© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
2.6.2004
Dương Tường
Người chưng cất nỗi đau thành hy vọng
Lời dẫn trong buổi đọc văn của nhà văn Bùi Ngọc Tấn tại Viện Goethe Hà Nội, ngày 28.5.2004
 
Thưa quý vị và các bạn,

Hôm nay, chúng ta gặp mặt ở đây để mở đầu một dạng hoạt động mới của Viện Goethe Hà Nội, phù hợp với thiên chức thừa kế từ đại thi hào Ðức mà Viện mang tên. Ðó là những buổi giới thiệu văn học sẽ tổ chức thường kỳ, trong đó các bạn yêu văn học sẽ có dịp gặp gỡ và giao lưu với những nhà văn, nhà thơ mà mình mến mộ.

Người đầu tiên nhận lời tham gia sinh hoạt này là nhà văn Bùi Ngọc Tấn đến từ thành phố cảng Hải Phòng. Nếu hạnh phúc là tổng hoà của những vui sướng và đau khổ, tủi nhục và an ủi, hy vọng và tuyệt vọng, hạnh ngộ và bất hạnh, cũng như ký ức không phai nhạt về tất cả những trải nghiệm ấy, thì Bùi Ngọc Tấn co thể coi là một người hạnh phúc. Tôi thì tôi ưng gọi Bùi Ngọc Tấn là người chưng cất nỗi đau thành hy vọng. Không, thưa quý vị và các bạn, tôi sẽ không dài lời về nỗi đau ấy. Chỉ xin nói rằng nhà văn mà chúng ta sắp nghe đọc tác phẩm đã có một quãng im lặng kéo dài hơn hai thập kỷ, hơn hai thập kỷ không cất nổi bút trong đời văn của mình. Nhưng rồi ông đã vượt lên những ê chề của số phận. Qua nhưng năm dài hoạn nạn, Bùi Ngọc Tấn đã giàu thêm bao trải nghiệm trên mọi cung bậc trầm luân của nhân sinh và hoà đồng với những thân phận phó người sau này trở thành tiêu mẫu cho các nhân vật của ông trong các tập truyện Những Người Rách Việc, Một Ngày Dài Ðằng Ðẵng, trong Chuyện Kể Năm 2000, chưa kể những trang đầy tình nghĩa trong Một Thời Ðể Mất, Viết Về Bè Bạn. Những gì chảy ra từ ngòi bút Bùi Ngọc Tấn khiến tôi nghĩ đến quan điểm của Albert Camus về nhà văn và nghề văn được bày tỏ trong diễn từ nhận giải Nobel văn học tại Stockholm (Thuỵ Ðiển) ngày 10/12/1957:

"Theo định nghĩa, nhà văn giờ đây không thể phụng sự những người làm ra lịch sử, anh ta phục vụ những kẻ cam chịu lịch sử. Nếu không, anh ta sẽ cô đơn và mất nghệ thuật của mình. Tất cả những đạo quân của bạo cường với hàng triệu người cũng sẽ không cứu nổi anh ta ra khỏi sự cô đơn, ngay cả và nhất là nếu anh ta thuận tình đi đều bước với họ. Nhưng sự im lặng của một người tù không quen biết ở tận cùng thế giới, bị bỏ mặc trong nhục nhằn, cũng đủ kéo nhà văn ra khỏi trạng thái lưu đày ấy mỗi khi, giữa những đặc quyền đặc lợi của tự do, anh ta có thể vượt lên để không quên sự im lặng đó và làm cho nó vang lên bằng những phương tiện của nghệ thuật."

Và đây xin mời quý vị và các bạn lắng nghe im lặng đó vang lên qua một truyện ngắn nhan đề Người chăn kiến của tác giả Bùi Ngọc Tấn.

© 2004 talawas