© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
13.8.2004
Phan Huyền Thư
"Xờ âu xâu sắc xấu - hờ ô hô hỏi hổ"
 
Tôi thật sự cảm thấy xấu hổ (đánh vần như trên bằng chữ Quốc Ngữ) khi dám tự nhận mình đã tốt nghiệp khoa Ngữ văn-Ðại học Tổng hợp. Tốt nghiệp Ðại học đến nỗi viết chữ Quốc Ngữ vẫn làm cho người khác không hiểu và phải thắc mắc, hỏi lại cho kỹ, nghĩ lại cho rõ.

Tôi xấu hổ vì tại sao mình suy nghĩ một vấn đề đơn giản lại đơn giản theo nghĩa "bình thường nhất" (dùng chữ của Trịnh Hữu Tuệ) chứ không theo nghĩa "không bình thường nhất".

Tôi xấu hổ khi viết bài Tiếng Việt có phải Chữ Quốc Ngữ không? xuất phát từ một nhận xét của ông Trần Mạnh Hảo: "Ông Phạm Xuân Nguyên không phân biệt được hai khái niệm đơn giản là Tiếng Việt và Chữ Quốc ngữ". Ðiều đó thúc đẩy tôi phải tìm lại "khái niệm đơn giản" (nói theo ông Trần Mạnh Hảo) của Tiếng Việt và Chữ Quốc ngữ trong những hiểu biết nông cạn của mình.

Vậy thì tôi phải thành khẩn (thờ anh thanh huyền thành-khờ ân khân hỏi khẩn) trình bày cái sự hiểu của mình về nhận xét của ông Phạm Xuân Nguyên là: Trong trường hợp của Chữ Quốc Ngữ, Tiếng Việt (tiếng nói, hiểu theo nghĩa bình thường nhất) đã được hệ thống chữ "Lờ a la-Tờ inh tinh"(chữ viết, cũng hiểu theo nghĩa bình thường nhất) làm cho thay đổi (chuyển từ dạng này sang dạng khác) "hoá" (Xin tra từ điển Tiếng Việt và từ điển Hán- Việt thêm về từ "hoá": hờ oa hoa sắc hoá") một cách triệt để". Từ "triệt để" ở đây (tôi lại lấy làm xấu hổ mà luận ra) là bảng chữ cái Việt Nam, khi đứng cạnh nhau, sắp xếp với nhau diễn đạt một cách khoa học, thống nhất, tạo ra một nguyên tắc phát âm và ký hiệu hoá, phân loại từ vựng cho ngôn ngữ Việt. (Xin hãy liên hệ với trường hợp của tiếng Nhật).

Tôi xấu hổ vì tôi đã chót cho rằng Tiếng Việt là Quốc Ngữ chứ không phải chỉ là chữ Quốc Ngữ. Cũng như với tôi, chữ Quốc Ngữ được coi là Chữ Việt (chữ viết chính thống diễn đạt ngôn ngữ Việt hiện nay) chứ không thể là (toàn bộ) Tiếng Việt.

Tôi xin lỗi những người Việt không may mắn bị mù chữ chứ không bị mù mắt (hiện nay vẫn còn những người như vậy) nên chỉ có thể nói Tiếng Việt mà chẳng thèm biết chữ Quốc Ngữ nó ra làm sao, cho nên mới có rất nhiều người biết nói đúng nhưng lại không biết viết đúng.

Tôi xin lỗi bạn đọc, nếu Tiếng Việt là chữ Quốc Ngữ (mà chữ Quốc Ngữ là: a, bờ, cờ, dờ, đờ...) thì điều đó chỉ được công nhận một cách thống nhất như là "chữ của Quốc ngữ" thực sự từ sau năm 1945. Và, thực sự: a, bờ, cờ, dờ, đờ... của Tiếng Việt (tiếng nói, theo nghĩa bình thường nhất) trước khi được ghi lại bằng ký tự La-tinh (chẳng hạn: Bờ được đánh vần: "Bờ ơ bơ huyền bờ") được ghi lại bằng hệ thống ký tự khác, thậm chí có khi còn diễn đạt hiện tượng, sự việc khác của ngôn ngữ nói.

Và, hiện tượng mà ông Phạm Xuân Nguyên cho rằng "Tiếng Việt đã được La-tinh hoá triệt để" (điều này được hiểu là trên văn bản) chính là giá trị của chữ Quốc Ngữ. Nhìn lại 100 năm hình thành nền văn học viết bằng chữ Quốc Ngữ thể hiện bằng văn bản (chứ không phải ca ngợi văn Nôm), ông Nguyên viết một câu như vậy, tôi thấy không có gì phải hoảng hốt.

Nhưng nếu tôi nói ngược lại: "chữ Quốc Ngữ" là kết quả của việc Việt hoá chữ La-tinh chắc cũng không ai "hổn hoác" (xin đọc ngược lại) kể cả mấy vị truyền giáo người Bồ Ðào Nha đã manh nha mang chữ La-tinh sang ghi lại ký hiệu phát âm cho tiếng Việt.


Ðiều khiến tôi có những tẩn mẩn như trên về chữ Quốc Ngữ, về tiếng Việt là vì một đoạn văn mở đầu cho một bài viết của ông Trần Mạnh Hảo về ông Phạm Xuân Nguyên. Ông Hảo chắc cũng giống ông (bà) Trịnh Hữu Tuệ đáng kính ở chỗ, cố tình gạt giá trị của chữ Quốc Ngữ sang một bên để chỉ tập trung vào vấn đề La-tinh hoá tiếng Việt mà ông quên mất rằng, lí do chính khiến cho ông Nguyên nêu ra nhận xét này là vì ông Nguyên muốn khẳng định đóng góp của chữ Quốc Ngữ. Nếu không có sự tồn tại của chữ Quốc Ngữ, không ai dám nhắc đến việc La-tinh hoá hệ thống chữ viết của Tiếng Việt cả. (Nếu ai đã từng học tiếng Trung Quốc sẽ hiểu được cái hay, cái chuẩn xác của ký tự La-tinh trong diễn đạt tiếng Việt.)

Riêng với ông (bà) Trịnh Hữu Tuệ, tôi rất lấy làm xấu hổ (thôi, không phải lạm dụng vần) vì tốc độ tư duy của tôi quá chậm (tôi chẳng nghĩ được gì trong 2 giây) nhưng ông (bà) làm cho tôi thấy thích thú (vì tôi vốn yêu âm nhạc) và rất muốn nghe ông (bà) giải thích: "Âm nhạc có phải là năm dòng kẻ và những cái chấm đen, chấm trắng hay không?". Và tôi cũng (rất) yêu tiền bạc: "Ngôn ngữ và ký tự có phải là hai mặt của một đồng xu?"... mà ông (bà) gợi ý chẳng hạn... là những ý tưởng hấp dẫn hơn nhiều so với chữ Quốc Ngữ và tiếng Việt chỉ với hai giây đồng hồ ai mà chẳng biết. Tôi (một lần nữa, rất lấy làm) xấu hổ và xin chừa sẽ không "phạm" gì nữa vào lĩnh vực này. "Dù ai nói ngả nói nghiêng..." Kể từ nay.

© 2004 talawas