© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
27.8.2004
Michel Butor
Tiểu thuyết như một tìm tòi
Nguyễn Ðăng Thường dịch
 


1.

Tiểu thuyết là một hình thức đặc thù của truyện.

Nó là một hiện tượng vượt xa hơn địa hạt văn chương, là một trong những yếu tố cơ bản để chúng ta nắm bắt thực tế. Cho tới lúc chết, và từ lúc chúng ta hiểu được những lời nói, chúng ta luôn luôn bị vây bọc bởi truyện, trước tiên là trong gia đình, rồi ở trường, rồi qua sách vở và các cuộc gặp gỡ.

Tha nhân, đối với chúng ta, không chỉ là những người mà ta được thấy bằng mắt, mà còn là những cái mà ta được nghe do chính họ kể lại; hay những điều mà người khác kể lại về họ; tha nhân không chỉ là những người mà chính chúng ta được trông thấy, mà còn là tất cả những kẻ khác mà người ta đã kể lại cho chúng ta nghe.

Ðiều này không chỉ riêng với con người thôi, mà còn với đồ vật, với các nơi chốn chẳng hạn, mà tôi chưa từng đặt chân tới nhưng được nghe mô tả lại.

Câu truyện (chuyện) trong đó ta đang trầm mình mang những hình thức khác nhau, từ truyền thống gia đình, tin tức trao đổi nơi bàn ăn về các công việc đã làm trong buổi sáng, đến các bản thông tin của báo chí hay của sử sách. Mỗi hình thức đó liên kết chúng ta với một vùng của thực tế.

Tất cả những truyện đích thực này đều có chung, trên nguyên tắc, một tính cách là chúng đều có thể được kiểm chứng. Tôi có thể đối chiếu những điều mà người này đã nói với tôi với những tiết lộ về những điều đó bởi một người khác, và như vậy mãi mãi; nếu không thì tôi đang đối diện một sai lầm hay một hư cấu.

Trong tổng số những truyện này, mà sự hiện hữu tạo một phần lớn cái thế giới hàng ngày của chúng ta, có thể có những truyện được cố ý bịa đặt. Nếu, để tránh sự lẫn lộn, người ta thêm vào những biến cố được tường thuật vài đặc tính khiến chúng có thể được phân biệt tức khắc với những biến cố ta thường được chứng kiến, thì chúng ta rơi vào phạm vi của văn chương huyền ảo, huyền thoại, cổ tích, vân vân. Nhà tiểu thuyết thì chủ yếu muốn trình bày với chúng ta những biến cố tương tự những biến cố thường ngày, và muốn chúng có cái bề ngoài của thực tại, đôi khi có thể đưa đến sự phỉnh gạt (Defoe). [1]

Tuy thế, những điều kể ra bởi nhà tiểu thuyết không thể được kiểm chứng, bởi vậy cho nên chúng phải tự đủ để cung cấp cho chúng ta cái thực tại bên ngoài ấy. Nếu tôi gặp một người bạn và anh muốn kể lại cho tôi nghe một cái tin khác thường, và để thuyết phục tôi, anh có thể kể thêm rằng có người này hay kẻ kia cũng đã chứng kiến nó như anh, và tôi có thể đi tìm họ để kiểm chứng. Trái lại, khi một nhà văn ghi chữ “tiểu thuyết” trên bìa cuốn sách của mình thì ông ta đã tuyên bố việc tìm kiếm một sự xác định như vậy là bất khả. Vì chỉ bởi những gì tác giả ấy nói với chúng ta và chỉ do chúng thôi mà các nhân vật tất phải gây được sự thuyết phục và sống, và như thế mặc dù họ có thể đã hiện hữu thật sự.

Hãy tưởng tượng chúng ta phát hiện được một người sính viết thư ở thế 19 tuyên bố với đối tượng của y rằng y có quen biết Lão Goriot, lão này chẳng giống như Balzac miêu tả tí nào cả, rằng ở trang này hay trang nọ có những sai lầm thô lậu; thì điều này tất nhiên chẳng có tí quan trọng nào đối với chúng ta. Lão Goriot là những gì Balzac kể lại cho chúng ta (và những gì người ta có thể nói thêm từ đó); tôi có thể nghĩ rằng Balzac nhầm lẫn trong sự phán xét đối với nhân vật của ông, rằng ông chưa nắm vững nhân vật này, nhưng để chứng minh thái độ của tôi, tôi chỉ có thể dựa trên các câu đố viết trong văn bản của Balzac; tôi không thể vời những chứng nhân khác.

Trong khi câu truyện đích thực luôn luôn có hậu thuẫn, có phương tiện của chứng cớ ngoại tại, thì tiểu thuyết cần phải tự lực để tạo ra cái nó muốn bàn bạc với chúng ta. Do vậy nó là lãnh vực hiện tượng học xuất sắc nhất để chúng ta nghiên cứu cái thể thức mà thực tế hiện ra hay có thể hiện ra với chúng ta; do vậy tiểu thuyết là cái phòng thí nghiệm của truyện.


2.

Vì lẽ đó, tác động vào hình thức của tiểu thuyết có tầm quan trọng hàng đầu.

Ðúng vậy, khi trở thành vật sở hữu của quần chúng và của lịch sử, các mẫu truyện đích thực dần dần tự quy định, tự xếp đặt, tự tiết giảm, tuân theo vài nguyên tắc (nguyên tắc của cái mà hôm nay ta gọi là tiểu thuyết "truyền thống", hay tiểu thuyết không tự chất vấn). Thay cho sự am tường ban sơ là một sự am hiểu ít phong phú hơn và bị tước bỏ hẳn vài khía cạnh; nó dần dần bao trùm kinh nghiệm đích thực mà nó thay thế, đưa tới sự dối gạt tổng quát. Cuộc khám nghiệm những hình thức tiểu thuyết khác phơi bày tính ngẫu sinh của cái hình thức quen thuộc ấy, lật tẩy nó, giải phóng chúng ta, giúp chúng ta tìm thấy lại ở bên kia cái truyện cố định cũ tất cả những gì mà nó che giấu hoặc tảng lờ, nghĩa là tìm thấy lại toàn thể cái truyện nền tảng thấm đượm trọn cuộc đời chúng ta.

Mặt khác, hình thức đã rõ ràng là căn bản tốt nhất (và bút pháp do vậy tất nhiên phải là một khía cạnh của hình thức, vì là cách thức để cho chi tiết của ngôn ngữ tự liền lạc, chủ tọa sự quyết định lựa chọn từ này hay ngữ điều này, thay vì từ kia hay ngữ điệu kia), những hình thức mới sẽ bộc lộ trong thực tại những cái mới lạ, điều này dĩ nhiên lại càng tăng khi sự mạch lạc nội tại sẽ được xác định khi đối chiếu với những hình thức khác lúc chúng sẽ chính xác hơn.

Ngược lại, những thực tế khác sẽ thích hợp với những hình thức truyện khác. Và, rõ ràng là cái thế giới nơi để chúng ta sinh sống đang biến đổi quá nhanh. Các kỹ thuật truyện truyền thống không thể hòa hợp tất cả những mối tương quan mới đã vụt xuất hiện. Hệ quả là một sự bất an triền miên, chúng ta không thể sắp đặt theo quy củ trong ý thức chúng ta tất cả những tài liệu vồn vập kéo tới, bởi vì chúng ta còn thiếu những dụng cụ thích hợp.

Sự tìm tòi những hình thức mới cho tiểu thuyết có khả năng hòa hợp lớn hơn, như thế sẽ giữ một vai trò nhân ba đối với ý thức mà chúng ta có được về thực tế, vai trò nhân ba đó là sự tố cáo, sự thám hiểm và sự thích ứng. Nhà tiểu thuyết từ chối công việc này, vì không muốn làm xáo trộn những thói quen, không đòi hỏi độc giả của mình một cố gắng đặc biệt nào, không bắt buộc họ phải quay về với chính họ, về với sự tra vấn những vị trí đã có từ lâu, tất nhiên sẽ gặt được một thành công dễ dàng, nhưng sẽ là kẻ đồng lõa của sự bất an sâu xa, của đêm tối trong đó chúng ta đang vùng vẫy. Nó khiến cho các phản ứng của ý thức thêm cứng nhắc, sự giác ngộ càng khó khăn, nó dự phần vào việc bóp nghẹn, cho đến đỗi, mặc dù tác giả có những ý định tốt, nhưng chung cuộc tác phẩm của y chỉ là độc dược.

Sự sáng chế hình thức mới cho tiểu thuyết, thay vì đối chọi tính hiện thực như một trường phái phê bình nông nổi thường tưởng tượng, lại là điều kiện sine qua non của một hiện thực được đẩy xa hơn.


3.

Thế nhưng, sự liên hệ của tiểu thuyết với thực tại quanh chúng ta không thu hẹp vào dữ kiện do đấy cái mà nó mô tả cho chúng ta tự trình diện như một phần huyền ảo của thực tế, cách biệt, dễ điều khiển, nghĩa là có thể đến gần để nghiên cứu. Sự khác biệt giữa những biến cố của tiểu tuyết và những biến cố trong đời sống, không chỉ vì chúng ta có thể kiểm chứng những biến cố này, trong khi chúng ta chỉ có thể vươn tới những biến cố kia qua văn bản đã tạo ra chúng. Mà chúng cũng, để sử dụng lại một cách nói thông dụng, "hấp dẫn" hơn những biến cố thật. Sự có mặt của những hư cấu ấy đến từ một nhu cầu và giữ một chức năng. Các nhân vật tưởng tượng khỏa lấp các khoảng trống của thực tại và soi sáng về nó.

Không riêng sự sáng tạo thôi mà cả việc đọc một cuốn tiểu thuyết là một thứ mộng giữa ban ngày. Do vậy nó có thể luôn luôn thích hợp cho phân tâm học theo nghĩa rộng. Mặt khác, nếu tôi muốn giải thích một lý thuyết nào đó, tâm lý, xã hội, đạo đức hay điều gì khác nữa, thì sử dụng một thí dụ bịa đặt vẫn tiện lợi hơn. Các nhân vật tiểu thuyết sẽ đóng vai trò này một cách tuyệt vời; và tôi có thể nhận diện các nhân vật này trong số bạn bè và người quen, tôi soi sáng hạnh kiểm của những người này dựa vào những thăng trầm của những người kia, vân vân.

Sự áp dụng tiểu thuyết vào thực tại rất phức tạp, và sự "hiện thực" của nó, sự kiện nó tượng trưng cho một phần ảo tưởng của đời sống hàng ngày chỉ là một khía cạnh đặc biệt, khía cạnh cho phép ta tách riêng nó ra như một thể loại văn chương.

Tôi gọi "tính biểu tượng" của một cuốn tiểu thuyết tất cả những liên hệ giữa những cái nó mô tả và cái thực tại mà chúng ta đang sống.

Các liên hệ này không giống nhau tùy theo các cuốn tiểu thuyết, và tôi thiết nghĩ công việc chủ yếu của nhà phê bình là tháo gỡ chúng, soi sáng chúng để độc giả có thể rút ra từ mỗi tác phẩm đặc biệt nguyên vẹn bài học của nó.

Thế nhưng, bởi vì trong sự sáng tạo một cuốn tiểu thuyết cũng như trong cái thú tiêu khiển là việc đọc sách kỹ lưỡng, chúng ta thử nghiệm một hệ thống phức tạp về các mối liên quan giữa những ý nghĩa khác nhau, nếu nhà tiểu thuyết muốn chuyển đến chúng ta kinh nghiệm bản thân một cách thành thật, nếu sự hiện thực được đẩy khá xa, nếu hình thức ăn khớp, tất nhiên nhà tiểu thuyết buộc phải trình bày các mối liên hệ này trong nội tâm của tác phẩm. Tính biểu tượng ngoại tại của tiểu thuyết thường phản ánh trong tính biểu tượng nội tại, nhiều phân đoạn, đối với toàn thể, cũng giữ cùng một vai trò của toàn thể đối với thực tại.


4.

Sự liên hệ tổng quát giữa cái "thực tại" mô tả bởi tiểu thuyết với cái thực tại quanh chúng ta, khỏi cần phải nói ra là chính nó quyết định cái mà người ta thường gọi là chủ đề hay đề tài, đề tài này có vẻ như là đối đáp cho một trạng thái nào đó của ý thức. Thế nhưng chủ đề ấy, đề tài ấy, như chúng ta đã thấy, không thể tách rời cách thức được sử dụng để thể hiện nó, cái hình thức nó tựa vào để diễn tả. Một hoàn cảnh mới, một ý thức mới về bản tính của tiểu thuyết, và từ những mối liên hệ mà nó dung dưỡng với thực tại, về địa vị của nó, tương ứng những hình thức mới ở bất cứ bình diện nào, ngôn ngữ, bút pháp, kỹ thuật, dàn trải (composition), cấu trúc. Ngược lại, sự tìm tòi những hình thức mới sẽ phát hiện những chủ đề mới, những liên hệ mới.

Từ vài góc cạnh của suy luận thì hiện thực, hình thức, và biểu tượng trong tiểu thuyết có vẻ như hợp thành một đơn vị không thể tách rời nhau.

Tiểu thuyết tất nhiên phải vươn tới và cần vươn tới sự soi sáng chính nó; thế nhưng chúng ta biết rõ rằng có những tình thế tự chúng không thể suy gẫm, chỉ tồn tại nhờ ảo giác chúng trao đổi với chủ đề, và thuộc về loại này là những tác phẩm trong đó cái tính đồng nhất đó không thể hiện ra, thái độ của các tiểu thuyết gia từ chối sự chất vấn về bản tính công việc của mình và sự thích hợp của các hình thức họ sử dụng, các hình thức không thể tự tra vấn mà không tiết lộ tức khắc sự bất hợp, sự dối trá của chúng, các hình thức cung cấp cho chúng ta một hình ảnh về thực tại trái nghịch lộ liễu với cái thực tại đã sinh ra chúng và chúng cần phải giữ im lặng. Ở đấy có những bip bợm mà nhà phê bình cần phải tố cáo, bởi vì các tác phẩm ấy, mặc dầu có dễ thương và có công trạng, vẫn duy trì và tô đậm thêm bóng tối, nắm giữ ý thức trong những mâu thuẫn, trong sự mù quáng có thể dẫn tới những rối loạn tai hại.

Kết quả của các nhận xét trên đây là mọi thay đổi thực sự về hình thức của tiểu thuyết, mọi tìm tòi phong phú trong lãnh vực này, chỉ có thể định vị ngay ở bên trong sự thay đổi về quan niệm tiểu thuyết, đang tiến hóa dù rất chậm chạp nhưng bất khả kháng (các tác phẩm lớn của tiểu thuyết ở thế kỷ 20 còn đó để chứng minh cho điều này) hướng tới một thể loại mới của thơ vừa hùng ca vừa giáo huấn,

bên trong sự biến đổi chính quan niệm về văn chương sẽ tự hiện ra không như là sự tiêu khiển đơn thuần hay xa xỉ, mà ở vai trò thiết yếu của nó bên trong việc điều hành xã hội và như cuộc thử nghiệm có phương pháp.

(1955)


Michel Butor, nhà văn, nhà thơ, nhà viết tiểu luận và phê bình thuộc trào lưu "tiểu thuyết mới", sinh năm 1926 tại Mons-en-Barcoeul, Pháp. Tiểu thuyết: Passage de Milan (1954), L'emploi du temps (1956), La modification (1957), Degrés (1960).

© 2004 talawas



[1]Các cuốn truyện của Daniel Defoe như Life and Strange Surprising Adventures of Robinson Crusoe hay Robinson Crusoe (1719), Moll Flanders (1722), A Journal of the Plague Year (1722) đã được xuất bản như là những truyện ký (nhật ký) thật sự, không ghi tên tác giả "Daniel Defoe". Năm 1724 cuốn A General History of the Pyrates by a Captain Charles Johson được xuất bản và 200 năm sau người ta mới khám phá ra tác giả chính là Daniel Defoe.
Nguồn: dịch từ tiếng Pháp: "Le roman comme recherche", trong Essai sur le roman, Gallimard, 1992