© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
3.9.2004
TrÆ°Æ¡ng VÅ©
Lối mòn của tâm thức
 
Sau khi cho đăng tải bài viết Vụ kiện William Joiner Center: Ai có quyền viết lịch sử một cộng đồng?, [1] tôi nhận được rất nhiều phản ứng. Ðặc biệt nhất là phản ứng của ông Nguyễn Hữu Luyện và những người yểm trợ ông.

Bài viết của tôi không nhằm biện hộ hay chỉ trích một phe nào trong vụ kiện, chỉ ghi nhận những sự kiện chính để trình bày quan điểm của tôi liên hệ đến các luận cứ được dùng, trong những vận động biến vụ kiện này thành một vụ kiện của cả cộng đồng Việt Nam hải ngoại (CÐVNHN). Chẳng hạn, ai có quyền viết lịch sử một cộng đồng? Ai có quyền áp đặt sự suy nghĩ của họ lên những thế hệ tiếp theo của cộng đồng? Ðâu là những giá trị thật của cộng đồng và có phải những giá trị đó có thể được phủ nhận một cách dễ dàng bởi vài công trình nghiên cứu đầy tính xuyên tạc? Trong một xã hội có trình độ trí thức cao, ai sẽ trả giá về sự bôi bác hay chất lượng yếu kém của công trình, đối tượng nghiên cứu hay chính tác giả? Nếu không hài lòng với những công trình nghiên cứu hay sách vở đã viết về cộng đồng, thì đâu là cách tốt nhất để phản biện trong một xã hội tôn trọng quyền tự do ngôn luận? Riêng về chương trình Rockefeller tại William Joiner Center (WJC), có sự tham dự của 25 nghiên cứu viên (chỉ có 4 người đến từ Việt Nam), có phải tất cả đều nhằm vào việc bôi xấu cộng đồng? Làm sao để đánh giá các công trình đó một cách nghiêm túc, và đưa ra những cách nhìn đứng đắn nếu cần? Nếu chống đối việc cấp học bổng cho học giả đến từ Việt Nam để nghiên cứu về CÐVNHN, thì phải nghĩ sao về việc cấp học bổng cho học giả từ CÐVNHN về nghiên cứu tại Việt Nam? Vụ kiện này, dù kết quả ra sao, có ngăn cản được giới Ðại Học Mỹ hay bất cứ ai sẽ viết về CÐVNHN theo ý của họ hay không? V.v.

Từ những nhận định của riêng tôi, và là một thành viên của cộng đồng, tôi phản đối những vận động biến vụ kiện này thành vụ kiện của cả cộng đồng. Tôi không hề phản đối bất cứ ai yểm trợ hay không yểm trợ ông Nguyễn Hữu Luyện tiến hành vụ kiện đó. Từ đầu đến cuối bài viết, tôi không kết tội ai mà chỉ mong vụ kiện được xử công bằng. Tôi không có quyền và cũng không chọn thái độ đi trên luật pháp để kết tội vị chánh án thiên vị hay thiên tả khi vụ kiện chưa kết thúc. Với tôi, đây là vụ kiện cá nhân. Ðến thời điểm tôi viết những dòng này, với toà án Massachusetts, đây cũng vẫn là vụ kiện cá nhân. Tôi không đi sâu vào và cũng chẳng muốn dính dự vào những tranh cãi trong phòng xử, tôi ghi nhận sự kiện để đưa ra những nhận định về những vấn đề tôi nhắc lại trên đây. Tôi không đọc được một phản biện nào về những nhận định đó.

Bên cạnh những loại chữ nghiã tôi không thể ghi lại ở đây, phản ứng của ông Nguyễn Hữu Luyện và những người yểm trợ ông tràn ngập một số diễn đàn trên liên mạng đã phản ảnh đúng lời kêu gọi của chính ông NHL:“Xin các anh chị khai thác chi tiết để đánh, đánh đồng loạt và thật nhiều người đánh tới tấp.[2] Ðây không phải chỉ là vấn đề ngôn từ. Ðây là vấn đề hành xử và nhân cách. Thật khó để tôi trả lời bài viết sau đó của ông nhan đề “Vụ kiện WJC: Nhìn từ nhiều phiá hay Những suy luận theo cảm tính riêng của ông tiến sĩ vật lý Trương Hồng Sơn bút hiệu Trương Vũ”. Thế nhưng, cũng trên liên mạng, tôi đọc một số góp ý rất chân tình, của Peter Huỳnh Võ [3] và Phạm Văn Thanh [4] , và một bài viết khá nghiêm chỉnh của Hoàng Hữu Nguyên [5] đặt vấn đề với tôi. Ðó là lý do tôi viết bài này, để làm sáng tỏ một số sự kiện nêu trong bài viết của ông Luyện, một số luận cứ từ bài viết của Hoàng Hữu Nguyên, và sau cùng là những chia sẻ với Peter Huỳnh Võ, Phạm Văn Thanh, và tất cả những bạn đọc có thể đồng ý hay không đồng ý với những nhận định của tôi, nhưng đòi hỏi một không khí trao đổi thẳng thắn và lành mạnh.

*


Ông Nguyễn Hữu Luyện (NHL) mở đầu bài phản biện của ông bằng một phần giới thiệu khá dài về những hoạt động “thân cộng” của tôi. Tôi xin miễn có ý kiến về loại giới thiệu kiểu này. Tuy nhiên, trong một tương lai rất gần tôi sẽ có một bài viết liên quan đến những sự kiện ông NHL nêu ra trong phần giới thiệu về tôi, như sự tham dự của tôi vào tuyển tập The Other Side of Heaven chẳng hạn. Sở dĩ phải trình bày trong một bài viết khác vì những sự kiện đó chẳng liên quan gì đến vụ kiện WJC và những nhận định của tôi. Do đó, tôi sẽ trình bày trong một tinh thần khác, một cung cách khác, cho một số độc giả có những lưu tâm về các sinh hoạt trí thức khác hơn cái lưu tâm của một người chuyên tìm hiểu lý lịch.

Bài phản biện của ông NHL có một số điểm cần được làm sáng tỏ:


Tiền quyên góp:

Khi nói về số tiền quyên góp, tôi chỉ nhằm đưa ra những đề nghị sau đó về việc sử dụng một phần của nó cho những công tác tích cực. Tôi không đi sâu vào những chi tiết hay thủ tục pháp lý. Làm sao tôi có thể biết tổng số là bao nhiêu vào lúc tôi viết bài? Nhất là, ông NHL cứ nhắc đi nhắc lại sẽ quyên góp đến 3 triệu đô la từ 3 triệu người Việt tỵ nạn (giả thiết con số 3 triệu người là đúng, và giả thiết là cả 3 triệu người này ai nấy đều hân hoan đóng góp 1 đô la cho vụ kiện này). Trong suốt bài viết khi cần đặt vấn đề tôi đi thẳng vào vấn đề. Không bao giờ dựa trên sự nghi ngờ, rất không nên có trong những trường hợp như thế này. Lưu tâm chính của tôi nằm ở phần thứ hai của bài viết.


Tòa Sơ Thẩm hay Thượng Thẩm:

Ðây là lỗi của tôi. Xin ghi nhận. Tôi có lúng túng khi dịch chữ Superior Court ra tiếng Việt (lúc đầu dùng Sơ Thẩm sau đó thì Thượng Thẩm) và đã không biên tập cẩn thận. Tuy nhiên, lỗi lầm này chẳng liên hệ gì đến nội dung của bài viết.


Về Giáo sư Nguyễn Văn Trung:

Theo tôi biết, GS Trung không nạp đơn cho năm thứ nhất. Vấn đề này có thể phối kiểm dễ dàng vì UMass đã chuyển bản sao mọi hồ sơ dự tuyển cho luật sư bên nguyên. Trường UMass không thể tự ý hủy bỏ hồ sơ của GS Trung để chạy tội. Việc GS Trung được cấp phát học bổng cho năm thứ hai, rồi sau đó vì những lý do nào khác đã từ chối học bổng là một chuyện đáng tiếc, nhưng vẫn không thuộc những trường hợp tôi nêu ra trong bài viết của tôi (xứng đáng + nạp đơn + bị bác + kiện vì kỳ thị). Xin đọc lại kỹ.


Vụ kiện cá nhân hay tập thể (Class Action):

Vào thời điểm này, tại tòa án, vụ kiện William Joiner Center là một vụ kiện cá nhân. Ðây là một sự kiện quan trọng và tôi chỉ ghi nhận sự kiện đó, cho đến khi có phán quyết ngược lại. Tôi không luận về cái đúng, sai trong phán quyết của chánh án.


Vấn đề “perjury”:

Vụ án chưa kết thúc, những tranh cãi giữa hai bên nguyên, bị đang còn tiếp tục. Bài viết của tôi không nhằm vào những tranh cãi trong phòng xử. Những chuyện “perjury” nếu có, tôi tin tòa án sẽ xét xử công bằng. Tuy nhiên, dù kết quả như thế nào chăng nữa, vẫn không liên hệ đến những điểm chính trong bài viết của tôi. Tôi cũng xin miễn có ý kiến về những từ ngữ có tính cách mạ lỵ như “đại bịp” dành cho một người nào đó.


Viết theo cảm tính:

Thế nào là viết theo cảm tính? Theo tôi, đó là viết không dựa vào sự kiện, không có dẫn chứng, không có luận cứ, chỉ viết theo suy đoán, theo thương ghét của mình. Viết một cách khơi khơi là bà chánh án thiên vị, Kevin Bowen là tay đại bịp, hay chụp mũ người đối thoại là thiên cộng mà không đưa ra được những luận cứ vững chắc mới nên gọi là viết theo cảm tính. Cách gán ghép người khác viết theo cảm tính của ông Luyện khá giống với cách gán ghép của một ông nhà báo vùng DC. Ông này cũng kết tội người khác viết theo cảm tính. Nhưng chính ông ấy đã viết một cách chắc nịch là ông biết Trần Văn Thủy (TVT) không thể tiếp đón Hoàng Khởi Phong (HKP) ở Việt Nam, như HKP đã tiếp đón TVT ở California. Ông dùng sự phỏng đoán này làm nền tảng cho những phê phán của ông. Là nhà báo, ông không cần lấy tin, không cần nhấc cái điện thoại cho HKP mà ông xem là bạn, để soát lại sự phỏng đoán của mình. Rốt cuộc đưa ra một cả quyết hoàn toàn sai với sư thực, mà không phải chỉ một cả quyết như vậy thôi. Theo tôi, viết như vậy mới là viết theo cảm tính.

Theo dõi những sinh hoạt vận động cho vụ kiện, còn có một não trạng tôi không thể nào chia sẻ được [6] :

  1. Mướn LS Keane đại diện cho mình, lúc đầu ca ngợi hết sức, đến khi mọi chuyện xẩy ra không như mình muốn (có thể vì luật sư kém mà cũng có thể vì “case” của mình yếu kém về pháp lý) thì tuyên bố là LS Keane phản mình. Tệ hại hơn nữa, kết tội ông Keane ăn tiền của bên bị (WJC) mà không đưa ra được chứng cớ nào. Rất may, ông Keane không đọc được tiếng Việt.
  2. Vụ kiện chưa kết thúc nhưng có vài phán quyết không thuận với mình thì tuyên bố là Bà chánh án thiên vị và thiên tả.
  3. Khi các giáo sư của ông NHL, như Peter Kiang và Judith Smith, giúp đỡ tận tình thì ca ngợi họ hết lời, đến khi họ không đồng ý thì đi kiện nói rằng họ trả thù. Trong tất cả các giáo sư ở UMass, không có lấy một người đồng ý với ông NHL kể cả giáo sư hướng dẫn của ông.
  4. Nhân danh bảo vệ diện mạo của cộng đồng, trong đó quan trọng nhất là diện mạo của một tập thể có ý thức về quyền tự do ngôn luận, nhưng nếu ai không đồng ý thì chụp mũ, mạt sát, và đòi “đánh tới tấp”.

Ngoài ra, tung tin“UMass đòi bồi thường 250 ngàn đô la cùng một bức thư xin lỗi nhưng ông NHL đã bác bỏ đề nghị đó” là một cách tung tin không có bất cứ một chứng cớ nào được trưng dẫn mà vẫn được lặp đi lặp lại. Nhất là từ khi kiện năm 2000 tới nay, phía bên nguyên chưa từng thắng một tranh tụng pháp lý nào - thua kiện ở Hội Ðồng Bài Trừ Kỳ Thị, thua kiện về yêu cầu tố tụng với tư cách tập thể, bị chánh án nhận xét là vụ kiện thiếu cơ sở pháp lý, và gần đây nhất, ra lệnh đình chỉ mọi chất vấn phía bên bị (xin xem lại bài viết trước của TV). Nếu quả thật UMass đề nghị như vậy thì đây là một đại thắng cho ông NHL và những người yểm trợ ông, còn muốn gì hơn nữa mà bác bỏ? Và, nếu coi đây là vụ kiện của cộng đồng, sao không hỏi ý kiến của cộng đồng trước khi quyết định bác bỏ?

*


Trong bài viết của ông Hoàng Hữu Nguyên (HHN), dù không đi thẳng vào những nhận định của tôi, ông đặt cho tôi một câu hỏi khá nghiêm túc là “Trường đại học Mỹ có làm chính trị hay không?”, xem như câu trả lời của tôi sẽ là một tiền đề để biện minh hay làm sụp đổ mọi nhận định khác của tôi. Có điều hơi ngộ là sau khi hỏi, ông HHN lại gán cho tôi những câu trả lời khiến tôi... không biết làm sao để trả lời cho phải phép. Ngoài ra, mặc dầu tôi chưa trả lời câu hỏi đó mà ông đã gán thêm cho tôi là “chỉ giả bộ không biết thôi”. Tôi đành xem như không có những gán ghép như vậy để trả lời cho dễ.

Theo tôi, nơi nào có đời sống, nơi đó có chính trị. Như vậy chắc chắn câu trả lời là “Có”. Tuy nhiên trả lời như vậy cũng chẳng nói lên được gì cả. Trong bài viết của tôi, tôi không mang vấn đề chính trị ra nói là vì vậy. Vấn đề quan trọng là thứ chính trị gì. Lấy hai ví dụ hoàn toàn khác nhau cho dễ hiểu. Chính trị Mỹ ở thời này chắc chắn là khác với chính trị ở Liên Sô vào thời Stalin. Ðại học Mỹ ở thời này chắc chắn là khác với đại học ở Liên Sô thời Stalin. Cả hai đều có chính trị, nhưng chữ “Có” không thôi không nói lên được điều gì về giá trị nhân văn, giá trị hàn lâm, và về luật chơi chính trị ở hai loại đại học đó. Trở lại chuyện đại học Mỹ. Ðại học Mỹ chịu ảnh hưởng của chính trị Mỹ và ngược lại. Nhưng, ở mỗi lãnh vực, có trò chơi chính trị, luật chơi chính trị riêng của nó. Những áp lực quần chúng cũng vậy, có thể quan trọng đối với một chức vụ dân cử vì sức mạnh của lá phiếu, nhưng sẽ không có hiệu lực nào hết nếu áp lực đó đụng vào những nền móng của chính trị Mỹ.

Ở nước Mỹ, nhóm Nazi có ảnh hưởng về quyền lực gần như không đáng kể so với cộng đồng Do Thái. Thế nhưng, vào các năm 1977- 1978, mặc dầu bị phản đối mạnh mẽ bởi dân chúng và chính quyền địa phương, và mãnh liệt nhất dĩ nhiên là áp lực chính trị của cộng đồng Do Thái, nhóm Tân Nazi vẫn được Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ (TCPV) cho phép tổ chức cầm cờ Nazi, mặc quân phục Nazi diễn hành qua khu Krokie của người Do Thái thuộc tiểu bang Illinois. Không phải TCPV thương mấy anh Nazi, họ chỉ phải bảo vệ cái nền móng chính trị của họ, trong đó có Quyền Tự Do Phát Biểu.

Trở lại khuôn viên đại học, những áp lực buộc UMass không được cấp học bổng cho những tuyển viên đến từ Việt Nam, để nghiên cứu về những đề tài liên hệ đến cộng đồng Việt Nam có hợp với những nguyên tắc có tính cách nền móng của đại học Mỹ hay không? Theo tôi, không. Cần để ý là trong những buổi vận động đầy khí thế vừa qua, có sự hiện diện của nhiều khuôn mặt chính trị của Mỹ, nhưng không thấy bóng dáng một giáo sư nào của UMass, hay một giáo sư có tầm cỡ nào của đại học Mỹ. Nhân đây, tôi muốn góp thêm một ý kiến. Dùng áp lực quá độ so với mức tệ hại nếu có của vấn đề, thường tạo ra những phản ứng ngược. Sự kiện Rockefeller cấp cho WJC thêm một ngân khoản 250 ngàn đô la để kéo dài và mở rộng chương trình nghiên cứu thêm 3 năm nữa có nên được xem là một phản ứng ngược không? (Trong danh sách tuyển viên niên khóa 2004- 2005 có hai học giả hải ngoại nghiên cứu về đề tài ở trong nước - Tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu và Tiến sĩ Christina Schwenkel)

Nói gì thì nói tôi vẫn tin vào những giá trị thật của CÐVNHN và sức mạnh của những giá trị đó trong một đất nước tự do và có trình độ trí thức cao. Thay vì chọn thái độ ngăn chận, tôi chọn thái độ thách thức, thách thức mọi sự bôi bác. Tôi không tin khả năng bôi bác của một vài công trình nghiên cứu có thể lấy đi những giá trị đó. Ngược lại, tôi tin tính bôi bác nếu có của công trình sẽ bắt tác giả và cơ quan yểm trợ họ trả một giá rất cao. Một trong những lý do để một số nhà chính trị chủ trương độc tài, dù dùng bất cứ danh xưng nào, chỉ vì họ không tin vào sức mạnh này của tự do. Với họ, ngăn cản hay dẹp những sách vở không thích chắc ăn hơn.

Nói như thế không có nghĩa là trong một xã hội tự do chúng ta không cần phải tranh đấu gì cả. Vẫn phải tranh đấu, nhưng tranh đấu trong đúng luật chơi của nó và tương xứng với mức độ tệ hại của vấn đề. Giảm thiểu hay vô hiệu hóa một công trình nghiên cứu phải bằng một hay nhiều công trình nghiên cứu khác có chất lượng hơn, hay bằng những phản biện có giá trị hàn lâm. Nếu sợ công trình nghiên cứu ngoài khuôn viên đại học không đủ uy tín thì yểm trợ hay hợp tác với một hay nhiều đại học khác, thực hiện công trình đó theo chiều hướng của mình. Ngăn cản tiếng nói của người khác, đòi tịch thu công trình nghiên cứu của người khác (ngoại trừ những tiếng nói hay công trình nghiên cứu khích động tội ác, kỳ thị chủng tộc, hay đại loại như vậy về mức độ tệ hại đến tận cùng của nó), dù nhân danh bất cứ thứ chính trị nào, đều không hợp với luật chơi trong đại học Mỹ. Càng áp lực càng đem lại phản ứng ngược.

Về các câu hỏi khác của ông Hoàng Hữu Nguyên, kiểu như luận về trí thức và kẻ sĩ, tôi xin miễn trả lời. Nó trẻ con quá!

Trong bài của ông NHL và trong vài phát biểu trên liên mạng, tôi cảm nhận được sự khinh thường đối với những học giả, giáo sư gốc Việt lớn lên ở Mỹ, coi thường khả năng của họ khi nghiên cứu về cộng đồng hay nghiên cứu về Việt Nam. Tôi xin nhắc lại điều này: sở dĩ cộng đồng này được kính trọng phần lớn là nhờ khả năng của “bọn trẻ” đó.

Trước khi kết thúc bài viết này, tôi đọc được một bài viết của BS Phạm Hữu Trác (BST), nhan đề “Ý nghĩa một ngày hội”, [7] do một người bạn chuyển đến. Tôi xin có vài góp ý với bài viết đó, mặc dầu BST không thực sự phản biện những nhận định chính tôi đã nhắc lại trong phần mở đầu cho bài viết.

Thứ nhất, theo ông,“Là đối tượng nghiên cứu, tất nhiên cộng đồng có phản ứng đối với một chủ đề ngạo mạn mưu toan tái xây dựng diện mạo và quê hương của chính mình. Và đó là quyền lợi chính đáng.” Tôi nghĩ đây là một chương trình “nghiên cứu về diễn trình (tái) xây dựng diện mạo...” chớ không phải để “mưu toan tái xây dựng diện mạo...”. Hai cái nghĩa đó và hai việc làm đó hoàn toàn khác nhau. Nghĩa sau rất tồi tệ, dĩ nhiên. Sự sai lầm này - tôi hy vọng không phải cố ý - cũng được nhìn thấy trong một số bài trên cùng website với bài của BST.

Thứ hai,“để trả lời những ai cho rằng tự trị đại học bất khả xâm phạm”, ông dẫn chứng một số trường hợp bị chế tài ở đại học, đặc biệt là trường hợp của TS Nancy Strout thuộc đại học Southern Maine. Tôi không rành về chuyện xẩy ra ở Montreal, và BST cũng không nói họ phạm lỗi gì. Riêng trường hợp TS Nancy Strout, bà (hay cô) đã ngụy tạo data trong ít nhất 50 cuộc phỏng vấn, ngoài ra còn có những gian dối liên quan đến chuyện tiền bạc. Xin lên website trong phần ghi chú để hiểu rõ hơn vấn đề này [8] . Những chuyện chế tài vì gian dối hay ngụy tạo data không liên quan gì đến chuyện tự trị đại học và có thể xẩy ra cho bất cứ ai, bất cứ nơi nào. Trường đại học nào cũng phải theo những cái code of academic ethics, code of academic conduct của họ. Không ai bảo là cứ tự trị đại học thì muốn làm gì thì làm. Những dẫn chứng của BST chỉ có nghĩa khi nào chứng minh được rằng ông Kevin Bowen, chẳng hạn, hay UMass đã vi phạm những cái code đó, do đó kiện họ về những vi phạm đó. Tôi không hề chống đối chuyện này. Thế nhưng, những vụ kiện loại đó vẫn không phải là vụ kiện của cả cộng đồng. Cũng như, những vụ mà BST nhắc đến không phải là của cả nước Canada hay cả nước Mỹ. Bởi vì, nếu đúng như vậy, thì mỗi ngày, mỗi người trong chúng ta sẽ bị lôi cuốn vào không biết bao nhiêu vụ kiện như vậy ở trong hay ngoài khuôn viên của 4 ngàn trường đại học ở Mỹ. Ngoài ra, bất cứ vụ kiện cá nhân nào sau khi đã thành án đều có lợi cho một số người, hoặc ít hoặc nhiều, không có nghĩa là vụ kiện nào cũng là vụ kiện tập thể.

Thứ ba, khi chỉ trích sự có mặt của hai ông Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi trong chương trình nghiên cứu, bác sĩ PHT cho rằng“Trong phạm vi bài này, không cần bàn đến nội dung dù có công bố.” Tôi hơi bỡ ngỡ. Theo tôi hiểu, lý do chính để vận động sự yểm trợ cho vụ kiện này, là “tin” rằng nội dung các công trình nghiên cứu của họ sẽ là để bôi bác, nhục mạ, viết sai lệch lịch sử của cộng đồng, v.v. Khi nói “không cần bàn đến” có phải vì biết rằng sự thật có thể không xẩy ra như điều mình suy đoán, nên bàn đến hay không bàn đến chỉ tùy theo có lợi hay không có lợi cho mình thôi.

Thứ tư, BST viết “Với số tiền này, thay vì (...), WJC đem phân phát như là một ân huệ cho nhiều người có quan điểm giống họ.” Tôi nghĩ ông nên rút lại câu sau vì đó là một sự xúc phạm danh dự cho những người trong cuộc, mà không ai biết là những người nào trong số 25 người tham dự vào chương trình. Nếu ông biết rất rõ từng người xin hãy nói ra và chịu trách nhiệm về lời nói của ông.

Thứ năm, theo BST mục đích thứ nhất của vụ kiện là “nhằm chủ đích vô hiệu giá trị hàn lâm của chương trình WJC, để bảo vệ sự thật, để các thế hệ tương lai không bị lừa dối,...” . Với tôi, đây là điểm quan trọng nhất trong toàn bài của ông. Phần tôi, cho đến nay tôi chưa hề có ý kiến về giá trị hàn lâm của toàn bộ chương trình WJC, vì tôi chưa được đọc tất cả. Tôi tin BST, ông NHL hay bất cứ ai khác cũng đều chưa đọc toàn bộ kết quả của chương trình đó. Tuy nhiên, nếu không có chứng cớ rõ ràng là WJC toa rập với một số tuyển viên, để gây nên những vi phạm trắng trợn như ngụy tạo tài liệu và thông tin nhằm mục đích bôi nhọ sự thật hay kích động tội ác, thì kết quả của một vụ kiện như vậy không thể vô hiệu hóa giá trị hàn lâm của một chương trình. Thắng kiện hay thua kiện, tác phẩm cũng sẽ còn đó. Tác phẩm có chất lượng thì tác giả tăng uy tín, cơ quan bảo trợ (WJC và cả Rockefeller) tăng uy tín, và ngược lại. Sẽ có người được, sẽ có kẻ thua về phương diện hàn lâm, kéo theo cái được cái thua cho các cơ quan nói trên. Nhưng, điều quan trọng nhất để bảo vệ sự thật vẫn là ở chính sự thật. Bên cạnh đó, cách tốt nhất để vô hiệu hóa giá trị hàn lâm của một chương trình vẫn phải bằng những giá trị hàn lâm, như tôi đã trình bày trong bài viết trước và được nhắc lại trong phần trả lời ông Hoàng Hữu Nguyên.

Sau cùng, BST có nhắc đến vụ kiện thứ hai liên quan đến GS Judith Smith. Trong bài viết trước đây, khi nói đến vụ kiện này tôi chỉ nhắc đến bà Smith mà không nhắc đến GS Gora, Viện trưởng đại học, vì trong thực tế GS Smith giữ vai trò quyết định trong việc không gia hạn cho ông NHL tiếp tục chương trình cao học. GS Smith vừa là Trưởng khoa vừa là giáo sư của ông NHL, và ông Luyện đã nói những lời biết ơn rất trân trọng dành cho bà và GS Peter Kiang, trong một bản tường trình của ông NHL viết vào năm 2000. BST cho rằng ông NHL đã đóng học phí 6 tháng một lần nên đương nhiên phải giữ được hiệu lực. Phần tôi, tôi không dám võ đoán về lý do vì sao ông bị “trả thù”, nên chỉ có thể nói đây là một điều rất khó hiểu đối với tôi. Theo tôi biết, khi sinh viên cao học không nộp thesis hay project đúng hạn vào lúc mãn khóa, sinh viên đó có thể xin gia hạn và nộp lệ phí. Vấn đề gia hạn dễ dàng trong mấy năm đầu, sau đó phải có lý do chính đáng. Trả lệ phí cho học kỳ này không có nghĩa đương nhiên được gia hạn cho học kỳ tới như BST cả quyết. Ở đây còn có vấn đề đề tài cho project (ông NHL chọn làm project thay vì thesis) có được chấp thuận hay không, ở đây còn có thẩm định và đề nghị của chính giáo sư hướng dẫn và hội đồng khoa. Theo tôi biết, ông NHL không có được sự bênh vực của bất cứ ai trong khoa của ông. Không lẽ tất cả đều muốn trả thù ông? Cũng có thể. Nhưng làm sao có thể xem một chuyện như vậy là một điều dễ hiểu? Vì BST đã nhân câu chuyện này để đặt vấn đề với tôi về “hiểu biết căn bản trong đời sống trí thức và lòng tự trọng” một cách rất khéo, tôi xin góp ý thêm với ông.

BST viết “khi trả lời Trần Văn Thủy về hòa hợp hòa giải, ông Trương Vũ nói (trang 141): người Việt chưa có truyền thống dân chủ lâu đời nên dễ chịu ảnh hưởng của những chính sách hay chủ trương của người cầm quyền hay các tổ chức chính trị, về cách ứng xử với những tập thể con người khác. Chỉ tiếc một điều, ở đây không nói trắng ra, kẻ cầm quyền là bộ máy cai trị Việt Nam từ 30 năm nay, tổ chức chính trị là đảng cộng sản Việt Nam.” (tôi tự ý in nghiêng để dễ thảo luận). Tôi thật sự không hiểu là BST có đọc câu kế tiếp của tôi: “Chẳng hạn, ngày nay lãnh đạo Việt Nam không còn coi người Ðại Hàn là “bọn lính đánh thuê Phác Chính Hy” nữa, mà là bạn tốt thì cách ứng xử với nhau cũng thay đổi theo, và sự thay đổi đó được chính thức công nhận và khuyến khích.” Nếu ông không đọc, ông không nên gán cho tôi “điều đáng tiếc” một cách tùy tiện như vậy. Nếu đọc, tôi không tin ông không đủ trình độ trí thức và nhận thức tối thiểu, để hiểu cái châm chọc cay đắng tôi dành cho những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam, và câu nói đó thật ra đã trả lời câu hỏi của ông rồi. Hay ông đã có đọc nhưng cũng phải lờ đi và cố ý nói mập mờ, để người không đọc bài phỏng vấn đó nghĩ tôi là một kẻ thân cộng, giống như cái cách ông NHL và những người yểm trợ ông Luyện viết về tôi. Tôi không thể nêu hết những sự kiện như thế này trong vô số phát biểu trên website của các vị đó. Trở lại bài của BST, tôi nghĩ chắc phải đần lắm mới không hiểu ông ngụ ý gì, khi viết những câu sau đây: “Vài ba kẻ căn cứ vào tài liệu của WJC, không nhìn thấy đâu là nguyên do, dè bỉu cá nhân, công kích tập thể, phán đoán đi trước quan tòa. Có bóng dáng nào phía sau chăng, nếu chúng ta để ý trong đoàn liên ngành cộng sản công du Bắc Mỹ tháng 6-2003, ngoài Bộ Ngoại Giao, Mặt Trận Tổ Quốc, Ủy ban Nhân Dân TPHCM, còn có Dân Vận Trung Ương (kiều vận, kiều trí vận...) và Bộ Công An! Một nguồn tin khác cho biết Tổng Cục 2 tình báo có tới 10.000 nhân viên hoạt động tại hải ngoại, mà theo tiết lộ của một cựu tướng cộng sản, tổng cục này có quyền gài người vào các cơ quan của cộng sản trong cũng như ngoài nước, có quyền sử dụng con dấu của bất cứ cơ quan nào. Tôi đề nghị với ông khi cố viết như một trí thức thì không nên làm công việc của một công an. Tôi cũng muốn nhắc nhở ông cái chuyện “phán đoán đi trước quan tòa” là của những người cho rằng quan tòa thiên vị hay thiên tả khi vụ kiện chưa kết thúc. Hay cứ cố cãi cho bằng được đây đang là một Class Action, trong khi quan tòa đã chính thức bác bỏ thỉnh cầu đó bằng một written order ngày 21 tháng 5, 2003. Lời cuối cùng tôi muốn gởi đến BST:“Với một người trí thức cái đúng, sai khi tranh biện không quan trọng lắm đâu. Cái phần lương tâm của ông ta mới quan trọng, và ông ta sẽ khó che giấu sự trống trải đó khi ông ta cố lờ đi sự thật hoặc ghép lập lờ một số tin tức để vu khống người khác.”

*


Cuối cùng, tôi xin được chia sẻ với Peter Huỳnh Võ chút tâm tình và suy nghĩ của tôi nhân những sự việc mới xẩy ra sau khi có bài viết của tôi. Tôi cảm kích những góp ý chân tình của Peter Huỳnh Võ, Hồng Ðức và của Phạm Văn Thanh. Với Peter, khi tôi viết những dòng sau đây, tôi xem như Peter thuộc ít nhất một thế hệ sau tôi.

Tôi sinh ra trong một xã hội mà những đứa con nít dễ bị tát tai khi nói những điều không hợp người lớn. Trong lúc đó, người lớn thường gọi những người lớn có “thế giá” hơn bằng “Ngài”. Năm 8 hay 9 tuổi, tôi đã từng bị xếp hàng cả buổi sáng trên con đường dọc theo bờ biển để đón “Ngài” Thủ Hiến Phan Văn Giáo đến kinh lý. Và nhiều “Ngài” khác nữa.

Khi tôi lớn lên, đất nước bị phân chia, một cuộc di cư vĩ đại diễn ra, người Pháp ra đi, người Mỹ đến, nền Cộng Hòa ở Miền Nam được thành lập. Mọi sự thay đổi. Chữ “Ngài” biến mất. Con nít ít bị tát tai hơn. Thế hệ tôi, khuynh hướng mới là cha mẹ dạy con, thầy giáo dạy học trò ít bằng uy quyền như cũ, mà bằng cách tìm hiểu, lắng nghe, và thuyết phục. Dĩ nhiên, không phải ai cũng như vậy. Uy quyền vẫn luôn luôn là một cái gì rất hấp dẫn. Không có được trong chính trường, người ta tìm nó trong trường học hay gia đình, kể cả tôn giáo hay một tập thể nào. Tuy nhiên, ở Miền Nam, trường học vẫn là chỗ khó tìm thứ uy quyền đó nhất. Giáo dục Miền Nam tương đối tiến bộ và nhân bản. Sự phát triển của giáo dục Miền Nam đi đôi với sự phát triển của môt nền văn học và nghệ thuật đầy sáng tạo. Miền Nam tương đối có tự do, và chính trong tự do, sức sống và những khát vọng của con người vươn lên ngùn ngụt. Lúc đó tôi không biết, nhưng bây giờ nhìn lại, tôi tin rằng chính cái cấu trúc chính trị tam quyền phân lập của chế độ Cộng Hòa đã giúp rất nhiều cho sự thay đổi đó. Có những con người mới ngày nào xử sự như những tay phong kiến hạng nặng, bây giờ nói năng khác đi, biết tôn trọng người khác hơn, hay ít ra cũng biết cười cười với những người mà ngày trước mình coi không ra gì, để kiếm phiếu. Sinh hoạt chính trị dân chủ lúc đầu rất chuệch choạc và những kiểu tâng bốc, góp ý của vài ông bà dân biểu “gia nô” ở Quốc Hội luôn luôn là đề tài mua vui ở trường học. Lần lần, sinh hoạt ở Quốc Hội tốt hơn, và vào những ngày cuối của nền Ðệ Nhị Cộng Hòa, hai phe thân và chống chính quyền nói năng sôi nổi hơn, có trình độ hơn, và người dân, học trò theo dõi những tranh luận của họ nghiêm chỉnh hơn. Ngoài xã hội, những anh phu xích lô, những tài xế taxi đọc báo, phê bình, chỉ trích, bênh vực thoải mái và cũng rất thẳng thắn. Người dân càng ngày càng ý thức rõ hơn giá trị của dân chủ, tự do, và một đời sống có phẩm cách.

Lẽ ra mọi thứ đã diễn ra một cách tốt đẹp nếu không có chiến tranh. Chiến tranh lấy đi mạng sống những đứa con cưng của xã hội, nhưng đồng thời chiến tranh cũng sản sinh một số con hoang cho xã hội. Những đứa con hoang trong chính trường, trong quân đội, trong thương trường, kể cả trong học đường, trong tôn giáo. Những người trẻ trong xã hội chưa có cơ hội để tham dự vào những quyết định lớn của đất nước, càng ngày càng ý thức rõ thân phận mình. Họ không được có quyết định gì về cuộc chiến. Không có họ trong quyết định khởi động cuộc chiến của Bộ Chính Trị Ðảng Cộng Sản Việt Nam (ÐCSVN) (lúc đó còn gọi tên là Ðảng Lao Ðộng Việt Nam). Không có họ trong quyết định đổ quân Mỹ ào ạt vào Miền Nam, khi Miền Nam đang còn sung sức. Không có họ trong quyết định thả bom ở Miền Bắc để leo thang chiến tranh. Không có họ trong quyết định rút quân Mỹ ra khỏi Miền Nam, khi Miền Nam đầy thương tích trong một cuộc chiến đã leo đến những nấc thang cuối của nó. Không có họ trong những tính toán giữa Nixon và Kissinger. Không có họ trong những bàn thảo giữa Kissinger và Lê Ðức Thọ. Càng không có họ trong quyết định ngu xuẩn rút quân vội vã khỏi Cao Nguyên, đưa đến những ngày ô nhục nhất của Miền Nam. Nhưng họ chết nhiều nhất, hy sinh nhiều nhất, bị cướp đi những thành phần ưu tú nhất, kể cả sau khi cuộc chiến đã chấm dứt.

Dĩ nhiên, còn bao nhiêu người vô tội khác nữa đã hy sinh,... Miền Bắc lẫn Miền Nam. Trong số gần bốn triệu [9] người hy sinh đó, có bao nhiêu phần trăm là những kẻ đã trực tiếp quyết định về cuộc chiến? Làm sao không phẫn nộ về thân phận của mình, của dân tộc mình cho được!

Cuộc chiến chấm dứt gần ba mươi năm rồi, vết hằn của nó vẫn còn rõ nét trong tim óc của hầu như mỗi người thuộc thế hệ tôi. Nhưng không lý chỉ sống để phẫn nộ. Không lý chỉ phẫn nộ bằng cách tự hủy những giá trị của mình, chỉ vì ở bên kia bờ đại dương, những người có quyền lực không coi trọng những giá trị đó. Và những giá trị đó đâu phải chỉ rút gọn lại một cách đơn giản vào hai chữ “chống cộng”. Khi rời bỏ quê hương trong những hoàn cảnh bi đát vào những ngày cuối của cuộc chiến và sau đó, có mấy ai không phải là người chống cộng, trong đó có người thông minh kẻ ngu dốt, người tốt kẻ xấu, người hết lòng cho nước lẫn kẻ hại nước. Không lý cứ mỗi lúc là phải tự xưng mình là người chống cộng. Về khoản đó ai cũng giống ai, nói được cái gì. Cái quan trọng là làm được gì cho cuộc đời, như một nhà văn hóa, như một nghệ sĩ, như một chuyên viên, như một nhà chính trị,... hay chỉ như một con người, nói chung, sống hết lòng với niềm tin của mình, bảo vệ và phát huy những giá trị mà mình đã mang theo. Chính sự bảo vệ và phát huy những giá trị đó làm nên sự khác biệt, chứ không phải những danh xưng.

Ba mươi năm qua, biết bao nhiêu là biến đổi, trên toàn thế giới, trên quê hương, kể cả trong mỗi con người của chúng ta. Ða số người Việt sống trên đất nước và trong CÐVNHN ngày nay là những con người đã sinh ra hay lớn lên sau khi chiến tranh chấm dứt. Họ nhìn cuộc chiến cách khác, họ yêu hay ghét cuộc đời với những lý do khác, họ có những phẫn nộ khác.

Ba mươi năm qua, Ðông Âu đã sụp đổ, Liên Sô đã sụp đổ. Chế độ cộng sản ở trong nước, mặc dầu thỉnh thoảng vẫn ngắm nhìn những vết thương cũ để gợi nhớ một thời vang bóng, nhưng thực tế cho thấy chẳng có bao nhiêu chất cộng sản còn lại trong chế độ đó. Gọi là tư bản đỏ, là mafia, là độc đảng, là chuyên chính, hay thứ gì cũng được, nhưng cộng sản chỉ còn là một danh xưng. Trên đất nước đó, chữ “Ngài” xuất hiện trở lại và sống mạnh. Ba mươi năm trước đây có ai tưởng tượng nổi ngày nào đó một anh lính của QLVNCH cũ, Năm Cam, thao túng xã hội đó như thế, đã có tay chân đến cấp thứ trưởng trong một guồng máy mà ai cũng nghỉ là chặt chẽ đến độ một con kiến không lọt qua được. Nào ai biết, ngoài Năm Cam, còn bao nhiêu Sáu Quít, Bảy Xoài đang tung hoành ở đó. Vào lúc này mà nói chuyện chống cộng với ngôn ngữ, phương thức của ba mươi năm cũ chẳng khác gì chống những hồn ma trong một không gian của hồi tưởng. Chẳng khác gì đi đi lại lại trên những lối mòn của tâm thức.

Chống những hồn ma không được, thì chống nhau. Ai không giống mình người đó là cộng sản, là phản bội.

Ước mơ đơn giản của tôi, và có thể của rất nhiều người trong chúng ta, là một cơ cấu chính trị tam quyền phân lập được xây dựng trên quê hương, như đã được xây dựng ở Miền Nam trước đây, như đã được xây dựng thành công ở Ðại Hàn hay Ðài Loan, không nói chi đến Nhật Bổn hay các nước tiên tiến khác. Ðơn giản nhưng làm sao thực hiện được trong hoàn cảnh phức tạp như thế này, với nhiều trở lực như thế này lại là một bài toán khó vô cùng. Nhưng giải quyết được bài toán đó hay không chủ lực phải là người trong nước.

Hải ngoại làm được gì cho một giải pháp như vậy tùy theo sự dấn thân của mỗi người ở hải ngoại. Trong hoàn cảnh phức tạp đó, khó nói sự dấn thân nào hơn sự dấn thân nào. Nhưng trên hết, hình ảnh của hải ngoại như một biểu tượng của dân chủ, tự do, và đời sống có phẩm cách phải là một hình ảnh rõ nét và lôi cuốn. Nhưng dân chủ, tự do, và đời sống có phẩm cách không thể xây dựng được chỉ bằng những lời tự xưng. Làm sao có dân chủ, khi người ta không có khả năng hiểu được cái khác nhau một trời một vực giữa cái bản hiến pháp của một chính thể dân chủ với nội qui của một hội đoàn, nên khi sinh hoạt hội đoàn nói năng như một ông tổng thống cả với những người không là thành viên của hội đoàn đó. Làm sao có tự do khi người ta chỉ hiểu tự do là ngăn chận những tiếng nói không hợp với ý mình chớ không phải theo tinh thần câu nói của Voltaire:“Tôi ghét câu nói của anh nhưng tôi sẽ tranh đấu đến chết cho cái quyền của anh được nói câu đó”. Làm sao có một đời sống có phẩm cách khi người ta chỉ dùng mạ lỵ, mạt sát đối với những tiếng nói khác mình, để tạo nên một cộng đồng trong đó không mấy ai dám nói lên lời trung thực, chỉ vì rợn người với những lời phỉ báng và chụp mũ.

Khi tôi đọc những phản ứng của những người xưng “bác” với Peter trên liên mạng, và những xưng tụng dành cho “bậc đàn anh” của họ, tôi nghĩ đến những cái tát tai dành cho trẻ con và chữ “Ngài” dùng cho người lớn hơn vào thời xa xưa. Tôi cảm nhận được cái “ớn” của Peter. Nhưng tôi chắc Peter không thấm thía hết cái đau của tôi, và có thể của rất nhiều người ở thế hệ tôi hay lớn hơn khi chứng kiến cái cảnh này.

Thử đặt mình vào địa vị của những người chủ trương độc tài và duy trì quyền lực ở bên kia bờ đại dương. Họ muốn những người chống đối họ là loại người nào? Có phải họ muốn những người chống đối họ là những người có thể được quần chúng ở trong nước và hải ngoại kính trọng, ái mộ, hay họ muốn những người chống đối họ chỉ là những kẻ mà ai nấy đều “ớn”, như tôi đã từng “ớn” trong thời niên thiếu, hay đang “ớn” như Peter Huỳnh Võ bây giờ?

Với những dòng chữ này, tôi chấm dứt phần tham dự của tôi vào những tranh luận liên quan đến vụ kiện William Joiner Center.

(Maryland, cuối tháng 8 năm 2004)

© 2004 talawas




[1]Ðăng tải trên Diễn Ðàn talawas và các tuần báo Việt Tide (California), Văn Nghệ (Virginia), Ngày Nay (Texas), và Người Việt (California) vào các tháng 7 và 8, 2004.
[2]Thơ của ông Nguyễn Hữu Luyện đề ngày 9 tháng 8, 2004 đăng trên các diễn đàn cộng cộng trên internet như Chính Luận, Nghị Luận, Thảo Luận, Diễn Ðàn Công Luận. Ðã được đăng tải trở lại trên Mục Diễn Ðàn của Người Việt Online tháng 8, 2004.
[3]Thơ của Peter Huỳnh Võ đề ngày 9 tháng 8, 2004 trên các diễn đàn đã dẫn.
[4]Thơ của Phạm Văn Thanh đề ngày 11 tháng 8, 2004 trên các diễn đàn đã dẫn.
[5] Hoàng Hữu Nguyên, “Chân Lý Ở Bên Kia Dãy Núi Pyrénée”, ngày 13 tháng 8, 2004 trên các diễn đàn đã dẫn.
[6]Theo Phạm Bá Hoa, “Trận Chiến Vụ Kiện WJC,” đăng tải ngày 6 tháng 8, 2004 trên các diễn đàn đã dẫn và các bài viết của ông Nguyễn Hữu Luyện cũng trên các điền đàn này. Bài của Phạm Bá Hoa là bài tổng kết vụ kiện. Không thấy ông Nguyễn Hữu Luyện phủ nhận bất cứ thông tin nào nêu ra trong bài viết này.
[7]Viết ngày 17 tháng 8, 2004, đăng trên các diễn đàn đã dẫn.
[8] Xin vào website sau đây để biết các chi tiết về vụ Nancy Strout http://grants.nih.gov/grants/guide/notice-files/NOT-OD-04-057.html
[9]Theo Lê Xuân Khoa, VIỆT NAM 1945- 1995 Tập I, Nhà Xuất Bản Tiên Rồng, Maryland, USA, 2004, trang 26, Miền Nam chết hơn 100 ngàn quân và gần nửa triệu dân, Miền Bắc hơn một triệu quân và cán bộ và khoảng hai triệu dân.