© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
3.3.2003
Trịnh Thanh Thủy
Vai trò của nhà phê bình
 
Vai trò của nhà phê bình ngày càng trở nên thiết yếu trong các nước Âu Mỹ hiện nay. Người đọc đôi khi không nhận ra họ đang sống trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của phê bình. Các tạp chí thương mại, sách báo thường lôi cuốn độc giả bằng hình thức quảng cáo. Tác dụng của phê bình trong công cụ quảng cáo rất hữu hiệu. Những bài nhận định, điểm sách, bình thơ là những bài then chốt thường thấy trong tạp chí ngoại quốc. Phê bình biến thành một nhu cầu được đòi hỏi bởi độc giả và nhà xuất bản. Nhà sản xuất mua quảng cáo. Độc giả mua sách báo. Vì vậy chủ bút cần phê bình để làm hài lòng nhà sản xuất và người đọc.Vai trò của nhà phê bình trở nên tối cần thiết ở các nước Tây phương. Giới phê bình đã có một lực lượng đông đảo và hoạt động rất sôi nổi. Lắm lúc trong một tạp chí chỉ vỏn vẹn một hai bài thơ và truyện ngắn trong khi số bài phê bình chiếm đa số. Phê bình được giảng dạy ở các đại học và số sinh viên ghi danh theo học không phải ít. T. S. Eliot viết: "Phê bình như hơi thở, không thể ngừng được". Theo Dana Gioia, phê bình dường như một sinh hoạt nhiều tưởng tượng gần thiên nhiên nhất. Phê bình tự nó không những là một công việc có sức lôi cuốn mạnh mẽ mà còn giúp cho những người viết trẻ hiểu rõ và tinh lọc cảm nhận của họ về văn thơ, nghệ thuật.

Nói đến thơ ca ở Tây phương vào thế kỷ hai mươi, phần lớn những nhà phê bình thơ
đều là những thi sĩ nổi danh, như T. S. Eliot, Ezra Pound, Randall Jarrell..v…v….
Những nhà phê bình thơ đã đóng một vai trò quyết định trong nền văn học đương đại. Đặc biệt hơn trong giai đoạn văn hoá bị trì trệ hay cần đổi mới. Ezra Pound, nhận xét: "Thi sĩ là ăng-ten của một cuộc đua", vì họ cảm nhận trước hơn ai hết những thay đổi của văn hoá nghệ thuật.
Thi sĩ Gioia chia sẻ kinh nghiệm viết phê bình thơ ca của ông: "Tôi cố tránh độc đoán và thiên vị khi viết phê bình nhưng cũng có lúc vẫn mắc vào thành kiến cá nhân. Tuy nhiên nếu một nhà phê bình cố gắng vượt qua phản ứng cá nhân của mình thì tất cả phần còn lại của bài viết có lẽ chỉ toàn là mộng tưởng."

Cảm tính, tưởng tượng và trực giác có thể là công cụ hữu ích trong việc phê bình miễn sao đừng để chúng bao phủ lằn ranh tinh tế của phân tích và quan sát. Trong khi Matthew Arnold lại quan niệm: "Nhà phê bình là một nhà từ thiện làm việc xã hội". Dưới mắt ông một nhà nghệ sĩ sáng tạo, không cần biết thông minh đến đâu, cũng sẽ bị đứt tay nếu không có phê bình gia nào tới trợ giúp. Thời trước Arnold, các nhà phê bình chỉ chú trọng đến mỹ học và những khuyết điểm của tác phẩm. Arnold chọn trở thành nhà giáo dục, người hướng dẫn công chúng và truyền bá những tư tưởng tốt đẹp nhất. Giá trị văn hoá và phê bình dường như chỉ một đối với ông. Ông nói thơ ca đóng vai trò phê bình trong đời sống. Arnold nghĩ một nhà thơ cấp tiến cần phải ý thức được nền văn học đương đại đã xây dựng trên nền tảng quá khứ. Nó cần những đóng góp cho tương lai bằng những truyền thống vững chãị

Scott James so sánh Arnold với Aristotle. Aristotle phân tích tác phẩm, còn Arnold phân tích vai trò của nhà phê bình. Một người cho chúng ta khái niệm về sự hình thành của thơ ca, còn một người cho ta biết những bài thơ hay nào cần được chọn và phổ biến.
Sau này nhiều nhà phê bình đã khen ngợi Arnold nhưng có lẽ chỉ là lối khen ngợi chiếu lệ. Oliver Elton gọi Arnold là "một nhà phê tình tồi tệ". T. S. Eliot nói: "Arnold chỉ là nhà truyền bá tư tưởng chứ không phải là một nhà sáng tạo". Theo Walter Raleigh, phương pháp của Arnold giống như một người mang cục gạch ra chợ bán và cố tạo cho người mua khái niệm của một ngôi nhà.

Người đọc rất khó nhận ra tài năng của một nhà phê bình. Phê bình gia có cái vẻ là lạ của kẻ chuyên đi lừa phỉnh. Chính họ tạo cho ta thấy cái vẻ gạt người ấy. Họ mặc áo chùng đen của một quan toà. Vị trí, bằng cấp, sự thừa nhận, công tác chuyên ngành, phương pháp luận, cung cách viết, những nét độc đáọ. Tất cả những hào quang lộng lẫy kia che đậy bản chất thật con người họ. Con người làm công việc phê phán cũng là một sinh vật có những lầm lỗi được sinh ra và sẽ chết như chúng ta.

Nếu có người nói rằng, chúng ta phải nhớ một kiệt tác được viết bởi một người cô đơn trong căn phòng ngồi trước một trang giấỵ. Ta sẽ không quên một điều, một bài phê bình hay cũng được tạo ra trong cùng một cung cách như vậỵ. Nghĩa là vị trí của nhà phê bình và người viết không ai có thể thay thế được.

Randall Jarrell đã viết nhiều về những nhà phê bình hay, dở và chân chính. Ông cho rằng nhà phê bình chân chính đòi hỏi phải có tính vô tư khác thường. Phải miễn cưỡng chấp nhận một công việc ít lý thú và khó khăn. Phải vạch ra căn bệnh của bạn và khen ngợi cái hay của kẻ thù. Khâm phục, khen ngợi một người viết, có khi chính người viết ấy cười khẩy vào sự khâm phục và khen ngợi kia. Phê bình đòi hỏi phê bình gia khả năng lột trần đến tận cùng. Nhà phê bình chân chính phải độc lập không thể nương dựa vào ai ngoài chính họ và những tác phẩm nghệ thuật họ đã đọc. Eliot nhận ra họ rất nhạy cảm với sự thật. Ông nói: "Nhà phê bình chân chính cần nhận ra giới hạn của mình và phấn đấu vượt qua nó". Họ phải chiến thắng được thành kiến cá nhân, tính thiên vị mà vẫn giữ được khả năng phê phán công bình.

Quan niệm của phê bình thay đổi theo từng thời đạị. Ngày nay thế hệ của những nhà phê bình trẻ như Christian Wiman, Adam Kirsch, hay Dana Gioia nghĩ khác và viết khác. Họ vẫn kính phục và thích thú tìm đọc những nhà phê bình thời trước như T. S. Eliot, Matthew Arnold, Eza Pound, Randall Jarrell v..v… Nhưng họ không còn coi những lý thuyết phê bình đó là khuôn vàng thước ngọc nữa. Adam Kirsch chỉ trích lối phê bình của Randall quá hiếu khách đối với những thi sĩ có tên tuổi. Giả dụ như ông thích Frost, Moore và Williams thì ông chỉ viết phê bình khen ngợi thơ của họ. Kirsch nói phong cách đó là phong cách của một nhà mô phạm chứ không phải một nhà phê bình.

Hơn nữa nhiều thi sĩ bây giờ không còn xem phê bình là người trung gian nữạ.
Các thi sĩ nếu phải chọn trở thành một nhà phê bình thơ ca, họ hiếm khi bỏ hết thông minh và năng lực vào công việc khó khăn này. Chúng ta sẽ khó tìm được nhiệt tâm, hiến mình cho văn thơ, nghệ thuật như chúng ta thường thấy ở Pound, Eliot, Jarrell hay Berryman ngày xưa. Phê bình đã bước qua ngã rẽ thay đổi. Vai trò của nhà phê bình cũng đổi thay để thích ứng với thời đại mới.

Trong thơ ca, đôi khi có người khám phá ra giai đoạn phê bình sôi nổi và xán lạn nhất lại là lúc cường độ của sáng tạo yếu kém. T.S. Eliot viết: "Bạn có thể nói rằng sự phát triển của phê bình là triệu chứng đang có sự thay đổi trong thơ ca". Nếu theo tiêu chuẩn này, với tình trạng thơ ca đang bị trì trệ hiện nay mà chúng ta lại không có những nhà phê bình đầy nhiệt tâm giúp chúng ta trùng tu hay định nghĩa lại quá khứ cũng như tạo ra lối nhìn mới cho văn thơ nghệ thuật, có lẽ chúng ta chỉ còn trông đợi vào hy vọng.
Hy vọng sự ra đời của các nhà phê bình chân chính, trẻ, thông minh, vô tư và không thiên
vị.

Đến đây chúng ta mới nhận rõ vai trò của nhà phê bình quả không ai thay thế được

© 2003 talawas



Tài liệu tham khảo

- Matthew Arnold, The social role of poetry and criticism, The Function of Criticism

- T.S. Eliot, Tradition and the Individual Talent"(1919)

- Randall Jarrell, Contemporary poetry criticism

- Adam Kirsch, Today's poetry critics veer dangerously close to mere cheerleading.

- Dana Gioia, Role of the Poet-Critic