© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dụcNgôn ngữ
Loạt bài: Vấn đề chính tả
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21 
28.2.2004
LÆ°Æ¡ng ThÆ° Trung
Thầy tôi và việc tu chỉnh văn tự
 

Boston, ngày.... tháng 02 năm 2004

Thưa chị Hiền,

Đã khá lâu, có gần mười hai năm trời, tôi mới lại nhận được lá thư của chị gởi kể từ khi tôi xa làng quê và trường cũ. Trong thư chị có đặt ra cho tôi câu hỏi là "Anh có gặp lại vị thầy cũ nào của anh ở bên ấy không? Ở đây tôi lâu lắm rồi, không gặp lại thầy cô cũ và cả các em học trò cũ nào từ khi về Sài Gòn. Nghề "đưa đò" nhiều lúc cũng buồn anh nhỉ!".

Đọc thư chị, tôi rất cảm thông với cái nghề dạy học hơn ba mươi năm của chị và tôi xin được chia sẻ cùng chị về những tâm tình của vị giáo sư Việt văn của tôi hơn bốn mươi bảy năm về trước.

Thầy tôi, cụ Hoài Nguyên, năm nay đã 89 tuổi rồi. Đôi bàn tay Thầy lúc nào cũng run run, yếu ớt, thế mà Thầy vẫn lần từng nốt trên bàn phím của máy điện toán với những suy nghĩ làm cách nào tu chỉnh lại văn tự chữ quốc ngữ. Những suy nghĩ này được Thầy viết ra thành nhiều chương và dự định in thành sách nhằm giới thiệu với các bậc thức giả cùng các thế hệ trẻ Việt Nam.

Trước khi giới thiệu về đề nghị của Thầy, tôi xin được nhắc qua một chút về thân thế của Thầy. Thầy là giáo sư Việt văn trường trung học Thoại Ngọc Hầu và các trường tư thục ở Long Xuyên vào thập niên 50-60, sau đó Thầy về dạy tại các trường trung học ở Sài Gòn cho tới tháng Tư năm 1975, nay Thầy định cư tại Canada. Ngoài công việc dạy học, Thầy luôn luôn suy nghĩ về tương lai tuổi trẻ Việt Nam. Trong lá thư đầu tiên Thầy gửi cho tôi vào tháng 7, năm 2000, sau khi Thầy nhận được lá thư của học trò cũ, Thầy viết:

"Tám mươi lăm tuổi đời, bề ngoài tuy còn tàm tạm, nhưng bên trong thật đã nát bấy, nát vì nhiều duyên căn khác hơn là những hao mòn của cơ thể. Nhưng ruột héo bỗng tươi lại, lòng nguội lại xốn xang, tôi bỗng được chích một liều thần dược. Quyển sách anh gửi cho kèm những dòng chữ anh đề tặng chính là liều thần dược ấy. Tôi không nói cái lời công thức "xin cám ơn", được dùng thường quá, nhẹ mất cả nội dung; nó không còn dung tích để chứa cái tình cảm nồng nàn trong lòng một ông lão già nua bỗng thấy bóng xưa nửa đời về trước của mình lấp loáng trong tim một học sinh cũ mà cuộc đời nay đã trải nhiều mưa nắng và đã lên hàng cha ông, tâm tư cũng đã ngả nhiều về quá khứ. Bốn mươi ba, bốn mươi tư năm trước ông già cũng chẳng còn trẻ trung gì mà hành nghề vẫn cứ bên lề nghi thức; quần áo chỉ vừa đủ, không xú xứa; cái caravate vì hiệu trưởng nhăn nhó quá phải đeo cho qua mắt, đến cổng trường mới quàng vào, vào qua cửa lớp lại tháo ra đút túi quần. Dạy Việt văn, hiếm thầy dùng đến phấn, nhưng riêng ông thì sau giờ dạy, đầu tóc, quần áo cứ như người khuân vác ở nhà máy xay bột vì ông dạy là ông vẽ, bôi bôi, xóa xóa; hình dung cả những ý trừu tượng bằng một biểu đồ.

Ông già nhớ lại: "Thời ấy, những chiều không dạy, đi xuống phố về, qua cầu Hoàng Diệu ngược chiều với dãy dài học sinh trai gái lớn có, nhỏ có, từ trường Thoại Ngọc Hầu và các trường tiểu học đang líu ríu nườm nượp ra về, ông dừng bước đứng nhìn, bần thần, lòng vui lo lẫn lộn:"Ta làm gì cho những công dân nụ hoa này trước một thời cuộc đang cuồn cuộn sóng ngầm?"

Trong một lá thư khác, tháng 8 năm 2000, Thầy tôi viết về những ngày dạy học:

"Tôi thiệt thòi hơn anh nhiều. Trong căn nhà văn hóa "làng ta" ấy, tôi chỉ là khán giả, bàng quan nhiều hơn là thành viên, dầu cho là thứ khán giả say chìm trong cảnh, nhiều khi nước mắt chan hòa hơn cả người trong cảnh. Tôi đã sống bằng nông tang, nhưng không nếm cảnh nông dân vợ con nheo nhóc, được bữa sáng lo bữa tối. Tôi cũng đã lao đầu vào cuộc chiến và rồi cũng bỏ cơ nghiệp, tài sản, di cư, di trú, nhưng thực sự chiến tranh chưa tàn phá đời tôi. Mà cả ngay khi sống "tử tế", tìm trung dung trong nghề dạy học, tôi cũng chẳng yên bề hành nghề... Như anh biết, tôi vô duyên với học sinh Sài Gòn mà cả giáo chức ở đây mà tôi tự biết không có hân hạnh là đồng nghiệp... Tôi rất lận đận trong chức năng dạy học; vào nghề mà tôi không bám lấy đó làm sinh kế. Tới mấy năm đầu thập niên 70, chán nghề tôi lên rừng khẩn hoang và đi cày thuê ở đồng bằng

Sa Đéc - Vĩnh Long, vào sâu cả những nơi hoang vắng như Tân Phú Trung, Tân Lượt sát Tiền Giang, nhiều nơi chỉ tới được bằng xuồng, vì đường bộ bị nước xoáy đã lở hết, cây cối um tùm, đổ nghiêng rạp xuống sông. Vào rừng rẫy như vậy, tôi chia sẻ thoải mái những gian truân, không những với nông dân khách hàng mà còn với nhiều giới khác ở làng mạc..."

Trên đây, tôi lược ghi lại vài hàng về những chia sẻ của Thầy về những gian truân của một vị giáo sư luôn dành lòng mình cho các "công dân nụ hoa giữa những ngọn sóng ngầm". Một trong những ý nguyện ấy cứ ấp ủ mãi trong lòng Thầy và rồi khi tuổi đời ở bậc thượng thọ rồi mà Thầy vẫn không nản chí bỏ dở những tâm tư đã đeo đuổi. Thầy đã nghiên cứu nhiều tư tưởng trong dòng sống thuần Việt, rồi biên soạn nhiều tài liệu, sách vở nói về văn hóa để lại cho mai hậu. Ở đây trong phạm vi lá thư ngắn gởi chị, tôi xin nêu lên một trong những điều Thầy mơ ước là việc "tu chỉnh văn tự", một vấn đề khá mới giữa nền văn học chữ viết hải ngoại này.

Theo lời mở, Thầy đặt ra câu hỏi là "Tại sao đặt ra việc sửa đổi?"

Và Thầy đã giải đáp:

"Sửa đổi là nhu cầu đương nhiên của thế tiến hóa, nhất là ở hiện đại. Chữ Việt không sửa đổi không đáp ứng đà tiến hóa đang diễn ra và không gánh được vai văn tự dân tộc thống nhất các quần sinh lớn nhỏ người Việt sinh hoạt tản mạn trên khắp thế giới mà chủ yếu là những thế hệ trẻ kế tiếp nhau, đang cần nó để bảo toàn căn cước và phát huy nếp sống Việt." [1]

Sau những dẫn giải các lần sửa đổi cách viết chữ quốc ngữ hồi mới ra đời do Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của nhằm chỉnh lại những mẫu tự ghép không đúng với phát âm Việt, như sửa mẫu tự "bl" thành "tr" (Ví dụ: Chúa Blời thành Chúa Trời). Rồi tiếp theo thời kỳ chữ quốc ngữ phát triển thành văn tự chính, những học giả lòng còn nặng với chữ viết đã nhắm vào tu chỉnh "chính tả từ ngữ" sao cho chính xác hơn. Về điểm này các vị dùng "gạch nối" để nối liền các từ đa âm.(Ví dụ như gập-ghềnh, đoạn-trường...); nhưng những khiếm khuyết trong chữ viết ngày nay vẫn còn nhiều và Thầy đã nêu rất chi tiết về các sửa đổi cách viết chữ Việt mới, ở đây tôi xin ghi ra bảng tóm tắt đề nghị những tu chỉnh chính tả cần thiết như sau:

"1/ Việt ngữ không phải là đơn âm; những từ đơn đa-âm và những từ kép đều được viết các âm ngữ hoặc liền đi hoặc có gạch nối ở giữa, ví dụ: "quạnhquẽ, rãrời"...

2/ Tám phụ âm được thay thế để loại những phức tạp gây khó vô ích cho trí nhớ và khiến chính tả ngắn gọn hơn:

- z thay cả cho d (zê) và gi.
Ví dụ: "za-záo, záo-zục" (gia-giáo, giáo-dục)

- d thay đ
Ví dụ: dường dến dây khó-khăn, khuất-khúc lắm (đường đến đây khó khăn, khuất khúc lắm).

- k thay cả cq
Ví dụ: kon-kông dậu trên kây gạo, kó kẻ định bắn (con công đậu trên cây gạo, có kẻ định bắn).

- g thay cho gh (hoàn toàn đọc cứng "gờ")
Ví dụ: thằng bé gầy-gò, gẻ-lở, thấy mà gê (thằng bé gầy-gò, ghẻ-lở, thấy mà ghê)

- ng thay cho ngh
Ví dụ: ngề-ngiệp, ngiện-ngập... (nghề-nghiệp, nghiện-ngập)

- f thay cho ph
Ví dụ: fiềnfức, fanhfui, fè-fỡn (phiền phức, phanh phui, phè-phỡn)

3/ Viết ik thay cho ich
Ví dụ: vô ik, lợi ik (vô ích, lợi ích) để giữ nguyên một dạng với "ak, ok, uk, ưk" (hiện nay viết ac, ốc, uc, ức)

4/ Không đánh dấu sắc (') thừa trên những âm ngữ tận cùng bằng một trong bốn phụ âm: k(c), ch, p t.

Ví dụ: hâp-tâp, khach-khứa, thưk-ăn hêt sạch... ( hấp-tấp, khách-khứa, thức ăn hết sạch). [2]

Ngoài ra, trong bản thảo quyển Ba vấn đề khởi đầu văn hóa Việt trên thế giới, Thầy tôi còn đưa ra nhận xét:

"Chính tả Việt-ngữ ngày-nay nát-rời từng âm-ngữ, thoái-hóa so với thời ấy, một phần cũng vì việc sử-dụng gạch-nối chưa sáng lên một quy-tắc nào cả để ai nấy biết mà theo. Chúng tôi dứt-khoát loại-bỏ nhận-xét hồ-đồ: "Việt-ngữ là tiếng đơn-âm" để phân biệt từ đơn-âm và từ đa-âm; và những từ này khi nào viết liền, khi nào dùng gạch-nối, vì thật-sự tiếng Việt cũng y như mọi ngôn- ngữ, gồm cả những từ đơn-âm và những từ đa-âm cùng những từ tác-giả đúc thành đa-âm nhất-thời theo văn-tứ của mình. Vả-lại trong nhân-loại tiến-hoá, không tiếng nào có-thể có đủ âm-ngữ để mỗi âm chỉ riêng một sự-thể, một vật-thể hay một tâm-thái... được. Việt-ngữ có một số âm-ngữ rất lớn vượt xa nhiều ngôn-ngữ lớn ngày-nay, vì kể cả âm chính coi là một thanh, nó có tới 6 thanh khác nhau và hầu-như mỗi thanh được dùng làm một âm-ngữ; dù vậy số âm ngữ này vẫn không đủ dùng. Bình-thường chúng-ta đã phải ghép nhiều âm-ngữ lại để tạo nên những từ đa-âm tự-tính như:sạchsànhsanh, sượngsùng, sỗsàng, quạnh-quẽ, xa-xôi... Còn phải kể sự cấu-tạo từ đa-âm do nhu-cầu văm-phạm hay văn-pháp trong câu văn mà phần lớn là những từ-kép do nhiều từ đơn hợp lại như:làn-thu-thủy, nét-xuân-sơn. Phải nói đây là một vấn-đề khá tinh-vi, Việt-ngữ phải được đặt thành một môn học sao cho sáng lên văn-phạm và văn-pháp của nó, rồi theo đó mà xét từng từ-ngữ, để xây dựng một cuốn từ-điển Việt-ngữ chính-xác."

Ngoài ra, trong bản thảo tác phẩm vừa nêu, Thầy đã bàn rất chi li về thế nào gọi là "từ" và khác với "tự" như thế nào. Đặc biệt, trong Việt ngữ có những từ tạo nên do nói "rút âm" mà thành, như "con trai, con gái" thành "con cái"; "người ấy" thành "nấy" (ai làm, nấy chịu); "hang ngầm" thành "hầm"; "hột tròn" thành "hòn", "hà lạm" thành "hạm"; "hôi ẩm" thành "hẩm"; "nấn ná" thành "nán"... Nội dung những từ này thường mạnh hay rộng hơn nội dung hợp lại của của hai thành phần.

Thêm vào đó, Thầy còn bàn về hai tiếp đầu ngữ "việc" và "sự"; việc là tiếng Nôm, sự là chữ Nho được Việt hoá, đôi khi người ta dùng cả hai như "sự việc":

"Hai từ này thường dùng không phân biệt vì đồng nghĩa, chỉ khác nhau chút ít về cảm quan: "việc" nghe nhẹ hơn, "sự" nghe nặng hơn, tùy văn khí mà dùng. Hai từ này chính là một tiếp đầu ngữ khá thông dụng, biến những động từ theo sau nó thành những danh từ kép khi chính nội dung của động từ là ý đem bàn; động từ thành cái tên gọi của việc. Thí dụ: việc học, việc làm, việc canh nông, sự giúp đỡ, sự áp đặt..."

Nhiều lắm những chi tiết nhằm cải đổi cho hợp với tính sống của Dòng Sống Việt nhằm quảng dương văn hoá Việt như một luồng sinh khí cần thiết phục sinh gốc Việt cho những thế hệ trẻ Việt Nam trên thế giới. Với cái nhìn về tương lai bừng khai đó, Thầy không quên nhắc đến các chi tiết về gốc gác dòng tộc Việt mình như nên gọi "tông giáo" thay vì gọi "tôn giáo"như từ xưa đến nay, vấn đề "Tông giáo và tư tưởng gốc của người Việt"; "Tông giáo Việt trong việc tiếp thâu những tông giáo khác"; "Vị thế Việt trong văn hóa Trung nguyên"; "Việt Bách, Việt Hán và Việt Âu Lạc". Với 384 trang sách, Thầy đã mở ra cho đứa học trò cũ của Thầy hơn bốn mươi năm nhiều vấn đề cần kíp phải học hỏi thêm nhiều dù tuổi đời của học trò không còn trẻ trung gì.

Nhớ ngày xưa Thầy dạy mình học chữ và ngày nay khi Thầy ở vào bậc thượng thọ rồi, Thầy lại còn nhắn nhủ học trò xưa những điều Thầy chưa dạy hết lúc ở trường. Nhớ mà thương và biết ơn Thầy biết chừng nào. Trong lời kết lá thư, Thầy đã viết thật cảm động:

"Nói chuyện thì phải ra câu, đầu cuối mạch lạc, nên bắt buộc phải có những chủ từ miễn cưỡng xưng "tôi", miễn cưỡng xưng "bút hiệu", chứ thật sự có u mê chăng nữa thì với một kẻ già nua, cơ thể mỗi ngày một tàn héo trông thấy, thời gian đâu còn để cho hình nét và màu sắc mà đòi tô vẽ một cái tôi đã mãn cuộc. Còn chăng là cái "chúng ta". Chính vì tương lai mà tôi đãi lọc hiện tại và khai triển quá khứ, muốn Dòng Sống phục sinh tươi tốt, cùng với nhiều dòng khác mà tươi tốt muôn màu, chứ khờ dại gì mà mất công trang trí căn nhà đã mục. Như tôi nói trong bài tựa tập một, đây chẳng phải việc một người làm, cho nên mong ai đừng chú ý quá đến từ ngữ "Tôi"; nó nói sai lạc nhu cầu của việc làm... Bây giờ chắc anh rõ, sức tàn, lực kiệt mà sao tôi không bỏ cuộc..."

Thưa chị Hiền,

Tình thầy trò bây giờ, chị cho biết không bằng thế hệ mình, học trò Sài Gòn không ngoan bằng học trò miền quê hay dưới tỉnh. Điều này cũng dễ nhận chị Hiền à. Cái nếp nhà quê, sống ở làng là cái nôi văn hóa Việt mà! Xa cái nôi ấy là xa cái cội nguồn rồi. Nói gì bây giờ, mà ngày xưa Phan Khôi, tác giả bài thơ Tình già và cùng nhiều tiểu luận khác thời ấy cũng có nói đến cái tình thầy trò ngày xưa cũng bị văn minh làm mai một đi nhiều qua bài Thầy trò đời nay với thầy trò đời xưa trên tuần báo Phụ Nữ Tân Văn số 98 ngày 3 tháng 9 năm 1931. [3]

Trong báo Văn số 59, tháng 11 năm 2001, mục Sổ tay, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng có viết kể lại lần về thăm thầy cũ, nhà văn Cung Giũ Nguyên, tác giả quyển Kẻ Thừa Tự, qua một đoạn ghi thật vô cùng cảm động:"Thầy đã già. Nhưng người học trò năm xưa giờ cũng đâu còn trẻ. Thầy hỏi: Anh về bao giờ? Tôi nắm tay Thầy. Ánh sáng của ngọn điện yếu không soi rõ khuôn mặt Thầy. Thầy bảo: Anh vào đây! Tôi bước theo Thầy.... Thầy hỏi: Anh đã có cuốn này chưa? ... Thầy mở trang đầu cuốn sách, cúi xuống viết:

Mến gửi
Nguyễn Xuân Hoàng
Nha Trang
10-8-2001
Cung Giũ Nguyên

Cuối chữ ký bị nhòe một giọt nước. Dưới chữ ký là một đường vạch cong và mạnh." [4]

Danh từ "Thầy" luôn được viết hoa chị Hiền à, không thể viết khác được. Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã viết vậy. Và tôi từ hồi nào đến giờ luôn tự nhủ lòng là viết chữ hoa khi nghĩ đến các vị "THẦY" của mình.

Trong thư chị viết, chị còn hỏi tôi về văn học hải ngoại, về những tác phẩm văn học nào tôi đã đọc trong mười hai năm vừa rồi? Câu hỏi thật thú vị vì tôi vốn thích đọc sách nhưng vì lá thư đã dài, nên không tiện ghi lại đây những cảm nhận chi tiết để chia sẻ cùng chị, đành hẹn chị dịp khác. Ở Sài Gòn, chị có đọc những sách gì mới, chị có thể cho tôi vài tin tức với nhé!

Tôi bây giờ, có điều muốn thưa cùng chị là khi tuổi đời đã trên đường lần mò về "thất thập", mỗi lần mở lại trang sách cổ nào sao cũng thấy mình còn dốt quá chị Hiền! Mơ ước của tôi bây giờ là muốn có nhiều thì giờ để đọc lại các sách cũ, sách xưa... Ở đó là cả một kho tàng tri thức vô giá của tiền nhân, lúc nào mở ra, tôi đều thấy nó mới mẻ thật lạ kỳ! Những trang sách dù màu giấy đã ố vàng theo thời gian mà tư tưởng vẫn ứng nghiệm vào dòng sống hiện tiền. Nói thế, xin chị chớ vội cho tôi vốn ưa nệ cổ, thì thêm tội. Đọc lại người xưa, mình mới thấy dòng đời tưởng nó được mở rộng thênh thang trước một bầu trời bao la trước mặt, nhưng có ai ngờ mọi tư tưởng chỉ là một chu trình khép kín dáng vòng tròn. Nó ôm chầm lấy biển học thuật vô tận mà kỳ bí biết chừng nào! Nó là cái hôm qua được đặt cạnh cái hôm nay. Nó là nền của mọi tìm kiếm về cái tương lai chưa từng có mặt. Cái vốn cổ không thể cắt lìa khỏi dòng suy nghiệm về cái mới đang trên đường mò mẫm. Nó là cái đã có, và mãi mãi nó trói buộc cái mới dù nó không bao giờ muốn trói buộc như vậy. Hỡi những nhà tân học đừng nên tìm cách chạy trốn khỏi cái vốn cổ mà nên cùng đi song hành với nó để có bạn, có Thầy, hầu thêm vững bước phiêu lưu trong biển học, biển đời bát ngát vô tận...

Khi Khổng Tử nói "lục thập nhi nhĩ thuận" là nói cái lẽ của đời sống, chứ thánh hiền không nói cái chưa hiện tiền. Thành ra, mình phải ở vào cái tuổi nào đó với một suy niệm nào đó, cùng trạng thái tâm cảm phải lắng đọng dữ lắm mới mong hiểu được cái nghĩa của đời sống. Có hôm, tình cờ tôi gặp một anh bạn cùng quê với tôi, anh dạy trường Cao Đẳng Sư Phạm Vĩnh Long, trước 1975, anh cùng dạy với giáo sư Cao Huy Vĩnh (tức nhà phê bình văn học Cao Huy Khanh) tại trường trung học công lập Thủ Khoa Huân tại tỉnh lỵ Vĩnh Long, đến Hoa Kỳ định cư chưa đầy một năm, anh tâm sự với tôi sau giờ lao động khá mệt:"Đời sống nhiều lúc vô nghĩa!". Tôi vốn tôn trọng các bậc dạy học, vì đối với tôi cái nếp đạo đức tuyệt vời nhất của người Việt mình là biết ơn Thầy. Dù là bạn mới quen, dù là người cùng quê, và dù là anh nhỏ hơn tôi khoảng năm tuổi, nhưng với tôi, anh ấy là Thầy tôi, tôi không dám phản bác gì qua lời nhận định về cái nghĩa của cuộc đời như tôi vừa ghi lại cùng chị. Nhưng từ đó, tôi lại bắt đầu có những suy nghĩ xa hơn và tôi đã nghiệm ra nhiều cái mới và cặn kẽ hơn về cái "vô nghĩa" mà anh bạn đã tâm sự, và khi có dịp tôi sẽ trình bày cùng chị như muốn chia sẻ cho vui lúc xa nhà này.

Và để kết thúc lá thư này, tôi xin ghi lại bài thơ Gom sức lớn của Thầy tôi, được viết theo cách "tu chỉnh văn tự" mà Thầy đã đề xướng:

Gom sưk lớn

Tuổi zà, việk lớn, ngĩ về xa
Tiếp sưk, chung lưng kó mọi nhà.
Duôk - sáng tổ -tông không dể tăt.
Tương lai sinh -loại tính dường ra.
Chínhtrị kậy gì koanh miệng chén?
Môisinh nào phải chuyện ngoài za?
Dỗi Sống kêt - doàn gom sưk lớn;
Thái - hòa, ta zựng Hội Hoàng - hoa."
(Hoài Nguyên)

Tôi xin ghi lại bài thơ theo cách viết quen thuộc:

Gom sức lớn

Tuổi già, việc lớn, nghĩ về xa
Tiếp sức, chung lưng có mọi nhà.
Đuốc-sáng tổ-tông không để tắt.
Tương lai sinh -loại tính đường ra.
Chính-trị cậy gì quanh miệng chén?
Môi sinh nào phải chuyện ngoài da?
Đổi Sống kết đoàn gom sức lớn;
Thái-hòa, ta dựng Hội Hoàng-hoa.

Như trung thành với đề nghị "tu chỉnh văn tự" của mình, Thầy tôi trong mọi viết lách, thư từ, kể cả bản thảo cuốn Ba Vấn Đề Khởi Đầu Văn Hóa Việt Trên Thế Giới, cụ đều viết theo lối tu chỉnh mới như bài thơ vừa rồi. Việc "tu chỉnh văn tự" không phải là việc dễ dàng được chấp nhận, nhưng đưa ra được cách tu chỉnh như thế nào, tại sao phải tu chỉnh với một người suốt đời suy tư về ngọn nguồn chữ quốc ngữ mình như Thầy, đến lúc tuổi trời gần 90 rồi mà vẫn còn canh cánh bên lòng, quả là một điều không phải ai cùng nghĩ và cưu mang như Thầy được!

Và cuối cùng tôi muốn thưa cùng chị, sở dĩ tôi muốn trình bày với chị các đề nghị "tu chỉnh văn tự" của Thầy tôi, để chúng ta cùng thấy rằng không phải việc làm mới văn chương, hay vun bồi ngôn ngữ cho phong phú thêm lên chỉ có thế hệ trẻ mới quan tâm, xướng xuất và cũng không phải người già nào cũng hủ lậu, bảo thủ, khư khư ôm lấy cái gì đã quen dùng từ bấy lâu nay; đặc tính của công việc làm cho chữ viết thêm ngắn gọn, dễ dàng là việc của nhiều người, nhiều thế hệ, nó đòi hỏi sự góp tâm trí và công sức của mọi người. Và nỗi băn khoăn của Thầy tôi, theo chỗ tôi được biết, là Thầy rất tha thiết kêu gọi và mong chờ mọi người cho biết ý kiến, hoặc bổ túc, hoặc tán thành hay chối bỏ, và trong thư riêng Thầy viết:

"Tất cả mọi ý kiến, tác giả đều hoan nghênh vì tất cả đều soi sáng thêm những thấy của mình, giảm cho tác giả một phần trách nhiệm, vì gieo rắc trong xã hội những ý kiến không được kiểm điểm là đắc tội, "ý nghiệp" theo kinh nhà Phật. Trong tình thân, mong mọi người hiểu đúng y những điều vừa nói. Ở tuổi của kẻ viết [5] , không còn gì để cầu cho cá nhân mình cả."

Tôi cũng mơ ước chị và các bạn trẻ cùng hiểu về nỗi lòng của Thầy tôi, một cụ già với sức tàn lực kiệt mà chưa chịu bỏ cuộc!

Kính thư,
Lương Thư Trung

@ 2004 talawas


[1]Bản thảo Ba Vấn Đề Khởi Đầu Văn Hóa Việt Trên Thế Giới, Hoài Nguyên, trang 77.
[2]sdd, tr. 77
[3]Mười Ba Năm Tranh Luận Văn Học, Thanh Lãng, trang 89, quyển 2, Nhà xuất bản Văn Học, 1995.
[4]Tạp chí VĂN số 59, tháng 11 năm 2001, California (Hoa Kỳ), trang 4 mục Sổ Tay.
[5]Thầy viết mấy dòng này vào năm Thầy 87 tuổi.