© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ TrẻVăn học Việt Nam
27.5.2004
NhÆ° Huy
Trả lời ông Phan Nhiên Hạo
 
Trong phần mở đầu của bài viết Mới-Cũ trong thơ và Hậu Hiện Đại mới đăng trên talawas, ông Phan Nhiên Hạo (PNH) đã khẳng định rằng, bài viết của ông (theo tôi, Như Huy, thấy, ngoài một số nhiệm vụ quốc tế cao cả khác như dịch thuật, sư phạm... còn) có một mục đích là: "... những phản ứng lại với ý kiến của Như Huy..."

Bài viết này của tôi, theo lẽ thường, là một bài viết để đáp lại bài viết của ông Phan Nhiên Hạo. Tuy nhiên như quý vị và ông Phan Nhiên Hạo sẽ thấy sau đây, bài viết này hoàn toàn không phải là một bài tranh luận với các đoạn dịch của ông Phan Nhiên Hạo về các lý thuyết thơ hậu hiện đại tại Hoa Kỳ cũng như về các đề nghị làm mới thi ca trong bài viết của ông.

Dù không đồng tình với phần lớn diễn giải của ông Phan Nhiên Hạo, bản thân tôi cũng cho rằng quyền khoe khoang lý thuyết là một quyền rất chính đáng của con người (nhất là của một số nhà thơ). Cái quyền khoe này có lẽ cũng chính đáng như quyền được kết hôn và xây dựng gia đình khi đủ tuổi (điều 16, tuyên ngôn nhân quyền 1948). Vả lại, nếu quyền khoe này không được tôn trọng thì thử hỏi sao có cơ hội mà thực hiện quyền kết hôn và lập gia đình? Nhìn dưới góc độ nào đó, có lẽ người ta cũng có thể liên hệ cái quyền khoe của loài người này với cái quyền xòe đuôi của loài công (công quyền) vậy. Cái quyền ấy, nói ngắn gọn là quyền cứ khi nào thích thì xoè đuôi ra -và trong lúc đang xòe đuôi thì cấm không ai được bắt đi giết thịt làm nem.

Như thế, để tôn trọng cái quyền của ông mà tôi vừa nêu, bài viết của tôi dưới đây sẽ chỉ là một bài viết theo kiểu tản mạn và chỉ quan tâm tới những gì ông Phan Nhiên Hạo viết dưới góc độ tác giả của tập thơ Thiên đường chuông giấy (TÐCG) và của bài thơ "Tấm ảnh những năm 60". Bài viết của tôi cũng sẽ đề cập tới một vài ý kiến khác của ông Phan Nhiên Hạo về thơ và về các nhà thơ trẻ Sài Gòn hiện tại (là một chủ đề mà tôi cũng quan tâm ít nhiều trong giới hạn khả năng của mình).

Khởi đầu bài viết, tôi xin được dành chút thời gian để minh định đôi điều mà ông Phan Nhiên Hạo đã viết trong phần mở đầu bài viết của ông, đại để là: Tôi, Như Huy, một họa sỹ, gần đây có viết một số bài về đủ các đề tài cầm kỳ thi họa v.v. Về các vấn đề khác như họa, kỳ, cầm, thì tôi xin được hẹn trả lời ông PNH vào một dịp khác, tuy nhiên về vấn đề thi, tức là văn chương ấy, - thì tôi xin phép nói rõ đôi chút với ông PNH.

Như đã viết ngay trong phần đầu của bài Trao đổi với Trần Wũ Khang - tất cả những gì mang tính chuyên môn sâu về văn chương đều không phải là những gì mà tôi muốn (và có thể) đi vào thông qua dăm bài viết trước đây của tôi. Những bài viết ấy, về bản chất - chỉ là những ý kiến rời của riêng tôi trong tư cách của một người đọc.

Có nghĩa là, dù gì đi nữa, tất cả những bài viết ấy của tôi đều là những bài viết dạng "ký sinh", bởi đều được sinh ra và liên thông từ (hoặc qua) một văn bản khác - Rất khác với (và không thể có chức năng của) những bài viết chuyên môn, lý thuyết sâu, tự tạo nên nguồn gốc cho mình.

Về mặt cá nhân, tôi tự cảm thấy góc độ của người đọc với tôi là một góc độ thích hợp nhất. Góc độ này cho phép tôi (cũng như mọi người đọc khác) chỉ quan tâm tới các tác phẩm cụ thể trong văn cảnh cụ thể, từ đó dựng nên một trường quan hệ rất thú vị giữa bản thân người đọc, cái được biểu hiện (signified) và cái biểu hiện (signifier) thông qua văn bản. Hơn nữa, nếu xem văn bản (tác phẩm) như một tổng thể mà trong đó bao gồm hai phần được liên kết hữu cơ, một phần là: suối nguồn dưỡng nuôi, tàng ẩn, các lý thuyết, các kết cấu ngầm v.v., và phần kia là hoa trái được kết tạo từ phần thứ nhất- thì, trên góc độ của một người đọc, và với quyền của người đọc - điều trước tiên tôi quan tâm là phần hoa trái -cái sau hết, đã được kết tinh và cũng là bằng chứng cuối cùng, duy nhất cho sự thành công hay thất bại của mục đích tác giả.

Nói nôm na là thế này, giả dụ như có một nhà văn nào đó -trong lúc đăng đàn bán sách lớn tiếng tuyên bố về vô số lý thuyết, các trào lưu, trường phái tân kỳ mà nhà văn ấy đã nghiên cứu qua cũng như các thái độ chính trị cấp tiến à văng gạc mà nhà văn ấy sở hữu - thì lẽ cố nhiên, công chúng (có lẽ nên trừ một vài cô gái trẻ yêu văn chương ra chăng?) sẽ chẳng cần quan tâm tới bài diễn thuyết ấy làm gì -cái mà họ quan tâm chỉ là tác phẩm và chính hành động của nhà văn ấy - Tức là những hoa trái sinh ra từ các lý thuyết và thái độ chính trị cấp tiến của nhà văn. Họ không cần biết nhà văn ấy đã nghiên cứu, suy luận, mọt sách đến cỡ nào. Họ không cần biết nhà văn ấy đã tư duy hay tuyên bố những gì dưới cảm hứng chính trị cấp tiến. Theo họ, nếu như tác phẩm của nhà văn ấy không thể hiện được nổi ra những gì nhà văn ấy nghiên cứu, suy nghĩ hay tuyên bố -thì đấy là một tác phẩm thất bại hoàn toàn. Cũng theo họ, nếu như hành vi chính trị xã hội (theo tôi, đối với nhà văn -có thể, và nên chính là hành vi văn chương) của nhà văn ấy không thể hiện được theo những gì mà nhà văn ấy lớn tiếng tuyên xưng - thì với họ, nhà văn ấy là một kẻ nói dối, một kẻ cơ hội.

Theo kinh nghiệm của họ (nhất là của những công chúng từng sinh ra, lớn lên, và được hân hạnh hưởng thụ nền giáo dục XHCN tại hoàn cảnh cụ thể là nước Việt Nam hiện nay) -cho tới giờ này, các cửa hàng có treo mấy cái đầu dê dưới biển hiệu, dù cửa hàng ấy nằm ở bất cứ nơi đâu (Quận Ba Đình hay Quận Cam), do bất cứ chủ hiệu nào điều hành (Nguyễn hay Tonny) - mà ở bên trong lại bán thịt chó, thì hành vi kinh doanh của cửa hàng ấy chắc chắn là một hành vi lừa đảo...

*


Thế nhưng giả định là nếu nhà văn nói trên ấy lại cười vào mũi độc giả và bảo: "Dù mi có không thấy những điều kỳ vĩ trong văn chương của ta, ta vẫn thấy". Thế nhưng nếu nhà văn ấy lại còn bảo: "Dù mi có thích hay không, nhưng ta còn truyền đời cho mi biết, tất cả các loại văn chương khác của các nhà văn khác trừ ta ra đều dốt hết". Có nghĩa là đã đến lúc mà ông chủ cửa hàng bán thịt chó ở đoạn trước, khăng khăng ép thực khách phải công nhận thịt ông ấy bán là thịt dê. Mà không chỉ có thế, ông ta lại còn ép các thực khách phải công nhận là trong hết cả thành phố, chỉ có nơi ông là bán thịt dê hảo hạng nữa... Thì đã sao? Thì đã sao nào?

Vâng, thì chẳng sao cả.

Ðó là quyền của nhà văn, quyền của gã chủ cửa hàng bán thịt, là nhân quyền, là nhà văn quyền, là chủ (cửa hàng) quyền, là dân chủ... là gì gì nữa.

Và cái quyền này, với những độc giả (hay nhất là những khán giả đã từng xem phim nhà nước tài trợ hoặc được giải tại) Việt Nam hẳn biết rất rõ. Bởi việc các nhà văn (hay đạo diễn) sử dụng cái quyền chê độc giả và các nhà văn (hay đạo diễn) khác là dốt hơn mình, thì lại đã là chuyện xưa như "Diễm" ở nước Việt Nam.

Dài dòng như thế, là cốt để nói với ông Phan Nhiên Hạo rằng -nếu ông Phan Nhiên Hạo (dù là đang ngồi ở Quận Cam) mà có sử dụng cái quyền nói trên để chê tôi (độc giả) và các nhà thơ khác như nhóm Mở Miệng chẳng hạn - (Xem thêm Thơ trẻ không nhất thiết phải là làn gió thối) là dốt, thì tôi cũng chẳng ngạc nhiên tẹo nào.

*


Xin được ngừng lại ở đây để nói đôi chút về cái căn nguyên mà từ đó bài viết của ông Phan Nhiên Hạo bắt nguồn.

Nguyên là trước đây, tôi có một bài viết trao đổi với tác giả Trần Wũ Khang. Ðó là một bài viết, như ngay từ cái tên gọi của nó - để đối thoại với tác giả ấy.

Chủ ý bài viết của tôi là nhằm trao đổi lại với Trần Wũ Khang về một số nhận định của riêng tôi đối với một số nhà thơ mà Trần Wũ Khang đã đề cập trong bài viết trước của ông. Trong những nhận định ấy, có một ý nho nhỏ nhắc tới Phan Nhiên Hạo và tập thơ TÐCG.

Trong bài viết của mình, Trần Wũ Khang đã nhận định:

"...Phan Nhiên Hạo với Thiên đường chuông giấy (1998) có thể ví như Huy Cận với Lửa thiêng thời Thơ Mới..."

Tôi tôn trọng ý kiến của Trần Wũ Khang, tuy nhiên, vì không phải là Trần Wũ Khang, và cũng sống ở Việt Nam như Trần Wũ Khang ở thời điểm ra đời tập thơ TÐCG nên lẽ dĩ nhiên tôi có ý kiến khác của riêng mình. Những ý kiến của tôi nói gọn lại là:

  1. Trường thơ của Phan Nhiên Hạo (trong tập thơ TÐCG) mang nhiều bóng dáng của không gian siêu thực trong một bộ phận thi ca miền Nam trước 75 (tôi nhấn mạnh)

  2. Tác động của nó với xã hội Việt Nam hiện tại không đời nào mang tính chất như tác động của tập Lửa thiêng (Huy Cận) với hoàn cảnh xã hội thời Thơ Mới (nếu so sánh tác động của tập thơ ấy với các tập thơ photocoppy, hoặc đăng trên web sau này của Nguyễn Quốc Chánh hay của các nhà thơ trẻ nhóm Mở Miệng).

  3. Bài thơ đăng báo tết (Người Hà Nội) của Phan Nhiên Hạo ("Tấm ảnh những năm 60") tuy vẫn mang tính chất tự sự và cấu tứ, nhưng đã không còn không khí siêu thực.

Vâng, và đây chính là nguồn cơn, mà từ đó, ông Phan Nhiên Hạo mới có bài phản ứng lại với nhận định của tôi.

Theo cách hiểu của tôi với bài viết của ông Phan Nhiên Hạo, thì trong bài viết ấy, tuy không nói ra, nhưng ông Phan Nhiên Hạo đã chấp nhận (với những nhận định của tôi về tập thơ TÐCG của ông ta) rằng, trong thơ của ông có cả những tính chất và không khí: "tự sự" [1] và "siêu thực" của Sài Gòn trước 75.

Tuy nhiên, sau đó, với rất nhiều trích dẫn của các đoạn thơ mà ông tự dịch - ông muốn chứng minh ngược lại rằng- thi ca hậu hiện đại cũng là thi ca siêu thực, và (nếu tôi không lầm ý của ông) thông qua đó, ông muốn nói rằng chính ông, với tập thơ TÐCG là nhà thơ hậu hiện đại tiên khởi, khác hẳn với các nhà thơ khác như nhóm Mở Miệng, với thơ "dơ" lưu manh, tục tĩu (chữ của ông) hay Ðỗ Kh. với thi ca"huề tiền" (chữ của ông luôn).

Như vậy là, về căn bản, ông coi tôi là không hiểu gì về chủ nghĩa hậu hiện đại - cho nên không hiểu được rằng thứ thơ (mà tôi thấy là đậm không khí siêu thực và tự sự của thi ca miền Nam trước 75) của ông là hậu hiện đại.

Như đã nói từ đầu, tôi sẽ không tranh luận với ông về cái chủ nghĩa hậu hiện đại chung chung, cái chủ nghĩa mà Jameson coi là tương ứng với giai đoạn thứ ba của chủ nghĩa tư bản đa quốc gia mang nặng yếu tố mở rộng thị trường, buôn bán và tiêu thụ sản phẩm, của năng lượng hạt nhân và kỹ nghệ điện tử (trái với giai đoạn trước của chủ nghĩa hiện đại tương ứng với chủ nghĩa tư bản độc quyền). Tôi cũng không muốn tranh luận về cái khái niệm "hậu hiện đại" mà, như chính ông đã viết trong bài viết của ông: "là một khái niệm phức tạp tới mức mà người ta còn đề nghị khái niệm "những chủ nghĩa hậu hiện đại" (Post modernisms).

Trong cả hai tư cách: người đọc và người làm nghệ thuật (thị giác, mối quan tâm của tôi tới chủ nghĩa hậu hiện đại chắc chắn sẽ có đôi chút khác biệt với mối quan tâm của ông. Như một độc giả - tôi chỉ quan tâm tới sản phẩm và cái hiệu ứng mà sản phẩm của ông tác động tới tôi, trong một văn cảnh cụ thể, thời điểm cụ thể và ngôn ngữ cụ thể - cái văn cảnh mà sản phẩm ấy (nếu không bắt nguồn thì) hướng về - chứ tôi không quan tâm tới những gì ông biện minh cho sản phẩm ấy. Còn như một người làm nghệ thuật - tôi chỉ quan tâm tới những lý thuyết và phương pháp có quan hệ tới ngành nghề của tôi và tự tôi thấy có ích cho tôi. (Ðiều này, chắc ông đã rõ khi xem website: www.vnvisualart.com mà tôi cùng một số bè bạn của tôi tại Việt Nam đang thực hiện.)

Tôi cũng sẽ không tranh luận với ông về cái gọi là môi trường hậu hiện đại tại Việt Nam, cái môi trường (theo tôi) đang gom gộp tất cả những éo le, trái nghịch, phi lý, hài hước cũng như những mối quan hệ chồng chéo phức tạp hư ngụy và phì đại [xin xem thêm bài viết "Chủ nghĩa hậu hiện đại tại Nga" - Mikhain Epstein, Ðào Tuấn Ảnh dịch, hay bài "Chủ nghĩa hậu hiện đại ở Trung Quốc" - Hoàng Vĩ Tông, Ðào Văn Lưu dịch (Chủ nghĩa hậu hiện đại, những vấn đề lý thuyết, NXB Hội nhà văn & Trung tâm văn hoá Ðông Tây, 2003) - theo tôi, tình hình du nhập của chủ nghĩa hậu hiện đại trong môi trường Nga hayTrung Quốc rất có nhiều nét tương đồng với tình hình đó ở Việt Nam] [2]

Chính cái môi trường "hậu Đông Âu và Liên Xô" tại Việt Nam này - Tôi ngờ, đã là điểm tựa đầy thuyết phục cho sự ra đời của một số dạng thi ca như của nhóm Mở Miệng, của Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng, v.v. (Đây lại là một vấn đề khác, hy vọng sẽ có dịp nào đó bàn với ông - tuy nhiên, tôi thấy bài viết vừa rồi của Trần Wũ Khang trên Tiền Vệ cũng khá lý thú đấy - ông nên tìm đọc.)

Tôi cũng lại sẽ không tranh cãi với ông về cách hiểu của ông trong việc ứng dụng không khí siêu thực đối với nghệ thuật hiện tại (trong đó có thi ca và nghệ thuật thị giác). Theo quan điểm riêng của tôi, việc các nghệ sỹ hiện tại sử dụng các phương pháp như siêu thực, biểu hiện, sắp đặt, ý niệm, v.v., không có gì lạ và đó chính là một đặc trưng của chủ nghĩa hậu hiện đại bởi tính chất nguyên hợp (Syncretism) và chiết trung (Eclecticism) của nó.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý là việc sử dụng và kết hợp một cách tự giác (tôi nhấn mạnh), tức là: coi các phương pháp sáng tác cũ (như siêu thực, ý niệm, hiện thực, biểu hiện, v.v. ) như phương tiện, luôn khác hẳn việc coi những phương pháp hay hiệu quả cũ ấy như mục đích.

Theo tôi hiểu, biếm phỏng (parody), nhại văn (pastiche), châm biếm (irony) chính là thái độ cần phải có - của các nghệ sỹ tự coi mình là hậu hiện đại trong việc tiếp cận với những phương pháp cũ để sử dụng cho nghệ thuật của mình - nhằm triệt phá chiều sâu - tức là khoảng cách giữa nội dung và bề mặt - yếu tính quan trọng nhất của chủ nghĩa hiện đại. (Và đây là những gì, xin lỗi ông, tôi chẳng hề tìm thấy được trong tập thơ TÐCG cũng như trong bài thơ lẻ "Tấm ảnh ..." của ông.)

Một trong những ví dụ mà tôi cho là thể hiện rất rõ việc sử dụng các phương pháp siêu thực trong nghệ thuật hậu hiện đại chính là một số tác phẩm của nghệ sỹ Lucas Samaras. Trong những bức phong cảnh không nguồn gốc (park 33 hay Conflict 23 - 2003) của ông, tuy rằng người ta vẫn có thể thấy ra một không khí siêu thực nào đó bảng lảng thông qua những đối vật tồn tại theo kiểu di thực...- Ấy thế nhưng tất cả các thành tố mang tính mờ ảo, siêu hình, tiên nghiệm, những thành tố có mối liên hệ từ hiện thực và được mộng mị hóa trong những tình thế theo kiểu được soi vào gương lõm, những thành tố tạo nên bóng tối vô thức ở khoảng giữa sâu của nội dung và bề mặt - đều đã bị triệt phá. Thay vào đó là một không gian nông, trắng trợn và phi ý nghĩa, đẫm tính chất "ngụy tạo" cũng như tính chất châm biếm và phi nguồn gốc, tương tự như những hình ảnh và không gian của hiện thực ảo do computer làm ra vậy...

Hoặc có thể lấy tác phẩm 5 phần (mà theo tôi là) vô tiền khoáng hậu của Matthew Barney - "The Cremaster Cycle" - làm ví dụ. Ðây là một tác phẩm mang ngập tràn những yếu tố hậu hiện đại: hư ngụy, phì đại, biếm phỏng, nhại giễu, siêu thực, và trên hết là lạ lùng không tả nổi... Tác phẩm mang theo những mảnh rời phi lý và rối ren của một hiện thực ảo thị lỏng lẻo, tỏa ra cảm giác chênh nghịch kỳ quái ở những cảnh như khi nhà văn Norman Mailer đeo hai khinh khí cầu bằng vaseline nóng chẩy chạy dọc xuống theo đường dốc xoắn ốc ở Guggenheim, hay cảnh cuộc đấu tàn bạo giả tưởng diễn ra ở tầng hầm tòa nhà Chrysler, hay cảnh thể hiện cuộc giải phẫu cắt bộ phận sinh dục và nhét vào đó một cái ống cũng như những màn nhào lộn chênh vênh trong các hành lang của bảo tàng Guggeinheim - với những nhân vật nửa người nửa thú...(Những thông tin về tác phẩm này, nếu có ai quan tâm có thể xem trên website: http://www.cremaster.net/)

Sau cùng, tôi cũng sẽ lại càng không tranh cãi với ông PNH về cái mà ông gọi là trách nhiệm chính trị hay xã hội (trong một bài viết của ông -Thế hệ nhà văn trẻ Việt Nam sau 75 và ông vua cởi truồng) của các nhà văn trẻ Việt Nam (không biết tôi có nhầm không, nhưng có vẻ như các nhà văn ấy bị ông coi là hèn - May quá, dù cũng hèn nhưng tôi lại không viết văn và bởi vậy không bị ông mắng.) Tôi không bình luận gì về nội dung của bài viết đó, tôi chỉ hỏi ông là, liệu ông có dám đem vợ con về lại Việt Nam sống không? Và nếu như khi sống tại Việt Nam, liệu ông có dám làm những bài thơ và sống một đời sống như của Nguyễn Quốc Chánh, hoặc Bùi Chát, Lý Ðợi, Phan Bá Thọ...hay không? Nói thì bao giờ cũng dễ lắm (chúng ta cùng là người Việt mà, cùng quá hiểu điều này). Tôi sợ rằng, khi về Việt Nam sống rồi, sau vài năm, có khi ông lại còn lên đến chức tổng biên tập hay thư ký của một vài tờ báo lớn ấy chứ. Ðiều này, xét cho cùng, cũng không có gì khó hiểu lắm nếu liên hệ tới việc là, ngay khi ông còn ở tại Mỹ và tuyên bố về chính trị mạnh miệng như thế, mà thơ ông vẫn chễm chệ ngồi chiếu trên trong báo Người Hà Nội số xuân đặc biệt (hẳn ai ở Việt Nam đều biết rằng, để có mặt trên số đó thì là thiên nan vạn nan đến thế nào, và các nhà thơ trẻ Sài gòn hay Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng thì đừng hòng mà mơ).

Viết tới đây, tôi lại nhớ tới một câu truyện của Kafka - "Nghệ sỹ nhịn đói" - câu chuyện kể về một nghệ sỹ nhịn đói rất nổi danh, mà sau cùng người ta biết được rằng ông ta trở nên nghệ sỹ nhịn đói chỉ bởi ông ta không thể ăn và ngửi nổi các đồ ăn mà người ta cho ông ta ăn.

Theo ông, giữa các nhà thơ như Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng, Lý Ðợi, Bùi Chát, Phan Bá Thọ, Khúc Duy...và chính ông, ai là nghệ sỹ nhịn đói, ai là nghệ sỹ ăn no, ai là nghệ sỹ vừa ăn no đến nghẹn cổ vừa gào váng lên là ta đang nhịn đói...?

Sau hết, điều tôi muốn đặt ra với ông qua bài viết này, đó là những mâu thuẫn và lấp liếm trong nhận định cũng như các đánh giá bất công có chủ ý của ông đối với một số nhà thơ trẻ Sài Gòn.

Bản thân tôi cảm thấy sự chê trách của ông vào một số nhà thơ trẻ Sài Gòn: "là tục tĩu, sáo mòn, hay làm nghèo nàn thơ ca" dường như đã rất mâu thuẫn với mục đích phổ biến chủ nghĩa hậu hiện đại của ông.

Ông nên nhớ, ngay từ cuốn sách Complexity and Contradiction in Architecture vào năm 1966 của Venturi (một trong những cuốn sách rất quan trọng trong bảng phả hệ của chủ nghĩa hậu hiện đại) đã có những dòng như thế này:

"...Những kiến trúc sư không thể chịu đựng lâu hơn sự hăm dọa bởi ngôn ngữ giáo điều của kiến trúc hiện đại chính thống. Bản thân tôi thích những nguyên tố lai hơn là thuần khiết, sự trộn lẫn hơn là sạch,sự xuyên tạc bóp méo hơn là trung thực. Tính nước đôi mơ hồ hơn là sự rõ ràng. Sự ngang bướng cũng tốt như sự lành hiền, buồn chán cũng tốt như phấn hứng, nguyên sơ tốt hơn là được thiết kế, sự kết hợp hơn là loại trừ, sự phức tạp hơn là giản dị, dấu tích cổ cũng tốt như sự cách tân, sự tương phản và lập lờ hơn là trực tiếp và rõ ràng. Tôi là sức tồn tại bản năng và hỗn độn vượt lên trên tình thống nhất rành mạch." (Như Huy nhấn mạnh.)

Dưới góc độ của các ý kiến này, những phê phán của ông - nhằm vào các nhà thơ trẻ Sài Gòn (cũng như một số nhà thơ khác) là nghèo nàn, tục tĩu, huề tiền,... và so sánh họ với những kẻ du thủ du thực ngoài đường phố (Thơ trẻ không nhất thiết phải là làn gió thối) v.v., có vẻ như lại đã mang cái giọng điệu của một "thi phiệt" hiện đại - có biên chế trong Hội nhà văn Việt Nam, với những cái đại tự sự rất to về học vấn, sự hợp lý, "sự phong phú và các yêu cầu nội tại của thi ca".

Và lời khuyên bảo ân cần của ông đối với các nhà thơ trẻ ấy: "Làm mới văn chương là phải viết những tác phẩm chân thực, với một không khí và tinh thần mới, chứ không phải tỏ ra bản lĩnh bằng những trò tục tĩu ..." - đã rất ra cái vẻ của một "anh giáo làng lưỡng cư" (Không phải tôi nghĩ ra từ ấy đâu nhé - tôi đọc trên talawas đấy) doạ các cậu học trò hư tại một bộ lạc bản địa.

Một vấn đề nữa, tôi cũng lại muốn khẳng định với ông Phan Nhiên Hạo qua bài viết trả lời này của tôi là: các lý thuyết hay những trào lưu mà ông đã đọc qua không phải là điều tôi quan tâm. Đó là chuyện của riêng ông mà thôi [và của các nhà văn khác, những người có hứng thú bàn chuyện học (hay dịch) thuật với ông]. Với tôi, dù ông có mắt sáng như sao, có đọc vô số kể, hay là ông có mù (Anh ngữ) đi nữa - tác phẩm của ông, cũng như những tác động của nó tới cái cộng đồng mà nó hướng về trước tiên [3] - mới là điều tôi để tâm tới.

Với trường hợp cụ thể là tập thơ TÐCG của ông cũng vậy, dù cho ông có mang ra vô số lý thuyết, hay các trào lưu rồi tìm cách gán nó vào với tập thơ của mình, cũng chẳng thể thuyết phục được tôi là tập thơ ấy thấm đẫm không khí hậu hiện đại, hay "có cái mức độ và tác động theo kiểu Huy Cận với Lửa thiêng thời Thơ Mới - theo như nhận định của Trần Wũ Khang về tập thơ ấy của ông, một nhận định, mà không quá ngạc nhiên, có vẻ như đã làm ông rất hài lòng.

Và cuối cùng, nếu tôi không lầm, trong bài viết của mình, ngoài việc biện minh rất rõ cho tập thơ TÐCG (mặc dù ông khăng khăng bảo rằng không), riêng tôi cũng còn thấy cả cái vẻ đang tự tìm cách đồng nhất bản thân mình của ông, vào với các nhà thơ Mỹ hàng đầu nữa.

Nếu đúng như thế thì tôi cũng xin chúc ông thành công.

Tuy nhiên, nếu như tôi nhớ không lầm, thì các nhà thơ ấy như: Saul Bellow, Plath, Anne Sexton, John Berryman...hay ngay cả hai người mà ông đề nghị làm khuôn mẫu cho thi ca hậu hiện đại Việt Nam là: John Ashbery và Bishop đều chưa ai làm thơ bằng tiếng Việt cả.

Thế này thì lại quả là có hơi khó cho ông rồi...

5. 2004

© 2004 talawas




[1]Ở đây có một hiểu lầm nho nhỏ khi Phan Nhiên Hạo coi thuật ngữ "tự sự" mà tôi dùng để nói về không khí tập thơ TÐCG của ông chính là thuật ngữ "Confession" (tạm dịch là: thú tội). "Tự sự"(narration) theo nghĩa tôi dùng hoàn toàn khác với "thú tội" (confession). Theo tôi hiểu, dạng văn chương "thú tội" (confessional literature) được khởi nguồn từ truyền thống confessions của Thánh Augustine và Jean-Jacques Rousseau, cũng như của các nhà văn trong trào lưu confessional poetry - đã được định nghĩa là: "phát lộ ra những trải nghiệm và xúc cảm riêng tư trong một không khí thống hối (painfull) và thẳng căng (intensity) - NTC's Dictionary of Literary Term - 1991. Rõ ràng cái không khí này chẳng liên quan gì tới không khí kể chuyện, ký thuật (narrative) mà (riêng) tôi thấy rất rõ trong tập thơ TÐCG cũng như trong bài thơ "Tấm ảnh những năm 60 của Phan Nhiên Hạo. Nhân tiện đây, nếu để gọi là so sánh nhằm hiểu kỹ hơn khái niệm "confession" hay "narration" trong văn cảnh cụ thể của thi ca Việt Nam đương đại, mời độc giả đọc thử bài "Lỗ thủng lịch sử" của Nguyễn Hữu Hồng Minh (Tiền Vệ) và chính bài "Tấm ảnh những năm 60" của Phan Nhiên Hạo (Tiền Vệ), và so sánh thử xem bài thơ nào mang đậm tính chất của dạng thi ca confessional poetry hơn.
[2]Theo tôi, riêng về vấn đề của chủ nghĩa hậu hiện đại, hay thái độ hậu hiện đại, hay văn cảnh hậu hiện đại ở Việt Nam, ngay tại thời điểm này cũng đã có một số nhà nghiên cứu quan tâm, và có những nhận định rất sâu sắc, bổ ích, như các tác phẩm của hai nhà nghiên cứu Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc Tuấn hoặc một số cuốn sách dịch mới in gần đây tại Việt Nam đề cập tới (như Văn học hậu hiện đại - những vấn đề lý thuyết, NXB Hội nhà văn, Phê phán tính hiện đạI - Allain Tourain, NXB Thế Giới, Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa kỳ thế kỷ 20 - NXB Ðại học Quốc Gia...)
[3]Xin lưu ý rằng, sở dĩ có những ý kiến của tôi cũng như của Trần Wũ Khang về tập thơ TÐCG của ông Phan Nhiên Hạo -chính là bởi, chúng tôi, một cách rõ rệt, cũng chính là những công chúng mà tập thơ ấy hướng về thông qua việc tập thơ ấy được viết bằng tiếng Việt và do một nhà xuất bản người Việt in.