© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
31.8.2004
Nguyễn Trọng Văn
Ý nghĩa chiến tranh có thể tìm thấy trong xảo thuật điện ảnh Mỹ hay những trang viết hậu hiện đại không?
 
Sau khi đọc bài Chiến tranh như một thi pháp của Nguyễn Hưng Quốc (talawas 06.7.2004) và bài Văn chương về chiến tranh Việt Nam và nhu cầu sáng tạo bút pháp mới của Hoàng Ngọc-Tuấn (talawas, 08.7.2004) tôi có vài ý kiến mong được trao đổi.


1.

Trước nhất, xin nói về những ưu điểm trong cách đặt vấn đề. Anh Nguyễn Hưng Quốc (NHQ) và anh Hoàng Ngọc-Tuấn (HNT) đã đặt vấn đề cần có bút pháp mới để viết về đề tài chiến tranh nói chung, cũng như về chiến tranh Việt Nam, nói riêng. Ðặt vấn đề như vậy là gãi đúng chỗ nhức nhối của văn học chiến tranh Việt Nam mấy chục năm trở lại đây: chính chúng ta cũng thường tự hỏi cuộc chiến “thần thánh”, “vĩ đại” như vậy mà sao cho tới giờ phút này chưa có một tác phẩm lớn - chứ đừng nói là “vĩ đại” - tương xứng? Phải chăng vì chúng ta thiếu một bút pháp thích hợp để diễn tả một nội dung tầm cỡ vĩ mô, quá phong phú, quá phức tạp? Hay vì những lý do nào khác?

Ngoài ra, cách đặt vấn đề của NHQ và HNT cũng tương đối mới mẻ, bắt mắt: nhu cầu sáng tạo bút pháp mới, chiến tranh như một thi pháp. Bút pháp mới thì còn “khả đoán”, bút pháp cũ không xài được, cần bút pháp mới, chắc là vấn đề “hiện thực” và “hậu hiện đại”. Ðề tài “chiến tranh như một thi pháp” có tính thách đố, bất “khả đoán”: chiến tranh là tàn phá, chết chóc, sao lại là một thi pháp, một nghệ thuật? Nghệ thuật tàn phá, chém giết, những cái chết mang đầy tính “thẩm mỹ“, chết rất ngọt ngào, rất dịu dàng…? Dù câu trả lời là thế nào cũng phải nhận rằng “tiếp thị” như vậy là thành công, vì nó khêu gợi trí tò mò, tìm hiểu, tìm đọc.

Sau cùng, điều phải ghi nhận thiện chí của hai anh. NHQ và HNT có dịp tiếp xúc với các trào lưu văn học mới (nhất) của phương Tây, từ nhiều phía, với những cuộc tranh luận giữa các nhà văn, các triết gia hậu hiện đại... Bắt mạch được tình hình “ao tù nước đọng” của văn học trong nước, hai anh đã sốt sắng phổ biến lý luận, bút pháp hậu hiện đại. Tôi có dịp đọc - lõm bõm, không đầy đủ - những tài liệu, bài vở, những bản dịch về hậu hiện đại của hai anh. Quả là những nỗ lực và thiện chí đáng trân trọng.


2.

Xin vào đề. NHQ và HNT quan niệm cách nói nhiều khi quan trọng hơn nội dung nói ra, đây là điều tôi muốn trao đổi. Cũng xin “thành thật khai báo” là tôi rất thiếu tài liệu về hậu hiện đại, những sách báo tài liệu có tính kinh điển về hậu hiện đại mà các anh liệt kê tôi không có một cuốn nào hết, những điều tôi nói về hậu hiện đại chỉ căn cứ trên bài Chiến tranh như một thi pháp của NHQ và bài Văn chương về chiến tranh Việt Nam và nhu cầu sáng tạo bút pháp mới của HNT.


2.1. Về bài của Nguyễn Hưng Quốc

2.1.1. Nhìn chiến tranh Việt Nam từ góc độ văn hóa là góc nhìn “cần thiết và thú vị nhất”?

Chiến tranh Việt Nam có thể nhìn từ nhiều góc độ (lịch sử, chính trị, xã hội, tâm lý, văn hóa, điện ảnh), mỗi góc độ có cái cần thiết và thú vị riêng, tại sao nhìn từ góc độ văn hóa lại cần thiết và thú vị nhất? Nói rằng cái nhìn văn hóa cho thấy những động lực thầm lặng, những bộ mặt khác nhau của chiến tranh, tâm hồn sâu thẳm của những người tham dự chiến tranh… e không đúng, vì những cái nhìn kia cũng cho thấy những điều này. Vậy “cần thiết thú vị nhất” nên hiểu theo nghĩa nào? Tôi hiểu thế này: Với NHQ, và cả HNT, chiến tranh là một hiện thực nhưng, về mặt văn học nghệ thuật, biến cái hiện thực đó thành một thi pháp, một tác phẩm nghệ thuật mới là điều cần thiết và thú vị. HNT cũng nói: Từ một bức nhiếp ảnh thực rõ ràng, chính xác, đến một bức nhiếp ảnh nghệ thuật, là một khoảng cách rất xa.

Nếu cách hiểu trên là đúng thì có một vấn đề nẩy sinh: Ở đây, bây giờ những nạn nhân chất độc da cam đang muốn nhìn chiến tranh dưới góc độ hiện thực (chính nghĩa-phi nghĩa, thắng-bại, trách nhiệm bồi thường chiến tranh) còn các anh lại muốn nhìn chiến tranh dưới góc độ nghệ thuật, đi giữa và vượt trên chính-tà, thắng-bại, giữa hai lối nhìn trên, lối nhìn nào là “cần thiết và thú vị nhất”?


2.1.2. Siêu-tự sự (metanarrative) là điều không bao giờ có thực?

Khẳng định này tạo một áp lực tinh thần rất ghê gớm, nó làm tê liệt mọi ước muốn sáng tạo của cá nhân. Khẳng định này dựa trên tiền giả định: Thời đại của những huyền thoại lớn đã chấm dứt (bốn biển một nhà, giải phóng nhân loại, huyền thoại khai sáng, huyền thoại cách mạng giải phóng, khoa học kỹ thuật cứu rỗi loài người…) Sự thực không phải, để phản biện lại, ta có ba tiền gỉả định khác cũng đáng quan tâm và được thực tiễn kiểm nghiệm:

Thứ nhất: Mythos và Logos luôn luôn song hành, không bao giờ có thể hư vô hóa một trong hai thứ, chúng mang những tên gọi khác nhau mà thôi (Thí dụ: giải phóng nhân loại( chiến tranh xâm lược, chiến tranh giải phóng/bốn biển một nhà( hội nhập, toàn cầu hóa/ bóc lột+chống bóc lột( hợp tác để phát triển, hai bên cùng có lợi…)

Thứ hai: Siêu-tự sự (đại-tự sự) và tiểu-tự sự luôn luôn là những điều có thực. Tương tự như trong máy vi tính, lúc này file tiểu-tự sự là hiện hành, nó xuất hiện trước màn hình, điều này không có nghĩa là file đại-tự sự không có, nó chỉ không xuất hiện mà thôi, với một cái click, file đại-tự sự trở thành hiện hành, nó xuất hiện trước màn hình, điều này không có nghĩa là file tiểu-tự sự không có… Thí dụ: về chiến tranh Việt Nam, nếu bạn enter mật khẩu “Trách nhiệm” thì cả một hệ thống đại-tự sự, mà người ta tưởng không bao giờ có thực, xuất hiện: sự đụng độ giữa những nền văn minh (nông nghiệp-hậu công nghiệp), chiến tranh xâm lược -chiến tranh giải phóng, chính nghĩa-phi nghĩa, chiến thắng-chiến bại, trách nhiệm và liên đới trách nhiệm, bồi thường chiến tranh, chất độc da cam, v.v.

Thứ ba: đại-tự sự, tiểu-tự sự cùng tồn tại, như cặp phạm trù cái chung-cái riêng, và cùng được “nâng cấp” theo chu kỳ hình xoáy ốc, trở lại cái cũ nhưng ở một trình độ cao hơn. Xét cho cùng, nhân loại từ mấy nghìn năm nay chỉ làm dăm ba động tác “khả đoán” khá buồn tẻ: thờ kính thần linh, lao động sản xuất, chiến đấu (Mircia Eliade)… Ngày nay, có thêm được mấy thao tác mới như du hí-hưởng thụ, khám phá và phá hoại thiên nhiên… Ðó vừa là đại-tự sự đồng thời cũng là tiểu-tự sự. Thí dụ về phát triển hình xoáy ốc, trở lại cái cũ nhưng ở trình độ cao hơn: cũng là chiến tranh nhưng ngày xưa người ta dùng cung tên, gươm đao, giáo mác, voi ngựa, ngày nay dùng súng đạn, liên thanh, đại bác, xe tăng, V1, V2, Mig 21, B52, hỏa tiễn liên lục địa, bom nguyên tử, bom vi trùng, WMD, chiến tranh giữa các vì sao... Tóm lại, đại-tự sự và tiểu-tự sự đều là những điều luôn luôn có thực.


2.1.3. Chính nghĩa hay phi nghĩa không quan trọng, một tác phẩm viết về chiến tranh thì chỉ có thể hay hay dở; trong thế giới nghệ thuật cái hay nhất bao giờ cũng là cái đúng nhất?

Chính nghĩa hay phi nghĩa không quan trọng? Khẳng định này hơi khác thường. Những thí dụ về phim ảnh Mỹ và Ronald Reagan do NHQ đưa ra hoàn toàn chứng minh ngược lại:

Rambo: Từ những năm 80 trở về sau, với sự xuất hiện của Rambo, First Blood 2, phim ảnh (Mỹ) về chiến tranh Việt Nam bỗng có âm hưởng anh hùng ca rất rõ, lính Mỹ không còn là những kẻ thua trận nữa mà là những anh hùng hầu như bất khả xâm phạm! Không biết NHQ viết nghiêm túc hay có ý mỉa mai, vì tại Việt Nam chỉ có trẻ con mới khoái phim Rambo còn người lớn, có chút học thức, biết suy nghĩ, chẳng ai thèm xem chứ đừng nói là thích phim đó, coi nó là anh hùng ca, bất khả xâm phạm! Những gì không đạt được trong thực tế cuộc chiến Việt Nam thì đạt được trên màn ảnh thông qua Rambo. Nói cách khác, Rambo là sự thể hiện ngu xuẩn và rõ nét nhất mặc cảm chiến bại của tướng lãnh và binh lính Mỹ tại Việt Nam. Trên quê hương của chiến tranh nhân dân, Rambo tiêu biểu cho những anh hề. Và chỉ những anh hề nghiệp dư mới ca tụng anh (hùng) hề chuyên nghiệp.

Ronald Reagan: Hoa Kỳ là sức mạnh vô địch, Hoa Kỳ không thua ai cả, chỉ thiếu quyết tâm chiến thắng mà thôi! Người ta thường nói dân tộc Anh nổi tiếng vì óc hài hước, bây giờ, qua ông R. Reagan, người ta được biết thêm dân Mỹ cũng có óc hài hước không kém: biết bao tiền bạc xương máu đổ ra chỉ để đánh nhau chơi, không cần chiến thắng! Lẩn thẩn, tôi khám phá ra người Việt mình còn có óc hài hước hơn cả người Anh, người Mỹ: người ta hỏi một anh chàng chơi cờ kết quả ra sao, anh nói: ván đầu tôi không thắng, ván hai hắn không thua, ván ba tôi xin hòa hắn không chịu!

Cái hay nhất bao giờ cũng là cái đúng nhất? Khẳng định này cũng hơi khác thường. Chúng ta có 4 khà năng: 1) Làm tốt điều tốt=tốt (chiến thắng + chiến tranh chính nghĩa), 2) Làm không tốt điều tốt = xấu (chiến bại + chiến tranh chính nghĩa), 3) Làm tốt điều xấu = xấu (Mỹ thắng + chiến tranh xâm lược), 4)Làm không tốt điều xấu = xấu (Mỹ thua + chiến tranh xâm lược). Trường hợp 1 và 4 quá rõ ràng, không có gì để nói, hãy xét trường hợp 3: nhờ xảo thuật điện ảnh (trình độ rất cao, rất chuyên nghiệp) có thể đổi phi nghĩa, chiến bại thành chính nghĩa, chiến thắng, như vậy cái hay nhất xem ra cũng là cái đúng nhất? Không phải đâu, làm tốt điều xấu vẫn là xấu, là sai, không thể lẫn lộn thành điều tốt, điều đúng được!


2.1.4. Chiến tranh như một thi pháp?

Phán đoán có tính bất “khả đoán” trên càng trở nên bí hiểm và thách thức khi đi đôi với một khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Nhà văn lớn là kẻ buộc hiện thực phải bắt chước mình. Chứ không phải ngược lại”.

Chiến tranh như một thi pháp = chiến tranh như một tác phẩm nghệ thuật, một sáng tạo văn chương, một kiến tạo lại hiện thực một cách nghệ thuật hơn, thẩm mỹ hơn... Dù là gì thì cũng có hai thực tế không thể lẫn lộn được: chiến tranh như một hiện thực (có súng đạn, xác chết, thắng bại) và chiến tranh như một thi pháp, một tác phẩm văn học nghệ thuật (ngẫu nhiên, hỗn độn, thực-ảo mơ hồ, lẫn lộn sống –chết, thắng bại, đa thanh, đa tuyến, đa tầng, phi tuyến tính, truyện trong truyện, truyện về truyện, phá vỡ thể loại…) Nói chiến tranh như một tác phẩm văn học nghệ thuật tức là nói tác giả, tác phẩm và người xem (người đọc, nhà phê bình), điều đặc biệt của tác phẩm chiến tranh là tác gỉả, tác phẩm và người xem đều là một, tôi vừa là tác giả, tác phẩm đồng thời vừa là người xem, nhà phê bình.
Có thể diễn tả theo trật tự tuyến tính như sau:
Tác giảTác phẩmNgười xem
 
Pháphiện thựcPháp
Mỹchiến tranhMỹ
Việt Namnhư một thi pháp
Pháp, Mỹ, Việt Nam
Việt Nam
Theo lý luận hậu hiện đại, chiến tranh cần xét như một thi pháp, phi tuyến tính, cực kỳ phức tạp, đa tuyến, đa tầng. Vấn đề là người Mỹ và người Việt ở cột3 - cổ vũ cho bút pháp hậu hiện đại - muốn coi chiến tranh như một thi pháp trong khi cũng người Mỹ và người Việt (trong đó có những nạn nhân chất độc da cam) ở cột 2 và cột 1 có thể lại muốn coi chiến tranh như một hiện thực.

Nói nhà văn lớn là người buộc hiện thực bắt chước mình, chứ không phải ngược lại cũng có nghĩa là nói con người sinh ra để gán ý nghĩa cho mọi sự vật, còn mọi sự vật thì không hề có khả năng đó. Tuy nhiên, vấn đề là gán nghĩa đúng hay sai; mặt khác, nếu ai cũng muốn tái cấu trúc ký ức và quá khứ phục vụ nhu cầu hiện tại, muốn đem lại ý nghĩa mới mẻ cho cuộc chiến theo mục đích chính trị xã hội của mình thì căn cứ vào đâu mà cho rằng những đòi hỏi của người Mỹ và Việt (hải ngoại) ở cột 3 chính đáng hơn, cần thiết và thú vị hơn những đòi hỏi của người Mỹ và người Việt ở cột 2 và cột 1? Nói như vậy có phải là chủ quan và thiếu công bằng không? Tóm lại, một khẳng định rất ấn tượng nhưng thiếu chính xác và tính thuyết phục.



2.2. Về bài của Hoàng Ngọc-Tuấn

Bài của HNT có hai điểm cần trao đổi: phủ nhận giá trị của cái cũ, tiếp nhận “rác rưởi” của cái mới.


2.2.1. Về điểm thứ nhất:

Khi bàn về bút pháp cũ của những nhà văn “chiến tranh” như Wilfred Owen, Stephen Crane, George Orwell, E.Hemingway…, HNT có nói về những đặc tính chung của họ như mô tả hiện thực theo trật tự tuyến tính, câu chuyện về đối lập đạo đức và tội ác, thực trạng hỗn loạn của chiến tranh và tác phẩm văn chương tạo nên một trật tự cho sự hỗn loạn ấy (nhờ tác phẩm văn chương, con người thấy rõ hiện thực chiến tranh hơn…) Nỗ lực tìm kiếm một trật tự cho sự hỗn loạn là một ý tưởng quan trọng, không những nó đem lại ý nghĩa cho tác phẩm mà còn cho cả cuộc đời nữa. Tuy nhiên, sang tới chủ nghĩa hậu hiện đại người ta không chú ý tới ý nghĩa, lý do, trật tự nữa: “Họ không muốn đưa ra một chọn lựa rõ ràng nào giữa những quan điểm đối lập sẵn có về chiến tranh, họ đi giữa và đi trên những quan điểm ấy, cho phép những quan điểm ấy giao thoa tự nhiên và đối tác biện chứng. Họ không còn cố gắng vẽ lại thực trạng chiến tranh một cách có trật tự, mà để tác phẩm phát triển tự nhiên theo những dẫn dắt ngẫu nhiên của các sự kiện hư cấu”. Sự loại bỏ có vẻ tùy tiện và máy móc. Bút pháp mới vượt qua những đặc tính của bút pháp cũ, trong đó có vấn đề nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa. Hình như tiêu chuẩn để vượt qua là: cũ có đặc tính gì thì mới phải loại bỏ, vượt qua hoặc làm khác đi. Vấn đề là cũ mới gì cũng đều có mặt tốt, mặt xấu, mặt tích cực, mặt tiêu cực. Phủ nhận sạch trơn cái cũ, coi như không có điểm nào tích cực, nhất là về vấn đề ý nghĩa, là điều không hợp lý. Con người không thể vượt qua vấn đề ý nghĩa, ngay cả khi phủ nhận ý nghĩa người ta cũng phải dùng khái niệm ý nghĩa: phủ nhận ý nghĩa là ý nghĩa của sự phủ nhận.

Hegel có một câu nói ỡm ờ dễ làm đau đầu: Những gì có lý thì tồn tại, những gì tồn tại thì có lý. Thực tế cho thấy, cả hai vế đều thiếu sót: có những điều có lý, mọi người mong cho nó tồn tại thì lại không tồn tại; ngược lại, có những điều tồn tại thật phi lý, chướng mắt, đáng nguyền rủa! Có lẽ nên nói ngược lại: cái có lý và vô lý đều tồn tại và không tồn tại, nhưng ý nghĩa cuộc sống của con người là tìm cái có lý hơn là cái vô lý. Trước đó, Shakespeare cũng nói: “Tồn tại hay không tồn tại, đó là vấn đề”, câu nói thật nổi tiếng nhưng rỗng tuếch, vì điều quan trọng không phải là tồn tại hay không tồn tại - con chó, con mèo, bông hoa đều tồn tại - mà là tồn tại cho có ý nghĩa.


2.2.2. Về điểm thứ hai:

Chủ nghĩa hậu hiện đại có thể có nhiều điểm tích cực về mặt lý luận và triết học, tuy nhiên, rất tiếc, HNT chỉ du nhập và giới thiệu những “rác rưởi” của chủ nghĩa hậu hiện đại, về sáng tạo văn học. Tại sao gọi là “rác rưởi”? Những tư tưởng tách khỏi nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa, lý do, trật tự giữa mớ bòng bong, hỗn độn, vô trật tự hoặc đề cao sự lẫn lộn ảo và thực, không gian và thời gian, sống và chết, phải trái -đúng sai... hoặc thái độ dửng dưng, vô cảm, buông xuôi, tự nhiên chủ nghĩa, đều có thể coi là “rác rưởi” của chủ nghĩa hậu hiện đại. Hậu hiện đại là một bước tiến hay bước lùi? Tại sao lại coi những thứ rác rưởi này như những ưu thế của bút pháp mới so với bút pháp cũ, của hậu hiện đại so với hiện đại. Ý nghĩa của cuộc đảo chánh này là gì? Hầu như tất cả các nhà văn, nhà điện ảnh Mỹ viết và làm phim về chiến tranh Việt Nam đều mang mặc cảm chiến bại. Vì mang nặng tâm trạng chiến bại nên cuộc chiến trở nên chiến tranh bẩn thỉu, sai lầm, vô nghĩa, mọi sư việc trở nên mù mờ, khó hiểu, đảo lộn không gian-thời gian, sống-chết, chính-tà, thắng-bại, ý nghĩa-vô nghĩa… Tâm trạng chiến bại cộng với ước muốn bù trừ khiến nhà văn, nhà điện ảnh bóp méo hiện thực – bằng chữ nghĩa, hình ảnh, xảo thuật, bút pháp hậu hiện đại - cho hợp với ý muốn của mình, gán những ý nghĩa chủ quan, sai lệch của mình cho thức tại. Ý nghĩa chiến tranh Việt Nam có thể tìm thấy trong xảo thuật điện ảnh hay trong những trang viết hậu hiện đại không?

Ý nghĩa một câu, chữ (thí dụ chữ “chiến tranh”) không nằm trong chính câu chữ đó mà trong tương quan với những câu chữ khác trong hệ thống (trong tiếng Việt, đó là những chữ: “chiến tranh xâm lược”, “chiến tranh bảo vệ tổ quốc”, “chiến tranh chính nghĩa-phi nghĩa”, chiến tranh du kích”, “chiến tranh nhân dân”… ) hoặc với thực tại bên ngoài câu chữ, có thể là thực tại ảo trong đầu óc (bài Mầu tím hoa sim) hoặc thực tại sống động bên ngoài (trận Ðiện Biên Phủ, đồi A1). Chiến tranh có thể được xét từ hai góc độ khác nhau: chiến tranh như một hiện thực và chiến tranh như một thi pháp, một tác phẩm văn học nghệ thuật. Các nhà điện ảnh, nhà văn hậu hiện đại, nhà văn cựu chiến binh Mỹ và Việt Nam vừa muốn viết về chiến tranh như một tác phẩm văn học nghệ thuật vừa muốn đem lại những ý nghĩa “mới mẻ” cho cuộc chiến hiện thực.

Lối nói xét chiến tranh như một thi pháp, một tác phẩm nghệ thuật, trong một chừng mực nào đó, có tính gian lận. Anh là tác gỉả, là thủ phạm, là nạn nhân của cuộc chiến hiện thực nhưng lại làm như thể mình chỉ là người xem, đứng ngoài cuộc, vượt trên chính-tà, thắng-bại; anh tác động lên cuộc chiến hiện thực bằng những ý nghĩa mới mẻ nhưng lại tránh được những ràng buộc, những trách nhiệm trực tiếp hoặc gián tiếp (Vụ Mỹ Lai, vụ chất độc da cam). Cơ sở của thái độ gian lận trên là gì? Nhờ danh nghĩa nhà văn. Về vấn đề này, bài học Heidegger thật đáng suy ngẫm. Heidegger là một triết gia và nhà thần học vĩ đại, ông đã cổ vũ mạnh mẽ cho Hitler và chủ nghĩa Ðức Quốc Xã; ít ai đề cập tới tình tiết này, nhờ đó ông sống tương đối yên ổn cho tới khi chết. Gần đây, bão táp bỗng nổi lên: người ta đặt vấn đề trách nhiệm đạo đức và chính trị của Heidegger qua việc ông cộng tác với chế độ Ðức quốc xã [1] . Danh nghĩa triết gia che chắn cho ông nhưng danh nghĩa trí thức tố cáo ông. Có thể đồng lõa với tội ác rồi yên lặng làm ngơ trước tội ác không? Danh nghĩa nhà văn che chắn cho Larry Heinemann, Tim O’Brien…, nhưng còn danh nghĩa trí thức? Anh có cảm thấy lương tâm cắn rứt khi nghĩ tới những nạn nhân chất độc da cam, hay đã hoàn toàn vượt trên đúng-sai, thiện-ác, không bộc lộ một chút tình cảm đạo đức, chính trị nào, nhờ danh nghĩa nhà văn hậu hiện đại của mình?

*

Chủ nghĩa hậu hiện đại có hai mảng là lý luận phê bình và sáng tác văn học nghệ thuật. Chúng ta mới làm quen với “bút pháp” hậu hiện đại, phải thú thật, hơi dội. Gần đây, Terry Eagleton lại cho rằng chủ nghĩa hậu hiện đại đã chết. [2] Hy vọng chúng ta có dịp tìm hiểu rõ ràng hơn những điểm tích cực của sáng tác văn học nghệ thuật, và nhất là lý luận phê bình hậu hiện đại.

Tháng 8/2004

© 2004 talawas



[1]Mark Blitz, “The Political Responsibility of Intellectuals”. Reviews of “The Reckless Mind: Intellectuals in Politics” by Mark Lilla, and “Heidegger’s Children: Hannah Arendt, Karl Löwith, Hans Jonas, Herbert Marcuse” by Richard Wolin
http://www.claremont.org/writings/crb/fall2002/blitzintel.html
[2]Terry Eagleton, Culture and Society, 27/9/2003, http://enjoyment.independent.co.uk/books/interviews/story.jsp?story=447321