© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
26.6.2004
Đỗ Văn Khang
“Siêu văn chương”, “siêu phê bình”
 

Nếu Anhxtanh gọi nghệ thuật bậc cao là "siêu lôgic", thì văn học bậc cao phải là "siêu văn chương"

 
 

I. Sự xuất hiện "Siêu phê bình" trên "Siêu phương tiện"
 
Năm 1999 tôi nhận được bộ Mĩ học của F. Hêghen do GS. Phan Ngọc dịch, Nxb. Văn học ấn hành.
 
Sau đó năm 2002 tôi nhận được bài Sấm Hêghen của Phạm Thị Hoài qua hệ thống "siêu phát hành" trên liên mạng. Bài này, Phạm Thị Hoài phê bình bản dịch Mĩ học Hêghen của GS. Phan Ngọc rất nặng nề. Chị coi bản dịch của Phan Ngọc là "sự huỷ diệt nguyên tác" (tr.3).
 
Tất nhiên, tôi không hoàn toàn đồng ý với Phạm Thị Hoài, vì chị quá chủ quan với vốn Việt ngữ so với GS. Phan Ngọc.
 
Tại sao tôi nói như vậy, vì tôi đã chứng kiến lần chuyển mã hai từ "Man Nương" của chị, hồi chị còn làm văn trong nước. Lẽ ra Man Nương là một huyền tích ghi nhận sự giao lưu văn hoá Việt-Ấn, nhưng đến tay Phạm Thị Hoài, chị lại biến thành một thứ sex rất tầm thường [1] .
 
Ðiều mong muốn của tôi và những người đọc các Bài giảng mĩ học của Hêghen là được người giỏi tiếng Ðức, sành tiếng Việt, là chuyên gia mĩ học dịch "giáo trình" này sang tiếng Việt thì hay quá. Phải ghi nhận là Phan Ngọc – một người có tầm văn hoá rộng, đã khoả lấp được một phần trống vắng rất lớn về kiến thức mĩ học của Phạm Thị Hoài, cho nên bản dịch của Phan Ngọc vẫn có giá trị.
 
Có giá trị, vì các Bài giảng mĩ học của Hêghen lại không phải do ông viết hoàn chỉnh, tự ông xuất bản. Khi ông mất, các học trò giỏi của ông dùng tài liệu ghi chép của thầy giáo, cùng vở ghi chép của một số sinh viên viết lại. Vì thế, ý tưởng thẩm mĩ của Hêghen cũng là tương đối trong phạm vi "đãi cát lấy vàng". Còn cái hay của GS. Phan Ngọc có thể nêu ví dụ: ở tập 2 Mĩ học của Hêghen, Phan Ngọc dịch chữ "Sublime" sang tiếng Việt là "trác tuyệt" thì đúng quá. Nếu không hiểu xuất xứ của thuật ngữ Sublime từ tác phẩm Bàn về cái trác tuyệt của Lôghinnút thời cổ đại Hy Lạp tới Hêghen thì sẽ dịch sai là "cao cả" hoặc "cao thượng"; mà việc dùng sai thuật ngữ mĩ học này là phổ biến.
 
Mặc dù có ý kiến riêng, nhưng tôi lại không phải là một chuyên gia về dịch thuật. Phần chuyển nghĩa từ nguyên văn bản thảo và bản ghi chép bài giảng của các học trò của Hêghen sang tiếng Việt, tôi xin giành cho người khác; chỉ có điều, nhân vụ này tôi phát hiện ra Phạm Thị Hoài và một loạt các cây bút ở hải ngoại cũng như ở trong nước đã khơi ra lĩnh vực "siêu phê bình văn chương". Chí ít là ở phương diện "siêu phát hành, siêu quốc gia". Trong tin học, WWW (World Wide Web) được tổ chức thành các "trang Web" ở các vị trí gọi là "Web site". Các nhóm trang được liên kết lại gọi là "siêu văn bản". Dòng chữ http:// có nghĩa là "giao thức truyền siêu văn bản" (hypertext transfer protcol). Nhưng phê bình lại phải qua sự hiện diện của tác phẩm; nên để nói tới "siêu phê bình" tôi phải đề cập đến "siêu văn chương".
 

II. "Siêu văn chương" từ đâu đến?
 
Hãy bắt đầu từ khái niệm "Hình nhi hạ" và "Hình nhi thượng" của phương Ðông. Còn phương Tây gọi là "hữu hình" và "siêu hình", cũng có lúc còn gọi là "hiện thực" và "siêu thực".
 
Văn chương quả là đã đi từ siêu thực qua hiện thực, nay lại đang trở về với siêu thực. Ðó là nói đường nét chủ đạo, tạm trừu xuất chủ nghĩa lãng mạn.
 
Văn chương cổ đại của mọi dân tộc đều phải đi qua Thần thoại – sử thi – cổ tích (đây là giai đoạn siêu thực cấp I). Thời này, các nhân vật đều "siêu người" cả. Các thần thì không kể làm gì; họ có thể đi mây về gió; muốn gì mà chẳng được. Ở thần thoại Hy Lạp, thần Zớt trên thiên đình muốn yêu người đẹp Lêđa nhân vợ ngài đang bận đập con ruồi đậu trên ghế hoàng hậu, ngài rùng mình biến thành con thiên nga đội mũ bình thiên xuống chơi hạ giới, nơi Lêđa đang tắm. Lêđa vẫy gọi con thiên nga trắng muốt đẹp tuyệt trần, nàng tưởng là thiên nga thuộc loài chim, hoá ra anh Zớt. Thế là nàng mang thai đẻ ra mười quả trứng, nở mười cậu bé. (Lêôna đờ Vanhxi đã hoạ một tác phẩm tuyệt đẹp về đề tài này).

Trong sử thi của người Êđê, Ðam San cũng là "siêu người" – một tù trưởng có sức mạnh phi thường, đánh bại mọi tù trưởng hùng mạnh khác. Ðam San còn ngông cuồng định đi bắt Nữ thần Mặt trời về làm vợ ba.
 
Trong cổ tích, cả Tiên Dung lẫn Chử Ðồng Tử đều bay cả lên trời là gì? Nơi Tiên Dung và Chử Ðồng Tử bay về trời về sau gọi là "Bãi Tự Nhiên" thuộc xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Tây bây giờ.
 
Sau văn chương siêu thực (cấp I) là văn chương hiện thực [2] . Hãy khoan nói sâu vào nội dung cụ thể, mà bắt đầu bằng phương tiện tiếp nhận.
Nếu văn chương nguyên thuỷ là vô ngôn, đến cổ đại là văn chương hữu ngôn, được tiếp nhận qua:
 
Kể – Nghe (ta quen gọi là "truyền miệng" thì văn chương thời sau đó là văn chương thành văn, hình thức tiếp nhận chủ yếu là.
 
Viết - Ðọc.
 
Nhưng ngày nay thì khác xa lắm rồi. Tôi xin trích một đoạn trên sách Ðiện tử Thượng văn: "Việc đọc sách, theo lịch sử tiến hoá của loài người, không phải là một thói quen ngàn đời bất biến. Ngày nay, chúng ta tin tưởng rằng có thời những hình ảnh trên các vách đá trong hang động là một hình thức thông tin sơ khai của người tiền sử. Ðọc hình ảnh minh hoạ trên vách đá có lẽ là thói quen lâu đời nhất và kéo dài nhất của con người (Văn chương "vô ngôn" Ð.V.K) cho đến khi người ta phát minh ra cách viết chữ định hình (cuneiform) trên đất sét và đem nung thành "trang sách". Ðất sét sau đó được thay thế bằng da thú rồi bằng chỉ thảo (papurus). Phải đến thế kỉ thứ IX, một quyển sách thật sự bằng giấy mới ra đời".
 
Như vậy, thời nhà Hán, Tào Tháo vẫn còn viết lên các thanh tre, mỗi bộ sách phải dùng một chiếc xe ngựa mới chở nổi. Ngày nay, máy đọc sách có thể bỏ túi.
 
Dựa trên lôgic dự báo theo luật ba giai đoạn (luật này đã tiềm ẩn trong tác phẩm Ơđíp làm vua: "Kẻ nào sáng đi bốn chân, trưa đi hai chân, chiều đi ba chân") ta có thể rút ra ba giai đoạn tiếp nhận của văn chương:
 
  1. Tiền đề: Kể – Nghe
     
  2. Phản đề: Viết - Ðọc. Giai đoạn ba sẽ là:
     
  3. Hợp đề: Viết đọc – Kể nghe - Ðọc viết
 
Xét về công cụ viết ở giai đoạn thứ hai, ta thấy: nếu tiền đề là bút lông, phản đề là bút sắt (bút bi) hợp đề là gõ bàn phím.
 
Còn về khái niệm "sách", ta thấy trước năm 1995, khái niệm sách nói chung và sách văn chương nói riêng được coi là sản phẩm in bằng mực trên giấy, có bìa, có gáy, có nhà xuất bản, có giám đốc, có tổng biên tập. Nay theo từ điển Webster, sách được định nghĩa là: "Bài viết được trình bày trên máy điện tử hay các dụng cụ đọc cá nhân khác" (Thượng văn).

Vậy là văn chương của chúng ta hiện nay đang rơi vào "trường thẩm mĩ mới", trường thẩm mĩ này chịu ảnh hưởng rất lớn của văn minh tin học. Chẳng bao lâu nữa, khoảng năm 2015 người ta sẽ chuyển toàn bộ Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ thành ra sách điện tử. Khoảng năm 2018 các nhật báo sẽ chấm dứt ấn bản in trên giấy, khoảng 2019, sách trên giấy sẽ chỉ còn dùng làm tặng vật, hay kỉ vật.
 
Khoảng hơn mười năm trước, trong một hội nghị của toàn khoa Ngữ văn (lúc đó chung cả khoa Văn học và khoa Ngôn ngữ) của trường Ðại học Tổng hợp Hà Nội, một nhà lí luận thuộc khoa học dự báo đã đề nghị phải: "vi tính hoá toàn bộ cán bộ trong Khoa". Chỉ có khoảng 10 giáo sư tán thành, còn hơn 30 người không nhất trí. Nay thì không còn phải đề nghị nữa, tất cả lớp thầy cô giáo trẻ của Khoa Văn học và Khoa Ngôn ngữ học đều phải tiếp cận eBook (sách điện tử) [3] . Theo tôi, các nhà ngôn ngữ học có phần nhanh chân hơn các nhà văn học.
 
Tôi thực sự không biết hiện nay các nhà văn nước ta có chú ý đến trường hợp "siêu văn chương" và "siêu phê bình" hay không? Cái cách hì hục viết trên giấy với những cuốn sách dày cộp sau đó để đấy cho phủ bụi là lãng phí cả công sức lẫn thời gian, còn tài năng lại không có dịp tiếp cận bạn đọc. Như ta thấy, "siêu phê bình" thì Phạm Thị Hoài đã làm với GS. Phan Ngọc rồi.
 
Tất nhiên, đã có "siêu văn chương" thì phải có giải thưởng. Giải thưởng văn chương sách điện tử đã bắt đầu trao tại Hội chợ sách Franfurt gọi là giải Frankfurt eBook Award (FeBa). Chủ tịch hãng Microsoft Bill Gates đã gửi 100 ngàn mĩ kim mỗi năm góp tặng cho tác phẩm hay nhất xuất bản từ đầu dưới hình thức điện tử.
 
"Siêu văn chương" còn có nội dung là không cần một hệ thống phát hành cồng kềnh, phiền toái. Có trường hợp ông Tổng biên tập hạch sách tác giả chỉ được gọi mình là thế này, chứ không được gọi là thế kia, cho dù ông thừa nhận tác giả ghi thế rất đúng. Ðể cho ra sách, tác giả đành ừ! ào! cho qua chuyện. Bây giờ, ai có tiền, có văn là có thể đưa lên mạng. Hội nhà văn Việt Nam sẽ phải cập nhật loại văn chương này, và sẽ phải thay đổi tiêu chuẩn kết nạp hội viên.
 
Tình thế đó cho thấy, ở "siêu văn chương" và "siêu phê bình" hình thức đã đi trước nội dung. Cụ thể là hình thức "sân chơi ảo" đã tạo môi trường cho loại văn chương và phê bình cực kì mới mẻ này. Ở cấp độ liên mạng, xuyên quốc gia, siêu xuất bản, cực kì năng động, khó kiểm duyệt, rất tự do nhưng nó lại đòi hỏi một tinh thần tự thức tỉnh rất cao, đấy chính là đặc điểm quan trọng nhất của hình thức chuyển tải. Ðể góp phần làm rõ diện mạo của loại văn chương này, ta có thể rút ra một số đặc điểm thi pháp của nó. Nếu văn trên bia khác văn trên giấy, thì văn eBook phải khác văn hiện nay.

 
III. Những đặc điểm cơ bản của thi pháp "siêu văn chương"
 
  1. Nếu văn chương ở ta hiện nay lấy cái "Thực" của cuộc đời để khai thác, thì "siêu văn chương" lại lấy cái "đang thành hiện thực" làm đối tượng thẩm mĩ chủ yếu. Nếu Nguyễn Du và chúng ta hiện nay viết về "những điều trông thấy" thì "siêu văn chương chủ yếu viết về những điều cảm thấy", nó lập mã, thông báo; tạo siêu cảm nhận.
     
  2. Nhân vật của văn chương ở ta hiện nay được xây dựng theo phương pháp: điển hình hoá (khái quát hoá cao độ, cá thể hoá sinh động) để tạo nên các tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình với những chi tiết chân thực.
     
    Nhân vật của "siêu văn chương" được xây dựng theo phép "lạ hoá". "Cái chẳng thể ngờ tới mà lại hoá ra như vậy". Biện pháp "bóng gió", "ẩn dụ", "dụ ngôn", "sấm truyền", v.v... được sử dụng rộng rãi nhằm biến văn chương thành cuộc tìm tòi bất tận về con người, về bản thân mỗi người. "Hãy tự biết mình" câu châm ngôn có tính sấm truyền rất hiện đại này đã bắt nguồn từ nhà triết học Sôkrát thời cổ đại Hy Lạp.
     
  3. Mối quan hệ giữa tác giả và công chúng trong "siêu văn chương" là mối quan hệ đồng sáng tạo đúng với nghĩa đen của nó.
     
    • Tác giả văn chương hiện nay ở ta là "Cha đẻ" của câu chuyện (nếu là nhà văn nam); và là "Mẹ đẻ" của tác phẩm (là nhà văn nữ). Ðọc truyện của họ ai cũng phải thừa nhận ngay từ đầu rằng, họ là những "cặp mắt tinh đời", cái gì cũng biết, cũng rành. Họ kể những chuyện hình như ai cũng trải qua, nhưng không ai kể hay bằng họ, nhưng họ vẫn là người kể lại cái đã qua. Trong khi đó, Arixtốt lại cho rằng, nhà văn phải nói về những điều "sẽ xảy ra" theo luật sắc xuất hay luật tất yếu...
       
    • Tác giả "siêu văn chương" chối từ chức "Thân mẫu" hoặc "Thân phụ" của tác phẩm mà hoà vào một sân chơi trong "môi trường ảo" [4] [4]. ở đây sẽ trở lại lối kể chuyện "ngày xửa ngày xưa" nhưng ở cấp độ siêu dân gian để phát hiện "cái tất yếu".
     
  4. Không gian và thời gian nghệ thuật của văn chương ở ta hiện nay chủ yếu dựa trên "không gian vật lí" và "thời gian thời khắc" (quá khứ, hiện tại, tương lai), nhà văn nào táo bạo thì dồn ép, hoặc đảo lộn chút ít, nhưng bản chất vẫn là không – thời gian cổ điển.
     
    • Không gian và thời gian trong "siêu văn chương" bị bẻ cong, chặt khúc, tạo dáng kiểu "lập thể" của Picátso.
     
  5. Văn chương không bao giờ như Phạm Thị Hoài nói, đó là "một trò chơi vô tăm tích", trái lại, văn chương luôn là một hình thức độc đáo trong kiếm tìm chân lí. Có ba hình thức kiếm tìm chân lí của con người, đó là khoa học, tôn giáo nghệ thuật. Khoa học kiếm tìm chân lí thông qua hệ thống khái niệm; tôn giáo kiếm tìm chân lí lòng tin thông qua hệ thống biểu tượng. Văn chương (một nghệ thuật sử dụng ngôn từ) kiếm tìm chân lí thông qua hệ thống hình tượng cảm quan, sinh động có sức lắng đọng sâu vào tâm thức – tình cảm con người. Tuy vậy, lộ trình của "siêu văn chương" lại đi theo nguyên tắc và tinh thần đảo ngược thực tại như lời Lão Tử: "Khúc tắc toàn, uổng tắc trực, oa tắc doanh, tệ tắc tân, tiểu tắc đắc, đa tắc hoặc" (Cái gì khuyết thì lại toàn, cái gì cong thì lại ngay, cái gì sâu thì lại đầy, cái gì cũ thì lại mới, cái gì ít thì lại được, cái gì nhiều thì lại mê).
     
  6. Hệ thống thi pháp của "siêu văn chương" là một hệ thống cố tình tạo ra mê lộ, tạo ra đa phương cách để mỗi người tự lần ra đầu mối của một cuộn chỉ rối; để tự tin hơn, ít ảo tưởng hơn, sáng suốt hơn trong kiếm tìm hạnh phúc cho mỗi người, cho gia đình mình, cho dân tộc mình, trong thế giới mà cuộc đời luôn là "manh chiếu hẹp".
Nói đến "siêu văn chương", "siêu phê bình", chắc chắn đó là vấn đề của thời đại [5] . Mà mỗi thời đại lại thường có những cơn bão. Ăngghen nói: "Khi tinh thần thời đại cất lên một cơn bão, cuốn theo cả đoàn tầu, tôi sẽ nhanh nhẹn nhảy vào trong toa". Chính vì thế, ở sân ga hay rớt lại những người "chậm tầu". Chỉ mong rằng, số người "chậm tầu" càng ít càng tốt cho văn chương dân tộc [6]
 


Đỗ Văn Khang là Tiến Sĩ khoa học Triết học, TS Ngữ văn – Khoa Văn học, Trường Ðại học KHXH & NV Hà Nội.
 

(talawas không chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng biên tập của các bài đăng lại từ những nguồn khác)
 



[1]Ðỗ Văn Khang: Bước thăng trầm trong văn - Ðọc Man Nương của Phạm Thị Hoài. Văn nghệ, số 13-1996. 
[2]Ðỗ Văn Khang: Phần Phương pháp sáng tác, trào lưu và trường phái văn học, trong sách Lí luận văn học. Nxb. Giáo dục (GS. Hà Minh Ðức chủ biên), 1994, nay đã tái bản lần thứ 8. 
[3]Theo Encarta World English Dictionary 2001, eBook là chữ viết tắt của "electronic book". 
[4]Ðỗ Văn Khang: Lí thuyết khâu trung gian và Môi trường ảo trong Luận về KHXH & NV (Kỉ yếu Hội thảo khoa học). Nxb. Ðại học Quốc gia Hà Nội, 2000. 
[5]Xin xem các bài của Ðỗ Văn Khang:
 
[6]Tham khảo:

 
Nguồn: Tạp chí Nghiên Cứu Văn Học, số tháng 6.2004