© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ TrẻVăn học Việt Nam
24.6.2004
Vương Văn Quang
Cảm nhận về thơ Bùi Chát
 
Qua một số bài viết của những tác giả trong nhóm Mở Miệng, tôi láng máng biết tới tập thơ gồm 333 bài - có tựa hình như là Xác ướp căm bách - của tác giả Bùi Chát. Vốn rất hâm mộ Bùi Chát nên tôi nghĩ chắc đây chỉ là một trò đùa vui của tác giả này.

Đọc bài Chấm hết cuộc tình của Bùi Chát đối thoại với Phan Nhiên Hạo, tôi vỡ lẽ ra rằng việc Bùi Chát làm tập thơ Xác ướp... không hẳn chỉ là đùa vui. Linh cảm mách tôi rằng: đây là một trò đùa mang tính triết học.

Dù sao tôi cũng không muốn Bùi Chát để tâm quá nhiều vào việc đùa bỡn, dù là đùa triết học. Thế mạnh của Bùi Chát chính là những sáng tác nghiêm túc của anh. Nhiều bài thơ của Bùi Chát khiến tôi bị ám ảnh, một nỗi ám ảnh mơ hồ. Trong bài Ðun nóng nồi thơ, Lý Ðợi có tiếp thị mấy bài thơ của Bùi Chát, tôi đặc biệt có ấn tượng với bài Nhất rạ lục giao hay Lục rao nhất dạ gì đó. Hôm nay, trên tay tôi là cuốn tạp chí Thơ (California) số Xuân con khỉ, có bài Nàm tình của Bùi Chát. Thật là kiệt xuất. Có lẽ đây là những thi phẩm trác tuyệt nhất trong những thi phẩm mà tôi được thưởng thức từ trước tới nay.

Có thể nhiều người sẽ bảo rằng tôi sáo mép. Ám ảnh gì, ấn tượng gì mà đến tên bài thơ của người ta không nhớ nổi? Những ai nghĩ thế xin hãy bình tĩnh nghe tôi giải thích. Thơ hậu hiện đại nó hay là ở chỗ ấy. Rất hay, mà chẳng biết vì sao. Nó rất hay. Thế thôi. Yêu cầu nhớ hay thuộc thơ hậu hiện đại thì đúng là một yêu cầu viển vông và thiếu hiểu biết. Nếu nhớ hay thuộc được thì nó là vè, là tiền hiện đại mất rồi.

Việc tôi tiếp cận được thơ của Bùi Chát thực ra cũng có lí do riêng của nó. Cách đây hai chục năm, khi còn bé tí, tâm hồn còn mỏng mảnh rất dễ cho mọi thể loại văn hoá xâm nhập, tôi đã được may mắn tiếp xúc với thể loại thơ này. Tất nhiên khi ấy chưa ai biết đó là thơ hậu hiện đại. Có thể kể ra đây thành một câu chuyện như thế này:

Vào đầu những năm 80 thế kỉ trước, khi đất nước vẫn đang còn trong chế độ kinh tế bao cấp, ở Hà Nội (coi như toàn miền Bắc) hầu như mọi người dân đều không biết đến khái niệm toa-let riêng trong nhà. Từng khu phố đều có nhà vệ sinh công cộng. Không biết xuất phát từ đâu mà mọi người quen gọi những nhà vệ sinh công cộng này là “nhà xí”, hoặc “chuồng xí”. Khi đó, tôi sống ở một khu gồm toàn các văn nghệ sĩ. Theo sự hiểu biết của tôi thì không mấy văn nghệ sĩ nước ta không biết tới cái khu này. Tên gọi của nó là Khu Văn Công. Vì là khu của các văn nghệ sĩ, nên chuồng xí ở đấy cũng mang đầy tính nghệ thuật. Bên trong chuồng xí thực sự là một diễn đàn nghệ thuật. Mọi người thoả sức sáng tác, tranh luận, phê bình... Mảng sáng tác có khá đủ thể loại: hội hoạ, âm nhạc, thơ. Trong đó thơ có vẻ phát triển hơn cả. Nhiều khi các nghệ sĩ còn đấu khẩu tranh luận bằng thơ.

Về mặt cấu hình thì chuồng xí là một căn buồng mỗi chiều chừng mét rưỡi, trong đó có hai viên gạch dùng làm chỗ để chân, giữa hai viên gach là một cái lỗ tròn đường kính hai mươi phân, dùng để phóng “hàng” xuống dưới (tôi tả tỉ mỉ như vậy vì những bạn trẻ sinh ra vào khoảng giữa thập kỉ 80 thì không có cơ hội biết tới cái chuồng xí, một trong những đặc điểm của thời bao cấp.)

Ðặc tính của nghệ sĩ là tự do, không thích tuân thủ nguyên tắc, vì vậy nhiều khi họ không chịu thả “hàng” vào đúng nơi qui định (cái lỗ tròn), mà họ tương ngay lên viên gạch, tức là chỗ để chân. Một người làm thế thì lập tức cái chuồng xí ngập ngụa “hàng”, bởi cứ người vào sau không có chỗ để chân thì bắt buộc phải tìm chỗ để chân cho ưng ý, và như thế là “hàng” lại tiếp tục không được tống đúng chỗ. Có một hôm xuất hiện một câu thơ thế này:

Ỉa sao đúng lỗ mới tài.
Ỉa chệch ra ngoài kĩ thuật còn non.

Tôi đoán rằng nhà thơ sáng tác câu này chắc hôm đó không còn chỗ để chân, phải nhịn nên mới tức bụng mà sinh ra câu thơ đó. Hai hôm sau, có một nhà thơ khác cãi trả thế này:

Còn non thì mặc còn non.
Ði trật vài hòn thì đã làm sao?

Ghê không? Thơ thẩn mang tính chiến đấu đến thế là cùng. Nhưng dạng thơ đó thực ra không phải đối tượng tôi quan tâm và thích thú. Tôi dành sự mê đắm của mình cho những bài thơ mà nội dung của nó rất giống với thơ của Bùi Chát và một số tác giả nhóm Mở Miệng, nhưng hình thức thì mới chỉ gần đạt được như thế. Có vẻ hơi đơn giản hơn (chính vì thế mà tôi mới nhớ được tới ngày hôm nay). Hồi đó chưa ai gọi đấy là thơ hậu hiện đại, họ gộp chung cả thơ, nhạc, hoạ trong chuồng xí vào cái thuật nghữ là “văn hoá chuồng xí”. Tôi rất muốn trích dẫn những bài thơ đó ra đây cho các bạn tiện tham khảo, đối chiếu, so sánh. Nhưng lo ngại rằng những người thuộc phái bảo hoàng tức giận mà đập màn hình máy tính.

Chính vì sớm được tiếp xúc với dòng thơ uyên bác này, nên việc tôi đắm say thơ của Bùi Chát là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Tôi không hề có ý so sánh, hay bảo rằng thơ Bùi Chát là “văn hoá chuồng xí”. Thuật ngữ chỉ có tính qui ước. Tôi thật sự thích những bài thơ trong chuồng xí bởi những giá trị của nó, mặc cho nó là văn hoá gì cũng được. Cũng như tôi thật sự đắm say thơ Bùi Chát, mặc cho ai đó nói rằng đấy là thơ dơ.

Tôi cũng gửi tới những nhà thơ hậu hiện đại khác lời xin lỗi chân thành nhất. Bởi bài viết này chỉ đề cập tới cái “hậu hiện đại” cụ thể của Bùi Chát và nhóm Mở Miệng.

© 2004 talawas