© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
6.4.2004
Chu Lai
Hãy đặt mình vào trái tim dân tộc trước khi cầm bút
Phương Thảo thực hiện
 
Thưa nhà văn Chu Lai, tri thức của một người cầm bút có phải là điều đáng báo động trong đời sống văn học hiện nay không?

Không. Lao động văn chương mang tính thiên bẩm, sau đó mới là lao động tri thức, lao động kỷ luật. Nếu không có lao động thiên bẩm thì mọi điều viết ra sẽ vô hồn. Có nhiều nhà văn mặc dù do hoàn cảnh lịch sử, như tham gia chiến tranh chẳng hạn, đã không được học hành đầy đủ, nhưng bù lại họ có người thầy lớn nhất chính là cuộc đời họ trải nghiệm qua. Một nhà văn có tri thức hay không phụ thuộc vào "phẩm hàm" của những tác phẩm anh ta viết ra, chứ không phụ thuộc vào những gì anh ta học.

Có ý kiến cho rằng hiện nay, một số cuộc tranh luận văn học lại bắt đầu từ những hiềm khích cá nhân chứ không hoàn toàn vì văn chương?

Nhà văn là người sống nội tâm, vị kỷ. Nếu gặp thời có cùng nhiệm vụ chung, như tham gia chiến tranh cứu nước, thì các nhà văn sống với nhau rất tuyệt. Nhưng khi nền kinh tế thị trường mở ra đã xé nát các mối quan hệ, các nền văn học thế giới ùa vào. Đời sống văn học như "chợ giời", hàng tốt có, hàng xấu có với đủ loại tay chơi. Báo chí đôi khi lại không biết "kìm chế" nên thỉnh thoảng chúng ta lại phải chứng kiến những cảnh cười ra nước mắt như vậy.

Phải chăng trong môi trường đó, nhân cách của người cầm bút đã bị ảnh hưởng rất nhiều?

Tôi không cho là nhân cách của các nhà văn bị tha hóa. Nhưng nhịp sống gấp gáp của đời sống hiện đại quả là có tác động đến đời sống của họ. Những biểu hiện không đẹp của một vài nhà văn theo tôi chỉ là bề nổi, còn hầu hết các nhà văn chân chính vẫn im lặng và làm việc.

Cách đây mười, mười lăm năm, nhiều nhà phê bình đã phát biếu rằng thời kỳ đó là "mùa vàng" của văn học Việt nam hiện đại với rất nhiều tác phẩm gây chú ý cho người đọc. Vậy mà bây giờ hầu như không ai còn đọc nó, thậm chí không biết đến nó. Phải chăng, tâm lý của độc giả đã thay đối?

Tâm lý độc giả không thay đổi nhiều đâu. Những tác phẩm văn học "thời vụ" như vậy không mang tính vĩnh cửu của văn chương thực sự thì tất yếu sẽ mất đi. Nhiều tác phẩm đã viết như một kiểu phóng sự xã hội. Nhưng dần dần, xã hội đã giải quyết được các vấn đề của mình. Thế là "phóng sự" hết nhiệm vụ và không còn ai nhắc đến nữa.

Trong bài viết "Trò chuyện với hoa thủy tiên và sự nhầm lẫn của nhà văn" của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp in trên Tạp chí Ngày Nay (số 6, ra ngày 15-3-2004) đã dùng rất nhiều những từ ngữ khiến cho nhiều nhà thơ không đồng ý [1] . Theo anh, nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Tôi có đọc bài viết trên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Tôi cho đó là những lời chửi đổng không xứng. Chúng ta phải hiểu rõ ràng rằng, không thể tồn tại một nền văn học chửi đổng, ám chỉ như vậy. Chưa nói đến các nhà thơ trẻ, chỉ cần nhắc đến các nhà thơ từng trải qua chiến tranh chống Mỹ là người người đã phải cảm phục rồi.

Nhưng một vài nhà văn ngây thơ đã cho rằng "trách nhiệm xã hội" của nhà văn chính là nhiệm vụ "ám chỉ".

Nếu như vậy thì tôi cảm thấy đều đó thật hài hước và đau lòng. Nhà văn có những nhiệm vụ xã hội thực sự và cụ thể. Đó là việc thu nhận tất cả những vấn đề của xã hội vào trái tim mình và sau đó, bằng lao động và tài năng của mình, sẽ thanh lọc, tái tạo lại một hiện thực khiến người đọc sống tốt hơn và thêm tin tưởng vào cuộc sống của mình. Người ta cứ thì thầm nói rằng có một dòng văn học ám chỉ mánh qué, gãi ngứa... Nhưng không ngứa nữa thì lấy gì mà gãi.

Trong bài viết của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có đoạn: "Tất cả những người "hành nghề văn học" ở ta đều muốn "dĩ hòa vi quý", đều muốn có những cuộc chơi đèm đẹp, chơi có thưởng, không ai muốn "hy sinh" nữa". Anh nghĩ thế nào về ý kiến này?

Tôi cho là có nhiều loại nhà văn khác nhau. Có loại nhà văn viết hết mình và "cạn ngôn" trong tác phẩm, có người thì "cạn ngôn" trong các cuộc cãi cọ như thế này. Hiện nay, có một xu hướng giải quyết cá nhân của một vài nhà văn rất đáng trách. Họ ghét nhau và quy chụp cái ghét ấy thành "bản tính dân tộc" rồi cứ thế nói năng hàm hồ về tính dân tộc. Nếu bội bạc dân tộc thì anh không nên cầm bút. Anh đừng tưởng mơ mộng giải Nobel này nọ bằng cách bôi nhọ tính cách dân tộc mình. Không nhà văn nào có thể vươn đến tầm nhân loại bằng cách loại bỏ nguồn gốc của mình. Hãy đặt hồn mình vào lòng dân tộc trước khi cầm bút.

Trên Báo Văn nghệ (số 13 ra ngày 27-3-2004), nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã phản ứng lại các quan điểm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bằng bài viết: Có thật đa số các nhà văn Việt Nam đều vô học, các nhà thơ đều lưu manh - hay là "hội chứng chửi có thưởng thời nay"?. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo cho rằng, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã có những ý kiến, những ngôn từ xúc phạm đến tinh thần dân tộc... Anh nhận xét thế nào về ý kiến của nhà thơ Trần Mạnh Hảo?

Tôi có đọc kỹ bài của nhà thơ Trần Mạnh Hảo. Phản ứng của anh Hảo tôi cho là đúng, nhưng cách lập luận và phân tích của anh Hảo thì thái quá và cũng rất ngoa ngôn. Tôi cho rằng, hai phần ba bài viết của anh Thiệp là có cơ sở, nhưng càng về cuối bài anh Thiệp càng sa đà, càng ngoa ngôn, nói năng dễ dãi, bừa bãi, xúc phạm đến tinh thần dân tộc. Anh Thiệp đã tự hạ thấp mình quá nhiều để nói về những điều thiêng liêng. Tôi cho rằng phải có khát vọng thiêng liêng mới có thể bàn về những điều thiêng liêng... Tâm lý của anh Thiệp trong bài viết ấy có thể được giải thích rằng, anh Thiệp đang rất bực bội về việc không viết lách được nữa, đặc biệt là sau khi anh Thiệp hoàn thành bản thảo cuốn tiểu thuyết Tuổi hai mươi yêu dấu. Nhiều bạn bè thân thiết với anh được đọc bản thảo, đọc xong, ai cũng thất vọng. Có thể vì điều đó đã tác động khiến anh hoang mang, bực dọc. Anh đã trút bực bội của mình lên đồng nghiệp. Tôi biết anh day dứt, khổ đau vì không tìm ra hướng đi trong nghề. Theo tôi, nếu đã bất lực thì hãy im lặng đi vào quá khứ. Người đọc có thể vẫn còn nhớ đến anh. Sự phát ngôn lung tung, bừa bãi của anh chẳng làm hại ai cả, mà hại chính anh. Anh như một kẻ chửi đổng ngoài chợ, nhiều người quay mặt đi, nhưng tôi thì tôi dừng lại vì tôi muốn khuyên nhủ vài điều. Hơn nữa, nếu muốn trở thành một kẻ sĩ thì phải có lòng tự tôn dân tộc. Nếu không có lòng tự tôn dân tộc, tốt nhất đừng cầm bút viết nữa. Kẻ nào chửi bố mẹ mình, kẻ đó làm sao hiểu nổi tiếng mẹ đẻ mà đòi cầm bút. Anh Hảo có cho rằng, anh Thiệp dám đụng đến cả những nhà thơ lớn của dân tộc. Tôi cho rằng anh Hảo quá lời chứ tôi tin rằng anh Thiệp không bao giờ dám "đụng" đến danh phận của các thi bá Việt Nam như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du đâu.


[1]Chú thích của talawas: Câu này sai ngữ pháp, nhưng talawas không sửa lại, vì đây là bản đã in trên báo Công An Nhân Dân.

Nguồn: Báo Công An Nhân Dân, số 40, 01.04.2004