© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
15.4.2004
Nguyễn Bình
Hòn đá đầu tiên lăn đi
 
Có những điều xưa nay vẫn đem dạy cho trẻ nhỏ, nay ông Trần Mạnh Hảo cùng toàn thể các ông Chu Lai, Nguyễn Hoàng Sơn, Hoàng Trinh, Lê Văn Vọng, Nam Hà, Đồng Đức Bốn, Nguyễn Hoà, Nguyễn Văn Lưu, Anh Đức, Mai Quốc Liên ... yêu cầu làng văn và công chúng văn học gồm toàn những người đã trưởng thành học một lần nữa. Cái gì có ích cho trẻ nhỏ tất có ích cho người lớn, đó là một lí lẽ không người lớn nào bắt bẻ được. Chúng ta đều yêu trẻ và đã là văn nghệ sĩ thì có xu hướng tôn sùng đứa trẻ trong bản thân. Hình như những điều ấy rút lại là: 1) Yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào; 2) Học tập tốt, lao động tốt; 3) Đoàn kết tốt, kỉ luật tốt; 4) Giữ gìn vệ sinh thật tốt; 5) Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.

Trong những ngày này, không có một giọng nào đi ngược hoặc đi chệch với dàn đồng ca "Năm điều Bác Hảo dạy" cất lên ở trong nước. Sự im lặng tuyệt đối ấy cho phép dư luận phỏng đoán ba khả năng: 1) Những giọng ấy quả thật không tồn tại; 2) Những giọng ấy có thể tồn tại, nhưng không được ai nghe thấy; 3) Những giọng ấy có thể tồn tại, nhưng không muốn cất lên, nhất là cất lên trong lúc này. Đám đông, dù chỉ là phép cộng của những giá trị tầm thường hay thậm chí của những điều ngu xuẩn, luôn là một áp lực dễ dàng đè bẹp cả những cá nhân lỗi lạc. Không ai dại đương đầu với sự phẫn nộ tập thể này cũng phải. Kết quả là: Đã lâu rồi chúng ta không chứng kiến một sự đoàn kết nhất trí khăng khít tới nhường ấy. Đã lâu rồi chúng ta không được xem một màn chẳng khác gì đấu tố của cả một tập thể (hay ít nhất là của một đám đông nhân danh toàn bộ tập thể) đối với một cá nhân như vậy. Sự kiện hoa thủy tiên, như thế, không còn là thời sự văn chương, mà là thời sự xã hội.

Cái thường được miêu tả như lòng trắc ẩn, tính thương người của người Việt chúng ta, trong trường hợp này đã không phát huy tác dụng của nó. Kẻ bị ném đá - không phải ai khác mà chính là nhà văn sáng giá nhất của văn học Việt Nam trong nước, ông Nguyễn Huy Thiệp (NHT), người đã làm cho văn học sau ông không giống như trước nữa - không nhận được một giọt nước mắt thương cảm nào ở trong nước, từ cả các đồng nghiệp viết văn, giới phê bình, lẫn các độc giả từng mang ơn ông. Ông chỉ có thể hi vọng một Chúa Giê-xu xuất hiện, bảo cho đám đông rằng cái hành động cùng nhau ồ ạt ném đá vào một cá nhân lẻ loi trơ trọi là một hành động thiếu danh dự, dù cá nhân đó có phạm tội tới đâu chăng nữa. Thiếu danh dự và thiếu tự tin. Nếu tin chắc ở sức mạnh và lẽ phải của mình, cái đám đông đó chẳng cần phải "xuống tay" như vậy.

Nhưng cơn sốt này dường như đã ủ từ rất lâu nên không thể đừng được nữa. Người quan sát không khỏi có cảm giác lợm giọng như thể đang chứng kiến một cuộc thanh toán của một tập thể từng phải miễn cưỡng chịu đựng quá lâu một cá nhân và chỉ chờ cơ hội cần thiết để tỏ cho cái cá nhân ấy biết sức mạnh thuộc về ai. Cơ hội gì? Nếu ông NHT tiếp tục viết những truyện ngắn hay như xưa và hơn xưa thì chẳng có cơ hội nào hết. Nhưng chỉ cần ông sảy chân lỡ bước, ra một tiểu thuyết dở, một tiểu luận tồi, thế là cơ hội ấy đã sáng lên rồi. Những người vồ lấy cơ hội ấy cũng là tác giả của những tác phẩm xoàng không thua gì, thậm chí xoàng hơn nhiều so với cái xoàng của ông NHT, nhưng nỗi khổ được chuyển thành niềm sung sướng của họ trong dịp này là: họ chưa bao giờ là tác giả của những tác phẩm không xoàng. Họ không sảy chân lỡ bước, không từng có một thời oanh liệt như ông NHT. Sự nghiệp của họ cứ diễn ra thường thường bậc trung, đều đều, tẻ nhạt, chẳng lên dốc xuống dốc, chẳng thăng hoa, chẳng "tự sát". Cho nên những cú "tự sát" của kẻ khác là niềm hân hoan lớn nhất của họ. Cảm giác lợm giọng càng tăng lên khi từng người một trong cái tập thể văn chương ấy hoàn toàn không phải là đối thủ ngang tầm của Nguyễn Huy Thiệp, xét từ tầm vóc của sự nghiệp văn học mà họ đã trình làng, nhưng tất cả cộng lại thì thành ra một sức mạnh mà 100 Nguyễn Huy Thiệp nữa cũng chẳng địch nổi. Trong thể thao, một cuộc chơi như vậy sẽ không được thừa nhận vì thiếu công bằng. Còn trong văn hoá quý tộc thuở nào, kẻ tự hào về vị thế quân tử của mình chắc đã từ chối lối hành động thiếu sang trọng đó, dù để bảo vệ một chân lí.

Nhưng văn hoá Việt Nam không xây dựng trên tinh thần thể thao và tinh thần quý tộc. Không phải không có những người phản đối dàn đồng ca nêu trên, nhưng có lẽ khả năng phản đối duy nhất mà họ có được và dám đem ra thực hiện là im lặng và chờ đợi. Im lặng và chờ đợi từ bao lâu rồi, không biết nữa. Im lặng và chờ đợi từ lúc sinh ra đến lúc chết đi. Còn những người đang ào ra đánh đòn hội chợ, đánh hôi, không ý thức rằng mình đang đánh đòn hội chợ, đánh hôi. Bi kịch không nằm ở chỗ có những Bác Hảo, mà nằm ở chỗ: những Bác Hảo ấy không thấy mình có lí do gì để xấu hổ, họ cho rằng kẻ duy nhất đáng xấu hổ là ông Nguyễn Huy Thiệp. Bi kịch không nằm ở chỗ có những thứ như "Năm điều Bác Hảo dạy", mà nằm ở chỗ: tất cả chúng ta đều có phận sự học, hiểu và thi hành những điều này cùng một cách, cách của các Bác Hảo.

*


Chẳng lẽ cách "yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào" của ông Nguyễn Huy Thiệp phải giống hệt cách của Bác Hảo? Nhưng muốn giống cũng chẳng được, vì chính Bác Hảo cũng đã từng liên tục thay đổi cách yêu cách ghét của mình. Đó là cái "Tổ Quốc tôi đau mà không dám khóc" (Trần Mạnh Hảo, Đêm phương Bắc nhớ về Tổ Quốc, 1988), cái Tổ Quốc "cứ phải đồng nghĩa với cơ hàn" (Trần Mạnh Hảo, Nhớ Nguyễn Bính, 1987) hay Tổ Quốc nào? Và đọc bài viết của bà Patricia Pelley thì lại thấy thêm một điều: muốn yêu dân tộc Việt Nam thì nên bắt đầu yêu từ giai đoạn nào, khi mà các sử gia Việt Nam tùy nghi xác định khởi nguồn dân tộc lúc thì ở thế kỉ thứ nhất, lúc thì ở thế kỉ thứ... 20, cách nhau cả hai ngàn năm? Ai có thể ngang nhiên tuyên bố rằng cái tình "yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào" của mình là tình yêu duy nhất đúng đắn? Không ai cả, trừ những kẻ có nhiệm vụ biến não trạng của kẻ khác thành giống hệt não trạng của mình.

Ông NHT lại cũng không thể và không nên "học tập tốt, lao động tốt" đúng như hình dung của Bác Hảo. Học tập và lao động như thế nào thì sự nghiệp văn chương của ông đã chứng tỏ. Dù cuốn tiểu thuyết Tuổi 20 yêu dấu của ông không thành công thì với tư cách một tác giả, chính là ông sẽ đứng trong lịch sử văn học Việt Nam chứ không phải một người nào trong số các Bác Hảo kể trên và cũng không phải tất cả họ cộng lại, tôi tin là như vậy.

Còn "đoàn kết tốt" ư? Tài năng và bất tài là hai thứ không thể dung nhau, làm sao mà đoàn kết giả vờ với nhau được. Làng văn Việt Nam hôm nay cũng như xã hội Việt Nam, đã phân hoá dữ dội, giữa trong nước và ngoài nước, giữa Nam và Bắc, giữa các thế hệ, giữa trung ương và các địa phương, giữa một nhúm người hăng hái tìm đường thay đổi và một số đông yên phận và thoả hiệp. Hoà bình, yên ấm, chẳng ai đụng tới ai, những thứ đó dành cho cái số đông yên phận và thoả hiệp ấy. Mà cũng nào có được. Mỗi lần Hội nhà văn xét giải thưởng hàng năm là một lần bằng mặt mà không bằng lòng, đó là chưa kể những vụ bầu bán chức tước lương bổng xuất ngoại tài trợ nước ngoài... Rồi mỗi con người nhà văn, tôi tin là kể cả những người đang tham gia vào dàn đồng ca kia hay những kẻ đang khoái trá xem cảnh đấu tố kia, cũng lại là một bi kịch phân thân và giằng xé, tự mình chẳng thể "đoàn kết nội bộ" ở bản thân, thâm tâm thì thừa nhận những kết luận của ông Nguyễn Huy Thiệp, ngoài miệng thì nương theo các Bác Hảo để sống sót hoặc nếu có thể thì hưởng chút lợi nhuận từ cuộc sinh tồn oái ăm của văn học Việt Nam.

Về khoản "kỉ luật tốt", trước hết nên thống nhất xem đó là kỉ luật gì. Nếu là kỉ luật của lao động nhà văn thì không ai làm mẫu cho ai noi theo được. Nếu là cái kỉ luật "đặt đâu ngồi đấy", "bảo gì nghe nấy", thì trước khi tuân theo, ông NHT nên đổi nghề, chuyển sang nghề làm đại biểu Quốc Hội.

Tiếp theo, ông NHT không có cách gì "giữ gìn vệ sinh thật tốt" theo đúng cách hiểu về vệ sinh của các Bác Hảo. Tốt hơn cả là hai bên tách môi trường của nhau ra, bên này cứ việc bảo bên kia là ô nhiễm trầm trọng, độc giả của mỗi bên sẽ được hưởng hay phải chịu chất thải của mỗi bên. Hai bên đã bất đồng ngôn ngữ tới mức chỉ còn có thể hiểu thái độ của nhau qua tiếng hét, tiếng chửi, vậy thì việc gì phải đối thoại và chung môi trường nữa?

Hành động "khiêm tốn", cộng thêm "thật thà" quan trọng của ông NHT so với các Bác Hảo là: Ông chỉ phát ngôn trong tư cách cá nhân của riêng một mình mình, ông không đưa "nhân dân", "dân tộc", "Tổ Quốc" ra làm lá chắn, không núp sau những cái bóng vĩ đại đó. Làm thế nào để có được sự kiêu ngạo, hợm hĩnh, và gian dối tới mức tự cho rằng mình, chính mình, mới đại diện cho tiếng nói của nhân dân, của tập thể, của lịch sử, của truyền thống, của dân tộc, của đạo đức... như tất cả các Bác Hảo, từng người một, giống hệt nhau, đã làm? Nhân dân nào, lịch sử nào, đạo đức nào... bầu họ, chứ không bầu ông NHT làm đại diện? Họ căn cứ vào số liệu thống kê nào, vào điều tra dư luận nào, vào cuộc bầu cử tự do nào, vào sự đánh giá rộng rãi và không bị kiểm duyệt nào? Mà chỉ lấy riêng mấy trăm hội viên Hội nhà văn Việt Nam ra xét, đã có cuộc bỏ phiếu nào cho thấy các Bác Hảo ấy đại diện cho tiếng nói của hội?

Hành động dũng cảm nhất của ông NHT trong vòng mười mấy năm nay kể từ ngày ông nổi tiếng là nói toạc ra cái sự thật về hiện trạng của văn học Việt Nam và các nhà văn Việt Nam. Ông không trình ra được một vốn liếng kiến thức sách vở chắc chắn, ông để lộ nhiều sơ suất trong đường lối lập luận và cho người đọc thấy những bất cập, những sở đoản của mình, nhưng điều đáng ngạc nhiên là bất chấp những thiếu sót ấy, bản năng nghệ sĩ của ông NHT vẫn giúp ông đưa ra những kết luận đích đáng cuối cùng, trong khi những kẻ khác có thể uyên bác, chắc chắn, thậm chí thông minh hơn, nhưng đã tìm mọi cách để không phải đến với những kết luận ấy.

*


Sự việc đã xảy ra rồi. Dàn đồng ca sẽ tiếp tục những điệp khúc của nó. Vấn đề là điều gì thật sự cần thiết sẽ xảy ra tiếp theo?

Về phía Hội nhà văn Việt Nam (HNVVN), nếu nó là một cái hội có lòng tự trọng, quan tâm tới việc bảo vệ danh dự của mình, có khả năng hành động và chịu trách nhiệm về hành động, chứ không phải một "công ty ma", thì tất nhiên nó phải đi đến quyết định sau: Ra một thông cáo báo chí, bày tỏ thái độ của mình trong sự kiện này. a) Nếu thấy những phê phán của ông NHT về Hội là hợp lý, phải đưa ra những biện pháp khắc phục tình trạng mà ông NHT chỉ ra. b) Nếu không đồng tình, phải yêu cầu ông NHT cải chính và xin lỗi. Ngoài việc cơ quan ngôn luận của Hội là tờ Văn Nghệ (và Văn Nghệ Trẻ) liên tục công bố và chỉ công bố hàng loạt giọng của dàn đồng ca nói trên, cho đến giờ phút này, HNVVN không có động tác chính thức nào trước công luận. Vì sao?

Về phía ông Nguyễn Huy Thiệp: Ông đã tự nguyện đứng vào hàng ngũ những người mà phần lớn là lưu manh, vô học, dốt nát, lăng nhăng... như ông nhận định. Người ta không thể vừa phê phán một kẻ là không xứng đáng, vừa tự nguyện làm bạn với kẻ không xứng đáng này. Nếu số đông tuyệt đối trong Hội nhà văn Việt Nam quả thật như ông NHT nhận xét, thì người quan sát không khỏi tự hỏi: Vì sao ông NHT không ra khỏi Hội, như một số nhà văn khác đã làm? Có thể ông đã đặt nhiều hi vọng vào HNVVN khi viết đơn xin vào Hội. Nhưng bây giờ, sau 15 năm, đi đến những nhận định phải đem ra mà trò chuyện với hoa thủy tiên như vậy, sao ông không hành động như một người có lí trí bình thường là rời khỏi cái chốn ấy? Hay ông cũng lo rằng, muốn thế nào thì muốn, cứ phải "bám vào" một cơ quan chính thống như thế mới tồn tại được? Ông cũng buồn nếu không được đi dự Đại hội mấy năm một lần chăng? Ông cũng sợ không có giấy giới thiệu của HNVVN thì khó lòng công du trong các đoàn đại biểu của văn học Việt Nam ra nước ngoài chăng? Ông sợ làm một nhà văn tự do chăng? Ông không dám làm một trong những hòn đá đầu tiên lăn đi, kéo theo những hòn đá khác chăng? Chẳng lẽ lại thế?

Nếu thật là thế thì này, hoa thủy tiên ơi, lời nói gió bay, cuối cùng thì chẳng có chuyện gì mà ầm ĩ lên thế!

© 2004 talawas