© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
2.1.2004
Lê Mạnh Chiến
Trách nhiệm đối với chữ nghĩa
 1   2 
 
VII. Lai lịch của từ "đồng thanh" và những rắc rối do nó gây ra

Xem lại tất cả các từ điển Anh-Việt, Pháp-Việt, Hán-Việt và Việt-Anh. Việt-Pháp, Việt-Hán ra đời từ trước năm 1960 (chủ yếu là xuất bản ở Hà Nội trước năm 1954 hoặc ở Sài Gòn), chúng ta thấy các từ "đồng đỏ", "đồng điếu" đều có mặt ở bất cứ quyển nào, còn từ "đồng thanh" (để chỉ bronze) thì tuyệt nhiên không hề có. Từ điển Anh-Việt của Viện Ngôn ngữ học do Gs Lê Khả Kế chủ biên, xuất bản lần đầu tiên năm 1975 (nhưng được biên soạn trước đó nhiều năm), đã dịch từ "bronze" là "đồng thiếc". Ðến quyển Từ điển Pháp-Việt, cũng của Viện Ngôn ngữ học, và cũng do Gs Lê Khả Kế chủ biên (hoặc các Từ điển Anh Việt mới biên soạn về sau) thì có một bước thụt lùi: từ "bronze" hoàn toàn được dịch là "đồng thanh", hình như là để chính xác hoá và để thống nhất thuật ngữ khoa học trong tiếng Việt. Hiện nay, trong Từ điển tiếng Việt, Ðại từ điển tiếng Việt, Từ điển Bách khoa Việt Nam tập I, đều có từ "đồng thanh" với nghĩa là "hợp kim của đồng và thiếc". Các từ điển khác cũng vậy. Còn từ "đồng đỏ' hoặc "đồng điếu" thì rất khó tìm thấy ở các từ điển xuất bản trong ba chục năm vừa qua. Rất gần đây, thỉnh thoảng mới có một quyển đưa các từ này vào thì lại dịch sai hoặc giả thích sai. Nhiều quyển không chấp nhận từ "đồng thanh" thì lại dùng từ "thanh đồng", như thế cũng chưa ổn vì đó là một từ Hán hoàn toàn và ít người hiểu nghĩa. Hơn nữa, nó làm cho người ta ngỡ rằng, "thanh đồng" tức là "que đồng". Chỉ có độ một hai quyển rất gần đây đã bỏ từ "đồng thanh" để dùng từ "đồng đỏ" và "đồng điếu".

Cố gắng tìm lai lịch của cái từ "đồng thanh", người viết bài này được biết rằng, nó đã xuất hiện lần đầu tiên trong "Từ điển kỹ thuật tổng hợp Nga-Việt", do NXB Khoa học và Kỹ thuật ở Hà Nội và NXB Mir phối hợp xuất bản, in tại Moskva năm 1973 (nhưng bản khởi thảo của nó đã được lưu hành trước đó mấy năm) và tái bản năm 1975. Các từ trong từ điển này được giao cho khoảng 200 nhà chuyên môn thuộc từng ngành biên soạn rồi tập hợp lại. Nhiều người trong số đó vừa tốt nghiêp đại học ở Liên Xô hoặc Trung Quốc mới về, vốn liếng tiếng Việt của họ thường rất nghèo nàn và què quặt. Tôi cũng được mời tham gia soạn quyển từ điển này nên biết rõ điều đó. Từ "bronza" trong tiếng Nga (hoàn toàn tương đương với bronze trong tiếng Anh hoặc tiếng Pháp) đã được các chuyên gia luyện kim tham khảo tiếng Trung Quốc là "thanh đồng" rồi dịch ra tiếng Việt là "đồng thanh" và đã được dùng trong các trường đại học, nay được dịp chính thức xuất đầu lộ diện trong từ điển này. Mặc dầu từ này hoàn toàn sai nhưng nó đã dễ dàng chui vào tất cả các từ điển khác một cách nhanh chóng. Khi sách in xong, ngoài số tiền nhuận bút, tôi cũng được tặng sách. Trong nhiều năm sau đó, tôi đã dịch từ "bronza" và "bronze" đến hàng trăm lần nhưng vì đã hiểu nó quá rõ nên không bao giờ mở từ điển để xem, do đó, không hề biết đến cái từ "đồng thanh" kỳ quái kia. Ðến khi đọc ở đâu đó, gặp phải nó, tôi mới giở các từ điển để xem thì thấy nó đã có mặt ở khắp mọi nơi. Sau khi tìm ra "nơi khai sinh" của từ này, tôi liền nói chuyện với một biên tập viên cao cấp đã từng chấp nhận nó, rồi trình bày với ông mọi lý lẽ để bác bỏ cái từ "đồng thanh" sai trái ấy. Nghe xong, ông hoàn toàn đồng ý với tôi và công nhận đó là một lỗi nặng. Ông buồn rầu nói: "từ này do các anh bên luyện kim (ở một trường đại học lớn) đặt sai mà chúng tôi không biết, cũng đáng tiếc". Trong quyển Từ điển Kỹ thuật Pháp-Việt mà Ông có tham gia biên soạn, Ông đã không dùng từ "đồng thanh" nữa: từ "bronze" đã được dịch là đồng đỏ, đồng điếu.

Thuật ngữ "đồng thanh" kỳ quặc kia đã chiếm chỗ của các từ đồng đỏ hoặc đồng điếu, nó ngiễm nhiên đi vào tất cả các từ điển trong vài chục năm gần đây, kể cả Từ điển Bách khoa Việt Nam cùng các sách giáo khoa trung học và giáo trình đại học. Nhưng không một từ điển Hán-Việt hay Trung-Việt nào dám dịch "thanh đồng" trong tiếng Hán ra "đồng thanh" cả, bởi lẽ dịch như thế mà lại có chữ Hán bên cạnh thì buồn cười quá, chẳng ai dám làm như thế. Cái từ "đồng thanh" quái đản này đã làm cho nhiều người bối rối. Thí dụ, Từ điển Trung-Việt (Nxb Khoa học xã hội, 1993, đã in lại nhiều lần), từ "thanh đồng", đã được dịch là thanh đồng; đồng thau, nhưng từ "hoàng đồng" cũng được dịch là đồng thau. Hoàng đồng mà dịch là đồng thau thì chính xác rồi, nhưng thanh đồng và hoàng đồng là hai hợp kim hoàn toàn khác nhau, có công năng khác nhau, phải phân biệt rõ ràng tại sao thanh đồng cũng được dịch thành đồng thau, giống như hoàng đồng? Như vậy thì "thanh đồng" và "hoàng đồng" trong tiếng Hán là hai từ cùng nghĩa hay sao? Phải chăng, vì các tác giả đều thông thạo chữ Hán, không thể dịch "thanh đồng" thành ra "đồng thanh" nên đành viết thành "đồng thau" và quên mất điều trái khoáy này? Từ điển Việt-Anh của Lê Khả Kế và Ðặng Chấn Liêu cũng chấp nhận từ "đồng thanh" và đã dịch: đồng thanh = bronze; đồng đỏ = copper; đồng điếu = copper. Xin thưa rằng, đồng đỏ và đồng điếu đều được dịch ra bằng cùng một từ tiếng Anh thì đúng, nhưng đồng điếu là một hợp kim cơ mà! ("Chuông già đồng điếu, chuông kêu", phải là hợp kim thì mới có già có non chứ? Vậy, sao có thể gọi đồng điếu là copper được? Sai lầm này cũng nhiều người mắc phải, và chúng tôi đã đoán được nguyên nhân của nó, dưới đây sẽ xin nói rõ. Copper trong tiếng Anh (tương ứng với cuivre trong tiếng Pháp) nghĩa là đồng, nguyên tố hoá học có ký hiệu là Cu, có tên bằng tiếng Latin là Cuprum. Loài người đã sử dụng đồng đỏ nhiều ngàn năm rồi mới biết đến đồng. Ðồng đỏ, tức bronze, đã đại diện cho đồng trong nhiều ngàn năm, bởi vậy, nhiều khi chữ bronze chỉ cần dịch là "đồng" cũng đủ nghĩa. Ví dụ, Bronze Age trong tiếng Anh hay Age du Bronze trong tiếng Pháp, chỉ cần dịch là Thời đại đồ đồng, không nên dịch là Thời đại đồng thanh đen (hay đồng đen, đồng đỏ, đồng điếu, lại càng không thể dịch là Thời đại đồng thau như các nhà sử học của chúng ta đã làm). Huy chương đồng thì phải dịch là Bronze medal hoặc Médaille de bronze chứ không phải là Copper medal hoặc Médaille de cuivrre như có tờ báo đã dịch.
VIII.

Cách giải nghĩa và cách dịch sai về từ "đồng điếu"

Người viết bài này lại nghĩ đến Gs Nguyễn Lân nên đã mở "Từ điển từ và ngữ Việt Nam" để xem thử ông đã nói gì về đồng đỏ hay đồng điếu. Thật đáng mừng khi các từ này vốn đã biến khỏi hầu hết các sách giáo khoa và các từ điển, nay lại tìm thấy trong sách của Gs Nguyễn Lân. Tôi thầm cảm ơn ông. Giáo sư viết:

đồng điếu = đồng nguyên chất màu đỏ. Tiếc thay hạt gạo tám xoan, thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà.

Ðến đây thì tôi thực sự mất hết hứng khởi vì cách định nghĩa và cả câu ví dụ.
Ðồng điếu là hợp kim cổ xưa nhất trong lịch sử loài người, sao lại là đồng nguyên chất được? Rồi câu ca dao để làm ví dụ cũng không đúng nốt.Từ bao nhiêu năm nay, tôi vẫn nhớ những câu ca dao:

Tiếc thay hạt gạo trắng ngần,
Ðã vo nước đục, lại vần than rơm.

và:

Tiếc thay hạt gạo tám xoan,
Ðã vo nước đục, lại chan nước cà.

chứ đâu phải "thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà".

Tôi đã tra cứu lại các sách về ca dao, tuc ngữ Việt Nam, nhưng chẳng tìm đâu ra được cái câu như Gs Nguyễn Lân đã trích dẫn, mà chỉ có những câu như tôi vừa nêu. Vả chăng, phải là "Ðã vo nước đục, lại chan nước cà" thì mới hay, mới là ca dao, bởi vì, chữ "đã" và chữ "lại" cho thấy những việc làm không thích hợp kia cứ nối nhau liên tiếp, dồn dập. Ta có thể hình dung như một cô gái vừa đẹp người vừa đẹp nết nhưng lấy phải anh chồng vừa kém cỏi xấu xí lại còn bị anh ta đối xử không ra gì.

Nay ta thử xem, liệu có thể tìm được cái nồi bằng đồng nguyên chất để nấu cơm không? Xin thưa rằng không bao giờ tìm được, bởi vì, đồng nguyên chất rất mềm mà giá thành lại quá cao, ở các nước tiên tiến cũng hiếm có mà ở Việt Nam ta thì lại càng không thể có. Muốn có đồng tương đối thuần chất (khoảng 99,9%), phải sử dụng kỹ thuật "tinh luyện bằng phương pháp điện phân" (affinage électrolytique). Ơ Việt Nam đến nay cũng chưa có kỹ thuật này thì làm sao nông dân ngày xưa có được cái nồi như Gs Nguyễn Lân nói? Mà đồng nguyên chất thì rất mềm, chỉ có thể làm được cái niêu chứ rất khó làm được cái nồi to.

Tại sao Gs Nguyễn Lân có sự nhầm lẫn nghiêm trọng như vậy? Liệu ông có tra cứu sách vở gì không? Tôi nghĩ rằng có thể có nhưng đã tra cứu "nhầm chỗ" nên mới sai như thế. Như chúng tôi đã nói, loại "đồng điếu" để đúc nồi, đúc chuông, trong tiếng Việt còn được gọi là đồng đỏ vì nó có màu đỏ nâu nhạt, chủ yếu là để phân biệt với loại đồng thau có màu vàng. Thực ra, đồng thuần chất thì đỏ và đẹp hơn hẳn đồng điếu. Bởi vậy, ở Pháp, sau nhiều chục thế kỷ đã sử dụng đồng điếu (bronze) và đồng thau (laiton), đến mấy thế kỷ gần đây, khoa học và kỹ thuật phát triển mạnh mẽ nên người ta đã điều chế được đồng khá thuần chất có màu đỏ đẹp, họ gọi loại đồng này là cuivre rouge (=đồng đỏ) để phân biệt với cuivre jaune (=đồng vàng). Bởi vậy, nếu từ "đồng đỏ" trong tiếng Việt mà dịch sang tiếng Pháp là cuivre rouge thì tuy sát từng chữ nhưng nghĩa lại sai hoàn toàn. Theo đại từ điển Grand Larousse Encyclopédique của Pháp thì: cuivre rouge = nom courant du cuivre pur (par opposition au laiton ou cuivrre jaune), nghĩa là: cuivre rouge là đồng thuần chất (tương phản với đồng thau hoặc đồng vàng). Ngoài ra, cũng theo đại từ điển này, cuivre noir = cuivre non purifié, nghĩa là: cuivrre noir là đồng chưa tinh luyện chứ không tương ứng với đồng đen trong tiếng Việt. Gs Nguyễn Lân và Gs Lê Khả Kế có lẽ đã dựa theo cách dịch sai của nhiều người, trong đó có những người Pháp. Cũng có thể là các giáo sư này đã tự dịch "đồng đỏ" trong tiếng Việt sang tiếng Pháp là cuivre rouge (và dịch từ "đồng đen" thành cuivre noir như trong Từ điển Pháp-Việt của GS Lê Khả Kế) rồi tra các từ điển của Pháp thì thấy đó là đồng nguyên chất. Thế là Gs Nguyễn Lân thì gọi đồng điếu là đồng nguyên chất, còn Gs Lê Khả Kế thì dịch: đồng đỏ =- đồng điếu = copper, (hoặc cuivre rouge) và đồng đen = cuivrre noir, đều sai cả. Cụ Ðào Duy Anh thì không dịch "mot à mot" như thế, Cụ hoàn toàn dịch đúng theo thực chất chứ không bị lầm lẫn bởi cái vỏ ngôn từ. Chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với Cụ.


Tìm hiểu về từ "điếu" trong "đồng điếu"

Ðến đây, chắc hẳn mọi người đã thấy rõ rằng, từ "đồng thanh." (với nghĩa là hợp kim quan trọng nhất của đồng, gồm đồng và thiếc, dùng để đúc) là sản phẩm của sự yếu kém về tiếng Việt. Không nên coi việc quảng bá từ "đồng thanh" tai hại kia là lỗi của các chuyên gia luyện kim, mà đó chính là lỗi của những người đã chấp nhận nó để đưa vào các từ điển. Hẳn là không ít độc giả sẽ nêu ra một câu hỏi: vậy thì từ "điếu" trong "đồng điếu" có nghĩa gì? Dĩ nhiên, nếu không cắt nghĩa được chữ "điếu" thì cũng không thể bác bỏ từ "đồng điếu" bởi vì từ đó là có thật chứ không phải như từ "đồng thanh" vốn do dịch bậy mà có. Người viết bài này vẫn phải cố gắng giải đáp cái câu hỏi rất hợp lý ấy.

Ðầu tiên, tác giả bài này rà soát lại những chữ Hán có âm Hán-Việt là "điếu". Số chữ Hán có âm "điếu" không nhiều. Sau khi xem kỹ các chữ "điếu" trong các đại tự điển và đại từ điển thì thấy có chữ điếu sau là đáng chú ý. Chữ "điếu" này có hai cách viết, hoàn toàn có giá trị như nhau và có gần một chục nghĩa, trong đó có một nghĩa là "xâu tiền đồng gồm 1000 đồng tiền" ("Nhất cá chế tiền vi nhất điếu", nghĩa là, 1000 đồng tiền đúc thì làm thành một "điếu"). Nghĩa này trong các tự điển và từ điển cỡ nhỏ cũng có, tức là khá thông dụng.
Tiếp tục tra cứu thêm ở các từ điển thời trước xem sao. May mắn thay, "Ðại Nam quốc âm tự vị" của Huỳnh Tịnh Paulus Của, xuất bản tại Sài gòn năm 1895 và "Dictionnaire Annamite-Francais" của J.F.M. Génibrel (có tên bằng chữ Hán là "Ðại Việt quốc âm Hán tự Pháp thích tập thành", xuất bản tại Sài gòn lần thứ nhất vào năm l884,lần thứ hai vào năm l898) đều có các từ "điếu" và "đồng điếu".

Ðại Nam quốc âm tự vị, ở mục "điếu" trang 298, có ghi: Tiền điếu: tiền đúc bằng đồng. Ðồng điếu: đồng đỏ; đồng tiền nhỏ, cũng bằng đồng. Vậy là, tự điển này cho biết: "điếu" nghĩa là đồng tiền nhỏ bằng đồng, và, "đồng điếu', tức "đồng đỏ" là loại đồng dùng để đúc tiền.

"Dictionnaire Annamite-Francais" của J.F.M. Génibrel, ở chữ điếu" trang 217 có dẫn ra các từ sau đây: Một điếu tiền: Un millier de sapèques (nghĩa là: một ngàn đồng tiền), Một đồng điếu: Une sapèque en cuivre (nghĩa là: một đồng tiền bằng đồng). Như vậy, "điếu" nghĩa là đồng tiền bằng đồng, và, "đồng điếu" là đồng để đúc tiền (và đúc mọi đồ vật khác).


Thử xem xét lại các thuật ngữ "thời đại đồng thau" và "văn hoá đồng thau" trong các sách về lịch sử

Ðọc các sách về lịch sử Việt Nam được biên soạn trong khoảng 40 năm gần đây, chúng ta nhận thấy một điều khác trước là, khi nói về thời đại đồ đồng ở nước ta, nhiều nhà sử học đã dùng các thuật ngữ "thời đại đồng thau", "văn hoá đồng thau". Xin nêu vài ví dụ.

Trong "Giáo trình Lịch sử Việt Nam" tập 1 (Nhà xuất bản Ðại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1991; các tác giả: Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Lương Ninh), ở các trang 74, 75 chúng ta gặp các thuật ngữ kể trên. Giáo sư Nguyễn Phan Quang và Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ðàn, trong sách "Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến 1884" (Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2000), ở mục "Trạng thái kinh tế thời Hùng Vương" có viết: "Thời đại Hùng Vương bao quát các giai đoạn phát triển từ sơ kỳ thời đại đồng thau đến sơ kỳ thời đại sắt là một thời kỳ lịch sử lớn, một quá trình vận động từ thấp lên cao, từ đơn giản đến phức tạp về các mặt liên quan đến đời sống kinh tế". Sách "Việt Nam - những sự kiện lịch sử từ khởi thủy đến 1858" của Viện Sử học (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002; các tác giả: Ðỗ Ðức Hùng, Nguyễn Ðức Nhuệ, Trần Thị Vinh, Trương Thị Yến), ở trang 11, có câu: "Khoảng 3045 năm trước, có nền văn hoá Gò Mun,mang tên di chỉ phát hiện đầu tiên vào năm 1961 ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, thuộc hậu kỳ thời đại đồng thau". Sách "Ðại cương lịch sử Việt Nam" toàn tập (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002 do Gs Trương Hữu Quýnh, Gs Ðinh Xuân Lâm, PGs Lê Mậu Hãn chủ biên cùng 7 giáo sư và phó giáo sư khác chấp bút) cũng nhiều lần sử dụng thuật ngữ "thời đại đồng thau", thí dụ, ở những câu: "Giai đoạn Phùng Nguyên tồn tại vào khoảng nửa đầu thiên niên kỷ thứ hai tr. CN, thuộc sơ kỳ thời đại đồng thau"; "Giai đoạn Ðồng Dậu vào khoảng nửa sau thiên niên kỷ II tr. CN, thuộc trung kỳ thời đại đồng thau" ; "Giai đoạn Gò Mun tồn tại vào khoảng nửa đầu thiên niên kỷ I tr. CN….Ðây là giao đoạn hậu kỳ thời đại đồng thau" (trang 34, 35).

Như vậy, "thời đại đồng thau" (và "văn hoá đồng thau") là thuật ngữ chính thức được các giáo sư sử học dùng để chỉ một thời đại (và một nền văn hoá) đặc trưng trong lịch sử cổ đại của nước ta.

Các thuật ngữ này chỉ mới xuất hiện từ khoảng năm 1960 (hoặc trước đó vài năm là cùng), bởi vì, năm 1957, học giả Ðào Duy Anh đã viết cuốn sách "Văn hoá đồ đồng và trống đồng Lạc Việt", trong đó, Ông chỉ dùng các thuật ngữ "thời đại đồ đồng" và "văn hoá đồ đồng" chứ tuyệt nhiên không hề nói "thời đại đồng thau" và "văn hoá đồng thau". Quyển sách đầu tiên sử dụng thuật ngữ "văn hoá đồ đồng thau" có lẽ là quyển "Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thuỷ ở Việt Nam" của Trần Quốc Vượng và Hà Văn Tấn (Sách dùng trong các trường đại học Việt Nam, Nxb Giáp dục, Hà Nội, 1960). Ngay ở đầu Chương thứ tư với đầu đề "Mạt kỳ của chế độ cộng sản nguyên thuỷ - Văn hoá Ðông Sơn", có câu: "Giai đoạn cuối cùng của chế độ cộng sản nguyên thuỷ ở Việt Nam được tiêu biểu bởi một nền văn hoá đồ đồng thau rất rực rỡ, gọi là nền văn hoá Ðông Sơn". Ðến năm 1963 lại có quyển sách Những dấu vết đầu tiên của thời đại đồng thau ở Việt Nam (của Lê Văn Lan, Phạm Văn Kính, Nguyễn Linh, Nxb Khoa học, Hà Nội, 1963). Hẳn đây là những tác phẩm đầu tiên đã chính thức đưa ra hai thuật ngữ này. Phải chăng, các nhà sử học thuộc thế hệ sau năm 1955 đã có công chính xác hoá các thuật ngữ nên đã dùng "thời đại đồng thau" và "văn hoá đồng thau" để thay cho "thời đại đồ đồng" và "văn hoá đồ đồng" mà trước kia các nhà sử học vẫn nói? Người viết bài này tự biết mình vốn là kẻ ít hiểu biết về lịch sử nên không hề dám hoài nghi các nhà sử học. Nhưng, đã đọc sách (chứ chưa nói là nghiên cứu, viết sách hoặc giảng dạy) thì cũng phải cố gắng hiểu cho hết các khái niệm và các vấn đề được nêu trong sách. Bởi vậy, tìm hiểu những điều mà khi đọc sách mình chưa biết rõ cũng là một việc cần thiết và nên làm.

Trong lịch sử loài người, các dân tộc đều đã trải qua một thời đại mà học giả Ðào Duy Anh cùng các sử gia tiền bối của chúng ta gọi là Thời đại đồ đồng, tương ứng với tiếng Pháp là âge du Bronze, tiếng Anh là Bronze Age, tiếng Hán là Thanh đồng thời đại. Từ "đồng" trong "Thời đại đồ đồng" chính là bronze trong tiếng Anh và tiếng Pháp, hoặc "thanh đồng" trong tiếng Hán, và là đồng điếu (hoặc đồng đỏ) trong tiếng Việt, chứ không phải là đồng thau. Như vậy, phải chăng, lịch sử cổ đại của dân tộc Việt Nam có đặc điểm khác hẳn với toàn thể thế giới còn lại, ở chỗ, tổ tiên chúng ta đã sử dụng đồng thau trước khi biết đến đồng đỏ?
Chúng ta đều biết rằng, loài người đã sử dụng đồng từ cách đây khoảng 6000 năm ở dạng hai hợp kim tự nhiên của đồng. Ðầu tiên là bronze (mà cha ông chúng ta đã gọi là đồng điếu hoặc đồng đỏ) có thành phần chủ yếu là đồng và thiếc, dùng để đúc các công cụ lao động, vũ khí và các đồ dùng khác. Sau đó vài ngàn năm, vào khoảng thế kỷ 8 tr. CN, loài người mới biết sử dụng loại hợp kim thứ hai của đồng mà tổ tiên chúng ta gọi là đồng thau (tiếng Anh là brass, tiếng Pháp là laiton, tiếng Hán là hoàng đồng ), có thành phần chủ yếu là đồng và kẽm, thích hợp với phương pháp gia công bằng áp lực như gò, tán, v.v. Bất cứ ở nơi nào trên thế giới, đồng thau bao giờ cũng xuất hiện sau đồng đỏ (bronze) vài ngàn năm, sau khi con người đã tích luỹ được khá nhiều kinh nghiệm qua quá trình nấu luyện đồng đỏ. Khi sử dụng công cụ bằng đá (ở thời đại đồ đá mới), tuy con người đã biết tách chẻ, ghè đẽo đá, nhưng chủ yếu chỉ dựa vào trực quan là chính, chưa có tính toán và so sánh, chưa biết đúc kết kinh nghiệm. Bước sang Thời đại đồ đồng (mà đồng ở đây là hợp kim tự nhiên của đồng và thiếc, tức là bronze, hay đồng đỏ theo tiếng Việt), loài người đã tiến một bước thật trọng đại, trong đó, trí tuệ đóng vai trò cực kỳ to lớn, làm thay đổi hẳn điều kiện sinh sống của mình. Việc phát minh ra đồng thau cũng là một bước tiến đáng kể của loài người nhưng không phải là một bước tiến vĩ đại như khi phát minh ra đồng đỏ, mà chỉ là sự tiến bộ dần dần. Bởi vậy, các nhà bác học Châu Âu mới coi bronze là sự mở đầu của một thời đại hết sức quan trọng trong lịch sử loài người. Họ gọi thời đại đó là Bronze Age, âge du Bronze mà trước năm 1960, chúng ta đã từng gọi là Thời đại đồ đồng. Người ta không coi việc phát minh ra đồng thau là một cái mốc lớn trong lịch sử loài người nên không đặt ra thuật ngữ "Brass Age" hay "âge du Laiton" để có thể tương ứng với "Thời đại đồng thau" trong tiếng Việt. Từ đó, người viết bài này đặt câu hỏi: phải chăng, riêng ở Việt Nam, do những đặc điểm nào đó khác hẳn với toàn thể nhân loại, cho nên đồng thau (brass, laiton, tức hoàng đồng) đã được phát minh ra trước đồng đỏ (bronze, tức thanh đồng) và đóng vai trò tương tự như đồng đỏ trong lịch sử của Châu Âu hay của Trung Quốc? Nếu đúng như thế thì tất nhiên, ta sợ gì mà không gọi đó là "Thời đại đồng thau" trong lịch sử Việt Nam? Khoa học lịch sử thế giới hẳn sẽ phải bổ sung thêm thuật ngữ này, và tiếp theo đó sẽ còn rất nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu nữa vì đặc điểm này của dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, cần phải tìm hiểu xem, các di vật khảo cổ bằng đồng tiêu biểu của Việt Nam có đúng là bằng đồng thau không, hay cũng là bằng đồng đỏ (bronze)?

Ðể trả lời câu hỏi này, chúng ta không tốn nhiều thời gian lắm. Trước tiên, qua tài liệu của các nhà sử học đã viết về "Thời đại đồng thau" và "Văn hoá đồng thau" chúng ta được biết rằng, các hiện vật tương ứng với thời đại ấy hoặc với nền văn hoá ấy là những trống đồng, thạp đồng, chuông đồng, lưỡi cày bằng đồng, mũi tên bằng đồng, rìu đồng, mũi lao, dao găm, dùi, đục, kim, nạo, dũa, lưỡi câu… bằng đồng (xem Những vết tích đầu tiên của thời đại đồng thau ở Việt NamLịch sử Việt Nam, tập 1, đã được nhắc đến trên đây). Tất cả các đồ vật trên đây đều là những sản phẩm đúc, mà nghề đúc đồng thì rất kỵ đồng thau, vì khi đồng thau chảy lỏng thì không dễ rót chảy đều như đồng đỏ nên rất khó điền đầy khuôn, sản phẩm đúc ra sễ bị "rỗ", nghĩa là có nhiều lỗ hổng, rất xấu xí và kém bền chắc, muốn dùng thì phải vá víu nhưng cũng chẳng tốt đẹp gì. Phải là đồng đỏ, tức là bronze, thì mới đúc được. Cứ xem kết quả phân tích thành phần của hợp kim đồng trong các di vật ở Việt Nam thì thấy rõ.
Năm 1902, F. Heger đã công bố thành phần hợp kim của những trống đồng loại I ở Việt Nam, như sau:


Ðồng:62,88 - 71,71%
Chì:14,25 - 26,69%
Thiếc:4,9 - 10,88%


Năm 1929, V. Goloubew đã phân tích hai mẫu đồ đồng tìm được ở Ðông Sơn (Thanh Hoá), kết quả như sau:

 Một mảnh rìuMột mảnh thạp
Ðồng52,2%57,2%
Chì17,3%19,3%
Thiếc15,3%16,1%
Sắt4,42,4%
Bạc0,012%0,017%
Vàngvếtvết


Năm 1961, một số di vật bằng đồng ở Thiệu Dương (Thanh Hoá) cũng được Viện Hoá học thuộc Bộ Công nghiệp nặng phân tích. Kết quả như sau:

  Mảnh lưỡi rìu có lưỡi xoè cân xứng Mảnh lưỡi rìu hình lưỡi xéo Mảnh lưỡi giáo
Ðồng82,20% 82,2% 73,30%
Chì 0,80%1,4% 5,95%
Thiếc 10,92% 6,8% 13,21%
Sắt 0,12% 0,1% 0,27%
Nhôm 0,38% 0,5% 0,50%


(Các số liệu ở đây đều theo sách Những dấu tích đầu tiên của thời đại đồ đồng thau ở Việt Nam của Lê Văn Lan và…., trang 217, 218)

Xin nhắc lại rằng, điểm khác nhau giữa đồng đỏ và đồng thau là:


Các nhà sử học cần phải biết điều này.

Các số liệu trên đây cho chúng ta thấy rõ, các di vật tiêu biểu ở thời đại này đều không phải bằng đồng thau như các nhà sử học vẫn gọi, vì chúng đều chứa đồng và thiếc chứ không chứa kẽm.

Cũng xin nói thêm rằng, trong một số mẫu hợp kim lấy từ 13 chiếc trống đồng ở Viện Bảo tàng Lịch sử Hà Nội mà L. Malleret đã cho phân tích năm 1954, có vài mẫu cũng chứa kẽm nhưng tỷ lệ kẽm/thiếc chỉ bằng 1/20 đến 1/5, cho nên, không thể nói vài mẫu hợp kim đó là đồng thau. Chính F. Heger và V. Goloubew cũng dùng chữ "bronze" để gọi tên các hợp kim mà họ đã đem đi phân tích.

Như vậy, rõ ràng rằng, các hiện vật khảo cổ bằng đồng trên đây chính là bronze trong tiếng Pháp nên không thể gọi là "đồng thau". Thế là, Việt Nam ta cũng trải qua Thời đại đồ đồng (âge du Bronze) giống như tất cả các dân tộc khác trên thế giới. Tổ tiên chúng ta đã không dại dột mà dùng đồng thau để đúc các đồ dùng. Ðiều thắc mắc của kẻ viết bài này đã được gỡ bỏ. Tóm lại, các nhà sử học đã lẫn lộn giữa hai nhóm hợp kim đồng trong lịch sử nhân loại.
Có lẽ chúng ta chỉ cần nói "Thời đại đồ đồng" là đủ rồi, chứ không cần nói "Thời đại đồng đỏ" hay "Thời đại đồng điếu", cũng như ta vẫn nói "huy chương đồng", mặc dầu đó là "huy chương đồng đỏ" (Bronze Medal hoặc Médaille de Bronze), bởi vì người Việt chúng ta không đòi hỏi phải rạch ròi đến thế. Hơn nữa, các nhà luyện kim hàng đầu còn dịch "thanh đồng" thành ra "đồng thanh", một điều không thể chấp nhận được, rồi các nhà sử học thì chưa biết thành phần đặc trưng của đồng thau và vị trí thứ yếu của nó trong lịch sử so với đồng đỏ (bronze), nay ta đòi hỏi một sự chính xác quá cao trong ngôn ngữ phổ thông phỏng có cần thiết hay không ?

Các nhà sử học hiện đại đã cố gắng nâng cấp chính xác của thuật ngữ để đạt tới độ chuẩn xác cao hơn hẳn các bậc tiền bối, nhưng lại không hiểu rõ cái thuật ngữ mà mình chọn nên họ đã bỏ cái đúng để phạm thêm một cái sai. Ðúng là họ đã "chữa lợn lành thành lợn què"

IX.
Tìm hiểu nguồn gốc của từ "thau" trong "đồng thau"

Ðồng thau, nhiều khi người ta cũng gọi là "thau", ví dụ, "mâm thau" có nghĩa là cái mâm bằng đồng thau: "chậu thau" có nghĩa là cái chậu bằng đồng thau. Ngoài ra, từ "thau" cũng dùng để chỉ cái chậu thau, thí dụ: thau rửa mặt tức là cái chậu để rửa mặt.Thậm chí, người ta còn nói: cái thau nhôm. Qua đó đủ thấy rằng, đồng thau chủ yếu được sử dụng ở dạng tấm mỏng, nhất là để làm chậu nên chính từ "thau" có thêm một nghĩa nữa là "cái chậu".

Nay chúng ta thử tìm nguồn gốc của từ "thau" với nghĩa là đồng thau.

Trong các quyển Từ điển Việt Nam - Latin (Dictionarium Anamitico- Latinum) của J. L. Taberd, (Serampore, 1838), Dictionnaire Annamite - Francais của J. F. M. Génibrel (Sài gòn, 1898) và Ðại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của (Sài gòn, 1895), chữ "thau" ở dạng chữ Nôm đều được viết là gồm chữ "kim" và chữ "tháo", như trong từ "quát tháo". Có lẽ đây là một chữ Nôm do cha ông chúng ta đặt ra (bởi vì có chữ "tháo" để gợi ý cho âm "thau") chứ không phải là một chữ Nôm mượn từ chữ Hán.Thực ra, trong chữ Hán cũng có một chữ có âm Hán Việt là "thâu" và có nghĩa là cái mai đào đất. Nhưng chữ đó chắc là ít được sử dụng từ rất lâu rồi, vì trong các từ điển lớn như Từ Hải và Từ Nguyên cũng không có. Tôi đã tìm thấy chữ này trong Tự điển "Trung Hoa Tự Hải" (là quyển Tự điển chữ Hán có nhiều chữ nhất từ xưa đến nay, do Trung Hoa thư cục, Công ty xuất bản Hữu nghị Trung Quốc ấn hành năm 1996, gồm hơn 85000 chữ), và còn được biết là chữ này đã được giảng giải trong sách "Quảng Vận", thời Tống. Bởi vậy, chữ đó không có mặt trong mọi quyển Tự điển Hán-Việt hiện hành, và cũng vì thế, rất ít người biết chữ này. Hơn nữa, tuy có âm Hán Việt là "thâu" nhưng âm phổ thông Trung Quốc lại là "qiao" (đọc gần như "chiao") nên ta có thể nghĩ rằng, chữ "thau" này là một chữ Nôm do người Việt Nam đặt ra chứ không phải là một chữ nôm mượn thẳng từ chữ Hán.

Trong các tự điển và từ điển chữ Hán, tôi thấy có chữ "thâu" (gồm chữ "kim" và chữ "du" có âm phổ thông Trung Quốc là "tou" (đọc gần giống như "thau" trong tiếng Việt) và có nghĩa là "hoàng đồng", tức là đồng thau. Các từ điển Từ Nguyên và Từ Hải giải thích rằng, "thâu" tức là "thâu thạch", nghĩa là một hợp kim tự sinh (tự hình thành trong thiên nhiên) của đồng, là hoàng đồng, gồm đồng và kẽm, nghĩa là đồng thau. Sở dĩ biết được rằng, nó có âm Hán Việt là "thâu", vì theo từ điển Từ Nguyên thì nó cùng âm với chữ "du" mà chữ này (nghĩa là ăn trộm, kẻ trộm) có âm Hán Việt là "thâu". Như vậy, tuy ngày nay người Trung Quốc gọi đồng thau là hoàng đồng nhưng xưa kia họ cũng gọi là "thau", và người Việt Nam đã tiếp nhận từ này qua cách phát âm. Chúng tôi chưa rõ vì sao các bậc tiền bối của chúng ta phải đặt ra một chữ nôm trùng với một chữ Hán mà ít người biết) để làm chữ "thau" chứ không dùng luôn chữ… trong chữ Hán.

Trên đây là một vài ý nông cạn, chúng tôi xin mạnh dạn nêu ra, mong được quý vị độc giả góp thêm nhiều ý kiến sâu sắc và xác đáng hơn.


X.
"Kim tương học", một thuật ngữ rất chướng

Nay xin bàn đến một từ khác cũng không kém phần hài hước, ấy là từ "kim tương học". Nó cũng đã chiếm chỗ trong Từ điển tiếng Việt, Ðại từ điển tiếng Việt, Từ điển Bách khoa Việt Nam (tập II), các từ điển khoa học kỹ thuật chuyên ngành hoặc đa ngành, các từ điển Anh-Việt, Pháp-Việt hoặc Việt-Anh, Việt-Pháp, các giáo trình đại học và trên đại học trong mấy chục năm qua. Ðây là một từ sai, nó cũng ra đời ở cùng một lò với từ "đồng thanh".

Thoạt nghe đến từ này, hẳn chữ "kim" và chữ "học" thì ai cũng có thể hiểu ngay được, nhưng, "tương" nghĩa là gì, và, "kim tương" là cái gì của kim loại nhỉ? Phải chăng, "tương" ở đây có liên quan nào đó với "tương" mà chúng ta vẫn ăn, nghĩa là một trạng thái lỏng sền sệt? Nhưng, khi đọc ở Từ điển tiếng Việt (ấn bản năm 2002 và tất cả các ấn bản trước đó) thì thấy: Kim tương học d: Ngành khoa học nghiên cứ cấu trúc bên trong của kim loại và hợp kim

Thế thì rõ rồi. Nhưng môn khoa học như thế thì phải gọi là kim tướng học chứ sao lại là kim tương học được? Chúng ta vẫn thường nói: tướng mạo, tướng số, tướng thuật (thuật xem tướng), hoặc biến tướng, chân tướng, quý tướng, dị tướng, quái tướng, v.v. Cứ theo định nghĩa trên đây thì "kim tương học" cũng có thể gọi là kim loại học hay ít ra thì cũng là bộ phận tối quan trọng của kim loai học. Thật vậy, trong tất cả các từ điển Anh-Hán hiện nay, từ metallography luôn luôn được dịch là kim tướng học, và các từ điển Hán-Anh cũng luôn luôn dịch từ "kim tướng học" là "metallography".

Thử xem xét, tại sao phải gọi là "kim tướng học" chứ không thể gọi là "kim tương học" được?

Ai đã từng học chữ Hán đều biết rằng, trong chữ Hán có hai chữ "tướng". Một chữ "tướng" để chỉ chức quan võ (tức là người chỉ huy quân sự) cao cấp (phiên âm là jiàng) mà ngày nay ở Trung Quốc và ở Việt Nam vẫn dùng, như đại tướng, tướng soái, tướng lĩnh, v.v. Chữ "tướng" thứ hai, phiên âm là xiàng) được dùng trong các từ như tướng mạo, quý tướng, dị tướng, v.v., và cả trong các từ như thủ tướng, tể tướng, thừa tướng. Ðể phân biệt loại "tướng" chỉ huy quân sự và loại "tướng" không liên quan đến quân sự như tể tướng, thủ tướng, người Việt Nam ta còn gọi là "tướng võ'" và" tướng văn". Chữ "tướng" trong "kim tướng học" chính là chữ "tướng" thứ hai này.

Chữ "tướng" này gồm chữ "mộc" nghĩa là cây gỗ và chữ "mục" nghĩa là con mắt, ngụ ý rằng "con mắt xem xét cây gỗ". Xét theo cách cấu tạo của chữ thì chữ "tướng" này thuộc loại "hội ý", và nghĩa gốc của nó là "xem bề ngoài để phán xét", rồi từ đó mở rộng ra vài nghĩa nữa, đều là những động từ. Về sau, nó được mở rộng nghĩa hơn nữa, và cũng được dùng với tư cách là danh từ, như trong "tướng mạo" hoặc "tể tướng", "thủ tướng". Trong tiếng Hán, chữ tướng này có hơn một chục nghĩa, nhưng sang tiếng Việt, có thể nói là có hai nghĩa: 1) ngoại hình của một con người hay của một vật nào đó, như trong "tướng mạo", "xem tướng", và 2) quan chức dân sự cao cấp nhất, như thủ tướng, tể tướng. Như trên đã nói, chữ này được phiên âm là xiàng.

Cũng chính chữ "tướng" này, người Trung quốc còn dùng để làm chữ "tương", phiên âm là xiang, với nghĩa hoàn toàn không có liên quan gì với "tướng" (phiên âm là xiàng). Trong chữ Hán, việc mượn một chữ đã có từ trước để ghi một chữ khác có âm gần giống với âm cũ, hoặc có âm khác hẳn, là chuyện bình thường. Ví dụ, "trường" và "trưởng", "trung" và "trúng", "trọng" và "trùng", "tử" và "tý", "địch" (giống chim trĩ đuôi dài, phiên âm là ) và "Trác" (họ Trác phiên âm là Zhái), v.v. Tuy được viết bằng cùng một mặt chữ nhưng vì mang nghĩa khác nhau (và âm cũng khác nhau) nên phải phân biệt rõ ràng, không được phép nhầm lẫn. Người học giỏi và người học kém cũng thể hiện rõ ở những trường hợp như vậy. Bởi thế, tuy chữ "tướng" trong "kim tướng học" cũng có khi được đọc là "tương", (như trong các từ "tương đối", "tương quan", "tương đương", v.v.) nhưng không thể vì thế mà nói rằng "đọc là tương cũng được". Liệu có thể đọc "trường kỳ" thành "trưởng kỳ" được không? Có thể đọc "năm Mậu tý" thành "năm Mậu tử" được chăng? "Trọng lượng" cũng có thể đọc là "trùng lượng" hay sao? Có thể đọc "trúng độc" thành "trung độc" được ư? Mặc Ðịch, nhà triết học nổi tiếng thời Chiến quốc, liệu ta có thể đọc tên ông là "Mặc Trác" được không? Các từ "hảo sự" (việc tốt) và "hiếu sự" (hay gây sự) đều được viết giống nhau, nhưng vẫn không được phép lẫn lộn, phải tuỳ theo văn cảnh mà đọc cho đúng. Nếu cho phép đọc "kim tướng" thành "kim tương" thì cứ gọi ông thủ tướng thành ông "thủ tương" cũng được hay sao? Trong quyển Từ điển Hán-Việt do Thương vụ ấn thư quán ở Bắc Kinh xuất bản năm 1997 (hiện nay đang lưu hành khá rộng rãi ở Việt Nam), các tác giả hoàn toàn là người Trung quốc cũng không thể dựa theo các từ điển hiện hành ở Việt Nam mà viết "kim tương học" được. Họ đã viết: jinxiàngxué) = kim tướng học / môn kim tướng.

Hẳn nhiều người phải đặt ra một câu hỏi: Tại sao những người Trung quốc soạn từ điển Hán-Việt thì tự tin ở vốn tiếng Việt của mình nên đã không phạm phải cái sai của các từ điển Việt Nam, trong khi đó, các nhà làm từ điển và nhiều giáo sư ở Việt Nam lại cứ chép theo nhau, không mấy ai đính chính được những cái sai của những người đi trước để cho những từ sai cứ lách hết sách này sang sách khác, kéo dài ba bốn chục năm vẫn chưa thôi? Một học sinh cũ nói với tôi rằng: "Có lần một người nước ngoài đã hỏi em câu đó, nhưng em phải vội nói sang chuyện khác".


Thay lời kết luận

Những điều vừa được trình bày trên đây đã nói lên một phần thực trạng đáng buồn về trình độ sử dụng ngôn từ ở nước ta hiện nay. Không buồn sao được khi các nhà khoa học hàng đầu của nước ta đã góp phần không nhỏ trong việc làm méo mó vốn từ ngữ cùa cha ông tại ngay trong lĩnh vực nghiên cứu của mình rồi cứ thế, chẳng có lúc nào nghĩ lại, cứ thản nhiên đem những cái sai ấy truyền cho các thế hệ con em! Qua đây, mỗi độc giả sẽ suy ngẫm rồi rút ra những kết luận phù hợp với kinh nghiệm của bản thân mình.
Chúng ta cũng nhận thấy rằng, việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia kỹ thuật khi biên soạn từ điển là điều cần thiết, nhưng nhà biên soạn vẫn còn nhiều việc phải làm, không thể dùng ngay ngôn từ mà các nhà kỹ thuật đã sử dụng. Các nhà kỹ thuật mà không thật giỏi về ngôn ngữ thì không thể soạn được từ điển. Họ càng phải hết sức thận trọng, cân nhắc khi đưa ra một thuật ngữ mới, nếu không, dần dần sẽ làm hoen ố tiếng Việt, một điều nằm ngoài ý muốn của mọi người. Các trường hợp vừa được phân tích trong bài này đã chứng minh điều đó .Các chuyên gia kỹ thuật ít có thì giờ suy nghĩ và tra cứu về ngôn từ nên họ dùng sai từ ngữ ngay trong ngành của mình cũng nhiều. Nhưng cũng không ít chuyên gia trong từng ngành vẫn cho rằng, chỉ có họ mới hiểu được và mới có thẩm quyền về các từ ngữ liên quan đến ngành nghề của họ. Sự thực thì không hẳn như thế. Lâu nay, nhiều người đã nêu câu hỏi: phải gọi là "bệnh mạn tính" hay "bệnh mãn tính"? Tôi đã thử hỏi nhiều vị bác sĩ lâu năm thì không thấy mấy ai trả lời đúng.

Cách đây vài năm,một vị giáo sư già đã về hưu có viết một quyển sách để hiến dâng cho đời. Trong quyển sách đang viết, có chỗ ông đã dùng chữ "tiêm mao" nhưng sang chỗ khác cũng nói về đối tượng ấy thì ông lại dùng chữ "tiên mao". Người biên tập thấy rằng, cùng một khái niệm mà dùng hai từ khác nhau, thật thiếu tính nhất quán, và không biết từ nào là đúng, nên đã gặp tôi để hỏi. Tôi bèn trả lời: "Có từ "tiêm mao" và cũng có từ "tiên mao". Tiêm mao là loại lông rất nhỏ, rất mịn, mọc rất dày ở bên ngoài các sinh vật đơn bào hay một số tế bào của động vật…, tiếng Anh hoặc tiếng Latin gọi là cilium, số nhiều là cilia. Còn "tiên mao" thì khác hẳn, tiên nghĩa là "roi", "tiên mao " là thứ lông to, dạng roi trông như một đoạn dây, thường chỉ có một cái, dùng làm cơ quan vận động ở một số động vật đơn bào… Tiếng Latin và tiếng Anh đều gọi " tiên mao" là flagellum, số nhiều là flagella. Vậy nên hỏi lại tác giả xem cụ thể là ông nói đến loại nào để chọn từ cho thích hợp chứ không thể lẫn lộn hai từ này. Cuối cùng, biên tập viên đó đã trao đổi ý kiến với tác giả và được ông trả lời: "Như vậy thì ở đây phải dùng từ "tiêm mao". Trước đây, tôi cứ tưởng "tiêm mao" hay "tiên mao" cũng đều như nhau. Quả thật, sau khi được giảng giải như vậy tôi mới phân biệt được rõ ràng vì từ trước đến nay tôi vẫn tưởng hai từ ấy cũng là một. Hơn nữa, vì chúng tôi phần lớn không biết chữ Hán".

Những chuyện đại loại như thế này hãy còn nhiều lắm.

*


Những người có chức trách truyền thụ kiến thức bao giờ cũng phải có trách nhiệm đối với chữ nghĩa. Ðiều này khiến tôi nhớ đến chuyện ông Nguyễn Công Hãng, một danh thần thời Lê trung hưng. Chuyện kể như sau:

Ông Nguyễn Công Hãng (1679-1732) người làng Phù Chẩn, huyện Ðông Ngạn, trấn Kinh Bắc (nay là xã Phù Chẩn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Năm 21 tuổi, ông đỗ Tiến sĩ, được bổ nhiệm làm Ðốc trấn An Bang (có lẽ tương đương với chức chủ tịch tỉnh Quảng Ninh ngày nay). Ở trấn ấy có nhiều vách núi trông ra biển, đời trước, một vị vua làm thơ khắc vào đá, có câu:

Cự tẩm uông dương triều bách xuyên

Nghĩa là:

Bể lớn mênh mông trăm sông chầu về


Khi chép bài thơ ấy cho các bạn đỗ đồng khoa, ông đã chép nhầm chữ "cự" thành ra chữ "táp" nên bị bạn bè chê cười. Ông bèn từ chức xin về nhà học lại sử sách, luật lệnh của triều đình.Vài năm sau, thấy vốn kiến thức đã khá, Ông mới xin lĩnh chức. Về sau ông trở thành một vị tể tướng rất có danh tiếng.
Nguồn: Toàn bá»™ bài viết được đăng nhiều kì trên tạp chí Thế Giá»›i Má»›i, các số 538, 539, 540, 541, 542, 543 và 544, từ 02.6.2003-07.7.2003