© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
19.6.2004
 
Vì sao tường lửa?
Nguyễn Xuân Nghĩa, Thế Dũng, Thuỷ Tiên, Trương Thái Du, Việt Lang
 1   2   3   4   5   6   7   8   9 
 
Nguyễn Xuân Nghĩa (nhà văn, Hải Phòng)

Kính gửi ban biên tập talawas,

Tôi sống tại Hải Phòng, là hội viên Hội nhà văn Hải Phòng. Cách đây 2 tháng, khi máy hòa mạng, nhờ một đồng nghiệp tôi tìm đến địa chỉ của talawas. Ngoài cảm nhận talawas là một tờ báo điện tử không thù địch, tôi thấy talawas thực sự là một tờ báo hữu ích cho những nhà văn, những độc giả yêu văn học tại Việt Nam đang nghi ngờ hoặc đã không xài nổi thứ văn chương cũ kỹ, tẻ nhạt và độc tài ngự trị một cách dai dẳng đã nửa thế kỷ trong nền văn chương nước nhà. Những ngày gần đây tôi không vào được talawas và biết có sự "trục trặc". Thực đáng buồn vì những động thái "bế quan tỏa cảng", tự cho chỉ riêng mình là "Chân -Thiện – Mỹ" của một số nhà quản lý văn hóa của nước nhà. Rất may, qua bạn bè tôi đã nhận được trở lại bài vở của talawas. Tôi cho rằng cùng với nhu cầu đổi mới xã hội theo hướng trong sạch, trí thức, dân chủ, hòa nhập... không thể tách rời nhu cầu đổi mới nền văn học nghệ thuật. Và, ở một vài quốc gia đã có những tiền lệ xã hội được cải cách bắt đầu bằng việc cải cách nền văn học-nghệ thuật. Trong tình hình tại Việt Nam luôn có những "bức tường lửa" như hiện nay, có cá nhân, những nhóm cá nhân tiên phong dũng cảm vì "một nền cộng hòa văn chương" cho đất nước là điều cần thiết và đáng trân trọng. Nhân đây cho tôi gửi lời chia sẻ những khó khăn cùng ban biên tập talawas và những người đã sáng lập ra tờ báo. Cho tôi gửi lời chào kính trọng đến những nhà văn, độc giả đang sống tại quốc nội đã dũng cảm công khai quan điểm của mình trên talawas. Chúc talawas kiên định tiêu chí của mình. Xin gửi tới talawas lời chào kính trọng.

Hải Phòng ngày 13 tháng 6 năm 2004



Thế Dũng (nhà thơ, Berlin)

Khi còn là sinh viên Ðại học sư phạm ở Hà Nội (1976-1980) tôi đã rất sung sướng khi đọc truyện Người đi xuyên tường. Chỉ nhớ là truyện của Pháp và do thày Phùng Văn Tửu dịch, chứ tôi không nhớ nổi tên của tác giả.

Nhờ đó, tôi luôn luôn có ý chí mỗi khi đứng trước các loại tường. Nay, đứng trước cái giả thuyết khó còn nghi hoặc gì về một bức tường lửa đã được tạo dựng giữa talawas và những độc giả của năm 2004, tôi thấy quá sửng sốt. Tưởng bây giờ là năm xưa:

Ở đâu đó một thời con đã sống
Trong ngôi nhà khóa trái cụt ăng-ten
Sầu xuyên quốc nửa đêm òa khóc mộng
Những tin lộ nghẽn dòng chết cứng giữa buồng tim.

("Nói với con trong tuyết ở Berlin", Thế Dũng, 1996)

Những tưởng, trong ngoài đã có cơ hội đồng thanh đồng khí để tạo ra những cuộc tương ứng tương cầu; hóa ra, chỉ ngay cái mong muốn những điều tốt đẹp của bên trong cũng như của bên ngoài có nơi gặp gỡ, trao đổi cũng đã bị những cách nghĩ ngắn hạn khống chế bằng cách gây ra những thủ pháp bạo hành tri thức bằng kỹ thuật.

Vậy mà đã thấy vui vui: trong khi các tác giả, độc giả ở khắp nơi đang ai ca, oán luận về vụ tường lửa đè talawas thì tôi được tin cuốn sách Xã hội mở của G. Soros, bản tiếng Việt của dịch giả Nguyễn Quang A, đang sắp ra mắt tại Hà Nội.

Nếu ai hiểu được talawas là một sân chơi theo kiểu xã hội mở thì cứ yên tâm. Tường lửa ư?
Cứ dưỡng khí một chút để mà tri ngôn của những ai đang quan tâm tới tường lửa (cả kẻ trong
lẫn người ngoài) thì lại có thể lặng lẽ mà tự tin. Lặng lẽ mà xuyên tường. Vì, tình trạng thực
tế của người viết và người đọc Việt Nam ở khắp mọi nơi trên trái đất hiện nay đã khiến cho
luận điểm văn hóa văn nghệ là một mặt trận đã không còn thích hợp. Hình như đó là luận điểm (đã từng rất có lý) của Bác Hồ. Hồi còn nhỏ, tôi luôn luôn đậu danh hiệu là cháu ngoan của Bác. Cho nên tôi tin, nếu có sống lại, Bác cũng sẽ đồng ý với thằng cháu ngoan là: bây giờ, văn hóa văn nghệ nên là những diễn đàn, không nên là mặt trận nữa. Ðã là những diễn đàn thì ắt có người nói kẻ nghe. Không phân biệt đại học hay chưa đại học. Không kỳ thị là tay viết lái xe ôm hay tay viết lái máy bay. Không cố chấp đã là tiến sĩ hay chỉ là ca sĩ. Quen viết tay thì dùng bút bi hay bút mực là tùy tâm. Có điều kiện thì gõ phím nhấn "chuột". Ðã là diễn đàn thì ắt phải có tranh luận, có cãi nhau, có lời nặng tiếng nhẹ. Ai biết ít nói ngắn. Ai biết nhiều nói dài hoặc ngược lại cũng không sao. Diễn đàn này có thể tranh biện với diễn đàn khác bằng một văn hóa đối thoại mang nhãn hiệu 2004. Nhưng cấm kỵ có án mạng, có tù đày, có tường lửa hay tường i-nốc, cấm kỵ làm tổn thương đến nguyên khí của dân tộc, tài sản của quốc gia.

Thực ra, nguồn gốc của Tường lửa cũng có tính ảo. Nó sinh ra từ những tâm trạng bối rối
hoặc từ những hành xử cực chẳng đã của các bộ óc thủ lĩnh trong những khoảng khắc mà ảo
giác bất lực đang tạm thời choáng váng các phản xạ lãnh đạo. Những khoảnh khắc ấy rồi
cũng sẽ trôi qua. Tôi tin:

Thời gian điềm nhiên: Có Tường lửa!
Thời gian điềm nhiên: Không Tường lửa!

Trong khi vẫn còn tường, ai thích xuyên, thích vượt thì cứ tự do chọn cách.



Thủy Tiên (Hungary)

Tường lửa trong lòng mỗi người!

Tôi là một người đọc Ðông Âu của diễn đàn talawas từ lâu. Một trong những điều làm tôi trân trọng nhất là diễn đàn đã tập hợp được rất nhiều trí thức Việt Nam (cả trong nước lẫn hải ngoại) có trình độ nhận thức và lý luận rất cao.

Lấy gì làm thước đo cho trình độ tri thức này?

Ðó là khả năng học vấn cơ bản, khả năng đánh giá, phân tích khách quan, không cực đoan, ngộ nhận, khả năng ngoại ngữ xuất sắc để đọc và hiểu cũng như dịch các tác giả nước ngoài một cách chính xác và có hệ thống. Thật đáng buồn khi có thể nói rằng nhiều người (được coi, hoặc tự coi) là trí thức Việt nam, nhưng chưa đạt được nhiều tiêu chuẩn cơ bản dành cho tầng lớp này.

Bởi vậy khi talawas gặp "sự cố tường lửa" nhiều người đã lên tiếng bày tỏ ý kiến của mình, trong đó có một "đồng chí"sống ở Ðông Âu (như tôi) cho rằng: sở dĩ talawas bị nạn vì đã vượt sân chơi văn hoá nghệ thuật mà sang sân chơi chính trị…Tôi hy vọng đây chỉ là ý kiến riêng của cá nhân Tưởng Bình Minh, và chỉ có một mình "đồng chí" tưởng mình đang nghĩ đúng mà thôi.

Nhiều bạn đọc của talawas ở Ðông Âu (trong đó có tôi) không nhất trí với sự nhận định này, mặc dù có thể hiểu được, tại sao "đồng chí" ấy nghĩ thế. Ðông Âu đã trả một giá đắt cho sự phát triển chậm trễ ngày nay của mình cũng chỉ vì đi nhầm "sân chơi’ chính trị hơn nửa thập kỷ. Ðã trải qua 15 năm thay đổi thể chế chính trị, kể từ ngày chính thức "anh cả" Liên bang Xô Viết tan rã kéo theo hàng loạt các "em út" tan rã theo. Người dân Ðông Âu đã qua bốn cuộc bỏ phiếu theo chế độ dân chủ, nhưng có lẽ chỉ đến lần thứ tư, người ta mới dần dần hiểu thực chất chế độ dân chủ cần đến những công dân có tri thức đầy đủ về sự dân chủ ấy. Tri thức này không dựa trên cảm tính, sự hời hợt về kiến thức, sự lười biếng trong suy nghĩ phân tích, cách đánh giá một chiều, việc học và sử dụng không đầu đũa vốn ngoại ngữ…vốn là đặc tính cơ bản cho các trí thức Ðông Âu một thời (trong đó có các "trí thức Việt Nam"được đào tạo ở Ðông Âu). Ðông Âu ngày nay, cùng với sự gia nhập EU, đang cố gắng tạo ra những thế hệ trẻ - bằng việc học tập và theo kịp các chuẩn mực tri thức, ngoại ngữ của các nước thành viên EU lâu đời - để có đủ khả năng hội tụ quốc tế và đạt ngang tầm quốc tế về nhiều mặt.

Vậy những "trí thức Việt Nam" sống ở Ðông Âu đang và sẽ làm gì để chuẩn bị cho mình trở thành một thành viên trong sự hội tụ ấy?

Hay phần đời còn lại cố gắng "khiêm tốn"tụt lại trong hậu trường với những mảnh bằng tụt hậu thu được từ một Ðông Âu bị phong toả "sân chơi "chính trị thuở nào?

Bởi vậy talawas hãy tin rằng không chỉ trong thực tế có "tường lửa" cấm đoán ở Việt Nam, mà còn nhiều tường lửa được tự dựng lên trong lòng mỗi người khi con người chưa hoàn toàn nhận biết về chính họ và tất cả những gì xảy ra xung quanh họ. Nhưng con người may mắn bao giờ cũng tin vào những điều tốt đẹp ở tương lai!

Mong rằng vẫn đọc được nhiều bài thú vị của talawas trong tương lai.

Thay mặt một nhóm bạn đọc ở Ðông Âu.



Trương Thái Du (TPHCM)

"Văn hóa" tường lửa của lệ làng

Thuở bán sử, nhà Tây Hán sang chiếm đóng Lạc Việt. Từ thời Mê Linh liệt nữ trở về trước các Lạc hầu, Lạc tướng vẫn được tự trị trong vùng đất rộng lớn của mình. Cuộc cưỡng đoạt và diệt chủng của Mã Viện đã thu nhỏ quy mô tự trị xuống đến đơn vị làng, xã. Đến đời Lý, phong kiến Việt Nam được tạo dựng, nền hành chính đã phân cấp xuống nhóm 50 nóc nhà gọi là "đảng", dưới "đảng" là "toại". Qua năm 1419 trong các văn bản nhà nước xuất hiện chức danh Lý trưởng để chỉ người đứng đầu 110 hộ, Giáp thủ đứng đầu 10 hộ. Đến tận thế kỷ 19, triều đình Việt Nam thống nhất vẫn chỉ bổ quan đến phủ huyện, từ tổng trở xuống thì dân tự trị. Tổng là một nhóm vài làng xã. Phong tục tập quán của làng xã, chính quyền cao hơn hầu như không can dự vào. Như vậy lề thói "phép vua thua lệ làng" có lịch sử đã mấy ngàn năm.

Trên quan điểm tiến hóa chính trị và xã hội, hành xử này chỉ có thể gọi là "truyền thống" chứ không thể xem là văn hóa. Vì nhiều người coi truyền thống đồng nghĩa với văn hóa nên đôi khi xuất hiện khái niệm "truyền thống văn hóa". Thực ra văn hóa truyền thống là thành quả văn hóa cô đọng đã được công nhận như tinh hoa. Còn truyền thống là lề thói quen thuộc đi kèm với sự tôn sùng đôi khi vô thức.

Từ ngày mở cửa, cụm từ "văn hóa làng xã" được thổi lên tận mây xanh. Làng xã Việt Nam được xem như một pháo đài thanh lọc văn hóa ngoại lai suốt 800 năm nô lệ buổi sơ sử, cộng thêm 80 năm tây thuộc cận đại, như vậy nó hiển nhiên là chiếc nôi của bản sắc văn hóa Việt Nam. Tuy vậy, cũng nhờ mở cửa mà nhiều sự thanh lọc của ông bà xa xưa gây nên bao nỗi bàng hoàng cho con cháu. Ví như thầy đồ nghiên cứu Sử ký Tư mã Thiên chẳng ngại ngùng cắt phăng phần "Hóa thực liệt truyện" nói về nghệ thuật kinh doanh thương mại. Cổ nhân rõ ràng coi thường và rẻ rúng bọn con buôn để rồi đưa "cái nghèo" lên hàng đạo đức. [1]

Cơ thể sinh học khi bị viêm nhiễm, dị ứng sẽ dẫn đến nóng sốt. Kháng thể được sinh ra để tiêu bệnh. Với nhiều hệ miễn dịch yếu kém, nó lại bị chính kháng thể tấn công tạo nên thấp khớp. Cơn bạo bệnh nô lệ của cơ thể xã hội Việt Nam có thể đã qua rồi, nhưng chứng đau đớn khó chịu từ xương tủy vẫn còn hành hạ nó đến khi nào? Bệnh ngày càng nặng thêm hay tất yếu phải nhẹ đi?

Lý Đợi, trong bài phỏng vấn "Vì sao tường lửa?" đã gọi việc talawas đang bị ngăn sông cấm chợ là "sự cố lệ làng". Nói chung, nhức nhối kiểu tường lửa hiện nay của talawas có thể gặp ở mọi chỗ, mọi nơi trong đời sống, sinh hoạt Việt Nam hiện tại và cả tương lai nữa.

Tôi xin lấy "văn hóa đi đường" làm một ví dụ nhỏ. Hiển nhiên già trẻ lớn bé trí thức trí ngủ đều phải đi tới đi lui và phải bước ra đường, vần vũ trong dòng xe gắn máy ầm ì tiếng động oanh tạc cơ và ngột ngạt khí thải chết người. Riêng cái vạch dừng màu trắng tại giao lộ đèn xanh đèn đỏ cũng lắm chuyện. Tôi ngờ 90% công dân Việt Nam không tin đây là ranh giới giữa loạn và an, giữa thức và ngủ, giữa người và ngợm [2] , 9% nữa luôn sợ bị chửi vì gây chuyện lạ đời đành để nước bẩn cuốn đi. Thác loạn giữa những mảnh nhựa hắc ín chắp vá, người ta chen lấn giành giật từng phần tư bánh xe trở đi.

Luật có nhưng ai ai cũng thích dùng lệ. Hằng năm hơn 1 vạn người được đưa ma, gấp ba bốn lần số đó mang thương tật vĩnh viễn. Cuộc chiến tranh không súng đạn vẫn âm thầm gặm nhấm hòa bình. Song le luật cũng chẳng giống ai, hay nói khác đi cũng chỉ là lệ cải biên ẩu tả. Đơn cử quy định gắn kính chiếu hậu: thợ thủ công Sài gòn – Chợ lớn trúng quả đậm, gương soi mặt cắt bằng kim cương cùn thứ phẩm nham nhở dán vội lên những cái giá nhựa thô kệch bán rất chạy. Có là xong, kiếng quay ngược quay ngang cũng mặc nhưng tốt nhất đừng nhìn vào, độ rung của xe cộng với bề mặt phản xạ loạn xạ sẽ khiến người điều khiển xe chóng mặt gây tai nạn thì nguy. Một số xe nguyên thùng thì hẳn kính chiếu hậu phải là hàng chính hãng, đủ phẩm chất. Song người ta quy định gắn kính chứ có chỉ vẽ hoặc tuyên truyền cách thức và sự cần thiết phải sử dụng kính đâu. Cuối cùng hầu như lại 99% số người có kính không biết dùng nó để làm gì nên kêu trời oai oái vì bất tiện, va quệt.

Chẳng hiểu thời nay văn hóa ở đâu ra nhiều cơ man: gia đình văn hóa, ngõ hẻm văn hóa, khu phố văn hóa, thanh thiếu niên văn hóa, ngôi trường văn hóa, lễ hội văn hóa, di tích văn hóa… Để từ "văn hóa" làm vĩ ngữ nhiều dễ nhàm, người ta lại nhón nó ra phía trước: văn hóa ẩm thực, văn hóa kinh doanh, văn hóa lãnh đạo, văn hóa thi cử, văn hóa đối thoại, văn hóa hành xử, và nóng hổi trên diễn đàn này chắc chắn phải là "văn hóa tường lửa" của lệ làng!

Hai chữ "văn hóa" gần như trở thành nỗi ám ảnh của xã hội Việt Nam hiện đại với lưng vốn ước đoán bốn nghìn năm văn hiến. Nếu không thể thừa nhận nền nhân văn của chúng ta đang khủng hoảng thì ít nhất cũng phải xem nó bị bệnh nặng, với những tiền căn mơ hồ nhưng hoàn toàn không khó đoán định, trong đó "văn hóa lệ làng" đang xoáy lên các cơn nhức nhối từ xương tủy.

Ở góc độ nào đấy, về bản chất bức tường lửa của công nghệ thông tin không khác lũy tre làng Việt Nam là mấy. Bức tường lửa đôi khi được định nghĩa như mạng nội bộ, thanh lọc những kẻ nhập xuất bất hợp pháp. May mắn là một ổ khóa thường có nhiều chìa mở được, nhất là với sự tiến bộ từng ngày của ngành tin học. Phản ứng của nhiều độc giả, tác giả talawas và cả bức thư gửi quan chức có trách nhiệm của những người chủ trương đầy nhiệt huyết là dễ hiểu, dễ thông cảm và hoàn toàn hợp lý, nhưng vẫn không thoát ra khỏi cái bóng bức xúc hứng sảng. Một tâm tình bất chợt thăng hoa có thể khiến người ta thành thi sĩ lưu danh muôn thuở. Nhưng để nhận ra đâu là văn hóa truyền thống, đâu là hủ tục thô lậu, cần biết bao bĩ cực đoạn trường, biết bao trăn trở và khắc khoải. Và hơn ai hết, tôi tin những người yêu quí talawas sẽ nghiệm được cách tự túm tóc mình, thoát vượt khỏi thực tại ô trọc dù kết quả hiển hiện trước mắt vẫn chỉ là một sự hoang mang không hơn không kém.

Tháng 6-2004



Việt Lang (TPHCM)

Trớt he rồi!
 
Đầu tiên là tôi không phải là một người thuộc giới văn nghệ sĩ, chí ít không thuộc giới các vị hay ngồi ở 81 Trần Quốc Thảo, Quận 3 [3] . Mặc dù ở đây là vị trí tốt nhất để nhìn sang phía đối diện, bên kia đường: 62 Trần Quốc Thảo, Quận 3 [4] . Mặc dù tôi cũng thích viết tầm phào vài thứ, vẫn nhớ bài viết đầu tiên gởi ở talawas là "Thêm một tư nữa về con c..." ngày 09.01.2004 (lần đó tôi dùng tên Hạo Nguyên Đình).
 
Trên trang web Đặc Trưng [5] mà tôi là thành viên, khi có một thành viên cho rằng talawas là một trang web thân Cộng, tôi không ngại ngần nhận mình đă có đăng bài ở talawas. Văn chương mang nhiều chính kiến khác nhau đều được rong chơi trên talawas, và không chỉ có vậy…, những trăn trở học thuật mới là điểm nóng ở talawas.
 
Mặt khác, tôi có lưu trữ lại gần như toàn bộ các bài viết đăng từ tháng 08/2003 trên talawas, đó có lẽ là thói quen của thời văn chương giấy còn sót lại hoặc đơn giản là một sự cả nghĩ như bạn tôi có lần châm chọc. (Lần này sau khi rớt trong vài đợt truy cập, ông ta quay ra làm nhanh cái việc lưu trữ kỳ cục kia, thì ra cái dự cảm đáng ghét nọ không chỉ chập chờn trong riêng óc tôi).
 
Đó là vài kỷ niệm vụn của tôi về talawas…
 
Đến nay, tôi vẫn không dám tin cái lí do một vài ông kẹ nào đó mà đủ sức chi phối được nhu cầu nghe nhìn của nhiều ngàn người, bởi nếu là sự thật thì thực trạng văn hóa nước ta bi đát lắm lắm. Ngoài ra, quanh đây có dáng dấp của một trò phá hoại thâm độc văn học nước nhà, một khi việc dựng tường lửa với talawas đã đánh đồng văn chương với sự phản kháng. Hành động dựng tường lửa lên văn hóa đọc giống như một cú chui ra khỏi cuộc sống, nhằm cho ai đó khỏi thấy những sự thật - theo một quan điểm chủ quan nào đó; là một dạng ru ngủ vô vọng - hơn là một biện pháp giải quyết triệt để vấn đề. Mọi việc có vẻ úp mở như trò cút bắt. Đây cũng là một minh chứng để hiểu rõ hơn nguyên nhân tại sao văn đàn Việt đang rộ lên dòng văn học huyễn tưởng (fantasy). Trong các tác phẩm này có đầy đủ các yếu tố mộng mị, phi hiện thực và thật nhiều ảo ảnh. Sự phỏng đoán xuất phát từ cuộc sống, ám vào văn chương rồi trở thành một phương thức ứng xử không thể thiếu về các hoạt động hành chánh trong xã hội.

Tôi nghe nói, thời bộ lạc có một tay tù trưởng chột mắt đã bắt toàn thiên hạ trong lãnh địa mình phải chấp hành mệnh lệnh: ánh sáng là một thứ vô tích sự trên trái đất này. Chẳng lẽ vở hài kịch nhảm nhí này vẫn có thể cách tân để dùng lại vào thế kỷ XXI ? Quý vị nào đó trót lỡ sắm vai tù trưởng chột mắt thì mau mau vãn tuồng cho bà con họ nhờ với. Nếu cần, hãy phán cho talawas một bản án; việc giam giữ vô thời hạn không xét xử chỉ thịnh hành trong chiến tranh. Sử dụng kênh thông tin để giao tiếp mà hiểu biết nhau hơn, để cùng phát triển tốt hơn luôn/đang là xu thế chung đương đại. Mập mờ làm khác đi hướng ấy chỉ tổ gây thêm phản tác dụng. Có lẽ hơn ai hết, những quan chức có trách nhiệm trong ngành văn hóa thông tin nước ta nắm rõ nguyên tắc sơ đẳng này.
 
Bữa trước, tôi có bạo gan đi hỏi thử một vị có rành vụ tường lửa talawas. Ông đó tủm tỉm cười một cách khá bí hiểm trước khi phán một câu rất chi thời thượng: "Việc này chẳng thể giải quyết trong một sớm một chiều được". Tính thời sự "không thể một sớm một chiều" tăng dần qua các kỳ chất vấn ở Quốc hội, thông qua số lần lặp lại của các vị Bộ trưởng. Với tư cách dân đen con đỏ lại có biết đọc biết viết, tôi xin mạo muội góp ý như sau: Xét ở tầm quản lí văn hóa thông tin vĩ mô, nếu việc đưa ra cả một kế hoạch đậm màu tiểu khí để đả "Hoa thủy tiên…" của Nguyễn Huy Thiệp là một sai lầm không đáng có, thì việc dựng tường lửa talawas để chữa cháy sự việc kia chỉ làm cho mọi chuyện cháy to hơn mà thôi. Trước thực trạng "chất lượng giáo dục trong nước còn rất thấp" [6] , những đóng góp nhất định trong việc phổ cập và phát triển tri thức khoa học nhân văn của một trang web tiếng Việt như talawas cần được nhìn nhận một cách sòng phẳng và hợp lí hơn. Chẳng có gì đáng phải trợn mắt gân cổ lên mà cãi, mọi chuyện chình ình trước mắt bàn dân thiên hạ, không nhất thiết cứ loay hoay mãi như vậy. Vả lại trong trường hợp này, những lí do chính trị được đặt ra như một trò đánh đố, như cái lí của thằng Cuội hơn là có thể soi sáng được vấn đề dựng/không dựng tường lửa đối với một diễn đàn văn hóa – văn nghệ có tính độc lập. Hoặc giả đây cũng là một hệ lụy của cơ chế điều hành chủ yếu bằng văn bản hiện nay.
 
Bây giờ, tôi vẫn đọc talawas mỗi ngày. Không phải riêng tôi đọc được, mà theo tôi biết, nhiều người khác vẫn đọc được. Một số khác thay vì họ lên trang talawas mỗi ngày, thì nay họ dồn hai ba ngày lại, tải xuống một lần. Riêng tay dốt tin học thầy chạy nên vẫn thích viết trên giấy như tôi, cũng lận sẵn trong túi tới hơn một cái bùa, để có thể xem talawas trên phần lớn các máy vi tính nào tôi từng gặp. Có người lại trách tôi rằng: tiếng nói của một cá nhân không giải quyết được gì cả; ý này đúng một phần, và phần còn lại là: tập hợp xung lực cho những chuyển động lớn thì luôn bắt đầu từ những biến dịch nhỏ. Gẫm cái chuyện giải quyết tường lửa ở talawas, chợt nhớ một trò nhỡn tiền khác của thằng Cuội:
 
Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên
Quan thời cầm bút cầm nghiên
Quan thời cầm tiền đi chuộc lá đa
 
Chẳng lẽ đã nên quan thì lúc nào cũng phải bận rộn, dầu là quan văn nghệ? Trớt he rồi! Thôi đi tám, như vầy là xài hổng vô [7] .
 

P/S:

  1. Bản thân talawas cũng cần tỏ ra chủ động hơn chăng? Nếu không chấp nhận việc đặt tường lửa như một biện pháp áp đặt, thì cũng đừng nên đợi chờ việc hạ tường lửa như một hành động ban cho. talawas, giới sáng tác và độc giả cần làm một cái gì đó cụ thể hơn…
     
  2. À, suýt nữa thì tôi quên mất chuyện sau: Ấy, sao ông Lí Đợi lại cho rằng cái bụng của văn nghệ sĩ Sài Gòn "là một kho giả dối" [8] . Tôi chẳng nghĩ vậy, một mặt bụng họ - bụng tôi - bụng ông và bụng tất cả mọi người trên thế gian này đều chứa những thứ giông giống nhau [thứ gì thì́… ai cũng biết mà…]. Mặt khác ta cũng nên giới hạn số bụng có cái kho…ở Sài Gòn lại, đâu cần qươ gọn chung một đám, phải không Lí tiên sanh?

Sài Gòn ngày 18.6.2004
 
© 2004 talawas




[1]Xem thêm Đoan Hùng: Đôi giòng tản mạn về hóa thực Liệt truyện. http://www.cafe68t.net/content/unicode/ThoVan.html
[2]Tí nữa thì tôi đã dùng "giữa Người và Con", như nhiều tác giả hay nhầm lẫn, nếu không kịp nhớ đến bài học Việt ngữ sơ cấp: từ Con người bao gồm hai phần, trong đó chữ Con là lượng từ, hoàn toàn không mang nghĩa. Nếu ai đó có thể phân Con người ra thành Con và Người; vậy con dao, cái búa cũng có phần… động vật ư?
[3]Địa chỉ của Liên hiệp các nhóm Văn học Nghệ thuật TP. HCM.
[4]Địa chỉ của Ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy - Phòng Văn hóa Văn nghệ.
[5]www.dactrung.com
[6]Theo thừa nhận của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Minh Hiển khi trả lời chất vấn trước Quốc Hội ngày 11/06/2004, nghe đến đoạn này tôi biết có không ít người mủi lòng, chẳng đợi phải có một bà Bộ trưởng rớm nước mắt khi đọc báo cáo.
[7]Đây là những phương ngữ từng được dùng phổ biến qua các thời tại thủ phủ đất phương Nam. Câu này có thể hiểu: Quá lố mà chẳng ăn nhập gì cả ! Anh/chị đừng làm vậy, vầy là khó chơi/quan hệ với nhau.
[8]Trong bài "Vì sao tường lửa? " do Mai Hoàng thực hiện, phỏng vấn Lí Đợi ngày 14/06/2004.