© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
Loạt bài: 50 năm Chiến Thắng Điện Biên Phủ
 1   2   3   4   5   6   7   8 
7.5.2004
Laurent Colin
Mai Văn Hiến, hoạ sĩ chiến khu
Phạm Toàn dịch
 
Bộ Văn hoá Việt Nam có lẽ nên xếp hạng ngôi nhà số 65 phố Nguyễn Thái Học ở Hà Nội. Nằm không xa Bảo tàng Mỹ thuật và Văn Miếu, ngôi nhà kiểu thuộc địa này bây giờ đã hơi ọp ẹp, gồm có một tầng trệt và hai tầng lầu với rất nhiều phòng, đó là nơi mà nhiều hoạ sĩ Việt Nam từng sinh sống, trong đó có những người thuộc hàng nổi tiếng nhất. Từng ở đây có Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Trần Đông Lương, Nguyễn Văn Giáo, Huỳnh Văn Gấm, Song Văn, Nguyễn Văn Lý (ba ông sau gốc miền Nam tập kết ra Bắc sau Hiệp nghị Genève). Cả thế hệ này giờ chỉ còn sót lại có Mai Văn Hiến, chứng nhân đặc biệt và cợt nhả của cái thời kỳ tận mắt thấy nền hội hoạ Việt Nam ra đời và phát triển trong những điều kiện cơ cực. Ta sẽ bắt gặp ông nơi sân sau tầng dưới, ở không xa với con gái ông, trong một gian phòng biệt lập tối tăm mà ông thực sự không rời khỏi được nữa, gian phòng có cánh cửa sổ luôn luôn khép lại song vẫn chẳng ngăn nổi tiếng ồn từ ngoài phố đưa vào. Cũng như xưa, ta vẫn còn nghe được tiếng chuyện trò của khách ăn cháo, uống cà phê hoặc uống bia trên vỉa hè ngay cả khi giờ đây tiếng gầm gào của ô tô xe máy đang dần dần ngập tràn Hà Nội và làm lấp mất tiếng người qua lại. Trong gian phòng này, quăng chồng trên nền nhà, trên giá sách và trên giường nào báo cũ báo mới, những bộ sưu tập tranh in cùng những tuýp sơn và một vài bức hoạ đặt hàng được tác giả bắt tay làm nhưng rồi chẳng bao giờ hoàn thành. Buổi xế trưa, từ chiếc ti vi màu đỏ phát ra tiếng ca ỉ eo của một nữ ca sĩ trong khi Mai Văn Hiến chập chờn ngủ. Trên tường chẳng có cái tranh nào, cả tranh của ông cũng như của các hoạ sĩ ông từng kề vai sát cánh suốt năm chục năm qua. Chỉ nhõn một phiên bản chân dung do hoạ sĩ Trung Hoa Tề Bạch Thạch vẽ cùng những tấm ảnh các cụ thân sinh vợ ông trên ban thờ.

Mai Văn Hiến đúng là một người Việt Nam có đủ cả chất Nam lẫn Bắc. Mặc dù phụ thân là một bác sĩ thú y nói tiếng Pháp gốc gác Nam Kỳ (Mỹ Tho), song ông lại ra đời ngày 1 tháng 9 năm 1923 ở Đà Nẵng tại Trung Kỳ, con út một gia đình có sáu cậu con trai. Ông học trung học ở trường Khải Định tại Huế. Thiên hướng mạnh mẽ về hội hoạ của Hiến, mà năm anh em trai kia không có vì họ ngả mạnh hơn về nghề thương lái hoặc ngạch cơ khí, vào năm 1941 đã dẫn dắt ông đi ra Bắc, ra Hà Nội để chuẩn bị thi vào trường Mỹ thuật Đông Dương. Sau hết, đây cũng là điều quan trọng cần nói thêm, ấy là trong căn cước của ông còn có thêm một người ông ngoại là một công chức Pháp.

Đối với trường Mỹ thuật ở số 42 phố Yết Kiêu, Mai Văn Hiến vẫn giữ được một kỷ niệm cảm động, thậm chí còn mang ân tình nữa nếu ta không gà mờ về mục đích cái nhà trường này, ấy là nó nhằm giữ chân đám thanh niên rất dễ cọ sát với các tư tưởng tự do giải phóng ở bên chính quốc. Mỗi khoá gồm chừng chục sinh viên ăn mặc kiểu tây và là con nhà tiểu tư sản viên chức và buôn bán nhỏ ở Hà Nội (cho dù khi đó có tổ chức thi tuyển cả ở Huế, Sài gòn, Vientiane và Phnom Penh). Cùng khoá với Mai Văn Hiến còn có cả Trần Duy, Lê Thanh Đức, Mai Văn Nam, Phạm Tăng (nay đang ở Pháp). Ta cũng nên chú ý rằng người đỗ đầu kỳ thi tuyển khoá học 1942 là một nữ thí sinh, Đặng Thị Viên Chăn. Không phải đóng học phí - một vài sinh viên còn được học bổng - việc học trong ba năm đầu tập trung vào hình hoạ vẽ theo người mẫu. Người ta học cách dùng chì than và đồng thời cũng học cả cách ghi chép hình hoạ khảo cổ, trang trí, luật viễn cận và giải phẫu. Bắt đầu từ năm thứ ba, sinh viên được chọn một chuyên ngành (sơn mài, điêu khắc hoặc hội hoạ). Được đặt dưới quyền của Evariste Jonchère từ năm 1938, Trường tập hợp được những giáo sư người Việt như Nam Sơn và người Pháp như Joseph Inguimberty. Nhưng giờ đây Mai Văn Hiến nhớ nhất đến Tô Ngọc Vân. Thầy Vân dạy họ nhưng tôn trọng tính cách từng sinh viên, để họ có quyền tự do phát triển phong cách riêng và giữ gìn sự thành thực của mình. Ảnh hưởng của Tô Ngọc Vân quả là có tính chất quyết định đến cả một thế hệ, những lời khuyên nhủ của thầy Vân vẫn còn đọng lại trong ký ức học trò cũ của ông. Màu đen đích thực là màu đen được trộn giữa Xanh Outremer và Nâu van Eyck, ông giảng giải cho sinh viên như thế. Về sơn dầu, không bao giờ nên trộn nhiều hơn ba màu và cần rất nhiều dầu pha để hoà tan màu ra kỳ hết bản phác thảo.

Song việc học của Mai Văn Hiến tại trường Mỹ thuật đã phần nào bị Lịch sử đụng chạm tới. Tháng chạp năm 1943, máy bay quân sự Mỹ ném bom các doanh trại quân Nhật nằm cạnh trường, và vài quả bom cũng rơi trúng trường. Một giáo sư người Pháp dạy khoa kiến trúc tử vong và vài sinh viên bị thương. Sau đó Trường bị đóng cửa nhiều tháng trời.

Tháng tư năm 1944, các lớp học được mở lại: sinh viên, trong đó có Mai Văn Hiến, được Inguimberty và Tô Ngọc Vân đưa lên Sơn Tây cách Hà Nội 60 cây số, làm ngược lại ý của Evariste Jonchère, người ưng những cảnh quan màu sắc châu Âu của Đà Lạt ở phía Nam hơn.

Vào năm 1945 sau cuộc đảo chính của quân đội Nhật, trường lại bị đóng cửa và các giáo sư người Pháp bị quản chế. Việc học hành của Mai Văn Hiến ngưng lại năm đó và cũng như nhiều hoạ sĩ trẻ khác, ông tìm đến với công cuộc Kháng chiến. Và vào tháng 11 năm 1945, ông bộ trưởng Tài chính Phạm Văn Đồng đã bắt liên lạc với Mai Văn Hiến và ba hoạ sĩ khác (Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Huyến) mời họ vẽ giấy bạc cho chính phủ mới. Mẫu tờ bạc 5 đồng của Mai Văn Hiến đã được chấp nhận.

Sau khi tuyên bố độc lập vào tháng 8 năm 1945, có những giáo sư người Việt lại đến dạy ở phố Yết Kiêu cho tới khi chiến tranh bùng nổ giữa Pháp và Việt Nam vào tháng chạp năm 1946. Khi đó Mai Văn Hiến đã rời Hà Nội đi tham gia kháng chiến. Năm 1947, ông trở thành hoạ sĩ trong quân đội (cũng như Dương Bích Liên, nhưng ông này chỉ làm đến năm 1951) và gia nhập Hiệp hội Nghệ sĩ Kháng chiến Việt Bắc, nơi tập hợp tất cả các hoạ sĩ. Khi đó, công việc của ông chủ yếu là lên khuôn báo và minh hoạ các tờ báo của quân đội. Ông không mang vũ khí và không trực tiếp chiến đấu, không như các hoạ sĩ tham gia kháng chiến khác. Vì thế mà một anh tốt nghiệp Trường Mỹ thuật tên là Nguyễn Cao Thương, hoạ sĩ ở một tiểu đoàn pháo binh, đã có công hạ chiếc máy bay địch đầu tiên ở miền Nam khi chiến tranh bắt đầu bùng nổ.



Năm 1954 hiển nhiên là một năm bản lề đối với Mai Văn Hiến không chỉ vì đất nước ông đã được độc lập, mà còn vì ông tham gia trọn vẹn vào các trận đánh ở Điện Biên Phủ. Đương nhiên là cũng có mặt cả các sinh viên "Khoá Kháng chiến" của trường Trung cấp Mỹ thuật (hoạt động ở chiến khu từ năm 1950 dưới quyền hoạ sĩ Tô Ngọc Vân): Ngô Tôn Đệ, Nguyễn Thế Vỵ, Ngô Mạnh Lân, Lê Huy Hoà, Trần Lưu Hậu, Văn Giáo. Có những chiến sĩ Quân đội Nhân dân, phần lớn là tự học, cũng lao vào vẽ như Huy Toàn, Nguyễn Bích hay Phạm Thanh Tâm. Nhưng, cùng với Nguyễn Sáng, Mai Văn Hiến là hoạ sĩ thành danh được chính thức cử tham gia vào các trận đánh quyết định tương lai đất nước. Lẽ ra các hoạ sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Văn Tỵ và Nguyễn Sĩ Ngọc phải nhập vào với ông sau khi Điện Biên Phủ thất thủ, nhưng trên đường đi đến đèo Lũng Lô, một trận bom Pháp ném ngày 17 tháng sáu năm 1954 đã chặn các hoạ sĩ này lại. Tô Ngọc Vân bị thương vì đá văng phải và qua đời một tháng trước khi ký Hiệp nghị Genève. Nguyễn Văn Tỵ và Nguyễn Sĩ Ngọc quay trở lui.

Vậy là ngày 13 tháng ba năm 1954, Mai Văn Hiến tham dự vào các trận tiến công mở màn ở Điện Biên Phủ với việc hạ cứ điểm Béatrice (Him Lam) rồi ngày 15 tháng ba là cứ điểm Gabrielle (Độc Lập). Mai Văn Hiến vẽ dưới làn đạn một tấm áp phích khổ 5 mét trên 4 mét kêu gọi binh lính cứ điểm Anne-Marie (Bản Kéo) ra hàng. Ngày 16 tháng ba, lính Thái ở cứ điểm này ra hàng, mặc dù Hiến vẫn khiêm tốn cho rằng tấm áp phích của ông chắc chắn chẳng làm nên chuyện gì ghê gớm cả. Phần lớn công việc tuyên truyền ông tiến hành nhằm mục đích giáo dục cho chính các chiến sĩ của bên mình. Bộ tham mưu Việt Minh ngay từ ban đầu đã hiểu đầy đủ vấn đề sức khoẻ của quân đội, do đó việc tiếp tế lương thực sẽ là nhân tố chủ chốt cho sự thành công của cuộc bao vây cứ điểm. Nhưng ở đây người ta không chỉ chiến đấu chống lại kẻ thù là bọn thực dân, mà còn phải chống lại các bệnh nhiệt đới như sốt rét, vắt muỗi và côn trùng, và chống lại cả sự mỏi mệt nữa. Vì vậy cả một nhà máy in lưu động đã được cõng lên tận Điện Biên Phủ để in những tờ rơi. Mai Văn Hiến phải tự tay tạo ra những bản in nho nhỏ có hình ảnh để nhắc nhở binh sĩ ta rửa chân cho sạch, xong rồi phải lau chân cho khô, hoặc mô tả cả cách thức mắc màn đúng quy cách. Đem treo trên thân cây giữa nơi đóng quân, những hình vẽ này được anh em dùng màu tự tạo để tô điểm thêm. Lá tươi vò ra cho màu xanh, một hòn đá nhặt ở suối nghiền ra cũng cho màu nâu hoặc đỏ thẫm, còn màu đen thường là từ thuốc nhuộm quần áo. Thuốc men bổ sung thêm gam mầu tươi sáng: màu xanh từ thuốc methylen, màu vàng từ kí-ninh và màu đỏ từ thuốc sát trùng mercurochrome.

Mai Văn Hiến vẽ không biết mệt các ký hoạ bằng bút chì Comté, ký hoạ mực (bút lông hoặc bút sắt) lên những tờ giấy rời. Vẽ xong ông cuộn tròn chúng lại rồi cất vào ống tre đeo ngang ngực để khi cần thì có thể lấy nhanh ra mà ghi chép đơn sơ nhưng chính xác vài ba nét của một bối cảnh nào đó. Những ký hoạ này tạo thành một bộ nhật ký có giá trị tư liệu đặc biệt không chỉ về Điện Biên Phủ mà còn về tất cả những nơi nào trong công cuộc Kháng Chiến ông từng có mặt từ 1949 đến 1954 (Cao Bằng năm 1949, Sơn La từ 1953 đến 1954, Thái Nguyên, từ 1947 đến 1954, Sam Neua bên Lào năm 1953…). Tuy vậy, Mai Văn Hiến không quan tâm đến chiến trận chỉ về những phương diện thuần chiến trận. Ký hoạ duy nhất của ông về đề tài đó mà tôi được xem là căn hầm hoang vắng của De Castries ông vẽ ngày 8 tháng năm 1954 khi viên đại tá này đã ra hàng. Không bao giờ ông vẽ cảnh bạo lực của trận chiến. Cái ông ưng ngắm nhìn ấy là cuộc đời thường nhật của các chiến sĩ tình nguyện phía hậu tuyến.



Độ chênh như vậy giữa một cuộc sống được mô tả đến từng chi tiết và những cuộc giao chiến được làm ngơ đi hẳn có thể khiến ta ngạc nhiên, nhưng tác phẩm nó tạo ra thật đặc biệt và làm ta đau nhói, hoàn cảnh dù có thế nào thì vẫn thơ mộng đến mức nghịch cảnh.

Đội quân nhân dân này bao gồm những người thị thành như cái anh chàng Hà Nội nhìn phía lưng cũng nhận ra, được Mai Văn Hiến kể lại cho chúng ta thông qua cái cung cách anh này đứng trong cuộc họp. Nhưng nhiều hơn nữa là những hình ảnh nông dân, ống quần lùng thùng, mũ nan quá khổ kết lá nguỵ trang che gần kín hết mặt mũi. Có những nhân vật khác lại đội mũ nồi sụp xuống tận tai hoặc đội mũ ca-lô lệch, khoác áo vét nhiều túi lớn hoặc mang áo trấn thủ. Đôi khi họ đi chân đất nhưng thường thì mang dép lốp cao su, những đôi dép mà cụ Hồ Chí Minh cũng mang. Ta thấy trong ký hoạ của ông những chiến sĩ xuất thân dân tộc thiểu số và cả những bà mẹ, những cô gái, đầu trần hoặc chít khăn, những người quên hiểm nguy cho tính mạng mình, dưới bom đạn của quân thù đã đi hàng chục cây số để mang lương ăn và đạn dược ra mặt trận. Trong tranh của ông có cả những em bé cũng giúp tiếp lương tải đạn hoặc đi làm liên lạc, những Em Lượm có thực đã được Tố Hữu ngợi ca trong thơ ông:

"Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh"

Ta chớ để mình bị lừa vì tính giản dị, có thể nói là thơ ngây, của từng bức ký hoạ. Ngược lại, ta cần xem chúng hết sức chăm chú. Điều đập vào mắt ta, đó là sự chăm lo đến chi tiết: túi đựng gạo bó sát trên vai, giỏ muối nơi thắt lưng, thanh gươm tịch thu của sĩ quan Nhật của anh bộ đội Trung đoàn 174 đang đắm mình đọc sách, tấm khăn quàng vải dù. Ta được thấy những anh lính trong công việc hàng ngày: đan rổ rá, chữa dép hoặc vá quần, rửa bát hoặc nấu cơm. Mai Văn Hiến đặc biệt vẽ kỹ cái phát minh ở Điện Biên Phủ của Hoàng Cầm (một chiến sĩ nấu ăn chứ không phải nhà thơ, hai ông chiến sĩ quân đội trùng tên nhau) cái bếp khi nấu nướng khói không lọt ra để chỉ điểm cho địch quân, mà từ đó tất cả các chiến sĩ du kích toàn thế giới đều học theo.

Tất nhiên, cũng có những bức ký hoạ cảnh tập bắn, tập kỹ thuật bộc phá, những trái lựu đạn lủng lẳng nơi thắt lưng, lau súng, hội họp nghe phổ biến đường lối và nhiệm vụ cụ thể.

Nhưng cũng có những bức vẽ các nhóm đang ca hát, chơi ghi-ta hoặc chơi tú-lơ-khơ. Và có cả những thời khắc con người ưng sống một mình: có một bức vẽ anh lính đặt súng một bên rồi chồm hỗm viết thư về nhà hoặc cho bạn gái. Và ai sẽ nói được những gì trong lá thư cô gái chưa đến hai mươi kia đang chăm chú đọc?

Đôi khi ta bất chợt bắt gặp hình hoạ một vài nhân vật có tiếng tăm như nhà văn quân đội Vũ Tú Nam, người sau này trở thành Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam vào năm 1989, Trần Đăng, phóng viên chiến tranh, tác giả Trận Phố Ràng, người sau tác phẩm đó đã chết vì quân Tưởng Giới Thạch vào năm 1949, hoặc những nữ du kích như Nguyễn Thị Chiên, người được phong Anh hùng Quân đội nhân dân vào năm 1952.

Nhưng phần lớn các bức hoạ là vẽ về biết bao con người vô danh, những con người trẻ trung mà phần lớn họ sẽ không trở về sau chiến tranh. Mai Văn Hiến không quan tâm đến những người hùng để tuyên truyền, cũng chẳng tuyên dương sự hy sinh hoặc chiến tích.



Sau này, vô số hoạ sĩ đã nhớ lại và vẽ các chiến sĩ Việt Nam, nhưng tôi không khi nào còn bắt gặp một tinh thần nhân văn đến thế như trong tranh Mai Văn Hiến.

Nhìn cho tinh tế, thường khi ta sẽ thấy nhiều nụ cười trên những gương mặt ký hoạ đó. Nhưng tịnh không thấy sự hằn học, cũng chẳng có sự sa sút tinh thần hoặc nỗi sợ. Dĩ nhiên nói thế không có nghĩa là Mai Văn Hiến chưa từng bắt gặp các tình cảm đó. Hẳn là ông đã thấy tận mắt nỗi đau của người bị thương và đã gặp cái chết của đồng đội ông. Nhưng hoạ sĩ đã nhường cho người khác trực tiếp đứng ra làm chứng cho những điều đó. Phần ông, ông thích chỉ ra cái tình bạn đã gắn kết những chiến sĩ thường bá vai bá cổ nhau kia hoặc là vẽ về cái thanh thản của những con người có niềm tin chắc chắn về chính nghĩa của mình. Nữ sử gia Nora Taylor nghĩ rằng đó là một cách người hoạ sĩ tự vệ trước những điều khủng khiếp của chiến tranh. Có thể vậy lắm. Nhưng ta vẫn thấy rằng tuy cái chết không hiện diện trong tranh Mai Văn Hiến, nó vẫn không vì thế mà vắng mặt. Cái chết vẫn ở đó, theo chiều âm hoặc trên đường đi tới. Trong vài giờ nữa, hoặc trong vài ngày nữa, những anh lính chúng ta đang nhìn thấy đây sẽ xông ra chiến địa.

Mai Văn Hiến mô tả cái thường nhật hầu như thanh bình của mặt trận với những con người tất bật, những mối dây liên hệ với hậu tuyến khi các cung đường vẫn đang bị bom ném, và nơi đây một cuộc sống đang dần dần có tổ chức, vừa tập trung vào chiến đấu lại vừa tách ra khỏi cuộc chiến đấu. Sự đối nghịch thật là rõ rệt so với tuyến quân Pháp bị bao vây, co vòi lại, và chỉ còn tồn tại trong phòng ngự và chờ đợi trận đánh sẽ nổ bung.

Thật là điều đáng tiếc khi Bảo tàng Quân đội hoặc Bảo tàng Mỹ thuật đã không tìm cách thu hồi và khai thác giá trị cái vốn liếng tư liệu và nghệ thuật hàng đầu đó, để nó dần dần tản mát hoặc thất thoát mất.

Sau chiến tranh, Mai Văn Hiến giữ những chức vụ quan trọng trong tư cách uỷ viên thường vụ Ban chấp hành Hội Mỹ thuật và Điêu khắc kể từ khi thành lập Hội này năm 1957 cho đến khi ông về hưu vào năm 1984. Ở tư cách đó, ông đi thăm nhiều chuyến ở các nước bạn: An-ba-ni, Ru-ma-ni, Bun-ga-ri, Tiệp khắc, Hun-ga-ri ("ở đây cháo cá thật tuyệt"), Liên Xô, Đông Đức, Ba-lan và Cu-ba... Trường hợp hiếm thấy ở người có chức quyền trong một thiết chế văn hoá, Mai Văn Hiến luôn luôn được các hoạ sĩ kể cả lớp trẻ quý trọng, vì ông không khi nào lợi dụng địa vị của mình, đồng thời cái đầu óc nghịch ngợm cũng ngăn không cho ông coi mọi sự đều là nghiêm trọng - khác hẳn chẳng hạn với một Cù Huy Cận, người tháp tùng ông trong các chuyến đi kia, người vội quên mình từng là nhà thơ cách mạng những năm 40 để chỉ thực sự còn là một ông nốc khoẻ "một Gargantua trên văn đàn nước Việt", như cách diễn đạt của một anh bạn Hà Nội nay đã sang thế giới bên kia từng nói với tôi.

Mai Văn Hiến từ đó ở lì tại Hà Nội trong khi ông bà cụ cùng năm cậu anh em, những người lắm khi có tư tưởng khác hoàn toàn với Mai Văn Hiến, đã rời bỏ đất nước từ sau năm 1945. Nếu đôi chân không còn mang nổi ông như xưa tới các quán cà phê, tới nhà bè bạn hoặc đi khai mạc các cuộc triển lãm nơi con người nổi trội của ông làm vui cho mọi người, thì ngược lại tinh thần ông vẫn còn minh mẫn, trí nhớ chưa phản lại ông, và con mắt vẫn còn giữ được vẻ cười cợt. Ông vẫn còn thích giai thoại cùng những chuyện tếu, thích ngang với món súp thả bánh mì ròn (bouillons-cubes) mà từ những cái "cube" lập thể đó ông nói giỡn bằng tiếng Pháp thật là thánh "xét về mặt ăn uống này, tớ là thằng hoạ sĩ lập thể" ("en ce sens, je suis un peintre cubiste ").

Ông, con người chạm trán tất cả các hoạ sĩ lớn và là bạn thân thiết của nhiều người trong bọn họ, ông luôn quan tâm đến thế hệ trẻ, song vẫn hoài nghi và đôi khi cất giọng chua cay rất chi là dễ thương về những tác phẩm hội hoạ đương đại Việt Nam, ở đó thấy quá thiếu sự chân tình và cá tính ("ở Việt Nam bây giờ có nhiều hoạ sĩ nhưng không có bao nhiêu tác phẩm"). Mỗi lần tôi qua Hà Nội, trong bữa ăn có vài ba bạn bè, tôi thích được gặp cái ông già ấy, già mà sao trẻ đến thế.

Tháng giêng 2004

Carnets du Vietnam, Février 2004


© 2004 talawas
Bản gốc