© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
12.6.2004
 
Vì sao tường lửa?
 1   2   3   4   5   6   7   8   9 
 
Hoàng Hưng, Nguyên Ngọc, Nhật Tuấn, Tôn Văn, Trần Ngọc Vương, Trần Thị Trường, Trịnh Bá Đĩnh, Tưởng Bình Minh


Hoàng Hưng (nhà thơ, dịch giả, Hà Nội)

Kính gửi Ban biên tập talawas,

Xin nhờ mạng của talawas chuyển mấy lời chân thành này của tôi đến những nơi liên quan:

Nhân danh những người từng là nạn nhân của việc tùy tiện chụp mũ quy kết tội lỗi cho các sản phẩm văn hóa thông tin đã từng diễn ra trong bao nhiêu năm trường ở nước ta, tôi kêu gọi các cơ quan hữu trách Việt Nam hãy một lần nhìn thẳng vào sự thật:

  1. Những gì các vị cấm đoán, kết án một cách độc đoán, tùy tiện, sớm muộn cũng sẽ đến với công chúng, và như thế chỉ có thể phản tác dụng: khiến công chúng không tin ở sự minh bạch, đàng hoàng của chế độ. Vậy việc làm ấy có lợi hay có hại cho chế độ?

  2. Cách đây vài năm, khi còn là phóng viên một tờ báo lớn, tôi đã xin phỏng vấn một nhân vật có tên tuổi trong giới tin học (cũng là bạn của tôi) về “nền kinh tế tri thức” mà các nhà lãnh đạo Việt Nam đưa ra một cách hào hứng. Nhân vật này đã từ chối trả lời. Gặng hỏi vì sao? Anh đáp: “Ðơn giản là khi chưa có tự do thông tin thì nói làm gì đến kinh tế trí thức?”.

  3. Ðã đến lúc không còn có thể thực thi chính sách hai mặt trong việc điều hành các công việc quốc gia, như đã thể hiện trong việc một mặt ông Thứ trưởng Văn hoá trả lời khá là “văn minh” trên báo Văn Nghệ, một mặt talawas vẫn bị “tường lửa”.

    (Trích lời ông Ðỗ Quý Doãn: „Hiện nay có rất nhiều mạng có nhiều quan điểm khác với ta, có mạng chống đối ta và có mạng cực kỳ xấu. Ta không thể ngăn chặn mà ta phải đưa ra quan điểm của ta có tính thuyết phục cao. Ta phải chứng minh được cái xấu, cái cực đoan hay sự thù địch ở một trang Web nào đấy để người dân hiểu. Ví dụ như Talawas từ Ðức thì làm sao chúng ta có thể ngăn chặn được. Chúng ta chỉ có thể cung cấp thông tin và đưa ra quan điểm đúng đắn của mình để những người truy cập nhận ra đúng sai mà thôi. Khi chúng ta đưa ra nhiều điều tốt đẹp thì những cái xấu sẽ tự phải mất đi.” )

Nhân đây, để bày tỏ sự tiếp tục ủng hộ nhiệt tình của tôi với talawas, tôi xin gửi các bạn bài viết vừa xong về thơ Việt Nam.

Chúc các bạn vững lòng vững bước.


*


Nguyên Ngọc (nhà văn, dịch giả, Hà Nội)

Tôi thường xuyên đọc talawas từ mấy năm nay. Thật sự đây là một tờ báo mạng hay, dần dần đề cập được đến những vấn đề vừa cơ bản vừa cập nhật của văn hoá và văn học Việt Nam. Nó thu hút được nhiều trí tuệ trong nước và ngoài nước, của những người tâm huyết với sự phát triển của đất nước và của văn học Việt Nam trong điều kiện thế giới ngày nay, dù họ có thể khác nhau về chính kiến.

Lẽ ra cần có một tờ báo mạng như talawas ngay trong nước, nếu quả thật đời sống văn hoá tinh thần của đất nước là một đời sống bình thường, lành mạnh. Trước đây tôi vẫn nghĩ rằng việc chưa có được một tờ báo như talawas ngay trong nước đã là một điều thật đáng buồn. Nay lại thêm chuyện talawas bị tường lửa. Nếu quả đúng như vậy, thì bây giờ không phải là đáng buồn nữa, mà là đáng xấu hổ. Ðấy là hạ sách, của kẻ yếu, và trong thâm tâm biết rằng mình yếu dù bên ngoài có vẻ rất hùng hổ, chứ không phải của người mạnh, dám tự tin ở sức mạnh của mình. Người mạnh thì đối thoại, đàng hoàng và công khai, chứ không dùng bạo lực và lén lút. Là người ở trong nước, tôi thấy xấu hổ thay cho những người thô bạo hung hăng mà thực ra lại rất yếu đó.

Tôi tin là talawas vẫn sẽ đến được với người đọc trong nước. Từ xưa không bạo lực nào ngăn cản được tư tưởng. Còn ngày nay thì về nguyên tắc, dựng được tường thì cũng sẽ có cách phá được tường. Kẻ đi dựng tường chỉ được việc tự làm nhục mình mà thôi.


*


Nhật Tuấn (nhà văn, TP Hồ Chí Minh)

Hoan hô ông Đỗ Quý Doãn

Nhà văn bây giờ nhiều ông rất “hoàn cảnh”.

Ngày ngày mắt thấy tai nghe Năm Cam, Sáu Quýt, Bảy Cóc, Tám Ổi, giá thuốc bay lên, đức y rớt xuống, tài nguyên, môi trường huỷ hoại… vậy mà bức xúc của “thư ký thời đại”,” lương tâm thời đại”, “kỹ sư tâm hồn” xem ra khó lọt qua khung cửa hẹp của mấy bác biên tập vốn quan tâm tới cái ghế của mình nhiều hơn là sự phát triển văn hoá, văn chương nước nhà.

Cái thời mở cửa cho những Đêm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc, Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh… sôi nổi trên báo Văn Nghệ đã qua rồi. Nỗi niềm biết tỏ cùng ai? Không lẽ bắt chước bác thợ cạo đào một hố thật sâu xuống đó mà hét: „Vua Midi tai lừa… Vua Midi tai lừa…”

Ngày trước Lưu Quang Vũ đã phải mượn lời nhân vật trong kịch Tôi và chúng ta la lên rằng: Rút cuộc cũng phải có người chạy ra khỏi hang chớ! Nếu còn sống tới bây giờ chắc Vũ không làm thế đâu. Bởi vì ngoài các báo trong nước, nhà văn có thể trao đổi ý kiến trên các trang NET ở tận… trên trời, chỉ cần một cái nhấn chuột. Mấy hôm nay click vào talawas.org cứ thấy báo:

„Client Error: URL requested was filtered... Please contact your System Administrator for further details”.

Lại “tường lửa” rồi chăng?

May thay, đọc trả lời phỏng vấn báo Văn Nghệ của ông Thứ trưởng Đố Quý Doãn mới thấy không phải vậy:

Ví dụ như Talawas từ Đức thì làm sao chúng ta có thể ngăn chặn được. Chúng ta chỉ có thể cung cấp thông tin và đưa ra quan điểm đúng đắn của mình để những người truy cập nhận ra đúng sai mà thôi. Khi chúng ta đưa ra nhiều điều tốt đẹp thì những cái xấu sẽ tự phải mất”.

Rất chí lý - talawas là một trong nhiều diễn đàn của các nhà văn trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, là chuyện chuyên môn giữa các nhà văn, nếu có ai đi quá cái giới hạn đó - xin cứ viết bài “cung cấp thông tin”, „đưa ra quan điểm đúng đắn của mình thôi”, ngăn chặn cấm đoán làm gì?

Ngày nay Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới, sắp sửa vào WTO, thi hành AFTA, không lẽ nhà văn, bộ phận trí thức nhạy cảm nhất của xã hội lại chỉ được loanh quanh viết bài cho mấy báo quốc nội?

Ông Thứ trưởng Bộ Văn hoá-Thông tin đã khẳng định rồi, chỉ “bằng nhiều cách minh chứng tính đúng đắn và bản chất nhân văn của tư tưởng nhân văn chúng ta” mà thôi. Quân tử nhất ngôn! talawas cứ yên tâm không có chuyện “tường lửa” kia đâu. Xin hãy cứ chờ coi.

Hoan hô ông Đỗ Quý Doãn…
10.6.2004


*


Tôn Văn (München)

talawas thân mến,

Tôi là bạn đọc mới của talawas; chỉ mấy tháng nay thôi, nhưng có thể nói là khá đều: Mỗi ngày vào „mạng“ một đôi lần, lướt qua nhandan.org.vn, vnexpress.net, saigonbao.com... rồi quay về talawas. Hình như đều đặn, ngày nào talawas cũng có khoảng 4 đến 6 bài mới và hình như bao giờ tôi cũng tải xuống hết, định dạng lại, phóng lên 150% cho dễ đọc rồi xếp vào các ngăn theo ý mình. Ðọc đều, thích đọc vì những bài talawas đăng đều đáng đọc: Tự do, trong sáng, đầy đủ, kịp thời... Một cái „Hoa thủy tiên” cũng rất hấp dẫn và lý thú. Còn bây giờ đến „tác phẩm“ tường lửa thì thật là... nóng hổi!

Tôi không ngạc nhiên nhiều về cái sự cố... tình này, vì tôi nghĩ cái gì phải đến thì sẽ đến. Tự nhiên là như vậy, nhân tình cũng là như vậy, xưa vậy mà nay thì cũng như vậy nốt! Nên nhân đây cũng muốn ghi lại ít chuyện cũ để đọc chơi (đọc lâu rồỉ nên chi tiết có thể không „chuẩn“ lắm).

Trần Lâm là người tài của Viên Thiệu. Khi đánh nhau với Tào Tháo, Trần viết bài hịch kể tội Tào hay đến nỗi Tháo đọc cũng toát mồ hôi. Khi quân Viên Thiệu thua, Tháo liền lệnh bắt những người theo Thiệu đem trị tội trong đó có Trần Lâm. Có kẻ hỏi vì sao thì Tháo đáp: Vì nó viết bài hịch kể những chỗ xấu của ta! Nói ra những cái xấu của những nhà quân phiệt thì được gọi là có tội. Nhưng nói thế thì talawas có nói xấu „hỏa thành đại gia“ chăng? Chắc không phải vậy. Ai, kể cả „đại gia“ kia, khi đọc cũng biết là như vậy: talawas là một diễn đàn văn hóa. Thế thì chỉ có thể hiểu cái sự này bằng cách đọc lại „Bạch Tuyết và 7 chú lùn“: Sự tồn tại của cái đẹp được gọi là có tội đối với những điều đen tối!

Nhân nói chuyện Tàu lại nhớ đến những chuyện cũ đầy máu lửa từ tam đại, ngũ đại Trung Hoa: nào lửa đốt nho gia, lửa thiêu sách học, nào lửa đỏ Hàm Dương, lửa loang Xích Bích... Người Việt học Tàu để giữ tự chủ nhưng không phải không tiêm nhiễm những điều tệ hại. Muốn tránh những điều ấy, chỉ có cách nhớ những điều răn dạy của nhân dân: Dân Việt hiểu rõ tác hại của bốn thứ là thủy-hỏa-đạo-tặc và nhắn những kẻ thích nhóm lửa là cẩn thận kẻo sẽ nhận cái kết cục lửa rơi chân mình!

Mọi người ngày nay đều có thể hiểu và tin những điều tốt đẹp,

Chúc talawas tiếp tục thành công!

München, 11 tháng Sáu 2004


*


Trần Ngọc Vương (nhà nghiên cứu, Ðại học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Hà Nội)

Nhìn tổng thể, talawas là một diễn đàn hữu ích, phong phú và ở một trình độ cao của một ý đồ phổ cập hoá. So với hầu hết những diễn đàn khác bằng Việt ngữ, có thể nói lượng thông tin mà talawas mang lại là lớn nhất. Nếu nhìn dưới góc độ tác động, chắc nhiều trí thức đọc tiếng Việt, cả người gốc Việt lẫn người quốc tịch khác biết tiếng Việt đều có nhận xét tốt. Bản thân tôi không thấy talawas có hại gì về chính trị. Sự cố tường lửa thật đáng xấu hổ. Tôi không tin là chỉ có cách ấy để biểu thị sự không hài lòng của nhà cầm quyền với một số tác giả trên diễn đàn này (chứ không phải là tất cả) đối với quan niệm chính thống và đúng đắn. Theo tôi làm gì cũng phải tính đến lợi ích của cộng đồng.


*


Trần Thị Trường (nhà văn, nhà báo, Hà Nội)

Tôi vẫn nuôi hy vọng hàng rào dựng cho talawas chỉ là chuyện hiểu lầm hoặc là chuyện do trục trặc kỹ thuật cho dù trên thực tế nếu không có kiến thức tin học thì hiện không thể truy cập được. Hy vọng và mong đó chỉ là chuyện hiểu lầm bởi vì chẳng lẽ lại có ai đấy lại không thấy talawas là một "sân chơi" mang lại nhiều bổ ích. Một "sân chơi" giúp cho người đọc nâng cấp văn hóa đọc, giúp cho người viết thêm một lần biết rằng muốn viết ra trò, muốn cọ xát với những người viết chuyên nghiệp khác không thể không luyện cho ngòi bút có một đẳng cấp. Ngoài ra sân chơi ấy còn cung cấp vô tư những thành tựu văn hóa, nghệ thuật của thế giới bên ngoài và của Việt Nam cho tất cả những ai muốn tiếp cận những điều đó một cách vô tư.

Hơn 2 năm qua, nghĩa là báo talawas có hơn 100 số, có thể trong đó còn có những bài viết nào đó chưa vừa lòng người này, chưa hợp thẩm mỹ, mỹ quan người kia nhưng căn cứ vào lượng độc giả hàng ngày thì phải vô tư mà nói rằng nó được nhiều người ưa chuộng chính bởi lượng tri thức và tính thẩm mỹ của nó.

Cấm làm gì? Tại sao cấm? Và cấm có nổi không? Vì không tự trả lời được những câu hỏi tự mình đặt ra ấy nên tôi không muốn tin rằng nó lại gặp cái sự cố không hay ấy. Rồi tôi lại tự hỏi: hay bởi vừa qua có những cuộc trao đổi mạnh mẽ về một số vấn đề của làng văn nghệ mà người ta ngại? Chẳng lẽ thế? Tôi không tin.

Tôi tin rằng tiến bộ xã hội không mấy nhờ vào cách mà bọn khủng bố vẫn làm mà phần nhiều nhờ ở các cuộc tranh luận. Tôi tin rằng những người biết tranh luận và ngôn ngữ tranh luận của họ hay bao nhiêu, tiếp cận và chứa đựng bao nhiêu cái đẹp thì ở họ có bấy nhiêu sự tử tế. Hay là tôi ngây thơ?

Vậy nên tôi bình tĩnh, xem lại và chờ đợi. Có thể tình trạng hiện tại chỉ là sự trục trặc của kỹ thuật mà thôi (!)


*


Tiến sĩ Trịnh Bá Ðĩnh (nhà nghiên cứu, Viện Văn Học, Hà Nội)

Tôi chưa trực tiếp truy cập mạng talawas lần nào nhưng qua các đồng nghiệp, tôi biết có một số bài đăng trên talawas rất nên đọc. Tôi đang xin địa chỉ để đọc, thậm chí có thể gửi bài thì lại có tin là đã không thể truy cập được nữa. Lý do thì chắc ai cũng biết rồi. Tôi không có khả năng đi xuyên qua tường lửa nên chắc không trực tiếp đọc được. Nhưng dẫu sao cũng xin chúc talawas, chị Phạm Thị Hoài và các cây bút đã gây được sự quan tâm của khá đông bạn đọc với những bài viết nghiêm túc và có tinh thần trách nhiệm về văn học nghệ thuật.


*


Tưởng Bình Minh (Hungaria)

Tôi biết đến talawas cũng khá lâu rồi, đâu chừng đã được hai năm. Nói chung talawas là nơi quần tụ rất nhiều anh tài (về văn chương, văn học, học thuật…) của đất Việt. talawas với số lượng bài vở phong phú, lại có chất lượng cao nên thực sự là một diễn đàn rất có uy tín, mang đậm phong cách học thuật, nghiêm túc, đa phương và đa chiều. Khách quan mà nói, talawas từ lâu đã là món ăn tinh thần trong đời sống văn nghệ của nhiều bậc trí thức học giả trong và ngoài nước.

Sau một thời gian ''ngâm cứu'' một số lượng không nhỏ những bài viết đã được đăng trên quý diễn đàn, tôi từng đoán rằng: một ngày kia talawas sẽ bị firewall. Và điều đó hôm nay đang là sự thật.

Cá nhân tôi ủng hộ quyết định của cơ quan quản lý và kiểm duyệt văn hóa nói chung và với cá nhân ông Đỗ Quý Doãn nói riêng về việc xử lý talawas. Tuy nhiên việc đặt tường lửa ở talawas là tương đối bất ngờ. Nếu cơ quan chủ quản trước đó đã có các biện pháp cảnh cáo với Ban biên tập quý diễn đàn thì sự việc sẽ diễn ra theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

Theo tôi, talawas bị chặn tường lửa không phải bởi lý do có ai đó muốn loại đi một đối thủ cạnh tranh với các diễn đàn văn học có máy chủ đặt trong nước. Nguyên nhân của việc bị đặt firewall là talawas tương đối ''nhạy cảm chính trị, tác động xấu đến một lượng không nhỏ những độc giả có trình độ mơ hồ về nhận thức chính trị''. Xin phép không nêu lên đây những ví dụ, trích dẫn hay bằng chứng cụ thể nào về kết luận nói trên mà chỉ xin phát biểu chút cảm tưởng với quý báo.

Chính bởi tính ''đa phương, đa chiều'' nên nhiều vấn đề thuần tuý văn chương, học thuật đã được người ta lạm dụng và khai thác quá mức; kết quả cuối cùng là chúng đã vô tình lấn sang sân chính trị. Tôi đọc talawas mà nhiều khi cứ ngỡ mình đang đọc những trang web bị chính quyền thẳng tay đặt tường chặn.

Thực ra tôi cũng khá ngại khi nhận thấy sự ủng hộ của mình đối với quyết định chặn talawas lá khá đơn độc. Nhưng tôi tin vào tính ''đa chiều, rộng đường dư luận'' của talawas nên hôm nay mạo muội bày tỏ chút ý kiến gửi đến quý diễn đàn.

Xin nói thêm là tôi hiện nay ở nước ngoài nên vẫn vào talawas đọc bài bình thường.

© 2004 talawas