© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
7.8.2004
Phạm Thị Hoài
Marie Sến
tiểu thuyết
 1   2   3   4   5   6 
 
Chương Mười Ba

Phản kháng. Những hình thức cơ hội

Bạn đọc đã theo tôi tới giờ phút này hẳn đã nhận ra một lô gích nào đó trong những bước ngoặt của số phận chúng tôi. Thật ra tôi rất muốn kể về những đột biến không thể giải thích, không có lô-gích nào hết, như thơ, như mơ, như tình yêu. Nếu các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này nhuộm màu siêu thực, huyền ảo, biến hoá khôn lường, khiến bạn đọc quên khuấy cả lí trí và khiến các nhà phê bình sửng sốt thì tôi tiểu thuyết gia chắc chắn rất hài lòng. Nhưng đáng tiếc không phải như vậy. Xin mạo muội nhắc lại, rằng chúng tôi là một bọn đàn ông Việt điển hình, có hộ khẩu chắc chắn trong hiện thực Việt. Hiện thực Việt có thể quái đản, có thể giống một cơn ác mộng không chịu dứt, có thể gây sốc lớn cho lí trí bình thường, và hiện thực Việt đôi khi đã thành huyền thoại, nhưng hiện thực Việt tuyệt đối không kì bí. Bản tính Việt theo thiển ý tôi là không bí hiểm. Một dân tộc như Trung Hoa có thể hết sức thực dụng mà vẫn dành ra một góc thần bí. Nhưng chúng ta thì không. Chúng ta đã nhổ tận gốc Vương quốc Chămpa kì diệu như nhổ cỏ ma, trồng vào đó tinh thần thực tiễn buồn tẻ của con cháu Huyền Trân. Còn những mảnh thần bí ngoại nhập nào đó không thải đi được thì bay vẩn vơ trong hình chữ S của chúng ta giống bong bóng ngũ sắc trẻ con thổi lên cho vui thế thôi, không ai coi là nghiêm túc. Thần bí cũng có thể như một trong những cái van của nồi áp suất, là cần thiết khi bên trong chúng ta quá áp. Hoặc là hiện thực Việt chẳng bao giờ quá áp, hoặc là chúng ta có những cái van khác hữu hiệu hơn. Cứ theo thiển ý tôi thì một tâm hồn chỉ thực sự đạt tới chiều thần bí khi đã hoàn toàn trưởng thành. Những tiên bụt và ma quỷ trong một đứa trẻ chỉ là sự mở đầu ấu trĩ cho một đời sống tâm linh thần bí. Chúng ta ở đâu đó giữa ấu trĩ và trưởng thành, chúng ta mãi vị thành niên. (Chưa bao giờ Sến coi chúng tôi, thằng Đoài thằng Đủ thằng Hồng thằng Nguyên thằng Thân và thằng Tân là trưởng thành. Chúng tôi hoá thân nhanh như chớp, chúng tôi đảo lộn vũ trụ âm dương ngũ hành, chúng tôi rung chuyển địa cầu, tất cả chúng tôi gộp lại thì ghê gớm lắm, sao Sến vẫn không coi chúng tôi là trưởng thành?)

Trở lại với cái lô-gích trong những bước ngoặt của số phận chúng tôi: tôi xin dùng lại hình ảnh cũ mèm là mỗi số phận như một dòng sông, mọi diễn biến trên đường chảy của dòng sông đều không ra khỏi ngọn nguồn. Dòng sông của thằng Tân bỗng chảy sang Tây, dòng sông của thằng Đủ dềnh bờ bến lạ, dòng sông của ông Thân đã êm ru, dòng sông của Đoài cuộn sóng xanh màu đô la, và dòng sông của tôi trôi vào văn chương, đều do ngồn nước của mỗi chúng tôi xô đẩy. Nếu coi đời chúng tôi từ khi có Sến là một kiếp khác thì kiếp ấy thoát thai từ kiếp trước như thế nào là một ví dụ tốt về luật nhân quả. Không phải tôi tiểu thuyết gia chẳng hạn ghét thằng Tân, nên đẩy nó đi chết ở ngoài nước Việt. Vì sao thằng Đủ không như vậy? Tôi cũng chẳng ưa gì nó, chẳng ưa gì mọi thằng tinh địch khác. Con người thằng Đủ như bạn đọc đã biết, có thể đột biến, chuyển từ độ cao thể xác sang độ cao tinh thần, nhưng không thể nhảy một bước ra khỏi môi trường Việt. Để khỏi làm mệt bạn đọc bằng những phân tích tâm lí nhân vật dài dòng, tôi xin dẫn nốt trường hợp thằng Hồng, cho thêm một ví dụ về luật nhân quả.

Hồng thành một trí thức dissident! Bất luận thế nào, chỉ riêng cái danh hiệu này đã đủ mạnh mẽ để lấp phăng khoảng trống ở Viện do sự ra đi của hai bố con ông Thân, và nổ ghê gớm hơn những trận động đất của Đoài ở khu cầu thang chúng tôi. Nó lớn lao hơn sự cô đơn hai mét mốt của thằng Đủ và đi xa hơn hai mươi sáu ngàn cây số cả lượt đi lẫn lượt về của thằng Tân. So với mức hiểm nguy của nó, rồi bạn đọc sẽ rõ, hành động văn chương của tôi là một trò xếp chữ vô hại và nhiều phần lố bịch. Nếu tôi mời bạn đọc làm ban giám khảo chấm giải thì phần thưởng là Sến ắt về tay thằng Hồng. Thế đấy, thời nào y cũng trúng!

Hồng là loại người cơ hội. Điều đó đã rõ ràng. Nhưng xét cho cùng cả lũ chúng tôi, thủ, xả, động, tĩnh khác nhau, nhưng thằng nào không cơ hội? Thích nghi chắc chắn là đặc sản Việt góp cho nhân loại, là phẩm chất đáng kể nhất của giống nòi này.

Đoài là thằng cơ hội láu cá. Hắn có một bản năng nhạy bén, mách hắn đi đường nào là an toàn và tối ưu trong cuộc đời. Cứ xem cách hắn gói ghém đời cán bộ thoát li của hắn thì biết, gói ghém trong những mảnh lí lịch sạch bong mỗi ngày lau chùi ba lần, buộc chặt bằng gia đình vào cơ quan, niêm phong bằng nông thôn và thành thị… Không hở chỗ nào. Chắc như mười bốn bát cơm lùa mỗi ngày vào dạ dày. Thậm chí tình tiết phá rào đi mê Sến và buôn xe máy cũng có thể được coi là hành động đổi mới hợp thời. Mọi người đều ngoại tình thì hắn cũng ngoại tình. Mọi người đều đi buôn thì hắn cũng đi buôn. Như thuở trước, hắn gương mẫu vì mọi người đều gương mẫu. Tinh thần cơ hội ở Đoài tuy ba phải và khôn vặt mà có một cái gì ngu dại, hồn nhiên. Như bản năng nguyên thủy để sinh tồn. Như thể theo đòi một lí tưởng. Đoài tưởng mình có một lí tưởng. Đoài cho mình là lương thiện. Muốn tấn công vào hắn phải bước qua cái xác của hai thứ đó.

Ở trường hợp ông Thân, dùng chữ «cơ hội” có thể như là trớ trêu, như là quất roi từ phía khác vào lương tri vốn đã tan tành vì quá nhiều đòn vọt. Ông đã im lặng. Ông không có cơ hội nào khác ngoài im lặng. Bạn đọc hẳn biết rằng kiếp tị nạn của trí thức Việt trong vương quốc tự do của im lặng đẻ ra lắm điều trái khoáy. Bản thân tôi tận mắt nhìn thấy những trí thức im lặng một cách cực kì ồn ào: họ tuyên ngôn inh ỏi rằng họ đang im lặng, sự im lặng của họ có thể làm thủng màng nhĩ như những trận động đất thời trung cổ của Đoài; những trí thức im lặng một cách vô cùng khêu gợi: những gì họ đã nói thì nhàm chán như mặt mùi phơ ra hàng ngày, nhưng những gì họ im lặng thì kín bưng như của quý giữa hai đùi, là trái cấm vẫy gọi, đáng để khoe ra hơn là che lại; những trí thức im lặng một cách hoàn toàn điêu luyện: sự im lặng của họ là một tiết mục xiếc có thể trình diễn tốt; những trí thức im lặng một cách hồn nhiên: như đứa trẻ lớn lên giữa đám người câm, chưa bao giờ học nói… Ôi, cách im lặng cũng đa dạng như cách phát ngôn. Ông Thân là dạng im lặng một cách đau khổ, sợ hãi, cô đơn. Sự thụ động của ông là thời tiết lí tưởng cho hạt cơ mầm cơ hội ở kẻ khác mọc nhanh. Vả lại, tôi không dám chắc, nhưng sự khát khao chính thống ở ông nếu chẳng may được thỏa mãn ở mức cao nhất, khi một số phận bị đày ải bỗng vọt lên cầm quyền lực, trời ơi, nó sẽ sử dụng quyền lực ấy hơn đứt anh chàng Đoài đồng–nhà–quê sử dụng ghế trưởng phòng ở Hà Nội… Nhưng tiềm năng cơ hội khủng khiếp ấy đầy tính bi kịch của số mệnh cá nhân trộn vào lịch sử. Cả Đoài và ông Thân, một kẻ thừa hành bản năng, một kẻ nạn nhân của số mệnh, dường như đều chẳng trực tiếp liên quan đến hành vi hay tiềm năng cơ hội của chính mình.

Thằng Đủ và thằng Tân, như bạn đọc đã thấy ở chương 3, nếu không có cuộc ra đi vì Sến, rồi cũng lặp lại hai ông bố ở dạng khác mà thôi. Còn tôi, tôi cơ hội như đám đông muôn thuở, như nước đựng vừa mọi khuôn, như gió lọt vừa mọi cửa. Nhưng bản năng nơi tôi thiếu sự chăm chỉ của Đoài và sự thụ động ở nơi tôi không có tầm vóc bi kịch của ông Thân. Thằng cơ hội trong tôi là một thằng lười chờ sung và sung rơi trúng miệng cũng không buồn nhá. Nếu có ai đó nhai hộ và tiêu hóa giùm tôi những cơ hội đã bò vào tận lỗ miệng, chắc tôi không có gì phản đối.

Hồng khác lũ chúng tôi. Y tẩm một thứ nước hoa đặc biệt, khiến chủ nghĩa cơ hội ở y dậy mùi từ xa: nước hoa của chí tiến thủ. Tôi có thể tùy hoàn cảnh mà ngửi tạm vài phút mùi thất bại nằng nặng ở ông Thân, mùi hoang tưởng khăn khẳn ở thằng Tân, mùi tiện dân thum thủm ở Đoài và mùi nổi loạn thối hoắc ở thằng Đủ. Tôi có thể mãi gí mũi vào mùi lười tởm như dưa khú của chính mình, vâng, các cụ đã tổng kết rằng cứt ai vừa mũi người ấy. Cái mũi tôi không được nuông chiều, ngổi trần sì trên mặt tôi, tôi không cất nó vào lọ trà ướp sen, nó chịu tốt những mùi khả ố. Nhưng mùi tiến thủ tanh lòm của thằng Hồng là thứ mũi tôi và nhất định cả mũi bạn đọc cũng dị ứng. Y đường đường là một lọ xịt ngoại quốc thơm phức xịt vào môi trường nhiệt đới ẩm thấp. Chân chúng ta thì lên nấm, chăn gối mọc rêu, tường nhà lở loét mỗi tháng rụng đi một mảng vữa như bị bệnh cùi, thậm chí hàng ngàn cái máy điện thoại có giá của hãng Siemens trong thành phố gặp mùa nồm cũng chảy nước ủng và tắc tị. Nhưng thằng Hồng có xịt bao nhiêu vào sự mốc meo bản xứ của chúng ta thì bạn vẫn ngửi ra mùi thật của y. Là mùi của loại người cả đời không có nổi một hành vi không vụ mục đích. Và ngụy trang mục đích. Tôi đánh cuộc là mỗi hơi thuốc thơm, thơm bằng tất cả thu nhập gia đình tôi cộng lại, y hít vào phả ra, đều gánh vác một nhiệm vụ: hít vào nhằm mục đích nào đó, và phả ra tung hỏa mù che giấu. Y không thể bắn vu vơ một tràng thuốc lào vào ngày và đời và thế giới nói chung như lũ chúng ta. Y hút thuốc như làm phu cho ông chủ là tham vọng của chính mình. Lẽ ra y nên sống ở phương Tây, hay tốt hơn cả là nước Mĩ. (Bạn đọc có thể thấy tôi chưa hề đặt chân lên nước Mĩ nhưng đầy những ý kiến nghe lỏm về nước Mĩ). Ở đó mục đích công khai của người ta là tiến thủ, những tham vọng vô lối nhất cũng được trưng ra đàng hoàng, không phải tốn công che đậy. Ở đây, trong cái thế giới chậm tiến cổ lỗ sĩ và nặng mùi truyền thống phương Đông này, hạng người muốn vọt lên bằng mọi giá, muốn lừng danh, muốn tập quyền, muốn tranh đấu và tranh thắng, muốn làm một cái rốn to đùng của vũ trụ, hạng người cần rất nhiều thành công như thế cứ phải trộn tham vọng của mình chung với những thứ vô thưởng vô phạt, bóp cho nhuyễn, rồi đem gói kĩ như gói nem. Những chiếc nem thơm phức mùi đạo đức giả. Ở đây, sự nhàn hạ hoài cổ của tôi được ưu ái hơn, nhuộm màu minh triết hơn action. Sách Lão Đam chúng ta may ra đọc vài trang, thuyết Khổng Khâu nghe nói sơ qua hơn là thật biết, nhưng cái giai thoại con rồng là Lão nói gì với con người là Khổng ở nhà Chu thì ai nấy thuộc lòng.

Bản anh hùng ca của Hồng mở đầu vào đêm giao thừa. Cũng khác lũ chúng tôi, y luôn chọn cho mọi hành động của mình một thời điểm. Hồng nã pháo cấm. Chuyện nghe thì có phần nhảm nhí cho một tầm cỡ anh hùng đối kháng, nhưng cứ theo thiển ý tôi, thế cũng chẳng tức cười hơn việc nghe trộm đài RFI, là thứ bị quốc gia cho là cộng sản, và quốc nội cho là phản động. Vả lại, như đã nói, ở khu cầu thang này một bánh pháo đốt lên là thành Tết Mậu Thân, chúng tôi lao cả ra hành lang nhìn Hồng vung vẩy một que hương, xoay như thày mo giữa khói lửa mịt mù. Áo quần thủng lỗ chỗ. Tóc nhuộm xác pháo. Miệng hô đoành đoành. Mắt trợn. Răng nhe. Là thằng Hồng như lũ chúng tôi. Sặc mùi bản xứ. Coi trời bằng vung. Anh hùng như một gã tội phạm hạng bét. Bao nhiêu đạo đức giả trả cho vợ cất vào ngăn đá của tủ lạnh bốn sao Toshiba.

Thế là bên này tôi lấy một que hương vợ tôi vừa thắp trên bàn thờ, bên kia ông Thân cũng lấy một que hương bà Mùi vừa thắp, mỗi bên lôi ra một bánh pháo mua trộm và giấu kĩ. Trong khoảnh toen hoẻn chiều này một mét chiều kia hai mét của hành lang chung, trong cái ốc đảo, cái utopia, cái triển lãm bích báo khiêu dâm được những chiếc bóng điện sạch nhất hành tinh chiếu sáng và được nền triết học tiến bộ nhất lịch sử loài người che chở, ba chúng tôi tổng tiến công vào đêm ba mươi, ba gã phù thủy tóc đỏ mặt đen ao quần cháy thủng lem nhem liều mình một phen cứu cái Tết dân tộc. Nếu Đoài không ăn Tết ở Tứ Kì với vợ, nếu hắn cũng ngoáy cho tất cả các nàng xe của hắn rú lên thì tiếng động của khu cầu thang này đủ chia vui năm mới cho cả Hà Nội và đủ khuấy đảo địa cầu.

Rồi chiến bào vương khói, ba anh hùng dân tộc vừa chống lệnh của chính phủ rủ nhau vào rượu. Rượu cũng như thuốc lá, là niềm an ủi còn lại cho thằng đàn ông phong kiến xứ này. Chúng tôi ngồi trong căn hộ ríu rít tiếng chim của ông Thân, uống rượu Tây của thằng Hồng, Johnnie Walker, chất cay lí tưởng của tâm hồn Hà nội rất ngọt, rất đắng, rất chua là Johnnie Walker, và xài tạm kho tiếu lâm của tôi. Nhiều ngày sau tôi sẽ ngượng vì vụ nổi loạn trẻ ranh này. Vài mi li gờ ram chất nổ còn sót lại trong cõi lòng tưởng đã êm của ông Thân và một quả mìn bật kíp trong phòng chờ, là tôi, hoá ra đã đợi chính hiệu lệnh của một thằng rởm như Hồng mà bùng dậy. Khi người ta mang chất nổ trong tim thì trái tim bỗng hóa điếc. Nó không còn nghe tiếng chim bị nhốt, không nghe những người đàn bà ngoài kia thở dài. Nhưng sự thông thái muộn đó không phải là khách quý trong phút giao thừa mụ mị thiêng liêng. Những giọt Johnnie Walker đỏ rỏ tong tong vào sự hể hả của chúng tôi, ngay dưới lọ tro đen của thằng Tân, thậm chí những điếu thuốc ngày thường bất lương điếm đàng của Hồng lúc này cũng đơn thuần là những điếu thuốc ngon, những điếu thuốc tôn trọng con người. Còn chúng tôi tôn trọng nhau. Chửi nhau chua miệng cả năm, nịnh nhau ngọt lừ ba ngày Tết. Một năm âm lịch ba trăm năm mươi tư ngày, năm qua nhuận, dôi hẳn ra ba mươi ngày chửi cạn vốn từ, nên phút giao thừa ba thằng đàn ông hôn nhau như lãnh tụ ba nước anh em vừa hoàn thành công cuộc nổ tung một thế giới.

Sứ mệnh của chúng tôi dừng ở đấy. Phần còn lại dành cho ba bà vợ. Họ đang quét xác pháo, dồn vào một đống, châm lửa đốt, chụm hương vào cũng trên tro tàn và kiên nhẫn đợi hết hương thì xóa sạch hiện trường. Giáo phái của khu cầu thang này vừa có thêm một hội viên: để cứu rỗi tội lỗi của chồng thì vợ thằng Hồng cũng không nề hà tín ngưỡng.

Mặc kệ đám đàn bà đi nhặt xác pháo, thu vén khói hương và vá víu những mảnh tôn giáo khác nhau thành một chiếc ô kì khu che trái tim yếu bóng vía của họ, chúng tôi cứ uống, cứ thổi nhau lên trời, chúng tôi tưởng nhớ ba thằng vắng mặt với rất nhiều ưu ái, sáu thằng mỗi thằng một vẻ một hào kiệt kì phùng: một triết gia đắc đạo là ông Thân, một lãng tử độc hành là thằng Tân, một thi nhân ẩn dật là tôi, một nông tra giải đời là Đoài, một tráng sĩ lạc loài là Đủ, và một thức giả đầy nhiệt huyết là Hồng. Gộp lại là một tập thể mạnh. Có tầm cao trừu tượng của ông Thân, có chiều sâu tỉnh táo của Hồng, có hồn thơ của tôi, có đời thực của Đoài, có trái tim tha thiết của Tân, có dũng lực của Đủ. Nhân nghĩa lễ trí tín dũng trọn bộ. Sáu chúng tôi, sáu vạch, chung thành một quẻ Sến.

Hồng mở đầu cuộc đời super lương thiện của y ở chỗ ông Thân chấm dứt. Quả thật cuộc phản kháng của thế hệ ông Thân như thể khúc cung oán của những nàng cung nữ chết khô trong cuộc đời hạn hán dài dằng dặc mỏi mắt chờ trông một trận mưa tinh trùng của mình rồng. Đấy là một cuộc phản kháng đầy tinh thần tiết dục, xót xa vô vọng và khổ hạnh siêu nhiên, nhưng mục đích của cả đời tiết dục hóa ra chỉ là một giây phút mây mưa, tiết hạnh lắm lại loã lồ đĩ điếm nhiều đấy thôi, nàng nào ngủ được với vua thì gút bai cung oán với lại phản kháng! Ngụy hết! Từ trí thức lớn đến trí thức nhỏ, ngấm một chút ơn mưa móc là bao nhiêu bất hợp tác đóng thùng cất kĩ, để dành cho ngày thất sủng. Ai cũng tính đến ngày thất sủng. Thất sủng là tai nạn nghề nghiệp tất yếu của sĩ phu, có thể tiết lộ ở các sa-lông cũng như khoe số lần được vào triều và được đi sứ. Kẻ nào chưa có đủ hai bộ mặt, hai giọng nói, hai lí lịch, hai sự sống, là kẻ tầm thường không đáng kể. Và đám đông ngoài đường cũng học lo xa như thế. Mỗi cuộc đời Việt ít nhất tính thành hai cuộc đời, bảy mươi tư triệu người là một trăm bốn mươi tám triệu cá nhân, Hà Nội là một thành phố sáu triệu dân, tôi là ít nhất hai tôi ở trong một khối thịt xương chiều rộng 48 chiều cao 165 chiều sâu 27 chật chội. Tôi xin lỗi bạn đọc nếu miệng lưỡi tôi độc địa. Tôi thằng đàn ông đã mòn mỏi ở mọi chỗ, cái dương vật quý của trời cho cũng cùn và hoen rỉ, còn gì đâu ngoài một cái lưỡi mài vào những lời nhọn hoắt cho đến khi nào tứa máu.

Đúng là tôi đã phát chán những oán thán. Chúng thường có mùi không lẫn vào đâu được của những con rượu phản đối độc quyền rượu của chính quyền. Làm sao tôi có thể tin rằng chân lí ở về phía nhà đối lập này, thường là một nhà văn, nhà thơ, khi nhà ấy cũng nhân danh những thứ hệt như phía bên kia, cũng khoa trương và hiếu thắng như thế, cũng mị đám đông bằng những sáo ngữ, bằng sự đa cảm của sân khấu cải lương và bằng những cốt truyện giả tạo, đôi khi cũng mê đắm trong sự tuẫn tiết vẻ vang của chính mình, và chắc chắn là cũng độc đoán và chuyên quyền trong đời tư cũng như việc công nếu có dịp? Chân lí ở phía đối lập sao vẫn được nặn bằng cũng một thứ bột như thế, với rất nhiều bột nở như thế, chỉ có điều bây giờ nó mang hình thù của cả chiếc bánh, chứ không phải nửa chiếc như thường lệ? Làm sao tôi có thể nuốt trôi bài giảng về tự do và sự bình đẳng của mỗi cá nhân của giáo sư kia trong quán cà phê, khi giáo sư không thể bước một bước ra vỉa hè lầm than của chúng ta mà không bị hàng chục chế độ, tiêu chuẩn, chức vụ, danh vị quý báu của mình cùm lại? Ôi, nếu thêm vào đó những trí thức Việt kiều giàu nhiệt huyết, chính kiến, và đa nghi, hạ mình từ tầm cao quốc tế của đời lưu vong và tị nạn xuống xứ sở điêu linh của chúng ta để cho rất nhiều lời bàn vàng ngọc; và rút cục là đám trí thức cò con như tôi, ngứa mồm cũng chửi vung lên, bao nhiêu bất mãn vứt ra đường cho khuất lòng là xong, thì phản kháng ở xứ sở này cũng lại là một cuộc chạy không tải của giới sĩ phu, động cơ thì hoạt động tốt và kêu to, kêu rất to, nhưng mọi bánh xe đều đứng im như bị yểm bùa… Như thể cỗ máy phản kháng made in Việtnam cũng kém chất lượng như mọi sản phẩm khác. Đau lòng bao nhiêu, đáng quên đi bấy nhiêu, và nếu có thể thì đếch quan tâm như thái độ của đám đông mải mốt làm ăn và tích trữ vàng!

Chính ở phút đầu ngày mới của năm mới chúng tôi chứng kiến sự ra đời một chương trình phản kháng mới. Xin bạn đọc chớ vội hoài nghi, mà hãy cùng tôi lắng nghe, biết đâu thay vì chán ngấy như thường lệ, một hi vọng sẽ nhen lên, những ngôi nhà đổ nát là chúng ta, nơi thất vọng mọc rêu, chẳng phải cũng là chỗ tốt cho cỏ hi vọng trồi lên còn cao hơn đó sao!

Cương lĩnh của Hồng là pro–dollar, cái tên đó xuất phát từ luận điểm đơn giản như sau: đồng tiền, tự nó không ràng buộc chính trị, nhưng có thể trở thành một thế lực siêu chính trị; kẻ trí thức cũng vậy, tự mình chỉ là một phương tiện trung chuyển các giá trị, nhưng có thể trở thành một thế lực định giá siêu phàm. Nghe đến đây, thú thật với bạn đọc là tôi thấy mọi nhược điểm của phong trào phản kháng của chúng ta dường như lại rủ nhau về tề tựu cả ở lí thuyết “mới” của thằng Hồng: cũng khiên cưỡng, khuyếch trương, khinh hiện thực như thế. Bây giờ làm tiền là quốc sách, xem ra pro–dollar có vẻ như một sáng kiến đến muộn của một cái đầu hàn lâm ngủ quên. Vả lại mùi tiến thủ cố hữu ở y lại sực lên, bao nhiêu thiêng liêng cũng không át đi được.

Nhưng Hồng tiếp tục triển khai. Y nhấn mạnh rằng cho đến nay, mọi tinh thần đối lập đều chủ trương đối thoại. Yêu cầu, kiến nghị, là đối thoại. Đòi cởi trói là đối thoại. Bản thân sự li khai cũng là một đối thoại. Những trang nhật kí bí mật như thể viết cho riêng mình cũng phấp phỏng một hi vọng đối thoại. Những bản thảo chôn dưới gầm giường cũng vậy. Là đối thoại, dù đã từ lâu người ta biết đó là đối thoại với một bức tường. Biết mà không từ được vì đã quá nghiện. Nghiện có một kẻ thù. Như những bà vợ cần một thằng chồng vũ phu để mà la lối. Nhưng đồng tiền không có địch thủ. Nó cũng chẳng cần đối thoại. Kẻ đối lập mới cũng vậy. Hắn tự do. Hắn không phí thời giờ trình bày cho một ai đó sự cần thiết của tự do, điều đó vô nghĩa như tìm cách thuyết phục cho kẻ đó cùng yêu một mĩ nữ. Hắn không phí sức vào việc vạch trần những bộ mặt nào đó, việc ấy cũng vô nghĩa như tố cáo sự tàn bạo của những cơn bão mùa thu: bão sẽ mãi còn, nhưng nó chỉ cuốn đi những túp lều vốn dĩ xiêu vẹo. Việc của kẻ đối lập mới là xây những căn nhà vững chãi để đời.

Hồng còn nói dài, nhưng tôi thiết nghĩ lời của một đêm rượu cô vào nút lại cũng vừa một cái chai, đại loại như sau: thay vì làm cái bóng của chính quyền thì phong trào đối lập phải tự lớn mạnh thành một thực thể riêng; thay vì làm một quả cân ở phía bàn cân bên kia, phải trở thành một trọng lượng độc lập. Nghe tuy mơ hồ, nhưng cũng vào được một lỗ tai và chưa chui ngay ra lỗ bên kia. Tôi không hình dung nổi các nhà đối lập mới sẽ cư xử như thế nào trong cái hiện thực rối mù hiện tại (có phải ông nhà báo Sài Gòn chống đối trước bảy lăm, sau bảy lăm thì giúp cộng sản cầm tù vô số trí thức và nhà văn Sài Gòn, gần đây viết một loạt bài bóc vỏ chủ nghĩa xã hội đăng ở những tạp chí hòa giải của Việt kiều, gần đây nữa thì xây biệt thự cho Tây thuê ở Thành phố Hồ Chí Minh, thành một dissident sang trọng có vai vế, là một ví dụ về phép ứng xử mới không?), tôi tin là bạn đọc cũng lúng túng như tôi, nhưng như đã nói, cỏ hi vọng trong chúng ta là thứ cỏ sống dai, vả lại so với những khái niệm như “Giai phẩm”, “Nhân văn I”, “Nhân văn II”, “Xét lại”… thì pro–dollar là một cái tên vui tai và không quá trừu tượng. Cho nên tôi bỏ qua mùi tiến thủ khó chịu, bắt tay mừng cho Hồng, rồi ai nấy về nhà mình.

Tôi cũng cam đoan với vợ Hồng, rằng tôi sau cuộc rượu về ngay nhà mình và còn chưa ngủ hết men. Nhưng chị ta, sáng mồng một, lên cơn điên, tóm cổ tôi lôi ra khỏi giường, kéo xềnh xệch sang nhà ông hàng xóm xế bên phải. Tại đó, chị ta chỉ mặt ông Thân và tôi, hỏi ai trong hai người là mật thám, hôm qua chỉ có ba người đàn ông với nhau, hay vách có tai, hay mấy con chim này hót điêu? Ai? Đứa nào? Thằng nào con nào hại chồng tao? Ai? Mày hả? Tao biết mày thù cả nhà tao? Mày ghen chồng tao đi nước ngoài con tao học trường chuyên! Mày đặt máy ghi âm! Đồ Việt gian! Đồ hèn không ăn được thì đạp đổ! Ông này nữa! Ông mớm lời cho chồng tôi! Ông lú cả đời toàn những lời xấu xa, câm đi chẳng được thì nhét vào mồm người ta! Già thì chết đi, sống hại người thì sống làm gì cho nhục! Các người chuốc rượu rồi bỏ thuốc độc vào mồm chồng tôi. Tôi sống sờ sờ có đất có trời, tôi thừa biết các người là đồ phản động giấu mặt. Chồng tôi gà chẳng dám cắt tiết, có đâu đi lật chế độ đi làm thổ phỉ tay sai cho đế quốc! Có đâu đi phản dân tộc hại nước hại dân! Các người giáng họa vu oan trời cho bất kì tử!

Khi nữ triết gia kiệt sức ngất đi, tôi bồng chị ta, qua khoảnh hành lang chung, bây giờ còn là khoảnh hành lang u ám của sở mật thám, về căn nhà vắng thằng Hồng. Y đã theo hai người đàn ông lạ mặt mà đi từ sáng sớm. Lúc trở lại, tôi thấy ông Thân đứng bên cửa sổ mở rộng. Năm chiếc lồng chim cũng để ngỏ. Vỏ kê bay như mưa vàng. Mười chiếc thìa cà phê rực rỡ màu của ngũ hành ngoáy vào mây trời hồi lâu rồi tan vào vũ trụ. Những chiếc vòng sắt vòng nhựa xâu vào một sợi chỉ đeo nơi cổ người nuôi chim. Sau cơn tâm thần của vợ thằng Hồng, tôi không nghĩ đeo vòng như thế là điên. Tôi dìu ông Thân ngồi xuống, dưới chỗ bàn thờ. Chúng tôi ngồi đó, ngóng ra ngoài. Một vệt màu từ đâu đậu xuống bậu cửa sổ. Nó nhảy tung tăng. Nó hót. Chí choét chí choét Tân ơi! Chí choét chí choét Đủ ơi! Tân ơi Đủ ơi chí chết chí chết! Rồi nó vỗ cánh bay đi mất. Một vệt màu khác lại đậu xuống hót chí choét. Tân ơi Đủ ơi!

Bà Mùi đi ra lạy sống chim. Tôi cũng không cho thế là điên. Tôi chỉ mải nghĩ rằng cuối cùng mình cũng đã được bồng một đàn bà bất tỉnh mà chẳng thấy hồi hộp, chẳng có cảm giác nghĩa hiệp, chẳng ra làm sao. Anh hùng, phản kháng, tình bạn, nghĩa láng giềng, hết thiêng cả rồi, như rơm vàng cho một mồi lửa là tan tành mây khói.


Chương Mười Bốn
Tín ngưỡng. Những cuộc thăng hoa của các thế hệ

Bà Mùi lạy chim xong thì đi soạn lễ gọi hồn thằng Tân. Lễ dọn giản dị, gồm một cơi trầu, năm Đê Mác, hai chục Cua Ron, một trăm Rúp và ba chục ngàn đồng. Hồn thằng Tân muốn về hẳn phải trả tiền đó qua các âm phủ Đức, Tiệp, Nga và Việt. Vợ tôi lành vía sang đặt quẻ. Một lần được ngay. Cô hồn là ông Thân thắp hương khấn: “Con ơi, bố cả đời làm khoa học tin ở người, bây giờ sắp về chầu giời tin ở ma. Nếu là tín ngưỡng thì xin con ra, nếu là mê tín dị đoan thì tha cho bố già hóa lẫn.”

Rồi ngồi nhắm mắt. Được năm phút thì ông bật khóc. Bà Mùi hỏi: “Tân đấy à? Cơm chưa con?” Ông Thân gật. Chúng tôi ồ lên tán thưởng một chặp. Bà Mùi lại hỏi: “Mẹ tính rằm này đưa con lên chùa làm lễ cầu siêu, ý con thế nào cho nhà biết?” Ông Thân lắc. Bà Mùi thở dài: “Để mãi ở nhà thế này, cha mẹ có mệnh hệ gì thì ai lo cho con hở Tân?” Ông Thân bật cười ngả nghiêng. Rồi lại khóc. Bà Mùi lại càng sốt sắng: “Thế con muốn gì mẹ xin theo hết? Con có túng thiếu gì không? Có quên gì không?” Ông Thân gật đầu nhè nhẹ. Rồi đứng dậy. Mắt vẫn nhắm. Dắt xe đạp. Xuống cầu thang. Ra đường. Tóc bay như tóc thằng Tân trong gió đầu năm để nhóm gọi hồn chúng tôi bám theo hối hả.

Ông Thân, lúc này là thằng Tân, đến Sến. Sến đang một mình trước gương trang điểm. Phấn hương vương, áo khoác hờ, tóc xõa như lụa. Thằng Tân, là ông Thân, lùa tay vào tóc Sến dịu dàng khôn xiết. Bây giờ tôi mới biết, có thể yêu một người đàn bà bằng cách đùa với tóc nàng để sóng tình vờn lên mặt, hít tóc nàng để đánh hơi mùi giống cái, mút tóc nàng để nếm trước vị dục giữa hai đùi, và ngây ngất lùa mãi tay vào đấy đếm không mỏi, triệu triệu chân tóc mỗi chiếc một rung động một đầu dây đàn, triệu triệu thanh âm đê mê. Chỉ là tóc mở đầu thôi, mở đầu cuộc hoan lạc giữa ma và người, là Sến đã bập vào bùa yêu. Không thể phanh lại nữa. Mắt Sến chầm chậm khép, môi Sến từ từ mở. Lưỡi hồng loang loáng trườn như rắn giữa răng ngà. Cô hồn lại khẽ khàng tuột ki-mô-nô của Sến ra, thả ngang hông, thưởng thức hồi lâu từ đằng sau chiếc lưng ưỡn cong như lá mía, để hai vú ở đằng trước nở tung và rung bải hoải vì hưng phấn. Cô hồn lại luồn xuống âu yếm háng. Để hai đùi Sến lên vai, lấy lược chải lông, xoa cho rối tung, rồi lại chải lại xoa cho rối. Sến chẳng chịu được nữa. Sến sắp chết đuối trong nhựa tình. Cô hồn bất thình lình buông ra đi hôn môi. Lại vờn. Lại chơi. Từ đằng trước từ đằng sau, trên bàn trên sàn, sát tường, cả thảy dăm bảy đòn yêu, đánh gục Sến dăm bảy lần điêu luyện. Kiểu Ấn Độ kiểu Trung Hoa kiểu Tây da đen kiểu Tây da trắng kiểu Ả Rập kiểu Mĩ la tinh kiểu Việt. Bao nhiêu bài tình dục đem hết ra diễn tập trước một công chúng kinh hoàng.

Lần cuối cùng Sến rú lên như trúng tên, rồi cả hai nằm mãi bất động. Ông Thân vẫn nhắm mắt, áo quần nguyên như khi rời khỏi nhà. Không một chiếc cúc tuột ra. Không nhàu nát ô uế. Ông chỉ nằm trên bụng Sến ở tư thế mã thượng nổi tiếng. Bụng Sến với chiếc rốn thật tròn thật xinh phập phồng, còn ông Thân không thở nữa. Trời thấu lời vợ thằng Hồng đã cho ông bất đắc kì tử. Tôi gọi tên ông, bà Mùi gọi tên thằng Tân, vợ tôi cho rằng phải gọi tên thằng Đủ, đều vô hiệu. Thằng con đã thăng mang theo ông bố, hồn gọi hồn, bay bổng lên trời xanh có những con chim mang màu ngũ hành lang thang trong mây. Các thế hệ tập kết một lần nữa ở Sến, cái nhà ga muôn thuở, nơi đón, nơi đưa, nơi sống và chết mỗi thứ treo trên một núm vú, ngang bằng. Rồi rủ nhau đi, để lại chúng tôi sống dở chết dở trong tín ngưỡng của ngày mồng một mở đầu năm con chuột.


Chương Mười Lăm
Đạo đức. Nghêu Sò Ốc Sến

Giữa cảnh kẻ mất người đi tan hoang như thế, thì Đoài từ quê mang một trăm tờ xanh làm sính lễ, đòi cưới Sến.

Đây là thời của những nếp cũ được mang ra dùng lại, cổ truyền sánh vai hiện đại, những ngôi chùa mái ngói âm dương đi tân trang bằng gạch men bóng lộn của nhà vệ sinh, những lãnh tụ vô thần đi thắp hương các phủ, cho nên Đoài đàng hoàng đi đa thê. Vợ Đoài đích thân phù dâu. Thằng bạn tốt là tôi lại được chọn làm phù rể. Đoài bảo: “Tôi phải cứu đời nàng ông ạ. Một trăm vé nà mua được cái nhà tắm. Tôi trấn tầng một, thằng nào vào ninh tinh tôi giết. Thỉnh thoảng đưa nàng về quê rửa nước mưa cho đi cái năng nhăng đồi trụy bị các ông tiêm vào.”

Lại căn gác hủ hóa ấy, người đàn bà dâm đãng ấy. Mùa xuân đang về. Ngọc lan đâm chồi, nhài nảy lộc. Sến ngồi đếm tiền. Là cách tốt nhất để tranh thủ thời gian. Một trăm tờ, một trăm kế hoãn binh. Tờ này nhàu em bĩu môi, tờ kia xê-ri cũ, tờ kia nữa em lật bên này em lật bên kia em giơ lên soi kĩ. Ôi, kiếp lẽ mọn chẳng vội vàng, đời đạo đức lại càng nên đợi! Nhưng làm sao tôi biết nổi, rồi Sến sẽ ừ hay chối. Đầu Sến đã rối tung tim Sến đang thảng thốt vì bao nhiêu mất mát. Những thằng trai tân đã ra đi, một kẻ đáng kính và một kẻ đáng nể cũng biệt tăm, chỉ còn lại Đoài và tôi. Tôi không thể cưới Sến. Vợ tôi ghen thì khóc vụng, nhưng không đem lễ đi hỏi vợ cho chồng. Vả lại, của chìm của nổi chỉ có đôi hoa tai vàng thằng Tân đã vay chưa hoàn, đọ với Đoài thì tôi thua trắng. Em ơi, Marie Sến! Còn gì nữa đâu mà lựa chọn? Có gì hứa hẹn nữa đâu? Những người đàn bà như em ở xứ sở này cuối cùng rồi cũng nhắm mắt đưa chân, một chút chồng hờ một khoảnh chồng chung còn mát mặt hơn đời đơn chiếc. Ở nơi nào đó phụ nữ rủ nhau đi giải phóng phụ nữ. Ở đây phụ nữ rủ nhau đi hôn nhân. Rồi cả em nữa, con chim yêu trời của tôi, con công thích xòe đuôi, rồi cả em cũng sẽ tự nguyện gói cuộc đời sôi động nhất thế kỉ của mình vào hạnh kiểm. Sẽ ăn phải bả đạo đức, là thứ hàng rởm lẽ ra dùng đánh chuột thì bán điêu cho người.

Sến đếm tiền xong thì tìm được câu trả lời. Bây giờ em cầm tay vợ Đoài, dẫn ra ban công, dịu dàng thưa chị thưa anh, nhài này ngọc lan này chở cả một tấm tình, mùa xuân năm ngoái ở chợ Bưởi, anh đã thương thì cho em khất lại, đến ngày nhài nở ngọc lan ra hoa…

Ôi những cái mẹo đàn bà! Không thể thông minh hơn! Không thể ý nhị hơn! Bụi nhài Đoài đã khéo chọn hôm nào, phải đợi sang hè mới nở. Vô vàn hoa trắng tinh khiết như cô dâu Marie Sến cao giá vô ngần. Còn ngọc lan, tôi đã bảo ngọc lan trồng ban công là hỏng, nhưng Sến bướng nắm bướng nắm và Đoài thì ngu. Chẳng bao giờ, chẳng bao giờ ngọc lan ấy đơm hoa. Là ngọc lan đã phôi pha. Là Sến. Hai cái hẹn, một vào mùa hè nảy lửa, một vào thiên thu. Cái xa đẩy ra, cái gần vẫy lại, Sến chao đảo thoải mái giữa hứa hẹn và khước từ như vậy rồi bắt người khác phải rượt theo, Đoài làm sao bắt kịp!

Ngày ngày Đoài vác đất, lên bồi ban công. Một chú dã tràng, một gã lao nô, một vị hôn phu tấp tểnh. Từng chậu từng chậu đất phù sa sông Hồng đắp vào gốc ngọc lan, đắp vào mối tình dại dột.
Như tường nhà tôi, chiếc tháp hai tầng nhỏ bé của Sến cũng đã nghiêng theo sự kiên nhẫn khủng khiếp của Đoài, một lúc nào đó cái ban công với nhài và ngọc lan sẽ ụp xuống, thả bom tình yêu vào nước Mĩ bên cạnh. Là một sự cố chính trị ngoại giao không thể chấp nhận. Ngoài ra, mỗi ngày Đoài tương vào gốc ngọc lan một bãi nước giải. Đích thân hắn đứng ra vạch quần đái. Thật nhiều, thật lâu. Mỗi giọt một hi vọng khai mù. Hắn uống căng một bụng thuốc bổ của thày lang rồi xả lòng thành ra tồ tồ, nước giải của hắn là vi-ta-min nguyên chất. Biết bao quyết tâm rút ruột, bao nhiệt tình và nghị lực, cho một cuộc hôn nhân một nền đạo đức, cho một cái sở cuồng!

Lại nói chuyện thằng Hồng vắng nhà đã lâu, ở Viện nghe đồn rằng y sắp được đưa ra xử, phiên tòa có luật sư bào chữa, có nhà báo nước ngoài, là phiên tòa kiểu mẫu. Rồi lại nghe y bị đầu gấu trong trại bẻ gần gẫy chỗ đội nón, tính mạng thế nào còn chưa biết. Rồi lại nghe y thảo chương trình cải cách tuyệt mật cấp nhà nước cho toàn bộ các ngành khoa học nhân văn và sắp tới sẽ ra tranh chức Viện trưởng Viện Lớn. Rồi lại nghe y là điệp chìm, vụ này tung ra để gài bẫy. Mỗi ngày một tin. Đêm giao thừa ngồi ở nhà ông Thân, Hồng là một dissident say rượu đốt pháo cấm. Bây giờ, trong sự vắng mặt rờn rợn, Hồng thành một huyền thoại, từng ném bom vào quảng trường Ba Đình. Chỉ có hai người làm chứng rằng y không ném bom. Người kia thì đã hoàn toàn lặng im. Còn tôi, tôi không biết huyền thoại tốt hơn hay là sự thật.

Nhưng không ai tra hỏi tôi. Việc thằng Hồng theo hai người đàn ông lạ mặt mà đi như thể thiếu mọi tương quan, như thể một tai họa thiên nhiên rơi không báo trước vào căn hộ xế bên trái tôi mà thôi, những kẻ khác có thể dùng phần đời may mắn còn lại của mình mà mò mẫm trong sự bất trắc khôn lường và bí hiểm siêu nhiên của định mệnh. Chẳng dựa vào đâu được. Chẳng biết tin vào đâu. Bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp, con cái, vợ chồng, những bức tường, những giọt rượu, những con chim…, đều có thể đồng lõa với tai họa.

Chỉ còn lại Sến, góc cải lương muôn thuở và bình ổn, chiếc ổ ấm hơi người, ở đó có thể nửa nằm nửa ngồi vừa nhai bánh phồng tôm, uống bia hơi vừa hồi hộp theo dõi phim chưởng trọn bộ và bỗng yêu đời khủng khiếp. Nhưng Sến chỉ có một, mà chúng tôi đều muốn chen vào. Cho nên thằng đến trước, thằng đến sau giẫm bừa lên nhau, thằng đến sau thằng đến trước bước qua xác nhau mà yêu đời.

Tôi ngồi lên đầu thằng Đoài khi Hồng xuất hiện, và khi thằng Đủ xuất hiện thì Hồng thượng cẳng lên tôi. Thứ tự diễn ra như thế này:

Khi tôi mò lên gác Sến một buổi tối không hẹn thì thấy Đoài vừa xong cái bổn phận khai mù của hắn ở ngoài ban công. Hắn trở vào phòng, quần không cài khuy, thắt lưng để ngỏ. Và bỗng phát khùng, gã cán bộ thoát li giở trò sàm sỡ. Mặc kệ Sến chống đỡ bằng nhài và ngọc lan. Vừa “cho anh xin” vừa dồn Sến vào chân tường. Vừa “một tí thôi vợ anh ơi, bắt anh đợi nàm gì phải tội” vừa giằng chun quần Sến.

Tôi hắng giọng: “Sến à! Sến ơi! Có nhà không Sến!”

Sến có nhà. Tôi thấy cái chun đã roãng, quần thì sắp rơi, nên xáp vào giữ giúp. Cuối cùng tôi đã có dịp cho Đoài ở đâu đó trong căn gác này biết thế nào là thằng bạn tốt. Còn hắn là cử tọa lí tưởng. Hắn có thể từ chỗ nấp đo bằng mắt chính xác lưỡi tôi dài tổng cộng mười bảy phân và Sến lại sắp nghẹn. Miệng hai đứa đã ướt sũng và cái vũng bên dưới của Sến đã ngập, tôi đã rắp tâm cho thêm Đoài bài học thế nào là đạo đức, thì lại nghe một thằng khác hắng giọng: “Sến à! Sến ơi! Có nhà không Sến!”.

Sau bức rèm chụm ở một góc tường, tôi đặt phịch mông lên đầu thằng Đoài. Bên ngoài, Hồng từ huyền thoại trở về hay từ hiện thực bước ra, hôn tay Sến. Tay Sến có mùi Đoài và có mùi tôi, nếu lúc này cảnh sát ập vào khám nghiệm thì cả Đoài và tôi cùng thông qua bàn tay nõn nà của đàn bà mà liên lụy với một phần tử nguy hiểm. Lẽ ra chúng tôi nên bỏ trốn. Nhưng Sến thì đón người hùng như thể chàng từ khán đài bước xuống hay từ chốn nghỉ mát trở về, còn Hồng thầm thì những câu tình tứ có ngữ pháp đầy đủ. Chẳng thấy dấu hiệu gì đe dọa. Không phải sinh mệnh chính trị của chúng tôi treo trên đầu sợi tóc, mà sinh mệnh ái tình.

Kia kìa thuốc thơm, rượu chát và pho-mát Sến đã bưng ra. Cho riêng y, chúng tôi được phép chầu rìa. Họ ngồi nâng cốc. Như thể chúng tôi còn lại là một lũ ngốc, cóc hiểu gì về thế sự và tình đời. Thôi thì mẹ kiếp, dissident cũng là người! Cũng lẻn đi mê gái. Kia kìa y lại hôn hai trái tuyết lê của Sến. Dịu dàng chậm rãi, như thể cả buổi tối, cả đêm, cả cuộc đời còn lại Sến thuộc về y. Một tay cầm cốc một tay mân mê. Nhấp một ngụm, nhai một mẩu, rồi lại mút nhũ hoa đỏ thắm. Y cũng không quên hút. Khói thơm ngào ngạt như mây Bồng Lai. Một tiên nữ một gã trẻ trai, liếm láp nhau như mèo thượng giới.

Cái đầu bên dưới tôi chuyển từ nóng sang lạnh rồi ngược lại. Như hôm nào, ở hội nghị “Di sản và đổi mới”, tôi lại tìm cách che bớt đường Đoài nhìn về phía Sến, lại lo cho cơn tâm thần của anh cán bộ thoát li hơn lo chặn đứng cái cục ghen nóng bỏng đang bò dần lên bóp cổ tôi… Một phút, hai phút, tôi phải làm một cái gì đấy để tránh đổ máu. Anh hùng phản kháng xứng đáng chết cho lí tưởng hơn là trong một cuộc đánh lộn vì tình. Tôi ấn đầu Đoài xuống, kẹp cổ hắn giữa hai chân. Tôi bịt mồm hắn. Hắn cắn bừa vào tay tôi. Tôi rụt lại. Đoài gầm lên: “Tao giết! Tao giết!”.

Vừa tung rèm lao ra thì Hồng bay thẳng vào góc tường như bị ném, rơi xuống lòng Đoài, thượng cẳng lên tôi. Rèm lại kéo về.

Chen chúc trong góc hậu trường, chúng tôi hé mắt nhìn ra. Sến đang mê man. Chút xống áo còn lại trên người bị một bàn tay vô hình giật phăng. Mảnh slip chấp chới một vòng như chim mới ra ràng rồi đậu xuống bát hương. Tối nào Sến cũng thắp hương. Ba thẻ đỏ lửa xuyên ba lỗ thủng qua chiếc lá đa nhà chùa bằng tơ tằm ấy, rồi tiếp tục cháy điềm nhiên. Sến được nhấc bổng lên. Phải là một lực sĩ sức vóc phi thường mới nâng nổi một đàn bà vốn nặng cân như Sến lên cao đến thế. Rồi Sến bị dằn ngửa xuống sàn. Người tình vô hình chẳng lãng phí thời gian. Sến đã giật lên từng đợt hối hả đùng đùng. Rú rít, cấu xé, vật lộn. Con mèo mà thằng Hồng nuôi đã thành con hổ lớn. Một khối trắng đồ sộ nồng nỗng điên cuồng.

Hồng run. Tôi hết hồn. Còn Đoài khóc lặng lẽ. Khi Sến đã nằm im, Hồng và tôi phải dùng sức lôi hắn ra khỏi chỗ nấp. Khắp người Sến chi chít những nốt chủng to như bóng điện. Chua như cứt mèo. Là chữ kí của thằng Đủ.

Tôi hoảng hốt ôm choàng lấy Đoài. Hóa ra hắn nhạy cảm hơn tôi tưởng. Hắn chẳng cần ngửi mùi chua và nhìn những nốt chủng. Hắn đã nhận ra thằng con từ lâu. Đoài tuột khỏi tay tôi, lao ra ban công, dễ dàng nhổ tung bụi nhài, nhưng phải mất một lúc mới bật được gốc ngọc lan. Tôi tưởng như thế là xong, Đoài rồi sẽ hồi tâm, nên quay ra chăm sóc Sến. Sến đã tỉnh, ngồi khóc nức nở, rồi chỉ tay ra cửa, cứ “Đủ ơi! Đủ ơi! Em khổ!” mà hờ. Tôi lạnh sống lưng: nghĩa là cả thằng Đủ cũng đã ra ma và vừa lộn về để si tình. Thì ngoài ban công, Đoài một tay nhài một tay ngọc lan, cầm hai chiếc dù của tình yêu lao xuống.

Ngoài cửa, trên bậu cầu thang, vợ Đoài ngồi như tạc vào đêm, ru trong lòng một bọc ni lông lớn. Xác thằng Đủ, như đã nói, gồm nhiều đoạn. Cho vừa với loại áo quan thông thường. Khổng lồ lúc sinh thời, xong một cuộc đời nó lại nhỏ bé trong lòng mẹ.

Mọi việc đã xong, cuốn tiểu thuyết của tôi sắp kết thúc, bây giờ tôi mời bạn đọc lên gác Sến nghe một ngàn hai trăm cuộn băng thằng Đủ để lại. Nếu mỗi ngày nghe một cuộn thì chúng ta mất ba năm ba tháng hai tuần. Bạn đọc không có thời giờ chăng? Không thích thú chăng? Thì nghe một đoạn năm phút mà thôi, năm phút là vừa hết một cơn hắt xì hơi, ho, hỉ mũi, ngoáy tai, và ngáp.

Ông Thân: “Tất cả chỉ là một cuộc chạy không tải của trái tim. Trái tim chúng ta để lên đầu, trái tim của nàng Mỵ Châu. Từ chỗ cao nhất nó những tưởng điều động nổi cỗ máy còn lại. Nó bùng cháy, nó tuôn trào, nó rạt rào nhiệt huyết, nó gầm rú và hò hét, nó nhấn ga. Là một chiếc động cơ đủ mạnh để đẩy chúng ta một phát lên thiên đường. Nhưng cỗ máy còn lại là cỗ máy bất tòng tâm. Chân tay chúng ta im lìm, đầu chúng ta bất động, hai quả thận thì quả này tưởng quả kia nhậm chức. Chỉ có da là nổi gai ốc, lông trên người rung lên, chúng ta ở đâu thì vẫn nguyên ở đó.
Tất cả chỉ là một cuộc chạy suông của chủ nghĩa lãng mạn. Những Suối Mơ không bao giờ chảy ra đến biển. Những rừng thơ không thể cản gió. Những núi vọng không lên đến trời. Trái tim trên đầu chúng ta cứ ầm ĩ nổ hoài, kiêu hãnh vì cô đơn, tự tải chính mình. Da chúng ta lại nổi gai ốc, lông trên người rung lên, mọi bánh xe đều đứng im, ai ở đâu thì vẫn nguyên ở đó.”

Thằng Đủ: “Nghe văn nghệ bỏ mẹ. Ông cứ lấy cái Honda mới mua về phải chạy thử số mo trong phòng làm thí dụ là được!”

Đủ nói đúng. Chính là bố nó cho tôi biết một trăm chiếc xe máy Nhật chạy hết số chết trong phòng như thế nào. Ngoài ra tôi có thể thêm vào, rằng cứ lấy Sến làm thí dụ: bao nhiêu tình tứ, mà chẳng thằng vào tới nơi.

Chẳng thằng nào vào được trong em. Cứ đến cửa thiên đường là hết vé. Những thằng đã ra ma có thể vào đánh lẻ. Những thằng còn làm người đứng ngoài mà làm người.


Đoạn kết

Còn lại Hồng và tôi. Sống dai là ý chí tiến thân của Hồng, sống dai là tinh thần thụ động của tôi. Hai đứa sẽ tiếp tục dị ứng nhau thù nhau chống phá nhau mà còn mãi khi những thằng khác qua đi.

Ông Thân thuộc về dĩ vãng, bạn đọc và tôi nỡ lòng nào để ông run rẩy lạc loài chống gậy vào một tương lai xa lạ? Thằng Tân cực đoan mà ẻo lả, cả tâm hồn và cơ thể đều không đủ sức khỏe cho thời đại mới của chúng ta. Nó phải đi thật xa, sang tận thế giới bên kia luyện sức đề kháng rồi trở lại là vừa. Thằng Đủ quá khổng lồ, cả miền Nam đất rộng người thưa cũng không dung nổi. Thời của nó rồi sẽ tới, nhưng trước khi cập vào bến đợi thì con tàu lớn hãy làm những mảnh ván trôi chờ ngoài khơi. Và Đoài, lẽ ra hắn có thể sống sót, có thể thọ chẳng kém Hồng và tôi, mọi chế độ mọi thời đều dùng tốt anh cán bộ thoát li, gã trưởng phòng nhà quê, tay lái buôn, thằng cha phong kiến cuối mùa, đứa thừa sai của đạo đức rởm đó. Chẳng ai khác ngoài hắn có thể giết hắn. Cú tự sát trên gác Sến là một tai nạn trượt phanh.

Chiến tranh ái tình đã chấm dứt. Hồng sang Nhật. Lại một người Nghệ Tĩnh đi Đông du, cuối thế kỉ đúng hẹn với đầu thế kỉ. Có thể y sẽ trở về lập Việt Nam Quang Phục Hội Đệ Nhị. Có thể y sẽ trở về đại diện Toyota cấp kinh phí cho Trung tâm khoa học nhân văn. Đều là cho một nước Việt thạo tiếng Anh, chưa quên tiếng Pháp, nhưng máu đỏ da vàng. Nước Việt của thế kỉ hăm mốt.

Cũng chỉ còn lại gia đình Hồng và gia đình tôi ở khu cầu thang. Vợ Hồng đã hỏa hồng căn hộ của Đoài cho Bội Lan và căn hộ của ông Thân cho Bội Hoàn. Bà Mùi lên chùa. Vợ Đoài lại về quê.
Khoảnh utopia toen hoẻn này, chúng tôi thằng còn sống và thằng đã chết để lại cho hai người đàn bà và bốn đứa con gái, là một hiện trường thuần giống cái, như bao giờ cũng vậy sau chiến tranh. Tôi thôi làm nghiên cứu viên, đi Trung Quốc phiên dịch cho công ty bánh kẹo của vợ. Vợ tôi khích lệ rằng anh không việc gì phải sợ, cứ chi hồ giả dã, chỗ nào bí thì dùng thêm tay chân. Tử ngữ trộn vào sinh ngữ là thường, là đủ để lên đường Bắc phạt.

Còn Sến? Ở chỗ nhà tắm bên cạnh nước Mĩ bây giờ là một chiếc shop, bạn đọc có thể dễ đoán bán gì. Có lần từ Tàu về thăm nhà, tôi lại đến ngồi hàng nước đối diện. Một Marie Sến bây giờ đã thành rất nhiều Marie Sến, ra vào không ngớt ở đó, chẳng Sến nào là Sến tôi yêu. Chia xa rồi tôi mới nhớ em, như nhớ một thời thơ thiếu nhỏ. Em về trắng đầy cong khung nhớ. Mưa mấy mùa, mây mấy độ thu.

Bây giờ nàng ở đâu cho Đoài làm thằng hầu, ấy ở đâu cho Thân làm người thày, ở đâu cho Hồng làm người hùng, elle ở đâu cho Tân làm trẻ hờn, bây bi ở đâu cho Đủ làm vệ sĩ, và em, Marie Sến, em ở đâu cho tôi làm bạn hề?



Phụ lục

Về cái tên Marie Sến

  1. “Sến” là tên người thì hiếm xuất hiện ở miền Bắc Việt Nam, mà thường thấy hơn ở miền Nam. Có người cho “sến” quan hệ với “sen” (trong “con sen”), và “xén” (trong “cô hàng xén”), đều chỉ cô gái bình dân hoặc hạ lưu. Chữ “xén” hẳn liên quan với “vụn”, “cắt”, ít nhiều cho thấy những mặt “hàng xén”, hàng “đoạn”, nhưng chữ “sen” chỉ người hầu gái nguồn gốc thế nào thì không biết. Cả hai chữ này đều phổ biến ở miền Bắc, vì sao không kéo theo “sến” như ở miền Nam?

  2. “Sến” còn là tên một loại cây, được liệt vào hạng gỗ quý, có ở các tỉnh thượng du miền Bắc, nhưng dường như không liên quan đến (1).

  3. “Sến” trong “nhạc sến” dùng để chỉ thứ nhạc cụ mùi mẫn, đa cảm. Từ này xuất hiện ở miền Bắc sau bảy lăm, vận vào một loại nhạc nhất định của miền Nam trước bảy lăm, sau ghép rộng rãi vào những loại nhạc, hoặc loại “gu” nghệ thuật bình dân, rẻ tiền, xi rô của/cho đám đông. Như vậy, xem ra cũng chính là thứ nhạc/ nghệ thuật được các “cô hàng xén” và “con sen” ưa chuộng. Tùy sự liên tưởng mà từ đó “sến” có thể gợi thêm những ấn tượng khác: cải lương, đồng bóng, đua đòi, hạ lưu, hời hợt, làm dáng, rởm... Còn bản thân nguồn gốc của “sến” trong “nhạc sến” như thế nào thì chưa sáng tỏ. Có nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam cho rằng ở miền Nam, vào thời nhạc tài tử, có thể có một loại nhạc cụ là “đàn sến”. Từ nhạc tài tử đến những khái niệm như “vọng cổ”, “cải lương”, “nhạc mùi” là một đoạn không xa. Nhưng vì sao chính là cái đàn “sến” ấy, nếu quả là có, chứ không phải thứ nhạc cụ khác được lưu danh trong một khái niệm?

  4. “Marie” hẳn là tên Pháp, có người cho là gợi một cô thôn nữ, nhưng thích “tỉnh thành”, thích „điệu“. Còn Marie Sến, có người cho là âm Việt của Maria Schell, nữ minh tinh chuyên đóng phim vai nữ xuất thân bình dân trong những phim tình cảm mùi mẫn éo le.

Phỏng đoán, ấn tượng, và liên tưởng do cái tên “Sến”, “Marie Sến” gây ra thật nhiều. Sự không chắc chắn về nguồn gốc, sự mơ hồ trong chi tiết, nhưng tương đối nhất quán trong ấn tượng về cái tên/khái niệm này là những kích thích quan trọng cho cuốn tiểu thuyết. Tôi đã tìm cách dựng lên một “Marie Sến” từ chỗ không biết chính xác gì về “Marie Sến”. Như vậy, cuốn tiểu thuyết này là một phỏng đoán nữa về một cái tên, một khái niệm. Nếu được bạn đọc vui lòng cung cấp thêm những phỏng đoán khác, tôi xin đa tạ.



Chú thích

Chương 2: thi minimom: kì thi cơ sở bắt buộc (trên đại học), gồm triết học, chính trị, lịch sử Đảng, và lĩnh vực chuyên môn, để sau đó được phép làm luận án phó tiến sĩ.

Chương 3: Em là ai…sắt hay bông: phỏng thơ Tố Hữu.

Chương 8: không văn hoa mà cũng không chất phác: chữ của Phan Huy Chú mô tả Hải Dương trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, Dư Địa Chí.

Chương 9: “không có kiêu,…công danh tất phải thành”: trích “Trách ma nghèo” của Ngô Thì Sĩ; ngực em bày chật: thơ Hoàng Hưng

Chương 10: trong đôi guốc tôi chú ý nhất cái chật chật của đôi quai: thơ Đặng Đình Hưng; tiếng rơi rất mỏng: thơ Trần Đăng Khoa

Chương 11: phải đạo: chữ của nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến; một chiếc va li đi về bến lạ: phỏng thơ Đặng Đình Hưng (nguyên văn: những chiếc va li cứ về bến lạ)

Đoạn kết: Chia xa rồi… : thơ Lê Đạt

Nguồn: Thanh Văn xuất bản, California 1996, bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của tác giả