© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
22.1.2002
Nguyễn Quốc Trụ
Dịch là chấp nhận phần số của mình
 1   2 
 
[Trong bài trước, người viết dùng chữ “của mình”, là muốn nhấn mạnh tới cái số phận nghiệt ngã của những kẻ chỉ mong được say xỉn, để văng tục bằng tiếng mẹ đẻ, còn lúc bình thường thì lại quen miệng xài f. f., hay “òa òa”, “e, e” (yeah, yeah)...]
Bây giờ nói đến số phận của chính “cái gọi là” tiếng mẹ đẻ, khi bị (chuyển) dịch.

Bản dịch sẽ bớt sai sót, nếu:
Người dịch cảm thấy thoải mái khi sử dụng tiếng... Việt.

Trong một viết nhan đề Tiếng Việt S.O.S, trên tờ Thể Thao & Văn Hóa, (số 15, ngày 20.2.2001), mục Diễn Ðàn Văn Hóa, Dương Tường, nhân “vừa đọc bài phỏng vấn Giáo sư Cao Xuân Hạo về tình trạng báo động hiện nay trong tiếng nói và viết tiếng Việt” [tôi đề nghị sửa lại là: “... trong nói và viết tiếng Việt...”], đăng trên báo TT&VH số ra ngày 2.2.2001, đã hoàn toàn đồng ý với bạn của ông. Theo tôi, có vẻ như ông không được thoải mái cho lắm, khi đưa ra ý kiến cụ thể sau đây:
“Có một điều nghịch lí là từ sau thống nhất đất nước, hàng loạt từ địa phương ở miền Nam tràn ra miền Bắc, dần dần lấn lướt thậm chí thay thế những từ đã chuẩn hóa từ nhiều đời. Lợn lành chữa thành lợn què, đang trương biển Công Ty Gạch Hoa lại sửa thành Công Ty Gạch Bông, đang thiếp mời lại sửa thành thiệp mời, đang kem cốc lại sửa thành kem li. Trên thực đơn của các hàng ăn, các chữ rangrán biến mất, nhất loạt thay thế bằng chữ chiên: cơm chiên thay vì cơm rang, cá chiên, đậu chiên, khoai tây chiên thay vì cá rán, đậu rán, khoai tây rán... Trong ngôn ngữ mọi nước, tiếng dùng ở thủ đô bao giờ cũng được coi là chuẩn mực, quyết không thể đem tiếng địa phương thay thế. Hiện tượng này nếu diễn ra theo chiều ngược lại, nghĩa là đem những từ miền Bắc thay thế cách gọi của miền Nam, cũng là vô lối, không thể chấp nhận được.” Sự thắng thế của những từ miền Nam tại miền Bắc, như trên, theo tôi, là do vấn đề tiện dụng, theo cả nghĩa kinh tế của từ này: nếu trên thực đơn để là cá chiên, chẳng khách ăn nào sờ tới món này, là nó biến mất. Trường hợp gọi là vô lối, đã xẩy ra rồi, chứng cớ là Sài Gòn bị đổi tên, chắc là ông Dương Tường không để ý tới, bởi vì ông vẫn quen miệng gọi là Sài Gòn.

Theo tôi, rán được dùng ở miền Bắc, tức là một nửa đất nước; chiên, cả một nửa còn lại. Khi Dương Tường coi từ rán là của cả nước, theo nghĩa được chuẩn hóa lâu đời, dù muốn dù không, người đọc có cảm tưởng, ông sẽ thoải mái khi ăn chả rán, thay vì chả chiên, tuy cùng là một món ăn.

Ðâu phải mưa ô buy vào thành phố"...
1954, vào Nam, thi sĩ Thanh Tâm Tuyền có lẽ là một trong những người đầu tiên có những dòng thơ văn về Hà Nội, bên cạnh những dòng nhạc của một "Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội", hay "Hướng Về Hà Nội". Câu thơ trên, tôi chỉ nhớ loáng thoáng, trong tập "Tôi không còn cô độc", đã một thời làm ngơ ngẩn cả đám bạn bè hồi cùng học trung học. Ngớ ngẩn, đúng hơn.
Số là Phạm Năng Cẩn rất mê câu thơ đó. Anh cứ ngâm đi ngâm lại khiến Nguyễn Quốc Sủng đâm ra thắc mắc, hỏi, mưa ô buy là mưa gì? Tôi nhớ là, bạn Cẩn ngớ ra, và... cương đại: mưa ô buy là một thứ mưa bụi (buy biến thành bụi), hạt lấm tấm như nhũ kim cương trên những chiếc áo Mùa Thu, Hà Nội!
Sủng coi bộ không hài lòng với một lời giải thích rất thơ như vậy. Một bữa, trong lúc cả đám vây quanh nhà thơ, anh hỏi. Thi sĩ trả lời: ô buy là một từ tiếng Pháp, obus. Mưa ô buy là mưa đại bác, mưa trái phá!
Sau này tôi được biết, người miền nam gọi trái phá là trái ô buy. Họ gọi phạm nhe là người y tá, và hồi mới vào Sài Gòn, tôi đã từng khổ sở vì không hiểu nghĩa của nó, sau cùng truy ra, là do từ tiếng Pháp, infirmier.

Nước Pháp, “hóa thân” vào miền nam, qua từ obus; rồi miền nam “hóa thân” vào từ ô buy, và được một nhà thơ miền bắc âu yếm sử dụng cho... Hà Nội, ôi chao số phận của “trái đại bác” Tây, nhờ một miền đất, rồi nhờ một nhà thơ, biến thành cơn mưa bụi ở một miền đất khác, trong cùng một quê nhà, sao mà may mắn hơn cái từ chiên hẩm hiu thế!
Bởi vì không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ sử dụng từ “mưa ô-buy”: ông vẫn bị những cơn mưa từ cái thành phố mà ông từ bỏ ám ảnh, cũng như không phải ngẫu nhiên mà ông bạn ngày xưa của tôi tán ẩu, ông cũng bị ám ảnh....

Nhân chữ chuẩn hóa lâu đời tôi lại nhớ đến Lévi-Strauss; ông cho rằng từ ngữ vốn không phải là của chung, mà là của riêng, giống như ngày xưa, khi đi thi, mà dùng một chữ của vua dùng, là phạm húy, có khi mất luôn cái chỗ đội nón; nhưng, như một vòng tròn luẩn quẩn, khi những chữ được những nhà quyền quí dùng chán chê, vứt bỏ, lúc đó thứ dân lại mang ra xài, và ngược lại.
Chiên được người dân cả hai miền sử dụng, biết đâu đấy, chính nó đang mang thông điệp thống nhất, và người dân miền bắc có vẻ đã đến lúc quá chán cái gọi là chuẩn hóa lâu đời rồi cũng nên...