© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
2.8.2004
Phạm Thị Hoài
Marie Sến
tiểu thuyết
 1   2   3   4   5   6 
 
Để tặng Trần Dương Tường và mười năm Hà Nội, 1983-1993
Chương Một

Hàng xóm. Những đại từ nhân xưng

Tôi xin bắt đầu câu chuyện có nhiều nhân vật chính, các nhân vật chính lại quan hệ với nhau rất gần gũi (bốn trường hợp là quan hệ máu mủ), cùng sống trong một không gian rất hẹp (người này có thể nghe ra tiếng người kia nhai cơm rau hay cơm thịt hàng ngày), làm việc hầu như cùng một chỗ, và cùng yêu một người đàn bà, bằng cách giới thiệu sơ qua từng người để tránh rắc rối cho bạn đọc ngay từ đầu.

Tôi lại phải nói luôn rằng, theo thiển ý của tôi, khi ta làm quen với ai thì đương nhiên mặt mũi, áo quần, nghề nghiệp, xe cộ và chỗ ở của người đó cho biết nhiều thông tin quan trọng, trên toàn thế giới đều như thế, nhưng là người Việt thì xưng hô như thế nào có lẽ còn tiết lộ nhiều hơn. Cho nên tôi lấy các đại từ nhân xưng làm đầu để giới thiệu nhân vật của tôi với bạn đọc.

Người đàn bà tên là Sến. Sến xưng em với chúng tôi sáu thằng đàn ông. Chắc chắn Sến cũng xưng em với sau trăm ngàn thàng đàn ông ở Hà Nội.

Sáu thằng đàn ông là Đoài, Đủ, Hồng, Thân, Tân và Nguyên.

Đoài, hàng xóm sát vách tôi, gọi Sến là nàng. Là loại người mỗi ngày ba lần đánh răng, khi anh chàng khà từng tràng từng tràng nàng nàng nàng là Sến bay ra từ khoảng trống rộng rãi của âm “a” kéo dài hoan hỉ, đượm mùi hoá chất nội địa, hiệu PS, giữa mười sáu chiếc răng trên và mười sáu chiếc răng dưới. Trắng tuyệt đối trên một nền nâu sạm đồng quê là cái mặt anh cán bộ thoát li, cái mặt tươm tất biết điều, bao nhiêu sức khoẻ và tiền tiết kiệm đều lộ ra hết. Một cái mặt rất trung bình rất phổ biến, không có bí mật, không đau đớn, không thể dùng để doạ trẻ, nhưng dùng tốt để vay tín dụng. Tôi có thể nghe Sến khúc khích. Trong cái không gian sặc mùi cán bộ cấp trưởng phòng hành chính của anh chàng, điệu cười của nàng mới sang trọng và phóng khoáng làm sao! Sang trọng phóng khoáng là hai tính ưu việt chưa từng đổ bộ vào đời Đoài trước Sến. Nàng cười chữ đồng quê của tôi. Nàng bảo, khiếp, nhạc đồng quê, tranh đồng quê, tiểu thuyết đồng quê, bây giờ đến cả anh hàng xóm cũng đồng quê, khiếp mấy ông trí thức sính trường phái. Anh ấy đơn giản là nhà quê, nghe chưa, không ai đời đi gọi anh đồng quê ơi, rởm lắm. Nàng nói phải. Thế là rất rởm. Không đúng với một nước nông nghiệp lạc hậu. Nàng đi guốc trong cái bụng nhiều chữ của tôi, đôi guốc bảy li nhọn hoắt với đế nhựa đóng đinh với sơn mài mận chín và quai nhung vắt chênh chếch. Cũng đôi guốc ấy, lắm khi nàng gõ lên đầu anh hàng xóm đồng-nhà-quê của tôi cho anh chàng nhe hết ba mươi hai chiếc răng si tình. Còn tôi đâu ngờ đời tôi có lúc tận tuỵ đo chân một người đàn bà thậm chí không phải vợ mình để đi khắp phố Cầu Gỗ tìm mua đôi guốc đẹp nhất. Số chín. Là kích thước cần thiết cho tung hoành. Những nàng mi ni đi số năm số sáu, chân xinh như cá vàng, thuộc về quá khứ mất rồi. Bàn chân bó chặt cho được dị hình, cỡ mười bốn nhân sáu, từng là một nhục dục kích thích tố và một chứng chỉ của phong lưu. Từ buổi biết nàng tôi mới vội vàng bê mình đặt đúng vào cuối thế kỉ hai mươi. Là thời đàn bà cởi bung: miệng tan hoang, tóc sổ lồng, ngực đi chơi lung tung, trái tim nhảy nhót, mông bành trướng và đôi bàn chân rộng dài.

Hồng, hàng xóm xế bên trái tôi không có thời giờ tận hưởng từng nét đê mê trầm đục, từng nét hoan hỉ dịu dàng, chậm, dài, cổ lỗ của đại từ nàng. Y là người của thế kỉ hăm mốt lúc nào cũng bận. Y gọi Sến là giữa hai hơi thuốc. , phả ra, , phả ra, ngắn thôi, nhanh thôi, tốc độ cao, y không chấp nhận những đại từ dài loằng ngoằng, cứ theo y thì có thể lược đi hồn Việt trong chín mươi chín phần trăm đại từ nhân xưng Việt, cho dân Việt được rảnh tâm mà thần tốc tới văn minh. Y lấy chuẩn là tiếng Anh. Nhưng mẹ kiếp, xin lỗi bạn đọc, she đếch phải là . Vậy là ả vọt ra giữa những vòng khói thơm, thơm quá đáng theo khứu giác của tôi, thơm không lương thiện chút nào, thơm bằng tất cả thu nhập gia đình tôi gộp lại. Cho nên tôi hình dung ả, con điếm ấy, uốn éo rẻ tiền quá chừng trong điệu lắc các vòng khói. Tiết mục mới của gánh xiếc Erotica. Khói vờn như lụa xanh ngang hông ả, ả đánh sang trái, ả đánh sang phải, ả bật lên bật xuống tanh tách như công tắc điện, cộng thêm hai tay học đòi vũ nữ Chàm ngoe nguẩy. Rồi khói tuột đi, cái hình tam giác tươi thắm của ả hiện nguyên hình tam giác quỷ, nhảy múa man di trong căn hộ văn minh tiên tiến của thằng trẻ trai. Y lại phả ra. Bây giờ khói trườn như rắn theo dốc cao khe sâu điên rồ nơi ngực ả, ả nâng vai trái, ả nâng vai phải, ả rũ ra trước ra sau như con rối Thăng Long. Rồi khói lại tuột đi, hai trái tròn hớn hở của ả dập dềnh khôn nguôi, cộng thêm đôi núm chực làm sứ giả của Hồ Xuân Hương ngoáy thơ vào vũ trụ. Tôi thấy ả khúc khích mơn trớn. Làm như y có thể ngưng hút, làm như ả có thể từ đám vần vũ khói mây nhẹ đậu xuống chiếc sofa phơn phớt hoa leo, đậu chính xác giữa y và vợ, một thiếu phụ miệng ngậm tăm, sống lưng và cần cổ thẳng tắp bất động: kẻ thôi miên chẳng phải ai xa lạ, là chiếc vô tuyến. Sony, 36 inch. Thứ đó ở nhà ả không có, lũ chúng tôi còn lại không có. Nhưng y không ngưng hút, không bao giờ. Thứ đó ở y bất li thân như hương phấn đàn bà. Y chìa những điếu thuốc ra bắt tay người ta, một lúc có thể cả hai mươi ngón đắt tiền trắng nuột thơm phức. Ai mà cưỡng nổi. Tôi cũng hút. Cả nước ta đàn ông hút thuốc tràn cung mây, nicotine là niềm an ủi còn lại cho thằng trai phong kiến xứ mình: chúng ta vẫn ở trên đàn bà một tầng khói. Nhưng tôi và rất nhiều người khác không bắt tay thơm phức trắng nuột như y. Tôi lại thấy ả thoắt gỡ điếu thuốc từ tay y, rồi kênh ngón út và ngón áp út, chúm môi, thở phù phù như các nữ diễn viên miền Bắc vào Sài Gòn đóng vai ăn chơi. Rõ là sành điệu. Rõ là vùng lên nam nữ bình quyền cho đúng với xã hội tiến bộ. Vẫn môi chúm ấy, ả bĩu sang tôi: nghe chưa, không ai đời đi ghen ăn tức ở, rởm lắm. Ả nói phải. Ả không thôi khua đôi guốc cuối thế kỉ trong bụng tôi.

Thân, hàng xóm xế bên phải tôi, gọi Sến là cô ấy. Trọng tâm dồn về phía sau, nên với ông, Sến chủ yếu là ấy. Nghe khách quan lắm, không ai bắt bẻ được. Nghe mơ hồ lắm, không ai xác định được. Bao nhiêu uyên bác và nghệ thuật sống ông gói vào một đại từ chỉ người đàn bà lẽ ra không nên xuất hiện trong phần đời còn lại của ông. Ông già này thuộc trường phái sống gián tiếp. Ông định nghĩa cuộc sống, rồi sống những định nghĩa của ông về cuộc sống. Thường là những định nghĩa phức tạp xen nhiều tiếng Tây, riêng các mệnh đề được nối vào nhau như thế nào đã gây đủ ấn tượng lạ hoá. Đây là kiểu người ra vào bách khoa thư nhiều hơn cửa nhà mình, chết nhiều cái chết hơn mức chuẩn ở một người bình thường. Có lẽ ông cũng thám hiểm mặt trăng thường xuyên hơn Mĩ và Liên Xô gộp lại và thuộc hơn bản thân các vị Bồ Tát sự tích đức Thích Ca. Trường phái sống gián tiếp có những ưu thế hiển nhiên, cho nên tôi quyết rằng sự uyên bác của ông trong vấn đề đàn bà phải hơn đứt lũ trai lơ. Nhưng ông hàng xóm kì tài của tôi không có cách nào xác định người đàn bà tầm thường, cụ thể, sờ mó được, đo đếm được, lột truồng ra được, là Sến. Ông không thể khà ra ấy như Đoài, không thể phả ra ấy như Hồng. Ông rên ra ấy. Ấy vừa thoát ra khoải khuôn miệng ông đã vội lẩn vội hoà hút vào một đường hầm ẩm, thấp, dài ngoẵng, đùng đục sáng. Là căn hộ được bao cấp của ông. Tôi nói không ngoa. Mỗi tầng cầu thang có bốn căn hộ, được bao cấp được chiếm đoạt xâu xé như nhau, quây thành hình hai cái thước thợ như thế này:

NguyênĐoài
ThânHồng
cầu thang


Tôi ở trong một cái hộp diêm méo mó, đồ đạc để thẳng mà nghiêng. Đoài cũng trong một cái hộp diêm, nghiêng theo chiều ngược lại. Thân trong một đường hầm. Hồng cũng trong một đường hầm, nhưng y đã phá tung và vươn mạnh ra ánh sáng. Chúng tôi bán anh em xa mua lấy sự gần gũi của nhau và rắp tâm ngủ với cùng một người đàn bà. Tình xóm giềng quả có hơn tình ruột thịt.

Nhưng hãy quay lại với ấy trong cái ống dài ngoẵng phía bên phải tôi. Người ta sẵn nghĩ, ở thành phố này người ta sẵn nghĩ, nhà tập thể là một cái gì chồng đống, người xe chó lợn guốc dép và các thiếu nữ của tờ lịch giẫm đạp lên nhau mà sinh tồn. Ứng vào hàng xóm xế bên phải tôi thì bức tranh ồn ào đó có phần hơi quá sinh động. Nơi ông ở chỉ có những hạt sáng đùng đục đè lên nhau bất động và âm thầm, thỉnh thoảng một chiếc nón, hai ba cái túi vải khâu tay treo thật ngăn nắp làm nên những đường gồ hiện thực. Đó là tất cả. Tôi mạo muội nhắc bạn đọc tạm cất đi hình ảnh cố hữu, hễ trí thức lớn như ông Thân là ngồi bên giá sách khổng lồ. Ở đây không như vậy. Có trí thức lớn nhiều sách. Có trí thức lớn ít sách. Ở nước ta loại thứ hai phổ biến hơn vì những lí do tôi nhường cho bạn đọc tự tìm hiểu, chỉ xin mở ngoặc là một vài học giả người Việt ở nước ngoài có phần nghi ngờ sự đọc của ông Thân, ở ông phần chú giải và sách dẫn xem ra nghèo nàn chểnh mảng lắm. Nhưng quả thật, tác giả nào, nói ở sách nào, trang bao nhiêu, dòng thứ bao nhiêu, xuất bản năm nào và ở đâu, đối với một học giả suốt đời ngồi ở Hà Nội không mấy quan trọng. Bạn đọc sẽ còn có dịp nghiệm ra những khiếm khuyết khác của một thiên tài, trong mọi khiếm khuyết thì cứ theo thiển ý tôi việc bỏ sót vài ngàn quyển sách được in trên toàn thế giới không đáng gọi là trầm trọng. Trong ánh sáng bại liệt tâm thần nơi đây, tôi thấy Sến khẽ khàng như hộ lí, ngón trỏ đặt lên môi, mắt trừng nghiêm khắc suỵt tôi: nghe chưa, không ai đời đi thương hại, rởm lắm. Ấy lại nói phải.

Tân, con trai ông Thân, gọi Sến là elle. Đủ, con trai Đoài gọi Sến là bây bi, là con nhỏ. Tôi xin dành một chương sắp tới cho hai cậu ấm này.

Tôi gọi Sến là Marie, Marie Sến. (Ở cuối sách có lời giải thích phần nào cho cái tên này.)

Sáu chúng tôi đều gọi Sến là em. Sến cũng xưng em. Đàn ông xưng anh đàn bà xưng em là tính cách Việt. Sáu mảnh đàn bà nơi em đem về khu tập thể này khâu thành một khối tình chung. Một khối tình chung xẻ ra chia cho mỗi nhà, tôi một, thằng Hồng một, cha con Đoài hai, cha con ông Thân hai, là sáu miếng. Chia làm sao cho đều? Ngay từ đầu Sến đặt chúng tôi sáu thằng đàn ông đồng thời vào một cuộc chạy đua giành phần nhiều hơn kẻ khác và một cuộc phấn đấu cho công bằng, thế là chúng tôi được làm sáu thằng si tình tiến bộ nhất trong lịch sử. Nhưng trước khi kể về tiến bộ và tai hoạ của tiến bộ, tôi phải thuật lại việc Sến bỗng nhiên xuất hiện như thế nào.


Chương Hai

Đồng nghiệp. Những cái tên

Năm thằng cùng câu cơm ở một Viện và thằng thứ sáu cũng suýt như vậy.

Ở Viện mỗi người có một chỗ ngồi cố định các buổi sáng thứ hai và sáng thứ năm. Phụ nữ ngồi thành một hàng ngay sát cửa ra vào thứ nhất. Họ là những thực thể cong cong, không bao giờ thẳng người đi qua đám đông, thẳng người chắc sợ đôi trái quý trên ngực treo chênh vênh quá. Họ là những vũ trụ tà tà, không bao giờ đến sớm để ngồi vào một chỗ tử tế, chỗ của họ tiện nhất là sát cửa. Mười lăm nữ đồng nghiệp của tôi, áo sơ mi bỏ ngoài quần tây, tóc uốn lưng lửng, túi Sài Gòn trên đùi rung rung, giày Trung Quốc hờ dưới chân, mười lăm quả trứng của mẹ họ, Âu Cơ, giống nhau và huých nhau, mười lăm chị em đầy triển vọng. Họ vừa nghe ông Viện trưởng vừa cắt móng tay cho mình và cắt móng tay cho nhau, nếu không thì âu yếm ngả vào vai nhau và khe khẽ rên rỉ bởi một chiếc dây chuyến chính hiệu Phượng Hoàng và một quai nón lụa sáng thứ hai tuần trước sáng thứ năm tuần trước chưa thấy xuất hiện. Một lúc nào đó thể nào ông Viện trưởng cũng gắt: “Thôi không nói chuyện riêng!” Một lúc nào đó ông Viện trưởng lại phát bẳn: “Ơ mấy cô này đã bảo!” Thỉnh thoảng một trong số mười lăm chị em cũng đứng dậy, tôi xin có ý kiến, rồi thế nào đó lại em có ý kiến, và gặp mắt ông Viện trưởng thì cháu có ý kiến. Ôi những nàng tiên trí thức, tôi không thích họ đứng dậy có ý kiến chút nào. Suốt hai chục năm, một ngàn hai chục sáng thứ hai, một ngàn hai chục sáng thứ năm, không bỏ sáng nào, không nghỉ phép sáng nào, tôi chưa từng nghe thủng một ý kiến của cái phái-sát-cửa đó. Cái giọng kim của các tôi, các em, các cháu đó không ở yên một tình cảm, lúc thì lí nhí quẩn quanh mãi không ra khỏi tôi-cho-rằng-cái-vấn-đề-này-nói-chung-là-vậy-thì-chúng-tôi-cho-rằng-em-thấy-cháu-nghĩ, lúc thì hùng hồn như hắt vào mặt người ta, cộng thêm ngón tay trỏ cứ đâm cứ chọc về phía trước, mắt trợn, môi cong, răng tràn ra ngoài; lúc lại kể lể dài dằng dặc toàn những chuyện không ai nhớ nổi, từ thuở hàn vi Viện còn về Thái Bình mua lợn rẻ mổ chia nhau từng khấu đuôi để cải thiện ô phiếu, đến thuở chiến tranh nhà cửa, đồng chí này nhảy dù vào nhà đồng chí kia trong khi đồng chí Viện trưởng ở nước ngoài chưa về còn đồng chí Viện phó bận thi minimom. Cứ như thế. Không tài nào nghe thủng. Khi phái-sát-cửa đứng dậy có ý kiến, đứng dậy đặt nón, để túi, vuốt tóc và cất lời, là tôi hoảng sợ. Họ là những thực thể những vũ trụ quá riêng biệt, chẳng ra đực, chẳng ra cái, giọng thì kim mà từ ve cổ sơ mi xuống tít gấu quần tây lại thẳng đuỗn một mạch.

Tôi thật không muốn bị coi là phản động trong vấn đề giải phóng phụ nữ, không, tôi cũng ưa lắm những đàn bà đi lại tự tin trong cuộc đời, vừa đi vừa đánh mông kiêu hãnh, nhưng tôi chẳng có lỗi gì khi phát khiếp những cán bộ nhà nước vốn là giống cái. Họ bình quyền bằng cách bán sạch những ưu điểm của đàn bà để mua về những khuyết điểm của đàn ông; họ bình quyền bằng nhẹ dạ và ngu lâu; họ giúp cho những thành kiến của chúng ta về đàn bà thọ dai hơn; và một lúc nào đó khi ta đã quen sống với họ, thì thôi thôi, hết đường mơ về những nàng tiên. Mười lăm triển vọng như thế bày sát cửa mỗi sáng thứ hai và sáng thứ năm theo tôi là đủ nạo sạch âm tính của cả tuần. Cả tuần đực rựa lười thối thây và phét lác. Mồm thối hoăng thuốc lào. Cả tuần tâm hồn không động đậy, dương vật buồn thiu. Mỗi ngày teo đi một ít giới tính. Tôi phải mạo muội dài dòng như vậy để bạn đọc hình dung tốt, khi khối tính nữ đầm đìa là Sếp ập đến như mưa lớn thì hồn chúng tôi mở toang ra hứng như thế nào.

Còn lại là đàn ông, năm mươi chiếc mũ nồi mùa đông, năm mươi đôi dép lê mùa hè, bốn mươi điếu thuốc cùng một lúc, năm mươi chiếc gậy chống của cha họ, Lạc Long. Tính tập thể lả một cái gì sâu xa hơn hệ tư tưởng.

Sát cửa ra vào thứ hai là phái giáo sư và phó giáo sư, xin gọi chung là giáo sư để các vị phó đỡ cảm thấy bị miệt thị. Chín giáo sư của chúng tôi ngồi hơi chật trên chiếc ghế dài có từ thuở mới thành lập Viện, vài ngày sau giải phóng thủ đô, là sản phẩm cuối cùng của một hãng Cự Phát, Vĩnh Thịnh, Đại Sinh nào đó trước khi hãng ấy trở thành Đoàn Kết, Nam Tiến, Toàn Thắng, trông nó nửa tràng kỉ Tàu, nửa ghế băng Tây, không có chút gì của an toàn khu, nhưng tên nó là ghế Việt Bắc. Những sáng lập viên đáng kính của Viện đã thai nghén cái Viện này ở trong rừng, đã dìu dắt những bước đi đầu tiên của toàn bộ nền khoa học xã hội trong toà biệt thự Tây này, đã mua sắm những đồ gỗ đầu tiên theo khiếu thẩm mĩ của họ và theo túi tiền của nước cộng hoà non trẻ. Họ đều đã khuất, nhưng những chiếc ghế Việt Bắc còn đó, cùng với cái bàn tròn Liên Khu ở tầng hai và ở hành lang cái tủ gương Sông Đuống mà tên thật nhưng không ai gọi là Bên Kia Sông Đuống, bộ vật linh của Sử, Địa, Văn khai sinh ra Viện chúng tôi sau này. Chúng còn đó, vượt qua mọi chiến dịch thanh lí tài sản công cộng mà anh hàng xóm-đồng-nhà-quê của tôi chủ mưu. Hoá giá những mẩu vật lịch sử vô thừa nhận là sở trường của chúng tôi, nhưng chúng tôi không dại đụng vào lịch sử của một Viện viết sử. Anh cán bộ thoát li Đoài, trưởng phòng hành chính, không có tính tiêu hoang. Ghế thì anh ta mua loại bôi phẩm vàng rùng rợn ở đê La Thành. Tủ thì chọn những chiếc mở ra không đóng vào được nữa. Vài năm một lần trong chương trình “Xây dựng nhỏ, sửa chữa lớn” chúng lại được mang ra thanh lí theo giá mềm. (Tôi mua tủ trong một chương trình như thế, trừ vào lương. Sáng sáng tôi đứng trước gương xem Hâm Lét hỏi “Lấy tủ hay không lấy tủ”). Cho nên ngồi ghế Việt Bắc là biểu thị một cái gì hơn cả học vị học hàm, một cái gì được truyền thống phù phép vào hiện tại. Ở đó, lưng ngả và đùi bắt chéo, phái giáo sư có cái vẻ ung dung thư giãn không thể bắt chước của những người đang thoải mái thả hồn đi chỗ khác. Họ không nói chuyện riêng như phái Âu Cơ. Không ai trao đổi với ai điều gì vì đơn giản các vị biết nhau quá rõ. Giáo sư này sẽ tử thủ với quan điểm có hình thái chiếm hữu nô lệ ở Việt Nam, ồ không phải hiện tượng suông mà thôi, une formation, một hình thái, chắc chắn là một hình thái, với mọi đặc điểm. Dẫn Mác. Giáo sư kia thì kiên quyết phủ nhận, không, không phải hình thái, có thể một phương thức thôi, un mode, một phương thức. Và dẫn một Mác khác, hẳn là khác, Mác sờ, nghĩa là Mác bằng tiếng Tây. Giáo sư kia nữa sẽ không ngừng hoài nghi, có hay không có? Chiếm hữu nô lệ hay không chiếm hữu nô lệ? (Tôi xin nhắc bạn đọc là cho đến giờ phút này, mọi nghiên cứu thuộc lãnh vực khoa học xã hội - gần đây có người bắt đầu gọi tên mới là khoa học nhân văn - vẫn không ra khỏi năm hình thái của Mác, cũng như mọi phép thần thông của Tôn Ngộ Không chẳng ra khỏi năm ngón tay của Phật vậy). Có vua Hùng hay không vua Hùng? Tư sản dân tộc có hay không là một giai cấp? Người Việt cổ có chữ viết hay không? Mai Thúc Loan có vợ là nữ tướng hay không có? Những câu hỏi “Có hay không” phủ lên khắp các công trình khoa học một sự hồi hộp ghê gớm, chúng tôi gọi là sự kiện khoa học, còn trên bục hội nghị thì chúng ngân vang, chúng buộc cử toạ phải chọn lựa cấp bách, cứ như bị Hâm Lét hét vào lỗ nhĩ. Lấy tủ hay không lấy tủ!

Lưng ngả, đùi bắt chéo, nhưng mũ cầm trong tay, cặp ôm trước ngực, lời xin lỗi trên môi, phút trước phút sau các giáo sư đã thuộc về một cuộc họp khác, một cuộc gặp khác, mọi cuộc đều sáng thứ hai và sáng thứ năm. Họ khuất nhanh sau cánh cửa khép hờ, mỗi lần ông Viện trưởng bỏ kính xuống và đeo kính lên là một giáo sư của ông ra đi, với vẻ đàng hoàng không thể bắt chước của những người có vô khối việc quan trọng đang chờ. Khi bản độc thoại đầu tuần và giữa tuần của ông Viện trưởng kết thúc, chiếc ghế Việt Bắc thường còn đó, ấm hơi các giáo sư, nhưng các giáo sư thì đã không cánh mà bay. Hơn ở bất kì đâu, nơi đây sự lặng lẽ biến mất của các nhà khoa học xã hội bằng cách này hay cách kia đã thành thông lệ.

Giữa hai cửa là một khối chữ nhật khổng lồ xếp bởi ba chục chiếc bàn lẻ gọi là bàn cá nhân. Gọi là hầm cá nhân cũng được, chúng là những khối sắt sơn màu xanh lá cây có thể chịu đựng nhiều đợt bom tấn, mỗi khối hở ra một hộc với vỏ cam, dép trẻ con, phất trần, đầu lọc thuốc lá, túi nhựa Liên Xô, bơm xe đạp, chén uống trà và những mẩu giấy vo tròn. Ba chục cá nhân chung lưng sát cạnh vào nhau, mấy tấm khăn trải giường phủ ào lên mỗi năm ba lần: đại hội công nhân viên chức, tổng kết cuối năm, và ngày sinh của Viện trưởng, thế là chúng tôi có chiếc bàn khổng lồ của một tập thể vững mạnh. Ở khoảng giữa cạnh dài của chiếc bàn ấy, chỗ một chiếc cột lớn lồi ra chia đôi gian phòng là ông Viện trưởng, độc thoại, đầy nhiệt huyết, ho, gắt, e hèm, bỏ kính xuống và đeo kính lên, gõ tay xuống mặt bàn, thỉnh thoảng cũng cười, thỉnh thoảng như van các đồng chí, không có gì thuộc về con người mà xa lạ với ông. Đối diện ông bên kia bàn, cũng một chiếc cột lớn lồi ra là Viện phó trẻ trung lịch sự và thích nịnh đầm theo kiểu trang nhã dí dỏm. Tuỳ thuộc vào chỗ đứng của Viện phó hay Viện trưởng mà các nhóm còn lại có thể coi như cánh tả hay cánh hữu luân phiên nhau. Hồng luôn ở cách Viện trưởng một sải tay. Ông Thân khuất sau một trong hai chiếc cột. Đoài hộ tống viện phó. Thằng Tân con ông Thân tháp tùng phái giáo sư. Tôi canh cửa sổ. Riêng thằng Đủ con ông Đoài lúc này đang đi thăm chợ người, chuyện đó tôi sẽ kể sau. Chúng tôi, khối quần chúng vừa tả vừa hữu, ngồi nghiêm như chim Bắc cực trên những chiếc ghế gỗ vàng nhợt quanh bàn, bám vắt vẻo trên thành cửa sổ như dơi, đứng dọc tường như bồi, bận rộn châm thuốc và rót nước, chăm chú nhổ râu, lơ đãng lướt trên những dòng tin mật của Việt Nam thông tấn xã, và liu riu ngủ để choàng dậy sau mỗi hồi chuông điện thoại.

Chỗ của tôi sát cửa sổ, có thể nhìn rõ chiếc điện thoại duy nhất của cả Viện đặt trong phòng hành chính ở dãy nhà ngang vốn dành cho thằng bếp con sen thời chủ cũ. Nhà tiểu tiện nam và tiểu tiện nữ nước dầm dề, cửa luôn mất móc ở ngay sát đó, có thể từ đấy cùng nghe các cuộc điện thoại với lí do chính đáng. (Từ buổi có Sến trên đời biết bao lần tôi uống căng một bụng nước trà để bước vào chỗ đó luôn luôn. Tôi xả cái ghen ngầm mất dạy của tôi ra tồ tồ, rồi lại lùi lũi như mê về phía quán nước).

Những sáng thứ hai và sáng thứ năm cái điện thoại tra tấn chúng tôi, chúng tôi tra tấn nó, say sưa, đôi bên đều ngấm bạo dâm. Mỗi lần nó réo, nếu bác lao công trực ban quá bộ leo nửa cầu thang đến tận phòng họp thì ấy là điện cho một trong ba vị duy nhất ở Viện được bác kính nể: Viện trưởng, Viện phó (là đương nhiên) và ông Thân (vì biết rõ ông vốn là con quan tri phủ), lũ còn lại chỉ đáng thưởng cách bác nhấc máy lên, quát một tiếng “Chờ !”, rồi quăng ống nghe xuống mặt bàn, sải ba bước ra sân, chõ lên cửa sổ phòng họp gầm một cái tên là hết. Lũ trí thức chúng tôi vừa sợ vừa nịnh bác lao công, anh lái xe và đặc biệt là cô thủ quỹ hơn sợ và nịnh Viện trưởng. Viện trưởng còn có thể bầu được, Viện trưởng cần chúng tôi theo một nghĩa nào đó, và Viện trưởng có nhiều thứ để mất, trong khi họ, những thần linh cáu kỉnh kia, những nhân dân kia – làm như chúng tôi không là nhân dân! – hoàn toàn bất khả xâm phạm.

Từ cửa sổ tôi truyền cái thông tin bề trên cụt lủn của bác lao công đi sao cho liên minh giữa trí thức và vô sản được tự nhiên hơn. Tôi được cái thích thú vô tận dõi theo các cuộc điện thoại từ khoảng cách mươi mét sân. Mấy cô tre trẻ thì nói rõ lâu, cái cục nhựa đen sì như mọc thẳng ra từ tai, hoà vào mớ tóc đen hất lên hất xuống, miệng như dán như hôn vào không nỡ rời ra nữa, các cô ừ các cô vâng đứt quãng, người ta bảo các cô sống bằng tai là có lí. Mấy mợ nạ giòng thì liến thoắng tao bảo này mày biết không, xoe xoé, cho tôi nhẹ người rằng vợ tôi ở nhà không phải trường hợp cá biệt, rồi sau trăm ngàn lần thôi nhé lại vẫn à tao bảo này, lại dài hàng thế kỉ. Đàn ông ngắn gọn hơn. Thằng thì đùn ra một tràng dạ dạ vâng dạ vâng vâng dạ rồi đặt máy. Thằng thì nghiệm trọng ghi chép cảm ơn tạm biệt. Thằng nữa reo lên rồi hạ giọng quay lưng lại tôi. Có thể nhìn chúng nó nói cười nhăn mặt và dạ vâng mà biết chắc đầu dây đằng kia là cái gì.

Tôi tự hỏi đầu dây đằng kia là cái gì mà Đoài cứ cười tủm, xưng anh, sau trăm ngàn lần thôi nhé vẫn ôm ghì mân mê cái cục nhựa đen sì một sáng thứ hai rồi lại sáng thứ năm. Tuần đó vừa qua kì lương, hẳn không là mấy cô ngân hàng mà Đoài vừa nịnh bằng hoa quả tươi và kẹo Thái trích từ quỹ công vừa rủa sau lưng. Hắn nịnh nghe thối hơn cầu tiêu công cộng Bờ Hồ. Thằng cha đồng-nhà-quê đơ như đũa này cũng liếc con gái Hà Nội, nhưng tháng tháng nhảy xe về Tứ Kì, lúc lên vợ giúi cho gạo mới, khoai tây, gà con, trứng tươi. Hậu phương vững chắc của anh chàng cho tôi thấy mình là loại hiện sinh chông chênh, ở thì chân không đạp đất đầu không chạm trời, ăn những thứ vô loài, chết chẳng xuống cõi âm mà vào lò điện. Cứ theo thiển ý tôi thì đời cán bộ thoát li như hắn là lí tưởng.

Tôi bèn đi tiểu. Bên ngoài giọng Đoài thậm chí ỏn ẻn: “Nắm núc cũng buồn, ừ, nhưng biết nàm sao được, đời nà thế mà, ừ, thôi nhé, núc nào gọi nại”. Mẹ kiếp, hắn còn triết lí nữa, triết lí bằng cái lưỡi Tứ Kì của hắn. Tôi bước ra ngoài, kéo khoá quần lên. “Heèm, heèm.” Đoài vẫn cười tủm một mình. “Em nào thế?” Đoài giật mình, cả cái nền nâu sậm đồng-nhà-quê vụt đỏ tưng bừng: “Em đâu mà em cái ông này ninh tinh!” Tôi cứ tưởng anh ta sẽ chối lấy lệ, rồi sẽ nhướng nhướng lông mày cho tôi tự hiểu rằng, không chỉ lũ trí thức bụng đầy chữ trái tim đầy éo le tụi bay mới biết ngoại tình. Vài năm trước Đoài làm quen được với một gái công trường, đưa đi chơi đêm trên chiếc Mifa mới sắm, cô nàng đánh rơi một chiếc dép để anh ngố ga lăng mò xuống nhặt rồi tất nhiên cả bướm lẫn xe đều bay. Thời ấy Đoài còn nằm giường tập thể, đêm ngủ tròng xích vào cổ chân một đầu và đầu kia quấn mấy vòng khoá lấy cổ xe cho an toàn. Cả đồn công an cười đểu, chẳng đồng chí nào buồn đi tìm cô Tấm đánh rơi hài. Những buổi tán phét thời đổi mới, chúng tôi nhao nhao đánh đĩ mồm, thỉnh thoảng Đoài cũng rặn ra dăm ba câu bày tỏ khí phách. Suông tình thế thôi. Tinh lực bỏ ống đem về Tứ Kì cho u nó.

Tôi hỏi: “Ông làm sao thế?”

Đoài đáp: “Chẳng sao. Nắm núc dở hơi.”

“Này, núc nào gọi nại?”

“Mẹ cái thằng này.” Anh ta văng ra thế rồi đi. Vài ba năm trước, chúng tôi nói năng lịch sự, tư cách người nào cũng hoàn hảo, cùng gọi nhau là đồng chí. Bây giờ thì mày tao ông tôi con thằng nó chúng nó anh em chú cháu, rồi lại cái mốt ngộ nỉ bắt đầu lấn mốt ma đam mơ xuya nữa. Và văng tung toé. Trào lưu mới không chừa cả anh cán bộ thoát li sợ nói tục như sợ chính cái nông thôn sinh ra mình. Đoài sẽ mừng rơn nếu tôi tiết lộ rằng dân Hà Nội nói ngọng và chửi bậy nhất nước Việt văn hiến. Chúng tôi xích lại gần cuộc sống hơn. Chúng tôi đoạn tuyệt với gần bốn chục năm đạo đức giả. Chúng tôi trẻ hoá nền khoa học xã hội xơ cứng. Chúng tôi trưởng thành. (Chưa bao giờ Sến coi lũ chúng tôi, thằng Đoài thằng Đủ thằng Hồng thằng Nguyên thằng Tân và thằng Thân là trưởng thành. Chúng tôi nói bậy, chúng tôi đánh đĩ mồm thập phương, chúng tôi làm hết mọi khả năng, tất cả chúng tôi gộp lại thì ghê gớm lắm, sao em vẫn chưa vừa lòng?)

Vài tuần sau cú điện thoại khác thường, Đoài mời tôi sang nhà uống một chén trà, anh ta không giấu nổi em trong lòng nữa, em phải hiện ra, là nàng, là nàng, nàng của anh ta, n-à-à-n-g, giữa bốn bức tường nghiêng theo chiều ngược lại tường nhà tôi. Khi đó tôi vẫn chưa biết em là ai. Tôi chỉ nghĩ thầm, thị nào đi với thằng cha này nếu không ế sưng thì cũng lại đánh rơi dép mà thôi. Nhưng tôi vẫn ngồi nghiêm, nhấm nháp chén trà nóng bỏng và cái tâm sự sôi sùng sục của ông hàng xóm. Sét ái tình đánh trúng anh ta ở chợ Bưởi:

“Nàng đi mua cây cảnh, ông ạ, nhà nàng có ban công. Nàng mua một bụi nhài. Nàng hỏi đi hỏi nại con mụ bán hàng, nàng chưa trồng nhài bao giờ, nàng sợ nó chết, nàng sợ nó không ra hoa, không hoa thì còn gì nà nhài. Con mụ bán hàng thì một điều hai điều nhài của tôi nà nhất chợ. Nàng mặc váy ông ạ. Cả chợ chỉ mình nàng mặc váy, thế mới nà nhất chợ. Tôi can thiệp ngay. Ông biết rồi đấy, nhà tôi dưới quê gì chứ nhài thì. Tôi chọn cho nàng một bụi, trông thì không ra gì nhưng sẽ đầy hoa. Tôi giải thích cho nàng, vấn đề không phải nà cái hình thức. Nàng nhìn vào túi đi chợ của tôi, có mớ rau với hai bìa đậu. Nàng hỏi nhà tôi ăn ít thế à. Tôi bảo tôi có một mình. Nàng bảo ngay, ông ạ, tôi thề, nàng bảo hôm nào nàng sẽ đến tôi chơi, chắc nhà tôi nhiều cây cảnh lắm. Tôi cho nàng số điện thoại ở Viện.”

Tôi hỏi: “Thế thôi à?”

“Còn nhiều, hôm nọ nàng gọi điện, nàng nại muốn đi chợ Bưởi mua ngọc nan ông ạ, ngọc nan nà cái giống khó trồng nắm, nàng hẹn tôi cùng đi, xong về nhà nàng trồng, nàng bảo, anh nhiều kinh nghiệm, trồng giúp em nhé, ông bảo có chết không!”

Tôi bảo, chết thế quái nào được và cảnh cáo anh ta rằng ngọc lan trồng ban công là hỏng.

“Tôi cũng đã bảo nàng thế, nhưng bướng nắm cơ, bướng nắm.”

Tôi hỏi, thế tên là gì.

“Sến.”

“Cái gì?”

“Sến.”

Tôi bảo, tôi hiểu cả rồi, các vị đẹp đôi đấy.

“Thì tôi có cái ninh cảm.”

Tôi hỏi, ông có biết Marie Sến không? Anh ta nhăn mặt, lắc đầu. “Bên Tây à?”

“Ừ, bên Tây.”

Bây giờ tôi lại mạo muội nhắc bạn đọc, là người Việt thì cái tên quan trọng hơn cái chứng minh thư. Bao nhiêu tính người bao nhiêu tình đời chúng ta đem chở cả vào tên. Là người Việt thì đeo tên nào là chỗ để sống và chỗ để chết đều đánh dấu sẵn. Kẻ ngu thì tên là Minh là Tuệ. Người sáng thì tên là Mặc là Ô. Một thời đại tên Đĩ tên Cu tên Cột Kèo. Một thời đại tên Du tên Khiêm tên Quát. Một niên đại tên Sinh, Vượng, Cự, Lộc. Một thế hệ tên Chiến, Thắng, Quang, Vinh. Những người đàn ông đàn bà tên Hiệp Định, Hoà Bình bây giờ đã ngoại tứ tuần. Những đứa trẻ tên Thống Nhất, Độc Lập bây giờ vừa đôi mươi. Bạn sẽ làm gì với một nàng tên Mộng Điệp? Tôi chắc nàng ấy thường có nhu cầu đi xi nê! Bạn sẽ làm gì với một nàng tên Tuyết Trinh? Nàng ấy đẻ vô nhiễm thì bạn tha hồ mà huýt sáo cao thượng! Các nhà văn của chúng ta đặt tên nhân vật mới cẩu thả làm sao. Các chính khách của chúng ta mang những bí danh mới khôi hài làm sao. Chó mèo trong nhà ta dạo này toàn tên Tây. Các nhà buôn thì xướng tên hãng tên hàng như gió rít mệt qua vòm họng An Nam mỏng mảnh: vi-na-ích-tờ-ếch-xờ-tờ-cô-ba-min-úc-nồiđồngnấuốcnồiđấtnấuếch-xờ-tờ.

Năm đứa con Đoài, bốn gái một trai, tên một lèo là Hạnh, Phúc, Thế, Là, Đủ. Hồng đặt tên hai mụn con gái là Bội Lan và Bội Hoàn, y mê mẩn tất cả những gì dậy mùi quý tộc, để trừ vào cái lỗi của lịch sử không triều vua nào chịu vào xứ Nghệ đóng đô. Hai con gái tôi là Thị Vân và Thị Kiều, tôi nghĩ gia tư mình còn thua xa thường thường bậc trung nên bỏ phắt đi hai chữ Thuý. Ông Thân có một con trai duy nhất, tên nó là đắng cay khổ sở, nhưng người ngoài có thể hiểu là mới mẻ mừng vui, Tân, là vô vọng của ông, hoặc nếu muốn xin cứ hiểu là hi vọng.

Tôi là Nguyên. Vợ Đoài tên Đông. Vợ Hồng tên Chuyên. Vợ Nguyên tên Phần. Vợ Thân tên Mùi. Nghe đã thấy buộc vào nhau. Tân và Đủ chưa có vợ.

Em là Nguyễn Thị Sến. Nếu Đoài tiết lộ một cái tên khác, Lan Hồng Cúc Phượng…, có lẽ mọi chuyện tôi sắp kể sẽ không xảy ra. Ngồi bên anh hàng xóm tôi lập tức thấy mình khịt mũi đánh hơi như con chó cảnh sát, ngửi một cái tên rơi ở hiện trường. Sến. Mùi mẫn lắm, kiểu mùi mẫn Nam Bộ hồn nhiên dậy màu U Tình Lục, không phải cái em chã đỏng đảnh của dân Bắc. Còn Nguyễn là họ của người Việt đi Nam tiến, nhưng từ em ngược đến Nguyễn Hoàng cũng xa chẳng kém từ tôi truy lên một Mã Viện Nhân, chúng ta đơn thuần là người Việt trên đất Việt, không quan hệ tới bài ca khai hoá và xâm lược. Tên ấy nói rằng cha em không mở sách thánh hiền tìm cho em một quý danh, thầy cúng không xin ý quỷ thần ban cho em một thuận lợi. Tên ấy rơi ra như em tọt từ bụng mẹ. Tôi đoán tổng cộng mười giây, ngay trên đường tập kết ra Bắc. Không công phu phiền nhiễu gì. Không thơm, không quý, không mỏng manh yêu kiều. Hàng xóm của em chắc gọi em bằng tên chồng, chồng chết gọi bằng tên con. Đàn bà như em chẳng là Linh Từ Quốc Mẫu, sống trên đời đâu bằng tên mình mà dồn vào đấy quá nhiều ý nghĩa. Cho nên tôi đánh hơi nơi tên em một câu đố, câu đố nào thoạt nghe cũng giản đơn. Tôi chỉ thêm vào Marie. Với tôi em là Marie Sến.

Cho nên tôi phải đi chợ Bưởi để thấy cô nàng Marie Sến bên cạnh anh hàng xóm của tôi, rối rít với ngọc lan, váy đỏ rực ôm một eo thiếu phụ, tóc xoà thiếu nữ, ngực gái một con, giày học trò, túi vũ nữ, cần cổ phu nhân, vai thợ thuyền, một tổng thể rất Việt, rất lung tung, nhưng cũng vui mắt như các biệt thự Hồ Tây. Khi tôi lại gần, chợ rất đông, tôi có thể xác định là Sến đẹp, còn hơn cả đẹp. Mắt, má, môi, cằm rực rỡ. Mũi dịu dàng. Hai nốt ruồi ý nhị. Đoài bên em như một thằng hầu. Tôi bên em có lẽ như một thằng hề. Sến ngước thẳng lên nhìn tôi. Tôi lại xác định thêm rằng em đàng hoàng. Rồi em cúi xuống với Đoài với ngọc lan. Rằng em tế nhị. Tôi vội bỏ đi. Chừng ấy phẩm chất một lúc ở cái chợ ngoại thành mùa xuân này!

Từ đó tôi thường xuyên hỏi thăm Đoài, nhài ra sao rồi, ngọc nan ra sao? Và đi tiểu thật kĩ sáng thứ hai và sáng thứ năm khi bác lao công trực ban sải ba bước ra sân gầm lên: “Đoài!”


Chương Ba

Con cái. Hai thí dụ về nổi loạn

Hôm ấy tôi xác định Sến đẹp, còn hơn cả đẹp, nhưng tôi không phải lòng em. Xin tự giới thiệu: tôi là thằng trai Hà Nội ngại rắc rối, lười chuyển động, chóng chán, hay bất mãn, mau quên, nên không dễ phải lòng. Loại trai như tôi vãi đầy đường, nếu thằng nào cũng nhanh yêu thì chỉ giẫm lên các mối tình vương như vỏ chuối khắp nơi mà ngã. Nếu thằng nào cũng dế bốc cháy thì Hà Nội là một thành phố không an toàn. Hà Nội đã quen với đời trầm.



Có lẽ cái chợ ngoại thành hôm ấy và anh chàng Đoài trong bộ cánh tủ mầu trứng sáo, tóc mới gội, răng mới đánh (tôi sẽ có dịp quay lại sự sạch sẽ nhấn mạnh, sự sạch sẽ đầy mặc cảm ấy), và có lẽ cái nhàn tản vô vi của đời cán bộ khoa học nhân văn chúng tôi làm em lộng lẫy hơn em thật. Vì dăm ngày sau, một buổi trưa tôi đi đón vợ, lật đật xuống cầu thang suýt đâm sầm vào em. Tôi không nhận ra ngay. Bây giờ Sến giống hệt mười lăm quả trứng của mẹ Âu Cơ trong phòng họp Viện tôi. Một cái mũ ni lông đen trắng gài nơ rất to, loại treo đầy ở đầu phố Bà Triệu. Một món tóc quăn nhân tạo không khác gì tóc vợ tôi trước và sau khi đến tiệm uốn tóc, trường phái trung niên này yêu nhất sự bất biến. Một gương mặt nhan nhản trong thành phố, trên đó tôi nhận ra bàn giấy bẩn, những kì lương hờ, sự tầm thường đội lốt đứng đắn nghiêm trang, cái nghèo lấp ló sau phấn son khiên cưỡng, cái hèn rúc sâu trong một tinh thần thoả mãn khó đăm đăm, cái ngu nhảy nhót trong một vẻ cặm cụi tự tin đến là sốt ruột: gương mặt của công chức thủ đô. Là gương mặt cũng của chính tôi nhưng tôi không tiện ngả mũ chào mình luôn luôn, mỗi sáng một lần trong gương nhà là đủ lắm. Rồi một trang phục thời đổi mới: quần bò Thái, áo thụng Trung Quốc với những dải những nếp loạn xị ngậu. Cái lãng mạn ở đàn ông chúng tôi ẩn sâu hơn: chúng tôi lãng mạn quân tử Tàu cả thiên niên kỉ, chúng tôi lãng mạn Victor Hugo đầu thế kỉ, chúng tôi lãng mạn thị trường. Chủ nghĩa lãng mạn của chúng tôi là một cái động cơ, một cái máy nổ đổi nhiêu liệu xoành xoạch (ở cuối sách bạn đọc sẽ thấy kẻ uyên bác nhất trong chúng tôi là ông Thân kết luận về chủ nghĩa lãng mạn sâu sắc ấy như thế nào). Đàn bà các em nông nổi, có bao nhiêu mơ mộng khoác cả vào tấm thân; thuở chiến tranh những năm sáu mươi, quần đen của các em làm chúng tôi tối tăm mặt mũi, trời thì đạn đỏ, đất thì lụa đen; thuở giải phóng những năm bảy mươi, các em tràn ra đường trong bộ đồ Sài Gòn hoa hoa chấm chấm, đường phố thế là thành giường ngủ, giường ngủ hoá quảng trường; những năm tám mươi bình yên các em khệnh khạng trong áo lông Đức màu rêu, chỗ nào là eo chỗ nào là mông chúng tôi hoàn toàn mất định hướng. Một thuở, một thuở, một thuở. Nông nổi, ngu si, tuyệt vọng, và thực dụng, đàn bà các em giáo dục thẩm mĩ cho dân tộc này nhiều hơn tất cả các cố gắng chuyên môn nghiêm trọng của chúng tôi. Tôi không nói ngoa. Nếu vắng những nhu cầu thất thường như thế của đàn bà thì mấy thập kỉ qua là những thập kỉ chết. Bây giờ những năm chín mươi đổi mới, các em lại chú trọng quấn thân hình vẫn rất mực Việt Nam của mình, vú vê sơ tán, bụng nở chân teo, vào xống áo quốc tế. Quốc tế bây giờ là nhất. Quốc tế là tất cả những gì không made in Vietnam. Made in Vietnam là bét. Nhất bét nhất bét: các em, nông nổi, đua đòi, cải lương và phù phiếm, lộn ngược các giá trị trên dải đất này quyết liệt hơn tất cả những chương trình hành động đãi môi của chúng tôi. Tôi không nói ngoa. Có ông giáo sư ở Viện khẳng định văn hoá Việt chọi lại văn hoá Hán bằng cái tính nữ. Ông có lí lắm. Nước ta chưa bao giờ có nữ hoàng và đàn bà không một mình vào quán rượu; Hồ Xuân Hương phận tỳ thiếp không thể là thi hào dân tộc số một; trong truyện tình xưa để lại thì người anh, người đàn ông, chủ động bỏ trốn loạn luân, còn nàng Tô Thị, người đàn bà, có biết gì đâu nên cứ hoá đá chờ mòn mỏi. Tôi nghĩ rằng hắn trốn sang Tàu đi buôn. Trách nhiệm của hắn là bỏ chạy. Hắn nắm được sự thật. Sự thật ở về phía hắn, thằng đàn ông. Tính nữ là tình yêu tội lỗi, bưng bít, khổ đau, chờ đợi, và được ca tụng. Tất cả những điều ấy nói ra thật đáng buồn, và ông giáo-sư-tính-nữ chắc chắn không đưa ra cái kết luận bùi tai của ông trên cơ sở những cảm xúc thời trang như tôi. Tôi xin mạo muội nhắc bạn đọc rằng trong giới hàn lâm thỉnh thoảng lại dậy lên một phong trào dùng từ mới. Mỗi từ mới đương nhiên là có bối cảnh của nó. Chẳng hạn, tính nữ. Khi tai chúng ta đã điếc dở vì nghe ù ù cạc cạc toàn những tính đảng, tính dân tộc, tính thời đại, tính chiến đấu, tính công khai, tính khách quan, tính giai cấp, tính phê bình, tính cảnh giác, tính nhân loại, tính xã hội, tính nhân dân, tính tập thể, tính kỉ luật, tính khái quát, tính phê phán…, thì một từ thường như tính nữ bỗng vang lên như một cuộc cách mạng nhung, nó mở ra mọt con đường chưa ai đi, nó gợi lên một cái gì cá nhân, riêng tư, thuộc về con người, mười năm trước người ta gọi chung đấy là tiểu tư sản. Bạn đọc có thể chắc chắn rằng học giả đầu tiên của chúng tôi dám dùng tính nữ đã tự coi mình là một đại diện đáng kể của giới dissident. Ông ta có quyết khoe rằng thư tín của mình bị kiểm tra và dĩ nhiên vụ tổ chức của cơ quan sẽ phong toả mọi lời mời ông đi nước ngoài dự hội nghị. Bây giờ thì tính nữ đã bớt nguy hiểm, nó chỉ còn làm nốt phận sự bình thường của một con chữ. Nhưng sẽ có những phong trào chữ khác. Tôi lại thấy Sến nguýt dài: khiếp mấy ông sính chữ!

Chính ở cầu thang tôi phải lòng em. Sến buông một câu chào anh nhẹ như gió rồi thoăn thoắt guốc bảy phân dừng ngay sát cửa nhà tôi. Tôi đờ người: thằng Đủ con trai Đoài hôm nay trấn ở đó. Tôi muốn gào lên: Maria Sến, em có thể làm thân với anh chàng đồng-nhà quê, không sao, anh ta chỉ là tay trưởng phòng đầy sĩ diện hão, cái sĩ diện của anh ta hoàn toàn vô hại, nhưng đừng, kìa, giời ơi tôi xin, chớ có giáp mặt thằng con khổng lồ của anh ta, nó sĩ diện hùng hổ, nó sĩ diện xôi thịt, răng nó đen ngòm, áo quần chua như cứt mèo, đừng, em đừng gõ cửa! Lâu lắm rồi tôi không bồn chồn lo cho ai như cho Sến khi Sến đứng ngay trên đầu tôi, sát cửa nhà tôi. Tôi nghe tiếng mở cửa, một giây, hai giây, ba giây, có lẽ Sến ngất, lần đầu tiên nhìn thấy thằng Đủ tôi cũng suýt ngất. Tôi sắp lao lên, sắp quýnh quáng tìm dầu con hổ và sẽ hô hấp nhân tạo cho em. Chưa bao giờ tôi được bồng một đàn bà bất tỉnh. Không biết nặng hơn hay nhẹ hơn lúc thường? Tôi sắp, thì nghe nó ha nô.

Ha nô! Với ai nó cũng chào như thế.

Tôi nghe Sến khúc khích ròn tan. Sến không ngất, không lùi lại lắp bắp. Sến đã nhận ra cái lưỡi Tứ Kì và Sến cười thân thiện. Còn tôi đợi cửa trên kia khép, rón rén trở về nhà mình, nghĩ sẵn một lời xin lỗi vợ.

Thằng Đủ hai mươi tuổi, da cũng sạm nâu, lưỡi cũng níu nô, nó đúng là con của bố nó. Đoài là kết quả của cuộc luân dân điên rồ đẩy hàng trăm ngàn người Hà Nội đi miền núi và nông thôn, cho miền núi và nông thôn về chiếm cái hộ khẩu quý trong một thành phố bỏ ngỏ. Đấy là chính sách làm cho nông thôn và thành thị xích lại gần nhau của chúng ta. Là ý thức công bằng. Nhưng bao nhiêu nỗ lực của anh cán bộ thoát li cũng không đủ để thành phố coi anh ta là một thứ con nuôi chứ không nói gì con đẻ. Bạn đọc chắc đã có nhiều dịp tiếp xúc với những anh trưởng phòng hành chính, trưởng phòng bảo vệ, trưởng phòng tổ chức… Họ đều là cán bộ thoát li, sử dụng quyền lực như sử dụng vườn nhà mình: tuỳ tiện nhưng triệt để, không phí phạm mảnh nào, nghi kỵ nhưng ba phải, và chắc chắn là tận tuỵ, sự tận tuỵ với sở hữu của mình. Đấy là Đoài. Anh hàng xóm sát vách tôi sống ít nhiều mặc cảm, ít nhiều hài lòng giữa Hà Nội với cái vườn bê từ Tứ Kì lên. Còn thằng Đủ, nó tự phong là hiện thân của bùn lầy ngàn năm trộn cùng cứt đái tươi sống, là cơn khùng man rợ của nông thôn bị giải phóng dở dang trút xuống đầu những thành phố hư đốn. Cha nó mất một nửa gốc nên nó đòi trở về nguồn. Nó chọn được một cái nguồn phun thuốc nổ đủ đẩy lùi chúng ta về thời săn bắn hái lượm. Thằng Đủ không chối cái tên quê mùa của nó, nó tự hào cóc cần thằng nào, vì nó là Đủ, đủ lắm, rồi nó phóng cái tên ấy lên một gam, hai gam, ba gam và cực đại: tạo Đú đây, tao Đù đây, tao Đụ đây, tao Địt đây - một mình tao là Đủ! Tao cưỡi lên đầu chúng mày, quân thành thị lưu manh, quân thành thị ton hót, quân thành thị hèn ươn thây, lười thối thịt. Đứa nào đào ngũ? Thằng Hà Nội! Đứa nào trốn việc? Thằng Hà Nội! Đứa nào vào làng ăn trộm gà? Thằng Hà Nội! Đứa nào làm hại đời con gái nhà người ta rồi gút bai? Thằng Hà Nội! Đứa nào mua thủ trưởng? Thằng Hà Nội! Đứa nào bán lựu đạn? Thằng Hà Nội! Đứa nào say rượu triết lí thối cả đêm? Thằng Hà Nội! Đứa nào gọi tao bằng bố để tao vác thêm cho vài khúc củi? Thằng Hà Nội! Ba năm quân dịch là rõ trắng đen. Ba năm chúng mày lạy tao, chúng mày luồn háng tao, chúng mày gọi tao là bố, chúng mày thấp như kiến dạng chân, chúng mày ẻo lả đồi truỵ lưu manh, đéo mẹ bây giờ bố chúng mày cho chúng mày biết thế nào là phải trái!

Vào thời điểm tôi đang kể, thằng Đủ hai mươi mốt tuổi, cao hai mét mốt nặng tám chục kí, là khối thịnh nộ lừng lững nhất nước Nam. Nó đã quyết định lớn vọt lên như thế trong vòng ba năm vác củi và ăn tất uống xà phòng ở Vĩnh Phú, để có thể từ độ cao khủng khiếp ấy nhổ nước bọt xuống lũ kiến dạng chân. Sang năm nó sẽ lên hai mét hai, năm nữa hai mét ba, thêm một năm nữa nó sẽ thắng kỉ lục quốc tế 231,7 cm của hai ông Pakistan và một ông Mĩ, nó là Hậu Thánh Gióng. Nếu bạn đọc đã từng mỏi cổ khi trò chuyện với một người ngoại quốc thì với gã khổng lồ bản xứ này, tôi xin nói ngay là không thể có đối thoại. Lời chúng ta bay cao đến đâu cũng dưới tầm thắt lưng của nó và ắt là chui qua háng nó: một lời là một hạ nhục. Bên cạnh thằng quý tử, Đoài như một dấu chấm nhỏ xíu lon ton, bẽ bàng, tái mét, phân bua, hãnh diện, và cầu xin ân huệ.

Đây là thời của những cậu ấm cô chiêu. Thời chúng ta phụ huynh đường đường một đấng, chỉ sau có thiên tử, qua rồi. Bây giờ chúng ta quần quật trong vai đầu sai của con cái, bởi lẽ chúng ta thực sự chẳng có việc gì quan trọng để làm; chúng ta mê mệt trong tình yêu chúng, lắm khi là một tình yêu đơn phương, bởi lẽ chẳng có gì khác để ta say mê; chúng ta sống chết bấu víu vào chúng bởi cái sự bấp bênh chới với, nói cách hiện đại là thiếu điểm tựa, nó làm khổ ta nhiều hơn ta tưởng; và chúng ta nuông chiều, cầu cạnh, nịnh nọt, làm đày tớ cho chúng, làm trâu ngựa và tài xế, làm ví tiền, làm thày cãi, làm mặt mo, làm hề, làm tất cả, chỉ bởi lẽ tất cả, vợ ta cũng thế, số phận ta cũng thế, đều chẳng thuộc về ta. Duy nhất chúng nó, những cậu ấm cô chiêu thời đại, là của ta, của ta mãi mãi. Không luật pháp nào trên đời tước của ta quyền làm bố. Đây là thời của những cậu ấm cô chiêu.

Cậu ấm khổng lồ của Đoài xuất quân tay trắng. Đoài bảo “đời mày còn dài, vào trường kinh tế tài chính ngân hàng rồi bố no cho cái biên chế.” Thằng Đủ đáp rằng: “Thày bé, bạn bé, bàn ghế nùn tìn tịt thế kia học hành cái con buồi”. Căn hộ một phòng của bố nó lại càng bé. Cửa 179 phân. Trần và sàn hôn nhau tùm lum. Ở buồng vệ sinh, bệ lại đắp cao lên nửa mét, đi tiểu chắc thằng Đủ phải cúi lom khom về phía trước, hứng đủ dòng phun cường tráng của chính nó và có thể mù mắt. Thậm chí cuộc đời cũng không đủ rộng. Nó sẽ sớm ra khỏi cuộc đời quá chật này, gửi lại một thân xác đã chặt ra làm nhiều mảnh cho vừa với chiếc áo quan thông thường.

Nhưng chuyện còn dài. Bây giờ con quái vật khổng lồ, nguy hiểm, liều lĩnh, cục súc, thông minh, biết cách chinh phục và chỉ huy kẻ khác này còn chưa đi hết những kích thước siêu phàm của chính nó. Sáng sáng, khi chúng tôi ngồi trong những cuộc họp hoặc trong những quán nước thì thằng Đủ đến chợ người đầu đường Giảng Võ, đứng sừng sững, hai mét mốt, ôn tồn rót bài giảng của nó xuống những cái miệng há hốc của đám người nhà quê ngồi lom khom trên vỉa hè chờ việc. Bài giảng của nó toàn những điều thực tiễn, nhiều sức thuyết phục, nó có thể là thủ lĩnh công đoàn, là trùm găng-tơ, là tướng, là Bộ chính trị. Nó giảng rằng: “Các người phải nàm việc nghiêm túc, nhưng một khi quân Hà Nội giở thói mất dạy, bóc nột người nhà quê chất phác, thì đái vào nồi nước phở, tương mùn cưa vào vữa xây tường, tung hê xích nô, bóp vú bọn con đĩ thị thành mắt xanh mỏ đỏ, cứ nhằm những con Đờ Rim Giấc Mộng Mê Ni mà chém, nếu cần thì cho tuốt một mồi nửa nà xong. Tội vạ đâu thằng Đủ này chịu hết.» Nghe mà kinh hoàng. Nông thôn của chúng ta dư sức lắm. Đánh giáp lá cà thì mỗi thằng Hà Nội như tôi phải chết đúng hai mươi hai phẩy ba lần.

Một dọc chợ người, Giảng Võ-Láng-Ngã Tư Sở, chỗ nào cũng một đám đông tăm tối mê cuồng, đầy khổ đau, đầy mong đợi, đầy khả năng tàn phá, chỗ nào thằng Đủ cũng ôn tồn thuyết giáo, từ độ cao của nó, bài thuyết giáo trên núi, một dọc chợ người thấm nhuần tinh thần đoàn kết nông thôn bao vây thành thị. Từ năm cửa ô, những đội quân đói rách, u sầu, giận dữ, nhẫn nhục, cả tin và bạo loạn của nông thôn mênh mông của chúng ta rồi sẽ tràn vào, năm ngón tay đen sì siết chặt vòm họng Hà Nội trắng phau, ôi cái thành phố của tôi, thành phố phè phỡn vô lo chỉ mải ngắm những hiệu vàng, cô nương xứ Bắc yêu kiều!

Thằng Đủ đánh bạn duy nhất với thằng Tân. Đến đây tôi phải xin lỗi bạn đọc vì không tìm được lời giải thích chính xác cho mối kết giao lạ lùng này. Một đứa trẻ nhà quê khổng lồ, một đứa trẻ thị thành bệnh hoạn, đúng hệt cái sơ đồ nhàm của một tiểu thuyết xoàng. Tất cả những gì đứa này căm ghét đều hiện thân trọn vẹn ở đứa kia. Vậy mà khi chúng nhìn thấy nhau lần đầu thì hồn thằng Đủ bỏ thằng Đủ để đậu vào thằng Tân, và hồn thằng Tân bỏ thằng Tân nhập vào thằng Đủ. Đấy là điềm báo cho cuộc đổi chác chết người sau này, hồn Trương Ba da hàng thịt. Bây giờ tôi xin làm nốt phận sự giới thiệu ấm Tân với bạn đọc.

Theo tôi thằng Tân là một cái giẻ rách hạng bét đầy hoang tưởng. Nó ra đời khi ông Thân đã đi kéo xe bò ở trại cải tạo, nhưng ấm Tân làm như chính nó mới là kẻ lằn vai, chính nó mang vác trên lưng nỗi đau địa ngục của một thế hệ trí thức bị đày ải. Thực ra khổ đau cũng là một gia tài lớn có thể để lại cho con cháu, cũng là một thứ ngai cha truyền con nối, tôi chẳng có gì để phản đối, khổ đau đáng giữ gìn đôi khi hơn cả vinh quang, nhưng ở trường hợp thằng Tân thì khổ đau bị chiếm dụng, bị nẫng tay trên, bị vầy vò chán chê và cuối cùng bị nhục mạ và quẳng vào hố xí giật nước cho trôi hết. Tôi không nói ngoa. Nếu chỉ nhai lại những khổ đau của người khác thì thằng Tân đơn giản là hiến thêm cho thành phố này một thằng nói phét nữa mà thôi. Những thằng nói phét của Hà Nội thực ra cũng hữu ích. Chúng gần giống hệ thống cấp thoát của thành phố do Pháp để lại, bao nhiêu rác rưởi, máu mủ, tinh trùng thừa ra trong kế hoạch dân số, sự kiện, tin vịt, đời tư, mơ mộng, nước mắt, hồ sơ mật, vân vân, chỗ này thải ra chỗ kia hăng hái hút vào, không có chúng thì Hà Nội này chán ngắt, Hà Nội này còn đáng gì là thủ đô. Nhưng thằng Tân quá nhiều tham vọng để chỉ dừng ở một thằng nói phét. Cái xe bò đời bố nó kéo biến thành cây thập tự trên vai nó. Nó lê bước, nó rỏ máu đều đặn hàng tháng như đàn bà hành kinh, nó yêu cầu nước mắt não nùng của đám đông. Nhưng đám đông của chúng ta đã quen không nghe thấy gì hết, không nhìn thấy gì hết, không biết gì hết. Cho nên khinh đám đông như ruồi, nó chết một cái chết élite, rồi nó hồi sinh, và bây giờ, khủng khỉnh nhíu mày nhếch mép, tóc bay trong gió, nó phán xét, bằng một thứ tiếng Việt hồ đồ trộn với một thứ tiếng Pháp ham hố, về khổ đau và sự vô nghĩa của khổ đau. Xem ra nó đã chán ngấy trò maso và đang luyện trò sado (hai từ này trước đây được giới trí thức thượng lưu Hà Nội dùng trộm, bây giờ dùng loạn, nên tôi cũng mạo muội dùng thử). Mọi so sánh tóm lại đều chênh vênh nhưng tôi cho rằng bạn đọc hoàn toàn có quyền xem cậu ấm này tiêu dùng cái gia tài khổ đau đồ sộ của ông bố như chơi điếm kinh niên, có nghiện mà không có lòng, vừa bùm vừa tởm, sướng xong thì chối ngay tại chỗ và càng ngày càng bệnh hoạn hơn.

Hai cậu ấm của chúng ta nổi loạn. Làm cách mạng. Vượt qua những ông bố. Vượt qua cách man rợ bạo liệt của thằng Đủ. Vượt qua cách khổ đau rỗng tuếch như thằng Tân. Mà thế nào đó cả bố lẫn con đều chung một quỹ đạo. Vẫn là câu chuyện ngàn năm của nông thôn cùng khổ mê cuồng, vùng lên cho một vài tíc tắc của lịch sử, rồi gục xuống, nhẫn nhục, ngoan lành, rồi lại vùng lên, phủi đít quần ngồi tót ghế trên sỗ sàng, giương luật làng thành luật nước, rồi lại gục xuống… Vẫn là câu chuyện truyền kiếp của sĩ phu vật vã lực bất tòng tâm, lúc áo gấm xênh xang, lúc nhiệt thành kiến nghị, lúc thơ ở ẩn, lúc cáo bình Ngô, lúc tru di tam tộc, và lúc nào cũng vùng vằng trong những bi kịch chính thống… Cứ theo thiển ý tôi thì khủng hoảng thế hệ của chúng ta có chăng như sấm đầu hè, ai đó gào lên một tiếng, ngắn thôi, không rền rĩ, rồi mưa trời ào xuống hả hê vài tiếng đồng hồ, và nắng lại bừng lên, như không xảy ra chuyện gì hết.

Hai cậu quý tử ấy họp nhau lại, sự chán chường huỷ diệt của thằng Tân trong sức vóc điên rồ của thằng Đủ, nỗi căm hờn thiêu đốt của thằng Đủ trong bộ dạng khủng khỉnh triết gia của thằng Tân. Ôi, chúng ta đã yêu đương đàn bà thế nào, đã ăn uống và hít thở thế nào, đã ăn uống và hít thở thế nào, đã bí mật mơ những giấc mơ gì mà sinh ra lũ quái thai khiếp đảm này?

Cho nên tôi lại phải quay về câu đố tên là Marie Sến. Em là ai, phù thuỷ hay nàng tiên, em có tuổi hay không có tuổi, mái tóc em là chông hay suối, thịt da em là sắt hay bông? Em là ai mà em yêu chúng và chúng yêu em?

Vợ tôi về đúng lúc Sến bước ra. Chúng tôi đứng tay bốn trong khoảnh hành lang một chiều hai mét chiều kia một mét, thằng Đủ tựa cửa bên kia, tôi tựa cửa bên này, hai người đàn bà giáp mặt nhau ở giữa. Mỗi khi vợ tôi kinh ngạc, trông cô ấy méo xệch như vỏ Coca Cola bị đập. Thằng Đủ vẫn chào ha nô. Sến chào chị, chào anh, rồi guốc bảy phân thoăn thoắt đi xuống. Như không xảy ra chuyện gì hết.

Đêm ấy tôi trút vào chiếc vỏ Coca Cola tội nghiệp không ngớt hỏi “thế là thế nào hở anh” của tôi bao nhiêu là tình thương. Trong một căn hộ mười bốn mét, tường tự tiện nghiêng, quạt tầng dưới rung nền và nước thải tầng trên vẽ lên trần những đám mây ố vàng lãng đãng, bao nhiêu tình thương cũng là không đủ.

Nguồn: Thanh Văn xuất bản, California 1996, bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của tác giả.