© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
30.6.2004
Đặng Thân
MÆ¡
 
1.

Gần đây có người bạn vong niên đưa cho tôi mấy tờ tạp chí Ngày Nay. Những cuộc tranh luận trên đó làm tôi bị ám ảnh vô cùng, vì tôi là người rất yêu thương nền văn học nước nhà và các nhà văn nhà thơ. Ám ảnh lắm.

Có một đêm tôi mơ. Giấc mơ lạ lắm. Tôi mơ thấy mình được đàm đạo với thần Văn Xương Đế Quân. Các vị thần quả là uyên bác tuyệt đỉnh. Chứng tỏ xưa kia Nguyễn Văn Siêu được phong Thần và Cao Bá Quát được phong Thánh thì đủ biết văn chương các Ngài phải phi phàm như thế nào. Chính Thần Siêu đã dựng Tháp Bút uy nghi và bệ vệ để làm biểu tượng cho cái sự học và nền văn chương nước nhà như người ta nói. Lạ là có một nhà Việt Nam học người Mỹ đã thắc mắc với tôi không biết bút gì mà trông cứ như hình sinh thực khí đàn ông. Chẳng biết ông ta hỏi đùa hay thật. Cũng không hiểu Thần Siêu thật hay đùa. Còn Thánh Quát thì đã kiêu khinh kinh liệt thẳng thắn bảo thơ ca của cái "Hội Nhà văn" đương thời do đích thân Hoàng Thượng làm "chủ tịch" như một cái thuyền chở nước mắm: "Câu thơ Thi Xã con thuyền Nghệ An". Khẩu khí của các bậc thánh thần thật kinh người, đến vua chúa còn chả coi ra gì.

Giữa giờ Tý tôi nghe văng vẳng tiếng Văn Xương Đế Quân thẽ thọt: "Có lời vì ý. Văn dĩ tải đạo. Trời sinh ra văn chương là để diễn đạt tư tưởng. Mà con người các ngươi chỉ là một cây sậy nhưng là một cây sậy có tư tưởng như các ông Tây bảo. Cũng như các người nói ngôn ngữ là vỏ của tư duy. Tư duy phong phú thì ngôn ngữ phải đa dạng mới truyền tải được. Vì thế mà văn chương và triết học Đông Tây kim cổ có đủ thứ chủ nghĩa, cũng để mong nói được hết ý mà thôi. Ý thì vô bờ, thời gian vô bến nên chẳng chủ nghĩa nào là tuyệt đích. Vì vậy những kẻ chỉ nói đi nói lại mãi được mỗi một "giọng", chưa kể lại còn cà lắp cà lăm ngọng líu ngọng lô thì ắt là tư duy thấp mạt và chẳng có một sợi tư tưởng nào, còn mong gì đem lại ánh sáng văn hóa cho ai".

Tôi bật hỏi chen ngang: "Vậy thưa Thần, ý mà vô bờ thì biết làm sao mà lĩnh hội?"

"Ý dù vô bờ nhưng cũng chỉ nằm trong dòng chảy của Duy Vãng, Duy Hiện và Duy Lai. Duy Vãng là nêu cái hay, cái đẹp, cái nên của thời xưa để cho thời nay làm theo. Như các ông Khổng, Mạnh và các đệ tử đã cố gắng làm chuyện ấy. Vì thế mà con người mới có Tứ Thư - Ngũ Kinh mà xem. Các người cũng xem việc này là hệ trọng nên mới "uống nước nhớ nguồn" nhớ tới truyền thống và lịch sử. Nhưng nếu chỉ "chuyên môn hóa" mỗi cái việc ấy thì khác nào suốt ngày chỉ chăm chăm đào bới các bộ xương khô lên mà ngửi. Vì cái hồn của các cụ đã đi cả rồi, vả lại mỗi thời mỗi khác. Duy Hiện là hãy sống cho và vì từng khoảnh khắc này. Làm mọi điều có thể nhất cho nó. Như xưa kia Mặc Tử đã chủ trương, rồi Pháp Gia, rồi cả các ông Hiện sinh, Thực dụng nữa. Tuy trước mắt là được việc đấy mà vượt sao được vòng Nhân Quả. Duy Lai là bất chấp hoàn cảnh vượt lên phía trước vì một ngày mai tươi sáng. Như Phật Tổ Như Lai hay Karl Marx đã vẽ ra một viễn cảnh tuyệt đích cho con người đi tới, và con người cũng đã làm được biết bao chuyện trên con đường này. Phật thì lấy Tâm thẳng tiến theo trục tung của Tâm linh tới Niết Bàn, Marx thì dùng Trí theo trục hoành của Thời - Không Vật chất ba chiều mà tiến tới một Thế giới Đại đồng. Tất cả những bậc ấy đều là sứ giả của Trời. Con người có một cái rất hay gọi là cái Tâm, nó vừa cụ thể vừa mông lung, vừa trần tục vừa gần với Thượng Đế. Người ta yêu nhất cái gì hợp với Tâm mình, vì thế Lão - Trang với chủ trương "Thuận Tự nhiên" mà được bao đời lúc thì yêu công khai, khi thì phải yêu thầm nhớ vụng. Vì ai cũng muốn được sống bản nhiên."

"Thưa Thần, ý đã vậy thì nên dùng Lời thế nào cho "tới"?", tôi liền hỏi.

"Văn chương là để biểu đạt tư tưởng nên cái thứ Lời không có ý ắt là vô nghĩa, nên có người mới bảo đó là sản phẩm của những kẻ "’vô học’, chập cheng, hâm hấp và lưu manh". Muốn có tư tưởng phải đọc triết học. Văn không có triết là văn nhảm mà triết không có văn là triết khô. Nói Lời như thế nào thì cứ tự xét lòng mình thì rõ. Lòng người-lãng-mạn thì muốn được nghe những Lời bay bổng, bâng khuâng, đâu muốn nghe Lời thô trọc, thẳng thừng. Lòng người-thực-tế thì thích những Lời đi thẳng vào vấn đề, ý chính phải nằm ở ngay câu thứ nhất. Tuy nhiên, cũng có những người phải xài cái thứ lời "văn cục, văn hòn" thì mới thủng tai vì "màng nhĩ" hơi bị dày. Vì thế mà Văn chương có biết bao trường phái, thể loại và phương pháp để diễn tả cái tâm tưởng đa đoan của loài người: ngụ ngôn, trùng ngôn, cách ngôn; ẩn dụ, so sánh, điệp ngữ; Hiện thực, Lãng mạn, Tự nhiên; ấn tượng, Trừu tượng, Tượng trưng; Hiện đại, Hậu hiện đại, Siêu thực, Hiện thực Huyền bí,vv. Phức tạp thế mà người ta không "động khẩu" thì mới là lạ. Vả chăng Tư duy của con người cũng thực là "đa hệ". Ngày nay người ta chỉ quen với thứ tư duy Biện chứng logic, hợp lý mà quên đi rằng người xưa còn có các kiểu thức tư duy khác như Duy tâm chủ quan, Duy tâm khách quan, Tư duy trực giác, rồi Hướng nội, Hướng ngoại,vv. Có Lời là vì ý nên cũng nên sáng tạo ra được cách để "tới" được ý của người, nhưng được ý hãy quên Lời."

Dứt lời, Thần tặng tôi một cây bút máy tuyệt đẹp màu đỏ tím thật vi diệu.


2.

Tỉnh giấc mộng "Du tiên kinh quốc quá Dương Châu" tôi bèn ngồi dậy lấy giấy bút, mạo muội viết những dòng này cốt được tỏ tấm lòng yêu quý các nhà văn, nhà thơ của một kẻ xa lạ. Trong những giấc mơ tôi được nghe rất nhiều điều nên đầu óc tôi ù đặc cái hiểu cái không, điều nhớ điều quên. Tuy nhiên tôi cũng có được một nhận thức riêng xin được kể ra đây. Đó là bất luận văn chương thế nào thì cũng phải đạt tới chữ "sướng", phải thăng hoa.

Trước hết là về tác giả của Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn: Anh thật lận đận vì làm gì cũng bị người ta "có ý kiến" ầm ĩ. Đó phải chăng là định mệnh của văn tài? Nhưng chính những sự kiện đó như những hạt cát làm con trai đau mà kết ngọc. Tôi thấy phần lớn những người yêu anh và ủng hộ anh đều là những người có kiến văn rộng rãi. Văn anh đạt tới chữ "sướng" vì hội tụ đủ tính lãng mạn, chất thực tế và cả "văn cục, văn hòn" của một ngòi bút thâm trầm mà đạt độ bản nhiên. Thế mới thành chuyện. Vì văn anh thâm trầm mà người ta thường là nông nổi. Vì những nhà làm văn học kiểu mô phạm thấy những đền đài miếu mạo sơn son thếp vàng của họ có nguy cơ bị xâm phạm vì bị dính "cục, hòn". Vì dàn hợp xướng có quá nhiều "Đông Quách tiên sinh". Văn anh nhiều ý mà cũng nhiều Lời với đủ các phong cách đến mức có người phải thốt lên "Văn chương đến thế thì thôi!". Nhưng, thú thực là đọc văn anh tôi có cảm tưởng như cảnh một gia đình có thằng con độc vậy, mọi người thường phải lo lắng vì có thể "đứt phim" bất cứ lúc nào. Cụ già cho tôi mượn mấy tờ Ngày nay thì bảo: "Văn ông Thiệp có cái gì đó không lối thoát vì khí độ mãi không mất được vẻ hằn học, chẳng hiểu ông ấy đắp tượng Phật trong nhà để làm gì?" Tôi bỗng thấy buồn cười cho cái hình ảnh của Phật trong tâm trí khá đông người. Ngài là biểu tượng của "từ bi hỷ xả", của "chí nhân, chí thiện". Nhưng, theo chuẩn mực của người đời thì chưa chắc đức Đại Hùng Thị đã đủ dũng cảm để nhận những lời xưng tụng ấy. Còn về thơ thì tôi chưa được đọc bài thơ nào anh viết riêng nhưng các truyện ngắn của anh đều có thơ. Theo tôi đó là một thành tựu tuyệt vời trong thơ ca. Thơ anh là Thơ ý. Có Lời là vì ý, được ý là quên Lời, thật "sướng".

Không kể những bài trả lời phỏng vấn thì có thể nói đây là lần đầu tiên anh trình bày quan điểm cụ thể của mình. Thực tình đó là một bài viết đầy tâm huyết mong muốn cải cách nền văn học nước nhà. Những ý kiến của anh về một thế hệ mới của các nhà văn chuyên nghiệp là xác đáng. Những người đại diện cho tiếng nói và văn hóa dân tộc cần phải có kiến thức, phải được đào tạo và cung cấp mọi hiểu biết cao nhất về văn hóa dân tộc và văn hóa thế giới, nếu không thì bao nhiêu thế hệ độc giả nữa còn phải chịu đựng những cơn bão lụt chữ nhạt nhẽo ẩm ương vô hồn và đầy khí độ sỹ diện hão. Thật tội nghiệp cho độc giả, nhất là các thế hệ con cháu non nớt đầu óc như tờ giấy trắng. Nhưng đây cũng thể hiện sự đáng thương của anh, vì anh chỉ làm văn chứ đâu làm nhà quản lý. Công cuộc cải cách chủ yếu nằm trong tay họ. Anh đáng thương vì bất lực như chính lời anh viết trong một truyện ngắn khi mượn lời một ông vua mà bảo rằng các kẻ sỹ "toàn bọn ốm o giòi chồ" và "rặt một lũ bất đắc chí" cả. Cho nên nhiều nhà đạo đức, nhà mô phạm và bao văn nhân lịch lãm đã phải nghe thứ "văn cục" của anh. Hình như vấn đề cốt tử là các anh và tất cả mọi người phải tập trung năng lượng để cùng nhau làm gì ngay từ lúc này cho nền Văn học nước nhà. Bây giờ tôi không phải đang nằm mơ mà là đang mơ ước tới một ngày dân tộc ta có một nền Văn học tràn trề sinh lực của thời đại với một thân thể có đủ mọi tế bào của Văn chương thế giới.

Về tác giả bài Có thật đa số các nhà văn Việt Nam đều vô học, các nhà thơ đều lưu manh hay là "hội chứng chửi có thưởng" thời nay?: Văn của anh thật cuốn hút người ta vì anh viết như lên đồng. Lời của anh đầy nhiệt huyết, kiến thức của anh thật mênh mông. Chính cái chất bốc đồng như của anh đã làm nên bao văn tài thế giới ở khắp năm châu. Nhưng cái phản ứng của anh trong bài viết xem chừng mãnh liệt quá làm cho người ta dễ liên tưởng tới câu "Có tật giật mình". Có người kể chuyện anh sang Mỹ đọc thơ có câu đại loại: Tôi muốn mình là "cái ấy" làm tình với trời xanh, làm tôi nhớ tới thời gian cách đây hơn chục năm đổ lại ở ta có một trào lưu làm thơ kiểu "Chủ nghĩa Hiện đại". Các nhà thơ đó đã đưa ra đủ các hình tượng ngôn từ kiểu "lông lá, tinh dịch, giao hợp,..." và đã nhận được những phản ứng dữ dội. Có Lời là vì ý, vấn đề là những câu chữ ấy có ý nghĩa gì hay ho và có tư tưởng gì không. Tôi nhớ James Joyce và Henry Miller cũng thậm tục, tục đến mức những đất nước sinh ra họ lúc đầu không dám in văn họ. Thế mà sau này trong top ten mười tiểu thuyết hay nhất thế giới thế kỷ XX có tới ba cuốn của James Joyce đứng thứ hạng lần lượt là 1, 3, 6. Còn "cái ấy" trong văn Henry Miller phải xuất hiện cỡ dăm ba lần trong một trang! Thế mà ông được triết gia nổi tiếng thế kỷ XX Krisnamurti phong là một trong vài Thánh văn hiếm hoi của loài người. Gần đây Thư viện Thi ca quốc tế và Nhà xuất bản Watermark bên Mỹ có in bài thơ nghe cũng rất "lông lá" của một tác giả Việt Nam trong tuyển tập Những chân dung bất tử:

Cú Hýc Về Nguồn

Nhớ thuở
Lông chân
lý còn
lún phún
Mà nay
rậm rì
cả một
"tiếu" lâm
Nhổ tận rễ
rồi sao
vẫn mọc
Gốc ở
đây à
gốc ở đâu

Có một nhà hiền triết phương Đông ngồi suy ngẫm về cội nguồn vũ trụ
Câu trả lời đã bật ra trong cơn đau khi Ngài nhổ một sợi lông chân
Cao hứng Ngài hát vang bài ca Huyền học trên đây với những lời mịt mù
Vạn Vật sinh ra từ Hư Vô, cả hai tạo thành một cặp vĩnh hằng trong cõi "toàn chân"

Quả thật là "lông lá tít mù", "di - mộng tinh" hay "mông to vú nở - phong nhũ phì đồn" mà đạt được đến "cực khoái" hoàn mỹ của ý thì là thánh thần, là "Báu vật của đời" đấy chứ. Tuy vậy, như trong ngành y thì thuốc độc và ma túy dù trị bệnh hiểm nghèo cực hiệu nghiệm nhưng không phải bác sỹ nào cũng dùng được đâu, có phải không các bác?

Về dịch giả kiêm nhà thơ Dương Tường: đọc truyện anh dịch thì "sướng" như bản gốc. "Phông" của anh rất dày, ngôn từ anh dùng thật tinh vi và chuẩn xác, xứng đáng là tấm gương sáng chói cho giới ngoại ngữ và dịch thuật. Vừa qua anh có bảo: "Thực ra cỡ như Thiệp ở Úc, Mỹ, Nhật, Pháp... cũng có thể... vơ hàng tá!...". Ô hay! Sao anh lại quên "Mọi so sánh đều khập khiễng!", sao lại đem Thiệp của Việt Nam đặt sang các nước khác hay là đem một ông Tây hay Tàu nào đó đặt vào Việt Nam mà xem xét được nhỉ. Trời cho được làm hoa thì cây nào nở hoa ấy. Đã là hoa thì phải đẹp rồi, nào ai dám bảo hoa cứt lợn là xấu hay hoa hồng là đẹp nhất. Chỉ có cố nở ra thứ hoa không phải của mình mới là bất hạnh hay bi kịch mà thôi.

Về cái số đông trong Hội Nhà văn: Những người mà anh Thiệp gọi là "già nua không có khả năng sáng tạo và hầu hết đều "vô học", tự phát mà thành danh", là "những người chỉ dựa vào "cảm hứng" để tùy tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa nhìn chung là lăng nhăng", là "vứt đi cả" hay là "một thứ nhìn chung chỉ là nhăng nhít, hữu danh vô thực, chẳng ai muốn dây vào... , đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa"; Dương Tường thì bảo là "dốt quá. Không chịu học, không chịu đọc, lại mang cái bệnh ếch ngồi đáy giếng". Thực ra số đông đến đây đa phần là bất đắc dĩ, do hoàn cảnh xô đẩy, do thời cuộc sắp đặt. Vì cái danh "nhà văn", "nhà thơ" ở ta oai quá. Vì thể chế của các hội đều "nhiều cửa" lại chả có ba rem gì thật quy chuẩn, tạo cho người ta suy nghĩ là cứ cố là vào được. Tôi đã gặp một nhà thơ hội viên chính thức mà tác phẩm chỉ toàn loại "xuất bản" thường kỳ trên báo tường cơ quan và ngành, rồi tập hợp lại in thành "tuyển tập". Thực sự phải cảm ơn các anh mới phải. Giả thử nếu không có 800 cục bùn thì 200 cây sen làm sao mà mọc. Cứ thử dọn hết bùn đi xem có còn sen không? Nếu không có cái "phù phiếm, vô nghĩa, lăng nhăng" thì lấy gì để người ta biết tới cái nào là "trầm trọng, ý nghĩa, cao sang" đây? Các anh đã tình nguyện làm vật hy sinh, là con tốt đen, là phông nền cho các danh sỹ. Thật đáng thương! Mà có bao người đoạt Nobel nhờ cái lối viết "phù phiếm,vô nghĩa, lăng nhăng" đấy chứ. Không tin thì quý vị cứ tìm đọc Camus, Proust, Sartre, Whitman hay Henry Miller mà xem. Họ còn sính và sản xuất ra đầy những chuyện thậm lăng nhăng và vô nghĩa ấy chứ. Bất công!


3.

Thưa các anh, tôi yêu tất cả các anh!

Tất cả phải cùng nhau bắt tay ngay vào làm gì đi chứ. Tôi là người rất tin vào sức mạnh tập thể. Tôi đang mơ ước tới một ngày rất gần đây thôi dân tộc ta có một nền văn học tràn trề sinh lực của thời đại với một thân thể lành mạnh có đủ mọi tế bào của văn chương thế giới. Tôi tin chắc như thế vì tôi nhớ tới vế còn lại của Lời Khổng Tử trên kia - "Thế sự như kỳ cục cục tân" (nghĩa là: thế sự như bàn cờ luôn đổi mới không ngừng!). Thế nên tôi xin ngừng lời ở đây kẻo Lão Tử lại hiện lên mà rằng "Biện giả bất thiện" (Người ưa tranh biện không thể đạt tới hoàn thiện).

Hà Nội 19/04/04

© 2004 talawas