© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
20.1.2002
Nguyễn Quốc Trụ
Dịch là chấp nhận phần số của mình
 1   2 
 
Lời người viết: Nhân Trần Trọng Hoà ng Bách, một tác giả ở trong nước, có nhắc tới hai bà i viết mới đây của tôi, trên diễn đà n Talawas, tôi viết bà i nà y, như một món quà gửi người bạn nói trên, (trong bà i viết có một chi tiết là m tôi tự hỏi, liệu có phải đây là một cố nhân đã từng rà nh rẽ Sà i Gòn, và quãng đời sa sẩy tuyệt vời của tôi hay không). Bà i hơi dà i, tôi xin viết thà nh và i kì.
NQT
Trăm Năm Cô Ðơn, tiểu thuyết của G. García Márquez, bản dịch của Nguyễn Trung Ðức, Phạm Ðình Lợi, Nguyễn Quốc Dũng; Nguyễn Trung Ðức viết lời giới thiệu, nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội (ấn bản 2000), trang 67 (chương thứ nhì, ngay sau chương mở đầu):

“Khi tên cướp biển Phranxít Ðrăc tấn công Riôcha ở thế kỷ XVI, bà tổ của Ucsula Igoaran quá kinh ngạc trước tiếng chuông nhà thờ inh ỏi đổ hồi và tiếng đại bác chát chúa nổ rền, đến mức quẫn trí ngồi vào một bếp than hồng. Những vết sẹo cháy đã làm bà cụ trở thành một người vợ ăn bám suốt đời. Cụ chỉ có thể nằm nghiêng một phía, dựa lưng trên những chiếc gối đệm, và đi đứng kỳ dị, bỏi thế chẳng bao giờ cụ đi ra ngoài trước con mắt mọi người. Cụ từ bỏ mọi sinh hoạt xã hội, vì bị ám ảnh bởi cái ý nghĩ người mình phả ra mùi khét khó chịu. Ánh bình minh bắt gặp cụ ở ngoài sân. Cụ không dám ngủ bởi nằm mộng thấy bọn người Anh cùng với những con chó dữ tợn đã trèo qua cửa sổ phòng ngủ và làm cụ chết khiếp vì những cực hình ghê rợn bằng những thanh sắt nung đỏ.“

Ðoạn văn dịch trên đây thật dễ đọc, và chẳng có gì là khó hiểu, hay lủng củng, nhưng với một độc giả “đọc đến nơi đến chốn”, không có trong tay, hoặc không thể đọc nguyên bản, chỉ căn cứ vào bản tiếng Việt, sẽ có ít ra là hai “thắc mắc” sau đây:
1.  “Quá kinh ngạc trước... đến mức quẫn trí...”: kinh ngạc làm sao có thể đưa đến quẫn trí?
2.  “Những vết sẹo cháy... ăn bám suốt đời”: “sẹo cháy” làm sao “làm cho bà cụ trở thành ăn bám suốt đời”?

Theo ghi chú của nhà xuất bản, bản tiếng Việt được dịch từ nguyên tác Tây Ban Nha. Người viết bài này không biết tiếng Tây Ban Nha, nhưng đã thử so sánh đoạn trên với đoạn được dịch ra tiếng Anh (dịch giả Gregory Rabassa, NXB Avon Books, Nữu Ước):
1.  Tiếng chuông nhà thờ đổ hồi, bản tiếng Anh: tiếng chuông báo động đổ hồi (the ringing of the alarm bells). Quá kinh ngạc, bản tiếng Anh dịch là became so frightened: quá khiếp sợ.
2.  Bà vợ ăn bám suốt đời, bản tiếng Anh: bà vợ vô dụng suốt những ngày còn lại của bà (a useless wife for the rest of her days).
Như vậy, bà vợ vô dụng suốt những ngày còn lại của mình có nghĩa là bà vợ không còn đáp ứng được việc chăn gối, chứ không phải, vì bị sẹo bỏng nên không làm việc được nữa, và phải ăn bám chồng con.
Bản tiếng Anh còn cho thấy một số khác biệt (vết sẹo cháy/vết bỏng; đi đứng kỳ dị/ dáng đi của bà chắc phải kỳ cục, cho nên bà không còn đi ra ngoài đường ngoài phố nữa; cực hình ghê rợn/tra tấn nhục nhã (shameful torture)... những chi tiết đều quyện vào nhau, mỗi chi tiết cho thấy/hoặc giấu giếm một ý nghĩa nào đó của câu chuyện, và chỉ “sáng tỏ, khi “sự thực“ xuất hiện: “Chỉ vì sợ nằm mơ thấy mấy tên cướp người Anh và những con chó dữ tợn... tra tấn nhục nhã bằng những thanh sắt nung đỏ.“
Bạn có thể coi cả đoạn trên chỉ là một câu văn, bởi vì nên nhớ một điều, García Marquez là một nhà văn thuộc “trường phái“ William Faulkner!

Phạm Thị Hoài, nhân câu chuyện, cung cấp bản dịch tiếng Ðức:
Als im sechszehnten Jahrhundert der Seeräuber Francis Drake Riohacha überfiel, erschrak Ursulas Urgroßmutter dermaßen über Sturmläuten und Kanonendonner, daß sie die Nerven verlor und sich auf einen brennenden Herd setzte. Die Brandwunden machten sie für den Rest ihres Lebens zu einer untauglichen Ehefrau. (Bản dịch của Curt Meyer-Clason, NXB Kiepenheuer & Witsch, Köln, 1970)
và cho biết những chỗ gạch chân:
-  erschrak: khiếp sợ, hoảng
-  Sturmläuten: chuông dồn dập, đổ hồi. Không thấy có nhà thờ trong câu này. Nghe chuông dồn dập thì tất nhiên là hoảng, rồi nghe Kanonendonner, sấm đại bác, tiếng đại bác gầm, lại càng hoảng, đầu óc để đi đâu cả (die Nerven verloren), nên mới ngồi lên luôn cái bếp đang cháy.
-  Brandwunden: không phải là vết sẹo cháy, mà là vết bỏng.
-  untauglich: vô dụng, chứ không phải ăn bám.
Như vậy bản tiếng Anh và bản tiếng Ðức tương đối khớp nhau.

Bản dịch sẽ bớt sai sót, nếu:
Người dịch thật rành rẽ tiếng... Việt.
Ðây là điều kiện tiên quyết, tối hậu, sinh tử v.v... và v.v... đối với bất cứ một cá nhân nào lăm le dịch tiếng nước ngoài ra tiếng nước mình. Bạn càng rành rẽ tiếng nước mình tới đâu, bản dịch càng đáng tin cậy tới mức đó. Một người rành tiếng Việt, làm sao không “ngạc nhiên“ tự hỏi, tại sao ngạc nhiên lại đưa đến quẫn trí, tại sao chỉ bị bỏng ở bàn tọa, mà lại trở thành bà vợ ăn bám?...
Dịch hay không dịch, bất cứ bản văn nào cũng đều cưỡng lại mọi cố gắng làm cho nó có nghĩa. Trần Trọng Hoàng Bách đành chọn cái này, thay vì cái kia, trong khi không có nguyên tác trong tay, điều này cho thấy, ông căn cứ trên khả năng, sự rành rẽ tiếng Việt của ông, khi chọn lựa.
Nếu dịch là cướp, chỉ một khi bạn tự tin vào khả năng phòng thủ của mình mới dám rước họa vào nhà, mới biến của cải của người thành của mình. Theo nghĩa đó, George Steiner cho rằng, thi sĩ là những dịch giả tốt nhất. Sau nhà thơ, tới những kẻ bị đá văng ra bên lề xã hội, hay bị đá văng ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn (outcasts, wanderers). Và dịch là số phần của họ, nếu muốn ôm dịt lấy căn nhà hữu thể (chữ của Heidegger để chỉ ngôn ngữ).
“Bảnh“ hơn nữa, là dùng ngay tiếng của người làm võ khí, để đi ăn cướp! Phần số, trời đầy, kẻ bị trù yếm: Cứ mỗi lần Ursula bị khổ vì những ý nghĩ khùng điên của chồng, bà lại chồm ngược về quá khứ hơn ba trăm năm, cái quá khứ của số mệnh và trù ẻo, cái ngày Sir Francis Drake tấn công Riochia; tôi cũng muốn bắt chước bà, nhảy ngược về quá khứ, của số mệnh và trù ẻo, cái ngày mà người Pháp tấn công Nam Kỳ....
(còn tiếp)