© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
23.8.2004
Đào Trung Đạo
Nguyễn Văn Lục hay Trần Trọng Ðăng Ðàn: Ai là con hoang của Sartre?
 
Tôi thấy cần viết ít dòng về bài Những đứa con hoang của J-P. Sartre của Nguyễn Văn Lục (talawas, 17.8.2004) vì tôi nghĩ: 1. talawas được giới độc giả trí thức trẻ trong nước tìm đọc vì diễn đàn này là một trong những ‘sân chơi’ có những người cộng tác có sự trong sạch trí thức (probité intellectuelle) và viết được một số bài tương đối có trình độ kiến thức tốt; 2. Cần chấm dứt lối viết nhận định văn học và triết học dựa trên cảm tính, hàm hồ, nói không có sách mách không có chứng, thiếu kiến thức căn bản tối thiểu khi đề cập một vấn đề chuyên môn, giọng điệu thậm xưng, và cuối cùng là thiếu logic, đầu cua tai nheo. Trong hoàn cảnh giới trẻ trong nước ham học hỏi nhưng thiếu thầy thiếu sách, nếu đọc phải những bài như bài của Nguyễn Văn Lục e rằng họ sẽ hoang mang, đi chệch con đường học hỏi chân thực, thẳng thắn và chính qui.

Vắn tắt tôi chỉ xin đề cập đến mấy điểm Nguyễn Văn Lục đã nêu ra tôi thấy cần được xét lại:


1.

Trong đoạn mở đầu bài viết, Nguyễn Văn Lục cho độc giả có cái cảm tưởng ông là một người am hiểu bầu không khí tinh thần, sinh hoạt văn học và trí thức Paris nói riêng và nước Pháp nói chung sau thế chiến thứ hai. Nguyễn Văn Lục dựa vào đâu để nói rằng trong giai đoạn này “Nước Pháp cần một biểu tượng văn hóa”? Nước Pháp trong nhiều thế kỷ vẫn được thế giới kính trọng yêu mến vì Paris là thủ đô văn hóa thế giới. Chẳng lẽ sau thế chiến thứ hai cả nền văn hóa rực rỡ đó của Pháp đã sụp đổ? Nguyễn Văn Lục lại còn hạ bút: “Cả hai (Sartre và Camus) đã ảnh hưởng toàn bộ giới trẻ và trí thức Pháp”. Tôi nghĩ rằng khẳng định như vậy là quá đáng. Nên nhớ cả Sartre lẫn Camus đều không có ghế giảng dạy (Sartre tốt nghiệp École Normal Supérieure nghĩa là chỉ được dạy trường trung học, còn Camus có đến học cấp cử nhân văn chương) trong các đại học nổi tiếng nên bảo họ có ảnh hưởng sâu đậm lên giới trí thức đương thời nghe không xuôi tai. Như vậy cần lưu ý Nguyễn Văn Lục là cả Camus lẫn Sartre vào thời điểm đó nếu có được đọc và yêu mến thì cũng chỉ ở bên ngoài các đại học mà thôi, không thể nói họ có ảnh hưởng trên toàn bộ giới trẻ, nhất là giới trí thức. Cũng không nên quên rằng Sartre đã từng ngồi trong lớp của Alexandre Kojève để nghe ông này giảng về triết học Hegel. Về Nietszche, Hiện Tượng Luận của Husserl cũng như về triết lý của Heidegger, những người như Emmanuel Levinas, Geoges Bataille, Maurice Blanchot v.v. từ thập niên 30 đã tỏ ra trong sách vở họ biên soạn có kiến thức vững chắc hơn Sartre rất nhiều. Về văn chương và phê bình văn học, quyển sách nhỏ được giới nghiên cứu văn chương coi là độc đáo, Le degré zéro de l’écriture, Roland Barthes xuất bản năm 1953 chính là để đả phá lại quan niệm “văn chương dấn thân” của Sartre. Về những tạp chí ở Pháp thời đó thì Les Temps Modernes do Sartre và Merleau-Ponty chủ trương chưa chắc đã có ảnh hưởng lớn bằng Nouvelle Revue Francaise, Critique (của nhóm Tel Quel) hay L’Esprit của nhóm Nhân Vị Emmanuel Mounier. Tôi có cảm tưởng Nguyễn Văn Lục “Tây hơn cả Tây chính hiệu” nên tự ban cho mình cái quyền khẳng định về một vấn đề lớn lao mà chính sách vở văn học của Pháp cũng không dám khẳng định.


2.

Nếu quả thực sự có đọc toàn bộ sách của Sartre và Camus, (điều này tôi xin được nghi vấn: có lẽ khi viết bài Những người con hoang... Nguyễn Văn Lục chỉ dựa vào một bài viết mà ông ta cho rằng “công phu” của Nguyễn Văn Trung: Hiện Sinh Ở Miền Nam 1955-1975 - bài viết này “công phu” đến nỗi đã ghi J-P. Sartre cho xuất bản Critique de la raison dialectique cùng năm với Les Mains Sales, 1948, trong khi thực ra Critique I xuất bản năm 1960 và Critique II xuất bản sau khi Sartre đã chết năm 1985) tôi nghĩ Nguyễn Văn Lục không thể có cam đảm hạ bút viết “mỗi tác phẩm của Camus như thể hiện linh hồn của tư tưởng Sartre”. Ðến ngay chính Sartre chắc cũng không dám tuyên bố như đinh đóng cột như thế! Tìm trong sách vở của Sartre, ngay cả trong tập Situation I khi viết về tiểu thuyết L’Étranger của Camus, Sartre cũng không phát biểu một ý kiến tương tự nào như vậy. Ðấy là chưa kể về quan điểm chính trị hai người rất xa nhau, trong khi Sartre cố gắng tìm cách tổng hợp Mác-xít và Hiện sinh, có những phát biểu và hành động thân cộng sản còn Camus không chấp nhận cả Mác-xít lẫn Phát-xít, quan điểm văn học và chính trị của cả hai phe trí thức tả hữu. Cho đến những thập niên gần đây, tiểu thuyết của Camus vẫn còn được nhiều người yêu mến quí trọng đọc lại vì giá trị văn chương chứ không phải vì tư tưởng trong khi tiểu thuyết của Sartre không còn được chú ý nhiều như trong những thập niên 50, 60.


3.

Khi qui kết ảnh hưởng của Sartre và Camus ở Việt Nam, Nguyễn Văn Lục tỏ ra quẩn quanh hồ đồ và có lúc thơ ngây. Như khi Nguyễn Văn Lục không thấy hai vị này có ảnh hưởng gì ở Miền Bắc sau 1954 chỉ vì “tình hình Việt Nam lúc đó rối như mớ bòng bong, ai còn bận tâm tới văn chương triết lý?” Nhận định hời hợt này thật đáng tức cười: hồi đó nếu có kẻ nào ở Miền Bắc đọc Sartre, Camus mà bị công an, cán bộ cộng sản “vồ” được thì chỉ có nước sang Tây nhờ Nguyễn Văn Lục cứu mạng! Về ảnh hưởng của Sartre và Camus ở Miền Nam thì Nguyễn Văn Lục cho rằng giới văn nghệ, trí thức (ngay cả giới giảng dạy ở các đại học) Miền Nam hầu hết không có ai đọc “phần triết học” của Camus và Sartre. Vậy câu hỏi đặt ra là: không đọc mà sao lại chịu ảnh hưởng? Còn về các tác phẩm của Sartre và Camus, Nguyễn Văn Lục cho rằng chỉ có “lò” Viện Ðại Học Ðà Lạt là có sách của các vị này. Nguyễn Văn Lục quên rằng ở Miền Nam dù cho mật vụ của các ông Nhu, Tuyến có rình mò theo dõi trí thức đến đâu chăng nữa thì sự rình rập đó cũng không đến nỗi khủng khiếp như công an ở Miền Bắc nên không thiếu gì người đã có sách của Sartre và Camus trước khi Viện Ðại Học Đà Lạt có cái thư viện có tới 5000 quyển văn triết! Một điểm thêm vào đó là: đến trẻ con cũng biết rằng ‘có sách là một chuyện, hiểu và chịu/phát huy ảnh hưởng tư tưởng trong sách lại là một chuyện khác.’ Từ mạch suy luận vô bằng trên, Nguyễn Văn Lục khơi khơi tuyên bố “số người biết rành rõi (Sartre và Camus) có thể đếm trên đầu ngón tay”, nhưng lại không nêu tên và tác phẩm của những vị “rành rõi” này ra (nếu đã là ít thì việc nêu ra quá dễ dàng, tại sao phải lẩn tránh?) mà chỉ liệt ra mỗi một bài viết “công phu” của Nguyễn Văn Trung!


4.

Căn cứ trên cách suy luận và diễn giải của Nguyễn Văn Lục thì “những đứa con hoang của Sartre” là những kẻ không thực sự đọc và thấu hiểu (nhất là những sách triết lý) của Sartre nhưng lại “làm dáng” kiểu hiện sinh Jean-Paul Sartre trong lối sống, lối nghĩ, lối làm tình, lối chết, lối sáng tác văn chương, tất cả đều biểu diễn một thứ “triết lý hiện sinh vỉa hè”. Riêng về các tạp chí có đăng các bài viết về hiện sinh, Nguyễn Văn Lục cho rằng “Tờ Sáng Tạo, được tiếng là cửa ngõ đi vào triết lý hiện sinh...” Về điểm này chúng tôi cho rằng Nguyễn Văn Lục không những không có đủ sự hiểu biết về Sáng Tạo để cho rằng tạp chí này là “cửa ngõ đi vào hiện sinh”. Nguyễn Văn Lục còn thống kê để cho người đọc hiểu ngầm là Sáng Tạo tuy là cửa ngõ đấy nhưng chẳng hiểu gì về triết lý hiện sinh vì “Sáng Tạo chỉ có bốn bài viết về hiện sinh trong khi tờ Ðại Học ở Huế có 21 bài, tờ Bách Khoa có 24 bài”. Tại sao Sáng Tạo đã là cửa ngõ đi vào hiện sinh mà lại có ít bài về hiện sinh như vậy? Nguyễn Văn Lục có được tham dự các sinh hoạt văn chương của Sáng Tạo để biết được chủ trương, quyết định đăng bài nào bỏ bài nào? [1]


5.

Nhận định về những tác phẩm văn chương xuất hiện trong thập niên 60 ở Miền Nam, Nguyễn Văn Lục tuy đã hơi chùn tay trong việc ‘sát muối vào mắt người khác’ khi viết “Tôi không dám bảo là họ bắt chước, nhưng có nhiều người cho rằng... đó là một thứ triết lý thời thượng, một kiểu theo đuôi hay làm dáng trí thức”, nhưng vẫn cho rằng đa số những nhà văn Miền Nam là “một thứ con hoang của Sartre”! Lối suy luận này là suy luận qui chụp. Về lớp “giáo sư dạy triết thuộc thế hệ thứ hai”, Nguyễn Văn Lục kể ra những người như Ðặng Phùng Quân, Nguyễn Quốc Trụ, Huỳnh Phan Anh, Trần Nhựt Tân, Trần Văn Nam... và cho rằng những người này cũng ở trong số những người đã có trình luận án cao học ngành Triết nhưng chẳng có ai trình luận án về J-P. Sartre cả, có nghĩa là họ chẳng hiểu gì về triết lý của Sartre tuy trong luận án của họ “đều đề cập tới các triết gia hiện sinh”. Trong số những người Nguyễn Văn Lục nêu tên ở trên có lẽ chỉ có Ðặng Phùng Quân trình luận án về “Hiện hữu tha nhân trong triết lý Gabriel Marcel” còn Huỳnh Phan Anh chưa bao giờ trình luận án cao học ngành Triết, Nguyễn Quốc Trụ không phải thuộc giới khoa bảng, Trần Nhựt Tân chuyên ngành văn chương Pháp. Về điểm không ai chọn Sartre để làm luận án cao học ngành Triết có thể là vì không có vị giáo sư bảo trợ có sự trong sạch trí thức và đủ tiêu chuẩn bằng cấp cũng như chuyên khảo về Sartre nào nhận bảo trợ một đề tài như vậy. Hơn nữa trong giới chuyên ngành Triết, đa số sinh viên cao học không muốn bị coi là “thời thượng” nên không chọn làm về Sartre. Về tác phẩm của những người kể trên, chỉ vì họ viết trong khuôn khổ một luận án cao học nên Nguyễn Văn Lục cho rằng họ “trình bày khó hiểu và đôi khi khúc mắc tối tăm...” bất chấp người đọc có hiểu được hay không và chính vì vậy họ cũng là “những đứa con hoang của Sartre”!


6.

Sau khi quay sang giới tôn giáo, chính trị trước cũng như sau 75 Nguyễn Văn Lục đã tìm thấy từng đoàn con hoang của Sartre bỗng nhiên Nguyễn Văn Lục đột ngột tấn công giới dịch sách hiện nay ở Việt Nam đã “Sách mới không dịch, cứ nhè sách cũ, sách đã dịch rồi dịch lại ...” chẳng hạn có đến 5 người dịch quyển L’Étranger của Camus, nghĩa là vẫn cứ để cho những đứa con hoang tiếp tục hoành hành trên thị trường chữ nghĩa ở miền Nam. Rất tiếc Nguyễn Văn Lục không viết tiếp, nếu muốn giết chết hết bọn con hoang đó thì phải dịch sách như thế nào.


7.

Ðiểm cuối cùng và cũng là điểm quan trọng nhất trong bài viết của Nguyễn Văn Lục là đoạn cuối bài, khi ông phê bình cuốn Văn Hóa Văn Nghệ Nam Việt Nam 1954-1975 của Trần Trọng Ðăng Ðàn. Vì Trần Trọng Ðăng Ðàn đã “sát muối vào mắt” toàn bộ giới văn hóa văn nghệ miền Nam giai đoạn 1954-1975 giống hệt như việc Nguyễn Văn Lục vừa mới làm, nghĩa là “chửi rất bài bản, nhìn đâu cũng thấy đồi trụy, đĩ điếm, thấy nọc độc của chủ nghĩa thực dân”, đi theo vết chân của Lữ Phương, Khải Triều, mắc bệnh quáng gà” và cũng chính là “đứa con hoang cuối cùng của Sartre.” Nếu ta che đoạn cuối trong bài của Nguyễn Văn Lục đi và để quyển sách của Trần Trọng Ðăng Ðàn bên cạnh thì ta thấy Nguyễn Văn Lục hoàn toàn “nhất trí” với Trần Trọng Ðăng Ðàn trong việc đánh giá văn hóa văn nghệ miền Nam giai đoạn 54-75! Chúng tôi chỉ còn có thể đi đến một kết luận là cảm thấy tiếc cho Nguyễn Văn Lục khi viết bài Những đứa con hoang của Sartre, có lẽ ông đã không được như người kia, được những bổng lộc dành cho một kẻ đánh mướn văn hóa văn nghệ do giới quản lý văn hóa cộng sản ban cho.

8/17/2004

© 2004 talawas


[1]Cũng cần nhắc lại chuyện hồi đó Mai Thảo có đi một bài của Nguyễn Văn Trung trên Sáng Tạo, bài Trường Hợp Francoise Sagan, nhưng sau đó độc giả và anh em trí thức cho Mai Thảo biết đó là một bài trên một tạp chí văn chương của Pháp, Nguyễn Văn Trung đã dịch nguyên con nhưng lại ký tên mình là tác giả! Có lẽ vì vậy từ đó Mai Thảo rất “sợ” những bài viết của những nhà “nghiên cứu” triết lý hiện sinh.