn nào xưa nay vẫn xem thường đàn bà và quan niệm "Đàn bà đái không qua ngọn cỏ", xin xem huyền thoại Hy lạp cổ trên và ngẫm nghĩ cho giùm "cái hĩm người phụ nữ chúng tôi có răng".




Tài liệu tham khảo

Inga Muscio
Cunt: A Declaration of Independence
Eve Ensler
The Vagina Monologues
Germaine Greer
The Female Eunuch
Clarissa Pinkoloa Estés
Women Who Run With The Wolves
Barbara Walker
'The Women's Encylopedia of Myths and Secrets'

© 2003 talawas